Có ba vấn đề chính được nêu lên qua câu chuyện trên.
1. Bàn luận thị phi, câu chuyện thường nhật của mọi người.
Cổ đức nói, tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi, có nghĩa ngồi yên tĩnh thường suy xét lỗi mình, trò chuyện đừng nhắc lỗi người. Phần đông đề tài câu chuyện của mọi người đều quay quanh chuyện thị phi của người. Bàn việc xấu tốt của người có hai loại, một là bàn để giải trí giết thì giờ, để khen chê theo ý, vọng sinh tắng ái, không đưa đến sự giáo dục cho mình và cho người, chuyện thị phi này người học đạo tuyệt nhiên không nên phạm, loại thứ hai là luận thị phi của người để tự giáo dục mình hay giáo dục người khác, lấy đó làm gương mà sửa đổi hoặc noi theo, như Khổng tử nói trạch kì thiện nhi tùng chi, trạch kì ác nhi cải chi, có nghĩa lấy cái thiện của người để làm theo, coi cái ác của người mà sửa mình, như vậy thì mọi thị phi là thầy mình, là sự giáo dục cho mọi người, nếu thị phi chỉ đưa đến sự dè bỉu khinh chê người khác, hay moi móc lỗi người để ngầm khoe đức mình, thì đó là thị phi vô giáo dục, không phải chuyện của người trí đức.
2. Háo danh nên dễ sinh đấu tranh
Danh có vô lượng danh, gọi nôm na là tiếng, như tiếng giầu, tiếng đẹp, tiếng tốt, tiếng hào hoa, đủ mọi thứ tiếng, thế nhân đều ham danh, nhưng trong vô lượng danh đó, con người ưa chuộng nhất là tiếng tốt. Mặc tử nói, khen một người không đúng sự thật có thể làm họ phản cảm, như khen một người nghèo cùng là giầu, hay một người ngu là thông minh, hoặc một người xấu xí là đẹp, họ sẽ không vui và không tiếp nhận lời đó vì họ nghĩ là đang bị mỉa mai, thế nhưng bất cứ ai khi được khen là người tốt, đều vui vẻ tiếp nhận lời khen, cho dù là gã bất lương hay đạo tặc cũng rất thích được khen là người tốt. Như vậy bất chất sự thật đến thế nào đi nữa mọi người đều sung sướng đón nhận lời khen họ là người tốt. Vì vậy khi bị phê bình là người không tốt, tất nhiên họ sẽ không vui đến mức giận dữ, sinh hồ đồ, và điều này chứng tỏ quả nhiên họ tốt không đúng thật, nói cách khác là không thật sự tốt.
3. Thế nào là người tốt đúng thật.
Đúng thật có nghĩa phù hợp với sự thật. Sự thật của tốt không có nghĩa một người tốt với mình là thật tốt, như quan niệm phổ thông của thế gian, vì nếu một người tốt với mình, dụ như họ giúp mình làm hại người, hay bao che tội ác của mình, như vậy đối với mình thì tốt nhưng với tha nhân thì lại bất lương vô cùng, do đó không thể gọi là tốt đúng thật được. Thế gian chỉ thất cái tốt ngụy mà không thấy được cái tốt chân thật, nên loạn thuyết tha nhân thị phi, kì thật thì chẳng hiểu cái thật của thị phi là gì, chỉ thấy cái gỉa tốt tức cái tốt không đúng với thật. Nên mọi đàm luận về thị phi đều trở thành một sự thị phi vô giáo dục, không đem đến một sự cải thiện hay hiểu biết thực cho mình và người.
Nói chung người tốt đúng thật là người đối xử mọi người bình đẳng, giữ gìn thiện pháp không để mất vì ngũ dục.
4. Thái độ khi nghe thiên hạ thị phi về mình.
Thói thường thiên hạ rất hoan hỷ khi nghe người ca tụng, cho dù không trúng sự thật, và rất bất mãn hoặc phẫn nộ khi nghe người chỉ trich chê bai, bất luận trúng hay sai. Vì tâm lí chỉ thích được khen, nên càng kị sự chê, tâm lí này đưa đến thái độ chỉ để tâm ý đến khen chê, mà chẳng màng đến sự thật của sự khen chê này. Nên rất dễ dao động trước lời khen chê, Phật pháp gọi là bát phong.
Đức Phật dậy hàng đệ tử, khi nghe một lời chê chớ nên vội buồn, mà hãy suy xét xem lời chê có đúng thật không, nếu đúng thì nên sửa hơn là nên buồn, còn nếu sai thì người bị chê đó thực chẳng phải là mình, nên chẳng có gì để buồn, vì trí gỉa chỉ để tâm đến sự thật, chỉ buồn nếu mình thực sai, còn phàm phu chỉ để tâm đến lời khen chê, nên chỉ buồn nếu bị chê, và vui khi được khen dù sự thật rất tệ. Ngài lại dậy, khi nghe một lời chớ nên vội vui, mà hãy suy xét lời khen này có đúng thật không, nếu đúng thì chẳng có gì để vui, nếu không đúng thì lại càng không thể vui. Phàm phu được khen sai cũng vui, vì không cần sự thật chỉ cần lời khên, và nếu khen đúng cũng rất vui, nhưng nếu đúng thì tự mình vui lâu nay, cần gì đợi đến khi có lời khen mới thấy vui.
Tóm lại câu chuyện này cho ta thấy rằng, thiên hạ đa số đều hồ đồ như gã đánh người, vì khi chỉ coi trọng lời khen chê mà coi thường sự thật thì rất dễ vui giận với lời khen chê, nên dễ nổi nóng vì lời chê và đã nổi nóng thì hành động lỗ mãng. Thậm chí người tu hành cũng không thoát tâm ý này, nếu không thường quán sát thật tướng của mọi pháp, nhất là hàng tu hành chỉ trọng hình thức bề ngoài để được lợi dưỡng mà không hay cứu xét tâm tính.
Mặt khác của câu chuyện, đó là nhiều khi đính chính lại là xác nhận, và đôi khi chấp nhận lại là lời đính chính hay nhất. Như gã sân này, đánh người để đính chính rằng tôi là người không dễ sân, mà nó dám nói là tôi dễ sân, nên đập một trận cho chừa tính vu khống, nhưng chính hành động đính chính này lại là lời xác nhận hùng hồn cho thấy gã này quả dễ sân si và hành động nông nổi. Ví dụ như gã vào xin lỗi và cám ơn người đã chỉ trích đúng về gã, thì ai nấy lại thấy gã đâu có sân chút nào, và người kia nói không đúng sự thật. Cho nên người biết nhận lỗi tức là người biết điều, người không nhận lỗi tức người không biết điều. Lỗi là ở sự không biết điều, biết điều chưa bao giờ là lỗi. Thế nên Thế tôn khen người biết nhận lỗi là bậc trí (kinh Niết bàn).
Thế nhưng sân có sân hận của phàm phu và huệ sân (crazy wisdom) của bồ tát, đó là sự dùng nghịch cảnh để đưa chúng sinh đến chỗ hồi đầu, tùy theo tâm tính chúng sinh, có những chúng sinh cần dùng nghịch cảnh để độ (hàng này chiếm đa số) thì dùng ác đạo, có những chúng sinh cần dùng thuận cảnh để độ, thì dùng tịnh độ. Thế nên Như lai vừa xuất hiện ở Ta bà thuyết pháp cho ngũ trược ác thế chúng sinh, đồng thời vừa hiện thân thuyết pháp cho bồ tát ở Bảo trang nghiêm tịnh độ. Trợ duyên cho chúng sinh nơi ngũ trược là sân pháp, khiến chúng sinh giác ngộ được bản chất khổ, và bất như ý của thế gian hầu sinh tâm yếm ly ta bà, mà hân cầu tịnh độ. Nếu nơi ngũ trược mà cho như ý ắt khiến chúng sinh phát khởi tham tâm bám víu thế gian hơn nữa. Như Hòa thượng đánh nai để cứu, tức dùng sân pháp độ súc sinh. Bồ tát thường dùng gậy khổ, vô thường, phiền não đánh cho chúng sinh chạy qua bờ kia. Như phương pháp cứu hỏa của Huyền sa Sư bị.
Như lai khi độ hóa ngũ tỳ kheo đã tam chuyển pháp luân. Lần đầu khai thị chân tướng tứ đế gọi là tướng chuyển. Đây là khổ có tính bức bách, đây là tập có tính chiêu cảm, đây là diệt có tính khả chứng, đây là đạo có tính khả tu. Phật dậy năm tỳ kheo chân tướng tứ đế để khuyên y pháp tu hành.
Lần nhì khuyến tu chuyển. Đây là khổ nên biết, đây là tập nên đoạn, đây là diệt nên chứng, đây là đạo nên tu.
Lần thứ ba tác chứng chuyển. Dùng Phật tự chứng minh. Đây là khổ ta đã biết, đây là tập ta đã đoạn, đây là diệt ta đã chứng, đây là đạo ta đã tu.
Đối với Phật pháp điều căn bản để phát tâm tu hành là chân nhận thức nhân sinh thị khổ, nếu chúng sinh không nhận ra điều này tất tâm tu hành sẽ bị tâm ái nhiễm thế gian tiêu diệt. Vì vậy khổ là trợ duyên tu hành của người học Phật bao quát cả đại lẫn tiểu thừa.