Hơn mười năm nay, tòa hạ tìm Thầy học đạo để mưu sự lợi ích cho mình và người, đó là điều đáng khen ngợi. Nay lại buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật, lấy quả giác làm nhân địa tu hành, có thể sẽ thân chứng Tam muội và chiếm được phẩm cao. Nếu tòa hạ phát lòng quả quyết thì sự mong cầu tất nhiên thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật tuy nhiều, song chứng Tam muội rất ít, vì chưa buông được muôn duyên giữ một niệm, nên tâm cùng Phật khó dung hợp nhau. Tòa hạ đã thiết thật giữ sạch thân tâm, lẽ nào lại không có chỗ sở đắc? Nhưng trong thơ về mấy điểm: “Tỏ lòng thấy tánh, thoát ly sự sống chết và bằng cứ chứng đạo đến tay”, cần phải đôi chút phân biệt.
Nếu tu theo giáo lý thông thường, dù được tỏ lòng thấy tánh, cũng còn cách xa với sự thoát ly sống chết luân hồi, vì cảnh giới ấy thuộc về ngộ chớ không phải chứng. Người đời nay ngộ đạo còn rất ít, huống nữa là chứng ư? Chứng đạo thì hoặc nghiệp mới hết sạch, gốc sanh tử đã dứt, không còn cảm quả luân hồi. Bậc Tu đà hoàn bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian, mới tiêu hết hai món hoặc kiến, tư, chứng quả A la hán. Ngài Thiên Thai thị hiện ở ngũ phẩm, Ngài Nam Nhạc ở ngôi Thập tín; các bậc Đại sĩ ấy còn ẩn thật đức của mình, tự bảo chỉ được địa vị nội, ngoại phàm, thì đâu phải dễ dàng khi muốn nói chứng đạo? Song đây là ước theo giáo lý thông thường để luận sự khó khăn về chứng đạo trong hiện đời. Nếu cứ theo môn Tịnh độ là pháp đặc biệt của đức Như Lai lập ra, thì trên từ bậc Đẳng giác dưới đến hạng tội nặng A tỳ, như đủ tín nguyện, đều được nương sức từ của Phật sanh về Cực lạc. Khi đã vãng sanh, tất sự tỏ ngộ cùng chứng đạo dễ dàng như lượm cỏ. Một điều hơi khác, tòa hạ chuyên tâm niệm Phật, không đề cập đến sự vãng sanh trong lúc lâm chung, lại nói có thể nắm chắc bằng cứ chứng đạo. Nói rằng chứng đạo cũng được, sao lại bảo: bằng cứ đến tay? Nếu bằng cứ đến tay thì không cần luận, thảng như không đến mới liệu làm sao? Xét qua ý tứ trong lời nói ấy, dường như tòa hạ chỉ niệm Phật suông, không phát lòng tín nguyện cầu sanh Cực lạc. Đó là lối dùng sự niệm Phật làm câu thoại đầu của nhà tu Thiền, không đúng với tông chỉ Tín Nguyện Hạnh trong môn Tịnh độ. Niệm Phật không tín nguyện so với phép tu Thiền tham câu thoại đầu tuy công đức lớn hơn, nhưng nếu hoặc nghiệp vẫn còn, tất không được giải thoát. Lại bởi không tín nguyện, nên không thể nương nhờ sức Phật tiếp độ, vẫn là pháp môn tự lực thông thường, rất khó chứng đạo. Chớ cho sự tín nguyện cầu sanh là thấp kém, vì trên hội Hoa Nghiêm, hải chúng trong cõi Hoa Tạng đều dùng mười đại nguyện vương để hồi hướng vãng sanh. Hơn nữa, các bậc Bồ tát, Tổ sư trong tông Tịnh độ đều bảo phải phát lòng tín nguyện cầu sanh Cực lạc. Sao Tòa hạ lại lập riêng môn đình không theo Thánh quy của Phật, Tổ như thế? Và, người đã suốt tháng, suốt năm, suốt đời niệm Phật, đâu nên không tu hạnh Lễ Kỉnh? Trong mười đại nguyện vương, Lễ Kỉnh đứng đầu, tòa hạ bỏ việc gì còn có thể được, quyết không nên bỏ sự lễ Phật. Nếu chẳng lễ Phật chắc khó cảm thông, vì lẽ thân ưa an ổn, tất thiếu trợ duyên để triển đạt hết lòng thành. Theo phép chuyên tu của Ngài Thiện Đạo thì thân chuyên lễ, miệng chuyên xưng, ý chuyên niệm, niệm cùng cực tự nhiên ngoài tâm không Phật, tâm Phật như nhau.
Sự chứng đạo ấy, các lối tu chứng về tự lực không thể sánh kịp. Về việc này, người xưa đã thí dụ như tên dân hèn kém nương bánh xe báu của Luân Vương, một ngày có thể dạo khắp bốn châu lớn. Vậy tòa hạ không nên đem pháp môn niệm Phật rất đặc biệt, tu theo đường lối tự lực về quán hạnh thông thường. Ấn Quang tuy hèn ngu, thật chẳng dám hứa nhận việc ấy. Nếu tòa hạ có thể dùng lòng trong sạch không nhiễm mảy trần, phát ba tâm mà niệm Phật, thì hiện đời sẽ thân chứng Tam muội, sau khi mạng chung liền sanh về Thượng phẩm. Như thế, Ấn Quang xin vòng tay trước để chúc mừng.
Kẻ ngu ngàn việc, dùng được một điều, mong Tòa hạ xét lại.