Home > Khai Thị Niệm Phật
Khai Thị Niệm Phật Cho Người Già
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Pháp ngữ dạy nữ cư sĩ Châu Dư Chí Liên

Bà đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, chẳng bao lâu nữa sẽ phải chết. Hiện thời phải nhanh chóng thu xếp hết thảy mọi việc cho tốt đẹp, trong tâm ngoại trừ niệm Phật ra, không để vướng mắc bất cứ chuyện gì khác thì khi lâm chung mới có thể không vướng mắc, không ngăn ngại. Nếu bây giờ cứ vẫn chuyện gì cũng không buông xuống được như thế, vẫn nhìn không thông suốt, khi lâm chung tất cả những tâm tham luyến y phục, đồ trang sức trên đầu, nhà cửa, con cháu sẽ đều hiện ra hết, như thế thì làm sao có thể vãng sanh Tây Phương cho được? Đã không thể vãng sanh được thì bà một đời thủ tiết niệm Phật và làm đủ mọi chuyện hữu ích sẽ hoàn toàn trở thành phước báo!

Hiện thời bà vẫn chưa có trí huệ, tuy thường tinh tấn niệm Phật, trong tâm vẫn chưa quyết định cầu sanh Tây Phương, đến đời sau trong lúc hưởng phước chắc chắn bị phước mê hoặc, sẽ tạo các ác nghiệp. Đã tạo ác nghiệp, chắc chắn phải đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ! Nỗi khổ lớn lao ấy đều là do đời này niệm Phật chẳng biết quyết định cầu sanh Tây Phương chiêu cảm. Quang thương xót bà, sợ bà mai sau có thể lâm vào tình huống ấy cho nên lập sẵn cách cho bà. Nếu bà chịu nghe theo lời tôi, sẽ chẳng do phước mà mắc họa.

Hiện thời tuy bà rất mạnh khỏe nhưng phải nghĩ mình sắp chết. Bây giờ cần mặc những thứ quần áo nào thì giữ lại để mặc, phàm những thứ y phục quý trọng như lượt, là, áo da v.v… đều chia cho cháu, cho dâu. Những thứ cài đầu, xuyến đeo tay, hoa tai, vàng, bạc, phỉ thúy [1] v.v… đều dùng để cứu giúp dân chúng bị tai nạn. Dùng công đức ấy để hồi hướng vãng sanh. Nếu trong tâm thấy biết nhỏ nhoi, chẳng thể đem cứu vớt tai nạn thì cũng nên chia cho con gái, cháu dâu, cháu gái v.v… Bên thân mình quyết chẳng được giữ lại những thứ khiến cho con người dấy lòng tham luyến ấy. Tất cả những khoản tiền dành dụm để phòng khi dưỡng già cũng nên giao hết cho con cháu, dù là khế ước, sổ sách ruộng đất v.v… đi nữa cũng nên giao hết sạch [cho người khác]. Trong tâm bà trừ chuyện niệm Phật, chẳng để cho có một chút ý niệm nào khác! Ngay cả cái thân của bà cũng chẳng tính toán sẵn sau khi chết đi sẽ nên an bài ra sao. Ngay cả với cháu, chắt cũng đều nên coi như người không quen biết, mặc kệ chúng nó hay dở ra sao, ta chỉ quan tâm niệm đức Phật của ta, nhất tâm mong chờ đức Phật đến tiếp dẫn ta vãng sanh Tây Phương.

Bà làm theo đúng như lời tôi nói, hết thảy mọi sự đều buông xuống hết, đến lúc lâm chung tự nhiên cảm được Phật đích thân rủ lòng tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu vẫn cứ tham luyến hết thảy những vật tốt đẹp, tiền bạc, ruộng đất, nhà cửa, đồ cài đầu, quần áo và con cái, cháu chắt v.v… y như cũ thì vàn muôn phần chẳng thể vãng sanh Tây Phương được! Đã không sanh về Tây Phương được thì đời sau chắc chắn có si phước để hưởng, do hưởng phước sẽ tạo nghiệp, chắc chắn khi một hơi thở ra không hít vào được nữa sẽ đọa lạc trong tam đồ vì ác nghiệp ngăn lấp vậy! Tâm thức chẳng rõ, dẫu có một vị Phật sống đến cứu bà cũng chẳng cứu được, há chẳng đáng thương đáng xót lắm ư? Xin bà hãy tin lời tôi nói thì thật là may mắn không chi hơn được!

[1] Phỉ Thúy (Jadeite) là một loại ngọc quý, còn được gọi bằng những danh xưng Thúy Ngọc, Ngạnh Ngọc, Miến Điện Ngọc, màu xanh lục đậm hơi biếc giống như màu lông chim Phỉ Thúy (chim bói cá, chim trả) nên mới có tên như vậy. Ở Trung Hoa không có loại ngọc này, phải nhập từ Miến Điện về nên rất quý và mắc tiền.
 
Trích từ: Ấn Quang Văn Sao Tục Biên


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
2.    Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Thiện Tương Khuyến | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
6.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Bổ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
7.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Trọn Bộ 4 Quyển, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
8.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên Tập 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
9.    Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch