Người niệm Phật chỉ cần cử một câu Di-đà, lấy đó làm việc hướng thượng thẳng tới. Ngài Vĩnh Minh nói: “Cách học đạo không có gì kỳ đặc, ngoài việc chỉ cần tẩy sạch chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay của sáu căn”. Lời này quả rốt ráo! Bởi con người sống trong vòng ngũ dục, thí như thích sắc thì có bóng dáng của sắc rơi ngay trong cửa ngõ sáu căn. Khi vào sâu trong ruộng tám thức, nó thường hiện khởi trong thấy, nghe, hiểu biết, sanh tình sanh ái, xả bỏ không được. Nó khởi vô số Hoặc, sanh vô lượng tham đắm, tạo vô lượng nghiệp, chịu vô vàn khổ, đều do bóng dáng này gây nên. Bóng dáng tức là chủng tử, cũng chính là tập khí. Phật biết tập khí khó trừ nên dạy chúng ta chấp trì một câu Di-đà, chuyên tâm mà niệm thì tập khí dần dần tiêu, ánh sáng của tâm dần dần hiển lộ, từ phần chứng dần dần đến toàn chứng. Niệm niệm liên tục, tất đến lúc tập khí tiêu hết, gốc rễ tự dứt thì tự nhiên cùng chư Phật sánh vai mà đi, đồng thở một lỗ mũi. Đó chẳng phải là một câu mà rõ ràng vượt hẳn trăm ức chăng! Sắc là một trong ngũ dục đã như vậy, thì thanh, hương, vị, xúc có thể tự nghiệm biết.
Kinh Hoa Nghiêm chép: “Nếu người muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh ý mình như hư không, lìa xa vọng tưởng và các nẻo, khiến người hướng đến đều không ngại”. Cảnh giới Phật thì người người vốn có, mỗi mỗi hiện thành, chỉ vì trần tình che lấp nên nó trở thành biển nghiệp. Nay muốn chuyển biển nghiệp này thành cảnh giới Phật thì trước tiên phải làm thanh tịnh ý mình. Ý đã tịnh thì ngày ngày thường ở trong cảnh giới Phật. Rất nhiều người sở dĩ không làm thanh tịnh ý mình được, đều do bị vọng tưởng và các nẻo làm nhiễm ô. Muốn lìa xa nó thì phải thống thiết mà sách tấn lên, nhất tâm bất loạn chấp trì danh hiệu, chớ bàn thị phi, được mất, chỉ một lòng tin vào lời Phật, niệm tịnh liên tục, câu câu rõ ràng. Niệm đến lâu ngày tất nhiên chuyển hóa vọng tưởng thành chánh niệm, biến các nẻo thành giải thoát.
Pháp môn Tịnh Ðộ xem thì dường như dễ, trì thì thật là khó. Bởi người học tập thì ít, người nghi ngờ thì nhiều, nên pháp môn vi diệu này ít có người đủ lòng tin thú hướng tu tập. Do đó trong Kinh Di Đà gọi đây là “pháp khó tin”. Phàm ý chỉ thâm sâu của Phật là muốn con người mượn Di-đà ở Tây phương để chứng Di-đà của chính mình, mượn Tịnh Ðộ của Tây phương để chứng Tịnh Ðộ của chính mình. Chứng đắc Tịnh Ðộ, Di-đà của chính mình, thì Tây phương cũng là cõi Phật của chính mình. Không những Tây phương là cõi Phật của chính mình mà Đông phương uế độ của tất cả chúng sanh cũng là Tịnh Ðộ của chính mình, Di-đà của chính mình, cho đến thế giới mười phương, không có mảy vi trần nào mà chẳng phải là cõi Phật tự tâm của ta. Tất cả diệu dụng ấy đều nằm trong một câu Di-đà. Khai cội nguồn, mở căn nguyên thì một Tịnh thì tất cả Tịnh, một chứng thì tất cả chứng. Pháp môn này ý chỉ sâu xa, không phải người học rộng, tu tập lâu ngày thì không thể thấu suốt được.
Tây phương được gọi là thế giới Cực Lạc. Lạc này là sự an lạc xứng tánh. Cơm áo hiện thành, lầu đài đủ cả, ao báu tùy ý, nhạc trời rộn vang, khí trời ôn hòa, con người không bị cái lạnh cắt da. Gió nhẹ thổi qua, phiền não tiêu sạch, hoa rơi lả tả, hương trời thơm ngát, lại có chim muông thuyết pháp nên người mê cũng ngộ. Có bậc thượng thiện làm bạn, nên kẻ tà cũng thành chánh; ánh sáng có cả ngày đêm, nên u ám trừ sạch, thấy nghe thanh tịnh, trí tuệ tăng trưởng, hằng sa Tam-muội chẳng cầu mà tự chứng, vô lượng diệu dụng, đâu đợi tu lâu. Còn nữa, không có cái vui thoái đọa mà có niềm vui tinh tấn, bởi vậy chư Phật mười phương tán thán, quả thật là cảnh giới không thể nghĩ bàn của Đại thừa, khiến cho chúng sanh vượt ngang ba cõi, lên thẳng Bát Ðịa, quyền thừa Nhị thừa lẽ đâu sánh kịp! Còn như người chuyên chí Tây phương, chỉ trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn thì vào ngay đất Bất Thoái, khoanh tay an nhàn, như vầng trăng sáng rỡ giữa hư không, không mảy trần nào vấy bẩn được, như hoa sen mọc lên từ đất dơ. Cuối cùng khép mắt, đứng mà chết, ngồi mà tịch, thong dong nơi thế giới Cực Lạc, không khác Phật A-di-đà.
Sau khi tỏ ngộ còn phải siêng niệm Phật để sanh Tây phương chứng đắc hằng sa diệu dụng. Một khi đã sanh về cõi ấy thì không thứ gì ta không biết, không hiểu, thấu tận căn nguyên của các pháp, đó gọi là “chứng đắc trí tuệ đồng như Phật”. Hễ thân cận Di-đà thì tất cả phiền não trong đất phàm tâm, nào hiện hành, chủng tử đều dứt sạch, đó gọi là “làm sạch không phiền não đồng như Phật”. Hàng Ngũ Ðịa Bồ-tát của Hoa Nghiêm vẫn còn học khắp tất cả pháp thế gian để tùy thuận giáo hóa chúng sanh, còn như người sanh Tây phương, thì tất cả hoặc nghiệp chướng ngại việc giáo hóa, dù nhỏ nhiệm như mảy trần, hạt cát đều rốt ráo đoạn sạch, đó gọi là “phá sạch trần sa như Phật không khác”. Tất cả vô minh khó đoạn nhất, Thích-ca tu tập trong muôn kiếp ngàn đời mới đoạn sạch, còn như người sanh Tịnh Ðộ liền đoạn ngay được vô minh, lên ngay quả Đẳng Giác, đó gọi là “đoạn sạch vô minh như Phật không khác”. Hễ người sanh về Tây phương, đi trên đất như đi trên nước, đi trên nước như đi trên đất, vô số biến hóa, không thứ gì mà làm chẳng được, đó gọi là “đủ cả thần thông như Phật không khác”. Hễ nghe diệu pháp âm thì thấu triệt ngọn nguồn lý tánh, tự tại vô ngại, an vui xứng tánh, đó gọi là “thấy suốt thể tánh như Phật không khác”. Hễ nương thần lực của Phật thì đủ sức giải thoát, làm được việc khó làm, độ những kẻ khó độ, điều phục kẻ cang cường, hạnh nguyện Bồ-đề thảy đều tu tập, không thứ gì chẳng thể viên mãn, lại có hằng sa diệu dụng, vô lượng diệu trang nghiêm, đó gọi là “chứng các diệu hạnh như Phật không khác”. Đến được đất này thì gọi là sanh vào nhà Như Lai, thọ dụng đồng như Phật. Nếu sau khi rõ tâm thấy tánh mà liền khoanh tay, không đặt chí về Tây phương Tịnh Ðộ thì người này trụ nơi Hóa thành của Thanh văn, rốt cuộc không được vào Bảo sở của chư Phật.
Phàm con người, chỉ một niệm bất giác thì mê việc lớn này, đánh mất chánh niệm kim cang liền trở thành vọng niệm tạp nhiễm. Niệm này vừa khởi ở trong thì hiện ngay ra đầu cửa sáu căn, đều là việc tạp nhiễm. Bởi vậy, những gì chiêu cảm từ bên ngoài đều là uế độ tạp nhiễm. Thế giới một phương đã uế thì thế giới mười phương cũng thành uế độ, vô lượng diệu nghĩa, trăm ngàn pháp môn đều biến thành gai góc. Những thứ mắt thấy, những điều tai nghe, tất cả đều thành cảnh của phiền não. Bởi vậy, chúng sanh bị nó trói buộc, chịu vô lượng khổ, không được giải thoát. Phật mở con đường thẳng tắt vi diệu, khiến người tin mà đi tới, có thể đoạn dứt khổ, chuyển được tâm. Nhưng cần phải buông bỏ mọi việc, chỉ cử một câu Di-đà, chẳng kể gì rảnh bận. Tu tập nhiều tháng nhiều năm, tự nhiên thuần nhất không tạp, đã thuần lại thuần hơn, liền được nhất niệm thuần chân. Đó là nhất niệm thuần tịnh. Một niệm thanh tịnh thì sáu căn thanh tịnh. Bên trong thân tâm đã thanh tịnh thì bên ngoài chiêu cảm thế giới Tịnh Ðộ cũng được thanh tịnh. Nói rộng ra thì thế giới mười phương cũng thanh tịnh, đương nhiên không rơi vào bốn câu, trăm lỗi. Đây là diệu dụng xuất cách. Nhân đã thanh tịnh thì quả đương nhiên sẽ thanh tịnh. Như cha thanh tịnh hay thực hành lòng từ, thì con thanh tịnh hay tận tâm hiếu kính; vua thanh tịnh hay dùng người sáng suốt thì bề tôi thanh tịnh hay bắt chước người tài. Tăng thanh tịnh hay thành tựu đạo nghiệp thì tục thanh tịnh hay học theo phạm hạnh ấy. Trong cảnh thuận mà thanh tịnh thì trong cảnh nghịch cũng thanh tịnh, nhẫn đến hạnh tham của Bà Tu Mật Nữ cũng thanh tịnh, tâm sân của quốc vương Vô Yểm cũng thanh tịnh, tâm si độn của Thắng Nhiệt Bà-la-môn cũng thanh tịnh. Tất cả vô minh phiền não đều hóa thành thanh tịnh, phường dâm quán rượu cũng thanh tịnh. Đến cảnh giới này thì cung ma, hang hùm, thiên thượng, nhân gian đều vỗ tay đi qua, ca sầu vui múa, làm kẻ tự tại. Vậy thì, niệm Phật hay sanh Tây phương, phá sanh tử, ra khỏi ba cõi, vượt khỏi trói buộc, thoát khỏi hầm lửa, thấy rõ tự tâm, ra khỏi nanh vuốt, sức ấy lớn thay! Có đường thẳng tắt như vậy mà không chịu đi, trái lại còn chê bai bài xích, quả thật là kẻ phàm phu điên đảo, chủng tử ngu mê, thật xót thương thay!
Một môn Niệm Phật, nếu thâm nhập thì nhận được phép tắc Vô Tận Tạng của Như Lai. Tạng ấy, ai nấy đều sẵn có, nhưng bị trần duyên che lấp nên không tự thấy, cần phải niệm Phật để khơi nó lộ ra. Như kẻ nghèo túng biết có của báu ẩn tàng ngay trong nhà thì phải kiên tâm trì chí, lao động cật lực, cày xới đất lên. Một khi đất đã hết thì kho báu tự hiện. Từ đó, kẻ ấy được gọi là ông trưởng giả giàu có. Nên biết một câu Di-đà, đi đứng chẳng lìa, khổ vui chẳng quên, tâm tâm liên tục, đọc nghe rõ ràng, tiến mãi chẳng dừng. Niệm đã tha thiết, trần chướng liền mở, lên nhà vào thất liền có thọ dụng, đó là kho báu vô tận. Trong đời mạt pháp, tuy người tham thiền hầu hết có tỏ ngộ, nhưng rất khó chứng, không thoát khỏi triền phược. Nếu như niệm Phật ngay thì dõng mãnh tiến tới, có thể thực hành thì ít nhưng công năng thì sâu. Các ngài như Tử Tâm Ngộ Tân, Thiên Như Duy Tắc, Viên Chiếu Tông Bản, Tịnh Thọ Từ Thâm, Chơn Hiết Thanh Liễu, Vĩnh Minh Diên Thọ là bậc rường cột của năm tông, đều thú hướng pháp môn này mà nhận được Như Lai tạng. Bởi vậy, thâm nhập pháp môn này thì cặn đục tự nhiên tiêu hết, vô minh tự nhiên hết sạch, sáu căn tự nhiên thanh tịnh, biển nghiệp tự nhiên cạn khô, sanh tử tự nhiên tịch diệt, Tam-muội tự nhiên hiện tiền, Lục Thông tự nhiên đầy đủ, bờ Giác tự nhiên vượt lên, công đức tự nhiên thành tựu, rõ nhân thấu quả, lợi mình lợi người, cùng sanh Cực Lạc, vào ngôi Bất Thối. Cổ đức nói: “Nhiếp phục 6 căn, Tịnh niệm liên tục, không quá 49 ngày liền chứng Tam-muội. Tam-muội đã thành, đều được giải thoát, ta mặc tình lấy nhưng không hết, dùng nhưng không cạn”. Ngài Vân Thê nói: “Ngang bằng chư Thánh trong một lời, vượt ngoài ba kỳ trong một niệm, thì chỉ có công đức niệm Phật mà thôi”. Như vậy, chặt thẳng thống khổ, chẳng qua chi ly, vượt ngay nhân hữu lậu, trọn chứng quả vô vi, pháp môn thù thắng này, ta nguyện cùng tất cả chúng sanh trong đại địa nhắm ngay đó mà vào.
Có người hỏi: Nghĩa của Tây phương Tịnh Ðộ thế nào ?
Sư đáp: Tịnh Ðộ tức là công phu tu tập đến chỗ rốt ráo nhất, mọi thứ cặn bã đều tiêu sạch, không còn mảy may cấu uế. Khi thật sự đến đất ấy rồi thì phàm thánh đều hết, chân ngụy đều quên thì đó là Tịnh Ðộ chân thật, mới là nơi an thân lập mạng của ta. Còn như Tây phương, có đủ 7 nghĩa :
1. Đứng về năm màu mà luận, thì Tây phương là màu trắng, không có các thứ nhiễm ô, tượng trưng cho sự sáng sạch. Người tu Tịnh Ðộ dùng một câu Di-đà gội rửa ba nghiệp thân khẩu ý, là làm thanh tịnh chánh nhân, nhân tịnh thì quả cũng tịnh. Bởi vậy người niệm Phật, lâm chung sanh Tây phương, chính là nhân quả tương hợp.
2. Đứng về bốn mùa mà luận thì Đông phương là đất sinh trưởng tượng trưng cho mùa Xuân; Tây phương là nơi làm cho chín, tượng trưng cho mùa Thu. Giống như phàm phu phát tâm ở phương Đông, nhờ niệm Phật mà vãng sanh, tức là thành thục đạo quả ở phương Tây.
3. Theo Ngũ Hành mà luận thì Đông phương thuộc Mộc, Tây phương thuộc Kim. Mộc gặp búa rìu đẽo gọt chuyển cây tạp thành rường cột. Phàm phu giống như cây chưa đẽo gọt, chịu nhất tâm hệ niệm danh hiệu Phật ở Tây phương, rõ ràng được búa rìu đẽo chạm, tự chuyển phàm thành thánh, đạo đức hoàn bị.
4. Theo Bát Quái mà luận thì Đông phương thuộc quẻ Chấn, biểu trưng cho động, động thì sanh các thứ khổ não, nên thế giới Ta bà được gọi là khổ hải. Tây phương thuộc quẻ Đoài, tượng trưng cho an vui, nên Tây phương có tên là thế giới An Dưỡng hay cõi Cực Lạc.
5. Theo mặt trời, mặt trăng mà luận thì mặt trời là Dương, tượng trưng cho Trời, mặt trăng là Âm tượng trưng cho Đất. Hai hành tinh này mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây, con người nên bắt chước, siêng tu Tịnh nghiệp cầu về Tây phương, đó gọi là đạo Tam Tài nhất quán (thiên, địa, nhơn).
6. Con người ở Đông phương giống như cây, mùa Xuân thì đâm chồi nảy lộc, mùa Thu thì lá rụng cành khô. Tươi, khô, thịnh, suy này giống như chúng sanh khi ở trong biển khổ Ta-bà bị phiền lụy bởi những thứ như sống chết, thành bại, được mất… Còn Tây phương giống như vàng ròng, vàng thì trải qua muôn kiếp vẫn chẳng hư hoại, ở trong dơ bẩn nhưng không biến chất, vào nước lửa chẳng đổi thay, nên người sanh Tây phương được gọi là Cực Lạc, vượt sanh tử, thoát ba cõi.
7. Đông phương là nước hữu vi, nào ăn, mặc, cung điện, nhà cửa, vật dụng, tất cả phải do sức người làm ra mới có, Đông phương là cõi Dục lạc. Phàm những ai ở quốc độ này đều tham cái vui ngũ dục, mê mất mặt mũi thanh tịnh xưa nay. Còn Tây phương là nước vô vi, nghĩ đến áo thì áo hiện, nghĩ đến ăn thì ăn đến, muôn ngàn thọ dụng tự nhiên, chẳng phải nhọc công làm, Tây phương là cõi Tánh Lạc. Người sanh Tịnh Ðộ hưởng sự an vui xứng tánh soi thấy năm uẩn đều không.
Hỏi: Buông bỏ hết tình thức, xưa nói “liền có thể ngộ được ông chủ trong mộng” sao còn dùng công phu thẳng tắt, lại dạy người phải khổ công niệm Phật, nhắm trong cái chi ly mà cầu?
Đáp: Buông bỏ hết tình thức rất là dễ dàng, chỉ là người đời không thể buông bỏ, mà cũng chưa từng buông bỏ. Nếu khởi tâm muốn buông thì liền nảy sinh lắm việc, vừa khởi tâm muốn bỏ, lại càng thêm phiền toái. Bởi phàm phu tìm kế sống ngay nơi tâm ý thức, muốn dùng tâm ý thức để buông bỏ muôn duyên, chẳng khác nào đem lửa đom đóm thiêu cháy núi Tu Di, rốt cuộc không thể thiêu được. Chỉ có người đại triệt đại ngộ mới hay khéo dùng, còn lại đều không thể. Cho nên nếu không thâm nhập pháp môn Niệm Phật, thì mặc kệ người khác buông hay không buông, bỏ hay không bỏ, mình chỉ lớn tiếng niệm đi niệm lại, đầu sào trăm thước, hố thẳm buông tay, tình duyên chẳng đoạn nhưng mất, khí chất chẳng đổi nhưng thay, liền có thể buông thân nằm ngang, đến đi tự tại, hiện tại chính là cố hương yên bình của mình.
Hỏi: Trong thời Oai Âm Vương, trước lúc cha mẹ sanh ra ấy, có gọi là Tịnh Ðộ không? Có gọi là Tự tánh Di-đà không?
Đáp: Thời Oai Âm Vương, trước lúc cha mẹ sanh ra, cố nhiên là chân Tịnh Ðộ, chân Tự Tánh Di-đà, chỉ do vì gọi tên không được. Nhưng nếu gọi được thì thành Uế Ðộ mà không còn là Tịnh Ðộ, liền thành phàm phu mà không phải là Di-đà. Chúng sanh trong thế giới Ta-bà chỉ vì danh tự này mà bỏ không được, quên không xong, cho nên chuyển Phật Di-đà trong pháp giới thanh tịnh xưa nay vốn có thành phàm phu trong đời ác ngũ trược. Nếu trong lòng không có thứ tạp nhạp ấy thì tự nhiên cùng tắc biến, biến tắc thông, chỗ thông ấy thấy Tự Tánh Di-đà, liền chứng Duy tâm Tịnh Ðộ.
Hỏi: Thiền sư khi đại ngộ rồi, có thể thong dong trong Thường Tịch Quang, đâu cần cầu sanh Tây phương, sau đó mới gọi là có ích?
Đáp: Thiền sư quả thật có sức mạnh lớn, đến khi buông bỏ thân mạng thì liền được chút phần thọ dụng trong Thường Tịch Quang. Nhưng tập khí vẫn còn dày, nên tiến tới rất khó khăn. Trí tuệ cỡ như Lô Xá Na Phật mà còn phải tu tâm trăm kiếp, nếu người trí chưa bằng như Phật ấy thì chưa có ai chẳng bị nghịch cảnh đánh mất. Bởi vậy cầu sanh về báo độ của Phật Di-đà, gần gũi báo thân Di-đà, trước giữ chắc mình không thoái chuyển, lại càng phải tinh tấn mới vào được giai vị Phật.
Hỏi: Cõi này cũng có ao, hoa, suối, cây v.v… đáng vui, cõi kia ao, hoa, suối, cây v.v… cũng đâu hơn cõi này, tại sao lại nói Tây phương là do xứng tánh mà hiện?
Đáp: Phàm phu có hai tình chấp khó thay đổi, nên rơi hết trong sanh tử luân hồi. Cảnh giới mà cõi này có đều do đối đãi mà hiện. Có thành có hoại, nên gọi là cảnh sanh diệt. Nếu sanh cõi kia rồi, lìa đối đãi của ba cõi, vượt sanh tử thoát luân hồi, cho nên trong thế nào thì hiện ra ngoài thế ấy. Nếu chúng ta đến được đất ấy, tức chân ngụy đều quên, ao, suối, hoa, cây muôn thứ hiện ở bên ngoài đó không rơi vào chân ngụy trùng trùng, có thể thấy chân cảnh của xứng tánh, an vui xứng tánh, không hề có các việc tươi, khô, thịnh, suy, tuyệt nhiên không phải do đối đãi mà thành, không mảy may rơi vào pháp sanh diệt. Đương nhiên, ta không thể đem tâm phàm phu suy lường rồi nghĩ bàn mà cầu được, lẽ đâu cõi này sánh kịp!
Hỏi: Nghe rằng, người niệm Phật cũng vào được pháp giới Tịnh Ðộ, vậy cái gì gọi là pháp giới Tịnh Ðộ? Và phải tu như thế nào để vào được? Nếu xưa nay thanh tịnh thì dùng niệm Phật làm gì ? Nếu xưa nay dơ uế thì tại sao niệm Phật liền được thanh tịnh?
Đáp: Pháp giới xưa nay thanh tịnh, do trong tâm chúng sanh có vô lượng tạp nhạp, pháp tùy tâm biến nên thành Uế giới. Nay nếu cử một câu danh hiệu Phật, buông bỏ muôn duyên, vững chắc như người đàn bà câm cầm chổi quét dọn suốt 12 thời, đâu đâu cũng sạch sẽ. Niệm đến tâm không, tâm không thì tạp nhiễm cũng không, tạp nhiễm đã không thì trở lại là pháp giới thanh tịnh xưa nay. Đó thật là lắng đục thành trong, chuyển uế thành tịnh. Đến được đất này thì sanh tử cũng là Tịnh Ðộ, thiên đường địa ngục cũng là Tịnh Ðộ, núi cao đất sâu cũng là Tịnh Ðộ, vinh nhục thăng trầm cũng là Tịnh Ðộ, thị phi được mất cũng là Tịnh Ðộ, cả thế giới mười phương cũng là Tịnh Ðộ, nên gọi đó là pháp giới thanh tịnh, do công dụng niệm Phật mà vào được, há không thẳng tắt ư!
Hỏi: Người vào pháp giới Tịnh Ðộ, thức thứ tám của họ rỗng rang chưa? Nếu chưa rỗng rang thì sao gọi là pháp giới Tịnh Ðộ?
Đáp: Đây chỉ là chút phần tịnh, đâu thể làm rỗng rang thức thứ tám. Nếu muốn toàn tịnh thì thẳng đến thành Phật, thức thứ tám mới rỗng rang, nên nói: “Sau đạo Kim cang dị thục không”.
Hỏi: Pháp giới Tịnh Ðộ thuộc độ nào trong bốn độ ?
Đáp: Nếu đoạn Hoặc chưa hết thì đó là Phương Tiện Hữu Dư độ, hay Thiểu Phần Thường Tịch Quang độ. Nếu vào đó thì phải càng tinh tấn tu tập, thẳng đến thành Phật thì mới gọi là Toàn Cư Thường Tịch Quang độ.
Hỏi: Đã có pháp giới Tịnh Ðộ để sanh thì đâu cần dạy người cầu sanh Tây phương Tịnh Ðộ?
Đáp: Thế giới mười phương tuy là một pháp giới Tịnh Ðộ, nhưng căn cơ chúng sanh có lợi, có độn, đâu thể chứng nhập được. Bởi vậy, Phật mở cửa phương tiện, dạy người phải từ Tây phương mà thể nhập. Tây phương là báo độ của Di-đà. Thân cao 60 vạn ức na-do-tha hằng hà sa số do-tuần là báo thân của Di-đà. Báo thân tất ở nơi báo độ. Người học đạo hễ nghĩ đến Phật quả Bồ-đề tất phải thân gần báo thân Phật, nghe diệu pháp của Phật mới chứng đắc rốt ráo pháp giới Tịnh Ðộ. Bởi vậy, đã vào được một phương thì thế giới mười phương cũng vào được. Một phương thanh tịnh thì mười phương thế giới đều thanh tịnh; một phương thành thế giới Cực Lạc, thì mười phương thế giới cũng thành Cực Lạc.
Hỏi: Nghe thầy dạy, niệm Phật không cho niệm thầm, nếu người ốm yếu, thật không thể ngày đêm niệm lớn tiếng. Người xưa thì dạy, âm thanh ở ngay cửa miệng, lặng lẽ mà niệm, cách này thế nào?
Đáp: Người niệm thầm, sức yếu khí hôn, dễ sanh giải đãi, hơn nữa không thể tác động đến người khác. Những âm thanh tạp nhạp, vọng tưởng nhân cơ hội ấy tác động vào tâm thì đâu thể thành tựu Tịnh nghiệp? Nếu thật người đó ốm yếu không thể niệm lớn tiếng thì cho phép dùng cách ấy, nhưng phải tâm tâm phản chiếu, quyết chí Tây phương, mỗi ngày phải tinh tấn lên mới được.
Hỏi: Người niệm Phật lớn tiếng không cần ghi số lượng được không?
Đáp: Người mới thực hành, ngày ngày phải ghi, lấy thời khóa làm lộ trình thì không rơi vào giải đãi, biếng nhác. Nếu không có số lượng nhất định, thì lúc niệm, lúc không, vui chán xen tạp, rảnh bận không chừng, dễ sanh phóng túng, tịnh nghiệp khó thành. Duy người tu lâu thì ghi hay không ghi cũng được. Nhưng lúc chấp trì một câu Di-đà phải như cầm kiếm Thái A, muôn người địch không lại, phá thủng vòng vây, chém sạch quân giặc, thì tự nhiên đến được thế giới thanh tịnh.
Hỏi: Người tu tập, quý ở chỗ một thấu tỏ thì tất cả thấu tỏ, trong lòng không gá nương, không duyên niệm, nay luôn luôn niệm Phật là có duyên niệm, có gá nương, đâu thể gọi là một thấu tỏ thì tất cả thấu tỏ?
Đáp: Đây chẳng qua lấy nêm tháo nêm, lấy độc trị độc mà thôi. Người đời nếu niệm thanh sắc, tài lợi thì sẽ bị những thứ này trói buộc, rồi nuôi dưỡng nó trong lòng. Niệm thứ gì cũng đều như vậy cả. Phật thương chúng sanh không thể buông bỏ tâm niệm, nên lấy một câu Di-đà này thay thế tình niệm của người đời. Đây gọi là lấy niệm xuất thế thay đổi niệm thế gian, lấy niệm công đức thay cho niệm tội lỗi, lấy niệm giải thoát thay cho niệm trói buộc, lấy niệm an lạc thay cho niệm hiểm nguy. Như người thợ khéo tay lấy rường thay cột, tẩy rửa làm cho chúng sanh sạch hết tạp niệm, nhân một niệm của sự niệm Phật này mà trở về cố hương vô sở hữu. Người xưa nói: “Qua sông phải nhờ bè, đến bờ chẳng dùng ghe”, thì làm gì có gá nương hay duyên niệm đâu!
Hỏi: Người ta nói, tham thiền là lộ trình thẳng tắt, niệm Phật là con đường quanh co, đúng không?
Đáp: Tham thiền cốt phải chăm chăm buông bỏ, niệm Phật cốt phải câu câu toàn đề. Đề và buông tuy khác, nhưng công dụng như nhau. Nếu người giỏi hạ thủ công phu thì nơi quanh co cũng thành thẳng tắt, không biết dụng công thì nơi thẳng tắt trở thành quanh co. Hơn kém là ở con người, không nên nghi ngờ pháp môn sâu cạn. Cổ đức nói : “Chỉ đề mà không cần tham gì khác, cầu thì sẽ thấy”. Con đường niệm Phật, rất dễ thực hành, vô cùng thẳng tắt, xin suy xét kỹ.
Hỏi: Trước đây có một người nói mình đã tỏ ngộ, chê niệm Phật là kế sanh nhai của kẻ độn căn, nói vậy là thế nào ?
Đáp: Miệng nói tỏ ngộ, nhưng mới chuyển một bước liền có không biết bao thứ chấp trước dắt dẫn, vô minh hiện ngay trước mắt, phải gọi gã là kẻ chẳng biết gì mới đúng. Hơn nữa, do không biết lực dụng của một câu Di-đà nên mới cho đó là kế sanh nhai của kẻ độn căn. Nếu hiểu được như vậy, thì liền chứng câu thoại đầu “bất thoái chuyển”, gót chân chỉ mới đứng vững mà thôi. Tồi tệ thật! Người đời nay chẳng thể sánh với người xưa. Việc ấy đâu có gì lạ!
Hỏi: Người tu Tịnh Ðộ có nên ghi nhớ, ấp ủ trong lòng tất cả những cảnh mình đã thực hành thuần thục rồi không?
Đáp: Người niệm Phật nhưng không thành tựu Tam-muội, lỗi chính ở chỗ này. Cảnh chưa thuần thục thì muốn tập thuần thục, nhưng chẳng chịu buông bỏ. Cảnh thuần thục rồi thì thường sợ bị quên mất, nên nhớ nghĩ hoài, đó là cái tệ đáng trách. Nhẫn đến, nhận ân chịu oán của người khác quyết lòng phải trả hết mới thôi, dù chết cũng cam tâm. Nếu thay đổi cái nhớ nghĩ đó bằng một câu danh hiệu Phật, buông bỏ hết mọi thứ đã học đã thực hành đi, phó thác nó cho nước chảy mây trôi, lâu ngày chầy tháng tự nhiên thành một khối Tịnh Ðộ vững chắc.
Hỏi: Niệm Phật cầu sanh Tây phương có thể đọc sách Phật và sách Nho không?
Đáp: Tất cả Phật pháp và các nghĩa lý đều trợ giúp ta tiến tu, nhưng nếu không hiểu rõ diệu nghĩa của pháp môn Tịnh Ðộ và tin không tha thiết thì phải xem gấp những kinh sách nói về Tịnh Ðộ để quyết định sự tu tập và thú hướng. Còn những sách vở khác không nên dung nạp bừa bãi trong tâm, chúng sẽ trở thành nhân duyên chướng đạo. Bởi vậy nhất tâm bất loạn là tông chỉ của việc tu Tịnh Ðộ, là cửa lớn để thành tựu Tam-muội.
Hỏi: Như Lai dạy người cầu sanh Tây phương, lại dạy người hồi nhập Ta-bà, hai ý này trái nhau, nguyên nhân là thế nào?
Đáp: Ông không thấy đoạn văn trước có câu “không trái An Dưỡng” đó ư? Bởi người mới phát tâm Bồ-đề, sanh trong nước Cực Lạc ở Tây phương, có nhiều thời giờ hàm dưỡng huân tu, Hoặc chướng hết sạch, cửa Tuệ mở toang, thần thông đốn phát lên ngôi Bất Thoái, sau đó lại ra giáo hóa chúng sanh, đến đi vô ngại. Do đó những người ở lâu nơi Cực Lạc rồi, Phật lại sai họ hồi nhập Ta-bà để độ chúng sanh, nhưng vẫn không trái với An Dưỡng. Trụ thần ở đây, phân thân hồi nhập, tùy loại hóa hiện. Nên biết, khuyên người bỏ Ta bà để sanh Tịnh Ðộ, hay khuyên người bỏ Tịnh Ðộ để sanh Ta- bà đều phải quán cơ khế giáo, tùy căn cơ mà hóa độ, lợi mình lợi người. Đạo Bồ-tát viên mãn thì Phật đạo nào khó gì ! Đây là phương pháp độ sanh vô cùng nhiệm mầu của Phật A-di-đà và Phật Thích-ca.
Hỏi: Pháp môn này vượt thẳng ba cõi, điều ấy tin rồi. Còn chúng sanh trong thời mạt pháp sợ rằng họ tự sanh chướng ngại, chưa rõ có mối tệ nào không?
Ðáp: Người tu Tịnh Ðộ có 10 cái tệ làm chướng ngại pháp môn. Đó là :
1. Tin không hết lòng.
2. Làm không hết sức.
3. Phát nguyện không sâu.
4. Lẳng lặng niệm thầm.
5. Tâm duyên việc đời.
6. Chẳng trừ thương ghét.
7. Ôm nhiều nội điển ngoại điển.
8. Thích ngâm nga phân tâm.
9. Tán gẫu nói chuyện phiếm.
10. Không được nhất tâm bất loạn.
Người ra công khắc kỳ thủ chứng, tha thiết hạ thủ công phu quyết không để phạm phải 10 mối tệ vừa nêu, chống mắt dựng mày, truy đảnh niệm Phật, tự nhiên hiện tại thấy bản tánh Di-đà, mãn báo thân này về ngay Tây phương Cực Lạc.
(Trích dịch từ Giác Hổ Tập - Tục 62)