Đời Ác Với Năm Thứ Dơ Bẩn
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Thế giới Ta bà mà chúng ta đang ở, trong kinh điển gọi là “đời ác với năm thứ dơ bẩn”. Năm thứ dơ bẩn là kiếp dơ bẩn, kiến giải dơ bẩn, phiền não dơ bẩn, chúng sinh dơ bẩn, và thọ mạng dơ bẩn. Xem đó có thể biết, cái mức độ xấu ác và dơ bẩn của thế giới này là sâu nặng như thế nào!

1. Kiếp dơ bẩn. Tuổi thọ của con người vốn là tám vạn bốn ngàn tuổi. Về sau nhân vì phước đức mỏng dần mà tuổi thọ cũng cứ mỗi một trăm năm giảm bớt một tuổi. Khi giảm đến hai vạn tuổi thì bước vào kiếp dơ bẩn. Điều đó cho biết, khoảng thời gian mà tuổi thọ con người từ hai vạn tuổi giảm đến còn mười tuổi, rồi lại từ mười tuổi tăng đến hai vạn tuổi, là thời kì của kiếp dơ bẩn. “Kiếp” vốn là tên của thời gian, nguyên không có gì để nói là sạch hay dơ; sở dĩ nói là “dơ bẩn”, đều do con người mà nên. Vì thế, “kiếp dơ bẩn” không có thể tánh, mà bốn thứ dơ bẩn sau mới là thể tánh của nó.

2. Kiến giải dơ bẩn. “Kiến” tức là kiến hoặc của chúng sinh. Nhân vì thấy biết không chính xác, làm mê hoặc chánh kiến, cho nên gọi là “kiến hoặc”. Có năm loại – gọi là “năm lợi sử”2: 1) Thân kiến: Hợp hai thứ kiến chấp NGÃ (có thân ta) và NGÃ SỞ (có các vật thuộc về ta) lại, gọi là “thân kiến”. 2) Biên kiến: Sau khi đã khởi lên niệm chấp ngã, lại chấp chặt rằng sau khi chết là hoàn toàn đoạn diệt, hoặc thường còn vĩnh viễn, đến nỗi phải rơi vào hai cực đoan THƯỜNG và ĐOẠN, gọi là “biên kiến”. 3) Tà kiến: Cho rằng mọi sự đã không có nguyên nhân để sinh ra kết quả, cũng sẽ không có kết quả nào do nguyên nhân sinh ra. Làm thiện làm ác đều không có quả báo. Cái thấy sai lầm, không chấp nhận lí nhân quả như thế, gọi là “tà kiến”. 4) Kiến thủ kiến: Giữ chặt những hiểu biết của mình và cho rằng đó là những kiến thức chính xác, nhưng thực tế thì hoàn toàn không đúng, chỉ là sự thấy biết sai lầm mà thôi. 5) Giới cấm thủ kiến: Giữ gìn một loại giới cấm nào đó, và cho rằng đó là nguyên nhân để được sinh lên trời, hay đó là con đường dẫn đến niết bàn. Như người giữ “giới trâu” chẳng hạn, cho rằng thay trâu để cày ruộng thì sau khi chết sẽ được sinh lên trời. Những loại chấp thủ các kiến giải tương tự như vậy đều gọi là “giới cấm thủ kiến”. Năm thứ lợi sử trên đây đều thuộc phạm vi của “kiến giải dơ bẩn”. Hàng tiểu thừa khi chứng đắc quả Tu đà hoàn thì đoạn trừ được.

3. Phiền não(1) dơ bẩn. Năm loại tư hoặc tham, sân, si, mạn và nghi, sinh ra khi sáu căn đối trước sáu trần, được gọi là “phiền não dơ bẩn” – cũng gọi là “năm độn sử”3, hàng tiểu thừa chứng đắc quả vị A la hán mới đoạn trừ được.

4. Chúng sinh dơ bẩn. Do từ kết quả của kiến giải dơ bẩn và phiền não dơ bẩn mà phước báo của chúng sinh dần dần giảm suy, khổ báo càng thêm nặng, khiến nên tâm trí trì trệ, thể xác yếu đuối, chịu nhiều tai họa, gọi là “chúng sinh dơ bẩn”.

5. Thọ mạng dơ bẩn. Chúng sinh nhân vì phiền não chồng chất mà cả thân và tâm cùng mỏi mệt; thọ mạng cũng do đó mà bị thâu ngắn lại. Trong khoảng sống ngắn ngủi đó, bệnh tật và già nua lại thừa cơ xâm nhập, sinh diệt biến ảo; rồi một mai cơn vô thường ập đến, liền thành ra vật khác, gọi là “thọ mạng dơ bẩn”.

Vì có đầy đủ năm thứ dơ bẩn như vậy, nên thế giới này được gọi là “đời xấu ác”. Nhưng, từ hai vạn tuổi trở về trước thì kiếp dơ bẩn chưa phát khởi, cảnh sống thanh bình, an tĩnh, mà chúng ta thì không sinh ra vào thời kì đó! Mặc dù thế giới ngày nay rối loạn bất an, nhưng ở châu Bắc Câu lô, sáu tầng trời cõi Dục, vẫn giàu đẹp an vui, mà chúng ta thì không sinh về những nơi đó! Thế mới biết, đây toàn là do tâm ý chúng ta dơ bẩn, hành động chúng ta dơ bẩn mà chiêu cảm nên; đã có tội thì phải chịu quả báo. Quí vị hành giả nếu nghĩ đến điều này, thì xin hãy lập tức gieo năm vóc xuống đất, sám hối trước Phật, ba nghiệp hoàn toàn trong sạch, siêng năng tu tập chánh pháp, mong cầu sớm thoát li thế gian dơ bẩn mà sinh về cõi Phật. CHÚ THÍCH

01. Chữ “Ta bà” dịch nghĩa là nhẫn nhịn, hay chịu đựng, có ý nói, chúng sinh ở cõi này sống yên trong mười nghiệp ác, chịu đựng ba thứ độc dữ và bao nhiêu phiền não khác, không chịu rời khỏi, cho nên gọi là “cõi chịu đựng”.

02. “Sử” là một tên gọi khác của phiền não. Giống như các nhân viên nhà nước hay đuổi bắt và trói tội nhân, các thứ phiền não cũng theo đuổi và trói buộc người đời, khiến cho họ phải lưu chuyển trong ba cõi, cho nên gọi là “sử”; tính mê lầm của chúng thật mạnh mẻ, nhạy bén, gọi là “lợi sử”.

03. Tham, sân, si, mạn và nghi, được gọi là phiền não căn bản. Tính chất của chúng nặng nề, phá trừ rất khó, cho nên gọi là “độn sử”.

04. Nghiệp do ba nơi thân, miệng và ý tạo ra, gọi là “ba nghiệp”.
PHỤ CHÚ

(01) Phiền não: là tiếng gọi tổng quát chỉ cho những hiện tượng tâm lí xấu xa, sai lầm, là động lực thúc đẩy con người gây nên mọi điều tội lỗi về cả ba nghiệp thân, miệng và ý; khiến cho thân tâm lúc nào cũng vọng động, lầm lạc, đau khổ, lo buồn, xao xuyến, bất an. Phiền não có những tên gọi khác là: sử (đeo đuổi, sai khiến, thôi thúc chúng sinh gây nghiệp ác), lậu (làm cho chúng sinh lọt vào vòng sinh tử luân hồi), kết (thắt buộc, kết tụ), hoặc (sai lầm), cấu (dơ bẩn), nhiễm (ô uế), tùy miên (đeo dính khiến chúng sinh lúc nào cũng ở trong trạng thái hôn muội trầm trọng), triền (quấn chặt, trói buộc), cái (che lấp), thủ (giữ chặt), bạo lưu (cuốn trôi), trần cấu (bụi bẩn). Mục đích tối cao của người tu học Phật là giác ngộ giải thoát; vậy, tất cả những gì làm cho chúng sinh bị chướng ngại trên bước đường tiến tới đạo quả giác ngộ giải thoát, đều được coi là phiền não.

Phần nhiều các kinh luận cho rằng, tham sân si là ba thứ phiền não độc dữ nhất (tam độc), là cội nguồn sinh ra bao thứ phiền não khác. Các vị luận sư chuyên về tâm lí học Phật giáo (như hai tông phái Câu Xá và Duy Thức) thường chia phiền não làm hai loại tổng quát: phiền não căn bản và phiền não chi mạt (tức tùy phiền não). Đi vào chi tiết thì giữa Câu Xá và Duy Thức có những trình bày khác nhau. Những chi tiết sau đây được trình bày theo tông Duy Thức:

Căn bản phiền não rất khó đoạn trừ, gồm có sáu thứ: tham, sân, si (vô minh), mạn, nghi, kiến (ác kiến); ác kiến lại chia làm năm thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến. Tổng cộng có mười phiền não (cũng gọi là mười tùy miên, mười sử). Năm thứ phiền não tham, sân, si, mạn và nghi, được gọi đặc biệt là “năm độn sử” (khó đoạn trừ); năm thứ ác kiến được gọi đặc biệt là “năm lợi sử” (dễ đoạn trừ).

Tùy phiền não là các phiền não phụ thuộc của các phiền não căn bản ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có hai mươi thứ: phẫn (nóng giận, bực tức, cộc cằn), hận (oán hờn), phú (che dấu tội lỗi), não (buồn phiền, bứt rứt), tật (ganh ghét), xan (bỏn sẻn, keo kiệt), cuống (dối gạt), siểm (nịnh hót, gièm pha), hại (có ý làm thương hại người), kiêu (khoe khoang, tự phụ), vô tàm (làm lỗi mà không biết tự xấu hổ), vô quí (tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn), trạo cử (chao động không yên), hôn trầm (mê muội, dật dờ, trì trệ), bất tín (đa nghi, không tin tưởng), giải đãi (biếng nhác, bê trễ), phóng dật (buông lung, buông trôi), thất niệm (lãng quên, không có chánh niệm), tán loạn (xao xuyến, rối loạn, không định tĩnh), bất chánh tri (hiểu lầm, biết không chính xác).

Duy Thức Học còn nói rằng: Thức thứ bảy (mạt na thức) có bản chất là chấp ngã, vì luôn luôn có bốn thứ phiền não căn bản đeo dính bên mình, đó là: ngã si (tức là si), ngã kiến (tức là ác kiến), ngã mạn (tức là mạn) và ngã ái (tức là tham).

Thật ra, con người ở thời đại ngày nay, nếu quán chiếu kĩ vào nội tâm, chúng ta sẽ thấy số lượng các “tùy phiền não” còn nhiều hơn gấp bội so với hai mươi thứ như tông Duy Thức vừa trình bày trên.
BÀI TẬP

1) Trong khoảng thời gian tuổi thọ con người từ bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi thì gọi là thời kì của kiếp dơ bẩn?

Khoảng thời gian tuổi thọ con người từ hai vạn tuổi giảm xuống đến còn mười tuổi, rồi từ mười tuổi lại tăng dần cho đến hai vạn tuổi, đó là thời kì của kiếp dơ bẩn.

2) Sao gọi là “năm lợi sử”? Gồm những gì?

“Sử” là một tên gọi khác của hoặc, hay phiền não. Năm lợi sử là năm sự thấy biết sai lầm về lí thể của vạn pháp. Chúng ngăn che chân lí, làm cho con người không bao giờ có được chánh kiến, và cứ lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Dù vậy, nếu so với các phiền não tham, sân, si, v.v... thì tính chất của chúng nhẹ nhàng hơn, ít độc hại hơn, dễ đoạn trừ hơn; cho nên gọi là “lợi sử”. Năm cái thấy sai lầm đó là: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, và giới cấm thủ kiến. 3) Hãy giải thích rõ ràng thế nào là “biên kiến”, “kiến thủ kiến” và “giới cấm thủ kiến”.

Biên kiến là cái thấy cực đoan. Có người cho rằng, sau khi chết ta sẽ về sống mãi mãi ở một nơi nào đó –đó là chấp “thường hằng” (tức “thường kiến”); hoặc sau khi chết ta sẽ mất hẳn, không còn gì cả –đó là chấp “đoạn diệt” (tức “đoạn kiến”).

Kiến thủ kiến là cố giữ chặt những hiểu biết sai lầm của mình, và cứ cho chúng là hoàn toàn đúng, người khác chỉ bảo cũng không thèm nghe.

Giới cấm thủ kiến là chấp chặt vào những giới điều phi lí, vô đạo đức, vì cho rằng, đó là nguyên nhân để được sinh về nước trời, hoặc đó là con đường dẫn đến quả vị niết bàn. 4) Sao gọi là “năm độn sử”? Gồm những gì?

Năm độn sử là năm loại phiền não căn bản, làm cho con người mê muội trước các sự tướng, say đắm dục vọng, gây ra lầm lỗi để phải mãi mãi chìm đắm trong sinh tử luân hồi. Tính chất của chúng trì độn, nặng nề, rất khó đoạn trừ; gồm có: tham dục, sân hận, ngu si, ngã mạn, và nghi ngờ.

5) Sao gọi là “chúng sinh dơ bẩn”?

Do không có chánh kiến và phiền não chồng chất mà chúng sinh tâm trí si mê, trì trệ, tạo nhiều nghiệp ác, phước báo ngày càng suy giảm, tội báo ngày càng nặng nề.
Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Một
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
2 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
4 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về