Home > Khai Thị Niệm Phật
Tại Sao Suốt Một Đời Niệm Danh Hiệu Phật Mà Chỉ Sanh Được Tịnh Độ
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng, Việt Dịch


Theo Nhiếp đại thừa luận(53), trong phần giải thích ý nghĩa về sự khác thời, nói rằng: Chỉ cần phát nguyện thì thế là vãng sanh thế giới Cực lạc. Đây là ý thú khác thời(54).

Hỏi: Cứ theo Nhiếp luận, sự phân chia thời gian khác nhau như thế, thì nay dạy người niệm Phật như thế nào liền được vãng sanh?

Đáp: Sự giải thích về ý nghĩa khác biệt thời gian của Nhiếp luận cùng với pháp môn Tịnh độ có gì sai khác đâu? Nay phát nguyện tức là chưa vãng sanh. Y theo nguyện mà niệm Phật, lâu ngày mới kết thành tịnh nghiệp, phát nguyện trước, thực hành sau, như vậy gọi là thời gian khác nhau, chứ đâu có nghĩa niệm Phật là không được vãng sanh!

Kinh Pháp Hoa(55) có ghi: Người với tâm tán loạn, vào trong tháp miếu Phật, mà niệm ‘Nam Mô Phật’, dù chỉ cho một niệm, thì nhất định người ấy, đều đã thành Phật đạo(56).

Hỏi: Kinh nói, người với tâm tán loạn mà niệm được một danh hiệu Phật thì đã thành tựu được quả vị Phật, vậy tại sao suốt một đời niệm danh hiệu Phật mà chỉ sanh được Tịnh độ?

Đáp: Người với tâm tán loạn niệm danh một danh hiệu Phật đã có thể thành Phật, đạo lý này không sai, cho nên một đời niệm Phật được sanh Tịnh độ lại càng không thể hư dối được.

____________
Chú Thích

53. Nhiếp đại thừa luận 攝大乘論 (S. Mahāyāna-saṃgraha), Vô Trước (無著, Asanga) tạo, ĐTK/ĐCTT tập 31, số 1592-1594.

54. Đoạn này Nhiếp luận giải thích bốn ý và bốn y. Bốn ý là ý bình đẳng, ý khác thời, ý khác nghĩa và ý chúng sanh ưa muốn dục lạc (xem Nhiếp luận, sđd, trang 121b).

55. Kinh pháp hoa, nói đủ là kinh Diệu pháp liên hoa (S. Saddharma- puṇḍarīka sūtra), 7 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch, ĐTK/ĐCTT tập 9, số 0262.

56. Xem kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện.