Home > Khai Thị Phật Học
Pháp Của Phật Có Thiên Kinh Vạn Luận
Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân | Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Pháp của Phật thuyết ra, có thiên kinh vạn luận. Tựu chung, thiết yếu chỉ dạy chúng sanh tự hiểu rõ tâm tánh. Nếu ai nhận ra được tâm, thì đại địa chẳng có một tấc đất. Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay bị vật xoay chuyển, do vì cầu pháp ngoài tâm mà không nhận ra tự tánh. Bổn gốc vốn không một vật, thì làm sao nắm bắt được muôn pháp. Vừa vọng chấp ngoài tâm có pháp, thì trở thành tà tri tà kiến. Song, bảo rằng nhận ra được tâm thì đại địa chẳng có một tấc đất, đó cũng còn tính toán. Thật ra, Phật thuyết tam Quy Y, năm giới cấm, ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, cùng muôn ngàn pháp môn, đều vì để đối trị tâm chúng sanh.

Tập khí xấu xa của chúng sanh có tám mươi bốn ngàn loại phiền não. Vì thế, Phật thuyết ra tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị. Đó là phương tiện thiện xảo của Phật. Quý vị có bịnh gì thì Phật cho thuốc đó. Phật thuyết ra tất cả pháp, vì để độ tất cả tâm. Nếu không có tất cả tâm, cần dùng chi tất cả pháp? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, bị vô minh phiền não làm ô nhiễm chân tâm, nên nhận lầm bốn đại làm thân tướng của mình, mà không biết nó vốn không có thật thể, chỉ do đất nước gió lửa hợp thành, đồng như huyễn hóa. Nay muốn xoay về cội nguồn, đầu tiên phải điều phục thân tâm, đoạn trừ tập khí, chuyển tâm thô thành tâm vi tế. Từ hữu vi tiến đến vô vi, khởi dụng công từ tự tánh thanh tịnh của pháp thân. Từ sáng đến tối, đi đứng nằm ngồi, như mài như giũa, cẩn thận chú ý, đoạn trừ tập khí.

Mật phải lớn, và tâm phải vi tế. Mật lớn bao trùm thân tâm, không để cảnh chuyển. Tâm vi tế, tức khí lực phải vi tế, chớ khởi tâm thô khí phù. Những việc này, tự mình có thể kiểm nghiệm. Người nguời đều sống vội vàng hấp tấp, nên khí suyễn hơi thô. Người có công phu định lực, tuy bận rộn nhưng không có khí suyễn. Từ sáng đến tối, tâm bình khí hòa. Chú tâm mà chẳng loạn, tức là định. Vọng tưởng vốn không có thật thể. Có định tức không vọng tưởng, nên tự tìm lại được nguồn tâm. Vừa khởi công phu, phải bàn về oai nghi giáo tướng. Đi đứng nằm ngồi đều có oai nghi. Chớ bảo rằng vì bận rộn mà quên đi oai nghi giới hạnh cùng việc sanh tử. Làm đệ tử Như Lai, tức là thân quyến của tiên thánh, ra vào nơi cửa vàng, hành tạng nơi bảo điện. Phải ung dung tự tại đến những nơi sóng khởi ba đào, để truyển chuyển tích trượng, thăng lên hư không. Giả sử mười đại ma quân, nghe danh mà đến quy y chánh đạo, có nên vì đó mà quên giảng oai nghi không?

Xưa kia, ngài Viễn Lục tại núi Phù Sơn, bảo một vị tọa chủ:

- Nhờ trị tâm, nên mới cầu diệu ngộ. Ngộ đạo được thì thần hòa khí tĩnh, vọng tưởng tình ngưng, dung mạo trang nghiêm khả kính, phù hợp nơi chân tâm. Nhờ điều phục nên tâm tự linh diệu, rồi sau này mới chỉ dạy muôn loài.

Thế nên, người có mắt sáng, thấy mọi hành động cử chỉ oai nghi ra sao, thì biết quý vị tu hành như thế nào. Thuở xưa, khi còn làm Bà La Môn, ngài Xá Lợi Phất gặp tôn giả Mã Thắng. Do thấy oai nghi uy nghiêm của tôn giả Mã Thắng, ngài Xá Lợi Phất bèn khởi tâm cung kính, và đi theo hỏi pháp. Tôn giả Mã Thắng bảo:

"Các pháp từ duyên sanh

Các pháp từ duyên diệt

Thầy tôi đại sa môn

Thường thuyết lời như thế".

Nghe bài kệ này, ngài Xá Lợi Phất liền đắc pháp nhãn thanh tịnh. Trở về, Ngài đọc lại bài kệ này cho Mục Kiền Liên nghe. Nghe xong, ngài Mục Kiền Liên cũng đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Tức thời, cả hai ngài liền dẫn một trăm đệ tử, đến vườn Trúc Lâm, cầu xin xuất gia. Khi đó, Phật bảo:

- Lành thay ! Này tỳ kheo!

Phật vừa nói xong, bất chợt râu tóc của hai ngài đều tự rụng xuống, y ca sa tự quấn thân, tức thành sa môn.

Quý vị thấy đó, tôn giả Mã Thắng đi trên đường lộ, oai nghi nghiêm túc, khiến thành tựu được công đức như thế. Đấy là dùng oai nghi mà dạy người.

Quý vị sơ phát tâm, đồng tham học! Phải nên hướng theo người xưa mà học tập, cùng nhất tâm quán chiếu chính mình; đi đứng nằm ngồi, trong mười hai thời, đều để vô tâm không bị cảnh chuyển. Nếu không giữ bổn phận như thế, bị lưu chuyển mãi theo vọng tình, thì có khác gì người thế tục? Tuy nói xuất gia tu đạo, nhưng đều là lời trống không vô ích. Quý vị hãy lưu tâm.

Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân