Xưa có người vào núi tu đạo, chứng được ngũ thông, có được thiên nhãn nhìn mọi thứ không bị chướng ngại, thấy mọi bảo tàng dưới lòng đất. Vua nghe thấy rất vui mừng, bàn với các quan đại thần, làm sao cho ông ta ở luôn nơi đây, đừng đi nơi khác để giúp ta tìm được bảo tàng. Bấy giờ có một vị quan vô trí, liền tìm đến tiên nhân, khoét đi cặp mắt, đem về dâng vua và thưa rằng "thần đem đôi mắt đó về đây, bệ hạ sẽ không lo nó đi đâu nữa". Vua nói "sở dĩ ta muốn tiên nhân ở đây để tìm bảo tàng, nay nhà ngươi móc lấy đôi mắt đó thì còn làm gì được nữa".
Thế nhân cũng vậy, thấy người tu đầu đà, nơi đồng không mông quạnh, trên gò đất dưới cây, khổ tu thiền định và bất tịnh quán, sinh tâm kính trọng cúng dường mọi thứ ngũ dục, làm hủy hoại thiện pháp, mất con mắt pháp, đạo quả bất thành, đã mất lợi lạc, còn chẳng đạt được gì, như gã ngu thần hủy mắt tiên nhân.
Lời Bình:
Trước hết về việc "khoét mắt" cho chúng ta thấy hai vấn đề.
Thứ nhất, không thể lấy cái của người làm thành của mình, cái của mình phải thực sự do mình tạo ra, từ nhân đến quả, nếu lấy quả của người làm quả của mình, quả này vô nhân, nên không thực của mình mà là ăn cắp, những thứ không từ mình tạo ra, tức không có căn bản sẽ dễ khô héo và mau bị diệt vong.
Thứ hai, tách rời một duyên ra khỏi một "hợp duyên", tất duyên này sẽ không còn đặc tính của hợp duyên, như người ngu ăn muối, tách riêng vị muối ra khỏi vị canh vậy. Ngu thần cũng thế tách rời thiên nhãn ra khỏi thân, nên thiên nhãn không còn công dụng thiên nhãn nữa. Nhà vua cần tiên nhân, ngu thần cần cặp mắt thiên, tiên nhân có thiên nhãn thấy bảo tàng, có miệng để nói, có tay để chỉ, có chân để dẫn vua đến, có óc suy nghĩ để biết vua muốn gì, nhờ mọi trợ duyên mà năng lực của thiên nhãn mới có hiệu quả. Thiên nhãn chỉ thấy, mà không nói được, cũng chẳng chỉ hay đến được, và dĩ nhiên cũng chẳng hiểu ý tha nhân, đoạn mọi trợ duyên trên, thiên nhãn trở thành tê liệt vô dụng.
Sau đến "Lòng hâm mộ" trong câu chuyện cho chúng ta nhận chân được vấn đề sau:
1. Hâm mộ vì tham quả, như nhà vua thấy tiên nhân có thiên nhãn thông, thấy được mọi bảo tàng nên ngưỡng mộ khả năng thấy bảo tàng hơn là tiên nhân, nên khi tiên nhân mất mắt thì vua chẳng còn gì để hâm mộ. Sự hâm mộ này năng sinh tư tưởng lợi dụng quả của tha nhân. Muốn được sử dụng quả tu của tiên nhân mà không muốn gieo nhân tu tập như tiên nhân. Đó là hình thức muốn sở hữu cái của người làm của mình, thuộc về trộm cắp.
Như tín chúng ngưỡng mộ cõi tịnh của chư Phật là thành quả của sự giác ngộ, nhưng chỉ muốn được hưởng thành quả này từ Phật mà không hề muốn gieo nhân để được như Phật đã làm, nên vẫn gieo nhân bận buộc trong đời sống, mà muốn được quả thanh tịnh an lạc của chư Phật giải thoát dùm những bận buộc do chính ta tạo ra, bằng hình thức qụy lụy cầu xin Như lai và bồ tát Quan âm dùng quả giải phược (cởi trói) của quý ngài giải phược cho ta. Tín chúng ngưỡng mộ Quan âm bồ tát vì thích quả năng cứu khổ, vì quả cứu khổ này giúp ta một mặt gieo nhân theo tham dục để được như ý, mặt khác nếu phải chịu hậu quả thì đã có người hứa cứu giúp ta vượt qua quả khổ do ta tự tạo, nên thật sự muốn lợi dụng hơn là cung kính theo học. Chẳng khác gì vua muốn được dùng thiên nhãn của tiên nhân, thích quả thiên nhãn vì nó giúp vua thỏa mãn lòng tham kho báu, mà không thích nhân địa tu hành của tiên nhân.
2. Hâm mộ vì kính phục quả, như có người thấy đức Phật tu hành giải thoát, bất động trước mọi phiền não, khổ lạc, nên sinh tâm kính ngưỡng quả đức này, vì vậy chiếu theo nhân địa thanh tịnh của chư Phật tu tập để được quả đức như chư Phật, sự hâm mộ này năng sinh tâm cầu học, tức muốn học nhân mà không phải chỉ mong lợi dụng quả của tha nhân.
Nếu chúng ta thật sự kính ngưỡng quả đức của chư Phật, tất sinh tâm tàm quý, và dốc lòng sám hối, khi thấy quả đức của chư Phật thanh tịnh an lạc, khác với bất tịnh và đầy phiền não của chúng ta, vì vậy phải học và hành theo phương cách thành tựu quả đức trên. Kính ngưỡng năng sinh phụng hành, đó là chân kính ngưỡng. Người kính ngưỡng Như lai như vậy tất có khả năng thành tựu bi trí, chứng thánh quả, do đó mới biết tôn kính tam bảo năng sinh công đức.
Muốn giữ chân tiên nhân ở lại trong nước để có lợi, như thỉnh Phật cửu trụ để được lợi ích tu học. Vua muốn giữ tiên nhân, ngu thần chỉ muốn giữ cặp mắt thiên nhãn. Tín chúng cũng có hai hạng, một muốn Phật trụ thế, một chỉ muốn giữ tinh thần cứu khổ. Muốn thỉnh Phật trụ thế tức mọi công đức của Phật đều tồn tại bằng cách tự nơi bản thân phải phát tâm tu tập pháp cứu khổ và truyền bá pháp này đến nhiều nơi và nhiều đời. Còn như phàm nhân chỉ muốn cầu và hưởng tinh thần cứu khổ, mà không muốn hành pháp này để phát triển đến khắp nơi và duy trì đến tận vị lai kiếp. Nói chung hàng chính tín thờ Phật để tiếp nối tinh thần cứu khổ, hàng mê tín thờ Phật để cầu cạnh tinh thần cứu khổ của ngài.
Về lời bàn của câu chuyện, hàng tại gia khi thấy thành quả đang tu hành của một hành giả, sinh tâm hâm mộ, nên dùng mọi thứ ngũ dục cung phụng để tỏ lòng tôn kính, vì chúng ta quen coi ngũ dục là bảo, là cứu cánh hạnh phúc là niềm tự hào, nên chỉ dâng ngũ dục cho những người ta thương yêu, và cũng cho cả những người ta kính nể, cho dù những người đó đang tu nhân viễn ly ngũ dục để có thành quả vô dục, hầu bất động trước mọi đắc thất. Hành động mâu thuẫn của ta khi do tín phục người không màng ngũ dục, nên mang ngũ dục đến cúng dường cung phụng, khác nào khoét cặp mắt vô dục của họ, hành động thiếu tư duy này, khiến người tu thất lợi, và ta cũng liên đới chịu hậu quả.
Đa số tín chúng chỉ biết dùng ngũ dục để biểu lộ tình cảm của mình. Thực chất thờ Phật để học và duy trì pháp cứu khổ không cho mất đi trong đời, hay ít ra cũng để hộ trì tam bảo, khiến tam bảo được cửu trụ. Nhưng một khi không hiểu mục đích của tam bảo thì không sao hộ trì nổi, như tín chúng chỉ biết hộ trì tam bảo bằng tiền tài cúng chùa khi cần phải nhờ đến chùa như cầu siêu hay an, coi như một hình thức trả thù lao. Mục đích tu hành của chư Phật và chư tăng không phải để cầu cúng nhận thù lao sinh sống, mà để thành tựu pháp cứu khổ và duy trì pháp này ở thế gian đầy khổ não, nên thực sự muốn hộ trì tất hãy đóng góp thân tâm, tài lực vào công việc tu học và thực hành, cũng như phát triển và duy trì giáo pháp này. Như vậy mọi nỗ lực hành động đều là Phật sự, và nhờ vậy được quả cứ khổ trong tương lai, người cứu được khổ tất nhiên không hề biết khổ nữa.