Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Nao-Thay-Phat-O-Ngoai-Tam-Thi-Nguoi-Ay-La-Quyen-Thuoc-Cua-Ma

Người Nào Thấy Phật Ở Ngoài Tâm Thì Người Ấy Là Quyến Thuộc Của Ma
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Kinh Phật tạng(2) ghi: Nếu Tỳ-kheo nào thấy có Phật, Pháp, Tăng và Giới để thọ trì, thì người ấy là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử của Ta (Phật), Ta chẳng phải là thầy của người ấy, người ấy không được Ta nhiếp thọ.

Hỏi:  Kinh Phật tạng nói rằng, người nào thấy Phật ở ngoài tâm thì người ấy là quyến thuộc của ma, Phật chẳng phải là thầy của người ấy, người ấy chẳng phải đệ tử của Phật. Nhưng pháp môn Tịnh độ thì dạy mọi người chuyên tâm niệm danh hiệu Phật, quán tướng hảo của Phật, cầu sanh cõi Phật, tức là chẳng phải đệ tử của Phật, Phật chẳng phải là thầy của những người ấy, thì làm sao được Phật hộ niệm vãng sanh Tịnh độ? Cả hai kinh trên đều là lời Phật dạy, nhưng lại trái ngược nhau, làm sao thực hành?

Đáp: Phật dạy vô lượng pháp môn sai biệt, nhưng tất cả đều quy về nhất thể. Bởi tùy theo căn cơ khác nhau mà phân biệt ra nhiều nghĩa, nói ra nhiều lời. Thẩm sát lại hai kinh trên, văn từ tuy trái nhau nhưng nghĩa lý thì chỉ có một. Vì sao? Vì Phật, Pháp, Tăng và Giới có ba loại bất đồng. Một là chân đế. Hai là biệt tướng. Ba là trụ trì.

– Chân đế: Chân như thể tánh vốn thanh tịnh, nhị chướng(3) không còn, bổn giác vốn viên minh, tức là chân Phật. Giữ tánh không đổi, làm khuôn mẫu pháp tắc để thành tựu thắng trí, là nhân duyên để trở thành như bậc Đại sĩ, muôn hạnh từ đó mà ra, thì gọi là chân Pháp. Thanh tịnh hòa hợp, dứt sự tranh cãi, đó là chân Tăng. Tánh thanh tịnh, trang nghiêm, thể vô nhiễm, tức là chân Giới. Cứ vào nghĩa tối thắng đã nêu trên nên gọi là Chân đế. Kinh Niết-bàn nói: “Nếu có thể quán chiếu Tam bảo thường trụ đồng với Chân đế, thì đây chính là thệ nguyện tối thượng của chư Phật”. Nghĩa câu kinh này là chỉ cho Tam bảo Chân đế vậy.

– Biệt tướng: Phật có ba thân, là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Pháp có bốn loại, là Lý, Giáo, Hạnh và Quả. Tăng có hai loại, là Tăng hữu vi và Tăng vô vi. Giới thì có giới cho người tại gia, giới cho người xuất gia. Người thực hành tu đạo phải biết nguyên tắc của giới luật là chỉ trì và tác trì(4), đó là nguyên tắc của tất cả mọi điều giới luật vậy!

Nhưng tu theo biệt tướng chỉ là bước chân khởi đầu cho sự chứng ngộ Chân đế. Chỉ biết có biệt tướng, rồi bèn chấp vào đó cho là cứu cánh thì không thể ngộ được chân nguyên(5). Tất cả các học giới đều là những pháp hỗ trợ cho việc tu đạo, không phải là cứu cánh.

Danh tướng của Phật chỉ là sự ứng hiện, không phải là chân thật, dùng để tiếp dẫn hạng phàm phu, phương tiện làm nhà nghỉ chân (hóa thành dụ) mà thôi. Kẻ phàm ngu không hiểu cứ vin chấp vào đó cho là chân thật, vì vậy Phật mới quở trách, gọi là quyến thuộc của ma. Những ai tự cho mình là đứa con đích thực của Như Lai thì cần phải liễu đạt được nhị không(6), xa hơn nữa là khế nhập thể tánh như như, được vậy mới tròn bổn nguyện của mình. Chứ cứ mãi chấp nơi danh tướng, không ngộ pháp chân không thì chắc chắn đi vào xứ sở của ma, xa Phật trái Pháp.

Muốn vượt qua ấm ma(7) thì phải nhờ vào pháp thân thường trụ. Muốn đoạn trừ phiền não chướng(8) ắt phải cậy nhờ vào pháp không. Muốn ra khỏi cõi giới của thiên ma thì phải nhờ sức mạnh của lòng từ. Muốn thoát khỏi tử ma thì phải dùng công phu định thần túc(9). Xem kỹ bốn phương pháp trên thì ngoài bậc Đại thánh ra không ai có thể làm được. Hàng phục bốn ma đâu phải sức của hạng hạ lưu phàm tình có thể gánh vác?!

Nếu không nương nhờ vào pháp cứu cánh thì không có cách gì để cắt đứt được lưới ái, buộc ý nghĩ quay về nẻo chính. Sợ tán loạn trong đường tái sanh, điên đảo lúc nhập thai, cho nên Phật dạy kẻ phàm lưu phải học quán cho vững chắc.

Ngược lại, nếu nhớ nghĩ Tây phương, lại cầu bất thoái, được sanh về hóa độ, thấy hóa thân của Phật, hóa chủ đề huề, chứng vô sanh nhẫn, pháp giới bình đẳng, liễu đạt phân minh, nhờ công đức và thần lực này mà diệt sạch lưới ma, gần thì vượt khỏi tam giới, xa thì chứng quả bồ-đề. Nếu không tu tập theo cách này thì sẽ trở lại trầm luân trong ác thú, chịu khổ lâu dài, chẳng biết đến bao giờ mới được giải thoát.

Xem rõ hai cái nhân tu tập này rồi, thấy có sự sai khác nhưng không có sự trái ngược nhau, đừng nên theo cái thấy một chiều của mình rồi chấp trước sanh nghi ngờ. Ai thuận theo pháp môn căn bản này thì nên nhớ nghĩ thế giới Tịnh độ, khi từ bỏ thế giới này sẽ thoát khỏi luân hồi.

Hãy nghiệm kỹ pháp môn mà mình đang thực hành, quán về cái nhân đang tu tập, thì thấy có sâu cạn khác nhau, rồi tự cân nhắc lợi ích thù thắng. Một khi đã rõ nhân, nhớ lý, thì thấy tất cả bổn nguyên chẳng có gì sai khác.(10)

______________
Chú Thích

2. Kinh Phật tạng, 3 quyển, 10 phẩm, do Cưu-ma-la-thập dịch, còn gọi là Phụng nhập long hoa kinh, Tuyển trạch chư pháp kinh, ĐTK/ĐCTT 15, số 0653.

3. Nhị chướng: phiền não chướng và sở tri chướng.

4. Chỉ trì: Chỉ là dừng lại, là kiềm chế , không cho thân, khẩu làm các điều ác. Nhờ vào chỉ mà bảo trì được giới thể, nên gọi là chỉ trì. Chỉ trì giới dạy cho mọi người chớ làm các việc ác (chư ác mạc tác). Tác trì: Tác là tạo tác, tức khích lệ thân, khẩu và ý tạo tác các thiện nghiệp. Nhờ vào tác mà bảo trì được giới thể, nên gọi là tác trì. Tác trì giới dạy mọi người làm tất cả các việc thiện (chúng thiện phụng hành).

5. Ở đây muốn nói, giới luật hay pháp môn tu học là phương tiện để đạt được cứu cánh giải thoát, chứ giới luật, pháp môn không phải là cứu cánh.

6. Nhị không: Nhân không và Pháp không.

7. Ấm ma, tức uẩn ma, hay ngũ ấm ma, Phạn skandha-māra, chỉ cho ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức tích tụ mà thành cái quả khổ sanh tử, đoạt mất tuệ mạng.

8. Phiền não chướng (S. kleśāvaraṇa): Những phiền não làm chướng ngăn Thánh đạo, như tham, sân, si, mạn, nghi…

9. Luận Đại Trí Độ, ghi: Chứng đắc Bồ-tát đạo thì phá được ma phiền não. Chứng tự tánh Pháp thân thì phá được ma ngũ ấm. Chứng đạo và chứng tự tánh Pháp thân thì phá được tử ma (ma chết). Thể nhập Bất động tam-muội thì phá được Thiên ma (gọi đủ là Tha hóa tự tại thiên tử ma).

10. Trên nói có chân đế, biệt tướng, trụ trì, nhưng chỉ thấy trình bày có hai phần, chân đế và biệt tướng.

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
2 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
4 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
5 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về