Giáo điển nhà Phật, nếu bàn về việc hành trì, thì không ngoài bốn chữ: Tín, giải, hạnh, chứng. Kinh nói: "Tín là mẹ của tất cả công đức".
Tín tức là tín tâm. Trong kinh Hoa Nghiêm, thứ lớp đạt được quả vị Bồ Đề, do từ sơ tín đến thập tín.
Tín việc gì? Tín diệu pháp của Như Lai; nơi mỗi câu cú ngôn ngữ đều chỉ thẳng vào chân tâm, thấy tánh thành Phật. Những lời này, chân thật đích xác, không thể sửa đổi. Người tu hành phải khởi dụng công từ tâm, chớ hướng ngoại tìm cầu. Tin tâm mình là Phật. Tin ngôn ngữ thánh giáo, không thể vọng động cải biến.
Giải tức là trong mọi hành động cử chỉ, chân đế và tục đế đều viên dung. Tự mình biết uyển chuyển thuyết pháp tu đạo. Vận lực tận suốt nguồn tâm, khiến ánh sáng trí huệ chiếu soi khắp nơi. Đó gọi là kiến giải. Song, nếu hiểu mà chẳng hành trì, thì không thể thành công. Thế nên, miệng phải đọc tụng, tâm phải tư duy. Tâm và miệng phải tương ưng, không thể trái ngược. Miệng không thể bảo lấy gấm thêu hoa, mà bao tử lại chứa đầy tham, sân, si, ngã mạn. Những lời đàm luận trống không, quyết chẳng có lợi ích. Tâm tư duy những gì? Nếu nói ra lời nào, phải y cứ theo thánh giáo lượng. Cử chỉ động niệm, chẳng nên vượt ngoài thành trì thánh giáo lượng. Nói được và làm được, thì ngôn ngữ và hành động mới không khiếm khuyết. Thuyết pháp đến độ hoa trời rơi khắp đất, mà không chân thật hành trì; không làm được thì chớ nói; chớ nên như nam ăn cắp, nữ hát suông. Hạnh có nội hạnh và ngoại hạnh. Cả trong và ngoài đều phải tương ưng. Nội hạnh cắt đứt hai chấp trước: Ngã và pháp. Ngoại hạnh tức là hành muôn hạnh lành thiện vi tế.
Chứng tức là thật chứng lý chân thường.
Có tín có giải, mà không có hạnh thì không thể chứng đắc; đó gọi là phát cuồng. Người thuyết pháp trên thế gian rất nhiều như lông trâu, nhưng khi tu hành lại chẳng biết gì là thiền sư hay pháp sư. Họ chú giải được vài bộ kinh như Kim Cang, Tâm Kinh, Bát Thức Quy Củ, hoặc Lăng Nghiêm, rồi tự vênh mũi khoe khoang, nhưng lúc hành trì lại không khác với người thế tục; kể món ăn mà không chịu ăn.
Nơi các động tác hành vi phải phân rõ nội hành và ngoại hành.
Trong nội hành, định và huệ phải viên dung. Nơi ngoại hành, tại bốn oai nghi, phải thường nghiêm thủ giới pháp, chẳng để phạm chút nào. Nếu được như thế thì tự mình mới có phần ích lợi. Lại nữa, chính tự thân mình làm được thì mới có thể giáo hóa người. Muốn nhân tâm cảm kích, phải chân thật hành trì, không cần đàm luận nói năng nhiều. Văn Di Sơn bảo: "Nếu thấy tướng Ta, cho đến nghe tên Ta, mọi chúng sanh đều phát tâm Bồ Đề, mãi mãi xuất ra khỏi vòng luân hồi sanh tử".
Hành vi của mình nếu chân chánh thì mới có thể giáo hóa người. Chớ để người thấy hành vi bất chánh của mình mà sanh thối tâm, khiến chiêu tội báo đọa lạc.
Thiền sư Pháp Dung ẩn tu trong hang đá Bắc Nham, cạnh chùa U Thê, tại núi Ngưu Đầu. Ngài tu hành rất mực tinh tấn, được trăm loài chim dâng hoa quả cúng dường. Vào đời Đường Trinh Quán, Tứ Tổ đến núi đó để xem khí tượng, thấy biết có bậc dị nhân, nên cố tự tìm đến. Vào chùa, Tứ Tổ hỏi:
- Trong chùa có bậc đạo nhân không?
Tăng chúng đáp:
- Người xuất gia nơi đây, ai chẳng phải là đạo nhân!
- Ai dám tự xưng là đạo nhân?
Tăng chúng không lời đối đáp. Một vị tăng khác bước ra thưa:
- Cách nơi này khoảng mười dặm có một ông tăng, thấy người đến, rất làm biếng, chẳng thèm đứng dậy hay chắp tay xá. Đây có phải là bậc đạo nhân chăng?
Nghe vậy, Tổ liền vào núi, thấy thiền sư ngồi thiền an nhiên, chẳng màng quay đầu lại nhìn. Tổ bảo:
- Ông ngồi đây làm gì?
Thiền Sư thưa:
- Ngồi quán tâm.
- Người quán là ai, và tâm là vật gì?
Thiền sư không lời đối đáp, nên liền đứng dậy đảnh lễ, thưa:
- Đại Đức quang lâm, an trụ nơi nào?
Tổ bảo:
- Bần đạo không có chỗ dừng chân nơi đông nơi tây nhất định.
- Ngài có biết thiền sư Đạo Tín không?
- Sao hỏi đến vị đó?
- Ngưỡng mộ oai đức đã lâu, mong mỏi có dịp để yết kiến lễ bái.
- Thiền sư Đạo Tín chính là bần đạo!
- Vì sao Ngài lại đến đây?
- Đến đây để thăm ông. Có chỗ nào nghỉ ngơi không?
Thiền Sư chỉ tay ra đằng sau hang động, đáp:
- Ở đây còn một am tranh nhỏ.
Thiền Sư liền dẫn Tổ đến am tranh đó. Khi thấy hổ sói, Tổ ra dáng sợ hãi, đưa hai tay lên. Thiền Sư thấy vậy hỏi:
- Ngài vẫn còn cái đó à?
Tổ hỏi lại:
- Cái đó là gì?
Thiền sư im lặng không đối đáp. Lát sau, Tổ vẽ chữ Phật trên tòa ngồi của thiền sư. Thấy chữ Phật, thiền sư giật mình lo sợ. Tổ hỏi:
- Ông vẫn còn cái đó à?
Thiền sư chưa hiểu, chỉ dập đầu lễ bái, thỉnh Tổ thuyết yếu chỉ. Tổ bảo:
- Trăm ngàn pháp môn, đồng quy về một tấc vuông. Hà sa diệu đức đều nhiếp về nguồn tâm. Tất cả môn giới định huệ, thần thông biến hóa, đều tự có đầy đủ, chẳng rời tâm ông. Mọi nghiệp chướng phiền não, vốn là không tịch. Mọi nhân quả vốn như mộng huyễn. Không có ba cõi để xuất ra, không có Bồ Đề để cầu; nhân cùng phi nhân, tánh tướng bình đẳng; đại đạo thênh thang, tuyệt đường suy nghĩ. Những pháp như thế, nay ông đã được, chẳng hề thiếu sót, sao khác với Phật? Ngoài pháp này, chẳng còn pháp nào khác. Tâm ông chỉ việc tự tại, chẳng cần quán hành, chẳng cần lắng đọng tâm tư, chẳng khởi tham sân si, chẳng ưu sầu lo nghĩ; mông mênh bát ngát vô ngại, tùy ý tung hoành, không làm việc thiện, chẳng tạo việc ác; đi đứng nằm ngồi, mắt thấy gặp duyên, đều là diệu dụng của Như Lai; an lạc chẳng ưu sầu, gọi đó là Phật.
Thiền Sư hỏi:
- Tâm đã đầy đủ, vậy gì là Phật, gì là tâm?
Tổ đáp:
- Chẳng phải tâm, chớ hỏi Phật. Hỏi Phật chẳng có thể không tâm.
- Nếu chẳng cần quán hạnh, thì lúc gặp cảnh khởi tâm, làm sao đối trị?
- Cảnh vốn không tốt xấu. Tốt xấu đều do tâm khởi. Tâm nếu không chạy theo danh lợi, thì vọng tình do đâu mà khởi! Lúc vọng tình chẳng khởi, chân tâm mặc tình giác biết khắp nơi. Tâm tùy thời tự tại, chẳng cần đối trị, tức gọi là pháp thân thường trụ, không biến đổi khác lạ. Ta thọ pháp môn đốn giáo của đại sư Tăng Xán, nay phó chúc cho ông. Ông hãy lắng nghe cho kỸ mà thọ trì lời Ta. Ông chỉ nên trụ tại núi này. Mai sau sẽ có năm vị đạt nhơn đến đây nối tiếp ông hoằng hóa.
Thiền sư Pháp Dung Ngưu Đầu, lúc chưa yết kiến Tứ Tổ, trăm loài chim dâng hoa cúng quả. Sau khi Thiền Sư gặp Tổ, chim không còn đến cúng dường nữa. Lý này thế nào? Cảnh giới Phật pháp không thể nghĩ bàn. Trời người rải hoa cúng dường mà không dấu vết. QuỶ thần tìm tông tích mà nào thấy cửa ngõ. Nếu sanh tử chưa đoạn thì không thể được như thế. Ngồi trên cây khô đá cuội mà ngủ thì không hợp với Phật pháp, thật uổng phí công phu.
Chúng ta khác với người xưa, luôn mong mỏi trời người cúng dường. Song, họ nào ngó ngàng đến, vì chúng ta chẳng hành trì chân thật. Người chân thật dụng công hành trì, nơi đầu đường xó chợ, trà đình tửu quán, đều là đạo tràng. Tình nếu không phụ vật, thì vật chẳng chướng ngại người, như gương chiếu soi muôn vật, không nghinh đón cũng không cự tuyệt. Nếu được như thế thì tương ưng cùng đạo. Chớ chấp tâm mê cảnh, tìm pháp ngoài tâm.
Tôi rất xấu hổ, vì chưa chứng đắc được gì; sao lại lắm lời, có lợi ích gì! Quý vị chú giải, và tôi chú giải kinh luận Phật Tổ. Chú giải đến nỗi không cần chú giải nữa. Ngày ngày đăng báo giảng kinh thuyết pháp, nhưng khi nhìn mình, người ngoài liền hồ nghi sợ hãi, thối tâm đọa lạc. Do đó, muốn thuyết pháp lợi người, thì thân tâm phải tự hành trì trước. Thân phải hành trì như thế nào? Bàn đến việc này, tôi thật rất xấu hổ.