Thích Ca Như Lai thuyết pháp trong bốn mươi chín năm, đàm kinh hơn ba trăm hội, quy nhiếp tại ba tạng, mười hai bộ. Ba tạng tức là tạng kinh, tạng luật, tạng luận. Toàn bộ ba tạng không ngoài ba học, giới định huệ. Tạng kinh thâu nhiếp định học. Tạng luật thâu nhiếp giới học. Tạng luận thâu nhiếp huệ học. Nói chung, hai chữ nhân quả bao gồm tất cả lời thuyết pháp của Phật. Tất cả phàm thánh, thế gian, xuất thế gian, đều không vượt ngoài hai chữ nhân quả. Nhân tức là nhân duyên. Quả tức là quả báo.
Ví như trồng lúa, lấy hạt lúa làm nhân, rồi nhờ ánh sáng, gió mưa làm duyên. Khi hạt lúa chín mùi thì gặt hái lúa, tức là quả. Nếu không nhân duyên, quyết chẳng thể kết quả. Sở dĩ thành thánh hiền, vì các Ngài minh nhân thức quả. Minh tức là liễu giải được nghĩa. Thức tức là hiểu rõ được nghĩa. Phàm phu sợ quả. Bồ Tát sợ nhân. Phàm phu chỉ sợ quả ác, mà nào biết đến quả ác phát khởi từ nhân xấu. Bình thường, tự ý làm những việc hàm hồ ngu xuẩn; mưu đồ hưởng sung sướng trong nhất thời, mà quên rằng sung sướng vốn là nhân khổ.
Bồ Tát chẳng như thế. Bình thường, nhất cử nhất động, hộ trì thân tâm cẩn trọng, và luôn lấy việc giữ giới làm đầu, nên chẳng gieo nhân xấu, thì làm sao quả ác đến? Bị quả ác trói buộc, do vì đã trồng nhân xấu bao đời xa xưa. Trước kia đã từng trồng nhân nào, thì ngày nay khó mà trốn chạy quả báo đó. Khi cảm thọ quả báo, phải an nhiên lãnh thọ, chẳng nên lui sụt sợ hãi. Đấy mới gọi là minh nhân thức quả.
Ví như pháp sư An Thế Cao thuở xưa, nhờ bao kiếp tu trì, nên được thọ sanh làm thái tử nước An Tức. Khi ấy, Thái Tử xả bỏ năm dục, xuất gia tu đạo, đắc được túc mạng thông, biết đời trước đã từng thiếu nợ mạng người. Chủ nhân lúc ấy đang ở tại nước Tàu. Do đó, Ngài đi thuyền qua Tàu. Đến Lạc Dương, Ngài đi qua một cánh đồng hoang vắng. Bỗng nhiên, từ đâu chạy đến, một thiếu niên tay cầm thanh kiếm, xa thấy Ngài, nổi giận đùng đùng, hung khí đằng đằng. Khi chạy tới, chưa kịp nói lời gì, liền vung kiếm chém Ngài. Sau khi chết, thần thức của Ngài vẫn trở lại đầu thai làm Thái Tử nước An Tức. Lúc trưởng thành, cũng phát tâm xuất gia, vẫn đạt được túc mạng thông, và biết đời này lại phải đền thêm một mạng người nữa. Chủ nhân vẫn ở tại Lạc Dương. Vì vậy, Ngài đi qua Tàu một lần nữa, rồi đến thẳng nhà người vừa giết mình trong đời tiền kiếp. Đến nơi, Ngài xin tá túc qua đêm. Được tiếp đãi cơm nước xong, Ngài hỏi chủ nhân:
- Ông có nhận ra tôi không?
Chủ nhân đáp:
- Không.
- Tôi là vị tăng mà ông đã giết tại một cánh đồng vắng, vào ngày ấy, tháng ấy, năm ấy.
Chủ nhân kinh hoàng sợ sệt, vì việc này không có người thứ ba nào biết đến. Ông nghĩ rằng vị tăng này chắc là hồn ma thuở xưa, nay trở lại đòi mạng. Do đó, ông ta vụt muốn bỏ chạy. Ngài bảo:
- Chớ sợ! Tôi chẳng phải là quỶ ma đến đòi mạng đâu! Ngày mai, tôi cũng sẽ bị người khác giết chết, để đền sanh mạng trong đời tiền kiếp. Vì thế tôi mới đến đây. Nhờ ông làm nhân chứng, chuyển lời di chúc của tôi lại cho quan quân địa phương, bảo rằng tự tôi đến đây để đền mạng, chớ trị tội kẻ giết lầm tôi.
Nói xong, Ngài liền đi ngủ. Hôm sau, Ngài đi ra đường phố, gặp một người nông phu, đang gánh củi. Lúc Ngài đi gần tới ông ta, đột nhiên gánh củi ở phía trước rớt xuống đất, nên cây đòn gánh vụt đánh bật trở lại đằng sau, đập trúng vào đầu Ngài, khiến Ngài chết ngay lập tức. Người nông dân bị dẫn đến quan trường xét xử. Chất vấn xong, quan tuyên bố là ông nông dân phạm tội cố sát. Ông chủ nhân giết Ngài đời trước, thấy lời Ngài dặn dò đêm hôm qua thật rất tương hợp với sự tình, nên trần thuật và trình di chúc của Ngài lên quan xét xử. Quan nghe xong, tin tưởng nhân quả chẳng sai chạy, nên tha tội ngộ sát cho ông nông dân. Khi bị đòn gánh đánh chết, thần hồn Ngài vẫn bay trở lại, đầu thai làm Thái Tử nước An Tức. Lớn lên, cũng xuất gia tu hành, tức là pháp sư An Thế Cao.
Tuy là thánh hiền, nhưng chẳng lầm nhân quả. Đã từng trồng nhân xấu thì phải cảm thọ quả ác. Nếu hiểu rõ nghĩa này, thì những cảnh thuận nghịch, vui buồn, khổ nhọc, sung sướng, cùng mọi cảnh giới hằng ngày, đều do nhân xưa tạo ra. Ngay nơi những cảnh giới này, chớ sanh tâm vọng tưởng thương ghét oán trách, thì tự nhiên sẽ xả bỏ được tất cả, khiến chuyên tâm vào đạo. Những thói quen tật xấu, vô minh, cống cao ngã mạn, đều không thể làm chướng ngại, thì tự nhiên dễ dàng nhập đạo.