Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Mon-Tinh-Do-La-Phap-So-Co-Chi-De-Cho-Ke-Ngu-Dot

Môn Tịnh Độ Là Pháp Sơ Cơ Chỉ Để Cho Kẻ Ngu Dốt
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

1) Hỏi: Môn Tịnh Độ là pháp sơ cơ, chỉ để cho kẻ ngu dốt, căn trí thấp kém hành trì. Những người căn tánh cao phải tu Thiền hay Duy Thức mới hợp lý. Vả lại bậc trượng phu phải có chí hùng cường tự lập, nên căn cứ nơi sức mình mà giải thoát; nếu cầu mong tha lực, chẳng tỏ ra hèn yếu lắm ư?

– Đáp: Với lời hỏi này, trước tiên xin nói về căn cơ, sau sẽ trả lời đến yếu tố tự lực tha lực.

* Pháp môn Tịnh Độ không phải chỉ để cho bậc trung, hạ căn, mà còn thâu nhiếp cả bậc thượng thượng căn. Bậc trung, hạ căn niệm Phật sẽ dứt được phiền não nghiệp chướng, phát sanh phước đức trí huệ, lần lần đi đến định cảnh, tùy công phu thấp cao mà vãng sanh về chín phẩm sen nơi Cực Lạc. Bậc thượng căn vừa đề khởi câu niệm Phật, liền thâm nhập vào cảnh giới định huệ, đi đứng nằm ngồi đều ở trong Niệm Phật Tam Muội, khi lâm chung sanh về thượng thượng phẩm ở Liên Bang. Trong hàng tiên đức đã có vị đi vào cảnh giới này, và trình thuật với câu:

Niết khởi sổ châu thằng sách đoạn
Thể hương phạn thục dĩ đa thời

Ý nói:
Nắm lấy chuỗi tràng trần niệm dứt,
Nghiễm nhiên thành Phật đã từ lâu.

Cho nên, câu niệm Phật thâu nhiếp hết ba căn, với người cao nó thành cao, với người thấp nó thành thấp.

Các bậc đại tri thức trong Phật Giáo thường phê luận: “Pháp môn Niệm Phật gồm nhiếp cả Thiền, Giáo, Luật, Mật.” Tại sao pháp Niệm Phật lại gồm nhiếp cả bốn môn này? – Sở dĩ có điều ấy, bởi khi niệm Phật dứt trừ cả vọng tưởng chấp trước, đó là Thiền. Sáu chữ hồng danh bao gồm vô lượng nghĩa mầu, vô lượng nghĩa đều ẩn một và xuất hiện từ nơi đấy, đó là Giáo. Niệm Phật đến cảnh giới sâu, ba nghiệp đều trong sạch vắng lặng, đó là Luật. Câu niệm Phật có công năng như một câu thần chú, hay giải oan, trừ nghiệp, mãn nguyện, hàng ma đó là Mật. Như Liên Trì đại sư, trong một năm nắng hạn lâu ngày, thay vì niệm chú đảo võ, Ngài chỉ đi ngoài đồng gõ mõ niệm Phật, đi đến đâu trời mưa đến đó. Và Viên Chiếu Bản thiền sư, thay vì tham thiền, Ngài chỉ dùng sáu chữ hồng danh mà được ngộ tánh bản lai, chứng vào Niệm Phật Tam Muội. Cứ như đây suy nghiệm rộng sâu thêm, câu niệm Phật cũng gồm thâu cả năm thời tám giáo, nhiếp luôn sáu pháp Ba La Mật, như Triệt Ngộ đại sư đã trình bày trong thiên Niệm Phật Bách Kệ.

Trong kinh lại nói: “Chí thành xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được tiêu tội nặng trong tám mươi ức kiếp sanh tử.” Người niệm Phật nếu hằng giữ định tâm, tất sẽ phát huệ đồng như lối tu của các pháp môn khác. Hơn nữa, trên định tâm mà xưng danh hiệu Phật A Di Đà, thì sự tiêu nghiệp chướng sanh phước huệ càng cao thắng chóng mau. Vì thế, Liên Trì đại sư đã khen pháp Niệm Phật là: đại thiền định, đại trí huệ, đại phước đức, đại thánh hiền. Theo Quán Kinh: người tạo tội ngũ nghịch thập ác khi lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu chí thành xưng danh hiệu Phật A Di Đà cho đến mười niệm, thì Ngài liền hiện thân tiếp dẫn sanh về Cực Lạc. Từ một kẻ cực ác, chỉ dùng mười niệm mà được vãng sanh, lên ngay ngôi Bất Thối Chuyển thật là điều rất hy hữu. Ấn Quang đại sư đã khen: “Pháp Niệm Phật bậc cực cao niệm đến một lòng không loạn, chứng vào Tam Muội, kẻ cực thấp chỉ dùng mười niệm thành công, là điểm đặc sắc mà chưa thấy pháp môn nào có.”

* Về vấn đề tự lực tha lực, nếu như hiểu môn Tịnh Độ chỉ hoàn toàn nương nơi tha lực là lầm. Người niệm Phật phải đem hết tự lực dứt trừ phiền não, trì niệm cho đến cảnh giới tâm mình, và tâm Phật tương ứng. Từ cảnh giới đó, hiện thời hành giả được Phật phóng quang thầm nhiếp thọ, khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh. Sự tiếp dẫn mới là yếu tố chánh của tha lực, vì thế giới Cực Lạc cách xa cõi Ta Bà này đến mười muôn ức Phật độ, còn không phải sức thần thông đạo lực tầm thường có thể đến được, huống nữa là phàm phu! Vì thế cần phải nhờ tha lực tức thần lực của Phật hoặc chư thánh tiếp dẫn. Ví như một học sinh, tự mình biết gắng hết sức chuyên học, dĩ nhiên là điều đáng quý. Nếu trên sự chuyên học ấy, lại được vị giáo sư giỏi kèm theo chỉ dạy, tất mức học vấn càng cao thâm, kết quả thi đỗ sẽ là phần bảo đảm. Trên tự lực của hành giả, thêm tha lực của Phật gia bị tiếp dẫn cũng lại như thế. Vậy sự kiện chính mình đã gắng hết sức để tu, lại cầu thêm tha lực cho được kết quả mau chóng, có phải là một điều hèn yếu lỗi lầm chăng? Sự cao diệu của môn Tịnh Độ, chính các bậc đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ; các vị Tổ Sư như Vĩnh Minh, Trí Giả, Triệt Ngộ, Liên Trì, cho đến nhiều đấng tôn túc ở các tông, đều khuyến nguyện vãng sanh. Chê Niệm Phật là thấp kém chỉ để cho bậc hạ căn tu hành tức là chê chư Bồ Tát, Tổ Sư và các vị cao đức đã nói trên. Bảo niệm Phật là hèn yếu, chỉ nương nơi tha lực, tức là chưa hiểu biết chi về môn Tịnh Độ.

Trích từ: Niệm Phật Thập Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
2 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
6 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
7 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
8 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
9 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
10 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
11 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về