Home > Khai Thị Phật Học
Những Câu Văn Trọng Yếu Trong Kinh Hoa Nghiêm
Pháp Sư Tín Nguyện | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch


Kinh Hoa Nghiêm được đức Thế Tôn tuyên thuyết khi vừa chứng ngộ quả vị Phật-Đà và viên mãn Mười thân(1), đây là Kinh mà hết thảy mười phương đều tán thán là Kinh điển trân quý, còn người đời thì tôn vinh là Kinh Vua của tất cả các Kinh. Ý nghĩa của Kinh diễn đạt đến tận cùng Lý-Tánh, xuyên suốt cả Nhân quả, hàm chứa toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đây là Giáo nghĩa mà đức Như Lai luận bàn về “Thực tánh” để nhiếp độ hàng Pháp thân Bồ-Tát; dù là vậy, Ngài vẫn đặc biệt đề cập đến vấn đề niệm Phật để tội chướng được tiêu diệt. Tại đây, chỉ trích dẫn hai đoạn ngắn để làm bằng chứng.

Đoạn văn trong phẩm Hiền Thủ của kinh Hoa Nghiêm ghi:

“… Gặp người sắp lâm chung,
Khuyến khích họ niệm Phật,
Và tôn trí tượng Phật,
Bảo họ cung kỉnh nhìn,
Để khởi phát tâm sâu,
Quy hướng về cảnh Phật,
Nhờ công đức như thế,
Thành tựu hào quang(2)này”.

Đoạn văn trong phẩm Nhập Cảnh Giới Giải Thoát Bất Tư Nghị Của Hạnh Nguyện Bồ-Tát Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm ghi:

“… Hoặc như có người nào,
Mạng sống sắp kết thúc,
Những hiện tượng ác dữ,
Hiện ra ở trước mắt,
Người đang lâm chung ấy,
Thấy cảnh tượng như thế,
Rất âu lo sợ hãi,
Chẳng biết cậy nhờ ai.
Nếu tin tưởng chí thành,
Niệm danh hiệu của Ta (3),
Thì cảnh ác dữ ấy,
Đều tiêu diệt tất cả”.

* Sự tích vãng sanh.

– Đau khổ lúc lâm chung, nhìn ảnh mà niệm Phật.

Lý Cái Thần là người thuộc Trấn Hán Khẩu, Tỉnh Hồ Bắc, mấy chục năm làm Quan ở Tỉnh Giang Tây; có đức tin vào thuyết “Trường sinh bất tử”, nên luyện thuốc để uống. Vào năm hơn năm mươi tuổi, do phản ứng của thuốc dẫn đến đau bụng dữ dội(4). Lý Cái Thần có quen thân với một Cư sĩ, một hôm đột nhiên ghé thăm, Lý Cái Thần thấy Cư sĩ liền khóc lóc thảm thiết và xin cứu giúp, Cư sĩ hoan hỷ giảng nói về Diệu pháp là niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây; đồng thời, bảo người nhà vệ sinh phòng nằm của bệnh nhân thật sạch sẽ, sau đó treo bức ảnh tiếp dẫn của đức Phật A-Di-Đà, rồi khuyên Lý Cái Thần hãy chí thành cung kỉnh nhìn vào ảnh Phật và tha thiết niệm danh hiệu Ngài với một tư tưởng duy nhất, là mong cầu được Ngài tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương.

Lý Cái Thần rất tin tưởng và trì niệm, Cư sĩ cũng niệm để trợ duyên, niệm đến năm trăm hiệu thì tâm lý của Lý Cái Thần rất hân hoan an lạc, mọi sự đau đớn bức ép của cơ thể không còn nữa, thấy vậy vị Cư sĩ ấy cáo từ ra về. Những ngày sau đó Lý Cái Thần vẫn tinh tấn niệm Phật, và biết trước ngày vãng sanh của mình nên báo với người nhà rằng: “Đức Phật A-Di-Đà với sắc tướng rực rỡ, đã dạy ngày mai sẽ tiếp dẫn tôi vãng sanh, như thế tôi đã được sanh về thế giới tốt đẹp, nên mọi người chớ có sầu muộn khóc lóc, mà nên vui vẻ niệm Phật trợ duyên cho tôi vãng sanh về thế giới Cực Lạc”. Quả nhiên đúng như vậy, ngày hôm sau Lý Cái Thần an ổn niệm Phật rồi nhắm mắt tự tại vãng sanh. (Trích từ: Tịnh Độ Thánh Hiền Lục Dị Giải).
———————————-

[1] Mười thân (Thập thân): Kinh Hoa Nghiêm nói rằng, đức Phật có đủ Mười thân dược thụ (Thập thân dược thụ). Dược thụ: Cây thuốc.
[2] Thành tựu Hào quang: Ý nói thành tựu Pháp thân như đức Phật.
[3] Ta: Bồ-Tát Phổ Hiền – Vị đã vãng sanh về Cực Lạc.
[4] Đau bụng dữ dội: Do ký sinh trùng hoành hành.
Trích từ: Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm