Tâm chúng sanh với Phật xưa nay vốn đồng nhất thể thanh tịnh, nhưng vì chúng sanh thả tâm chạy theo trần cảnh nên bị vọng tình làm ô nhiễm; sự ô nhiễm ấy là do nơi ngũ dục: sắc, tài, danh, thùy, thực lôi cuốn. Nếu tâm không khởi động tham sân si; thân không khởi tạo sát, đạo, dâm, vọng; thì nhất định lúc nào cũng thanh tịnh, mà, tâm đã thanh tịnh thì việc cầu sanh tây Phương Cực Lạc có chi là khó.
Tâm tham, sân, si, nổi lên thì chúng sanh cũng có thể tạo bất cứ nghiệp ác gì; những hiện tượng thường xảy ra chung quanh ta như: giết người, cướp của, hãm hiếp.. đó là tâm địa ngục, ngã quỷ, súc sanh của chúng sanh đó khởi dậy; không phải chỉ có tâm lúc đó là tâm ác đạo mà, ngay cả tướng mạo thân hình lúc đó cũng là tướng của ác đạo. Tâm ta tưởng Phật tức ta là Phật, từ ba mươi hai tướng tốt cho đến tám mươi nét đẹp đều xuất hiện trong ta. Khi ta nhiếp tâm niệm Phật thì cảnh giới Tây Phương hiện hữu trong tâm tưởng ta; đồng thời tâm ta cũng luôn hằng thường nghe phật Di Đà thuyết pháp. Hằng ngày tâm ta không niệm ngũ dục, nên cảnh trần ảo mộng của thế giới Ta Bà đối với tâm ta không in bóng; cảnh giới lục đạo luân hồi không thể hiện hữu trong tâm ta, dù rằng ta đang ở trong lục đạo luân hồi. Nhưng ta sẽ sanh về tây Phương vì tâm ta lúc nào cũng niệm Phật, nghe Phật thuyết pháp và, thật sự tâm ta đang sống với cảnh giới Cực Lạc Tây Phương của Phật A Di Đà. Tâm chúng sanh nhiễm ô bởi ngủ dục, nên chúng sanh sống ở thế giới phàm Thánh Đồng cư độ (có kẻ phàm người thánh); nhưng nếu chúng sanh tâm đã lìa nhiễm luôn ở trong cảnh thanh tịnh của chư Phật, lúc nào tâm cũng là Phật, cảnh là cảnh Phật, thì chúng sanh ấy đang ở trong cảnh giới thường tịch quang tịnh độ (cảnh giới thanh tịnh của chư Phật, thánh nhân không có xen lẫn phàm nhân); tuy chúng sanh ấy thân còn trụ nơi Ta Bà ô nhiễm nhưng tâm đã vượt ra ngoài phạm vi tam giới, mà, thể nhận vào thế giới cửa chư Phật, thế giới của Phật Di Đà.
Phật pháp thường dạy người tu căn bản là phải giữ gìn tâm ý, ý tưởng buông lung gây ác nghiệp vô lượng; vọng tưởng không an, phiền não khởi dậy, thiện nghiệp công đức sẽ khó thành tựu. Người thế gian luôn nghĩ đến tài, sắc, danh, lợi…nên tâm chí cuồng loạn quay cuồng trong khổ đau, từ trong đau khổ này đi vào trong đau khổ khác mà không nhìn thấy tự cho là vui; từ đó tạo thêm nhân đau khổ khác để mang tiếp quả đau khổ mãi mãi không bao giờ dứt.
Là người học Phật, niệm Phật dầu cho tại gia hay xuất gia, ta cũng phải nhìn thấy vấn đề, đem tâm sợ hãi nghiệp chướng mà tự mình chuyên cần tinh tấn niệm Phật. Phật là bậc giác ngộ, thanh tịnh tột cùng nên ta phải đem tâm tưởng nhớ và hằng niệm thường ngày. Từ đó chuyển được tâm phàm phu mê muội, phiền não để trở thành tâm thanh tịnh, sáng suốt đồng như chư Phật. Nên biết khi tâm ta suy nghĩ tưởng nhớ ác nghiệp đó là ta đang tạo niệm nhân ác, thì nghiệp quả chiêu cảm sẽ là ba đường ác; nếu lúc nào tâm ta cũng suy nghĩ tưởng nhớ đến sự diệu dụng công đức vô lượng của Phật Di Đà mà hằng niệm danh Ngài, đó là niệm Phật nhân, thì ta sẽ có Phật quả là vãng sanh về Tây Phương gặp Phật Di Đà, nghe pháp.
Trong Kinh có dạy:”tam đồ bát nạn cu ly khổ” nghĩa là: sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, trước Phật sau Phật, Bắc cu lô châu, trời Vô Tưởng, đui điếc câm ngọng, thế gian trí biện luận; nếu chúng sanh nào sanh nhằm một trong tám nạn này đều gọi là nạn khổ. Ở đây chúng ta thấy sanh vào thời kỳ trước Phật hoặc sau Phật là một trong tám nạn. Hiện tại chúng ta sanh vào thời mạt pháp, Phật Thích Ca đã nhập diệt, Phật Di Lặc chưa ra đời nên gọi là một trong tám nạn; tuy nhiên vẫn còn được chút duyên lành là gặp được giáo lý của Phật, biết hướng thiện, biết tu biết niệm Phật. Từ vô lượng kiếp chúng ta đã trôi theo giòng sanh tử sống loạn thác cuồng trong sáu nẻo luân hồi, khi làm thân người trời có lúc lại đi vào địa ngục, ngạ quỷ…đã niếm không biết bao nhiêu mùi vị cay đắng của cuộc đời. Theo tôi thiết nghĩ những mùi vị cay đắng của cuộc đời trong lục đạo mà chúng ta đã trải qua như vậy cũng tạm gọi là đủ lắm rồi. Giờ này, may mắn có chút duyên lành gặp được Phật pháp, gặp được pháp môn tu thù thắng; vậy, kính xin mời tất cả chư vị cùng chúng tôi hãy chuyên cần mà niệm danh hiệu của Phật Di Đà, để lìa bỏ cảnh giới đau thương khổ lụy mà cầu sanh về cảnh Tây Phương. Chúng ta phát Bồ đề Tâm tu học lục độ vạn hạnh, ngồi thiền giác ngộ sanh lên cung trời Đâu Suất gặp Phật Di Lặc xuất thế chúng ta xuống theo tu để chờ ngày thành Phật; hoặc chúng ta nguyện ở lại thế giới này hành đạo Bồ Tát để chờ Phật Di Lặc ra đời…tất cả tựu trung bây giờ tu để chờ ngày gặp Phật, hoặc chờ ngày thành Phật. Đều giống nhau ở điểm là muốn đạt được đạo vô thượng Bồ Đề. Vậy thì tại sao Phật Di Đà đang trụ thế, đang thuyết pháp tại cõi Tây Phương, mà, ta lại không niệm Phật để cầu sanh về gặp Phật, nghe pháp liền, lại phải ở lại Ta Bà chờ gặp Phật Di Lặc. Sau khi sanh Tây Phương gặp Phật Di Đà nghe pháp chứng được bất thối Bồ Tát, trong một niệm đại bi tâm có thể chu du khắp mươi phương thế giới Phật sát vi trần quốc độ mà hóa độ chúng sanh trong đó có thế giới ta bà. Vậy thì pháp môn niệm Phật có gì là khác đối với các pháp môn khác, chưa nói là thuận tiện và dễ dàng hơn cho mọi tầng lớp tu tập.
Do sự thuận tiện của pháp môn niệm Phật ở thời mạt pháp như thế, nên khuyên đại chúng ngàn vạn lần không nên mong sanh trở lại thế giới Ta Bà, làm người có địa vị cao sang mà, hãy quyết tâm chuyển phàm tình lục dục trở thành thanh tịnh tâm của chư Phật bằng câu Phật hiệu Di Đà.
Chúng ta cũng không nên suy nghĩ vì mang nhiều tội chướng ác nghiệp, phàm phu hạ liệt mà không có khả năng niệm Phật để thành Phật. Phật dạy:” ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Trong kinh Pháp Hoa Phẩm Thường Bất Khinh, Bồ Tát Thường Bất Khinh mỗi khi gặp đại chúng đều lễ lạy và nói câu “ tôi không dám khinh quý ngài, vì quý ngài là vị Phật tương lai” hoặc Phật là tâm, tâm là Phật. Vậy hôm nay ta niệm Phật là niệm tự tâm, là hiển bày vị Phật tự tánh, là làm cho Phật Di Đà nơi tự tâm được chiếu sáng, là nghe pháp âm vi diệu phát ra nơi tự tâm, tâm tịnh thì cảnh tịnh, tâm Cực Lạc thì cảnh Cực Lạc, tâm tâm Phật Phật đồng cư nơi Tịch Quang Tịnh Độ nên nói niệm Phật cũng gọi là niệm tâm. Vọng tâm diệt thì chơn tâm hiện. Hiện tại chúng ta là phàm phu, không phải là thánh nhân không ai là không có tội; có tội mà biết sửa đổi cải thiện, sám hối thì tội ấy sẽ tiêu trừ; tội tiêu thì phước đức tăng, trí tuệ sanh, thiện nghiệp lớn; làm được như vậy là chuyền chúng sanh tâm thành Phật tâm. Thỉnh chư vị tinh tấn niệm Phật để chuyển tâm chúng sanh đau khổ Ta Bà thành tâm thanh tịnh của Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc.