Home > Khai Thị Phật Học > Tu-Y-Phap
Tứ Y Pháp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch


Câu thứ nhất là “Y pháp bất y nhân”.

Pháp là gì? Pháp là kinh điển. Chúng ta dựa theo những điều đã nói trong kinh điển mà tu học, người ta bất kể nói như thế nào, nếu không giống như những gì kinh điển đã nói thì chúng ta không tin theo họ. Bạn nghe theo họ thì là bạn học với họ chứ không phải học với Phật, bạn đổi thầy giáo rồi, cũng đổi pháp môn rồi, bạn làm sao có thể thành tựu trong Phật pháp được? “Y pháp bất y nhân”, câu nói này Đại sư Thiện Đạo chú giải trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài đã nêu ra quá nhiều ví dụ rồi. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chúng ta giảng rồi, chương Thượng Phẩm Thượng Sanh này cũng đặc biệt nói rồi, đều có băng ghi âm lưu hành. Quí vị có thể nghe thật nhiều lần, thì tín tâm của bạn sẽ không dao động.

Vẫn có rất nhiều người cực lực phản đối chúng ta tụng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, họ nói bản này là bản do cư sĩ tại gia hội tập, không thể tin được, nhất định phải bảo mọi người tụng nguyên bản dịch. Lời nói này dường như cũng có đạo lý, nhưng dụng ý cuối cùng của họ là gì vậy? Quí vị suy nghĩ liền hiểu ngay, tôi không cần phải nói nữa. Hội tập không phải Hạ Liên Cư mở đầu, mà là cư sĩ Vương Long Thư mở đầu, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm kế tục, Hạ Liên Cư là người thứ ba. Tại sao không phản đối hai người trước, mà cứ phản đối người này vậy? Hơn nữa bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư đã đưa vào Đại tạng, đã đưa vào “Long Tạng” triều Thanh rồi, bạn nên kiện ra tòa với Hoàng đế Càn Long, nói Hoàng đế Càn Long sai rồi, những cao tăng đại đức mấy năm đầu triều Thanh đó đều không có mắt, bạn mới thật là thiện tri thức. Làm gì có kiểu đạo lý này! Bạn nói bộ kinh này không được, nhưng bộ kinh này lưu thông mười mấy năm nay, người nương theo bản kinh này tu hành niệm Phật, vãng sanh tướng lành hy hữu. Tận mắt chúng ta đã thấy, chính tai đã nghe, có đến mấy chục người rồi. Đây là chứng cứ. Bạn ngày nay phản đối, bạn biểu diễn vãng sanh cho tôi xem thử. Nếu như bạn mắng họ một trận, phê bình, bài xích, bạn hãy đứng ở đó vãng sanh thì tôi lập tức tin liền. Không có bản lĩnh này, chúng tôi xem bạn sau này ra đi như thế nào? Cho nên, không thể làm việc theo tình cảm.

Mọi người đều biết, Đại sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, đây là người gần như không có ai dám phản bác. Đại sư Ấn Quang đối với hai bản hội tập phía trước hoàn toàn không nói hội tập là sai lầm, phê bình của Ngài là hội tập đã sửa đổi văn tự của nguyên bản dịch. Ngài chỉ trích điểm này, chứ không nói hội tập là sai lầm. Ngài phê bình đúng, điều này khỏi bàn cãi. Chính do một nguyên nhân như vậy, nên lão cư sĩ Hạ mới làm hội tập lần thứ ba, tránh lỗi lầm của người trước. Bản hội tập này từng câu, từng chữ đều là lấy trên nguyên bản dịch, không có sửa đổi. Quí vị có thể đem năm loại nguyên bản dịch để đối chiếu mà đọc.

Hạ lão trước khi vãng sanh đã nói với học trò của Ngài, cuộc nói chuyện lúc đó tức là chúng ta hiện nay gọi là lời tiên tri.Ngài đã nói đúng, Ngài nói bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ này tương lai là từ nước ngoài truyền vào Trung Quốc.Lúc đó học trò nghe xong đều chẳng hiểu gì cả, sao lại truyền từ hải ngoại vào Trung Quốc?Câu thứ hai Ngài nói là bản hội tập của Ngài sẽ truyền đi khắp thế giới.Ngày nay chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, lời Ngài nói đã thành hiện thực rồi, quả nhiên không sai. Cho nên, chúng ta phải “Y pháp bất y nhân”, những điều người ta nói tương ưng với nghĩa thú của kinh giáo, chúng ta có thể tin. Điều họ nói không tương ưng với những gì kinh điển đã nói, chúng ta không nghe là tốt hơn, cũng không cần phải phê bình, không cần nói ra.Tại sao vậy? Hiện nay thời đại này tự do dân chủ rộng mở, mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, họ không phạm pháp, chúng ta không cấm được. Họ nói chuyện của họ, mình làm chuyện của mình, chúng ta không nghe là được rồi. Thế Tôn 3.000 năm trước đã biết rất rõ về tình trạng xã hội hiện nay, cho nên bốn câu này là ngăn ngừa tệ nạn hiện nay, chỉ sợ phá hoại đạo nghiệp của chúng ta. Đây là từ bi đến tột đỉnh.

Câu thứ hai là “Y nghĩa bất y ngữ”.

Câu nói này quan trọng.Câu nói này có thể giải quyết được vấn đề của hội tập rồi. Bạn nói hội tập đúng hay sai? Có câu nói này của Thế Tôn là được rồi. Giảng giải kinh văn, phiên dịch kinh văn, ý nghĩa đúng là được rồi, không cần phiên dịch theo ngôn ngữ. “Y nghĩa bất y ngữ”. Cùng một nguyên bản tiếng Phạn, ở Trung Quốc có rất nhiều người phiên dịch, văn tự phiên dịch ra đương nhiên là không giống nhau. Những bản này đều lưu hành như nhau, đều là những bản tốt, văn tự giống nhau, ý nghĩa tương đồng. Như quí vị thường hay niệm kinh Kim Cang, kinh Kim Cang có sáu bản dịch. Bản dịch tiếng Phạn nguyên gốc chỉ có một, ở Trung Quốc đã sáu lần phiên dịch, phiên dịch đều khác nhau. Quí vị có thể nhìn thấy trong Đại Tạng Kinh, ý nghĩa giống nhau, văn tự thì có khác biệt đôi chút. Ý nghĩa giống nhau là được rồi, không nên nói quyển này phiên dịch đúng, quyển kia phiên dịch không đúng. Điều này nói rõ, phiên dịch không có vấn đề, có thể phiên dịch; hội tập cũng không có vấn đề, có thể hội tập.

Câu thứ ba là “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”.

Câu nói này vô cùng quan trọng.Sao gọi là liễu nghĩa?Sao gọi là bất liễu nghĩa? Liễu nghĩa, bất liễu nghĩa không phải phân từ trên kinh điển, mà phân từ trên căn tánh của chúng ta. Chúng ta học rồi, thật sự có được lợi ích thì gọi là liễu nghĩa. Học rồi nhưng không được lợi ích, đó là bất liễu nghĩa. Lợi ích gì vậy? Liễu sanh tử, xuất tam giới, thành Phật đạo. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào thích hợp với ta, pháp môn nào ta tu học ở ngay trong đời này có thể liễu sanh tử, có thể thành Phật đạo, có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, có thể thoát khỏi mười pháp giới, thì pháp môn này đối với ta là liễu nghĩa, ta cần phải chọn pháp môn này.

Thế Tôn thật là từ bi đến tột đỉnh, chính bản thân Ngài trong 49 năm đã nói ra nhiều kinh như vậy, chỉ sợ bản thân chúng ta không biết lựa chọn nên đã chỉ ra cho chúng ta một phương hướng, để chúng ta nương theo phương hướng này mà lựa chọn. Chính bản thân Ngài nói, thời kỳ Chánh Pháp, giới luật thành tựu; thời kỳ Tượng Pháp, Thiền định thành tựu; thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu, Thế Tôn đã chỉ ra cho chúng ta phương hướng này. Chúng ta ngày nay sinh vào thời kỳ Mạt Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, tuân theo phương hướng chỉ thị của Phật Đà, chúng ta chọn Tịnh Độ, vậy là đúng rồi.

Kinh luận của Tịnh Độ chỉ có ba kinh một luận. Ba kinh là do Phật nói, gồm kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và kinh Phật Thuyết A Di Đà, đây là ba kinh của Tịnh Độ. Một luận là Vãng Sanh Luận do Bồ Tát Thiên Thân tạo. Về sau, tổ sư đại đức lại thêm vào hai loại nữa. Cư sĩ Ngụy Mặc Thâm lấy phẩm Phẩm Hạnh Nguyện để vào sau ba kinh, gọi là Tịnh Độ bốn kinh. Năm đầu Dân Quốc, Đại sư Ấn Quang lấy Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông chương của kinh Lăng Nghiêm để vào phần sau Tịnh Độ bốn kinh, gọi là Tịnh Độ năm kinh. Hiện nay chúng ta nhìn thấy là năm kinh một luận, tổng cộng sáu loại. Trong sáu loại này, loại nào thích hợp với căn tánh chúng ta thì chúng ta chọn lấy một loại đó, ở trong một đời chuyên tu chuyên hoằng, thâm nhập một môn, bền bỉ không ngừng, bạn chắc chắn có thành tựu.

Chúng ta ngày nay chọn kinh Vô Lượng Thọ.Kinh Vô Lượng Thọ hiện nay có tổng cộng chín bản khác nhau, chúng ta tuyển chọn bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Tại sao phải tuyển chọn bản này vậy?Quí vị đem chín bản này bày ra mà xem, bạn sẽ rõ ngay. Bản này rất hay, văn tự ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phân đoạn thứ lớp rõ ràng, đọc lên nghe trôi chảy. Hơn nữa, lấy lời chỉ dạy ở trong năm loại nguyên bản dịch, có thể nói là đã trích lục ở trong đó quá viên mãn, không hề sơ suất, không hề thiếu sót. Bản này chính là tập đại thành của năm loại nguyên bản dịch. Đọc một bản này cũng bằng đọc toàn bộ năm loại nguyên bản dịch, bạn thấy quyển này tiện lợi biết bao! Cho nên chúng ta tuyển chọn bản này không phải không có đạo lý. Đây là pháp môn liễu nghĩa, để chúng ta ở ngay trong đời này quyết định vãng sanh bất thối thành Phật, không những thoát khỏi lục đạo, mà thoát khỏi mười pháp giới. Đây là “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”.

Câu thứ tư là “Y trí bất y thức”.

Câu này là nhằm vào xã hội hiện nay của chúng ta, cũng tức là nói, người phá hoại chúng ta tu học quá nhiều; người lăng nhục chúng ta, chê bai chúng ta, chà đạp chúng ta đầy dẫy khắp nơi. Cho nên câu nói này của Phật dặn dò chúng ta, chúng ta phải có trí tuệ.Thức là gì vậy? Là làm việc theo tình cảm. Chúng ta phải làm theo lý trí, quyết không làm theo tình cảm. Sao gọi là y trí vậy? Bạn có thể làm theo ba câu phía trước Phật đã nói chính là trí, đi ngược lại ba câu trước là bạn làm việc theo tình cảm. Dù nhiều người đến nói với chúng ta nhưng Phật không có nói như vậy, chúng ta nghe ai đây? Nghe Phật. Có nhiều người nói (là người xuất gia, pháp sư nói) pháp môn này không thể thành tựu, thậm chí còn chê bai kinh này là ngụy tạo, không phải thật, chắc chắn không có thế giới Tây Phương Cực Lạc, nói Phật A Di Đà là thần mặt trời. Có một số đồng tu nghe xong đến hỏi tôi, trong kinh nào nói Phật A Di Đà là thần mặt trời vậy? Tôi nói, tôi không biết, anh hãy đi thỉnh giáo vị pháp sư đó.Vị pháp sư nào nói thì chắc chắn biết, bạn hãy mời ông ấy đem kinh ra cho chúng ta xem chứ còn cách nào khác đâu? Hiện nay tự do ngôn luận, nói năng xằng bậy cũng không phạm pháp. Cho nên, “Y trí bất y thức” này của Phật chúng ta càng nghĩ càng thấy có đạo lý.

Bốn câu này của Ngài là nói nhằm vào đồng tu học Phật của chúng ta hiện nay. Chúng ta có thể lý giải, có thể ghi nhớ, y giáo phụng hành, không bị cảnh duyên bên ngoài làm dao động nữa thì chúng ta mới có khả năng thành tựu. Chỉ có vãng sanh bất thối thành Phật thì chúng ta mới có thể hồi phục tánh đức, mới có thể hồi phục cái mà trong kinh nói rất nhiều là thần thông trí tuệ này, năng lực này chúng ta đều hồi phục rồi.

Điểm khác nhau thứ tư là “Nhanh chậm khác nhau”.Ví dụ, bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo muốn đi thăm hỏi chư Phật Như Lai thì phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đến được, vả lại không thể đồng thời thăm hỏi rất nhiều chư Phật Như Lai. Nhưng Phật Bồ Tát một niệm có thể châu biến khắp pháp giới, năng lực này bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo không thể sánh bằng.

Điểm khác nhau thứnăm là “Hư thực khác nhau”. Người Nhị thừa có thể biến hóa, nhưng biến hóa được tương tự mà thôi, không có tác dụng thực tế, còn cái mà Phật Bồ Tát biến hóa ra đều có thực dụng.

Điểm khác nhau thứsáu và bảy là “Sở tác khác nhau” và “Sở hiện khác nhau”. Chư Phật Bồ Tát có thể đồng thời hiện vô lượng vô biên hình sắc, tức là đồng thời tùy loại hóa sanh, không phải từng cái, từng cái mà là cùng lúc. Vả lại, mỗi thân đã hóa ra này đều có chủ trương của chính Ngài, đều có một biện pháp giáo hóa chúng sanh của chính Ngài, đều có cách thuyết pháp của chính bản thân Ngài, mỗi thân đều khác nhau. Ví dụ nói, cùng ở khu vực này của chúng ta, cùng ở trong Phật giáo, Bồ Tát có thể hóa rất nhiều, rất nhiều thân, biến hóa thành rất nhiều pháp sư, cư sĩ, có người học Tịnh Độ, có người học Thiền, có người học giáo, các Ngài có thể hóa rất nhiều thân, mỗi thân đều khác nhau. Không những là trong cửa Phật các Ngài có thể thị hiện như vậy, mà các Ngài còn thị hiện ngoại đạo, thị hiện những tôn giáo khác, thậm chí còn thị hiện vào các ngành các nghề trong xã hội, nam nữ già trẻ, mỗi người mỗi việc không giống nhau. Điều này Thanh Văn, Duyên Giác làm không được.

Chúng ta đã từng xem thấy ở trong “Cao Tăng truyện”, ở trong “Thần Tăng truyện”, đại khái là thời đại triều Đường, có một vị cao tăng người Tây Vực (tên gì tôi cũng không nhớ, đây là chuyện lúc tôi còn rất trẻ mới học Phật, thích xem những sách này, có một ấn tượng thế này), ông sắp trở về nước. Thời đó, người theo học Phật với ông rất nhiều, nghe thấy lão pháp sư phải về nước, ai cũng muốn cúng dường lão pháp sư (Pháp sư lúc đó không cần tiền, bạn cúng dường phong bì, họ không nhận, cho nên cúng dường bằng cách mời họ ăn cơm). Đến ngày thứ hai, họ tiễn pháp sư đến trạm mười dặm, mỗi người đều vô cùng hoan hỷ, “hôm qua pháp sư rất tôn trọng tôi, đến nhà tôi để ứng cúng”.Người khác nói, “không đúng, hôm qua rõ ràng là Ngài ứng cúng tại nhà tôi”. Sau khi tin này truyền đi thì mới biết vị pháp sư này có khả năng phân thân, cùng lúc nhận sự cúng dường của 500 nhà. Ông có thể phân thân, nhưng 500 thân đều là thân giống nhau, không phải mỗi thân mỗi khác. Bồ Tát có thể hiện các thân khác nhau, ông không làm được, ông chỉ có thể hiện một loại thân, ông không thể biến hiện những thân khác nhau, không thể biến hiện những hình tướng khác nhau. Đây là “Sở hiện khác nhau”, “Sở tác khác nhau”.

Điểm khác nhau thứtám, trong kinh Lăng Nghiêm nói lục căn hỗ dụng. Phật Bồ Tát làm được, mắt có thể thấy, tai cũng có thể thấy, toàn thân đều có thể thấy; tai có thể nghe, mắt cũng có thể nghe, tay chân đều có thể nghe. Điều này Thanh Văn, Duyên Giác làm không được. Phật và đại Bồ Tát lục căn hỗ dụng.

Điểm khác nhau thứchín là “Tự tại khác nhau”.Đây là có cảm liền ứng. Tuy làm ra đủ loại ứng hiện, giúp đỡ tất cả chúng sanh, chỉ dạy tất cả chúng sanh, nhưng bản thân Phật Bồ Tát hoàn toàn không có khởi tâm động niệm, hoàn toàn không có vọng tưởng, chấp trước, thật sự là ở mọi lúc, ở mọi nơi không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm. Phần sau kinh Vô Lượng Thọ có nói “Bất thất định ý”, đây cũng là điều mà Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát quyền giáo làm không được. Cho nên tuy nói thần thông, nhưng từ các phương diện này mà quan sát, vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì năng lực của sáu loại thần thông bạn có được này không những hơn hẳn thiên nhân, hơn hẳn pháp giới tứ thánh, mà thậm chí là hơn hẳn Bồ Tát quả vị tam hiền ở trong Pháp Thân Đại Sĩ. Thật sự không thể nghĩ bàn. Lợi ích công đức thù thắng như vậy tìm ở đâu ra?
 
Trích từ: Tịnh Độ Cảnh Ngữ

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
2.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
3.    Tịnh Độ Cảnh Ngữ, Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 600 Tập Giảng Thứ 11, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Tịnh Độ Hoặc Vấn, Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
6.    Tịnh Độ Nhập Môn, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
7.    Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả, Việt Dịch
8.    Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Sa Môn U Khê Truyền Đăng, ở núi Thiên Thai | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
9.    Tịnh Độ Tập Yếu, Thích Nữ Minh Tâm
10.    Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Đại Sư Đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
11.    Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
12.    Tịnh Độ Vấn Đáp, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Thích Nhuận Nghi, Việt Dịch
13.    Tịnh Độ Vựng Ngữ, Đại Sư Liên Trì | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch