Đào Sâu Vào Lý Bất Nhị
Minh Đức Thanh Lương

Các pháp trên thế gian này đều không có tính riêng biệt và độc lập. Chính con người đã dùng tâm phân biệt của mình mà gán cho các pháp những nhãn hiệu riêng mà thực ra chúng không hề có một cách bất di dịch, do đó nếu đào sâu vào lý Bất Nhị ta sẽ có những nhận định sau đây về các vấn đề : Sống chết, Vui buồn, Sướng khổ, Gần xa, Không, Có, khó tu và dễ tu, thuận cảnh và nghịch cảnh, giác và mê, trói buộc và giải thoát, Tịnh độ và Ta bà v.v… là những sự việc mật thiết với đời sống thường nhật của người tu.

Mục 10 : Nhận định về vấn đề Sống và Chết

Mọi sinh vật trên trời đất luôn luôn ở trong trạng thái đồng thời sống và chết. Từng giây phút ta đào thải những chất cặn bã và những tế bào chết trong cơ thể để tiếp thu những chất dinh dưỡng để tạo ra những tế bào mới. Như vậy thì hiện tượng sống chết là việc thường tình ở đời. Trong sự sống có sự chết. Hễ là phổi thở ra, dẹp xuống mà không hút dưỡng khí vào để phồng lên là chết. Nếu quan sát thực tướng của sự sống chết ta thấy : chúng ta chỉ sống vẻn vẹn từng sát na sinh diệt của một luồng tư tưởng mà thôi. Khi một tướng tâm sinh khởi thì sự sống chết bắt đầu và sự sống chấm dứt cùng với sự hoại diệt của tướng tâm ấy, để rồi lại tiếp tục sinh ra khi một luồng tư tưởng khác bắt đầu. Tướng tâm sinh diệt từng sát na và sự sống của chúng sinh cũng sinh diệt từng sát na cùng với sự sống của một luồng tư tưởng. Khi tướng tâm không sinh không diệt nữa thì sự sống ngưng lại trong một thân tứ đại. Vì lẽ đó mà người ta không thế sống lại cái tướng tâm của giây phút vừa qua, cũng như tướng tâm của giây phút hiện tại không thể giống như tướng tâm của giây phút vừa qua hay sắp tới được. Hiện tượng sống, chết tiếp nối nhau như ngày và đêm hay như sự chuyên vần tuần tự của bốn mùa qua lại. Trong sự Sống đã có mầm của sự Chết và ngược lại. Hình ảnh những đợt sóng xô đẩy nhau trên mặt biển khi nổi, khi chìm là hình ảnh trung thực nhất của hiện tượng Sống Chết, biểu hiện nguồn sinh lực vô biên của vũ trụ. Chết với Sống là hai mặt sấp ngửa của một đồng tiền, hay hai khía cạnh của một Thực tại duy nhất. Sự Sống Chết nối tiếp nhau từng sát na, cũng như bánh xe bò lúc nào cũng dính trên mặt đường. Điểm này vừa rời mặt đường thì điểm kia lại tiếp theo liền đó. Nói cách khác thì sự sống chết là một chuỗi dài liên tục những hiện tượng không giống nhau tiếp diễn trong một cuốn phim. Vì thế mà Triết gia Héraclite đã nói một câu có ý nghĩa tương tự : “Chúng ta không ai có diễm phúc được tắm hai lần trên một dòng sông”. Thực ra thì cái chết và cái sống chẳng cái nào quan trọng hơn cái nào cả. Chính cái Chết đã nuôi dưỡng cái Sống, nếu không có cái Chết thì không thể có cái Sống được. Có cái Chết của những tế bào già nua bị thải ra ngoài cơ thể do sự bài tiết, để thay thế bằng những tế bào khác khoẻ mạnh hơn thì sinh vật mới sống được. Ta thử ngẫm xem : nếu muôn loài đều sống mãi không chết thì lấy chỗ đâu cho vạn vật sinh trưởng, lấy đâu thức ăn để nuôi dưỡng muôn loài ? Vậy thì Sống với Chết đều quan trọng như nhau, và chỉ là quy luật tự nhiên thường tình chi phối muôn vật trong vũ trụ. Có Sinh phải có Diệt. Có Diệt phải có Sinh. Hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết, sum họp để rồi phân ly. Mọi sinh vật đều bình đẳng trước cái Sống và cái Chết. Mạnh yếu, giàu nghèo, sang hèn, lớn nhỏ, đẹp xấu… tất cả đều chịu chúng số phận trước Tử thần. Dù kín cổng cao tường, dù được lính gác ngày đêm bảo vệ, dù có bạc vàng đầy kho, cũng không che chở mua chuộc được sự sống và ngăn cản được sự chết để trở thành Bất Tử. Bởi vậy ta chớ nên lo sợ cái chết xảy ra. Nếu ta quán tưởng sự chết, như thế thì ta tránh được lỗi Thường kiến và Đoạn kiến, ta bớt được lòng tham vị kỷ, ta thấy rõ Thực tướng vô tướng của sự vật ở đời, hiểu được lý bất nhất, bất dị của hiện tượng Sinh diệt, ta rõ được mối tương quan bất nhị, giữa Tử và Sinh, do đó ta mới thuận nghiệp mà sống, an lạc tự tại. Khi đã thực sự biết rõ giá trị của Sống Chết thì ta làm được mọi việc lợi ích cho đời.

Hiện hữu hay không hiện hữu ?

Cái hiện hữu (hay sự sống) của con người không ngoài cái hiện hữu tuỳ thuộc vào một tràng nhân duyên. Mỗi vật hiện hữu đều do nhân duyên, và nó sẽ tiêu diệt ngay khi những tác dụng của tràng nhân duyên chấm dứt. Những làn sóng trên mặt biển quả là hiện hữu nhưng ta có thể bảo làn sóng đó có tự ngã không ? Làn sóng chỉ có khi có gió dao động nước. Mỗi làn sóng tuỳ thuộc vào sự phối hợp của những cường độ và phương hướng của gió, đến lúc gió im hay gió đổi chiều thì làn sóng cũng chấm dứt hoặc đổi chiều theo. Vậy thì không thể nói là sóng có tự ngã biệt lập với nhân duyên gây ra nó được. Khi con người còn là một hiện hữu tuỳ thuộc vào một tràng nhân duyên thì nó không có gì để mà cố duy trì lấy sự sống không tuỳ thuộc vào nó, và con người cũng không thể nhìn mọi vật chung quanh mình từ quan điểm ngã vị trung tâm. Mọi người phải từ bỏ cái tiểu ngã của mình và cố gắng giúp đỡ kẻ khác, coi người như mình, theo tư tưởng “một là tất cả, tất cả là một”. Con người cá nhân phải nhận thức cái hiện hữu cộng đồng tức xã hội quanh mình, vì con người không thể nào lại hoàn tonà độc lập hiện hữu được. Không có một vật nào trong vũ trụ này lại có thể trường tồn hay tự tại được vì mọi vật đều Vô ngã, Vô thường trong không gian và thời gian. Không một sát na nào mà sự vật lại không biến đổi. Nếu ta có thể tìm được một thế giới nào mà ở đó không có không gian và thời gian thì thế giới đó mới đích thực là Niết bàn, giải thoát.

Đã hiểu rõ sự Sống Chết là một hiện tượng biến đổi tự nhiên và giá trị của sự Sống Chết, cùng mối tương quan giữa người và người, người và xã hội, ta chẳng còn nên lãng phí thời giờ quý báu để làm những việc vô ích hay chỉ lợi riêng cho mình. Ta cũng chẳng còn tư tưởng ham sống sợ chết. Nếu cần phải chết để bảo vệ một lý tưởng cao đẹp ta sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình mà không hề tiếc nuối. Nếu ta đã hiểu rõ sự Sống Chết ta sẽ tích cực gây thiện nghiệp để được quả báo tốt lành, ta sẽ nhẹ nhàng cất bước ra đi, khi cần phải chết, không đắn đo luyến tiếc, như từ bỏ một chiếc dép rách cũ nát. Hiểu rõ được lý Bất Nhị của sự Sống Chết, ta chẳng còn mong cái Chết tới sớm để trút bỏ gánh khổ não đè nặng trong lòng, cũng chẳng mong nó đến muộn để tận hưởng miếng đỉnh chung của cuộc đời tục luỵ. Giờ phút lâm chung điểm lúc nào ta nhẹ nhàng cất bước ra đi lúc đó, lòng thảnh thơi, không buồn, không vui.

Mục 11 : Nhận định về vấn đề vui buồn, sướng khổ và thiện ác ở đời.

a. Sướng khổ, buồn vui, thiện ác đều là những trạng thái tâm hồn và nhận thức của con người khi còn ở trong mộng. Người ngủ mê không biết mình đang ở trong cơn mê, cũng như người bị vô minh làm mờ ám tâm hồn, không biết mình đang ở trong cảnh hắc ám vô minh. Cuộc đời là một giấc mộng dài. Cũng như người ngủ mê man, khi thức giấc mới biết là mình vừa qua một cảnh mộng. Mọi cảnh vật ở ngoài, cũng như mọi sự việc ở đời đều do tâm ta biến hiện. Nội thức thì có, nhưng cảnh vật và sự việc ở ngoài đời thì không. Người ngủ mê chấp cảnh trong chiêm bao thật có, cũng như người si mê chấp cảnh đời có vui buồn, sướng khổ thật sự. Nếu ai bảo rằng cảnh đời chẳng khác nào cảnh chiêm bao hay những cảnh chiếu trên màn ảnh thì nhất định người si mê không chịu tin. Chỉ khi nào người ngủ mê tỉnh giấc hay người bị vô minh dứt bỏ được tấm màn vô minh che lấp chân tâm thì lúc đó mới tin rằng cảnh đời là huyễn và hiểu được lý Vô ngã, Vô thường. Do đó muốn có một trái tim bình thản trước cuộc đời, và muốn thoát cảnh vui buồn sướng khổ của nhân thế phải có quan niệm nhân sinh theo bài thơ dưới đây :

Đời người chẳng khổ cũng không vui,
Vui khổ là tâm bệnh cả thôi.
Khổ đấy vui nầy đều cưỡng gọi
Mê, vui khổ tự sinh sôi,

Mê tình ví chẳng sinh ra nổi,
Quả Phật, chân tâm ắt sáng ngời,
Khổ, sướng, buồn vui đều giả huyễn,
Đừng nên sợ khổ chớ ham vui.
*
Xin chớ so đo, khổ với vui,
Có chi là khổ, có chi vui ?
Vui trong tham dục, vui liền khổ
Khổ chốn tu hành, khổ hoá vui

Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.
Mong sao được sống không vui khổ
Để thoát ra ngoài cảnh khổ vui.

- Thọ vui thọ khổ đều là Vô thường, bởi vì các pháp đều dịch biến. Khi đã hiểu rõ nguồn gốc của khổ, vui là Tà kiến và Ái dục, ta phải cố phá cho được chấp Ngã và chấp Pháp để không còn chạy theo vui buồn sướng khổ nữa.

* Đời người, ngoài thì bị thiên nhiên đe doạ, trong thì bị ý chí mù quáng thao túng, nhưng trong sự thúc phọc đó, con người biết suy nghĩ vẫn hoài bão tự do, hướng thượng, tìm hạnh phúc. Điểm nổi bật của đạo Nhất thừa chính là ở nơi khổ đau là tìm được giá trị của cuộc đời. Giá trị ấy không ở chỗ lấy sướng khổ về vật chất làm thước đo để đánh giá nhân phẩm theo cấp bậc trong xã hội, dựa trên tiền tài, danh vọng, mà lại lấy sự thực hiện sinh mệnh vĩnh cửu, thực hiện cái hiểu biết sâu rộng và toàn diện, cùng thoả mãn nhu cầu Đại Bi vô hạn đối với toàn thể sinh linh làm mục tiêu và lý tưởng để đánh giá nhân phẩm. Muốn thực hiện được điều đó thì phải coi thường khổ đau và vui sướng, tự chủ được lòng mình và vượt qua vui buồn, sướng khổ nhờ đó mà lý tưởng Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức được thực hiện lần lần.

Cái đích của người tu học Phật pháp phải là : một mặt thì hướng thượng, từ bỏ thế giới tương đối đầy phân biệt và sai biệt, cùng những tư tưởng vị kỷ, thấp hèn, để trau dồi những tư tưởng xả kỷ, thanh cao, nuôi dưỡng Tâm Bi để sống với lý Bất Nhị, rồi mặt khác lại rời bỏ cái tháp ngà ấy, không trụ ở cảnh giới tuyệt đối thanh cao mà quay về hướng hạ, sống trong thế giới tương đối sai biệt trong vô sai biệt, và phân biệt trong vô phân biệt, hoà quang đồng trần, đem cái tâm rộng lớn Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bình đẳng, Bất Nhị từ chỗ tiêu cực không làm điều ác, tiến đến tích cực làm mọi điều lành, không khước từ những việc thiện nhỏ nhặt nhất, để phục vụ xã hội nhân sinh.

* Phật dạy trong kinh Kim Cương :

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ, diệc như điện,
Ứng tác, như thị quán.

Với lời kinh ấy, Phật khuyên chúng sinh chớ nên chạy theo khách trần ảo ảnh, để chuốc lấy luỵ vào thân. Người muốn bước chân vào cửa đạo, sợ cảnh khổ nơi thế gian, coi khổ đau có thật, nên Phật mới phải thuyết Kinh A Di Đà dạy người đời : Đời là bể khổ, phải nên tránh khổ cầu vui bằng cách niệm Phật A Di Đà để cầu được về cảnh Cực lạc Tây phương. Đó là đối với người ít học, ham vui sợ khổ. Nhưng đối với người đã hiểu rõ lý niệm Phật tức là niệm Tâm thì ở đâu cũng thế thôi, bởi vì khi tâm đã thanh tịnh thì đâu đâu cũng là đạo tràng và cõi Phật cả. Lúc còn mê tướng phiền não, khổ đau có thật, do ngoại cảnh gây ra nên phải tìm cách lánh xa cõi trần, cầu mong về nơi Tịnh độ để hưởng lạc thú vĩnh viễn, nhưng khi đã ngộ rồi, biết rõ buồn vui, sướng khổ đều do tâm tạo thì chẳng còn lo sợ nữa. Tâm mang nặng ưu tư, tham luyến, sân hận, si mê thì ở cảnh nào cũng cảm thấy mình bị trói buộc đau khổ.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?

(Kim Vân Kiều)

Trái lại, người ngộ đạo thư thái, hồn nhiên thì lúc nào cũng thấy mình được giải thoát, và giờ phút nào cũng cảm thấy mình được sống trong Niết bàn, Tịnh độ. Phiền não, khổ đau chính là hạt giống Bồ đề, vì có phiền não, khổ đau thì tâm mới trở thành an vui, cho nên trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy rằng : “Phải lấy thân, tâm làm ruộng rẫy, lấy phiền não làm hạt giống, lấy trí tuệ làm mầm mống, còn Như Lai thì ví như hoa quả, thóc lúa vậy”.

* Phật cũng dạy : “Thế gian này không thật, cũng không hư”. Thế giới Cực lạc Tây phương mà cho là khong thật có khi nào tâm con người đã thoát vòng tục luỵ không còn bị phong trần làm vẫn đục nưa. Tâm mà an nhiên tự tại thì tâm ấy là tâm Phật, tâm ấy là cõi Tịnh độ, Niết bàn. Thế giới Cực lạc được coi là thật có khi nào ta còn cảm thấy khổ não, bất an, nhưng khi đã siêu lên mọi sự vui buồn, sướng khổ của tình người thì chẳng còn cần gì Niết bàn, Tịnh độ nữa. Xét ra thì Tịnh độ, Ta bà, hạnh phúc và khổ đau đều chỉ do tâm con người mà ra cả. Những danh từ ấy chỉ để cho người còn mê, mang nặng tâm phân biệt dùng mà thôi. Đứng trước mọi Phật pháp, muốn lựa chọn một pháp môn nào thích hợp với căn cơ trình độ, tính tình của mình, ta hãy tự xét kỹ lòng ta. Nếu còn cảm thấy đau khổ, buồn vui, sống chết đều thật cả, còn ham sống sợ chết, thì ta đừng ngần ngại mà chọn ngay pháp môn Tịnh độ làm chốn dung thân, nương cậy vào Tha lực để đới nghiệp vãng sinh, thoát vòng sinh tử. Trái lại, nếu ta tự xét thấy lòng mình đã đủ vững mạnh trước cảnh nghèo đói bần hàn, đứng trước tám ngọn gió thổi xuôi, thổi ngược mà lòng ta vẫn chẳng lung lay, coi phú quý, sống chết như phù vân, thì tha hồ muốn chọn pháp môn nào tu cũng được.

B. Vấn đề thiện, ác cũng vậy. Không có cái tuyệt đối thiện hay tuyệt đối ác ở cõi đời này. Ta thường quan niệm những gì có tính cách xây dựng thì coi là thiện, còn cái gì có tính cách phá hoại thì coi là ác. Thật là lầm to ! Bởi vì cái coi là nhơ bẩn, thối tha như phân bón hay nước tiểu mà người đời thường ghê tởm lại làm cho cây hồng tốt tươi trổ hoa thơm ngát, như vậy thì cái thối tha, nhơ bẩn của nước tiểu và phân bón phải được coi là Thiện chứ không Ác. Cũng như Âm không luôn luôn xấu và Dương không luôn luôn tốt. Cương và Nhu cũng vậy, cái nào cũng có đủ cả hai mặt thiện, ác. Khi cần đến Cương thì Cương là tốt. Khi cần đến Nhu thì Nhu là hay. Cần Tiến thì Tiến là tốt. Cần Thoái thì Thoái là nên. Cần duy trì thì giữ, cần xả thì bỏ, không nhất thiết phải câu nệ, khư khư trụ mãi vào một bên. Người đạt đạo cảm đâu ứng đó, tuỳ thuận Tâm Bi và Trí Bát Nhã. Tu là đi từ chỗ tối ra chỗ sáng, diệt trừ phiền não, vô minh, cuối cùng phải vượt lên trên cả thiện lẫn ác, hữu và vô, mới mong thoát khỏi gọng kìm của nhị nguyên, tương đối để đi tới bình đẳng, vô phân biệt, không còn danh ngôn khái niệm nữa.

Trong Kinh Hoa Nghiêm có câu chuyện Bồ tát Văn Thù dạy Thiện Tài đồng tử về lý Bất Nhị. Một hôm Bồ tát Văn Thù sai Thiện Tài vào rừng hái lá thuốc về dùng và dặn : “Hễ thấy thứ gì không phải là thuốc thì đêm về”. Thiện Tài lùng kiếm khắp nơi, chẳng tìm được thứ gì không dùng làm thuốc được, đành phải trở về tay không, bạch lại sự việc với thầy.

Văn Thù lại bảo : “Vậy thấy thứ gì làm thuốc được thì đem về đây”. Lần này Thiện Tài khệ nệ ôm về một bó lá thật to tỏ vẻ hân hoan đã làm vừa lòng thầy.

Văn Thù cầm lấy mớ lá và nói với đại chúng : Đây vừa là tiên dược để trị bệnh, lại vừa là độc dược giết người. Không gì chẳng phải là thuốc vì khắp thế gian này toàn là thuốc cả bởi vì toàn thể nhân loại đều có bệnh. Vì có bệnh nên mới phải có thuốc. Vì có thuốc nên nhân loại mới bị bệnh. Thuốc và bệnh trị lẫn cho nhau và cùng nhau tồn tại. Nếu không có bệnh thì chẳng cần đến thuốc. Nếu không bệnh, không thuốc thì chẳng cần gì phải nói chuyện giữa chúng ta, ngay cả độc thoại cũng chẳng cần thiết. Suy rộng ra thì tất cả mọi pháp trên thế gian này chẳng có pháp nào thật là ác hay thật là thiện tuyệt đối cả. Cảnh giới Tịnh độ là nơi không còn cái ác nữa, đến cả cái thiện người ta cũng không lưu ý tới, bởi vì tất cả ở đây thuần thiện cả. Cái thiện không còn đối tượng để so sánh là cái thiện tuyệt đối, và cõi Tịnh độ thuộc về Bình đẳng giới trong Nhất nguyên tuyệt đối vậy. Khi còn ở thế giới Nhị nguyên tương đối, ta cần phải tích cực làm điều thiện, tránh điều ác, nhưng đã tới thế giới Nhất nguyên, ta phải siêu lên trên mọi tư tưởng đối đãi giữa ác và thiện đó mới là lập trường chân chính của đạo giải thoát Tuyệt đối, Bất nhị.

Mục 12 : Nhận định về vấn đề xa và gần.

* Xa và gần do lòng mình đặt ra, tuyệt nhiên không do hoàn cảnh bên ngoài. Hai người không quen biết nhau không hề tưởng nhớ tới nhau, thì ở gần nhau mà vẫn là xa. Hai người thương nhớ nhau, nghĩ tới nhau luôn thì dù ở cách xa nhau hàng vạn dặm đường vẫn là gần nhau. Quốc sư Đại Đăng một buổi gặp Nhật Hoàng Đậu Đề Hồ tâu rằng : “Bệ hạ và thần xa nhau từ vô lượng kiếp mà vẫn chưa hề rời nhau trong phút giây. Bệ hạ và thần đối diện nhau suốt ngày mà vẫn chưa hề gặp nhau lần nào !”. Đó là quan niệm về xa và gần của những tâm hồn đã vượt lên trên tất cả đối đãi phân biệt về không gian và thời gian để đứng trên mảnh đất trong sạch, “Cõi Tịnh độ của tâm”.

* Người theo sự tướng cho rằng : “Cõi Tây phương Cực lạc thật xa, cách chốn Ta bà này hàng vạn ức cõi Phật” : đó là quan niệm của người chưa hiểu lý Bất Nhị. Theo lý đó thì chỉ có một cõi Tịnh độ mà thôi và đó là tâm của ta. Người mê, khi niệm Phật cầu vãng sinh, coi cõi Cực lạc là nơi xa với sức yếu hèn của con người mang nặng nghiệp chướng thì khó lòng tới đó được, phải tận lực cầu khẩn Tha lực của Phật tiếp dẫn mới có thể được toại nguyện. Người có trí tuệ, trái lại cho rằng chỉ cần thanh tịnh tâm mình là đủ. Làm cho tâm mình trong sạch tức khắc được sống trong Niết bàn Thường lạc, ngã tịnh, và điều kiện được về cõi Tịnh độ của tự tâm chỉ cần ngăn cản không làm tám điều tà, trừ mười điều ác, và cố gắng làm mười điều thiện là đủ. Về mặc tiêu cực, tám điều tà phải lìa là : Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, sinh mạng tà, phương tiện tà, niệm tà và định tà.

Về mặt tích cực mười điều tiện phải thực hiện là :

1. Phóng sinh và tha thứ (thay vì giết hại và căm thù).

2. Bố thí (thay vì trộm cướp, tham lam ích kỷ).

3. Tôn trọng phẩm giá phụ nữ (thay vì tà dâm)

4. Nói lời ngay thẳng, thành thật (thay vì gian dối, quanh co).

5. Nói lời đoàn kết, ôn hoà (thay vì nói lời ác độc, chia rẽ).

6. Nói lời đoan trang, chân chính (thay vì nói thô tục, điêu ngoa, trái đạo lý luân thường).

7. Nói lời ân nghĩa, có ích cho đời (thay vì nói lời đòn xóc hai đầu và điều đâm thọc).

8. Vun trồng và thực thi những tư tưởng thanh cao, quý báu (thay vì có những tư tưởng vị kỷ, thấp hèn).

9. Có lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả thương xót chúng sinh, coi người như mình.

10. Có tâm chân chính và hành động theo chính tư duy.

Mục 13 : Nhận định về dễ tu và khó tu - Tu trong thuận cảnh và trong nghịch cảnh.

a. Dễ tu và khó tu. Người đã “minh tâm kiến tính” thấy tâm mình vốn “tịch” và tính mình vốn “không”. Tâm tính không tịch tức là Chân Tâm. Tự tính của mình xưa nay vẫn “Như thị”, không hình tướng, tịch tĩnh, lóng trong, an nhiên tự tại. Đó là thế giới vô sai biệt và vô phân biệt, đối lập với thế giới của giả tạo, vọng động, đầy phân biệt và sai biệt của trí giác. Nhưng cái thế giới của tri giác phân biệt và sai biệt lại chính từ chỗ tịch tĩnh, không tịch, mầu nhiệm của tâm linh sinh ra, cho nên người hiểu rõ lý Bất Nhị và Chân Không Diệu Hữu của vạn pháp, thấy sự việc ở đời chẳng thực, chẳng hư, chẳng không, chẳng có, chẳng tâm chẳng vật một cách dứt khoát, mà mọi sự ở đời lại huyễn sinh, huyễn diệt, từ Tạng thức biến hiện, một cách huyền diệu, do đó mà tâm của người ấy bình thản trước cảnh buồn vui, phúc hoạ, dễ khó, thuận nghịch và sống chết như tâm của Bàng Long Ẩn Cư sĩ thuở xưa.

Đản tự vô tâm ư vạn vật,

Hà tằng vạn vật thường vi nhiễu

* Trong vũ trụ chỉ có một thế giới duy nhất, vô vi, tịch tĩnh, không sai biệt và không phân biệt của tâm. Nhưng ý thức của con người lại bị thói quen, thành kiến do Sở tri chướng tích luỹ lâu đời biến cải cái Nhất Tâm Chân Như ấy thành thế giới hiện tượng nghìn sai muôn khác, phân hoá bởi vọng động và thể hiện trong nếp sống bình nhật. Thế là cái một biến thành cái vạn. Thế giới hiện tượng sai thù từ cái một sinh ra thì vạn hữu tức là Chân Tâm nên ta nhận thấy chân tướng của sự vật thì đã vén được bức màn vô minh che lấp chúng nên chẳng ý thức được điều đó thì ta cứ dấn thân mãi vào vòng mâu thuẫn vướng vít đầy phân biệt sai thù, khi nhìn sự vật ở đời hời hợt qua bề ngoài của hình danh, sắc tướng. Tu là để thấy rõ Chân tướng, Vô tướng của sự vật, thấy rõ lý Bất Nhị của các pháp trên thế gian và sống trong ánh sáng Chân lý Vô ngã, Vô thường biến dịch của cuộc đời dâu bể. Khi mê còn giữ tâm phân biệt, còn thấy đời là bể khổ nên còn tìm mọi cách, hết chạy sang Đông lại chạy sang Tây để mong thoát khỏi nghiệp báo sinh tử, nhưng lúc đã ngộ rồi, hiểu rõ nghiệp báo sinh tử, khổ đau đều do tâm tạo thì không còn thấy buồn, thương, đau khổ nữa. Chỉ vì Biến kế Sở chấp mà người đời mới thấy buồn, vui, sướng, khổ, dễ tu, khó tu… mà thôi, chứ vạn pháp xưa nay vốn vô tự tính. Cùng một hoàn cảnh, nếu còn chấp có Ngã và Ngã sở, còn bị lệ thuộc vào Căn, Trần, Thức thì còn là phàm phu, còn phải gánh chịu khổ não, đau buồn. Nếu biết phá bỏ mọi chấp trước và giữ cho tâm trong trắng, phẳng lặng thì tuy sống trong Niết bàn thanh cao vui sướng. Nhưng làm sao biết được mình đang sống trong trần lao điên đảo, hay đang được hưởng cảnh tự tại, thanh lương ? Phải sống chung với thiên hạ, lăn lộn trong cuộc đời phồn tạp mới biết rõ là tâm mình có còn bị tám ngọn gió thổi ngược, xuôi làm cho ta điên đảo hay không ? Có bị thử thách trong cuộc sống hàng ngày mới biết rõ trình độ tu chứng của ta.

Đời sống, nhất là trong nghịch cảnh, là tấm gương trung thực để ta soi tỏ được lòng mình.

b. Nhận định về việc tu trong thuận cảnh và tu trong nghịch cảnh.

Không thể nào bảo thuận cảnh hay nghịch cảnh, cảnh nào dễ tu hay khó chứng, vì dễ, khó, thuận, nghịch đều tuỳ thuộc vào lòng mình, hoàn cảnh bên ngoài không có tự tính riêng biệt. Cùng một bầu trời mưa tầm tã mà người nông phu đang khát khao có nước để tưới cây, cày ruộng, dù phải lội bùn ướt đẫm quần áo, vẫn thấy sung sướng như Trời ban cho vàng bạc. Còn người ở đô thị, đi ngoài đường phố, gặp cơn mưa bất thần, bị bẩn chân ướt áo, lại thấy khó chịu bực mình. Có người cho rằng thuận cảnh khó tu, vì đang sống hạnh phúc tràn trề với vợ đẹp con ngoan, danh cao lộc hậu, khó dứt bỏ công danh sự nghiệp hơn người nghèo túng, chẳng có một tấc đất cắm dùi, hay một đồng tiền dính túi, trong cảnh cơ cực, bữa đói bữa no. Với những gì mình đang nâng niu quý báu bỗng dưng lại coi như khói mây ảo ảnh thật là khó. Như Thái Tử Tất Đạt Đa đương ở ngôi quyền quý cao sang tột đỉnh, bỗng dưng dứt bỏ ngay tất cả để sống cuộc đời khất thực, lang thang, thật ít người làm nổi.

Nhưng có người lại cho rằng sống ở cõi Ta bà cực khổ, gặp những cảnh gai mắt, nghịch tai mà làm ngơ, nhẫn được mới mau chứng ngộ. Như Đề Bà Đạt Đa là kẻ bạo nghịch đã tìm mọi cách để hại Bồ tát Đạt Đa, mà Ngài vẫn không mạng dạ oán thù, lại còn nhớ công ơn kẻ đã làm cho mình chứng được Tứ Vô Lượng Tâm và đạt được lý Oán thân Bất Nhị. Như vậy thì cả hai bên đều có lý. Ở trường hợp sau, coi người thân nghịch không khác. Ở trường hợp đầu, Bồ tát phải tìm đến những nơi lầm than cơ cực, lửa bỏng dầu sôi để chia sẽ nỗi khổ đau với những kẻ xấu số mong luyện Tâm Từ.

“Vô nhân kiến xúc, đạo quả nan thành”: không có nhân khiến cho tâm can xúc động thì đạo quả khó bề thành tựu. Cho nên người tu không sợ chướng ngại, vì có chướng ngại mới có duyên lành để tiến bước trên đường tu. Chướng ngại là thước đo đạo tâm của hành giả. Với cảnh ngộ nào cũng tu huyễn, luyện Trí Bát Nhã, coi sự việc ở đời là Vô thường, Vô ngã, nên luyện được Tâm Bi và Tâm bình đẳng vô phân biệt. Nếu nhận xét một cách khái quát thì cảnh thuận thường dễ khiến người đời chạy theo bả vật chất, do đó mà nhụt dần tinh tiến, mất dần đạo tâm. Ở đời, ta hay bị hại bởi lời đường mật, ít ai bị chết bởi câu nghịch nhĩ chân ngôn, cho nên ở trong thuận cảnh cần phải đề phòng nhiều hơn ở trong nghịch cảnh. Bởi vì nghịch cảnh có tác dụng thức tỉnh lòng người, làm cho ta thoát ly được ác tưởng và cố gắng phấn đấu để vươn lên cao tới nơi giải thoát rốt ráo ; còn cảnh thuận lại âm thầm ru ngủ thức Tâm, làm cho con người dễ thoái đoạ, trở nên yếu hèn vì quen sống trong nhung lụa, xa hoa. Nếu nói theo chiều thuận thì chúng ta ở đời này thật là ít phúc nên mới phải sinh vào cõi Ta bà trong thời mạt kiếp, không còn Phật tại thế nên khó tu. Nếu nói theo chiều nghịch thì chúng ta thật là tốt phúc mới được sinh ở cõi này, được gặp nhiều hoàn cảnh thuận tiện để hành Bồ tát đạo, luyện Tứ Vô Lượng Tâm và Lục độ Ba la mật. Dù ở hoàn cảnh nào, thuận hay nghịch ta cũng phải phấn đấu với lòng mình từng phút giây. Những ác tưởng là những phản ứng tự nhiên của Thức hay của bản năng mù quáng gây nên những hành động lỗi lầm, dẫn tới nghiệp quả bất thiện. Đó là những bệnh mà ta phải đề phòng cẩn mật. Để nhớ tới chúng ta phải dùng Trí để niệm. Mỗi người trong hoàn cảnh riêng của mình tự tìm cách để cảnh giác mình và nhớ tới Lương Tâm hay Chân Tâm, Phật tính của mình. Nếu thực hành được điều đó là bước đầu ta dấn thân vào đường hành Bồ tát đạo. Ở cõi Trời cao tột tuy được hưởng nhiều hạnh phúc, không bị vật chất bức bách, nhưng lại thiếu những cảnh đau thương để thức tỉnh lòng mình. Trái lại, ở chốn trần gian khổ nhẫn này, hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ đau buồn thì người có Tâm Đạo khó cầm lòng được trước những thống khổ của tha nhân, nên mới mạnh dạn dấn thân vào vòng tục luỵ mà hoà quang đồng trần để cải hoá cõi Ta bà mong nó trở thành thế giới Cực lạc.

* Trong kinh Duy Ma Cật, Phật dạy ông Xá Lợi Phất : “Ông nên hiểu rằng người mù không thấy mặt trăng, mặt trời đó không phải là lỗi tại các tinh tú đó. Chỉ vì tâm của chúng sinh bất tịnh nên mới thấy cõi Ta bà này nhơ uế, xấu xa, chứ thực ra thì cõi thế gian này vốn vẫn trang nghiêm, thanh tịnh. Thế gian mà chúng sinh đang sống đây, xưa nay vẫn bằng phẳng, tốt đẹp, không có gai góc, hầm hố bẩn thỉu. Đối với Phật nhãn thì cõi Ta bà này lúc nào cũng đầy hương vị thơm tho”. Nơi nào đầy nước mắt đau thương, những nơi nước đọng, bùn lầy, chính là quốc độ mà Bồ tát tự nguyện dấn thân vào đó để thực thi bản nguyện của mình. Cũng ví như hoa sen thơm ngát và thanh khiết chỉ mọc ở chỗ bùn lầy hôi tanh, mà không thấy sinh ra trên gò cao sạch sẽ. Bồ tát cũng vậy. Các Ngài không trốn tránh cuộc đời lầm than, chỉ ưa vào chốn dầu sôi lửa bỏng, để xoa dịu vết thương của muôn loài đau khổ. Hạnh phúc ở đời phải tìm ở nơi vong thân xả kỷ, xa lìa những tư tưởng khinh mọn thấp hèn. Hạnh phúc đời chỉ có khi con người tìm thấy nguồn vui của mình trong niềm vui của thiên hạ. Niềm vui thanh khiết, bao la, chẳng ở đâu xa, mà buồn vui, sướng khổ, dễ khó, thuận nghịch trong việc tu hành, tìm sự giải thoát đều ở đáy lòng mình.

Đời người không phải lúc nào cũng duyên dáng ngát hương như đoá hồng tươi, cũng chẳng phải lúc nào cũng buồn thương chán ghét như bụi hồng đầy gai nhọn. Hoa là hoa mà gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái thuộc về gai là của gai. Không vì sợ gai nhọn chích vào da thịt mà ngại không dám hái hoa ngát thơm tươi đẹp. Cũng không vì quá yêu hoa mà lao mình vào bụi gai, bất chấp hiểm nguy để chuốc lấy tai biến. Người lạc quan cho thế gian này là tuyệt đẹp như cánh hồng nhung tươi thắm ngọt ngào. Người bi quan lại cho cõi đời tục luỵ này là nơi đầy gai nhọn gây khổ cực đau thương. Đối với bậc liễu đạo nhìn thế gian này “Như thị, như thị”, không hẳn tươi đẹp hay khổ đau một chiều, mà lại nhìn đời bằng cặp mắt thực tiễn, không buồn, không vui, không say mê vẻ quyến rũ của sắc hương, nhưng nhận định rõ Thực tướng vô tướng của hoa để hành động thận trọng cho khỏi bị gai nhọn đâm vào da thịt mà vẫn thưởng thức được tính hoa của đất trời huyền diệu, thấy đâu đâu cũng là đạo mầu, đâu đâu cũng là Tịnh độ.
 
Trích từ: Tịnh Độ Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Vãng Sanh Luận, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Đọc Tiếp
2 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
4 Luận Đại Trượng Phu, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang Tải Về
5 Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
6 Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm Tải Về
7 Thập Nhị Môn Luận, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
8 Thắng Man Giảng Luận, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về
9 Luận Khởi Tín Đại Thừa, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Tải Về
11 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
12 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
13 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
14 Đại Thừa Khởi Tín Luận, Cư Sĩ Chân Hiền Tâm Tải Về
15 Phát Bồ Đề Tâm Luận, Cư Sĩ Quảng Minh Tải Về

Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Phật Nói Kinh Vô Thường
Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh