Home > Khai Thị Phật Học > Khong-Nen-Di-Tim-Niem-Hanh-Phuc-Ben-Ngoai
Không Nên Đi Tìm Niềm Hạnh Phúc Bên Ngoài
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Niềm vui thì có rất nhiều cấp bậc, nhưng niềm “ham muốn dục lạc” mà con người bình thường theo đuổi đó là thứ cảm nhận của sự kích động, phát tiết và quan năng. Ví như khi nhìn thấy cảnh đẹp thì mắt cảm thấy hài lòng, khi nghe nhạc hay thì tai cảm thấy thích thú hoặc khi ăn một bữa cơm ngon thì miệng cảm thấy khoái khẩu v.v..., những cảm giác này đều phải đi qua những cơ quan của thân thể mới nảy sinh niềm khoái lạc, khi cơ quan cảm giác bị kích thích, bấy giờ trong lòng xuất hiện cảm giác ngây ngất sung sướng vô cùng.

Nhưng thứ cảm giác khoái lạc này chỉ đê mê trong chốc lát chứ không buông thả hoàn toàn. Ta lấy ví dụ uống rượu để rõ hơn, khi uống rượu vào quả thật rất khoái khẩu, người cảm thấy lâng lâng, nhưng khi say rồi thì đau khổ không thể dùng lời để diễn tả được, đặc biệt cơn giày vò ngất ngưỡng say ngủ của ngày hôm sau lại càng khó chịu hơn. Cho nên sau khi các giác quan thân thể bị kích thích đạt đến khoái cảm thì bao giờ cũng để lại di chứng, vả lại mức độ kích động mạnh còn cao hơn những lần trước kia nên không bao giờ cảm thấy hài lòng thoải mái được.

Trong sự ham muốn khoái lạc, ngoại trừ bị kích thích bởi các cơ quan bản năng ra, còn có một thứ khoái lạc do cảm giác mang lại. Sống trong đời không chỉ để cảm nhận các quan năng đầy đủ, mà còn hưởng thụ cảm giác từ nội tâm, đó cũng là mục tiêu theo đuổi của chúng ta. Ví như trong quá trình sáng tác văn học nghệ thuật cũng vậy, niềm đam mê sáng tác luôn mang lại niềm vui trong lòng; hoặc khi đọc sách, bỗng nhiên tâm ta lãnh hội được điều hay trong đó, bấy giờ lòng ta cảm thấy vô cùng vui vẻ nên cũng muốn để cho mọi người có được cảm giác này; hoặc là trước kia ta không biết nghệ thuật biểu diễn, nhưng bỗng chốc học biết được, vả lại còn được mọi người thưởng thức, khen ngợi nhiều hơn, đều khiến cho người khác cảm thấy vui vì sự thành tựu của mình. Tuy nhiên, niềm vui nào cũng có giới hạn, niềm vui tạm thời sau đó cũng tiêu tan chỉ còn lại cảm giác không hài lòng, vả lại mỗi khi quá vui, quá đầy đủ khiến ta cảm thấy kiêu ngạo, thì cảm giác đau khổ luôn rình rập kéo đến sau đó.

Sở dĩ nói “bên ngoài con người còn có người khác, bên ngoài trời còn có cõi trời khác” là cảnh giới mà ta không bao giờ theo đuổi kịp, khi sự thành tựu của bản thân đạt đến một trình độ nào đó, và còn muốn tiếp tục vươn tới cảnh giới cao hơn, tuy nhiên cuộc sống con người luôn có điểm chung của nó, đến cuối cùng khi không thể phá nổi gốc rễ nữa thì bản thân đành phải đầu hàng dừng lại, bấy giờ một cảm giác lạc lỏng bơ vơ luôn đeo bám lấy mình. Vì cuộc đời mình sắp đến hồi kết thúc, nhưng lại không biết phải đi về đâu, nên mới không kìm nổi sự hoài nghi về bản thân mình, về con đường phía trước rốt cuộc là con đường nào? Bấy giờ nếu không có sự dẫn dắt của tín ngưỡng tôn giáo thì khó tránh khỏi mờ mịt hoang mang, nên cảm thán nói rằng: “Thật chẳng biết ai là người vất vả, ai là người bận rộn hơn đây!”

Thật ra, theo đuổi cảm giác đầy đủ và niềm vui vẻ hạnh phúc cũng không có gì sai cả, vì nó là quá trình thúc đẩy trong đời sống con người, động lực thúc đẩy con người luôn tiến lên phía trước đó mãi mãi không ngừng. Nếu người bình thường không có cảm nhận sự thành tựu của bản thân để làm động lực sống, thì sẽ cảm thấy cuộc sống thật vô vị chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng điều mâu thuẫn nhất là, khi ta vất vả khổ sở theo đuổi tìm cầu cảm giác thành tựu, nhưng lại phát hiện mục tiêu theo đuổi đó không phải là niềm hạnh phúc đích thực. Đây chính là vì lòng người nói chung luôn bị dao động xáo trộn, nếu không nói như vượn chuyền cây, như ngựa rong nơi đồng nội thì cũng nghĩ ngợi lung tung chẳng bao giờ dừng nghỉ, không có cách gì để điều phục bản thân mình. Trong tình huống này, ngay cả bản thân mình cũng không biết rốt cuộc là hạnh phúc hay khổ đau? Cảm giác không rõ ràng về hạnh phúc hay khổ đau này bản chất nó vốn là khổ. Vì thế, nói chung khi người ta cảm thấy buồn chán vô vị thì họ luôn muốn đi tìm một người nào đó để nói chuyện tâm sự, tán gẫu, hoặc là đọc sách, đọc báo hay nghe nhạc hoặc tìm một vài trò chơi giải trí nào đó làm thú tiêu khiển cho bản thân để giết thời gian, khiến cho sức tập trung của bản thân có nơi nương tựa gởi gắm, nếu không thì chẳng biết phải đặt tâm này vào đâu nữa?

Tuy nhiên, khi tu tập thiền định có thể giúp tâm tư chúng ta tập trung vào một thể thống nhất, còn niềm vui trong thiền định được, mất là do bản thân tự gánh chịu trách nhiệm, có thể tránh được điều đáng tiếc sau này trừ phi thoát khỏi niềm khoái lạc do ngũ dục mang lại. Con người khi ở trong thiền định tâm tư không chấp thủ đắm trước vào bất cứ một cảnh giới nào cả, nếu nói có dựa dẫm gửi gắm vào thì cũng chỉ ở trong “một niệm” mà thôi. Bởi vì tâm dựa vào một niệm nên tâm có thể bình an, bấy giờ thế giới nội tâm vô cùng ổn định, nên không cần phải tìm cầu nương tựa bên ngoài, cũng không bị dao động ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Không Nên Đi Tìm Niềm Hạnh Phúc Bên Ngoài