Home > Khai Thị Phật Học
Thay Đổi Cảm Nhận Chủ Quan
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Thân thể con người là do ngũ uẩn kết hợp tạo thành. Vì thế, nếu không có trí tuệ để thấy được “ngũ uẩn giai không” thì chúng ta sẽ chấp vào bản ngã do ngũ uẩn tạo thành, lấy bản ngã làm trung tâm nên không ngừng nảy sinh các vọng niệm, từ đó mang đến cho bản thân ta không ít phiền não và đau khổ.

Vọng niệm chính của bản ngã là đối với bản thân, cách nghĩ, giá trị quan của mình mà sinh lòng chấp thủ đắm trước, sự đắm trước này có lúc cùng với sự thật khách quan mà nảy sinh đối lập với người, sự và vật trong môi trường, khi đối lập nhau thì tất nhiên sinh ra va chạm, mâu thuẫn và tạo nên một chuỗi đau khổ. Trong cảm giác chủ quan của chúng ta dường như mỗi sự vật đều không như ý, ta luôn cảm thấy môi trường hiện tại và tâm ý mình chống đối nhau: khi trời mưa ta oán trách trời sao mưa mãi, khi trời nắng ta cũng oán trách sao cứ nắng hoài. Thực ra, không phải hoàn cảnh bên ngoài có vấn đề, mà do chúng ta luôn chấp thủ đắm trước vào bản thân mình, nên mới không có cách gì hòa hiệp với hoàn cảnh bên ngoài, từ đó cảm thấy không thoải mái, tự tại.

Con người vì muốn thoát khỏi cảm giác không thoái mái, muốn đáp ứng đầy đủ yêu cầu ưa thích của bản thân mà không ngừng chạy đua theo cảm giác dễ chịu thoải mái. Họ thường cho rằng miệng phải ăn những món ăn ngon, tai phải nghe những âm thanh hay, mắt phải xem những cảnh sắc đẹp đẽ. Thực ra, vốn dĩ khi miệng khát, chúng ta chỉ cần uống nước là được, nhưng vì muốn hưởng thụ nên người cầu kỳ thường muốn uống trà ngon và các loại nước uống có mùi vị khác. Những tham muốn của con người chẳng bao giờ có điểm dừng, cũng chỉ vì muốn bảo vệ sự tồn tại của bản thân mà khởi lên biết bao điều ham muốn vô cùng tận. Vì muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho bản thân mà con người đã hao phí quá nhiều sức lực, không những thế lại còn tạo ra biết bao nghiệp nhân. Hẳn có nghiệp nhân thì tất phải chịu quả báo, khi quả báo đến sẽ mang lại cho bản thân biết bao phiền não. Vì thế, nên biết rằng thân thể này chính là nguồn gốc tạo ra mọi đau khổ.

Mọi người đều thích cảm giác mát mẻ, mềm mại, mịn màng, nhẹ nhàng, ấm áp, thế nhưng không thể bất cứ lúc nào ta cũng có thể ở mãi trong cảm giác dễ chịu, thoải mái đó được. Tục ngữ có câu:

“Cái gì mắt không nhìn thấy luôn luôn sạch”, cho nên chỉ cần tai không nghe được, mắt không nhìn thấy thì sẽ không chịu sự ảnh hưởng của những cảm giác ấy.

Có thể thấy cái không hài hòa mà bản thân chúng ta cảm nhận thực ra không phải là vấn đề của hoàn cảnh bên ngoài, mà nó liên quan đến vọng niệm ở bên trong chúng ta. Nếu như chúng ta không chấp thủ đắm trước vào bản ngã thì tuy có bản ngã cũng không xảy ra mâu thuẫn với hoàn cảnh bên ngoài, cho dù xảy ra vấn đề gì đi nữa cũng không quá nghiêm trọng. Khi thân tâm xảy ra mâu thuẫn với hoàn cảnh bên ngoài, bấy giờ “thọ” để xoay chuyển nội tâm là cách giải quyết căn bản nhất. Tục ngữ có câu: “Tâm yên thì tự nhiên cảnh vắng lặng”. Khi chúng ta cảm thấy nóng bức không thể chịu được, ngoài việc mặc ít áo quần ra cũng chưa đủ, điều quan trọng là phải để cho lòng mình được bình tĩnh, lắng đọng, không nên nôn nóng, vội vàng, bởi vì khi lòng nôn nóng, hấp tấp, ta sẽ cảm thấy nóng nực, bức bối hơn. Nếu tâm ta không bình tĩnh thì có thể chuyên chú tập trung vào niệm danh hiệu Phật, vì niệm Phật có thể giúp cho tâm chúng ta bình tĩnh hơn, bấy giờ không còn cảm thấy nóng nảy bức bối và đau khổ nữa. Đây chính là sức mạnh của nội tâm.

Nếu như “thọ” mà không thể điều chỉnh được nội tâm thì nó thường xuyên ở trong cảnh tham muốn mong cầu (thọ khổ). Biểu hiện bề ngoài của tham muốn giống như cảm giác theo đuổi hạnh phúc, thực ra chính nó đang xây dựng cảm giác theo đuổi nơi lòng ham muốn, như thế khiến cho ta không bao giờ cảm thấy vừa lòng, vui vẻ, hạnh phúc được. Trái lại, nó đã vô tình tạo ra vòng luẩn quẩn cho sự đau khổ triền miên.

Tuy bất cứ uẩn nào trong năm uẩn đều tạo ra nhiều thứ phiền não khiến cho ta đau khổ mãi không thôi, nhưng chúng ta không nên vì trốn tránh cái khổ của “ngũ ấm xí thịnh” mà phủ định sự tồn tại của bản thân ta, bởi vì bản chất con người vốn tốt đẹp, đó cũng là công cụ để chúng ta cầu phước và tu huệ. Chỉ cần quán sát thấy được “ngũ uẩn giai không” thì có thể hóa giải được cái khổ trong “ngũ ấm xí thịnh”, cũng có thể khiến cho chúng ta cố gắng vận dụng thay đổi bản thân mình, tự bản thân vun bồi phước đức trí tuệ, và không ngừng tiến thêm bước nữa là tạo phước cho mọi người.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Thay Đổi Cảm Nhận Chủ Quan