Home > Khai Thị Phật Học > Chuong-10-Nhan-Dinh-Ve-Moi-Lien-He-Giua-Tinh-Do-Tong-Thien-Tong-Va-Duy-Thuc-Tong
Chương 10: Nhận Định Về Mối Liên Hệ Giữa Tịnh Độ Tông, Thiền Tông Và Duy Thức Tông
Minh Đức Thanh Lương


Tu Tịnh độ (thuần tuý) là hướng về ngoại cảnh hay hành Pháp tướng, nương vào Tha lực bằng cách niệm danh hiệu Phật A Di Đà, để trút bỏ phiền não, nhiễm ô, mong đạt tới Niết bàn Tịnh độ. Tu Thiền là hướng về nội tâm, hành Pháp tính, dựa vào Tự lực, quán sát tự tính để diệt trừ chúng sinh tính trong lòng mình, mong cho tâm tỏ ngộ.

Nếu Tịnh độ chủ trương Tin là tất cả, và tình cảm là then chốt, thì Thiền nhấn mạnh vào điểm “Thấy” (Kiến) bằng trực giác tâm linh, và quen dùng khối óc hơn là con tim.

So sánh hai pháp môn Thiền và Tịnh, ta thấy pháp môn Tịnh độ với phương pháp niệm hồng danh Phật A Di Đà thật là thuận tiện, giản dị, dễ tu, nhờ được Tha lực gia hộ nên ít bị chướng ngại, dù có gặp chướng ngại cũng dễ dẹp tan.

Còn tu Thiền, cậy vào sức mình, thường gặp nhiều cam go thử thách, chẳng hạn phải suy nghĩ nát óc để tìm giải đáp cho một câu thoại đầu hay công án bí hiểm, phải mất hàng tháng hàng năm ấp ủ canh cánh bên lòng, mà chẳng thấy tia sáng chân lý đâu cả. Bởi thế nên có câu: “Khô mộc đường Thiền thác lộ đa”. Y nói tu Thiền cậy vào tự lực thường gặp nhiều nỗi nguy nan, trong khi tham công án hoặc quán thoại đầu thường bị mất ăn, bỏ ngủ, tinh thần căng thẳng, xác thân khô đét như cây khô mộc, gặp phải nhiều chướng ngại khó vượt qua.

* Nhưng nếu bảo Thiền chỉ dựa vào Tự lực mà Tịnh độ tông hoàn toàn dựa vào Tha lực là vô tình đã đánh giá thấp pháp môn Tịnh độ bởi đã bỏ quên một yếu tố quan trọng của pháp môn trì danh hiệu Phật, là ý chí sắt đá của hành giả để mong tiến tới đích. Đáng lẽ phải nói: Tịnh độ tông nhờ vào ý chí cương quyết của người tu trong việc trì danh hiệu Phật tới chỗ nhất tâm bất loạn, tức là trông vào quyết tâm của mình để diệt vọng quy chân, lại còn được nhờ vào năng lực hộ trì của chư Phật và Long Thần hộ pháp mới được sinh về cõi Cực lạc Tây phương. Như vậy thì ngoài Tự lực của hành giả vốn có hạn, lại còn được nhờ vào Tha lực vô biên của Phật và Thánh chúng nữa thì lo gì mà chẳng thấy được bản tính chân tâm của mình?

Pháp tướng dễ hành trì nhưng tiến chậm. Pháp tính khó tu hơn, lại đòi hỏi phải có lợi căn, nhưng tiến mau hơn. Tuy nhiên tới chỗ cùng đường thì hai bên lại gặp nhau ở chỗ Sự Lý viên dung, Sự Sự vô ngại.

* Tịnh và Thiền, bề ngoài dường như mâu thuẫn song bề trong đã đồng nhất trong sai biệt, để dung hoà hiện thực với siêu nhiên. Nếu Thiền là lắng đọng tư duy, và Định là tập trung tư tưởng, không để cho niệm lự dấy lên, và thắp sáng ngọn đèn chính niệm để duy trì thường trực tính năng biết nhiệm mầu hay tri kiến của mình, thì người tu Tịnh độ lúc nào cũng ở trong Thiền định, vì hành giả luôn luôn ở trong tĩnh lặng của Thiền. Ý của hành giả không đuổi theo trần cảnh và tâm của người này nhiếp câu niệm Phật trong định. Người tu không duyên theo vang bóng của việc đã qua, không lo nghĩ về hoàn cảnh hiện tại, cũng chẳng mơ tưởng đến việc vị lại: đó là Thiền. Người tu lía sắc tướng và chuyên cần trì danh hiệu Phật: đó là Định. Hiểu biết các căn, trần, và thân khẩu ý của mình đều trong sạch, đêm ngày hướng về cõi Phật, và lúc nào cũng ý thức được công việc mình đang làm: đó là Thiền Định. Nếu Thiền Định là phương pháp nhiệm mầu để thoát lý mối tương quan Tâm Cảnh, siêu lên ý niệm nhị nguyên để đạt tới tâm điểm của thực tại nhất nguyên, thì niệm Phật cũng là phương pháp đễ dẫn tới Niệm – Vô niệm, Vô niệm – Niệm, thoát ly sự phân chia chủ khách, ra khỏi sự khuấy động của tạp niệm để tới chỗ chính niệm, chính định và đạt lý Nhất nguyên, Bất Nhị.

* Niệm Phật với tâm vô niệm cũng giống như tham Thiền nhập Định để thể nhập vào tự tính thanh tịnh của mình, hoà tan vào bản thể của vũ trụ. Như vậy tu tịnh nghiệp cũng gồm đủ cả Giới Định Tuệ, Văn Tư Tu, và Thiền Tịnh nào có khác gì nhau? Do đó, người tu tịnh nghiệp đương nhiên hành cả pháp Thiền hay thực hiện cùng một lúc pháp môn Thiền Tịnh song tu. Ngày đêm, trong bốn oai nghi, hành giả niệm Phật trong lúc đi, niệm Phật trong lúc đứng, lúc ngồi, lúc nằm, biết rõ lúc nào mình cũng đang niệm Phật. Hành giả ý thức rõ ràng công việc mình đang làm, bất cứ lúc nào, như vậy hành giả đã thực hiện công phu Thiền ở mức độ cao vậy.

– Xét trong Phật giáo Tiểu thừa có phép tu Tứ Niệm Xứ (Sattipattana) mà niệm Phật với Niệm Xứ khác gì nhau? Thiền (tối thượng thừa) của Trung Quốc, so với Tứ Niệm Xứ của Ấn Độ và phép Niệm Phật giống nhau về mặt lý thuyết. Kinh A Di Đà nói đến bốn cảnh miền Cực lạc thì trong Thiền cũng có bốn cảnh của Thiền. Tịnh độ dạy Niệm Phật với nhất tâm bất loạn, chẳng khác nào người ngồi Thiền ở trong Đại Định. Thiền có Định của Thiền thì Tịnh cũng có Định của Tịnh. Chỗ “Nhất tâm bất loạn” của Tịnh so với “Nhất hạnh tam muội” của Thiền, nào có khác gì nhau?

Mục 6: Nghi vấn về mâu thuẫn giữa Tịnh với Thiền.

Có nhiều nghi vấn giữa Tịnh độ tông và Thiền tông cần được soi sáng để phá bỏ những chỗ mờ ám tối tăm:

1.- Thiền tông cho rằng: Niệm Phật là có tướng hữu vi. Muốn đạt tới Vô tướng, Vô vi của Chân Tâm, Thể tính, không thể dùng lối niệm Phật được.

– Để trả lời câu chỉ trích trên, phái Tịnh độ cho rằng: Thiền sư khi ngồi Thiền, lúc tham thoại đầu hay giảng pháp đều không ở trong cảnh Hữu vi sao? Nếu cho rằng Vô vi là làm những việc hữu vi mà không lưu ý đến việc mình làm thì Vô niệm cũng vậy, vì Vô niệm xuất phát từ đáy lòng mình, không từ căn trần hữu lậu. Vô là Thể của Niệm. Niệm là Dụng của Vô. Người đạt tới công phu, Niệm – Vô niệm, Vô niệm – Niệm, thì đã tới được chỗ Niệm Vô vi rồi. Khi ấy người niệm Phật thấy mọi pháp mà không bị nhiễm tướng của các pháp bởi vì hành giả đã lấy Tuệ Bát Nhã chiếu soi. Niệm trước, niệm sau cứ mặc chúng tự nhiên lui tới. Ác niệm đến thì tự tiêu. Thiện niệm đến thì hành động, làm xong lại xả: Hành giả ở trong trạng thái Chân Tâm, như bóng soi gương mà chẳng dính vào mặt gương nên không tạo ô nhiễm. Niệm mà như không niệm, không niệm mà vẫn niệm, như thế gọi là Vô niệm. Khi nói “Niệm – Vô niệm”, người ta đã dùng cái Không để vô hiệu hoá cái Hữu, nhưng khi nói “Vô niệm – Niệm” người ta đã dùng cái Bất Không để vô hiệu hoá cái Không. Hành động Niệm được Không hoá bằng Vô niệm. Đến lượt Vô niệm lại bị phá huỷ bằng Bất Không (tức Hữu niệm) đẻ cho lý Bất Nhị hay Trung Đạo, hoặc Chân Không Diệu Hữu tỏ bày. Đó là Vô Tâm mà Niêm. Niệm Vô Tâm không mong cầu gì cả thì Sự Lý viên dung, Năng Sở hợp nhất, một tấm gương phản ảnh vào một tấm gương, Chủ thể nhập vào đối tượng, nhạc sĩ nhập vào cây đàn, hoạ sĩ nhập vào bút vẽ, thi sĩ nhập vào nguồn thơ, người niệm nhập vào Đức Phật của mình. Niệm như thế gọi là “Vô niệm – Niệm, Niệm – Vô Niệm”, chứ chẳng phải tuyệt đối bỏ hẳn ngôn ngữ, hành động, sống như khúc gỗ, tảng đá vô tri mới là Vô niệm. Niệm – Vô niệm là đi sâu vào thế giới tâm linh vô sai biệt và vô phân biệt mà không qua cửa ải phân biệt Niệm với Không niệm, tức là không chặt đứt mối dây liên hệ với đời sống hàng ngày của mình. Niệm như vậy còn có ý nghĩa là niệm mà không dụng công, niệm một cách tự nhiên, như mây bay gió cuốn, hữu vi một cách vô vi, và vô vi một cách hữu vi, cho nên không tác động vào bản thể tự nhiên vốn bất động. Vì không còn tướng niệm nên không cần dụng công diệt trừ ta niệm và nuôi dưỡng chính niệm. Ta đã thanh tịnh trong suốt như gương thì tâm không ngại cảnh, cảnh chẳng ngại tâm, sự sự đều vô ngại, tịch mà chiếu, chiếu mà tịch, đó là diệu dụng của tâm Bồ đề. Cũng như Hành – Vô hành, hay Hành vô biệt niệm thì tâm không phân biệt, không gây nhân quả vô diệt vô sinh, thể nhập vào hiện tiền, cắt đứt được tư duy, do đó phá được cái Ta, và hoà đồng Khách Chủ vào Chân Thể của sự vật.

2.- Có người lại đặt nghi vấn: Muốn thấy tướng Vô tướng của các pháp, phải dùng Vô tướng, Vô  niệm, nhưng pháp môn Tịnh độ lại dùng lối Hữu tướng, Hữu hình, để đạt tới chỗ có hình tướng là cảnh Cực lạc Tây phương cùng Phật A Di Đà, như thế phỏng có trái lý Thực tướng Vô tướng của các pháp chăng? Bởi vì Chân tính thì Vô tướng, mà đã Hữu tướng, hữu hình thì không thể là Chân tính được. Lấy cái hữu hình thì nắm bắt sao được cái vô hình tướng? Hình ảnh viên ngọc tươi thắm trên núi lửa và bông sen nở trên đống than hồng là những hình ảnh mô tả sự nhiệm mầu của Chân Tâm chỉ đạt tới do một tâm trạng vô tướng, vô tác, vô đắc, vô cầu, bởi thế mà Thiền tông đã dùng bài thơ sau đây để chỉ cái khó đạt được của Chân Tâm Pháp tính, nếu dùng lối hữu tướng hữu niệm của phái Tịnh độ tông:

Diệu tính hư vô bất khả phân.

Hư vô tâm ngộ, đắc hà nan?

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị can.

Dịch:

Chân tính hư vô khó đến nơi

Hư tâm mới đạt tới mà thôi.

Trên núi ngọc thiêu mầu còn nhuận

Trong lò sen nở sắc thường tươi.

– Xin thưa: Pháp môn Tịnh độ dẫn vào phương pháp niệm Phật và cảnh Cực lạc Tây phương, tự nó không thể đưa thẳng chúng sinh đến chỗ chứng được trực tiếp thực tướng “Không” nhưng nó lại có công năng dẫn chúng sinh đến cõi Tịnh độ, ở đó có hoàn cảnh thuận lợi để đưa tới chỗ chứng được thực tướng “Không” một cách dễ dàng, bởi vì ở thế giới Cực lạc Tây phương, chúng sinh chung sống với các bậc Hiền thánh trong một môi trường lý tưởng cộng nghiệp tốt lành, có đủ phương tiện để học hỏi giáo lý Không và thành tựu được Phật đạo một cách chắc chắn.

3.- Một nghi vấn nữa được nêu lên ở đây là nguyện vọng của người tu Tịnh độ được vãng sinh Cực lạc quốc, so với nguyện vọng của pháp tu Thiền để được thành Phật có khác nhau không?

Thoạt nghe ai cũng tưởng rằng mục tiêu của phái tu Tịnh độ thua kém phái tu Thiền, nhưng xét kỹ ta lại thấy pháp môn Tịnh độ là nơi mà người tu theo bất cứ pháp môn nào cũng đều phải ghé qua trước khi đặt bước vào toà nha Như Lai. Nếu chưa được vãng sinh về cõi Tịnh độ thì chưa đạt được tâm Không, còn mang nặng ưu tư phiền muộn thì tâm chưa Định, đó là ý nghĩa của bốn chữ “Vãng sinh Tịnh độ”. Tâm còn mang nặng sắc, tài, danh, lợi, tham luyến nhiễm ô thì mong gì được thành Phật? Như vậy ta đã thấy rõ chủ đích của pháp môn Tịnh độ là rũ sạch tà niệm để tâm được trong sáng và định ở chỗ sáng đó. Hễ có Định là có Tuệ và đây là cái mà kinh nói: “Hoa khai kiến Phật tức văn Phật thừa, đốn khai Phật tuệ…”. Thấy Phật là thấy được chân tâm bản tính, chuyển được Bát thức thành Tứ Trí, đổi được ba độc tham, sân, si thành ba pháp giải thoát Giới, Định, Tuệ và thắng được sáu tên giặc (lục căn hay lục thức) buộc nó phải hàng phục sáu pháp Lục độ, như vậy Tịnh nào có thua kém gì Thiền?

4.- Lại có người cho rằng: Tịnh độ tông đặt niềm tin vào Tha lực, lấy đó làm điểm tựa cần thiết cho việc siêu sinh. Thoạt nghe, ta thấy Tịnh độ giống như Thiên Chúa giáo chỉ tin tưởng vào sự cứu rỗi của Chúa mà không tự tin ở sức của mình, nhưng xét kỹ, ta lại thấy không đúng như vậy, bởi vì tuy ở pháp môn Tịnh độ, người Phật tử phải tin vào Tha lực của Phật A Di Đà nhưng vẫn phải nỗ lực niệm Phật đêm ngày mới tới được chỗ “Nhất tâm bất loạn”. Ngoài ra hành giả còn phải tạo thêm nhiều phúc đức nhân duyên nữa, nhất là trong lúc lâm chung phải giữ sao cho “thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý không điên đảo, như vào Thiền định” mới mong được vãng sinh. Như vậy thì người niệm Phật tới mức độ ấy khác hẳn tín đồ bên Thiên Chúa giáo chỉ thuần ỷ lại vào ân sủng của Chúa để được đưa lên Thiên đường. Người tu Tịnh nghiệp ở trong trạng thái ấy cũng giống như tham Thiền trong chánh Định. Có khác chăng chỉ ở mức độ cao thấp mà thôi.

Theo kinh Hoa Nghiêm thì giữa Thiền và Tịnh, Lý và Sự, Tri và Hành vẫn có mối dây liên hệ mật thiết theo lý: Lý Sự và Sự Sự vô ngại pháp giới. Thiền tông và Tịnh độ tông cùng chung một mục tiêu: đưa hành giả vào trạng thái đại Định để phát sinh Tuệ giác. Việc tiếp dẫn của Phật A Di Đà về cõi Tây phương Cực lạc được coi như một chiếc cầu bắc ngang nối liền tâm linh của hành giả với Chân Như pháp giới, tức là nối liền tuệ giác siêu thoát của người tu với cái tâm đại đồng của vũ trụ. Đó là một thứ liên giác thể nhập, và với ý đó thì Thiền, Tịnh vốn cùng chung một điểm là phá chấp Ngã và chấp Pháp. Thiền tông và Tịnh độ tông không hề mâu thuẫn một khi cả hai tông đó đều cùng nhằm đạt tới Phật tính, Chân Tâm, một phái bằng lối niệm Phật với nhất tâm bất loạn, một phái bằng lối nhập định tam muội. Giây phút đột biến đạt đạo của Thiền Tịnh song tu, thấy Niết bàn, Tịnh độ ở tại tâm, ngay tại đây và ngay trong lúc này. Mối dây liên lạc giữa hai tông này được thắt chặt một cách cụ thể trên thực tế, bằng chứng là có những ngôi chùa mệnh danh là Thiền Tịnh Đạo tràng, ở đó có nhiều vị Thiền sư chuyên cần niệm Phật A Di Đà và quán tưởng cõi Tây phương Cực lạc để mong cầu được vãng sinh. Với pháp môn Tịnh độ lúc nào cũng làm chủ được tâm mình, và lúc nào cũng quan sát thiện ác chính tà, trong bốn oai nghi, lúc nào cũng niệm Phật thì sáu chữ hồng danh nhắc nhở hành giả phải  làm việc thiện, giữ tâm thanh tịnh, không để Căn, Trần, Thức dấy lên, và ba nghiệp thân, khẩu, ý được trong sạch thì chừng đó tâm định sẽ sinh tuệ. Như vậy thì người tịnh nghiệp sống sáu thời trong cảnh Thiền định, chứ chẳng phải chỉ ngồi Thiền trong chốc lát ở một nơi mà thôi.

Trong chốn tấp nập xôn xao, chung sống với đủ mọi hạng người mà vẫn niệm Phật. Tâm không dao động thì hành giả thực hiện được lối tu Thiền cao tột vậy. Nếu quan sát thật kỹ, thì trong pháp môn Tịnh độ bộ Kinh A Di Đà dạy phương pháp trì danh niệm Phật nghiêng về Sự tướng, như bộ Kinh Quán Vô Lượng Thọ lại dạy 16 phép quán, nghiêng về Lý tính. Với phương pháp thực nghiệm tâm linh, quán tưởng Phật A Di Đà cùng cõi Tây phương Cực lạc và niệm hồng danh Phật, thì pháp môn Tịnh độ, theo dòng Quán Niệm của Tổ Tụê Viễn gồm cả Thiền lẫn Tịnh, có đủ cả hai lối tu Đốn và Tiệm. Mục đích của Thiền là soi sáng ý nghĩa của sự sống, còn mục đích của Tịnh là thanh toán vấn đề sinh tử, hai bên bổ túc cho nhau. Thiền thì chủ trương nhìn thẳng vào tâm mình để nhận thấy tính mình là tính Phật, trong khi Tịnh độ tông lại nhằm tới cõi Tịnh độ (vốn là tâm mình) cũng để thấy rõ tính mình là tính Phật A Di Đà, cho nên Hư Vân Đại sư mới nói: Tịnh độ tông tức Thiền tông không khác, vì cả hai đều cùng chung một mục đích là thanh tịnh hoá tâm con người. Chỉ vì sau người đời quen thói phân biệt nên mới lấy niệm Phật làm Tịnh, và chấp Thiền định là Thiền, gây nên chia rẽ, chứ xưa kia Đức Phật Thích Ca đắc đạo có phân chia ra Thiền với Tịnh như ngày nay đâu? Để bày tỏ lý Thiền và Tịnh tuy hai mà một, Tây Trai Lão Hoà Thượng mới để lại bài thơ sau đây:

Tức tâm là Phật, ý không ngoa.
Tịnh khác Thiền đâu? vẫn một nhà.
Sắc hiển trang nghiêm mầu Diệu Hữu
Không kiêm vô ngại cõi hằng sa.
Trời Tây sáng đẹp màu châu ngọc,
Biển giác bao la đức hải hà,
Ngoảnh lại đường tu ai sớm tỉnh.
Nỗi thương ác đạo mãi vào ra.

* Thiền tông và Tịnh độ tông không có pháp môn nào cao thấp, hơn kém, nhưng về căn cơ thì Thiền tông có lợi cho hàng thượng căn, còn Tịnh độ tông lại nhiếp đủ mọi hạng người. Thiền tông không phổ cập đại chúng bằng Tịnh độ tông, nhất là trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo đức của nhân loại sa sút, và số người hiểu rõ về triết lý cao siêu của đạo Phật còn rất hiếm, cho nên muốn đạt tới chính quả, hiện nay cần nên theo con đường Tịnh nghiệp mới mong khỏi sa đoạ.

* Cùng một pháp môn Tịnh độ mà ngày xưa được trọng thị hơn ngày nay chỉ vì bên cạnh Tịnh độ tông còn có Thiền tông. Hai pháp môn này, trong quá khứ đều song song phát triển. Nhiều vị cao Tăng đã theo Thiền Tịnh song tu và hiểu rõ lý niệm Phật, thấy được Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh độ và nhìn nhận rằng trong pháp môn này có Sự Lý viên dung, Sự Sự vô ngại. Tiếc rằng đến nay Thiền tông gần như bị thất truyền đường lối vào cửa Thiền chỉ có một thiểu số cao Tăng có thực tu, thực chứng lý Không, ẩn náu nơi rừng thẳm non cao, lánh cư ở những nơi khuất tịch, không gây được ảnh hưởng sâu đậm trực tiếp trong quần chúng cho nên pháp môn Tịnh độ thuần tuý mà vắng bóng Thiền, với lối trì danh hiệu Phật cầu vãng sinh Tịnh độ trở thành một lối tu của đại chúng, phần đông gồm những người ít học, già nua, ốm yếu, không tự tin, quen ỷ lại chẳng biết rằng trong mỗi chúng sinh đều có viên ngọc quý vô giá là Phật tính, Chân Tâm và với bảo bối đó thì cầu gì chẳng được? Do đó, số đông Phật tử ngày nay tu theo pháp môn Tịnh độ mà chẳng hiểu lý thâm sâu của pháp vô lượng nghĩa này, một pháp khó hiểu, khó nói như lời Phật đã dạy. Muốn cho pháp môn Tịnh độ lấy lại được phong độ xưa thì ngày nay đành phải dựa vào Pháp Tướng Duy Thức học vậy. Căn cơ của người bình dân Việt Nam thời nay  chưa thích hợp với pháp môn nào khác ngoài pháp môn Tịnh độ và muốn cho người căn cơ từ bậc trung trở xuống thông hiểu được sự mầu nhiệm và ý nghĩa thâm sâu của pháp môn này thì không gì hơn là giải bày cho họ hiểu về thuyết huân sinh, huân trưởng và cộng nghiệp, biệt nghiệp của Duy Thức học.

* Vũ trụ quan của Phật giáo theo pháp môn Duy Thức được thiết lập trên nền tảng tự biến và cộng biến. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh hay thế giới hiện tượng riêng gọi là thế giới Đới chất cảnh được nhận thức bằng giác quan riêng của từng cá nhân. Ngoài thế giới Đới chất cảnh còn có một thế giới Tánh cảnh, làm bản chất cho cái thế giới Đới chất cảnh của từng người và đó là thế giới của Thực tại tự thân, do Cộng nghiệp của chúng sinh thành lập. Mỗi cá nhân có một nghiệp lực riêng tạo ra hoàn cảnh của chúng sinh sống hay thế giới Y báo hoặc Tổng báo của chúng sinh ấy, và thân mạng hay Chánh báo của y. Hoàn cảnh và thân mạng ấy tiêu hoại đi, khi một giai đoạn sinh mệnh kết thúc, nhưng cái nghiệp lực kia vẫn còn cái đà tồn tại (élan vital) và phát sinh ra một giai đoạn sinh mệnh mới, gồm một căn thân mới sinh hoạt trong một Cộng nghiệp mới. Cái vòng sinh tử tiếp nối triền miên ấy gọi là Luân hồi. Thế giới bản chất Tánh cảnh hàm chứa trong Thức A lại da của mỗi chúng sinh, gồm có đủ cả phần Tánh cảnh (hay thế giới Thực tại trung thực) và phần Đới chất cảnh (hay thế giới méo mó của thực tại biến đổi theo sự sai biệt của từng cá nhân). Thức A lại da có tác dụng chấp trì sinh mệnh và chứa đựng tất cả những hiện tượng thực chất, cũng như những ảnh hưởng biến chất không để rơi mất. Thế giới Tánh cảnh ấy do A lại da thức của nhiều chúng sinh trong cộng đồng phát hiện, trong đó có phần phát hiện chung gọi là Cộng biến, và phần phát hiện riêng gọi là Tự biến. Xã hội của loài người là một hình thức Cộng biến do Thức A lại da của tất cả cá nhân trong tập thể tác động sinh khởi, hay do hoạt động (hoặc nghiệp lực về thân khẩu ý) của các cá nhân trong xã hội đó tạo ra. Xã hội (hay môi trường sinh hoạt) là Cộng biến, còn hoàn cảnh hay số phận riêng của từng người trong tập thể, do nghiệp riêng của mình trong tập thể tạo ra là Tự biến. Trong Cộng biến có Tự biến và trong Tự biến có Cộng biến. Mỗi cá nhân trong đoàn thể tuy cùng hưởng những quyền lợi về chế độ xã hội như nhau nhưng vì mỗi người có biệt nghiệp riêng và ý chí tự do khác nhau, hành động và suy nghĩ khác nhau, nên đã tự tạo cho mình những hoàn cảnh không giống người khác, kẻ sướng, người khổ chẳng đồng đều.

* Pháp môn Duy thức là một phương pháp đi từ Tướng vào Tánh, từ Sự đến Lý, một môn học phân tích tâm lý tỉ mỉ, nói rõ sinh tử, nghiệp báo, một môn học nghiêng về suy luận và lý trí. Hiểu được học thuyết Duy thức, ta thấy rõ tầm quan trọng của việc niệm Phật cầu vãng sinh, một công việc huân sinh, huân tập bằng hình ảnh và âm thanh (phương pháp nghe nhìn) nhằm gieo những chủng tử Phật cực giác và cực lành vào A lại da thức, và tác dụng của A lại da đối với 7 thức kia, do đó mới nhận thấy rõ sự thần diệu của việc niệm Phật là thanh tịnh hoá dần dần tâm con người. Bằng phương pháp niệm danh hiệu Phật, ta ngăn chặn không cho những chủng tử hữu lậu thuận lợi cho vô minh tà kiến nẩy nở, để chúng không được hiện hành tác hại nữa, và nhường chỗ cho những chủng tử vô lậu, vị tha, từ bi hỷ xả được sinh trưởng tiếp nối. Chủng tử có thể hoặc tồn tại, biến chuyển hay tiêu diệt. Chúng hiện hành để tạo nên những chủng tử mới biến chuyển từng sát na. Bởi A lại da thức là tổng thể của mọi chủng tử, và chính A lại da thức cũng luôn luôn biến chuyển theo luật Hằng Chuyển, cho nên bằng phương pháp niệm Phật, ta có thể làm cho A lại da thức khỏi bị nhiễm ô, và trang bị cho nó những hạt giống thanh tịnh, đưa nó tới giai đoạn chỉ còn thuần những chủng tử vô cấu, có cơ hội biến hành và tham dự vào một cộng nghiệp tốt lành. Đó là nguyên lý của công phu niệm Phật cầu vãng sinh để biến đổi biệt nghiệp và cộng nghiệp, hay đạt tới Chân Tâm, Phật Tính của mình, và mong chuyển biến cõi Ta bà thành nơi Tịnh độ.

* Nghiệp có thể Thiện, Ác hoặc Vô ký và mang tính cách cá nhân hay tập thể. Cũng bởi biệt nghiệp của từng cá nhân có mối tương quan mật thiết với cộng nghiệp của xã hội, cho nên mỗi hành động, ý nghĩ, tư tưởng của cá nhân gây hậu quả cho xã hội, cũng như những quyết định của xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của cá nhân. Đóng vai trò trọng yếu cho sự tạo nghiệp là ý thức tự do của con người. Sự quán chiếu tự tâm và sự luyện tập những hình ảnh và âm thanh vào Ý thức và Mạt na thức, tạo nên những động lực có tác dụng chuyển biến tận gốc các Thức ấy trong căn để của A lại da thức, ở nơi tận cùng thâm sâu, trong Vô Thức của hành giả. Một ngày nào đó, bằng quán tưởng và niệm Phật, sự chuyển biến phát hiện, và khi ấy thì những chủng tử Phật tiềm tàng lu mờ từ lâu, dưới danh nghĩa là Tuỳ miên, bỗng trở thành rõ nét, và thành hình Phật trong sáng nơi tâm của hành giả đột nhiên bừng giác ngộ, biến đổi tâm Thức thành bốn Trí hay chuyển được A lại da thức thành Đại Viên Cảnh Trí để tự tách ra khỏi khối Cộng nghiệp luân hồi sinh tử. Sức mạnh khiến cho mặt nước Chân Như yên lặng bỗng nhiên nổi sóng gió, A lại da thức là những tác động vô thức của bản năng sinh tồn, lôi cuốn con người vào bóng tối vô minh, tạo nghiệp bất thiện. Bản năng sinh tồn ấy chính là các khuynh hướng âm thầm chấp ngã, chấp pháp, nhiễm đấy tính chất ích kỷ, mê mờ, do Mạt na thức gây ra từ khi con người mới sinh ra đời. Càng tạo nghiệp xấu bao nhiêu thì Dục vọng càng nẩy nở và ngã ái, ngã kiến, ngã chấp, ngã si… càng bành trướng hoành hành. Chống lại sức mạnh mù quáng đó là Ý chí Tự do Sáng suốt, tạo điều kiện cho những chuyển biến hướng nội, về mục tiêu Chân, Thiện, Mỹ để được giải thoát.

Trong Bát Thức Tâm Vương chỉ duy có Ý thức (thức thứ 6) là có khả năng tự do hoạt động, không bị nghiệp lực ràng buộc. Trái lại, nó còn có thể hoán cải được nghiệp nữa. Tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu mà phạm vi hoạt động của ý thức hay ý chí tự do rộng hẹp khác nhau. Người mang nghiệp quá nặng nề xấu xa, sống trong một cộng nghiệp (môi trường) có nhiều nghịch cảnh, lại phải mang một tấm thân đần độn, ngu si, bị vô minh bịt kín ánh sáng chân lý do đó cũng ít có ý chí tự do. Ý chí tự do này tác động trên biệt nghiệp dễ hơn trên cộng nghiệp. Trên đường dẫn tới giải thoát, càng lên cao bao nhiêu, con người lại càng thoát ly được những cộng nghiệp xấu xa, hạn chế bớt ý chí tự do, và càng tiến đến những môi trường (cộng nghiệp) được hưởng một chế độ tự do rộng rãi hơn thì ý chí tự do được phát triển dễ dàng hơn. Sống trong cộng nghiệp con người không thể thay đổi được những định luật của thế giới cộng nghiệp, tuy nhiên vẫn có thể dùng những phương tiện thích nghi để tăng trưởng thiện nghiệp, tiêu trừ ác nghiệp riêng, do đó mà tuy cùng sống chung trong một nghịch cảnh nhưng nếu biết tu Tịnh nghiệp thì ít bị chi phối bởi môi trường chung mà vẫn được hưởng quả báo của một biệt nghiệp tốt lành hơn, so với những người cùng cảnh ngộ.

* Trên lập trường Tứ Đế thì Khổ Đế và Tập Đế liên quan đến bản năng sinh tồn mù quáng và bị luật nhân quả trói buộc chặt chẽ, còn Diệt Đế và Đạo Đế thì liên quan đến ý chí tự do sáng suốt và vấn đề tu dưỡng là để đối phó với luật nhân quả thiên nhiên khắc nghiệt, bằng cách chuyển nghiệp thành Nguyện, cố gắng gây thiện nghiệp để cải tiến sinh mệnh ngay ở kiếp này. Chính vì lẽ đó mà Phật khuyên chúng sinh nên nỗ lực thoát ly bản năng sinh tồn của tiên thiên mù quáng mà thực hiện cho được Ý chí tự do của Ý thức hậu thiên sáng suốt bằng tu đạo. Giữa hai nẻo thiện ác, con người có toàn quyền lựa chọn. Trên bước đường thăng hoa từ Cộng nghiệp với chúng sinh tiến tới Cộng nghiệp với Thánh hiền, từ Thức phân biệt nhiễm ô chuyển thành Tâm vô phân biệt thanh tịnh, từ tham lam ích kỷ, si mê tiến đến thấu triệt lý Vô ngã, Vô thường, hiểu rõ thực tướng “Không” bất biến của vũ trụ nhân sinh, tự do ý chí hay khí chất hậu thiên của con người càng ngày càng phát triển để chống lại khuynh hướng vị kỷ, và phân biệt bất bình đẳng, chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của bản năng sinh tồn, hay của khí chất tiên thiên mù quáng. Tự do ý chí vừa là mục tiêu, vừa là công cụ. Là mục tiêu vì trước sau con người cũng phải tìm cách thoát ly đau khổ để được giải thoát, vì nếu không có tự do ý chí thì con người sẽ không tự lựa chọn được giữa hai nẻo Thiện Ác, và không thực sự đóng góp được vào công cuộc tiến hoá chung. Không thể cải thiện được nội tâm một cách sâu sắc. Không thể tự giác, tự độ, giác tha, độ tha, giác hạnh viên mãn. Tất cả sự chuyển biến đó đều do công phu của Ý thức của con người vẫn được hướng về nẻo Thiện bằng phương pháp Thiền định hoặc Niệm Phật để Ý thức được chuyển thành Tuệ giác hay Diệu quan sát trí, cùng với Mạt na thức được chuyển thành Bình đẳng tánh trí, đó là điều kiện thiết yếu để phá Ngã và Pháp chấp và trở về với Chân Tâm bình đẳng, vô phân biệt của mình hay được vãng sinh Tịnh độ, tức là được sống trong Cộng nghiệp tốt đẹp của thế giới Cực lạc Tây phương trong đó chỉ có toàn những vị Bồ tát thuần thiện, thuần lương.

Thoạt nhìn bề ngoài chúng ta không khỏi có cảm tưởng cho phương pháp niệm Phật và quán tưởng Phật đượm mầu sắc dị đoan, thần bí, nhưng nhìn kỹ, xét sâu ta thấy phương pháp này hợp với lý Y tha khởi và Viên thành thực tính của Duy Thức học. Bởi vì tâm niệm Phật là nhân lành, nguyện lực của Phật a Di Đà và nỗ lực niệm Phật của người tu là Tăng thượng duyên, cảnh giới Cực lạc hay tâm chân như thanh tịnh là quả. Đó là thế giới mà chúng ta góp phần xây dựng tạo thành. Nhân sao quả vậy. Không có Chính báo và Y báo nào tốt đẹp bằng Chính báo và Y báo ở cõi Tây phương Tịnh độ của Phật A Di Đà mà Phật tử hàng ngày thường quán tưởng và mong cầu về đó. Khi dùng phương pháp quán niệm thì hành giả thanh tịnh hoá được ba căn thân, khẩu, ý và dùng Sự để hiển Lý, tiến tới Lý Sự viên dung, hay tâm cảnh nhất như Bất Nhị. Bởi vì A lại da thức và những chủng tử nằm trong đó đều có năng lực phát sinh ra các hiện tượng tâm lý và vật lý, và chủng tử lại là nguồn gốc của mọi hiện hành theo luật nhân quả cho nên khi niệm Phật thì hành giả gieo vào tạng thức của mình những hạt giống Phật, được huân sinh huân trưởng tại đó, để đợi thời cơ thuận tiện phát khởi. Mỗi chúng sinh có một A lại da thức riêng nằm trong khối A lại da thức chung của toàn thể. Không có một A lại da thức nào tồn tại độc lập và biệt lập cả. A lại da thức nào hiện hữu là nhờ sự có mặt của A lại da thức kia, trong mối tương quan, tương duyên trùng điệp chỉ khi nào A lại da thức của một cá nhân trở thành vô cấu, do công phu tinh luyện lâu ngày để trở thành thật trong sạch, thì mới tách rời khỏi khối A lại da thức chung của cộng đồng chưa giác ngộ để nhập vào bản thể sáng suốt thanh tịnh của vũ trụ, hay nhập vào bản thể Chân Như Pháp giới. Nói khác đi, thì chừng nào công phu tu luyện niệm Phật của hành giả đã chín mùi thì người đó nhập vào Pháp giới tính, hay thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà và được chung sống trong Cộng nghiệp tốt lành của các bậc Hiền, Thánh. Trái lại, nếu công phu niệm Phật còn non thì các chủng tử Phật của người đó gieo mà chưa đủ điều kiện để hiện hành, sẽ rơi vào khối A lại da thức chung, trong đó có đủ thứ chủng tử thiện lẫn ác và tiềm phục tại đây. Tuy còn ở trong trạng thái chủng tử chưa hiện hành nhưng tất cả những chủng tử này vẫn tiếp tục chuyển biến không ngừng dưới hình thức được nhận định là bản thân của Cộng nghiệp.

Duy Thức học chủ trương rằng: sinh mệnh và môi trường đó chúng sinh hoạt động (hay Chính báo và Y báo) do cả hai loại A lại da thức riêng của cá nhân, và của chung toàn thể cộng đồng tạo thành. Đó là thuyết Cộng biến và Tự biến, hoàn cảnh sinh sống của cá nhân là Tự biến, và hoạt động của cộng đồng là Cộng biến. Then chốt của sự tạo thành một thế giới chính là nghiệp lực hay nghiệp cảm Duyên khởi. Thấu hiểu được tác dụng của Cộng biến và Tự biến của dị thục, ta mới thấy sự kiến tạo thế giới Cực lạc cũng như sự tạo lập một cõi Bồng lai hay Tịnh độ nơi hạ giới này là hợp lý, nhờ đó mà phá tan được mọi nghi ngờ về “nan tín chi pháp”. Vũ trụ quan của Phật giáo dựa trên thuyết “Duyên sinh Cộng nghiệp” hay “Trùng trung duyên khởi” ở vào thế động, rất phù hợp với tư tưởng tiến bộ và quyền bình đẳng, tự do của con người, không phân biệt mầu da sắc tộc, có thể dùng làm nền tảng để thực hiện lý tưởng hoà bình và đại đoàn kết của nhân loại trên toàn hành tinh này. Trên một quy mô nhỏ hẹp hơn thì một quốc gia lấy tín ngưỡng vũ trụ quan Duyên sinh cộng nghiệp làm điểm tựa, có thể đạt được một sự đoàn kết quốc gia sâu rộng giữa toàn dân trong nước, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo và có thể tạo lập được một nền văn minh nhân bản, hướng thiện, làm cho xã hội đó sớm trở nên hùng tráng, ấm no, hạnh phúc, bởi vì theo lý Duy Thức thì các hiện tượng sinh diệt từng sát na, hiện hành trở về chủng tử, chủng tử trở thành hiện hành, nương nhau mà huân sinh, huân trưởng, biến đổi theo luật tương quan, tương duyên, cho nên việc niệm Phật thường xuyên là cố để cho những mầm giống Phật hiện hành trong tâm của hành giả. Niệm Phật mà đạt tới điểm cao nhất, tới giai đoạn nhất tâm bất loạn thì quả Phật sẽ thành. Do đó mà khi ta thấu hiểu được lý nhân quả hay lý Y tha khởi của Duy Thức, ta không còn dám coi thường việc niệm Phật cầu vãng sinh và sẽ nhận thấy pháp môn Tịnh độ thật là tuyệt diệu.

* Tịnh độ tông gần với Duy thức tông bởi vì cả hai tông này đều cùng chủ trương tùng Tướng nhập Tánh. Tịnh độ tông dùng phương pháp niệm Phật để đi tới “Niệm – Vô niệm, Vô niệm – Niệm” mà ngộ được Chân Tâm, tức là gián tiếp đạt đạo quả bằng cách gieo mãi chủng tử Phật vào tiềm thức của hành giả, cũng như Duy Thức tông phải dùng Thức để truyền Thức, mượn ngôn ngữ hình danh để truyền đạo mà nhập vào Duy Thức tính, như vẽ hình con chim trên giấy tờ để lưu bóng con chim đang bay. Không như Thiền tông dùng Tâm truyền Tâm để ngộ đạo một cách trực tiếp, chỉ thẳng vào Tâm để trực ngộ Chân Tâm, không phải nhờ trung gian bất cứ một sự vật gì cả, cũng như chỉ thẳng vào con chim đang bay trên hư không mà chẳng phải mượn bút vẽ để lưu bóng con chim trên tờ giấy. Phương pháp của Duy thức là phân tích vạn vật thành 100 pháp để nhận thấy rõ vạn vật đều là nhân duyên giả sinh giả hợp, không có thực thể cố định. Đây là tướng Không, và khi đã đi tới chỗ rốt ráo thì cúng tới Chân Không, đồng một Thể tính với Tính Không của Thiền vậy. Cũng như người tu Tịnh nghiệp mà được vãng sinh Tịnh độ là được về nơi để luyện cho tâm trở về với Chân Như Pháp giới, kết quả không khác gì nhau. Tuy trên nguyên tắc Thiền tuyên bố bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, nhưng trên thực tế Thiền vẫn phải dùng ngôn ngữ, văn tự làm phương tiện để khai tâm, dẫn đến chỗ ngộ nhập Thực tại vô ngôn, vô niệm. Du chưa nhờ Duy thức mà được chứng ngộ, nhưng người học Duy thức ngày nay có thể dùng sở học của mình về môn học này để làm cơ sở cho một đức tin vững vàng và lành mạnh để thực hành pháp môn Tịnh độ, và như vậy thì việc niệm Phật A Di Đà trở thành phần thực hành, còn phần lý thuyết lại do pháp môn Duy Thức soi sáng. Bởi vậy một học giả đã nói một câu rất có lý: “Học Phật ngày nay nên nghiên cứu về pháp môn Duy Thức vì nó phù hợp với khoa học thực nghiệm đương thời, còn phần thực hành thì nên theo pháp môn Tịnh độ”.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chương 10: Nhận Định Về Mối Liên Hệ Giữa Tịnh Độ Tông, Thiền Tông Và Duy Thức Tông

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Đại Sư Thang Hương Danh | Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm, Việt Dịch
2.    Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát | Cố Giáo Sư Cao Hữu Đính, Việt Dịch
3.    Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ
5.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Đại Trí Độ Luận Tập 1, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
7.    Đại Trí Độ Luận Tập 2, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
8.    Đại Trí Độ Luận Tập 3, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
9.    Đại Trí Độ Luận Tập 5, Đời Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập | Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Việt Dịch
10.    Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Chu An Sĩ | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
11.    Lá Thư Tịnh Độ, Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch
12.    Luận Bảo Vương Tam Muội, Đại Sư Phi Tích | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch
13.    Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Đại Sư Diệu Hiệp | Cư Sĩ Minh Chánh, Việt Dịch
14.    Luận Đại Trượng Phu, Đề Bà La Bồ Tát | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
15.    Luận Khởi Tín Đại Thừa, Mã Minh Bồ Tát | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
16.    Luận Về Bốn Chân Lý, Pháp Sư Bà Tẩu Bạt Ma | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
17.    Luận Về Con Đường Giải Thoát, Ngài Tam Tạng Già Bà La | Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
18.    Ngộ Tánh Luận, Bồ Đề Đạt Ma | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
19.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
20.    Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển