Tu theo pháp môn Tịnh độ mà đạt tới trạng thái nhất tâm bất loạn có hai đường lối là Sự Nhất Tâm và Lý Nhất Tâm, dựa trên Sự Trì và Lý Trì danh hiệu Phật. Sự trì danh là lối niệm Phật theo hình tướng bề ngoài, đại diện cho Hiển giáo và Thế tục đế. Lý trì danh là lối niệm Phật theo lẽ phải và hành động có suy nghĩ kỹ lưỡng, đại diện cho Mật giáo và Chân đế hay Thắng nghĩa đế. – Sự nhất tâm thì đoạn được phiền não, phá được tư hoặc. – Lý nhất tâm thì khi niệm Phật liền thấy được Phật của mình. Tâm không tà niệm và phá được kiến hoặc. Lý như đôi mắt để coi đường cho khỏi lạc lối, sẩy chân. Sự như đôi chân để bước đi, nhưng nếu không có đôi mắt thì dễ lầm đường lạc lối và dẫm phải chông gai, hay lọt xuống hầm hố. Không có chân để đi thì cứ đứng yên một chỗ mà nhìn, không tiến tới đích được. Sự trì danh là phần hình thức của phái “Duy Danh” hay “Khẩu xưng niệm Phật” (Nominalisme) chỉ đọc danh hiệu Phật mà không cần suy tưởng điều gì lìa bỏ mọi ý thức trong lúc niệm để tâm rỗng lặng như Thiền định. Lý trì danh là phần tinh thần của phái “Duy Niệm” (Conceptualisme) hay phái Quán tưởng niệm Phật đòi hỏi hành giả phải có một ý niệm rõ rệt về Phật A Di Đà. Có triệt thấu nghĩa lý các bộ Kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ, có hiểu tường tận đức độ của Phật A Di Đà qua 48 lời nguyện của Ngài, có thấu rõ 10 danh hiệu Phật, có thường xuyên chiêm ngưỡng, quán tưởng cảnh Cực lạc Tây phương, mới thiết tha mong cầu về quốc độ của Ngài.
Trong các dòng Tịnh độ lưu hành tại Trung Quốc, các Tổ Tuệ Viễn và Vĩnh Minh Diên Thọ đều chủ trương Quán Niệm (thuộc phái Duy Niệm), còn Tổ Thiện Đạo cùng Đạo Xước, và sau này ở Nhật Bản (1875) có Ngài Genku Hônen, vị Thuỷ tổ của Tịnh độ Chân tông đều chủ trương Duy Danh hay Khẩu Xứng Niệm Phật. Các đệ tử của Ngài Hônen là Shiran Shonin và Khuya Shonin (Không Giả Thượng Nhân) cùng Ippen Shonin (Nhất Biến Thượng Nhân) đều chủ trương đặt hết niềm tin vào Tâm thành. Các vị này cho rằng: Tuy nói là pháp môn Tịnh độ dễ tu, dễ chứng, nhưng cái dễ này chỉ là tương đối với pháp môn Thiền định mà thôi, chứ không phải đến mức độ chỉ tu lấy lệ cũng đạt tới kết quả mong muốn. Bởi vậy, người niệm Phật phải có tâm thành và một lòng tin sắt đá vào việc niệm Phật cầu vãng sinh. Thành Tín đủ để thay thế cho Trí Đức. Chỉ cần niệm Phật cho chuyên vì người dù ngu đần, dốt nát và kém đức đến đâu, nếu Tin sâu, Nguyện thiết và Hành trì tinh tiến đều được Phật A Di Đà tiếp độ. Tỷ như người xưa cọ gỗ lấy lửa, dùng một đoạn dây cọ mài vào một khúc gỗ khô, cọ đều tay không gián đoạn, một lúc sau lửa sẽ bật ra.
Có người hỏi Ippen Shonin cách niệm Phật phải như sao, Ngài nói: “Chỉ cần tâm chí thiết, chí thành, xả ly ý niệm, thọ cảm, ký ức, ngữ, pháp là đủ”. Nói rõ thêm thì Sự trì danh là lối niệm Phật không cần hiểu rõ về Lý, chỉ đặt trọn niềm tin vào Phật Thích Ca và Phật A Di Đà, mong cầu tha thiết được về cõi Cực lạc Tây phương, vì tin chắc có nơi này khác hẳn Ta bà đầy khổ cực. Đó là lối niệm Phật của phái theo pháp môn Tịnh độ thuần tuý.
Lý trì danh thuộc về Pháp tính là lối niệm Phật mà hiểu rằng có là phương tiện thần diệu để thanh tịnh tâm mình bằng hình ảnh với cách quán tưởng hình tượng Phật và cảnh Cực lạc Tây phương, và bằng âm thanh với cách niệm hồng danh Phật A Di Đà, cốt định tâm vào những tư tưởng lành mạnh để phát sinh Tuệ giác, diệt trừ vọng tâm điên đảo, đạt tới Chân Tâm, tức thành Phật.
Tóm lại, Sự trì danh là lối tu của người chưa hiểu được lý niệm Phật là diệu pháp để nhiếp vọng về Chân. Đó là lối tu của người còn mang tâm phân biệt, tin chắc cõi Tây phương Cực lạc ở ngoài cõi Ta bà, thành tâm cầu nguyện Phật A Di Đà tiếp độ để được về nơi an dưỡng, hưởng hạnh phúc đời đời. Còn Lý trì danh là lối niệm Phật của những ai, cũng thực hành như người tu theo Sự trì danh, nhưng lại hiểu rằng cảnh Cực lạc Tây phương và Phật A Di Đà đều ở trong tâm của người niệm, và do công phu thanh tịnh của Chân Tâm người hành giả hiển bày. Người theo Lý trì danh tin rằng: Phật A Di Đà do tâm mình tạo ra, tâm mình đã sẵn có mầm Phật, lại lấy sáu chữ hồng danh tạo ra cảnh Tây phương Cực lạc, buộc tâm mình vào đó. Khiến nó không thể quên được cảnh Cực lạc và Đức Phật của Từ Tâm. Như vậy thì người theo Sự trì danh hãy còn chấp vào tướng Năng Sở đối đãi, còn thấy Phật A Di Đà và cảnh Cực lạc ở ngoài tâm, tâm và Phật chưa dung thông, dung nhiếp với nhau. Về phần người theo Lý trì danh thì đã tuyệt được tướng Năng Sở và hiểu rõ: Niệm Phật là niệm Tâm dung hòa được Tâm lẫn Cảnh, bản thể và hiện tượng. Theo Lý trì danh thì Phật A Di Đà đã sẵn có trong tâm mình, bởi lẽ: “Nhất thiết duy Tâm tạo”. Đây là lối niệm Phật của phái Thiền Tịnh song tu. Thực ra thì người tu tịnh nghiệp mà đạt được kết quả như ý muốn, dù chấp Sự hay chấp Lý cũng mặc nhiên viên dung được Sự Lý trong khi hành trì, bởi vì người chấp Lý chủ trương dùng lối niệm Phật và quán tưởng Phật để ngộ nhập Tự tính Di Đà, phải dùng đến Sự (niệm Phật cho chuyên) mới đạt được Lý. Còn người chấp sự nhất tâm cầu vãng sinh, ngoài ra không còn biết gì khác nữa, nhờ đó mà tâm trở nên Định và sinh Tuệ, rồi ngộ được Lý trì danh. Vậy suy đến cùng thì những ai tu tịnh nghiệp mà đạt được kết quả, đã vô hình chung kết hợp được Sự Lý một cách hài hoà, tới mức độ Sự tức Lý, Lý tức Sự viên dung vô ngại. Có điều là sự kết hợp ấy, hành giả ý thức được việc làm của mình nhờ trình độ am hiểu Phật pháp, còn có người lại thực hành một cách máy móc mà chẳng hiểu gì cả. Thông thường, theo tâm lý của người trì danh hiệu Phật cầu vãng sinh, thì lúc đầu tưởng nhớ tới Phật A Di Đà, sau đó niệm hồng danh của Ngài. Cũng như ở mọi động tác có ý thức, sau đó hình thức lại quy định nội dung, tác động đó hỗ tương qua lại. Trong trường hợp niệm Phật thì diễn trình đó hơi khác một chút. Ta có thể niệm danh hiệu Phật rồi mới tưởng nhớ tới hình ảnh cùng giới đức và những lời nguyện của Ngài. Trong lúc lập đi lập lại nhiều lần danh hiệu Phật một cách máy móc thì một lúc nào đó sẽ trỗi dậy trong ký ức của hành giả những ấn tượng về Đức Phật nằm sâu trong tiềm thức. Dù muốn hay không, hiện tượng này cũng sẽ xảy ra mỗi lúc một rõ nét hơn.
Tính và Tướng của Phật A Di Đà biến thành một thực tại đối với tâm thức của người trì danh chẳng khác nào hai người chơi đu tiên, kẻ đứng lên, người ngồi xuống, thay nhau liên tục, tạo thành một cái đà đưa cả hai người bay bổng cao vút trên không trung. Trong trường hợp trì danh hiệu Phật thì Sự là động tác của thân và khẩu, còn Lý là động tác của ý, làm thay đổi trạng thái tâm lý của hành giả. Đối với người sơ cơ thì Lý và Sự là hai sự việc hoàn toàn khác nhau, nhưng khi thành tựu được công phu niệm Phật thì tuy hai mà một, hiện tượng Sự Lý viên dung đạt được lúc hành giả hội đủ cơ duyên. Tỷ như công việc ngào bột. Lúc đầu thì bột là bột. Bột dụ cho Sự, nước dụ cho Lý. Tác dụng của bàn tay người ngào bột làm cho nước ngấm vào bột, bột hút lấy nước. Tới một điểm nào đó bột không còn là những hạt khô, rời rạc, mà nước cũng không còn là chất lỏng dễ chảy, nước với bột quyện vào nhau, cũng như Sự và Lý tương tức, tương nhập, đến khi đó thì bột và nước hợp thành một chất nhuyễn dẻo, dễ nặn thành bánh, và việc ngào bột đã thành công. Trong việc niệm Phật, lúc đầu, hành giả niệm danh hiệu Phật, nhưng tâm chưa tưởng tới Phật A Di Đà với niệm Cực lạc (tức chưa làm công việc Thiền quán, hay chưa thực hiện phương pháp Thiền Tịnh song tu). Nhưng nếu cứ nhắc đi nhắc lại mãi sáu chữ hồng danh một cách máy móc, thì tới lúc Sự trì danh hiệu Phật bắt đầu có hiệu lực, và tác dụng vào Lý trì danh. Trong tâm của hành giả lúc đó các ký ức về Phật A Di Đà bừng tức dậy mỗi lúc một đậm nét hơn trong tâm của hành giả, từ mờ ảo đến quang huy và lúc đó thì tác động máy móc của Sự trì danh bước qua giai đoạn hiểu rõ tường tận Lý trì danh. Lẽ dĩ nhiên tiến trình chuyển biến này không thể thành tựu được một sớm một chiều, mà phải trải qua nhiều biến cải liên tiếp trong nội tâm.
Trong kinh A Di Đà có câu: “Nhược nhất nhật, nhược nhị nhật… cho đến thất nhật”, ta phải hiểu chữ “nhật” ở đây theo nghĩa là giai đoạn ngắn hơn hoặc dài hơn một ngày. Sự thành tựu tiến trình hoán cải tâm linh là hiện tượng “nhất tâm bất loạn”. Đó là đạo của pháp môn Tịnh độ. Ai có đủ điều kiện Tín, Nguyện và Hành thì cho là tiến trình ấy có thật, còn những người thiếu đức tin thì cho là dị đoan, mê tín. Nhưng theo Tâm lý học thì cho đó là thói quen hay tập tục có khả năng biến đổi tâm lý con người. Đối với công việc tu hành thì ai tu nấy chứng, ai ăn nấy nó, nếu phải chỉ bày một sự việc thuộc về tâm lý, tín ngưỡng thì không thể làm được. Tuy nhiên, trên thực tế sự kiện đó xảy ra hiển nhiên bất khả tư nghị.
Tiện đây, tôi xin thuật lại câu chuyện thuộc về niệm Phật A Di Đà mà biến cải được tâm thức do Thiền Sư Bạch Ẩn, dòng Lâm Tế kể lại đã chứng minh sự kiện đó: Sư Bạch Ẩn có một người đệ tử, là con một ông già rất mực keo kiệt, chỉ quen chạy theo đồng tiền mà không biết đạo lý là gì cả. Người đệ tử ấy một hôm đến vấn kế Thiền sư để tìm cách hoán cải lòng tham vô đáy của cha mình. Sư Bạch Ẩn đề nghị: “Cứ bảo ông già ấy niệm Phật A Di Đà tối ngày hễ hôm nào niệm đủ 100 chuỗi hạt thì đến chùa ta trả cho một quan tiền, nhưng dặn kỹ là phải thành thực, cấm không được gian lận”. Mỗi ngày, cứ tối đến, Sư Bạch Ẩn lại thực hiện đúng lời đã cam kết, trả tiền sòng phẳng cho ông lão. Vì tham được lãnh thưởng, không phải làm việc cực nhọc vất vả mà lại được tiền, ông già siêng năng niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi, bất cứ lúc nào cũng niệm Phật để mong được lãnh tiền thưởng nhiều hơn. Qua một thời gian, một buổi tối Sư Bạch Ẩn không thấy bóng ông già chống gậy đến chùa để lãnh thưởng như thường lệ, hỏi ra mới biết vì mải mê niệm Phật, ông lão quên cả việc đến chùa lãnh thưởng. Vài tháng sau, ông lão tìm đến chùa, nét mặt hân hoan, rạng rỡ, hết lòng cảm tạ Thiền sư đã có công hoán cải tâm thức của mình, từ vô đạo, ích kỷ tham lam, nay đã trở nên một tín đồ thuần thành của pháp môn Tịnh độ, niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh. Khi từ giã Thiền sư ra về, ông già không quên để lại chùa một túi tiền, không rõ bao nhiêu, để cúng dường Tam Bảo.
Xét ra thì Sự và Lý trì, cả hai đường lối cùng nhắm vào một mục tiêu: một đường thì nặng về tín ngưỡng, sùng bái và nương cậy vào Tha lực, còn một đường thì nặng về mở mang trí tuệ, dùng Tự lực và pháp Thiện định để Minh Tâm Kiến Tính, cầu ở Tính mình để dứt vọng về chân. Cả hai đường lối đều đòi hỏi người tu phải quyết tâm hành đạo. Cả hai đều đưa tới Chính giác, kết quả mau hay chậm đều do căn cơ và duyên phận của từng người.
Người học đạo khi chưa dung hoà được Tính và Tướng, Lý và Sự, nghĩa là còn chấp về một phía hoặc Thể hoặc Dụng, mới dùng Tính để phá Tướng, lấy Lý để bác Sự, lấy Chân Không để bác Giả Hữu của hiện tượng giới, gây thành những cuộc tranh chấp liên miên, bởi lẽ họ đã không hiểu hay không chịu sống theo lý Bất Nhị, nên mới đưa tới tình trạng là Sự chẳng thành Chân Sự, mà Lý cũng chẳng thành Chân Lý. Thông suốt được lý Không hai thì dung hoà được mọi chấp mê để nhập vào Nhất Chân Pháp Giới của vũ trụ. Pháp hữu vi tuy huyễn nhưng nếu không dùng đến thì đạo quả khó thành. Pháp vô vi tuy Chân nhưng nếu cứ khư khư chấp lấy chữ Không thì Hữu tính mất Diệu Dụng và sẽ sống xa vời thực tế. Mê Sự thì cảm xúc nhiều sinh tâm phiền não trở ngại cho tâm Niết bàn. Mê Lý, suy nghĩ nhiều thì Sở tri chướng gây trở ngại cho tâm Bồ đề. Bỏ sự theo Lý thì đoạ vào nẻo tối của hàng Thanh văn. Lìa Lý theo Sự tất mắc vào chấp mê của hàng phàm phu. Sống ở đời là phải sống trong thực tại gồm đủ cả bản thể lẫn hiện tượng. Tính và Tướng, Lý và Sự không bao giờ được quên Chân lý Vô ngã, Vô thường, Bất Nhị và Bản thể Chân Không của vạn pháp. Tuy phải sống trong tương đối nhưng lại không quên hướng thượng, cố vươn lên đích lý tưởng tuyệt đối.
Xét chung thì cả hai đường lối, chấp Sự và chấp Lý, chấp Có và chấp Không một cách cứng rắn đều không phải là chân lý và đều là bệnh biên kiến cả, cần phải chữa cho hết bệnh chấp đó. Người thường hay mắc bệnh chấp Có, chỉ nhìn thấy vỏ ngoài của sự vật, cho mọi sự vật đều thật cả rồi đem tâm luyến ái, bám giữ không chịu rời ra, hoặc là ghét bỏ, nguyền rủa, không muốn đến gần. Hàng trí thức, duy lý lại mắc bệnh chấp Không, thương khinh chê người theo Sự tướng, bị lỗi tự mãn, tự kiêu, còn nguy hại hơn bệnh chấp Có, vì họ hay khuyên người đời nên bỏ Sự theo Lý, nhưng chính họ lại không thấy được ưu điểm của lối theo Sự tướng, chỉ chấp chặt về mặt Lý, như vậy rất có hại cho người sơ cơ, cần phải dựa vào Sự tướng và tha lực để nâng đỡ, bồi bổ đức tin bước đầu còn chưa vững chắc.
Người tu theo Sự trì danh mà có đức tin vững chắc, lúc niệm Phật không còn điều gì thắc mắc nữa. Họ chỉ biết niệm Phật không ngừng, bất cứ lúc nào, đi, đứng, nằm, ngồi ngoài ra không để tâm suy nghĩ điều gì khác. Người theo Lý trì danh, khi đã hiểu lẽ việc niệm Phật nằm trong lý Bất Nhị dốc lòng tin lời Phật dạy, còn tin ở nghị lực của mình không gì lay chuyển nổi, như vậy cũng không còn chút hoài nghi trong lòng, bởi vì mọi thắc mắc đã bị ngọn lửa tuệ giác tam muội thiêu huỷ hoàn toàn. Như vậy, cả hai bên đều có đức tin, có điều là người theo Lý thì tin một cách sáng suốt hơn người tu theo về Sự, do đó mà đức tin của họ trở thành bất thoái chuyển. Chỉ có những người theo Sự một cách mù quáng, chẳng tin ở tài sức của mình, hay người theo về Lý mà chưa giác ngộ được lý Bất Nhị mới kém đức tin mà tam mới dao động mà thôi. Theo phép tu thì mỗi người, tuỳ theo căn cơ và tính tình của mình, hoặc nặng về tình cảm hay vì ý chí sắt đá tự cường mà tự chọn lấy con đường tu hợp với hoàn cảnh của mình. Lối tu nào cũng cần phải có đủ cả Sự lẫn Lý, phối hợp Tín và Hành, không thể thiên về một bên Lý và Sự, Tri và Hành đều phải cân bằng như hai cánh chim xoè rộng mới bay được cao xa. Đức Tin là điều cốt tuỷ trong pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh Tịnh độ, thiếu niềm tin thì không mong thành tựu được điều ước mơ gì cả.
Thuở xưa, ông Vương Trọng Hối hỏi ông Vương Vô Vi: “Niệm Phật như thế nào để khỏi gián đoạn và được Nhất Tâm bất loạn?”. Ông Vương Vô Vi đáp: “Việc tu hành Phật pháp nói chung, và theo pháp môn Tịnh độ nói riêng đặt trọng tâm vào chữ Tín. Tín đứng hàng đầu trong ba môn Tín, Nguyện, Hạnh. Đã tin sâu rồi thì không còn gì nghi ngờ nữa. Nếu còn bóng dáng một chút hồ nghi, đức Tín Tâm không vững, còn bị lung lay”.
Vương Trọng Hối nghe nói hết sức vui mừng bèn cáo biệt mà về. Cách đó ít lâu, ông Vương Vô Vi mộng thấy ông Vương Trọng Hối đến tạ ơn tươi cười rằng: “Nhờ nghe được câu chỉ bảo chí tình của đạo hữu mà nay tôi đã được vãng sinh Tịnh độ Tây phương rồi”. Đủ tỏ chữ Tin thực đáng giá ngàn vàng. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ tát, thì tâm con người có hai phần là Tính và Tướng hay Chân Như môn và Sinh diệt môn. Nhưng Tính tức Tướng, Lý tức Sự, Bản thể tức Hiện tượng, Cực lạc tức Ta bà, cũng ví như nước biển, không thể bảo phần nào là nước trong lòng biển khởi bất động và phần nào là sóng trên mặt biển nhấp nhô, bởi chấp như thế là vô lý, không thể tách rời nước ra khỏi sóng, và sóng ra khỏi nước được, vì Sóng là Nước, Nước là Sóng, Tâm là Cảnh, Lý là Sự, Tinh thần là Vật chất v.v… Bỏ Lý thì chẳng vững, mà lìa Tướng thì tính không thành. Lý và Sự cũng như đạo và khoa học, đạo và đời, tuyệt đối và tương đối, chẳng thể rời nhau nửa bước, mà phải nương nhau để cùng tồn tại. Nhờ Sự tướng bên ngoài mới có phần Lý tính bên trong. Có phần Lý tính bên trong mới thấu rõ được phần Sự tướng ở ngoài. Hành động theo Sự tướng mà thiếu suy xét thì dễ lạc vào tà đạo. Trái lại, nếu theo Lý bỏ sự thì tâm khô cằn và dễ rơi vào hố Hư vô chủ nghĩa cho nên kinh Phật mới dạy:
Thật tế địa bất thụ nhất trần
Phật sự muôn trung, bất xả nhất pháp
(Trong tâm thanh tịnh (thuộc về Lý) thì không còn một mảy bụi, nhưng về Sự tướng, muốn đạt tới trạng thái thanh tịnh thì người tu chẳng thể bỏ qua một pháp nhỏ mà không hành đến nơi đến chốn), nhưng hành đến đâu lại xả đến đấy, Tâm không trụ vào pháp nào cả. Phật dạy: “Phải thấy tính Không của pháp Hữu vi mới mong được giải thoát”. Muốn thấy tính Không của các pháp thì phải xả bỏ Ngã và Ngã Sở, bởi đó là nguồn gốc của các tướng sinh diệt Có, Không. Phải phá chấp mê về Ngã vật lý, rồi đến chấp mê về Ngã tâm lý xã hội. Cao hơn bậc nữa, Phật dạy: “Phải thoát khỏi cả các sinh diệt của các pháp không được giữ lại một chút sở đắc nào cả”. Phải xa lìa tư duy, ý niệm để Tâm rỗng lặng, không còn bóng dáng của các pháp tương đối nữa. Lúc ấy thì tâm sẽ sạch làu làu sáng rực rỡ, nhẹ lâng lâng, và Chân Tâm, Phật tính của ta sẽ hiển lộ.
Trên mặt bản thể vô sai biệt và vô phân biệt thì Lý và Sự, Tâm và Vật, Không và Sắc đều quyện vào nhau, tương tức tương nhập như sữa vào nước, không thể tách rời Lý ra khỏi Sự và Sự ra khỏi Lý được.
Trên đường tu thì Lý và Sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp đỡ nhau cùng tồn tại. Có Lý thì hành động mới có chủ trương cân nhắc. Có Sự mới có phương tiện để thực hiện những điều đã suy luận và chứng minh được những gì đã lý giải. Có Lý mà không có Sự như người có kế hoạch, bản đồ trong tay mà không chịu thực hiện kế hoạch đã dự liệu. Có Sự mà thiếu Lý như kẻ hành động không có chủ đích, kỷ cương, muốn đi mà chẳng biết đường lối, thiếu người dẫn đường lộ trình mờ mịt, chẳng biết cách tiến thoái, dễ rơi vào cạm bẫy, hầm hố. Phải có đủ cả Lý lẫn Sự, như người thông suốt đường lối, lại hăng hai cất bước đăng trình, với cặp mắt sáng suốt và đối chân cứng cáp, lòng tinh tiến, nhẫn nại, mới mong đạt tới đích. Tuy nhiên, trong pháp môn Tịnh độ dù thiếu về phần Lý, song chịu khó nghe theo lời khuyên bảo của những người đi trước mà cố gắng thực hành thì cũng có ngày thành công. Những bộ kinh luận và lời khuyên của hàng thiện tri thức là những bó đuốc soi đường cho những người tu tịnh nghiệp thời nay nên theo đó mà thực hành sẽ đạt được kết quả mong muốn. Cho nên có Sự mà thiếu Lý chẳng đáng quan tâm, chỉ e đã hiểu lý rành rẽ mà lại chẳng chịu thực hành, ưa nói suông, lý luận hão mất thời giờ dành cho việc niệm Phật cầu vãng sinh, tới phút lâm chung thần chết hiện đến, hồn phách hôn mê, tất sẽ bị lạc vào vòng luân hồi khó thoát. Bởi vì Phật pháp chỉ độ kẻ dốt nát nhưng thành tâm có chí nguyện vững vàng mà không thể độ cho những kẻ thế trí biện thông, đức tin không vững lại kém hành trì. Những người nói năng lưu loát, hiểu rõ Tam tạng kinh điển mà chẳng chịu khó niệm Phật có khác gì người đói đứng ngắm bức vẽ một mâm cơm thịnh soạn, hoặc người túng thiếu mà đếm tiền cho thiên hạ tiêu, sao bằng được lão bà ngồi xó bếp, không biết chữ, song niệm Phật suốt đêm ngày lúc nhắm mắt lìa trần mà giữ được tâm không tán loạn, ý không tham luyến, hết lòng cầu Phật gia hộ để được vãng sanh, tất sẽ được Phật A Di Đà và Thánh chúng phóng quang tiếp dẫn về nơi Cực lạc, nào đã kém ai?
* Hiểu Phật A Di Đà là Chân Tâm, Tự Tính của mình theo nghĩa bóng mà niệm Phật theo Lý trì danh, hay tin có Phật A Di Đà bằng thịt bằng xương đang cai quản cõi Tịnh độ Tây phương theo nghĩa đen, rồi nhất tâm niệm Phật theo Sự trì danh, cả hai đường lối đều lợi ích cả, vậy ta chớ nên có thái độ bên trọng bên khinh.
* Một điểm nghi vấn cần được nêu lên ở đây và cần phải làm cho sáng tỏ là: nếu tu theo Sự trì danh mà cũng đạt được Chân Tâm thực tánh thì cần gì phải hiểu rõ về Lý niệm Phật cho thêm phiền phức? Cần gì phải thắc mắc để có hại đến đức tin?
Xin thưa: Đành rằng người tu chỉ cần niệm Phật cho chuyên cũng đủ, chẳng cần phải hiểu rõ về Lý niệm Phật cũng đạt được tới đích là thanh tịnh tâm mình, nhưng trên thực tế, người tu mà không hướng về nội tâm, lại quen chạy theo ngoại cảnh thì khó buộc được tâm viên, ý mã của mình. Tâm đã bị lôi cuốn theo hình tướng bề ngoài thì làm sao định được? Làm sao niệm Phật được với “Nhất tâm bất loạn?” Nhược bằng niệm Phật theo Sự trì danh không vọng niệm mà chỉ có chính niệm, hay “Nhất tâm bất loạn”, “Nhất tâm tam muội”, thì tâm sẽ định và kết quả đạt được như người theo Lý trì danh không khác. Điểm quan trọng là liệu có buộc được tâm ý mình hay không? Nếu bằng đướng lối Sự trì, chỉ chuyên niệm Phật mà không nghĩ tới điều gì khác ngoài việc niệm Phật thì tâm luôn luôn ở trong chính niệm, hoặc ở trạng thái “nhất tâm bất loạn” sẽ đạt được kết quả như bên Thiền tông nhìn thẳng vào tâm mình để “Minh Tâm Kiến Tính thành Phật”. Để dung hoà hai quan điểm Lý và Sự trì danh hiệu Phật và để nhận định một cách sáng suốt Sự và Lý trì danh, mong đạt tới Tâm Cảnh nhất như, Lý Sự viên dung hay Tri Hành hợp nhất, một Thiền sư trong Thiền Tịnh đạo tràng có để lại bài thơ dưới đây để nêu rõ lập trường của mình:
Mỗi viên tràng hạt, Phật là Tâm
Phật rõ là tâm, luống phải tầm?
Bể Phật dung hoà tâm lẫn cảnh,
Trời tâm bình đẳng Phật cùng sinh.
Bỏ tâm theo Phật còn mê muội,
Chấp Phật là tâm chẳng trọn lành.
Tâm Phật nguyên lai đều giả huyễn,
Phát tâm đồng diệt mới viên thành.