Chí tâm niệm Phật là hạnh lành nơi ý nghiệp. Xưng danh hiệu Phật là hạnh lành nơi khẩu nghiệp. Chắp tay lễ Phật là hạnh lành nơi thân nghiệp. Do ba thiện nghiệp hạnh ấy có thể diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Hạnh, nguyện hỗ trợ nhau, liền được vãng sanh.
[Về chuyện] niệm Phật trong thất tối, tuy không có Thánh Giáo [để làm căn cứ], nhưng người mới học nên dùng nhà tối để dứt tuyệt các sự thấy, nghe, tâm bỏ các duyên, chuyên nhất niệm Phật, dễ đắc tam-muội. Như trong lúc đang ở trong thất niệm Phật mà có chút tia sáng chiếu vào thất tối ấy thì tâm liền duyên theo đó, tư duy sẽ ào ạt nổi lên. Nếu như dứt tuyệt ánh sáng đó, sẽ nhất tâm bất loạn. Kẻ học phải biết điều này, chớ bỏ phí pháp ấy. Do vì hạng sơ học tâm rong ruổi ngũ dục, vin nắm sáu trần; nếu chẳng ép mình vào trong thất tối, sẽ không có cách nào thành tam-muội được! Sau khi học thành tựu rồi, hãy tùy ý mà dùng, chẳng phân biệt là tối hay sáng, thường thấy được Phật, nào còn phải nhọc sức thực hành niệm Phật trong nhà tối!
Quán Kinh dạy: “Kẻ đó bị sự khổ bức bách, chẳng rảnh rỗi để niệm Phật, thiện hữu dạy xưng niệm A Di Ðà Phật. Chí tâm như thế, khiến cho tiếng niệm chẳng dứt”. Há chẳng phải là bị khổ não bức bách nên niệm tưởng khó thành ư? Còn “tiếng niệm chẳng dứt” thì cứ hễ chí tâm thì liền làm được. Nay học Niệm Phật Ðịnh, niệm ra tiếng thì cũng giống như thế: Khiến cho tiếng niệm chẳng dứt sẽ đắc tam-muội, thấy Phật và thánh chúng thường ở trước mặt. Vì thế, kinh Ðại Tập dạy: “Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Ðại niệm là xưng Phật hiệu lớn tiếng. Tiểu niệm là niệm Phật hiệu nhỏ tiếng. Kẻ học ngày nay chỉ cần lớn tiếng niệm Phật thì tam -muội dễ thành. Niệm Phật hiệu nhỏ tiếng thì hay tán loạn. Ðấy là điều kẻ học tự biết, người ngoài không thể hiểu được!
Nhận định:
“Muốn biết đường dưới núi, hãy hỏi khách vãng lai”. Ðại Sư tinh tấn ba năm, chứng Niệm Phật tam-muội. Chuyện lớn tiếng niệm Phật trong nhà tối thì tam-muội dễ thành là kinh nghiệm sở đắc của Ngài, thật đáng dẫn chứng, xin hãy làm thử xem!