Trong kiếp lâu xa về đời quá khứ, Ðịnh Quang Như Lai xuất thế, lần lượt đến đức Phật thứ năm mươi ba tên là Thế Tự Tại Vương. Lúc bấy giờ có quốc vương nghe đức Phật thuyết pháp, tấm lòng vui sướng, bèn bỏ nước xuất gia, hiệu là tỳ-kheo Pháp Tạng. Phật vì ông ta giảng rộng hai trăm mười ức cõi Phật: trời, người thiện hay ác; quốc độ thô hay diệu. Nghe xong, ông ta đều thấy rõ, nên phát đại thệ nguyện:
- Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi tôi, dẫu chỉ mười niệm mà nếu chẳng được sanh thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác; chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp.
Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh phát Bồ Ðề tâm, tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sanh về cõi tôi. Lúc người ấy hết tuổi thọ, nếu như tôi chẳng cùng đại chúng vây quanh hiện ra trước người ấy thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác.
Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, hệ niệm cõi tôi, trồng các cội lành, chí tâm hồi hướng muốn sanh về cõi tôi, mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng giữ lấy ngôi Chánh Giác...
Phát ra bốn mươi tám nguyện như thế xong, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi Phật, an lập chúng sanh, trụ trong đạo Vô Thượng Chánh Chân. Nay Ngài đã thành Phật, hiện đang ở thế giới Cực Lạc bên Tây Phương, hiệu là Vô Lượng Thọ Phật.
Chúng sanh trong các cõi nghe đến danh hiệu Ngài, tín tâm hoan hỷ, thậm chí một niệm chí tâm hồi hướng nguyện sanh về cõi ấy, liền được vãng sanh, trụ Bất Thoái Chuyển.
Chư thiên, nhân dân trong mười phương thế giới, những ai chí tâm nguyện sanh về cõi ấy thì nói chung là có ba bậc:
a. Bậc thượng là hạng bỏ nhà, buông dục để làm Sa Môn, phát Bồ Ðề tâm, một lòng chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, tu các công đức nguyện sanh về cõi ấy. Hạng chúng sanh này lúc tuổi thọ sắp hết, Vô Lượng Thọ Phật và các đại chúng hiện ra trước mặt, liền theo đức Phật sanh về cõi Ngài, tự nhiên hóa sanh trong hoa bảy báu, trụ Bất Thoái Chuyển, trí huệ dũng mãnh, thần thông tự tại.
b. Bậc trung là hạng tuy chẳng thể làm Sa Môn, nhưng tu các công đức lớn lao, phải phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, một dạ chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật, tu thiện ít nhiều, phụng trì trai giới, dựng tháp tạo tượng, đãi cơm Sa Môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương. Ðem những điều ấy hồi hướng nguyện sanh về cõi ấy thì người ấy lúc lâm chung, Vô Lượng Thọ Phật hóa hiện thân mình, quang minh, tướng hảo đầy đủ như đức Phật thật, cùng các đại chúng hiện ra trước người ấy. Người ấy liền theo hóa Phật sanh về cõi kia, trụ Bất Thoái Chuyển; công đức và trí huệ kém hơn bậc thượng.
c. Bậc hạ là hạng giả sử chẳng thể làm các công đức, nhưng nên phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, một bề chuyên niệm, thậm chí thập niệm, niệm Vô Lượng Thọ Phật nguyện sanh về cõi kia. Nếu nghe pháp sâu xa, sẽ hoan hỷ tin ưa, chẳng sanh ngờ vực; thậm chí một niệm niệm đức Phật ấy, dùng tâm chí thành nguyện sanh cõi kia. Người ấy lâm chung, mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức và trí huệ kém hơn bậc trung.
Trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết. Do lòng từ mẫn, ta riêng lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này, tùy theo sở nguyện, đều được độ thoát.
Nhận định:
Kinh này giảng rộng về hạnh nguyện của A Di Ðà Phật khi Ngài còn đang tu nhân, y báo, chánh báo trang nghiêm và ba bậc vãng sanh đều lấy sự chuyên niệm làm Chánh Hạnh. Cuối kinh, đức Phật dạy trong tương lai khi các kinh diệt hết, chỉ còn riêng kinh này tồn tại trăm năm.
Kinh Ðại Tập chép: “Qua khỏi thời gian đó, kinh Vô Lượng Thọ cũng mất, Phật Pháp hoàn toàn biến mất. Chỉ trừ bốn chữ A Di Ðà Phật rộng độ quần sanh”. Há chẳng phải là pháp môn Trì Danh hạ thủ rất dễ, mà lại nhiếp khắp các căn cơ, nhập đạo ổn thỏa mà hiệu quả mau chóng hay chăng? Ðủ chứng tỏ rằng càng về sau, pháp này càng khế hợp căn cơ vậy!