Niệm Phật chánh yếu là phải rèn luyện ở chỗ ồn ào: Chẳng nệ là đi, đứng, nằm, ngồi, trong chốn hỗn tạp nếu giữ được nhất tâm bất loạn thì tiếng nhỏ sẽ thắng tiếng lớn, như thường nói: Tâm tịnh thì cõi nước tịnh vậy. Tuy suốt ngày bận rộn nhưng lẽ nào chẳng có một khắc nhàn hạ? Sao chẳng nhân giây phút uống trà, tâm đừng rong ruổi theo bên ngoài để niệm Phật. Kẻ lao tâm có thể dùng cơ hội này để dưỡng tâm, kẻ lao lực cũng có thể nhờ đó để lại sức. Làm vậy chỉ có lợi chẳng tổn hại, có gì hơn được cách này nữa?
Hãy nên gấp khởi tâm chân thật, thiết tha, ra sức dũng mãnh, việc đời bỏ được việc gì liền bỏ ngay; nhân mạng chẳng thường còn, chớ có lưu luyến để rồi tự bị lầm lạc. Dù có việc mình chẳng thể buông bỏ được, nhưng đâu trở ngại mình niệm Phật; giống như lòng còn mang nặng chuyện khẩn thiết, tuy phải lo liệu việc khác, tâm quên nổi chăng? Nếu có thể niệm Phật như thế, sẽ tự chẳng có tạp niệm, cũng chẳng đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh!
Dù đã có lòng chân thật, thiết tha, nhưng do xưa kia tội nghiệp sâu nặng nên bị ma nhiễu loạn. Nội ma là tâm có lúc tỉnh, lúc mê, và hết thảy tham, sân, si, ái. Tâm này vừa mới lìa xong, tâm kia lại khởi lên. Ngoại ma là cảnh ngộ truân chiên, các thứ chướng duyên bức bách thân tâm chẳng thể an ổn. Hãy nên đối trước Phật phát nguyện, siêng cầu sám hối, phải buộc chặt ý niệm nơi tâm niệm Phật, chẳng để ma làm mình thoái thất. Mặc kệ các thứ chướng duyên, một câu Phật hiệu trọn chẳng rời tâm. Sức ma tuy mạnh, nhưng cậy vào vạn đức hồng danh này để đối phó. Chẳng kể lợi - hại, sống - chết, chỉ biết niệm mà thôi, thề chẳng thoái chuyển. Lâu dần ắt sẽ được Phật ngầm gia hộ, chướng duyên tự tiêu, tịnh duyên thành thục. Phật chẳng phụ người, ắt sẽ mãn nguyện.
Pháp niệm Phật quý ở chỗ đóng cửa tiềm tu, chẳng luận là ngồi xếp bằng hay kinh hành mà niệm, niệm thầm hay niệm ra tiếng, cốt sao một dạ dựa chắc vào câu Phật hiệu, từng chữ phân minh. Vừa biết mình hồ đồ, liền gấp đề khởi giác chiếu; hoặc là thấy mình vừa lạc vào vô ký hoặc rơi vào vọng tưởng, hễ vừa biết liền đề cao câu niệm, đem một câu Phật hiệu này xông ép ý căn, lấp mất hai nẻo vọng niệm và hôn trầm. Ðấy là đường lối chánh yếu để niệm Phật. Chẳng nên niệm quá gấp vì gấp gáp sẽ khó thể niệm lâu được. Chẳng nên niệm quá thong thả, thong thả dễ tán loạn. Lại chẳng nên mong cầu nhập định, trọn chẳng tác ý. Nếu buông xuôi mà niệm theo miệng sẽ dễ bị rớt vào cảnh giới hôn trầm nhẹ.
Niệm Phật chú trọng ở chỗ Nhất Tâm Bất Loạn, lúc sắp dứt mạng sẽ nhờ vào cái niệm ấy để chóng nhập vào thai sen. Ðạt đến mức cùng cực của Nhất Tâm thì chẳng mong Thiền Ðịnh hiện tiền, nó vẫn tự hiện. Như vậy, lúc công phu đã thuần thục và buông xuôi theo miệng mà niệm dễ bị hôn trầm nhẹ, rõ ràng chẳng giống nhau.
Suy xét đến cùng tột thì niệm chính là vô niệm, chẳng phương ngại gì đến vô niệm mà niệm. Nhất niệm này chính là Tam Ðế: Không, Giả, Trung; chính là bốn Lý Sự Pháp Giới, chính là hai phép Quán Duy Thức và Duy Tâm, chính là Thật Tướng, Vô Tướng, Niết Bàn, Diệu Tâm.
Ðấy chính là pháp niệm Lý Nhất Tâm của bậc thượng căn, nhưng pháp này cũng chẳng ra ngoài cách dựa chắc vào câu Phật hiệu, từng chữ phân minh mà niệm. Ðó chính là khuôn phép của chánh hạnh Trì Danh vậy.
Lại cần phải rộng tu các Trợ Hạnh:
a. Một là lễ kính Tam Bảo: Xem các hình tượng vẽ trên giấy, bằng gỗ khắc giống như đức Phật thật, sáng lễ, chiều bái, chí thành chí kính, ra vào vái, xá. Dù cách trăm dặm, hay ngàn dặm, vẫn coi như ở trước mắt. Một miếng ăn, một thức uống đều cúng dường lên Phật trước.
b. Hai là sám hối nghiệp chướng: Do vô lượng kiếp đến nay, ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo tội đã sâu, thành ra các thứ chướng ngại cho nên gọi là nghiệp chướng. Sám hối thì chướng sẽ tiêu trừ, thân tâm thanh tịnh.
c. Ba là tránh ác, làm lành: Hễ có tâm chẳng tốt khởi lên, liền ra sức niệm Phật, nhất quyết dùng câu niệm để đẩy lui cái tâm bất hảo ấy.
d. Bốn là cắt bỏ tình ái: Người ta thường hay yêu mến kẻ ruột thịt, tham tài như tánh mạng. Trong đời trược, tình ý đặt nặng nơi những thứ này, sẽ tự nhiên xem nhẹ Tịnh Ðộ. Lúc mạng chung, thần hồn ắt sẽ hướng về nơi tình ý ta xem trọng giống như cây đổ, tự nhiên nó sẽ ngã rạp về nơi nó đã nghiêng qua. Ðến lúc ấy, vợ con, người ruột thịt do duyên hết sẽ tan tác. Chia lìa rồi chẳng hề biết đến nhau nữa. Như vợ con, cốt nhục trong nhiều đời đến nay, hiện thời họ ở đâu, sao còn yêu mến? Nếu như ác duyên tụ hội thì quyến thuộc liền thành oan gia, bất giác ngầm mắc hại. Nghĩ đến đó, lòng chẳng thể không lạnh nhạt. Tài sản, các vật chớp mắt thành không; đúng là phải nên xét suy tường tận!
e. Năm là cởi gỡ các oán kết: Như các việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v… và các tình chấp tham, sân, si… đều là những cái nhân kết thành oán cừu. Dè chừng thì oán cừu chẳng kết, lỡ đã kết hãy nên cởi gỡ. Nếu quyến thuộc là oán cừu, cầm giáo chống chọi nhau, bị chó cắn, rắn mổ đều là có túc oán, hãy nên hoan hỷ chịu đựng, cởi gỡ oan kết với họ, quyết chẳng nên ăn miếng trả miếng, khiến cho oan cừu càng buộc càng sâu. Hãy nên đối trước Phật phát nguyện, dùng công đức niệm Phật này để lợi khắp hết thảy oan gia, cừu đối. Nếu như ta thành Phật sẽ độ các loài chúng sanh này trước hết. Do nguyện lực từ tâm này, tự nhiên túc oán ấy tiêu trừ, hóa thù thành bạn.
f. Sáu là phát phẫn khởi hùng chí, miên mật tinh tấn, ắt phải chứng được cực quả mới thôi.
Ðây là một pháp rất thiết yếu để vãng sanh Tịnh Ðộ vậy.
Nhận định:
Tu luyện trong chỗ ồn ào chẳng bằng đóng cửa tiềm tu. Tuy có thể ngồi xếp bằng thầm niệm, nhưng chẳng được mong cầu nhập định, cứ buông xuôi theo miệng mà niệm rất dễ nhập cảnh giới hôn trầm nhẹ. Cần phải nên đề khởi giác chiếu: Dùng một câu Phật hiệu để xông ép ý căn, lấp mất hai nẻo hôn trầm và tạp niệm. Ðến lúc công phu thuần thục thì chẳng cầu Ðịnh mà Ðịnh tự hiện.