Home > Khai Thị Phật Học
Tu Trì
Tiến Sĩ Viên Hoành Đạo | Sa Môn Thích Trí Thông, Việt Dịch


Ôi! tình trần chất chứa nhiều kiếp, biển ái bao la nhiều đời, như thanh kiếm bị gỉ sét ăn mòn, như viên ngọc bị bùn nhơ phủ lấp. Nếu không mài thanh kiếm thì không tẩy sạch được gỉ sét. Nếu lau chùi bùn nhơ thì ngọc kia mới trong sáng được. Muốn được tâm thanh tịnh, hành giả chỉ cần diệt trừ phiền não ô nhiễm. Người ngộ phải thường xuyên giác quán, còn người mê mờ phải chuyên cần điều phục tâm mình nhiều hơn nữa. Kẻ bị gông xiềng tham ái trói buộc cũng nên tiếc thương, đau xót ngày tháng thoi đưa. Khổng Tử có câu: “Kẻ đần độn mà không học thì thân phận thấp hèn”. Bây giờ, hành giả muốn một đời vượt qua cái quả vô số kiếp chính là mười niệm thu nhiếp lộ trình vạn ức. Đâu phải là sự suy nghĩ mông lung, sự thấy biết tầm thường, tâm tư đầy dẫy phiền não, khẩu nghiệp ô nhiễm mà có thể vượt thoát được. Nếu không một phen chịu khó tu trì thì thân phận cam chịu khổ lụy trong nhiều kiếp, còn như tu hành đúng pháp thì thoát khỏi lưới ma.

  1. Tịnh ngộ.
  2. Tịnh tín.
  3. Tịnh quán.
  4. Tịnh niệm.
  5. Tịnh sám.
  6. Tịnh nguyện.
  7. Tịnh giới.
  8. Tịnh xứ.
  9. Tịnh lữ.
  10. Tịnh bất định.
1- Tịnh ngộ

Hành giả muốn sinh về tịnh độ Thật Báo thì phải chân thật tham cứu, như pháp liễu ngộ. Tại sao vậy? Vì ngộ là bậc thầy dẫn đường cho kẻ mê lầm, như trong đêm tối mù mịt, người ra đi cần phải có ngọn đuốc để soi đường. Ngộ là bản đồ, chỉ dẫn hành giả vào cõi nước thanh tịnh, như kẻ đi xa xăm muôn dặm cần phải biết rõ đường đi nước bước. Ngộ là thủ lãnh trong các việc tu hành, như chiến sĩ hăm hở xông vào trận địa kiên cố thì phải tuân lệnh của người chỉ huy.

1. Hành giả tỏ ngộ có thể biết rõ ngay chỗ nhơ uế mà thường trong sạch, vì không buông bỏ sự trong sạch.

2. Nghe cõi Phật thanh tịnh không thể nghĩ bàn, hành giả không hề khiếp nhược.

3. Trong cái tất cánh không, biết nhân quả không mất, hành giả dừng tất cả pháp ác, và pháp ác không còn khởi lên nữa.

4. Hành giả biết cõi nước kia không đến, không đi; cõi nước này cũng không đến, không đi.

5. Hành giả tỏ ngộ thân lượng của Phật khắp cả hư không, thân lượng của chúng sinh cũng khắp cả hư không, như nghiệp lực của chúng sinh trong địa ngục, chẳng những một người đầy khắp cả ngục mà còn nhiều người cũng đầy khắp cả ngục.

6. Hành giả nghe các hạnh trong vô lượng vô số kiếp cũng như nghe người khác nói những việc xảy ra trong giây phút như búng móng tay, vì tâm không sợ hãi.

7. Hành giả tu tập mười điều lành, ba điều phước mà không dính mắc vào cõi người, cõi trời.

8. Hành giả như người nằm mộng, khi giật mình tỉnh dậy, nhớ lại những việc trong giấc chiêm bao mà không khởi kiến giải về , về không.

9. Như chính mắt thấy cố hương, hành giả không còn có chuyện tin hay không tin.

10. Biết các pháp đều vô ngã, hành giả thuận theo chân tánh thực hành việc lợi sinh, bước thẳng lên địa vị Phật mà tâm không nhàm chán , mệt mỏi.

Bồ tát đã bước vào cửa này thì được pháp lành thanh tịnh, tùy ý được sinh . Quán kinh khi nói về thượng phẩm có ghi: “Hiểu sâu nghĩa lý, đối với đệ nhất nghĩa đế, tâm không hề khiếp sợ”. Sớ ghi: “Đệ nhất nghĩa đế là thật tướng của các pháp. Thật tướng này không thể nào trình bày bằng con đường ngôn ngữ và chính là chỗ tâm hành dứt tuyệt”. Lục niệm nghĩa khi nói về thượng phẩm có ghi: “Tâm lặng lẽ, không có dao động gọi là niệm”. Sao ghi: “Lý đệ nhất nghĩa đế không bị lay động bởi nhị nguyên, thông thường gọi là niệm”.

Ở Ấn Độ, các vị chứng sơ hoan hỷ địa được vãng sinh như Vi Đề Hy, Thiện Tài, Long Thọ v.v… Ở phương này (Trung Quốc), các vị chứng ngộ được vãng sinh như Viễn Công, Trí Giả, Vĩnh Minh v.v… Tất cả sự tích vãng sinh được ghi chép rất nhiều trong kinh, luận. Ở đây không thể nào biên chép đầy đủ được. Trong luận có nói đến những người sinh về cõi nước kia để cầu tỏ ngộ chính là nói người trung căn và hạ căn. Thậm chí còn nói: “Người tỏ ngộ Phật tánh của chính mình thì không cần nguyện cầu vãng sinh”. Đây là nói bồ tát thập địa trở lên. Nếu nói rằng bậc tỏ ngộ đệ nhất nghĩa đế, các kiết sử chưa dứt hết đều không cầu nguyện vãng sinh, thì các Ngài như Long Thọ, Mã Minh, … cũng là người dụi mắt thấy hoa đốm giữa hư không, đang vô sự mà bỗng sinh ra lắm chuyện.

2. Tịnh tín

Luận Trí độ ghi: “Nếu trong tâm của con người có niềm tin thanh tịnh thì người ấy có thể bước vào Phật pháp. Nếu không có niềm tin thì người ấy không thể bước vào Phật pháp, như da trâu chưa mềm dẻo thì không thể bẻ gấp lại được. Người không có niềm tin cũng đại loại như vậy”. Lại nữa, kinh ghi: “Niềm tin là bàn tay, như người có tay đi vào núi báu thì có thể tự do nắm lấy châu báu. Nếu không có tay thì người ấy không thể nắm lấy được gì. Niềm tin cũng đại loại như vậy”.

Ngày xưa, Vương Trọng Hồi hỏi Vô Vi Tử:

– Niệm Phật như thế nào sẽ đưa đến trình độ không gián đoạn.

Vô Vi Tử Đáp:

– Sau khi có niềm tin, hành giả không còn khởi nghi ngờ gì nữa. Đó là không gián đoạn.

Trọng Hồi vui mừng rộn rã rồi cáo lui. Chẳng bao lâu, Trọng Hồi được vãng sinh. Ông trở lại cảm tạ Vô Vi Tử.

Vì vậy, nếu tu hành chưa có thể đốn ngộ thì hành giả nên gieo trồng tín căn cho sâu chắc, không khiếp sợ, không dao động.

1. Tin lời thành thật từ kim khẩu của Như Lai tuyên thuyết thì quyết định sẽ được vãng sinh.

2. Tin tự tâm bao la, trùm khắp có đầy đủ công đức thanh tịnh như thế.

3. Tin nhân quả bao giờ cũng theo nhau như bóng theo hình.

4. Tin biết thân này và tất cả thế giới đều không có bản chất chân thật như ánh nắng chập chờn, như hoa đốm giữa hư không.

5. Tin thế giới đầy năm loại ô nhiễm có sự khổ não ghê gớm về lạnh, nóng, các thứ hôi nhơ nồng nặc xộc lên, không thể nào chịu đựng nổi dù trong khoảnh khắc.

6. Tin tất cả các pháp đều duy tâm như người tưởng nhớ đến quả mơ chua thì miệng tiết ra nước bọt.

7. Tin năng lực của niệm không thể nghĩ bàn cũng như năng lực của nghiệp.

8. Tin bào sen không thể nghĩ bàn cũng như bào thai.

9. Tin Phật có vô lượng thân, có vô lượng tuổi thọ, có vô lượng ánh sáng không thể nghĩ bàn như thân con kiến, tuổi con phù du, ánh sáng con đom đóm cũng là một điều không thể nghĩ bàn.

10. Tin thân này thế nào cũng chết.

Nếu có đầy đủ tín căn như thế, thì mỗi khi nhấc chân lên, để chân xuống, người ấy đều niệm Phật.

Vì thế, nên biết, một chữ tín (tin) trùm khắp cả bậc thượng căn, trung căn, hạ căn. Thế nhưng, niềm tin có sâu cạn khác nhau. Nếu năng lực của niềm tin không thâm sâu, như con chim không có cánh thì không thể nào tung bay được.

3- Tịnh quán

Ô nhiễm của chúng sinh từ vô thỉ trùm khắp tất cả các pháp, như dầu ngấm vào bún, như vàng ròng còn ẩn tàng trong quặng mỏ. Hành giả tu tịnh nghiệp nên tu tập theo các pháp quán, mài giũa tập khí để làm nền tảng cho pháp lành thanh tịnh, làm cây cầu cho việc vãng sinh.

1- Quán tịnh

Hành giả quán tướng hảo của Phật như kinh Quán Vô Lượng Thọ đã trình bày mười sáu pháp quán.

2- Quán bất tịnh

Hành giả quán sát thân, tâm không trong sạch, quán sát thế giới này, cõi nước này đều không trong sạch. Vì vậy, hành giả sinh tâm nhàm chán.

3- Quán vô thường

Hành giả quán sát tất cả pháp đều không cố định, như kẻ dâm dục trông thấy người nữ kiều diễm duyên dáng thì cảm thấy yêu thích. Người đàn bà tính tình ganh tị trông thấy thì cảm thấy khó chịu. Còn người tu quán bất tịnh trông thấy vóc dáng xinh đẹp kia như trông thấy các thứ nhơ bẩn hiện bày cũng như cây, đất.

4- Quán hòa hợp

Hành giả quán sát cái thân này, thế giới này, cái thấy, nghe, hay, biết này đều không có bản chất chân thật, như gom gỗ để xây cất nhà, đổ đất để làm nền, tích tụ màu sắc để trang trí.

5- Quán đối trị

Hành giả tự quán sát thân của mình có phiền não nào nặng nề nhất? Nên vận dụng pháp quán nào để đối trị? Như các loại dược thảo, đồ ăn thức uống có tính chất hơi lạnh, hơi đắng, hơi rít, đối với bệnh nóng, nó là thuốc. Còn các bệnh khác thì nó không phải là thuốc. Các loại dược thảo, đồ ăn thức uống có tính chất hơi đắng, hơi ngọt, hơi nóng, đối với bệnh lạnh, nó là thuốc. Còn các bệnh khác thì không cần dùng nó. Hành giả phải quán sát như thế để đối trị.

6- Quán tàm quý

Hành giả quán sát, từ vô lượng kiếp đến nay, tất cả chúng sinh với ta làm cha mẹ, anh em, chị em, nam nữ dâm dục lẫn nhau, sát hại lẫn nhau mà chưa từng hiểu biết, như con kiêu kinh ăn thịt cha mẹ của nó, như con trâu, con dê, chim bồ câu, chim sẻ giao phối với thân thuộc chúng nó. Chính nó không biết, người khác thấy nó làm những việc tồi tệ thì hổ thẹn, cười chê. Các đức Phật, các vị bồ tát thấy được chúng ta cũng theo đây suy ra mà biết. Vì vậy, chúng ta nên sinh tâm hối hận mãnh liệt.

7- Quán mỗi niệm

Hành giả quán sát trong tất cả thời gian có bao nhiêu tâm nhớ Phật, niệm Phật? Có bao nhiêu tâm làm việc lợi sinh? Có bao nhiêu tâm nhơ bẩn, trong sạch, hôn trầm, trạo cử?

8- Quán bình đẳng

Hành giả quán sát tất cả sắc là một sắc, vì không có đẹp, không có xấu. Quán sát tất cả âm thanh là một âm thanh. Vì không có khen ngợi, không có chê bai. Quán sát tất cả thọ là một thọ, vì không có ân nghĩa, không có oán thù. Quán sát tất cả nghĩa là một nghĩa, vì không có cạn, không có sâu.

9- Quán vi tế

Hành giả quán sát cái tâm niệm Phật, niệm Pháp từ đâu đến? Sẽ đi về đâu?

10- Quán pháp giới

Hành giả quán sát một sợi lông, một hạt bụi, một cọng cỏ, một cái cây đều có đầy đủ vô lượng cõi Phật thanh tịnh.

Khi quán sát, hành giả sử dụng tịnh quán thứ nhất làm chính, chín pháp quán còn lại làm trợ, như kẻ tìm châu ngọc ở trong đá nếu không đập vỡ tảng đá thì kẻ ấy không bao giờ được châu ngọc.

4- Tịnh niệm

Sỡ dĩ pháp môn Niệm Phật mệnh danh Nhất hạnh tam muội là vì ý chí phải quyết định. Nếu không niệm Phật được thì tâm tư hành giả tản mác khắp nơi, tam muội không bao giờ thành tựu.

1. Nhiếp tâm niệm

Ở tất cả chỗ, hành giả nhiếp tâm niệm Phật, không quên lãng. Dù ngủ mê, nhưng cũng phải buộc niệm mà ngủ. Hành giả niệm Phật không gián đoạn, không có niệm khác chen vào.

2. Dũng mãnh niệm

Như người đam mê sắc đẹp nghe được chỗ của dâm nữ cư trú, dù trải qua núi hiểm, suối sâu, dù trên đường đi có bóng ma chập chờn, hoặc có hang ổ của loài hổ dữ, nhưng mà người ấy quyết tâm đi đến chứ không khiếp sợ.

3. Thâm tâm niệm

Như biển cả dù rộng sâu thì đáy cũng cùng tận, tuy con đường giác ngộ xa lắc xa lơ nhưng chưa được cứu cánh thì hành giả không bao giờ ngừng nghỉ tu tập.

4. Quán tưởng niệm

Trong niệm nào, hành giả cũng đều thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật.

5. Tức tâm niệm

Vì niệm Phật, hành giả dứt bỏ tất cả tâm như tâm tham danh, tâm làm quan, tâm tham dục, tâm thế gian, tâm tham luyến, tâm cống cao, tâm biện hộ, tâm nhân ngã, tâm thị phi.

6. Bi đề niệm

Mỗi khi tưởng Phật, toàn lông trên thân đều dựng đứng lên, ngũ tạng như bị cắt xé, như mẹ hiền lìa bỏ con thơ và mất đứa con rất thông minh.

7. Phát phẫn niệm

Như thư sinh nghèo thi hỏng, vì hổ thẹn tài của mình, anh ta sống trong cảnh vắng vẻ. Mỗi khi nhớ đến, anh ta dường như không còn muốn sống nữa.

8. Tất cả niệm

Tất cả cái thấy, nghe, hay, biết cùng với lỗ chân lông, xương tủy của hành giả không một chỗ nào không niệm Phật.

9. Tham cứu niệm

Để khởi một tiếng niệm Phật, hành giả liền truy cứu đến chỗ cứu cánh của tiếng ấy.

10. Thật tướng niệm

Tâm niệm không dính mắc vào có, vào không, vào cũng có cũng không. Ngay cả phi có phi không đều không dính mắc vào bên nào hết. Đó là pháp môn Niệm Phật thượng phẩm. Nếu Niệm Phật được như thế thì ở hiện đời hành giả quyết thấy được Phật.

5- Tịnh sám

Tâm trước tạo tội như lớp mây mù che lấp hư không. Tâm sau diệt tội như bó đuốc bùng cháy xua tan bóng đêm u ám. Lại nói: “Tuy chiếc áo dơ bẩn cả trăm năm, nhưng giặt giũ trong một ngày thì được sạch sẽ”. Vì vậy, muốn rũ bỏ những chướng ngại nặng nề, hành giả nên siêng năng cần mẫn sám hối.

1. Nội sám

Hành giả sám hối cái nhân không trong sạch của tâm, ý, thức.

2. Ngoại sám

Hành giả sám hối tất cả sắc, tất cả âm thanh, tất cả pháp đều không trong sạch.

3. Sự sám

Hành giả sám hối hai mươi tám cõi, hai mươi lăm hữu, tám vạn bốn ngàn các thứ trần lao, kiết sử đã làm chướng ngại cho các hạnh nghiệp như tu học, thấy Phật, làm lợi ích cho chúng sinh trong vô số kiếp.

4. Lý sám

Từ khi vào đạo cho đến ngày nay, hành giả sám hối những kiến giải điên đảo ngông cuồng đã tiếp nhận, những kinh luận đã học, những nghĩa lý thâm áo đã nghe, những bệnh tác, chỉ, nhậm, diệt, v.v…làm chướng ngại cho trí vô lậu của Phật.

5. Quá khứ sám

Hành giả sám hối những nghiệp ác đã gây tạo từ vô thỉ cho đến ngày nay như đời này, tuy không trộm cắp nhưng hành giả mong cầu điều gì cũng không được như ý, tức là nghiệp trộm cắp chưa dứt hết. Đời này, tuy không có tà dâm, nhưng gặp quyến thuộc không thuận ý, tức là nghiệp dâm chưa dứt hết. Đời này, tuy không vọng ngữ, không khinh chê pháp nhưng có nói ra điều gì người khác nửa tin, nửa nghi ngờ, tức là nghiệp khinh chê pháp và vọng ngữ chưa dứt hết. Trong tất cả quả, quán sát tất cả nhân, hành giả sẽ biết đời trước không điều ác gì không gây tạo. Đối với nghiệp ác gì, hành giả cũng đều nên sám hối.

6. Vị lai sám

Hành giả ngăn chặn tất cả pháp ác ngay từ hôm nay cho đến mai sau, không bao giờ gây tạo nữa.

7. Hiện tại sám

Hành giả sám hối các thứ nghiệp khổ mà đời hiện tại có sinh, già, bệnh, chết. Sám hối các thứ nghiệp phiền não: nghiệp nhấc chân lên, để chân xuống, nghiệp mở miệng, động tâm, và tất cả các nghiệp vi tế không thể nào kể hết được.

8. Sát na sám

Trong một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm lần sinh diệt. Mỗi một sinh diệt, hành giả đều sám hối.

9. Cứu cánh sám

Trong địa vị đẳng giác có một phần vô minh như làn khói mỏng manh, hành giả cần phải gột rửa cho sạch hết.

10. Pháp giới sám

Trong pháp tánh không có ngã, không có nhân. Hành giả sám hối rộng khắp cho tất cả chúng sinh trong mười phương, ba đời.

Nếu hành giả có thể sám hối chân thật như thế thì tất cả chướng ngại đều tiêu tan hết, không xa lìa đạo tràng mà thấy được các đức Phật.

6- Tịnh nguyện

Luận Trí độ ghi: “Thấy thế giới các đức Phật có vô lượng sự thanh tịnh, trang nghiêm, các vị bồ tát phát lời thệ nguyện:

– Có thế giới Phật không có các sự khổ não gì, cho đến không có tên gọi của ba đường dữ. Thấy như vậy rồi, bồ tát tự phát lời thệ nguyện: “Khi thành Phật, thế giới tôi không có các sự khổ não cho đến không có tên gọi của ba đường dữ cũng sẽ như thế”.

– Có thế giới Phật có thất bảo trang nghiêm, ngày đêm thường có ánh sáng thanh tịnh, không có mặt trời, mặt trăng. Thấy như vậy rồi, bồ tát liền phát lời thệ nguyện: “Khi thành Phật, thế giới tôi thường có ánh sáng thanh tịnh, trang nghiêm cũng sẽ như thế”.

– Có thế giới Phật mà tất cả chúng sinh đều thực hành mười điều lành, có đại trí tuệ; y phục, đồ ăn thức uống tùy niệm mà đáp ứng. Thấy như vậy rồi, bồ tát liền phát lời thệ nguyện: “Khi thành Phật, trong thế giới tôi, chúng sinh đều có y phục, đồ ăn thức uống cũng sẽ như thế”.

– Có thế giới Phật toàn là các vị bồ tát có ba mươi hai tướng như sắc thân Phật, ánh sáng thấu suốt cho đến không có danh hiệu thanh văn, bích chi Phật, cũng không có người nữ. Tất cả đều thực hành Phật đạo một cách thâm sâu, vi diệu, tham quan khắp mười phương, giáo hóa tất cả. Thấy như vậy rồi, bồ tát liền phát lời thệ nguyện: “Khi thành Phật, trong thế giới tôi, chúng sinh cũng sẽ như thế”.

– Có vô lượng thế giới Phật có các sự thanh tịnh, trang nghiêm đại loại như vậy. Bồ tát cũng nguyện đều được như thế”.

Vì lý do đó, cho nên gọi là nguyện thì được vô lượng thế giới của các đức Phật.

Hỏi: Hạnh nguyện của các bồ tát thanh tịnh thì tự nhiên được sự thanh tịnh đáp lại. Tại sao phải lập nguyện, về sau sẽ được sinh về tịnh độ? Như nhà nông thu hoạch lúa, đâu cần đợi nguyện?

Đáp: Hành giả làm phước mà không có nguyện thì không có mục tiêu để hướng đến. Nguyện cũng như người điều khiển chiếc xe có thể đưa hành giả đi đến nơi đến chốn, như việc nung chảy vàng để làm đồ nữ trang đều tùy thuộc vào người thợ, chứ vàng không có hình dạng cố định. Phật nói rằng: “Có người tu chút ít phước bố thí, tu chút ít phước trì giới mà không biết pháp thiền. Người ấy nghe nói có những người giàu sang, sung sướng trong nhân gian, hoặc nghe nói cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới thì khởi tâm ưa thích. Sau khi đời sống kết thúc, người ấy được sinh vào cõi đó. Cũng đại loại như vậy, bồ tát tu tập nguyện sinh về thế giới tịnh độ, về sau sẽ được sinh. Vì thế, nên biết, do nguyện mà được kết quả thù thắng.

Lại nữa, trang nghiêm cõi Phật là việc vĩ đại. Nếu chỉ có công đức của hạnh thì hành giả tu tập không thể nào thành tựu, cho nên cần phải có năng lực của nguyện, như sức mạnh của con trâu tuy có thể kéo xe dễ dàng nhưng nó cần phải có người điều khiển mới đi đến mục tiêu. Hành giả nguyện sinh về thế giới tịnh độ cũng theo đây suy ra mà biết. Phước đức dụ cho con trâu, năng lực của nguyện dụ cho người điều khiển.

Hỏi: Nếu không phát nguyện thì người ấy không được phước chăng?

Đáp: Tuy được phước nhưng không bằng người có phát nguyện. Phát nguyện có thể trợ giúp cho phước. Thường niệm danh hiệu Phật thì phước đức lớn thêm. Vì nghĩa ấy, cho nên tu tập để sinh về cõi Phật thanh tịnh, hành giả nên phát thệ nguyện vĩ đại.

1. Không vì phước điền cho nên nguyện, nguyện làm chỗ che chở cho tất cả chúng sinh, nên hành giả sinh về tịnh độ.

2. Không vì quyến thuộc cho nên nguyện, nguyện trang nghiêm ngôi nhà của tất cả các đức Như Lai, nên hành giả sinh về tịnh độ.

3. Không vì bệnh khổ cho nên nguyện, nguyện làm y sĩ để chữa trị bệnh ung nhọt vô minh,…của tất cả thế gian, nên hành giả sinh về tịnh độ.

4. Không vì ngôi vị chuyển luân thánh vương cho nên nguyện mà nguyện vận hành bánh xe pháp của các đức Phật Như Lai, làm bậc pháp vương vĩ đại, nên hành giả sinh về tịnh độ.

5. Không vì cõi Dục cho nên nguyện, nguyện xa lìa tất cả cái vui ngũ dục vi diệu, nên hành giả sinh về tịnh độ.

6. Không vì cõi Sắc cho nên nguyện, nguyện xa lìa sự tham đắm của tất cả thiền vị, nên hành giả sinh về tịnh độ.

7. Không vì cõi Vô Sắc cho nên nguyện, nguyện phá vỡ hết các thứ lưu chú vi tế, chứng đắc thân có vô lượng tướng hảo của Phật, nên hành giả sinh về tịnh độ.

8. Không vì thanh văn, bích chi Phật cho nên nguyện, nguyện vận dụng hai thứ trang nghiêm phước và trí để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên hành giả sinh về tịnh độ.

9. Không vì một thế giới cho đến ngàn thế giới cho nên nguyện, ngưyện thay thế nỗi khổ của chúng sinh trong vô tận thế giới nhổ hết nỗi khổ của chúng sinh trong tất cả thế giới, nên hành giả sinh về tịnh độ.

10. Không vì chúng sinh trong một vô số kiếp cho đến ngàn vô số kiếp cho nên nguyện, nguyện thay thế nỗi khổ của chúng sinh trong vô lượng vô số kiếp, nhổ tất cả nỗi khổ của chúng sinh, nên hành giả sinh về tịnh độ.

Nếu có thể phát nguyện vĩ đại như thế thì đến giây phút cuối cùng, chắc chắn hành giả sẽ được như trong kinh Phổ Hiền hạnh nguyện đã nói. Vì thế, nên biết, nguyện là chiếc thuyền vượt qua biển khổ sinh tử, là vị thầy sáng suốt dẫn đường đến cõi Cực Lạc.

7- Tịnh giới

Tất cả pháp thanh tịnh đều lấy giới làm nền tảng, như người xây cất nhà cửa, trước tiên phải chọn lựa chỗ đất bằng phẳng; như họa sĩ vẽ sông núi, trước tiên phải lau chùi tấm lụa cho sạch sẽ, sau đó mới vẽ các màu sắc. Cũng vậy, giới đứng đầu trong các điều lành, giới là cửa ngõ đầu tiên bước vào cõi nước thanh tịnh. Nếu người không trì giới cũng như người nữ xấu ác, hư hèn muốn phụng sự trời Đế Thích thì hẳn là không bao giờ được.

1/ Giới san tham

Hành giả thực hành hai hạnh bố thí: tiền tài, sinh mạng và pháp thí mà tâm không luyến tiếc.

2/ Giới hủy cấm

Năm giới, giới luật nghi cho đến giới vô lậu, hành giả trì các giới ấy một cách đầy đủ.

3/ Giới sân hận

Hành giả vận dụng nhẫn nhục để điều phục ba nghiệp thân, khẩu, ý. Nếu gặp người khác nói lời hung ác hoặc sử dụng dao, gậy đánh đập dã man thì hành giả chỉ suy xét đó là pháp nhân duyên, do nghiệp chiêu cảm, nghĩ là phải trả nợ, nghĩ là đạo sư, nghĩ là gió, rét, lạnh, nóng.

4/ Giới phóng dật

Con đường sinh tử vô cùng nguy hiểm, không có chỗ để dung thân, như người bưng cái chén chứa đầy dầu đi trên sợi dây treo lơ lửng. Người ấy không dám ngoảnh mặt nhìn bên phải, bên trái, cũng không dám nghĩ đến bất cứ một việc gì khác.

5/ Giới tán loạn

Hành giả thu nhiếp các căn, dứt các duyên ảnh, như che ngọn đèn trước cơn gió, như chim ấp trứng.

6/ Giới ngu si

Hành giả vận dụng trí tuệ để quét sạch mê lầm, như người làm việc thường sử dụng ánh sáng mặt trời. Nếu như ban đêm thì các công việc đều ngưng nghỉ. Lại như người muốn nhìn lên cao thì con mắt phải mở ra. Nếu bị đui mù hoặc đang ngủ thì người ấy không thể nào thấy được non sông gấm vóc…

7/ Giới kiêu mạn

Không nên vì biện tài mà kiêu căng. Không nên vì giải ngộ mà kiêu căng. Không nên vì tranh cãi thắng lợi mà kiêu căng. Tất cả những gì hành giả đã được cũng như hạt bụi trên quả địa cầu, như vết nhơ trên mặt gương, không nên đem vết nhơ này khoe khoang với người khác.

8/ Giới phú tàng

Các đức Phật có mặt khắp mọi nơi; các vị bồ tát, các thần minh cũng có mặt khắp mọi nơi, cho nên chúng ta không thể nào che giấu tội lỗi được, như kẻ đứng dưới ánh nắng mà chạy trốn bóng, như kẻ ở trong sóng nước mà tránh sự ẩm ướt, như người ở giữa bãi cát mà tránh bụi bậm. Tất cả việc trốn tránh ấy đều không bao giờ được.

9/ Giới vô ích

Tất cả việc chơi đùa mua vui đều không có lợi ích, tất cả thơ văn đều không có lợi ích, tất cả trần duyên đều không có ích lợi, tất cả lời nói giải thoát ở đầu môi chót lưỡi đều không có lợi ích. Hành giả nên xa lìa tất cả những việc ấy.

10/ Giới bất trụ

Trì giới, như đã kể trên, chỉ vì tha thiết cầu sinh về Tịnh Độ để làm lợi ích cho chúng sinh, chứ không cầu tiếng tăm nổi bật và các quả báo người, trời, nhị thừa. Bồ tát thực hành được tịnh giới như thế thì có thể tiếp dẫn chúng sinh sinh về Tịnh Độ. Tại sao vậy? Vì tất cả chúng sinh, dù cho chúng sinh ngu muội, bướng bỉnh nhưng mà không ai không tôn trọng, kính ngưỡng giới đức.

8- Tịnh xứ

Người học đạo đã có ý chí thoát ly trần tục thì nên xả bỏ những chỗ ác. Nếu không được như thế thì tâm nhàm chán chưa đến tột cùng. Nếu tâm nhàm chán chưa đến tột cùng thì tâm ưa thích Tịnh Độ cũng chưa đến cường độ mãnh liệt nhất. Long Thọ nói: “Tâm bồ tát không quí chuộng địa vị chuyển luân thánh vương, không ưa thích phước báo cõi trời, cõi người. Bồ tát chỉ nhớ nghĩ đến các đức Phật”. Cho nên, tùy theo tâm ưa thích thiết tha mà được sinh về cõi Phật. Ngày nay, kẻ gặp chuyện vừa ý một chút xíu còn không thể nào gạt bỏ được, huống chi địa vị chuyển luân thánh vương, như người bị trói đôi chân mà muốn bước đi, như chim bị buộc đôi cánh mà muốn tung bay. Cả hai việc đi, ở đều bị trói buộc, cả hai tâm đều lẩn quẩn mà thôi.

1. Chỗ phồn hoa ồn ào náo động nên xa lìa.

2. Chỗ trà đình tửu điếm nên xa lìa.

3. Chỗ nóng nực gay gắt nên xa lìa

4. Chỗ bàn luận về danh sách bổ nhiệm, miễn nhiệm của quan lại và việc triều đình nên xa lìa.

5. Chỗ ân ái ràng buộc và chỗ quen biết qua lại nên xa lìa.

6. Chỗ thi đàn văn xã, ganh đua về văn chương, tìm tòi về câu chữ nên xa lìa.

7. Chỗ châm biếm chuyện xưa nay, cạnh tranh nhau để so sánh chuyện tốt đẹp, lầm lỗi nên xa lìa.

8. Chỗ giảng đạo học không nghĩa lý nên xa lìa.

9. Chỗ các nhà giải nghĩa tranh đua theo danh tướng để khoe khoang trí nhỏ bé của mình nên xa lìa.

10. Chỗ tông thừa có kiến giải điên cuồng, nói dối là đốn ngộ, khinh thường giới luật nên xa lìa.

Những chỗ kể trên chỉ là khuấy rối đạo cả, không khác với ma quân nên xa lìa. Nếu lìa bỏ được những chỗ ấy thì hành giả sẽ thành tựu tất cả đạo nghiệp.

9- Tịnh lữ

Tất cả thời cơ tỏ ngộ nếu không có bạn thì không thể nào phát sinh. Tất cả các pháp ác nếu không có bạn thì không thể nào ngăn chặn được, như chiếc xe có hai bánh xe nếu vứt bỏ một bánh thì xe kia phải nghiêng đổ. Cho nên, văn tự thế gian, các pháp hý luận còn phải được mọi người đồng lòng chấp nhận thì mới cho là đúng, huống chi người có ý chí mong cầu cái nhân duyên của đạo lớn vô thượng. Kinh ghi: “Như tánh của gió tuy rỗng không nhưng nếu thổi ngang qua rừng chiên đàn, rừng chiêm bặc thì gió có mùi thơm ngào ngạt. Nếu thổi ngang qua chỗ phẫn nhơ, chỗ thây người chết thì gió có mùi hôi thối”. Lại như để chiếc áo sạch sẽ trong cái tráp hương, đến khi lấy ra, áo cũng thơm phức. Nếu để vào chỗ hôi tanh thì áo cũng hôi rình. Bạn cũng đại loại như vậy. Vì thế, người hành đạo kết bạn phải biết sức phân biệt sạch, nhơ.

1. Bạn ưa thích chỗ an lạc, nhàn tịnh ở chốn núi rừng nên thân cận, vì có thể ngăn chặn tâm vọng động của hành giả.

2. Bạn nghiêm trì giới luật nên thân cận, vì có thể làm giảm bớt dục vọng điên cuồng của hành giả.

3. Bạn có trí tuệ rộng lớn nên thân cận, vì có thể đưa hành giả vượt khỏi bến mê.

4. Bạn có văn tự tổng trì nên thân cận, vì có thể giải tỏa các điều nghi ngờ của hành giả.

5. Bạn trầm lặng khô khan nên thân cận, vì có thể đưa hành giả đến trình độ điềm đạm.

6. Bạn khiêm tốn, nhẫn nhục nên thân cận, vì có thể làm tiêu tan tâm ngã mạn của hành giả.

7. Bạn tâm thẳng, nói thật nên thân cận, vì có thể kiềm chế điều lỗi lầm của hành giả.

8. Bạn tinh tiến, dũng mãnh nên thân cận, vì có thể giúp hành giả thành tựu đạo quả một cách nhanh chóng.

9. Bạn xem thường của cải, ưa thích bố thí nên thân cận, vì có thể phá bỏ tánh keo kiệt của hành giả.

10. Bạn có tâm nhân từ che chở loài vật, không tiếc thân mạng nên thân cận, vì có thể bẻ gãy sự chấp chặt về nhân ngã, v.v…của hành giả.

Nếu không có những bạn thanh tịnh như thế thì hành giả nên gạt bỏ những người khác, lặng lẽ ở một mình, tự tu tập đạo nghiệp, thiết lập hình tượng làm thầy, lấy kinh luận làm bạn. Đối với những người chơi đùa mua vui kia, hành giả phải dứt khoát tránh xa, như có người đi vào hoa viên nếu không có hoa đẹp thì quyết không trồng những loại cỏ dại hôi thối, vì khi thưởng thức không có lợi ích gì hết. Những thứ ấy chỉ làm tăng thêm sự nhờm tởm mà thôi.

10- Tịnh bất định

Căn khí của chúng sinh có lợi, độn, rất thiên sai vạn biệt. Các pháp kể trên đều là pháp cho bậc thượng căn lợi khí mới được đầy đủ. Vì thế, Như Lai có những phương tiện đặc biệt như mở cửa chín phẩm, phân biệt ra ba bậc tu tập: thượng, trung, hạ.

1. Hoặc hành giả thông hiểu đệ nhất nghĩa đế nhưng hoàn toàn chưa điều phục được phiền não, hoặc hành giả không thông hiểu thâm sâu đệ nhất nghĩa đế nhưng chỉ có thể đọc tụng các kinh điển.

2. Hoặc hành giả chỉ dựa vào lời nói của người khác mà sinh niềm tin, hoặc do kẻ khác mà sinh niềm tin, hoặc lâm vào tình trạng bần cùng, nhục nhã ê chề mà sinh niềm tin.

3. Hoặc hành giả quán kim tượng, hoặc tùy ý quán một tướng.

4. Hoặc sáng sớm, hành giả niệm mười niệm, trăm niệm cho đến ngàn niệm.

5. Hoặc hành giả chỉ sám hối các tập khí thô nặng và mười nghiệp chẳng lành.

6. Hoặc vì sợ hãi sinh tử mà phát nguyện vãng sinh, hoặc gặp nạn khổ mà phát nguyện vãng sinh. Nhưng, hành giả không được phát nguyện làm người, làm trời để hưởng các phước đức.

7. Hoặc hành giả chỉ trì tám giới, năm giới cho đến chỉ trì giới sát, đạo, dâm, vọng.

8. Tất cả chỗ ồn náo không thể xa hẳn được, chỉ cần hành giả phải luôn luôn sinh tâm nhàm chán.

9. Trong các pháp thế gian không thể nào cắt ngay lập tức, chỉ cần hành giả không được tùy thuận.

10. Quán kinh khi nói về hạ phẩm ghi: Hoặc chỉ mười niệm khi lâm chung.

Các pháp đã kể trên, hành giả chỉ có thể chí tâm thọ trì một pháp thôi cũng đều được vãng sinh, chứ không được tin, nghi xen lẫn với nhau. Nếu khởi tâm nghi ngờ thì tất cả hạnh đều không thành tựu như trong đêm tối, có người đi một mình trên con đường xa xôi thì không được sinh tâm nghi ngờ. Cho nên, kẻ nghe pháp nếu khởi tâm nghi ngờ thì không bằng người không nghe. Tại sao vậy? Vì người không nghe kia chỉ không có nghe pháp, nên không có chướng nạn. Còn kẻ nghi ngờ này thì tự mình gây ra chướng nạn.

Giải thích (1) Tác, chỉ, nhậm, diệt là bốn thứ bệnh của người mong cầu viên mãn giác tánh.

1. Tác bệnh: Tác là sinh tâm tạo tác.

Tác bệnh là loại bệnh đối với bản tâm muốn thực hiện các hạnh tu để cầu Viên giác, trong khi tánh Viên giác chẳng phải do “Tác” mà đạt được.

2. Nhậm bệnh: Nhậm là tùy duyên nhậm tánh. Nhậm bệnh là loại bệnh không muốn đoạn sinh tử, không cầu niết-bàn, bỏ mặc tất cả để cầu Viên giác, trong khi Viên giác chẳng phải “Nhậm hữu” mà đạt được.

3. Chỉ bệnh: Chỉ là ngừng vọng tức chân. Chỉ bệnh là loại bệnh muốn dứt trừ hẳn các ý niệm, vắng lặng bình đẳng để cầu Viên giác, trong khi Viên giác chẳng phải do “Chỉ” mà đạt được.

4. Diệt bệnh: Diệt là tịch diệt. Diệt bệnh là loại bệnh muốn diệt hẳn tất cả phiền não thân tâm, khiến cho căn trần vắng lặng hoàn toàn để cầu Viên giác, trong khi tánh Viên giác chẳng phải do “Diệt” mà đạt được.

(Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên)



Từ Ngữ Phật Học Trong: Tu Trì