Home > Khai Thị Phật Học > Doi-Nguoi-Tu-Tim-Trai-Dang
Đời Người Tự Tìm Trái Đắng
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Con người chẳng ai muốn khổ, ai cũng muốn hạnh phúc nên tự nhiên có tâm lí tránh dữ tìm lành, tránh khổ tìm vui, theo đuổi mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng thực tế cuộc đời lại cho thấy nỗi khổ gắn liền với đời người như bóng theo hình không biết tránh đâu cho khỏi. Dù có cố gắng theo đuổi, tìm cầu hạnh phúc đến mấy, kết cục cũng chỉ là đau khổ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Bởi trong quá trình tìm kiếm, mưu cầu hạnh phúc, con người cần phải trả cái giá nhất định, bằng không niềm hạnh phúc đó sẽ trở thành “món nợ” và khổ cũng sẽ đến dồn dập. Điều đó cũng giống như một người nghiện phim nhưng không có tiền mua vé đành nghĩ cách xem “chui”.

Nếu may mắn trót lọt một đôi lần thì không sao nhưng người ta thường nói đi đêm lâu ngày gặp ma nên nhất định sẽ có ngày bị bắt. Khi đó, họ phải trả cái giá tương đương với giá mà họ đã xem chui từ trước đến giờ.

Tất cả những niềm vui, hạnh phúc dễ dàng có được mà không cần phải tốn công sức, không phải trả cái giá nhất định thì ắt phải chịu hậu quả không như ý, ngay cả khi chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc thì cũng phải trả giá! Ví dụ, để theo đuổi hạnh phúc, người ta phải dốc sức kiếm tiền để tạo tiền đề, sau một thời gian dài mới hưởng được hạnh phúc vật chất kia. Nhưng chúng ta thử nghĩ kĩ lại: niềm hạnh phúc kia lẽ nào lại không có mặt của đau khổ?

Tục ngữ có câu “của biếu là của lo, của cho là của nợ”: ngay cả khi người ta mang thành quả đến cho mình hưởng thụ thì cũng là nợ nần, đã là nợ thì đó nhất định không thể hạnh phúc trọn vẹn. Ăn một bữa cơm ngon là do mình đã gian khổ làm lụng mà có, đó là sự đền đáp của tự nhiên cho chúng ta.

Người xưa có câu “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Câu tục ngữ này cho chúng ta thấy mỗi một hạt cơm là cả mồ hôi, công sức của người đi cày, có được chúng thật chẳng dễ dàng gì. Gieo một hạt mầm mấy tháng sau mới đơm hoa kết trái, trong quá trình từ khi ươm mầm cho đến khi thu hoạch phải trải qua biết bao gian khó. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến công ơn người đào giếng khi uống nước, ít ai nghĩ đến công người nông phu khi ăn cơm!

Suốt một đời người kể từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt đều bận rộn tất bật, thời gian hạnh phúc thực sự rất ít. Vì chúng ta trần trụi đến với cuộc đời với một tâm lí tham lam mưu cầu hạnh phúc, vậy lấy gì để hạnh phúc nếu không trả một giá tương đương? Thông thường người ta cho rằng nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, đấy là hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng có nỗi khổ khó nói riêng. Con cái, vợ chồng đều là niềm an ủi đồng thời cũng là nợ của nhau.

Để hóa giải phiền não, đau khổ đến từ cuộc sống, hiện nay có nhiều hình thức vui chơi, giải trí như các khu vui chơi giải trí, sống ảo trong các trò chơi online. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đấy là những trò chơi giúp thư giãn, lấp khoảng trống trong lòng người, nhưng nghĩ kĩ lại, đấy chỉ là thuốc làm tê liệt thần kinh tạm thời: trong thời gian ngắn ngủi, nó có thể làm thư giãn đầu óc, kích thích cảm giác qua các giác quan như mắt, tai... nhưng rốt cục càng đau khổ hơn vì không thể sống mãi trong thế giới ảo mà phải trở về thực tế. Giấc mộng càng đẹp thì tỉnh giấc càng phũ phàng. Cho nên, đấy không phải là hạnh phúc thực sự.

Thỏa mãn nhu cầu hạnh phúc như thế khác nào lấy nước mặn làm nước giải khát, càng uống càng khát. Giống như việc trẻ con đau mắt lấy tay dụi mắt, đỡ ngứa nhất thời nhưng càng dụi càng hỏng mắt. Từ đó, chúng ta thấy rằng những niềm hạnh phúc tạm bợ không chỉ là kết quả của đau khổ mà còn là nguyên nhân mới cho những khổ đau khác phát sinh.

Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy đời người vui ít khổ nhiều, con người tất bật một đời mưu cầu hạnh phúc bằng trăm phương nghìn kế. Tuy nhiên, họ chỉ có được cái bóng hạnh phúc chứ chưa từng hưởng thụ hạnh phúc đích thực, có khi càng tìm hạnh phúc càng lún vào vũng lầy khổ đau. Nguyên nhân chính của việc này là do họ không biết căn nguyên đau khổ đều do chính bản thân mình gây nên.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Đời Người Tự Tìm Trái Đắng