Home > Khai Thị Phật Học
Nguyện Thứ Tư Sám Hối Nghiệp Chướng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Phục thứ, thiện nam tử! Ngôn sám trừ nghiệp chướng giả: Bồ Tát tự niệm, ngã ư quá khứ, vô thỉ kiếp trung, do tham sân si, phát thân khẩu ý, tác chư ác nghiệp vô lượng vô biên. Nhược thử ác nghiệp hữu thể tướng giả, tận hư không giới, bất năng dung thọ. Ngã kim tất dĩ thanh tịnh tam nghiệp, biến ư pháp giới cực vi trần sát, nhất thiết chư Phật, Bồ Tát chúng tiền, thành tâm sám hối, hậu bất phục tạo, hằng trụ tịnh giới, nhất thiết công đức. Như thị hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, ngã sám nãi tận, nhi hư không giới nãi chí chúng sanh phiền não bất khả tận cố, ngã thử sám hối vô hữu cùng tận. Niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, thân ngữ ý nghiệp, vô hữu bì yểm.

(Lại này thiện nam tử! Nói sám trừ nghiệp chướng là: Bồ Tát tự nghĩ, tôi trong quá khứ, trong vô thỉ kiếp, do tham sân si, tạo vô lượng vô biên các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý. Nếu những ác nghiệp đó có thể tướng, cùng tận hư không giới chẳng thể chứa đựng được. Tôi nay đều dùng ba nghiệp thanh tịnh đối trước hết thảy chư Phật, Bồ Tát chúng trong cực vi trần số cõi trong khắp pháp giới thành tâm sám hối, về sau chẳng gây tạo nữa, luôn trụ tịnh giới, hết thảy công đức. Như thế hư không giới tận, chúng sanh giới tận, chúng sanh nghiệp tận, chúng sanh phiền não tận, tôi sám hối mới tận. Nhưng vì hư không giới cho đến phiền não của chúng sanh chẳng thể tận nên sự sám hối này của tôi chẳng có cùng tận. Niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn. Thân ngữ ý nghiệp chẳng có mệt chán)

Nghiệp là tạo tác. Tạo tác là Nghiệp. Phạm vi của tạo tác rộng lớn phi thường. Nhất cử nhất động nơi thân: tạo tác nơi thân là thân nghiệp, nói năng là khẩu nghiệp, trong tâm khởi ý niệm vọng tưởng từ sáng đến tối chẳng ngớt, đó là ý nghiệp. Chúng ta tạo nghiệp dẫu nhiều, nhưng quy nạp lại, chẳng ngoài ba nghiệp thân ngữ ý. Hễ ba loại nghiệp lớn này động bèn là tạo tác. Trong tạo tác có thiện, có ác.

Nghĩ đến một việc tốt, việc lợi ích chúng sanh thì là hảo sự, là thiện nghiệp. Nghĩ đến một chuyện xấu, niệm niệm chỉ vì mình thì là ác nghiệp. Vì tự mình thì có gì không tốt? Vì sao đức Phật nói đó là ác nghiệp? Mục đích học Phật là vượt thoát tam giới, khởi tâm động niệm chỉ vì mình thì quý vị không cách gì vượt thoát tam giới, thành Phật, thành Bồ Tát được! Bởi lẽ quý vị tạo nghiệp gây chướng ngại chính mình. Kinh Kim Cang nói: “Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát”. Niệm niệm có Ngã, chấp vào tướng Ta, đó là Ngã Chấp. Ngã Chấp chẳng phá thì đừng nói đến Bồ Tát, ngay cả quả A La Hán cũng chẳng đạt được. Tu học Phật pháp thành tựu quả báo thấp nhất là A La Hán. Phá Ngã Chấp bèn chứng A La Hán. Phá Pháp Chấp bèn chứng Pháp Thân đại sĩ, tức là minh tâm kiến tánh, chứng quả vị Bồ Tát. Đức Phật dạy chúng ta từ đầu đến cuối chỉ là phá Ngã Chấp và Pháp Chấp mà thôi. Khởi tâm động niệm đều nghĩ đến mình là ngày ngày tăng trưởng Ngã Chấp, chẳng thể vượt thoát tam giới; như vậy, niệm niệm vì mình chính là Ác. Khởi tâm động niệm nghĩ đến người khác, Ngã dần dần mất đi, Ngã Chấp bị phá. Niệm niệm nghĩ đến người khác là thiện, còn niệm niệm nghĩ đến mình là ác, đó là nghiệp chướng.

Có một loại chướng gọi là Phiền Não Chướng, khởi tâm động niệm đều là phiền não. Lại có một thứ chướng gọi là Sở Tri Chướng. Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng tánh chất bất đồng: Bản thân phiền não là chướng ngại; Sở Tri là trí huệ, bản thân nó chẳng phải là chướng ngại. Phật nói: Quá khứ, hiện tại, vị lai mười phương vô lượng vô biên thế giới, sự lớn việc nhỏ không gì quý vị chẳng biết, không gì quý vị chẳng làm được. Trí huệ của chúng ta vốn có năng lực lớn lao như thế, lớn như hư không pháp giới. Sở Tri chẳng phải là chướng, vấn đề là Sở Tri biến thành bất tri. Nói cách khác, nhất định có một thứ chướng ngại khiến cho đức năng của trí huệ bị ngăn trở, chướng ngại đó gọi là Sở Tri Chướng. Thứ chướng ngại ấy rốt cục là gì? Chướng ngại ấy chính là vô minh. Hiện tại chúng ta cái gì cũng không hiểu, cái gì cũng không rõ ràng. Vô minh là Sở Tri Chướng. Vô minh từ đâu mà có? Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tri kiến lập tri, thị vô minh bổn”: nếu cho mình là thông minh, có trí huệ, người khác chẳng hiểu biết như mình, Phật gọi đó là vô minh; thật ra, cái gì quý vị cũng chẳng biết cả. Bởi lẽ những gì tưởng là hiểu đó chỉ là Thế Trí Biện Thông (biện tài thế gian), chẳng phải là trí huệ chân chánh. Thế Trí Biện Thông chẳng những không phải là trí huệ, trong quá trình tu học, nó còn là một trong tám nạn. Mắc nạn là chướng ngại, tổ sư đại đức thường khuyên nhắc kẻ sơ học chẳng cần phải xem kinh điển nhiều, cũng chẳng cần phải nghe nhiều người giảng kinh thuyết pháp. Xem kinh càng nhiều, vọng niệm càng nhiều, biến thành Sở Tri Chướng, chướng ngại bổn tánh, chướng ngại quý vị mở mang trí huệ. Phật dạy chúng ta hãy từ một môn mà thâm nhập, tu định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều tu Định. Niệm A Di Đà Phật là tu Định, tôi dạy quý vị niệm kinh Vô Lượng Thọ không cần phải niệm kinh gì khác cũng là tu Định.

Sám hối là gì? Sám là Sám ma, là dịch âm tiếng Phạn. Hối là tiếng Trung Quốc. Chữ Sám Ma có ý nghĩa rất gần với chữ Hối Cải, bởi thế các vị pháp sư dịch kinh dùng chữ Sám Hối để dịch chữ Sám Ma, tức là Hoa Phạn hợp dịch. Biết lỗi ắt sửa, sau này chẳng tái phạm, là chân sám hối. Trong nhà Phật có không ít nghi quỹ sám hối, do cổ đức từ bi thương xót kẻ sơ học, dạy chúng ta phương pháp, nguyên tắc sám hối. Chúng ta cần phải hiểu tinh thần sám hối: Sám hối chẳng phải là đối trước Phật, Bồ Tát kể lại một lượt những lỗi lầm mình đã phạm hôm qua, ngày nay, cầu Phật, Bồ Tát tha thứ, xóa hết tội lỗi. Làm như vậy là sai rồi, nghĩ đến tội nghiệp một lượt thì cũng giống như lại tạo tội ấy một lần nữa. Làm thế nào để sám trừ nghiệp chướng được? Bất luận trót tạo tội nghiệp gì cũng đừng nghĩ đến nữa, cứ chắc thật niệm A Di Đà Phật, nhất định về sau chẳng tái phạm nữa thì nghiệp chướng mới thật sự sám trừ được.

“Bồ Tát tự nghĩ, tôi trong quá khứ, trong vô thỉ kiếp, do tham sân si, tạo vô lượng vô biên các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý. Nếu những ác nghiệp đó có thể tướng, cùng tận hư không giới chẳng thể chứa đựng được”: Đây là Phổ Hiền Bồ Tát tự nói về chính mình, Ngài còn như thế huống gì chúng ta? Chúng ta đời đời kiếp kiếp chất chứa ác nghiệp vô lượng vô biên. May là chủng tử ác nghiệp chất chứa trong A Lại Da Thức chẳng có thể tích. Nếu chúng có thể tích nhỏ bằng một hạt vi trần thôi thì những hạt vi trần chất chứa từ vô thỉ kiếp đến nay, hư không chẳng chứa đựng được nổi. Chúng ta tạo nghiệp, một ngày hai mươi bốn tiếng, chẳng gián đoạn phút giây nào. Lúc ngủ cũng nằm mộng tạo nghiệp! Trong những nghiệp đã tạo, ác nghiệp nhiều, thiện nghiệp ít. Nói chung, khởi tâm động niệm nghĩ đến mình thì nhiều, nghĩ đến người khác thì ít. Quá nửa là tổn người lợi mình, được mấy lúc tổn mình lợi người? Phản tỉnh kỹ càng, lời Bồ Tát quả là thiên chân vạn xác (ngàn vạn phần đúng đắn), chúng ta ác nghiệp rất nhiều, từ hôm nay trở đi, phải phát nguyện tu sám hối.

“Tôi nay đều dùng ba nghiệp thanh tịnh đối trước hết thảy chư Phật, Bồ Tát trong cực vi trần số cõi trong khắp pháp giới thành tâm sám hối, về sau chẳng gây tạo nữa, luôn trụ tịnh giới, hết thảy công đức”: Đây là Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp sám hối. Trước hết, quý vị phải có ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh. Đó là cơ sở để sám hối nghiệp chướng. Nếu không, nghiệp chướng chỉ càng tăng thêm, chẳng thể giảm thiểu. Ba nghiệp lấy ý nghiệp làm chủ. Tâm thanh tịnh thì thân và ngữ tự nhiên thanh tịnh.

Lục Tổ Thiền Tông là Huệ Năng đại sư sau khi đắc pháp nơi ngài Hoàng Mai, do huynh đệ của Sư chẳng phục, rượt đuổi muốn đoạt lại y bát. Trong số ấy có sư Huệ Minh, trước khi xuất gia là tướng quân tứ phẩm. Huệ Năng bị ông ta đuổi kịp, ẩn vào lùm cỏ bên đường, bỏ y bát trên tảng đá cho Huệ Minh lấy đi. Huệ Minh giơ tay nắm lấy y bát, giở lên không được. Y bát rất nhẹ, Tứ Phẩm tướng quân cầm chẳng nổi, trong tâm liền cảnh giác, biết là do thần hộ pháp giữ gìn nên sức người chẳng thể lay động nổi, bèn năn nỉ Huệ Năng đại sư bước ra, nói:

- Tôi chẳng vì y bát, vì cầu pháp mà đến.

Thấy chiều gió xoay bánh lái thật lẹ! Trước hết Huệ Năng đại sư dạy ông ta tịnh lại, định cái tâm lại đã. Sau khi tâm Huệ Minh định rồi, bèn hỏi Huệ Minh:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác (tâm thanh tịnh thì chẳng còn có ý niệm thiện hay ác), chính ngay trong lúc đó, cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh?

Do lời nói đó, Huệ Minh bèn đại ngộ. Ba nghiệp của ông ta thanh tịnh, nhân đó bèn đại ngộ. Ý niệm thiện ác chẳng khởi, tâm thanh tịnh hiện tiền. Huệ Minh ba nghiệp thanh tịnh, bèn đối trước Huệ Năng sám hối nghiệp chướng, nghiệp chướng thật sự tiêu trừ, tâm thanh tịnh hiện tiền, bèn minh tâm kiến tánh. Chỉ cần chuyển được ý niệm bèn khai ngộ chứng quả.

Tại gia cư sĩ lúc làm việc phải nỗ lực làm việc, làm việc xong, buông hết thảy vọng niệm xuống, điều gì cũng chẳng cần nghĩ tới nữa, thiện hay ác đều chẳng suy lường, dùng cái tâm thanh tịnh đó niệm Phật, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật, nghiệp chướng của quý vị sao không thể tiêu trừ cho được! Nghiệp chướng tiêu trừ, tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ, đối với công việc bình thường của quý vị, quý vị làm càng được viên mãn, càng tự tại. Lúc trước làm việc rất khổ, nay làm rất sung sướng. Trước kia thấy công việc rất phiền não, nay thấy công việc rất tự tại. Vì sao vậy? Là vì nghiệp chướng tiêu trừ rồi.

“Về sau chẳng gây tạo nữa”: Bình thường tiểu Bồ Tát tu hành, dạy quý vị sau này chẳng tái tạo nữa, còn Phổ Hiền Bồ Tát nói “về sau chẳng gây tạo nữa” có nghĩa là từ nay trở đi, phải gìn giữ cái tâm thanh tịnh, chẳng còn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nữa! Thiện hay ác đều chẳng suy lường, vĩnh viễn gìn giữ cái tâm thanh tịnh, vĩnh viễn dùng cái tâm thanh tịnh ấy để chấp trì danh hiệu, đó là chân chánh “về sau chẳng gây tạo nữa” thì mới có thể sám trừ nghiệp chướng; từ vô thỉ kiếp đến nay, nghiệp chướng dù nhiều dù nặng đều có thể sám trừ.

“Hằng trụ tịnh giới, hết thảy công đức”: Hằng là thường hằng, vĩnh viễn. Trụ là tâm ta an trụ trong giới thanh tịnh. Giới là pháp, trì giới là giữ pháp. Hằng trụ tịnh giới là vĩnh viễn dùng cái tâm thanh tịnh giữ pháp, dùng tâm thanh tịnh tuân thủ giáo pháp của Phật, tuân thủ pháp luật, quy định của quốc gia và quan niệm đạo đức của phong tục tập quán dân gian. Giữ pháp nhưng chẳng mất tâm thanh tịnh thì gọi là “hằng trụ tịnh giới, thành tựu hết thảy công đức”. Một phần công phu được một phần thâu hoạch, mười phần công phu được mười phần thâu hoạch.

Bồ Tát phát nguyện tu khoa mục “sám hối nghiệp chướng” này giống như phần trên “niệm niệm tiếp nối, chẳng có gián đoạn” dũng mãnh tinh tấn tu học, “thân ngữ ý nghiệp chẳng có mệt chán”: Ngài thành tựu vô lượng công đức thù thắng, tự nhiên chẳng có cảm giác mệt mỏi, chẳng thấy chán nản. Ngài đạt được công đức chân thật nên pháp hỷ sung mãn, đồng thời lại còn được hết thảy Như Lai oai thần gia trì. Chúng ta chiếu theo phương pháp này tu học cũng sẽ nhất định được chư Phật gia trì.