Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Bao-An-Cha-Me-Than-Quyen-Nen-Niem-Phat
Lúc người mới mất, sau khi chúng ta trợ niệm, thường hay phát hiện người được vãng sinh gương mặt tươi vui. Điều này biểu thị người ta tuy chết thần thức vẫn còn, chỉ cần họ nghe được âm thanh niệm Phật, thì sẽ sinh khởi tâm tín ngưỡng, tâm hoan hỷ, tâm thanh tịnh, liền có thể lìa khổ được vui, vãng sinh Tịnh độ.

Phật thất Thanh minh của chúng ta, còn gọi là Phật thất báo ân, cho nên hôm nay sẽ bàn về ý nghĩa của báo ân.

Theo quan niệm truyền thống của Phật giáo, ân có bốn loại là: ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia và ân chúng sinh.

Người Trung Quốc đặc biệt xem trọng ân dưỡng dục của cha mẹ, đối với ba ân kia dường như không xem trọng mấy. Bởi vì từ thời đại Tiên Tần khai thủy đã đề xướng hiếu đạo, Hiếu Kinh của Nho gia cũng từ quan điểm luân lý hiếu thân mà giảng về đạo lý lập thân, thực hành đạo đức giáo hóa mọi người, không chỉ hiếu thân mà còn luận bàn cả tiêu chuẩn làm vua thiên hạ. Do từ trong Ngũ luân lấy quan hệ cha mẹ con cái làm nền tảng và khởi điểm, cho nên hiếu với cha mẹ thân quyến rất là trọng yếu. Đời Hán từng đề xướng lấy hiếu lập quốc, bao gồm hiếu kính và liêm khiết. Người con hiếu ắt phải thanh liêm, muốn chọn bậc quan liêm khiết, khí tiết phải từ người con hiếu mà chọn. Cho nên nói chọn trung thần nơi cửa hiếu là vậy. Nếu là người con hiếu thảo nhất định đối với mọi người trong xã hội cũng phải có sự quan tâm chăm sóc. Ngược lại, một người nếu đối với cha mẹ mình không quan tâm, hoặc là kẻ nghịch tử, mà muốn họ chí công vô tư quan tâm đến nỗi khổ của nhân dân là điều rất khó thực hiện.

Thế nhưng đến xã hội cận đại, từ khi phương Tây “cách mạng công nghiệp” thì kết cấu của gia đình và xã hội chuyển đổi, quan niệm về luân lý bị phá sản, mỗi người tự lấy chế độ tiểu gia đình làm chính, chỉ biết lợi cho mình, khiến cho xã hội loài người càng thêm tai nạn. Xã hội Trung Quốc ở phương Đông cũng bị ảnh hưởng rất nặng, dần dần đối với quan niệm luân lý hiếu đạo xem là cổ hủ bảo thủ, quan hệ cha mẹ con cái dần dần lạnh nhạt. Cũng tức là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái chỉ còn ràng buộc nhau khoảng thời gian hơn mười năm trước khi thành niên. Sau khi con cái đã thành nhân, mỗi người tự lo kiếm sống, đối với cha mẹ không còn quan tâm gì nữa. Lại còn cho rằng cha mẹ nuôi con là trách nhiệm, con cái quan tâm đến cha mẹ là thi ân. Bởi vì con người là tự tư, thường vì tiền đồ của mình mà không đoái hoài đến việc sống chết và nhu cầu của cha mẹ.

Ngày nay tại xã hội Đài Loan, cũng không thể không đi theo con đường ấy. Tuy nhiên vẫn có những nhân viên chính phủ đang khuyến khích chế độ đại gia tộc như tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, nếu làm được như vậy sẽ được khen thưởng ưu đãi, song chỉ có một số ít người làm được, cũng chỉ có một số ít nhân viên chính phủ làm theo ý tưởng này. Bởi vì hoàn cảnh chung của toàn thể thế giới đã diễn biến như thế, chúng ta hy vọng phổ biến và khôi phục chế độ đại gia tộc của thời đại xã hội tiền nông thôn không phải là dễ.

Thế nhưng người Trung Quốc vẫn bảo tồn được phong tục tập quán đối với việc hoài niệm Tổ tiên, như tảo mộ vào tiết Thanh minh, thăm viếng lễ bái mộ Tổ, biểu thị lòng tưởng nhớ đối với Tổ tiên hoặc người thân quá cố. Chúng ta đối với phong tục này nên tán thán. Kỷ niệm Tổ tiên chính là uống nước nhớ nguồn, cũng tức là hiếu đạo, là niệm ân cảm ân. Tuy nhiên phong tục này mới chỉ là hình thức chưa phải là ý nghĩa báo ân thực sự. Vậy làm thế nào để Tổ tiên ta có được công đức?

Hôm nay có ba vị Cư sĩ từ phía Nam xa xôi đến Nông Thiền tự Đài Bắc để thăm tôi, tôi khuyên họ nên tham gia tùy hỷ niệm Phật một ngày, dùng công đức niệm Phật này hồi hướng cho Tổ tiên họ rất tốt, nhưng họ không quan tâm cho lắm. Nguyên nhân là họ thuộc ba thế hệ già lão, trung niên và thiếu niên, mỗi người có mộ Tổ của mình và bên ngoại, tranh thủ ngày nghỉ đi một vài nơi để tảo mộ lễ tổ, cho nên họ phải vội vã đi. Tôi khuyên họ: chỉ đi quét mộ thôi, ý nghĩa không lớn lắm. Tốt nhất là từ khi bắt đầu xuất phát tại Nông Thiền tự nên niệm Phật, đến trước mộ cũng niệm Phật, tại nghĩa trang niệm Phật, tảo mộ xong trên đường trở về nhà cũng nên niệm Phật; trước sau Thanh minh niệm Phật, ngày thường cũng niệm Phật. Một mặt đem công đức hồi hướng cho Tổ tiên, mặt khác hy vọng người quá cố ở trong cảnh u minh nghe được danh hiệu Phật cũng có thể tin Phật, học Phật, niệm Phật. Ba vị Cư sĩ sau khi nghe xong rất hoan hỷ. Tôi hy vọng họ nghe theo lời khuyên của tôi mà thực hành thì rất tốt.

Quý vị đến tham gia Phật thất Thanh minh báo ân, một mặt là tu hành, một mặt là vì báo ân. Người ta phần lớn vì Tổ tiên và người thân lập bài vị vãng sinh, đốt đèn vãng sinh, để làm gì? Là hy vọng họ tiếp thụ công đức niệm Phật, nếu chưa được chuyển sinh thì linh thể của họ đến chùa này, nghe chúng ta niệm Phật và khởi niệm cùng tu với chúng ta thì càng có ý nghĩa. Quý vị có tin không? Hiện tại có rất nhiều tiên vong quyến thuộc của quý vị đang nghe tôi khai thị. Nhất định phải tin. Nếu không, quý vị đến làm Phật sự niệm Phật như vầy, không phải là tự dối mình còn dối ai?

Vì sao chúng ta niệm Phật chính là báo ân? Đối với Tổ tiên và quyến thuộc quá cố có tác dụng gì? Rất đơn giản, lúc người mới mất sau khi chúng ta trợ niệm, thường phát hiện người chết tắt hơi rồi, nhưng gương mặt biểu lộ tình cảm vui tươi. Xưa nay người chết gương mặt thường xạm đen hay trắng xám, song lúc chúng ta vì họ trợ niệm chí thành khẩn thiết, thì mặt và môi người chết có phần hồng hào hơn, điều này biểu thị người tuy chết nhưng thần thức của họ vẫn nghe được tiếng niệm Phật của chúng ta. Chỉ cần nghe được tiếng niệm Phật liền sinh khởi tâm tín ngưỡng, tâm hoan hỷ và tâm thanh tịnh, thì có thể lìa khổ được vui, nhất định vãng sinh Tịnh độ. Cho nên chỉ có làm như vậy mới là báo ân chân chính.

Những quyến thuộc đã mất thấy chúng ta niệm Phật, cúng Phật, lạy Phật họ rất hoan hỷ. Bởi vì lúc niệm Phật không nói lời xấu, không làm việc xấu. Do lẽ đó khiến cho người mất đối với bạn an tâm buông xả, lại còn cảm thấy rất an ổn, cho nên dùng niệm Phật để kỷ niệm và siêu độ họ là phương pháp tốt nhất. Thực ra mỗi năm đến lúc Thanh minh tảo mộ chỉ đem hương, đốt đèn, đốt vàng mã, cúng hoa tươi v.v… không bằng đến tham gia cộng tu niệm Phật một lần. Nói thế không phải tôi phản đối việc tảo mộ, mà tôi chỉ khuyên nên niệm Phật tốt hơn nhiều. Ngoài lúc Thanh minh tảo mộ cũng nên đến tự viện tham gia tu hành niệm Phật báo ân bảy ngày, thì đối với người mất càng có ý nghĩa, càng có công đức. Cho dù là đến tùy hỷ niệm Phật một cây hương hoặc tham gia niệm Phật một ngày cũng rất tốt.

Tôi rất khâm phục lão Hòa thượng Đông Sơ tiên sư của tôi, Ngài di chúc để lại yêu cầu chúng tôi sau khi chôn hoặc thiêu đều không nên lưu lại tro cốt hoặc Xá Lợi để cúng dường, mà nên đem tán ra trộn với bột thả xuống biển cho cá ăn để kết duyên. Lúc Ngài còn tại thế từng nói với tôi: Làm người không nên ngu xuẩn quá lắm, đã biết đời sống đều là tướng giả tạm, sau khi chết lại còn làm mồ to mả đẹp, há chẳng đáng cười ư? Tôi bèn theo di chúc của Ngài mà làm. Thế nhưng sau khi hỏa thiêu tiên sư, phát hiện có rất nhiều Xá Lợi, tôi không dám làm nữa, lúc ấy rất nhiều tín đồ tranh nhau lấy. Có người thấy vậy nói với tôi rằng: Thưa Pháp sư Thánh Nghiêm, họ tranh nhau lấy Xá Lợi của Hòa thượng như thế, Trung Hoa Phật giáo Văn hóa quán của chúng ta có cần lưu lại một ít không? Tôi trả lời: Đã có những người lấy cúng dường như thế chẳng phải là rất tốt hay sao? Thế nhưng cuối cùng tôi cũng vẫn phải theo ý kiến của họ lưu lại một ít Xá Lợi của Hòa thượng cúng dường tại Tổ đường. Song tôi cũng thể hội được ý tứ của Lão Hòa thượng, Ngài không muốn chúng tôi lấy phong tục tảo mộ để kỷ niệm Ngài, mà là phải tuân theo di chí của Ngài để hoằng dương Phật pháp, tu hành theo lời Phật dạy chính là kỷ niệm Ngài, báo ân Ngài, điều này so với sự cúng dường Xá Lợi của Ngài hoặc dùng việc tảo mộ để kỷ niệm Ngài thì có ý nghĩa hơn nhiều.

Hiện nay tôi kế thừa di chí của Hòa thượng, dùng Đạo tràng của Ngài để lại, ngoài việc tu hành bản thân còn hoằng dương Phật pháp, chỉ đạo tu hành, dùng cách thức này để thay thế việc tảo mộ, làm kỷ niệm thì công đức càng lớn hơn. Thứ công đức này cũng không phải xuất phát nơi tôi, mà là do cái nhìn xa thấy rộng của Hòa thượng.

Quý vị có biết năm nay tôi bao nhiêu tuổi không? (Đại chúng mặc nhiên lắc đầu). Bởi vì từ trước tới nay tôi không tổ chức sinh nhật, cho nên cũng quên mất mình bao nhiêu tuổi. Từ khi tôi ghi chép tư liệu truyện ký mà xét thì năm nay tôi đã 64 tuổi rồi, tôi vẫn có thể có 64 năm khác để sống không? Không thể! Quý vị cho là có thể nhưng tôi thì không tin như vậy. Do đó hôm nay tôi cũng tuyên bố: Sau khi tôi chết, không được chôn, cũng không được để vào trong tháp cốt hoặc tháp Xá Lợi, không thu Xá Lợi đem về cúng dường, tôi cũng muốn học theo Hòa thượng tiên sư của tôi. Khi tôi chết hàng đệ tử đem tôi hỏa thiêu, sau đó nghiền nát tro cốt rải trên Pháp Cổ Sơn. Hòa thượng tiên sư muốn tôi đem tro cốt của Ngài rải xuống biển, lại bị trắc trở, riêng tôi thì quý vị không được tự ý đem tro cốt rải xuống biển. Tôi không muốn làm phiền các đệ tử, cứ đem rải trong rừng trên Pháp Cổ Sơn, trải qua thời gian gặp mưa theo nước chảy xuống các khe nước, rồi chảy ra biển cả. Tôi không muốn lưu lại thứ gì hết, chỉ hy vọng lưu lại hai câu:

“Đề cao phẩm chất con người

Kiến thiết Tịnh độ nhân gian.”

Nếu có thể thực hành được hai câu này tức là đã kỷ niệm tảo mộ tôi. Quý vị hiện nay đã hộ tôi tảo mộ sống, đúng không? Đức Thích Ca nhập Niết bàn hơn 2500 năm. Chúng ta là đệ tử rất khó mà đến được chỗ hỏa thiêu của Ngài để tảo mộ, mà chỉ có cách vâng theo lời dạy của Ngài, hoằng dương Phật pháp cúng dường Tam bảo để kỷ niệm Ngài. Đó mới là việc làm đầy đủ ý nghĩa, mới chính là Phật tử chân chính.

Phương pháp báo ân tốt đẹp nhất là dùng thân thể mà cha mẹ đã tạo ra chúng ta, để làm những việc có lợi ích cho mình và cho chúng sinh, nói những lời có lợi ích cho mình và chúng sinh, nghĩ những gì có lợi ích cho mình và chúng sinh, đó mới là báo ân chân chính. Quý vị há chẳng nghe qua hai câu: “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” sao? Trên thực tế một mặt chúng ta nên phụng hiến thân mình để làm lợi ích chúng sinh; mặt khác, chúng ta cũng phải uống nước nhớ nguồn, tri ân báo ân. Các bậc đại đức cao tăng xuất gia cho đến hàng đại thiện tri thức tại gia thường hay nói câu: “Vì báo đáp ơn sâu Tam bảo, thề nguyện mãi về sau hiến thân mạng mình, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh, hoằng dương Phật pháp, hộ trì Tam bảo”. Ý này cũng tức là nói: Ân Tam bảo chúng ta không cách gì báo đáp, chỉ phải đem những gì mình biết, mình có để làm công tác học pháp, hoằng pháp và hộ pháp, mới thực là báo ân.

Quý vị đến đây tham gia Phật thất Thanh minh, tức là tu học Phật pháp, hộ trì Tam bảo, cũng tức là báo ân. Quý vị nhất định phải biết câu: “Thừa tiên khải hậu” (kế thừa người đi trước, khai mở cho người sau). Chúng ta kế thừa di ấm và phước trạch của Tổ tiên, bao quát thân thể của chúng ta và hoàn cảnh sinh tồn, lịch sử của chúng ta và di sản văn hóa, chúng ta phải có trách nhiệm phát huy công năng tự lợi lợi tha, khiến cho di trạch của Tổ tiên tồn tại mãi, đó mới thực là phương pháp báo ân tốt nhất. Thời quá khứ rất nhiều người Trung Quốc chỉ biết cha truyền con nối, vì Tổ tiên giữ “hương hỏa”, nhưng lại không biết phát dương hương thơm đức hạnh của Tổ tiên thêm sáng rỡ, vì Tổ tiên làm tăng ánh sáng đức hạnh, vì đời sau làm thêm phước, đó mới là sự truyền thừa tốt đẹp nhất. Không phải chỉ có lấy việc đốt hương, đốt giấy tiền để kỷ niệm Tổ tiên mới gọi là “thừa tiên khải hậu”. Tín đồ Phật giáo chúng ta nên lấy việc tu học Phật pháp, tịnh hóa xã hội, để báo đáp ân đức của Tổ tiên.

Ba năm trước tôi trở về Đại lục thăm người thân, gặp chị dâu thứ ba của tôi, chị ấy lặp đi lặp lại: Chú thấy đấy, tôi đã sinh cho họ Trương năm đứa con. Ý của chị ta nói là tôi xuất gia không có sinh cho dòng họ đứa con nào thật là bất hiếu. Chị ta đã sinh cho họ Trương chúng tôi những đứa con như thế mới trọn vẹn hiếu đạo. Tôi cười và nói: “Thật là cực khổ cho chị quá”. Đối với vấn đề này, tôi muốn hỏi quý vị, như tôi xuất gia làm Pháp sư như vầy, trọn đời tu học Phật pháp, quan tâm đến đại chúng, phục vụ cho mọi người, đối với cha mẹ tôi mà nói không phải là hiếu thuận và báo ân sao?
 
Trích từ: Niệm Phật Sinh Tịnh Độ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
3 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
4 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
5 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
6 Lá Thư Tịnh Độ, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
7 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
8 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
9 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
10 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
11 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
12 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
13 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Bốn Thứ Tâm Của Pháp Môn Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Bốn Loại Tịnh Độ Tùy Bạn Thích
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Siêu Độ Kẻ Còn Người Mất
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm