Home > Khai Thị Phật Học > A-Lai-Da-Thuc
A Lại Da Thức
Hòa Thượng Thích Quảng Độ


(阿賴耶識) A lại da, Phạm: Àlaya. Là một trong tám thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạtna, a lại da), một trong chín thức (tám thức và thức A ma la) Còn gọi là A la da thức, A lê da thức, A lạt da thức. Gọi tắt là Lại da, Lê da. Các nhà dịch cũ gọi là Vô một thức , các nhà dịch mới gọi là Tàng thức. Hoặc gọi là Đệ bát thức, Bản thức, Trạch thức. Vô một thức hàm ý là nắm giữ các pháp mà không mê mất tâm tính; vì nó là gốc rễ của các pháp, cho nên gọi là Bản thức, vì nó là tác dụng mạnh nhất trong các thức, cho nên cũng gọi là Thức chủ.

Thức này là gốc của vũ trụ vạn hữu, ngậm chứa muôn vật khiến cho không bị mất mát, cho nên gọi là Tàng thức. Lại vì nó là hạt giống có khả năng ngậm chứa và sinh trưởng muôn vật, cho nên cũng gọi là Chủng tử thức (thức hạt giống). Ngoài ra, A lại da cũng được gọi là Sơ sát na thức, Sơ năng biến, Đệ nhất thức. Vì ở sát na đầu tiên khi muôn vật trong vũ trụ sinh thành, thì duy chỉ có thức thứ tám này mà thôi, cho nên gọi là Sơ sát na thức. Mà thức này cũng là tâm thức hay biến hiện ra các cảnh, cho nên cũng gọi là Sơ năng biến.

Từ gốc đến ngọn, nó được kể là thứ nhất, cho nên gọi Đệ nhất thức. Do ở nơi thức A lại da mới có thể biến hiện ra muôn vật, vì thế, các nhà Duy thức học chủ trương hết thảy vạn hữu đều bắt nguồn từ thức A lại da, đây cũng là một thứ Duy tâm luận. Còn như thức A lại da là chân thức trong sạch hay là vọng thức nhơ bẩn, thì đây là một vấn đề lớn đã được bàn đến rất nhiều trong giới Phật học. Cứ theo luận Nhiếp đại thừa quyển thượng phần đầu trích dẫn thuyết trong kinh Tăng nhất a hàm, và luận Câu xá quyển 16 rích dẫn thuyết trong Khế kinh (hoặc chỉ kinh Tạp a hàm), thì có thể thấy manh nha tư tưởng A lại da đã bắt nguồn từ thời đại Phật giáo nguyên thủy.

Cứ theo luận Chuyển thức, luận Nhiếp đại thừa quyển thượng phần đầu, kinh Phật bản hạnh tập quyển 33, luận Câu xá quyển 16, luận Đại tì bà sa quyển 145 v.v... nói, thì các sư của thời đại Bộ phái Phật giáo đều dựa vào thuyết Ái dục duyên khởi mà giải thích A lại da là ái trước, tham ái, hoặc là ái, lạc, hân, hỉ v.v... Nhưng đến thời đại Phật giáo Đại thừa, thì lần lượt có ngài Mã minh viết luận Đại thừa khởi tín để bàn và giải thích nghĩa của thức A lại da, rồi đến các ngài Di lặc, Vô trước, Thế thân cũng đều làm luận để phát huy thuyết Duy thức duyên khởi, chủ trương hết thảy muôn vật đều bắt nguồn từ thức A lại da, mà thành lập hệ thống tư tưởng của triết học Duy thức. Trong đó, ngài Vô trước dựa vào kinh A tì đạt ma đại thừa, kinh Giải thâm mật để giải thích và cho rằng thức căn bản thứ tám (thức A lại da) là quả thể tổng báo của hữu tình, đồng thời, trong tác phẩm Hiển dương thánh giáo luận quyển 17, ngài Vô trước đã nêu ra tám lý do để biện chứng cho sự tồn tại của thức A lại da.

Lại trong Nhiếp đại thừa luận quyển thượng phần đầu, ngài Vô trước chia thức A lại da làm ba loại là Tự tướng, Nhân tướng và Quả tướng, và cho hai cảnh giới mê, ngộ đều do những hạt giống được ươm (huân tập) trong thức A lại da phát sinh, đây tức là thuyếtChủng tử huân tập, cũng tức là thuyết chủ trương thức A lại da là chân vọng hỗn hợp. Lại tác phẩm Duy thức tam thập tụng của ngài Thế thân, đến thời đại Duy thức chia dòng, có hai mươi tám nhà chú thích, mà trội hơn cả thì có các bản chú thích của mười vị đại luận sư Hộ pháp, An tuệ v.v...

Ngài Huyền trang lấy bản chú thích của ngài Hộ pháp làm chính, rồi hỗn hợp thuyết của các luận sư khác mà biên dịch nên bộ luận Thành duy thức 10 quyển, đối với tư tưởng Duy thức ở Trung quốc, Hàn quốc và Nhật bản, đã có ảnh hưởng rất sâu xa. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2, thì thức A lại da có đủ ba nghĩa là Năng tàng, Sở tàng và Chấp tàng. 1.Năng tàng, nghĩa là, trong tự thể thức thứ tám ngậm chứa các hạt giống của hết thảy muôn pháp. 2.Sở tàng, nói theo nghĩa hiện hành ươm hạt giống, thì thức này cũng tức là chỗ để cho bảy chuyển thức ươm hạt giống của muôn pháp. 3.Chấp tàng, nghĩa là, thức thứ tám thường bị thức mạt na thứ bảy chấp bậy làm thực ngã, thực pháp, vì thế cũng gọi là Ngã ái chấp tàng.

Ngoài ra, sư Khuy cơ dựa theo những điều được trình bày trong luận Thành duy thức, rồi trong Thành duy thức luận thuật kí quyển 2 phần cuối từ ba tướng Tự tướng, Nhân tướng và Quả tướng mà đề xuất ba vị thức thể của A lại da, đó là: 1. Ngã ái chấp tàng hiện hành vị, chỉ tự tướng của thức thứ tám. Vì từ vô thủy đến nay, thức thứ tám thường bị thức thứ bảy chấp làm ngã, cho nên gọi là Ngã ái chấp tàng vị. Từ phàm phu, đến các Bồ tát dưới Thất địa, hoặc các bậc Thánh hữu học trong Nhị thừa, đều thuộc vị này. 2. Thiện ác nghiệp quả vị, chỉ quả tướng của thức thứ tám. Vì từ vô thủy đến nay, do nghiệp thiện ác của thức thứ tám mà đưa đến quả dị thục, cho nên gọi là Thiện ác nghiệp quả vị. Vị này suốt đến tâm kim cương của hàng Bồ tát Thập địa hoặc các bậc Thánh vô học của Nhị thừa. 3. Tương tục chấp trì vị, chỉ Nhân tướng của thức thứ tám. Vị này thông đến Phật quả và suốt đến vị lai vô tận. Vì thức thứ tám nắm giữ hạt giống sắc, tâm của muôn pháp, khiến năm căn không dứt mất, cho nên gọi là Tương tục chấp trì vị. Nương vào đó mà từ phàm phu đến Phật mới thực hiện được cuộc chuyển mê khai ngộ, nó là nơi nương tựa của chúng sinh, vì thế, thức A lại da còn được gọi làSở tri y .

Tư tưởng Duy thức của ngài Hộ pháp được học trò là luận sư Giới hiền truyền cho ngài Huyền trang, nhờ đó mà thịnh hành ở Trung quốc. Tại Trung quốc, các tông phái đối với thức A lại da cũng có nhiều thuyết khác nhau, chẳng hạn như: 1.Tông Địa luận, lấy Thập địa kinh luận của ngài Thế thân làm căn cứ chủ yếu. Chủ trương thức A lại da là thức chân thường thanh tịnh, cũng như Phật tính Như lai tạng. 2.Tông Nhiếp luận, lấy luận Nhiếp đại thừa của ngài Vô trước làm căn cứ chủ yếu (bản dịch của ngài Chân đế). Chủ trương Như lai tạng duyên khởi cho thức A lại da là pháp vô thường hữu lậu, là nguồn gốc của hết thảy phiền não, đồng thời, ngoài tám thức trước ra, lại thêm thức A ma la nữa thành thức thứ chín, và cho tám thức trước là hư vọng, thức thứ chín là chân thực.

Tuy nhiên, ngài Chân đế cũng tham chước luận Đại thừa khởi tín, mà cho thức A lại da là thức vôkí vô minh tùy miên ., là thức chân vọng lẫn lộn, cho thức thứ tám có đủ nghĩa tính hiểu biết là chân, có đủ nghĩa quả báo là vọng, cho nên tư tưởng của ngài Chân đế là dung hợp cả hai thuyết chân vọng mà thành. 3.Tông Pháp tướng duy thức, lấy luận Thành duy thức làm căn cứ chủ yếu. Ngài Huyền trang là đại biểu cho các nhà dịch Duy thức mới, bác thuyết Như lai tạng duyên khởi, chủ trương A lại da duyên khởi, đồng thời, lập ra năm loại chủng tính, bảo nhân, pháp đều không. Loại luận thuyết mới này, không những khiến cho tư tưởng Duy thức tại Trung quốc phát sinh một chuyển biến lớn, mà cũng còn ảnh hưởng đến cả tư tưởng Duy thức tại Nhật bản nữa. [X. kinhNhập lăng già Q.2, Q.7; luận Quyết định tạng Q.thượng; Pháp hoa huyền nghĩa Q.5 phần dưới; Trung quán luận sớ Q.7 phần đầu. Đại thừa nghĩa chương Q.3 phần cuối; Hoa nghiêm khổng mục chương Q.1; Duy thức liễu nghĩa đăng Q.4 phần đầu]. (xt. Lại Da Tam Tướng, Lại Da Tứ Phần).
 

Trích từ: Phật Quang Đại Từ Điển