Home > Khai Thị Phật Học > Thuc-Va-Tri
Thức Và Trí
Hòa Thượng Thích Huyền Vi


Cùng toàn thể Tăng Ni và quý vị Phật Tử thân mến:

Mục đích của chúng ta, những người tu hành và tu Phật tại gia, là nương theo giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni để tìm một con đường giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi trong thế giới Ta Bà đầy khổ đau và uế trược này, hoặc trong khi còn phải mang cái thân ngũ uẩn, cũng có thể sống một cách cao thượng và thánh thiện, gột bỏ được những phiền não xâu xé, dày vò chúng ta từng giờ, từng phút.

Trong thời pháp khai thị hôm nay, Thầy sẽ nói rõ cho quý vị, nhất là với Tăng Ni, con đường nào là con đường dẫn chúng ta đi vào sanh tử luân hồi, trôi lăn trong sông mê bể khổ; con đường nào là con đường dẫn dắt chúng ta đến các quả vị Thánh, thoát khỏi vòng luân chuyển của lục đạo nan đương.

Có hai con đường, hay nói cho đúng hơn, có hai cách sống để quý vị lựa chọn:

Cách sống thứ nhất: Là sống bằng Thức hay sống với Thức. Đó là cách quý vị đang sống; Cách sống này là cách sống tầm thường của hạng phàm phu. Cách sống này chắc chắn sẽ hướng dẫn quý vị tiếp tục tạo nghiệp, để rồi khi từ bỏ cái báo thân này, sẽ lại bị nghiệp dẫn trở lại lặn lội trong sáu nẻo luân hồi.

Cách sống thứ hai: Là sống bằng trí hay sống với Trí. Sống theo cách này, quý vị sẽ dứt bỏ được mọi phiền não trong đời sống hiện tại, gieo trồng chủng tử cho quả vị Thánh, Phật và rốt ráo, sẽ giúp quý vị giải thoát sanh tử, đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Cách sống này là con đường chư Phật, chư Bồ Tát đã lựa chọn, đã thực hành, đã chứng, và đã đạt được mục đích tối hậu: Thành Phật, thành Bồ Tát, ra khỏi vòng Sanh Diệt.

Do đó, hôm nay Thầy sẽ giảng về hai chữ Thức (Vijnàna) và Trí (PrajĐàna ca), để quý vị tùy nghi ứng dụng trong mục đích tiến tu đạo nghiệp. Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Quý vị hãy tự mình lựa chọn, tự mình tu hành, không ai có thể sống giùm hay tu giùm cho quý vị. Vậy Thức và Trí là gì? Trí và Thức là một hay là hai? Trí và Thức từ đâu mà có?

Giải thích một cách đơn giản, Trí và Thức đều chỉ cho cái ‘khả năng hiểu biết và phân biệt’ của mọi loài chúng sanh hữu tình. Thực ra, Trí và Thức chỉ là một. Nếu cần phải thí dụ cho dễ hiểu hơn thì Trí được ví như nước, và Thức được ví như Sóng. Con mắt phàm phu thì thấy có hai, vì nước có tướng yên tĩnh lặng lẽ và sóng thì chuyển động, ồn ào. Nhưng cả hai đều có một thể tánh giống nhau. Đó là Tánh ƯỚT. Nước cũng ướt mà sóng cũng ướt. Ướt vì nước hay ướt vì sóng cũng chỉ là ướt, không có gì khác nhau, nên nói nước và sóng chỉ là một. Lìa nước không có sóng và ngược lại, lìa sóng cũng không có nước.

Như vậy, tại sao lại có phân biệt giữa Thức và Trí? Bởi vì có Thánh có Phàm nên có phân biệt. Chư Phật, chư Bồ Tát dùng sự hiểu biết của mình để thương xót chúng sanh, đang chịu luân hồi lục đạo nan đương, không biết tìm đường nào ra khỏi, nên các Ngài thị hiện để cứu vớt, giáo hóa chúng sanh. Các Ngài làm việc gì, nói lời gì, cũng vì lợi ích cho chúng sanh, hướng dẫn chúng sanh sống một cuộc sống có hạnh phúc chơn thật, sống một cuộc đời thánh thiện. Do đó mà nói là hàng Thánh giả sống với sự hiểu biết của trí tuệ.

Kẻ phàm phu dùng sự hiểu biết của mình để so đo hơn thiệt, để thương, để ghét, để ganh tỵ, làm việc gì, nói lời gì cũng chỉ muốn lợi ích riêng cho mình, thậm chí còn sanh tâm ác độc muốn hại sinh mạng của chúng sanh khác để thỏa mãn dục vọng thấp hèn của mình; chỉ bo bo ôm lấy cuộc đời nay vui mai khổ mà cho là chơn thật, hạnh phúc; từng giây, từng phút, tạo không biết bao nhiêu ác nghiệp. Sống như vậy thì khi nào thành Thánh được? Do đó mà nói hạng phàm phu sống với thức.

Trong Kinh Văn, thức được định nghĩa là ‘Minh liễu phân biệt’, nghĩa là sự hiểu biết có khả năng phân biệt rõ ràng, rốt ráo mọi sự mọi vật, nhưng vì vô minh mà khả năng phân biệt rốt ráo đó bị che lấp đi nên con người phàm phu của chúng sanh  chỉ có thể nhìn thấy những sự vật trong cái giả tướng giả danh của nó, rồi cho rằng cái giả tướng giả danh đó là thật.

Nói cách khác, thức chỉ có thể nhận thức được những hiện tượng hiện hữu trong thế gian (pháp hữu lậu). Thức cũng có khả năng hướng dẫn con người thực hiện những phát minh vĩ đại về khoa học và kỹ thuật như kỹ thuật khám phá không gian như chế tạo phi thuyền Liên Hành Tinh, khoa học kỹ thuật về thông tin như Kỹ Thuật Điện Toán tinh vi, kỹ thuật phân tách sự cấu tạo của vật chất trong vũ trụ v.v... Những khám phá đó, dưới lăng kính Phật giáo, chỉ là những kiến thức hữu lậu, nghĩa là còn nằm trong phạm trù của sanh diệt. Những khám phá hay văn minh khoa học kỹ thuật, cơ khí, dù có tiến bộ vĩ đại tới mức nào cũng chỉ nhằm mục đích vị kỷ, phục vụ cho dục vọng vật chất thấp hèn của con người mà không biết rằng con người, ngoài phần vật chất còn có phần tâm linh và chính phần tâm linh mới là chủ tể của những hành động, những cảm thọ và tư tưởng của con người.

Cũng vì cái mục đích vị kỷ đó mà thức, không những đã không thể đem đến cho con người một đời sống thánh thiện, cao thượng trong tinh thần đại từ đại bi, biết tôn trọng sự sống của các loài chúng sanh hữu tình khác như động vật, hoặc của các loài chúng sanh vô tình như thực vật hay khoáng vật; mà nhiều khi còn là động lực phát khởi lòng tham dục của con người, là nguồn gốc của những cuộc chiến tranh sát hại nhân loại và môi sinh thiên nhiên.

Trong đời sống con người, thức có thể làm cho con người trở nên các nhà thông thái, đại trí thức nhưng cũng có thể biến các nhà đại trí thức đó thành ác quỷ. Thức có khả năng xúi giục con người hành động tàn ác nhứt, vì Thức là Quả của   Nhân Vô Minh và Hành trong lý Thập Nhị Nhân Duyên.

Con người, nếu chỉ biết sống bằng thức hay sống với thức sẽ không có hy vọng gì chuyển được cái nghiệp đã tạo từ nhiều đời nhiều kiếp để tiến tới giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Dù đã biết rằng Thức sẽ xô đẩy chúng ta vào những trạng huống đáng sợ như vậy mà mấy ai trong chúng ta đủ hiểu biết rời bỏ cái Thức? Thầy sẽ triển khai thêm những tai hại của Thức trong đời sống tu hành của quý vị khi giảng tới Tám Thức của chúng sanh hữu tình trong phần sau.

Trí hay nói cho đủ là trí tuệ (PrajĐàna)  được nhà Phật định nghĩa là ‘Giác Ngộ Trí Năng’ nghĩa là sự hiểu biết sáng suốt (không còn một mảy mê mờ) của năng lực trí tuệ. Muốn bước vào địa hạt tâm linh hay địa hạt của thế giới vô hình (cõi Vô Sắc) hay cao hơn nữa là vào cảnh giới xuất thế gian (trạng thái Niết Bàn, Vô Sanh), con người phải biết sử dụng đến tận mức khả năng của trí tuệ (Ba La Mật). Chư Tổ Sư đạt được Đạo, Chư Bồ Tát, chư Phật phát được đại nguyện độ tận chúng sanh cũng do phát triển được tận mức năng lực trí tuệ.

Trong pháp tu Lục Độ, Trí Tuệ Ba La Mật là pháp môn cuối cùng phải vượt qua để bước lên quả vị Bồ Tát. Quý vị Tăng Ni và Phật tử thọ giới Bồ Tát, không có nghĩa là quý vị có thể trở thành Bồ Tát. Đó chỉ là sự hứa nguyện sẽ thực hiện các hạnh Bồ Tát để gieo nhân giải thoát mà thôi, bởi vì quý vị còn thiếu trí tuệ của Bồ Tát. Phát huy được Trí Tuệ Ba La Mật để bước lên quả vị Bồ Tát còn tùy thuộc vào công năng tu tập hàng phút, hàng giờ, hàng ngày, nghĩa là quý vị phải đem cái trí tuệ vào trong cách sống của quý vị trong từng sát na. Trong khi thức là sự hiểu biết hữu lậu thì trí tuệ được coi là sự hiểu biết vô lậu. Chỉ có cách sống bằng trí tuệ vô lậu mới có khả năng đưa chúng ta ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Thức do đâu mà có, và chúng sanh hữu tình có mấy thức?

Sau khi tọa thiền dưới cội Bồ Đề 49 ngày, Ngài chứng được Nhất Thiết Trí, biết được luật Nhân Quả và Lý Thập Nhị Nhân Duyên của nhân sanh và vũ trụ.

Giáo lý nhà Phật nói rất rõ ràng: Không có một sự vật nào trong thế gian này lại ngẫu nhiên hay tự nhiên mà có. Cũng không có một nhân vật thần linh siêu thế nào tạo tác ra các hiện tượng (pháp). Các pháp dầu hữu hình hay vô hình, dầu to lớn như sơn hà đại địa hay nhỏ như lân hư trần đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra. Con người và những gì liên quan đến con người (phần vật chất và phần tinh thần) cũng không ngoài cái luật thiên nhiên đó. Thập Nhị Nhân Duyên là 12 nhân duyên như sau

1) Vô minh. 2) Hành. 3) Thức. 4) Danh sắc. 5) Lục Nhập. 6) Xúc. 7) Thọ. 8) Ái. 9) Thủ. 10) Hữu. 11) Sanh và 12) Lão tử.

Như quý vị đã thấy thức là nhân duyên sanh ra ba trong chuỗi 12 Nhân Duyên. Chuỗi 12 nhân duyên ví như một sợi dây xích có 12 mắt xích.

Mắt thứ nhất là nhân để hòa hợp với các điều kiện cần thiết (Duyên) mà sanh ra mắt thứ hai, nên nói mắt  thứ hai là Quả (kết quả của sự hòa hợp của nhân và duyên).

Mắt thứ hai lại là nhân cho quả ở mắt thứ ba và cứ như thế... Luật Nhân Quả và Nhân Duyên vận hành tuần tự cho đến mắt xích thứ 12; rồi nếu con người không tự giải phóng mình ra khỏi vòng sanh tử luân hồi thì Thập Nhị Nhân Duyên lại bắt đầu chu kỳ tạo tác mới của loài hữu tình.

Thức là Quả của mắt xích Vô Minh và Hành nên khi thức được sanh, trong thức đã có chủng tử (Nhân) của Vô Minh. Vô Minh là sự tối tăm mờ mịt, mê muội nên Thức (nghiệp thức) lại dẫn con người tiếp tục tạo nghiệp bằng thân, miệng và ý trong cuộc đời hiện hữu, để khi rời bỏ cái báo thân hiện tại, lại bị nghiệp dẫn dắt trở về luân chuyển trong sáu nẻo luân hồi. Vì thức là quả của cái nhân hữu lậu nên thức không thể đưa con người ra khỏi luân hồi. Muốn ra khỏi luân hồi, thì thức hữu lậu phải được chuyển thành thức vô lậu. Khi Thức đã trở thành vô lậu thì không còn được gọi là thức mà được gọi là trí tuệ vô lậu. Thầy sẽ nói rõ hơn về cách chuyển từ thức hữu lậu thành trí vô lậu trong phần sau.

Thức có mấy thứ? Trong Duy Thức Học, Bồ Tát Thế Thân đã phân tách rồi đúc kết thành 8 Thức, gồm có:

1) Nhãn Thức, là sự hiểu biết của mắt.

2) Nhĩ Thức, là  sự hiểu biết của tai.

3) Tỷ Thức, là sự hiểu biết của mũi.

4) Thiệt Thức, là sự hiểu biết của lưỡi.

5) Thân Thức, là sự hiểu biết của thân.

6) Ý Thức, là sự hiểu biết của ý.

7) Mạt Na Thức, là sự hiểu biết của thức mạt na.

8) A lại Da Thức hay Tàng Thức, là sự hiểu biết của thức A lại Da.

Năm thức đầu, Duy Thức Học gọi là tiền ngũ thức, (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, và Thân) nương vào 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, làm căn cứ phát sanh sự hiểu biết, nên những giác quan này được gọi là Căn. Những căn này vì hiển hiện ra ngoài nên Duy Thức Học gọi là Phù Trần Căn.

Ba Thức sau, Ý, Mạt Na và A Lại Da không có hình tướng làm Căn. Theo Duy Thức Học, thì thức thứ sáu (Ý thức) nương theo thức thứ bảy (Mạt Na thức) làm Căn, nên Mạt Na thức còn được gọi là Ý Căn.

Thức thứ bảy (Mạt Na Thức) lại dùng kiến phần (sự hiểu biết) của thức thứ tám (A Lại Da) làm căn để chấp Ngã, chấp Pháp.

Thức thứ tám (A Lại Da thức) được người Trung Hoa dịch là Tạng Thức hay Tàng Thức, nghĩa là cái kho để chứa nhóm những chủng tử do Mạt Na Thức (còn gọi là Truyền Tống Thức) huân tập vào. Người ta ví A Lại Da thức như một ông chủ, vì thức này giữ quyền thâu vào và phát ra những chủng tử của 7 thức trước.

Trong Thập Nhị Nhân Duyên, Thức là nhân và duyên của Danh Sắc (mắt xích thứ tư). Danh là phần tinh thần hay cũng gọi là tâm. Cũng như thức, tâm là ‘cái hiểu biết phân biệt’ của con người. Tâm chỉ có tên, nên gọi là danh. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn hay màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, nên không thể dùng mắt mà ‘thấy’ được tâm, không thể dùng tai mà ‘nghe’ được tâm, cũng không thể dùng chân tay mà rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó nên biết có tâm. Vì các thức cũng là ‘cái hiểu biết phân biệt’ như tâm nên Duy Thức Học gọi tám thức này là Bát Thức Tâm Vương. Đức Phật dạy: Vì tám thức này mà sanh ra vạn Pháp (Kinh văn: Tam giới duy Tâm, Vạn Pháp duy Thức), nên gọi tám thức này là Vương (Vua). Thức còn được gọi là vọng tâm vì chỉ hiểu biết những chuyện không thiệt.

Để nói lên cái công dụng của tám thức, Duy Thức Học có một bài kệ như sau:

Bát cá đệ huynh, nhất cá si,

Độc hữu nhất cá tối linh ly,

Ngũ cá môn tiền tác mãi mại,

Nhất cá gia trung, tác chủ y.

Thầy tạm dịch xuôi nghĩa bài kệ này trước, và sẽ giảng từng câu trong bài kệ sau:

Trong tám anh em, có một người u mê nhất,

Chỉ có một người cực kỳ lanh lợi,

Năm người trước cửa làm việc mua bán,

Có một người trong nhà đứng làm ông chủ.

Bây giờ, Thầy sẽ giảng từng câu:

Câu thứ nhất: ‘Trong tám anh em có một người u mê nhất’.

Tám anh em là nói tới tám thức. Một người u mê nhất, là để chỉ thức thứ bảy, Mạt Na Thức. Tại sao lại là u mê nhất? Bởi vì cái hiểu biết của thức này không có môn gì khác hơn là chấp ngã. Bất cứ chuyện gì tới, thức này cũng nhận đó là ta, của ta rồi đưa vào (truyền tống) A Lại Da Thức để tàng trữ, không cần suy luận gì hơn, hay nếu có suy luận thì cũng chỉ suy nghĩ làm sao cho có lợi cho mình (Ta) mà thôi. Vì chỉ biết một chiều, bất cần tới người khác nên rất mê muội mà chẳng biết phải trái, miễn sao có lợi cho mình là nó giữ chặt lấy để cho đó là mình. Thức này là gốc của 4 căn bản phiền não: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái.

Ngã si là tự mình mê muội mà không biết nhường nhịn, phải quấy. Chính vì sự mê muội này mà chúng ta tạo nghiệp và bị dẫn dắt vào sanh tử luân hồi.

Ngã kiến là chấp chặt, bảo thủ ý kiến của mình mới là đúng, mới là hay hơn hết. Sự cố chấp này dễ dàng đưa chúng ta tới những chuyện tranh cãi không có lối thoát, nếu tất cả mọi người đều chấp chặt ý kiến của mình. Ngã kiến là một chướng ngại rất khó vượt qua và cản trở bước đường học hành, tiến tu đạo nghiệp.

Ngã mạn là sự kiêu căng, tự đắc, ganh ghét với mọi người chung quanh và luôn luôn cho rằng không ai bằng mình, không ai đáng để cho mình học hỏi. Ngã mạn sẽ sinh lòng tham lam và là nguồn gốc cho những tranh đoan trong đạo tràng, trong xã hội, trong quốc gia và trong cộng đồng quốc tế và là động lực gây nên những cuộc chiến tranh sát hại sinh linh.

Ngã ái là chấp cái thân này là thiệt nên lúc nào cũng thương mến nó, cho nó là thường còn và sanh ra tham luyến thân này, đời này. Không lúc nào là không lo lắng cho cái thân này được đầy đủ những cái nó muốn, thỏa mãn những cái nó đòi, không cần phân biệt chơn giả. Để thỏa mãn những đòi hỏi của thân, dù có phải làm những công việc bại hoại, độc ác cũng không từ nan.

Trong tám thức thì Mạt Na Thức, tuy là suy yếu và u mê nhứt (vì chỉ biết suy nghĩ một chiều) nhưng lại gây nên nhiều tai hại nhứt. Vì chúng sanh, như chúng ta, hiện nay từng giờ, từng phút chỉ biết sống với cái ta của Mạt Na Thức. Chúng ta tạo nên nghiệp ác, cũng vì bị chi phối, điều khiển bởi thức này. Chừng nào chúng ta chưa chuyển được thức này, ngày đó chúng ta còn tạo thêm nghiệp dữ và luôn luôn bị bao vây bởi phiền não.

Câu thứ hai: ‘Chỉ có một người cực kỳ lanh lợi’ . Câu này chỉ cho Thức thứ sáu, ý thức. Thức này được coi như vị chỉ huy của tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), vì thức này, ngay khi nhận được tín hiệu ‘sự hiểu biết của tiền ngũ thức’, nó liền suy nghĩ rất lanh lẹ, suy tính rất mau và liền khởi tâm thương ghét, phân biệt hay dở và tác ý hành động. Những hành động thiện lành được thực hiện cũng do thức này tác ý nên Duy Thức Học cho nó là ‘Công vi thủ’, nghĩa có công đầu trong những hành động thiện lành. Nhưng đối với những tính toán để tạo tác những hành động tàn ác, hại người, hại vật cũng lại do thức này phát khởi, nên Duy Thức Học lại kết tội nó là ‘Tội vi khôi’, nghĩa là nếu có hành động ác độc thì thức này cũng là chánh phạm. Vì lấy Mạt Na Thức làm  căn cho sự hiểu biết và tác ý nên Thức này cũng chấp ngã để phân biệt mà sanh tâm yêu ghét. Con người, nếu không biết tu tập, sẽ càng ngày càng trở nên bại hoại, càng ngày càng chất chồng đau khổ, phiền não chỉ vì hằng sống với ý thức và Mạt Na thức và để cho hai thức này làm chủ cái tâm của mình.

Câu thứ ba: ‘Năm người trước cửa làm việc mua bán’. Câu này chỉ cho năm thức trước (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).

Năm thức này lấy năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi và thân làm căn cứ để tiếp xúc, giao dịch với cảnh (hay cũng gọi là Trần) bên ngoài thân. Năm thức này chỉ có nhiệm vụ hiểu biết trạng thái của cảnh:

Nhãn thức hiểu biết về hình tướng, màu sắc của cảnh.

Nhĩ thức hiểu biết về âm thanh của cảnh.

Tỷ thức hiểu biết về mùi hương của cảnh.

Thiệt thức hiểu biết về mùi vị của vật khi tiếp xúc với lưỡi.

Thân thức hiểu biết về trạng thái cứng mềm, nóng lạnh v.v...của vật khi đụng chạm với vật.

Mỗi thức có một nhiệm vụ hiểu biết riêng biệt; không thể thay thế cho nhau được. Thí dụ nhãn thức không thể nhìn thấy âm thanh hay ngược lại, nhĩ thức không thể nghe thấy màu sắc. Năm thức trước chỉ có nhiệm vụ hiểu biết đối tượng của nó trong cái sát na có sự tiếp xúc mà không có khả năng phát khởi sự phân biệt thương, ghét, hay, dở như thức thứ sáu (Ý Thức) và thức thứ bảy (Mạt Na Thức). Nhưng ngay sau cái sát na tiếp xúc, thì ý thức đã xen vào và khởi tâm phân biệt, mang theo cái chấp ngã vào trong sự hiểu biết phân biệt đó.

Thí dụ như con mắt vừa tiếp xúc với hai bông hoa, một màu trắng và một màu hồng, ngay trong sát na kế tiếp, ý thức đã can thiệp vào sự hiểu biết của nhãn thức và khởi tâm phân biệt cái hoa màu trắng đẹp hơn cái hoa mầu hồng, rồi đem cái chấp ngã vào sự phân biệt để sanh tâm yêu hoa màu trắng, ghét hoa màu hồng. Sau khi đã có tâm phân biệt yêu hoa màu trắng, liền sanh lòng tham lam, muốn chiếm hữu bông hoa màu trắng và loại bỏ bông hoa màu hồng. Quý vị nhìn thấy một người mà nảy sanh tâm ưa thích, muốn làm bạn; hay sanh tâm ganh ghét, không muốn gặp lại; hoặc nghe lời nói ngon ngọt thì thích, nghe lời nói chê bai thì không ưa, cũng do sự can thiệp của ý thức và mạt na thức chen vào sự hiểu biết của nhãn thức và nhĩ thức.

Câu thứ tư: ‘Trong nhà có một người làm ông chủ’. Câu này để chỉ thức thứ tám, A Lại Da thức. Thức này có công dụng thâu nhận những chủng tử của 7 thức trước do Mạt Na Thức chuyển vào, không cần biết thiện ác, xấu tốt, hay dở. Gìn giữ những chủng tử đó và sẽ là những nhân để phát sanh ra những quả theo luật Nhân Quả và lý Nghiệp Báo. Thức này được ví như ông chủ, có nhiệm vụ bảo vệ tài sản. Cái gì đưa cho ông, Ông cũng nhận hết và không bao giờ biết chán vì cái kho của ông không bao giờ hết chỗ chứa. Sự chứa đựng này (Duy Thức Học gọi là Tích tập của A Lại Da Thức hay Tạng Thức ) có 3 nghĩa:

1) Năng tàng: Là công dụng chứa đựng và gìn giữ chủng tử của các pháp.

2) Sở tàng: Là chủng tử của các pháp được chứa đựng trong Tạng thức.

3) Ngã ái chấp tàng: Được gọi tắt là ‘chấp tàng’ vì các chủng tử đều được huân tập vào qua sự truyền tống của Mạt Na Thức. Tàng thức nhận và gìn giữ, nhưng khi cần dùng tới để phân biệt, so sánh thì Mạt Na Thức lại lôi các chủng tử ra để ghép với cái Ngã (Ta) mà sanh luyến ái. Vì vậy nên Duy Thức Học nói, Mạt Na Thức dùng kiến phần của A Lại Da Thức làm ngã.

A Lại Da Thức giữ vai trò ông chủ vì nó rất quan trọng đến sự luân hồi của chúng sanh hữu tình. Hòa Thượng Hư Vân nói: Trong 8 thức thì A Lại Da thức mới đáng gọi là tâm vương vì nó có khả năng tàng trữ và phát khởi ra nghiệp lực để đưa chúng sanh lên cao (Thượng phẩm thượng sanh) hay xuống thấp (đọa vào 3 đường dữ: Súc sanh, Quỷ đói, Địa ngục).

Khi cái thân của chúng ta chết đi, A Lại Da thức sẽ mang các chủng tử, đã được nó tàng trữ, để đi tìm nơi đầu thai. Khi xác thân bắt đầu chết, các thức lần lượt bị hủy diệt cùng các căn. A Lại Da Thức sẽ là thức rời khỏi thân xác vào giờ phút cuối vì nó còn có nhiệm vụ thâu nhận những hành động, tư tưởng tạo nghiệp sau cùng, lúc thần thức lìa khỏi xác. Nhà Phật gọi những hành động, tư tưởng tạo nghiệp sau cùng này là cận tử nghiệp. Cận tử nghiệp đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc huân tập chủng tử lành hay dữ vào A Lại Da thức trước khi nó rời xác để đi tìm nơi đầu thai cho kiếp tới. Cũng vì sự đóng góp quan trọng vào sự tái sanh của cận tử nghiệp, nên Đức Phật A Di Đà vì tâm đại từ, đại bi, phát lời đại nguyện sẽ cứu vớt về thế giới Cực Lạc, những chúng sanh nào, trong giờ phút cận tử mà nhất tâm bất loạn, niệm được 10 câu hồng danh của ngài, dù chúng sanh đó còn mang ít nhiều nghiệp dữ. Thuật ngữ Phật giáo gọi là ‘đới Nghiệp vãng sanh’.

Khi đầu thai, thì A Lại Da thức (lúc này được coi là nghiệp thức) phải đến trước các thức khác. Không có nghiệp thức thì không có sanh. Nghiệp thức chính là cái mắt xích thứ ba (Thức) trong Thập Nhị Nhân Duyên.

Trong một bài tụng của Ngài Huyền Trang Pháp Sư về công năng của A Lại Da thức trong Duy Thức Học có câu như sau: ‘Khứ hậu, lai tiên, tác chủ ông’, nghĩa là ‘đi sau’ (trong lúc chết); ‘đến trước’ (khi người mẹ thọ thai); làm ông chủ (vì nó có khả năng hường dẫn sự đầu thai tùy theo nghiệp lực).

Duy Thức Học có ghi một bài kệ của Ngài Di Lặc nói về một kinh nghiệm, lúc A Lại Da thức lìa khỏi thân xác, để biết người chết sẽ được thăng lên cõi lành hay đọa xuống đường dữ, như sau:

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên,

Nhơn Tâm, Ác quỷ phúc,

Bàng sanh tất cái ly,

Địa ngục cước bản xuất.

Dịch nghĩa là:

Thánh ở đầu, Trời ở mắt,

Người ở tâm, ác quỷ ở bụng,

Súc sanh ở đầu gối,

Địa ngục ở gót bàn chân.

Đó là những nơi trên cơ thể con người mà A Lại Da sẽ thoát ly thân xác. Sau 12 tiếng đồng hồ, A Lại Da thức rời khỏi từ nơi nào thì nơi ấy còn ấm nóng, trong khi toàn thân đã bị lạnh. Theo bốn câu kệ trên, do nơi chốn A Lại Da thức rời khỏi thân thể mà có thể nghiệm được cõi tái sanh của người vừa chết.

Ý nghĩa của bốn câu kệ là: Nếu A Lại Da thức rời thân thể người vừa chết, tại đỉnh đầu thì người chết sẽ được vãng sanh lên cõi Phật, Thánh. Nếu rời tại mắt thì tái sanh lên cõi Trời. Rời tại tim (thật ra là chỗ thoi thóp, bên phải của tim) thì tái sanh trở lại làm người. Rời tại bụng (rún) thì bị đọa vào đường quỷ đói. Rời tại đầu gối thì tái sanh làm súc sanh. Rời tại gót bàn chân thì đọa vào địa ngục.

Thật ra, bốn câu kệ này được nói lên để quý vị biết mà làm thí nghiệm đối với người thân thuộc thôi; không lợi ích gì cho cách sống hay sự tu hành của quý vị. Nếu quý vị tinh tấn tu hành, tạo nhiều việc thiện lành, lánh xa việc ác, sống bằng trí tuệ giác ngộ thì quý vị có thể yên chí là sẽ được tái sanh lên ba cõi lành: Cõi Thánh, cõi Trời và cõi người. Nếu quý vị tiếp tục mê muội, sống theo những hiểu biết chấp trước của thức mà tạo nghiệp ác, thì chắc chắn sẽ bị đọa vào ba nẻo dữ: súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

Trong phần dẫn nhập thời pháp hôm nay, Thầy đã nói Thức và Trí, thấy thì dường như có hai, thực ra chỉ có một. Vì mình là hàng phàm phu nên mới chỉ thấy Thức chớ chưa thấy Trí. Vậy làm thế nào để thấy được Trí? Và có mấy thứ trí?

Trí cũng là thức, nhưng là thức của các bậc đã giác ngộ, đã đạt đạo và ở các bậc này, thức được gọi là trí tuệ. Cũng là ‘cái hiểu biết’ nhưng là cái hiểu biết chơn thật; cái hiểu biết có lợi ích cho chúng sanh; cái hiểu biết của bốn tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả; cái hiểu biết rộng lớn, bao trùm hư không, không mảy may phân biệt ta và người; cái hiểu biết siêu xuất thế gian.

Ngôn ngữ thế gian muốn nói thế nào, muốn dùng đến số giấy mực nhiều như số cát sông Hằng cũng không đủ để diễn tả hết cái diệu dụng của trí tuệ. Vì vậy, thức thì có thể học được bằng văn tự, bằng sách vở để phát triển sự hiểu biết hữu lậu. Trí tuệ thì không thể học được, mà phải tùy theo mức độ giác ngộ để thấy. Trí tuệ cũng như chân tâm, như Phật tánh v.v... thường hiện hữu trong mỗi chúng sanh, vì thức cũng là trí. Quý vị cũng biết thức là cái hiểu biết hữu lậu, nghĩa là cái hiểu biết không thiệt, luôn luôn mê muội vì bị vô minh che lấp. Hễ gạt bỏ được cái màn vô minh đó thì trí tuệ tự nhiên hiển lộ và chúng ta có thể sống với cái trí đó để trở nên bậc Giác Ngộ, Thánh giả.

Thầy lấy một thí dụ điển hình thế nào là sống với thức và thế nào là sống với trí để quý vị dễ hiểu:

Giả dụ như có một người nào đó, đến trước quý vị nói: ’Tôi nghe Bà A nói Cô là người có tính hay nói đâm thọc làm cho người ta cãi nhau’. Quý vị sẽ có những hành động ứng xử như thế nào? Trước hết, quý vị sẽ nổi giận, mặt mày đỏ bừng trở nên khó coi và sẽ hỏi xem Bà A nào đó nói câu đó vào lúc nào? Quý vị sẽ hỏi cho ra cái lý do nào đã khiến Bà A phát ngôn như vậy, và đã nói câu đó với những ai? Quý vị bắt đầu phân trần là quý vị không bao giờ có tánh nói đâm thọc! Quý vị là một người luôn luôn hòa nhã, là một người tốt nhất trên đời này, khó có người nào tốt như quý vị, cái Bà A đó chỉ là hạng người ngu si, đáng khinh bỉ và chính Bà A đó mới là người có tánh nói đâm thọc v.v...! Rồi cả đêm hôm đó, quý vị sẽ không ngủ được vì quý vị cảm thấy phiền não, khó chịu! Quý vị sẽ moi móc, nói xấu Bà A để trả thù và v.v... Đó là quý vị đã sống với thức, đã để cho ý thức và Mạt Na thức sai khiến; bởi vì cái Ta của quý vị đã bị đụng chạm. Quý vị bị phiền não và nếu quý vị tìm cách trả thù Bà A thì quý vị lại tạo thêm ác nghiệp: Khẩu Nghiệp (nếu nói xấu lại), Ý Nghiệp (nếu mưu tính phương cách trả thù) và Thân Nghiệp (nếu có hành động trả thù). Đã tạo nghiệp thì sẽ bị nghiệp dẫn dắt vào đường luân hồi, làm sao giải thoát sanh tử? Quý vị tạo nghiệp chỉ vì lúc nào cũng sống với cái thức mê muội của kẻ phàm phu.

Trong cái thí dụ điển hình này, nếu quý vị vẫn tự cho mình là người đang tu hành cầu giải thoát, đã nguyện phát Bồ Đề Tâm thì quý vị nên ứng xử như thế nào?

Trước hết, khi nghe nói như vậy, quý vị phải quay trở về quán xét (phản quang tự kỷ) xem mình quả thật có cái tánh nết đó không? Từ trước đến nay mình có bao giờ nói lời đâm thọc với ai không? Nếu có, thì phải có tâm hổ thẹn (Duy Thức Học gọi là tâm tàm và tâm quý) và phát nguyện sửa đổi. Nếu không, thì quý vị hãy mỉm một nụ cười thoải mái và cảm ơn người đã cho mình biết như vậy rồi không cần có thêm phản ứng gì khác, không giải thích mà cũng không phân trần. Quý vị độ cho những lời nói đó vào ‘Vô dư Niết Bàn’ như Đức Thế Tôn đã dạy trong Kinh Kim Cang, rồi không bao giờ nghĩ tới nó nữa (dùng tâm xả). Quý Vị vẫn tiếp tục tu hành như không hề nghe thấy câu nói đó. Như vậy là quý vị sống với trí.

Làm sao mà quý vị có thể làm như vậy được? Bởi vì quý vị đã dụng công tu hành. Trong khi tu hành, quý vị đã thực tập cách quán sát các pháp và hiểu rằng: ‘Vạn pháp giai không’  và ‘Ngũ uẩn phi hữu’. Ngủ uẩn là Ta! Nếu Ta đã là không rồi thì những lời nói đó là nói với cái có, chớ làm sao nói với cái Không được! Lời nói đó là pháp! Pháp đã là không thì lời nói đó làm sao gọi là có thiệt được  ! Nhờ trí tuệ mà quý vị có được cái hiểu biết như vậy. Vậy thì, trí tuệ hiển lộ được là do công năng tu hành để chuyển cái hiểu biết phàm phu thành cái hiểu biết của bậc Thánh giả, bậc Giác Ngộ.

Đó là Thầy nói đại cương, trong một thí dụ điển hình, về cách ứng xử với thực tại của một người hằng sống theo thức và của một người đang đi trên con đường của các bậc Giác Ngộ, biết sống theo trí tuệ được khai mở. Thầy sẽ trở lại, nói rõ hơn, trong phần chuyển thức thành trí. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu trí có mấy thứ và diệu dụng, công năng của mỗi Trí.  Trí có bốn thứ:

1) Thành Sở Tác Trí

2) Diệu Quang Sát Trí        

3) Bình Đẳng Tánh Trí

4) Đại Viên Cảnh Trí

Thành Sở Tác Trí là diệu dụng của tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) có khả năng nhận xét sự vật, hiện tượng đúng như trong cái sát na thức tiếp xúc với cảnh hay với trần, không hề sai lầm.

Thí dụ: Mắt nhìn thấy hoa màu hồng thì biết ngay hoa màu hồng, không lầm lẫn với các màu khác. Mắt không khởi tâm ưa hay tâm ghét vì nhãn thức không có nhiệm vụ và khả năng đó. Trong tiền ngũ thức không có ngã.

Tai nghe tiếng chuông thì biết đó là tiếng chuông không thể lầm lẫn nhận tiếng chuông thành tiếng mõ hay tiếng khánh.

Mũi nhận ra mùi hương thơm của hoa lan, không thể lầm với hương thơm của hoa hồng.

Lưỡi nếm vị ngọt thì liền biết ngọt, không thể lầm lẫn với vị chua.

Thân chạm với vật cứng thì biết ngay vật đó cứng, không thể nhầm lẫn với trạng thái mềm được. Nhận xét, hiểu biết một cách rõ ràng, không nhầm lẫn, như thế gọi là thành (thành tựu). Cái công việc ‘hiểu biết, phân biệt’ đó gọi là Sở Tác.

Tóm lại, Thành Sở Tác Trí là trí tuệ hiểu biết ‘như thị’ trong cái sát na hiện tại, thức tiếp xúc với cảnh, một cách rõ ràng, quyết định (Minh liễu) và không nhầm lẫn (phân biệt). Lúc này những hiểu biết của thành sở tác trí chưa bị ý thức chen vào.

Diệu Quang Sát Trí là diệu dụng của Ý Thức. Ý Thức là thức rất lanh lợi, có khả năng hiểu biết tới tận cùng nguồn gốc phát sanh ra sự vật, hiểu biết được nhân duyên cấu tạo của vạn pháp, hiểu thấu những hoặc (Kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc), nhận rõ được sự vận hành và diệu dụng của luật Nhân Quả và nghiệp báo. Nói cách khác, không có sự vật, hiện tượng nào trong vũ trụ mà Diệu Quang Sát Trí không có khả năng quán sát để hiểu biết rõ ràng, nếu nó muốn.

Bình Đẳng Tánh Trí là diệu dụng của Mạt Na Thức, có khả năng nhìn rõ sự bình đẳng giữa các pháp, nhìn rõ tự tánh của mỗi pháp, nhận thức rõ ràng tánh đồng thể giữa các loài chúng sanh hữu tình và vô tình, giữa mê và ngộ, giữa phiền não và bồ đề, giữa thiện và ác, giữa pháp hữu vi và pháp vô vi, hữu lậu và vô lậu, giữa Thánh và Phàm v.v...

Đại Viên Cảnh Trí là diệu dụng của A Lại Da thức, có khả năng dung chứa các pháp mà không bị quải ngại, không bị nhiễm ô, nhận thức được chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh của trạng thái niết bàn mà không sanh tham luyến, phát khởi đại từ bi tâm tới bốn loại sanh (thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh). Xả được các pháp (hữu lậu và vô lậu) để luôn luôn chiếu rọi và rỗng lặng, như tấm gương tròn lớn (đại viên cảnh), dung chứa tất cả mà không giữ lại cái gì, lúc nào cũng trong sáng.

Thật ra công năng và diệu dụng của trí tuệ không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả cho hết được. Những khả năng mà Thầy đề cập tới ở trên chỉ là sơ lược mà thôi vì trí tuệ là Ba La Mật (đã giác ngộ), siêu xuất thế gian, bất khả tư nghì.

Thức là pháp hữu lậu của phàm phu. Muốn tiến lên quả vị Thánh, Phật thì phải dụng công chuyển được cái hiểu biết hữu lậu (còn mê muội) thành cái hiểu biết vô lậu (hết mê mờ).

Vì tám Thức có công năng khác nhau nên muốn chuyển thành trí cũng phải chuyển thành những loại trí có cùng một năng lực và diệu dụng. Thầy cũng đã nói tới cái diệu dụng tương đồng giữa thức và trí trong phần trên. Từ hàng phàm phu chuyển sang trí tuệ của một bậc Giác Ngộ, không phải là công việc một ngày một buổi, tuy có câu ‘Nhất Văn Thiên Ngộ’, nhưng Ngộ rồi thì phải dụng công tu tập để thực hành những điều mình đã ngộ, như thế gọi là ‘Tiệm Tu’.

Tiệm Tu là công năng tu tập. Quý Vị phải thường xuyên thực hành sự quán chiếu thâm sâu như Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát dùng trí tuệ vô lậu, thực hành sự quán chiếu thâm sâu vào năm uẩn mới thấy được cái tánh chân không của năm uẩn mà độ được tất cả mọi khổ nạn. Sau khi quán chiếu được chân Tánh của sự, vật, hiện tượng, bên trong con người của quý vị và bên ngoài liên quan tới con người của quý vị rồi, tức là quý vị đã sử dụng khả năng phân biệt rõ ràng (minh liễu phân biệt) của Thức. Giai đoạn tiếp theo là phải đưa cái hiểu biết rõ ràng của thức lên hàng hiểu biết của trí tuệ với tất cả năng lực và diệu dụng của Trí (Giác Ngộ Trí Năng). Sự quán chiếu và sự chuyển hóa này phải thường xuyên được áp dụng vào các sự việc xảy ra hàng ngày, chung quanh quý vị. Như thế gọi là tu và hành.

Tu không phải là chỉ biết ngồi tụng Kinh, niệm Phật trong mỗi thời khóa. Tu là chuyển cái thức phàm phu thành trí tuệ giác ngộ, từng sát na, từng phút, từng giờ để nó thâm nhập vào tạng thức, thanh tịnh hóa các chủng tử bất thiện đã được huân tập. Khi sự quán chiếu và chuyển hóa đã được thuần thục thì không cần phải dụng công mà các nhận thức, hiểu biết tự động chuyển. Lúc nào trí tuệ cũng hiển lộ, cũng sáng ngời và quý vị trở thành Thánh giả lúc nào cũng không hay nữa. Vậy quý vị phải chuyển như thế nào?

1. Trước hết là chuyển: tiền ngũ thức thành "Thành Sở Tác Trí".

Quý vị phải hiểu công năng của mỗi thức và sử dụng công năng ấy đúng nhiệm vụ của nó. Thí dụ, quý vị nhìn thấy con cò màu trắng, con quạ màu đen thì biết ngay (trong cái sát na Nhãn thức tiếp xúc với con cò, con quạ) là con cò trắng, con quạ đen; dù có một triệu người nói cò đen, quạ trắng, quý vị cũng không chạy theo ý kiến của người khác. Như thế là cái hiểu biết, cái trí nhận thức của quý vị đã thành tựu với công việc của nhãn thức trong cái sát na hiện tại đó. Nếu quý vị nhìn thấy cò trắng quạ đen, rồi sau đó vì có nhiều người nói quạ trắng, cò đen, quý vị sanh tâm nghi ngờ sự nhận thức của mắt mình không biết có đúng hay không, rồi lại theo ý kiến của người khác, thì công việc nhận thức của nhãn thức trong cái sát na hiện tại chưa được thành tựu.

Thành Sở Tác Trí là nhìn cò trắng là cò trắng, quạ đen là quạ đen; nghe tiếng chuông là tiếng chuông, tiếng mõ là tiếng mõ; ngửi thấy hương thơm của hoa lan là hương thơm hoa lan, hương thơm hoa hồng là hương thơm hoa hồng; nếm vị ngọt của mía là vị ngọt của mía, vị ngọt của cam là vị ngọt của cam; chạm vật cứng thì biết đúng là vật cứng, chạm vật mềm thì biết là mềm; mới gọi là Thành Sở Tác Trí.

2. Kế đến chuyển thức thứ sáu: ý thức thành ‘Diệu Quan Sát Trí’ .

Diệu Quan Sát, nghĩa là sự quan sát vi diệu các sự vật. Vi diệu là để chỉ cho tánh chất hướng thượng, hướng thiện, hướng xuất thế gian, hướng thành tựu lâu dài, hướng lợi ích những người chung quanh v.v...

Nếu quý vị dùng sự quan sát, sự hiểu biết vào những việc làm có mục đích vị kỷ, thấp hèn, đi xuống, chỉ lo cho cái ngã nhỏ bé của mình thì sự quán sát và nhận thức này không đáng gọi là vi diệu và cũng không xứng đáng được gọi là trí tuệ.

Người đời gọi cái trí hướng về mục đích mưu cầu lợi lạc cho riêng mình, hướng về những ganh đua hơn thiệt, thấp hèn, là trí khôn phàm phu.

Trí khô­n phàm phu thì không phải chỉ loài người mới có. Loài súc sanh như chó, mèo, ngựa, heo, khỉ v.v... cũng được coi là những loài có trí khôn phàm phu.

Nếu quý vị dùng cái sự hiểu biết của ý thức mà quán sát nguồn gốc của phiền não, nguồn gốc mọi đau khổ của chúng sanh, nhìn rõ sự mê lầm do kiến hoặc, Tư hoặc, hiểu biết các pháp thiện và bất thiện, rồi ứng dụng những hiểu biết đó vào sự tu hành của mình, lần lần bỏ pháp ác, từ thô đến tế, phát triển các pháp lành là quý vị đã chuyển thức thứ sáu thành Diệu Quan Sát Trí của bậc Thánh hay bậc Giác Ngộ.

2.  Giai đoạn thứ ba là chuyển: thức chấp ngã là Mạt Na Thức thành "Bình Đẳng Tánh Trí".

Thức Mạt Na này còn được ý thức dùng làm căn nên sự liên quan giữa thức thứ sáu và thức thứ bảy rất chặt chẽ. Khả năng hiểu biết cũng gần giống nhau. Nhưng Mạt Na Thức thì luôn luôn chấp chặt lấy cái Ta nhỏ bé. Cái gì cũng có Ta trong đó và cái gì liên quan đến Ta đều là thiệt, cái gì liên quan đến người đều là giả. Muốn chuyển thành một cái trí tuệ bình đẳng thì phải nhờ tới sự quan sát vi diệu của Diệu Quan Sát Trí để thấy rằng của người cũng hay, cũng tốt như của Ta.

Quý vị đang sống trong thế giới hiện tượng, nghĩa là chung quanh quý vị còn có vô lượng hiện tượng hoặc hữu tình như người, động vật, hoặc vô tình như thực vật và khoáng vật. Những hiện tượng này sanh ra bởi nhân duyên hòa hợp theo luật thiên nhiên hay theo luật nhân quả nghiệp báo. Nói thực tế hơn là liên quan đến sự tu hành của quý vị. Để quý vị dễ hiểu là nói về loài người và loài động vật (bò, bay, máy, cựa), được gọi chung là chúng sinh hữu tình. Những loài này do vì bị nghiệp dẫn dắt nên có mặt trong cái thế giới hiện tượng này và đều mang một sứ mạng phải hoàn tất trong cái báo thân này. Cũng như quý vị đến trong đời này, mang theo một sứ mạng là để thọ dụng hay để trả nghiệp và đóng góp vào những tiến hóa của nhân loại. Họ có quyền hiện diện trên trái đất này và có quyền được thương yêu, tôn trọng cũng như quý vị. Họ cũng có những cảm giác tham sống sợ chết, giống như quý vị.

Cho nên quý vị và những người hay sinh vật chung quanh quý vị, đều cùng một thể tánh. Quý vị nên nhận thức được rằng cái đau khổ của người cũng giống như cái đau khổ của Ta, phiền não của người cũng là phiền não của Ta.

Quan sát như thế để dễ dàng phát triển và luôn luôn sống với tâm đại bi của Quán Thế Âm Bồ Tát. Làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích cho người cũng như lợi ích cho Ta. Cái gì mà ta không muốn thì người cũng chẳng ưa. Một nhà văn hào Tây phương đã làm một bài thơ về tánh bình đẳng giữa con người sống trên trái đất này, đã có những vần thơ ý nhị như sau:

Nhìn Anh tôi, qua ‘ống kính hiển vi của sự chỉ trích’,

Tôi thấy Anh tôi thật là thô lỗ.

Nhìn Anh tôi qua ‘ống kính viễn vọng của sự khinh bỉ’

Tôi thấy Anh tôi thật nhỏ bé, thấp hèn.

Bây giờ, nhìn vào ‘tấm gương chân lý’;

Thì ra Anh tôi giống hệt như tôi.

Khi quý vị không thể chịu đựng nổi hay không chịu tha thứ cho người, thì người ta cũng không chịu đựng nổi hay không thể tha thứ cho quý vị. Lục Tổ Huệ Năng cũng nói: ‘Nhìn Người thấy lỗi, nhìn Ta không lỗi, lỗi Ta còn quá hơn Người’. Đức Phật, khi xưa, được một người thuộc giai cấp Thủ Đà La cúng dường một bát sữa, nhưng vì thuộc giai cấp hạ tiện, nên người kia không dám tới gần Đức Phật.  nói: ’Cứ lại đây, ngươi và Như Lai, dòng máu đều cùng đỏ, nước mắt đều cùng mặn’. Ôi, một bậc Giác Ngộ cao quý như Đức Phật còn tôn trọng đức bình đẳng như thế, chẳng dám khinh người, sao chúng ta lại dám tự cho mình hơn người, mà đem lòng kiêu căng, ganh ghét?

Chừng nào quý vị sử dụng cái sự hiểu biết chân chính của mình mà thấy được Người và Ta cùng là một thành phần của cái đại thể là chân ngã, thì quý vị đã chuyển được Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Tánh Trí.

Như Thầy đã giảng, ý thức và mạt na thức, một anh thì cực kỳ lanh lợi, một anh thì quá sức mê muội. Nhưng sự hợp tác của hai anh này cực kỳ quan trọng trong việc chuyển Thức thành Trí, chuyển tâm phàm phu thành tâm Thánh Hiền. Duy Thức Học có câu: ‘Lục, thất nhơn trung chuyển, Ngũ Bát quả thượng viên’, nghĩa là, trong con người chỉ cần chuyển được thức thứ sáu và thức thứ bảy, thì sự chuyển hóa của năm thức trước và thức thứ tám sẽ có kết quả viên mãn.

4. Sau cùng là chuyển thức A Lại Da thành "Đại Viên Cảnh Trí".

Giai đoạn này, quý vị không cần dụng nhiều công, vì như Duy Thức Học đã nói ở trên. Tạng Thức chỉ là cái kho để chứa đựng chủng tử do thức thứ bảy huân tập vào và khi cần thì lại lôi ra để phát khởi hành động. Trong khi quý vị chuyển 7 thức trước thành 3 trí rồi, quý vị đã chuyển tất cả mê lầm thành sáng suốt.

Chuyển những hành động có mục đích vị kỷ, thấp hèn thành những hành động với mục đích lợi ích chúng sanh, thánh thiện, cao thượng, chuyển tất cả những chủng tử ác chất chứa trong A Lại Da thành những chủng tử lành, thì lúc đó thức A Lại Da của quý vị cũng giống như viên ngọc Ma Ni, lâu nay bị chìm trong bùn lầy, nay được rửa sạch, mà đem treo trên tràng phan bảo cái, rạng rỡ chiếu soi mọi chỗ.

Tạng Thức (Tâm Vương) của quý vị được thanh tịnh (Bạch Tịnh Thức), rộng lớn bao trùm hư không vì không có cái tiểu ngã. Bồ đề tâm được viên mãn, từ bi tâm trải rộng tới muôn loài chúng sanh, không bị ô nhiễm bởi năng, bởi sở và bởi tham luyến chấp trước; lúc nào cũng tròn đầy như thái hư, chiếu soi vạn hữu mà không bị ngăn che. Đó là quý vị đã thành tựu chuyển hóa thức A Lại Da thành Đại Viên Cảnh Trí.

Đến giai đoạn này, quý vị đã đắc quả Thánh. Phàm làm việc gì cũng không còn phân biệt, so đo hơn thiệt, vì không còn thấy Ta, thấy người, thấy chúng sanh, thấy thọ giả. Trí tuệ của quý vị là trí tuệ vô lậu. Kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc đã được đoạn trừ và thoát ra ngoài tam giới, an nhiên tự tại mà hưởng sự an lạc của Thánh Vị A La Hớn. Ngay cả bốn trí mà quý vị vừa chuyển cũng không còn là bốn, mà chỉ là một. Tất cả đều được dung chứa trong Đại Viên Cảnh Trí.

Thế nhưng, đạt được cái trí như vậy (Đại Viên Cảnh Trí), quý vị cũng chưa chứng được cái trí tuệ của hàng Bồ Tát và của Chư Phật. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã nói về trí tuệ của Ngài Xá Lợi Phất, đã đắc quả A La Hớn: ’ Dù cho có đem một triệu người có trí tuệ như ông Xá Lợi Phất, ngồi lại cùng nhau để suy lường, cũng không thể hiểu lời của Như Lai. Chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi’.

Cái trí tuệ của hàng Thanh Văn, dầu có đắc quả giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt được cứu cánh rốt ráo trong mục đích tu hành của con người xuất thế gian; bởi vì vẫn còn thấy có niết bàn và thấy có pháp (Pháp Tứ Đế). Qua được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) rồi nhưng vẫn vác cái bè trên vai. Như Thầy đã nói trong phần định nghĩa của trí tuệ. Trí tuệ là ‘Giác Ngộ Trí Năng’. Trí tuệ của hàng Thanh Văn vẫn cần được phát triển thêm nữa để tiến tới trí tuệ Ba La Mật, của các bậc Đại Giác Ngộ, thể nhập pháp giới.

Tất cả đều trở về với cái tánh Như Như của chân không, trở về được cái bản thể uyên nguyên của vạn pháp. Không thấy cái thân ngũ uẩn là cố định, không còn thấy sự phân biệt của căn, thức và trần. Chân lý tứ đế cũng là Không, Thập Nhị Nhân Duyên cũng Không, ngay cả trí tuệ và chứng đắc của trí tuệ cũng không, vì tất cả đã hòa nhập vào Pháp giới. Mọi hiện tượng hữu vi như sông, núi, cỏ, cây, mưa, gió, vô vi như niết bàn, như thường, lạc, ngã, tịnh, tất đều là Ta (chân ngã). Đạt đến đó thì Ta là chiếc lá, Ta là dòng sông, đám mây trắng đang bay lững lờ trên đỉnh Tuyết Sơn. Ngọn sóng vỗ trên biển cả là Ta, người là Ta, chim hót là Ta, phiền não cũng là Ta, bồ đề cũng là Ta. Ta là tất cả và tất cả đều trở về Ta.

Đó là ‘Nhất Thiết tức Nhất, Nhất tức Nhất Thiết’ của Thế Giới Hoa Nghiêm: Ta là Pháp giới, Pháp giới là Ta. Đó là Lý Lý Dung Thông, Sự Sự Vô Ngại và đó chính là lúc thánh trí bát nhã hoa khai, ung dung tự tại, du hí thần thông, ra vào sanh tử thị hiện độ tận chúng sanh. Độ chúng sanh cũng là độ cho Ta (Tự giác) và độ cho Ta cũng là độ khắp chúng sanh (Giác tha) và đó cũng là bản hoài của chư Phật thị hiện thế gian để khai mở thánh trí bát nhã, Như Lai tự tánh bình đẳng nhất như trong mỗi mỗi chúng sanh mọi loài.

Quý vị Tăng Ni và Phật tử:

Trong hơn một tiếng đồng hồ vừa qua, Thầy đã chỉ bày cho quý vị thấy rõ sự khác biệt trong hai con đường tu hành của quý vị:

Một con đường dẫn dắt quý vị, hết kiếp này qua kiếp khác, trôi lăn trong sanh tử luân hồi, ra vào sáu nẻo, thống khổ nan đương; sống một cuộc sống tầm thường, dẫy đầy lo sợ: Con đường sống với thức.

Một con đường khác, đưa quý vị  từ hàng phàm phu lên hàng Thánh giả, sống một cuộc sống an nhiên tự tại của bậc Giác Ngộ, sống một cuộc sống Thánh thiện, hướng thượng vì lợi ích chúng sanh; đó là con đường chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ Sư đã sống: Con đường sống với trí.

Khi quý vị quy y Tam Bảo và nếu quý vị hiểu rõ cái lý đạo của sự quy y là quý vị đã sống với trí tuệ. Quý vị quy y Phật, cái lý đạo của sự phát tâm trở về với Phật không phải là trở về với pho tượng gỗ, tượng đồng trên bàn thờ. Những pho tượng này là những vật hữu hình. Phật dạy: Hữu hình tất hữu hoại. Vậy khi mấy pho tượng này bị hủy diệt thì quý vị quy y với ai? Đức Phật đã dạy trong Kinh Kim Cang:  

Nhược dĩ sắc kiến ngã,    

Dĩ âm thanh cầu ngã,

Thị nhân hành tà đạo,

Bất năng kiến Như Lai.

Căn cứ vào cái hình tướng của tượng Phật hay căn cứ vào những âm thanh của tiếng tụng kinh, của chuông mõ mà cầu thấy Phật thì làm sao mà thấy được Phật? Chữ Như Lai ở đây là chỉ cho cái như lai tạng tánh sẵn có trong quý vị. Đó mới là cái mà quý vị xin trở về. Như lai tạng tánh của quý vị tức là cái chân tâm sáng suốt. Chân tâm không có hình tướng nên nó mới thường còn, không thể bị nhiễm ô, không thể bị hủy hoại. Kinh luận thường gọi đó là ông Phật bên trong của quý vị.

Khi quý vị thâm nhập được cái lý đạo đó thì quý vị mới nhận thức được pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật vốn hằng hữu bên trong quý vị; quý vị mới có thể tự mình khai mở Bát Nhã Thánh Trí để thể nhập vào pháp giới tạng thân của Phật A Di Đà. Sự sáng suốt thường soi, thường chiếu của Đại Viên Cảnh Trí mới hòa nhập vào Vô Lượng Quang của Phật A Di Đà; pháp thân của quý vị vì đồng thể tánh với pháp thân của chư Phật, mới có thể trở nên Vô Lượng Thọ như Phật A Di Đà; đại từ bi tâm của quý vị mới được trải rộng tới muôn loài chúng sanh, chúng sanh cũng là quý vị, quý vị cũng là chúng sanh. Chúng sanh đau khổ, quý vị cũng đau khổ, chúng sanh phiền não, quý vị cũng phiền não. Quý vị hóa độ cái đau khổ, cái phiền não của quý vị tức là quý vị hóa độ cái đau khổ, cái phiền não của muôn loài chúng sanh; do đó quý vị mới làm được cái vô lượng công đức của Phật A Di Đà.

Quy y pháp là trở về với pháp tánh sẵn có của mình. Khi đức Phật nói: ’Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành’, Ngài muốn chỉ cho chúng sanh hữu tình biết rằng trong chúng ta, Phật Tánh (cũng là Pháp Tánh) vốn đầy đủ tất cả mà các Đức Phật có. Trong Tâm ta vốn đủ các pháp từ bi, trí tuệ, bình đẳng, nhẫn nhục v.v... nhưng vì lâu nay vì bị vô minh che lấp nên chúng ta không thấy và không sống được với các đức tánh ấy. Nay chúng ta quy y, là chúng ta nguyện sẽ trở về với các đức tánh hay các pháp tánh của chúng ta mà thôi.

Đức Phật dạy chúng ta, khi quy y thì phải thọ ngũ giới và trì ngũ giới. Mục đích của ngũ giới là để quý vị bảo vệ tự do của quý vị, không sợ ai làm hại đến mình. Trước khi thọ ngũ giới, quý vị cũng đã biết ngũ giới dưới những tên khác và quý vị thường dùng ngũ giới để răn dạy con em hàng ngày. Đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người đạo đức.

Không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí và không nói dối là tín. Pháp tu ngũ giới trong nhà Phật, là nhắc nhở chúng ta quay về với cái bổn tâm nhân chi sơ, tánh bổn thiện của chính mình thôi.

Quy y Tăng là trở về với ông Thầy sẵn có trong mình. Tăng là những người thay mặt cho Đức Phật để truyền bá giáo pháp của Ngài, mà giáo pháp ấy  quý vị cũng đã sẵn có chính bên trong của quý vị, và nó cũng là một ông Thầy. Ông Thầy đó là lương tâm của quý vị. Khi quý vị làm điều lành, quý vị cảm thấy vui vẻ, hoan hỷ, khi quý vị làm điều ác độc, gian dối, quý vị ăn không ngon, ngủ không yên, vì bị lương tâm cắn rứt. Quý vị bị lương tâm cắn rứt vì quý vị đã không nghe theo lời dạy của ông thầy lương tâm của quý vị. Trong con người ‘Nhân chi sơ, tánh bổn thiện’ của quý vị, sẵn có những đức tánh mà Phật đòi hỏi ở các vị Tăng trước khi cho phép các Ngài nhập thế để hoằng dương chánh pháp: Tánh Hòa Hợp (tinh thần Lục Hòa), Tánh Nhu Nhuyến (đức khiêm hạ). Quý vị đã sẵn đủ các đức đó, nhưng lâu nay các vị bị người khác làm phiền não hay các vị gây phiền não cho người khác, chỉ vì quý vị đã sống với cái thức và bị nó dẫn dắt vào một cuộc sống thấp hèn và tầm thường.

Nếu quý vị thấu hiểu lý đạo của lời nguyện  Quy Y Tam Bảo thì quý vị đã bắt đầu sống với trí tuệ rồi. Quý vị hàng ngày tụng kinh niệm Phật, hì hụp lễ tôn tượng chư Phật, đó là sự.

Lý đạo là gì? Lý là lý thuyết, là cái hiểu biết rõ ràng về cái đạo mà mình đang thực hành. Đạo là con đường, là pháp môn, là sự thực tập, thực hành cái lý mà mình đã thâm nhập, hoặc nếu chưa thâm nhập được lý thì đạo là phương pháp tu tập giúp mình ‘thấy’ được cái lý. Đạo là sự. Khi quý vị thấy được rồi thì Lý Sự Dung Thông, Hoa Khai Kiến Phật.

Khi sắp nhập niết bàn, Đức Phật dạy các đệ tử: ’Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi’. Đuốc ở đây chính là ngọn đuốc trí tuệ, phải luôn luôn giữ cho nó sáng ngời, chiếu rọi. Thầy thường nhắc nhở quý vị phải luôn luôn thắp hai ngọn đèn cầy trên bàn thờ Phật, không bao giờ được để cho tắt. Đó là tuệ đăng thường chiếu, để nhắc nhở quý vị đến ngọn đuốc trí tuệ của quý vị. Hai ngọn đèn cầy, một ngọn là lý, một ngọn là sự. Trong đạo, lý sự phải viên thông. Chấp lý bỏ sự, thì không có Thành Tựu Viên Mãn, chấp sự bỏ lý, thì không đủ Phứớc Trí Nhị Nghiêm. Quý vị có thấy được cái lý đạo đó chăng?

Để kết luận cho thời pháp hôm nay, Thầy đã khai ngộ cho quý vị hãy cố gắng sống với cái trí để có thể tiến lên trên con đường tu hành và trở nên bậc Thánh giả. Tiếp tục chạy theo cái tham dục tầm thường của cái thức, thực uổng cho những ngày tháng mà quý vị rời bỏ gia đình, rời bỏ sự nghiệp thế gian để tu hành cực khổ rồi chung cuộc chẳng được cái gì. Phàm phu vẫn hoàn phàm phu, lúc nào cũng mờ mờ mịt mịt lặn lội trong luân hồi lục đạo nan đương.

Thay cho lời kết, Thầy nhắc quý vị một bài kệ trong Kinh Văn:

Tâm Trí Tuệ thinh thinh rộng lớn,

Sáng trong ngần chẳng bợn mây trần,

Làu làu một tính thiên chân,

Bao trùm muôn loại chẳng phân Thánh Phàm

Sống được với trí thì quý vị sẽ tự chuyển mê khai ngộ, chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển tối tăm thành sáng suốt và chuyển sanh tử thành niết bàn.

Vận lòng Trí Tuệ linh thông,

Bờ kia mau đến Tâm không ngại gì!

Thầy mong toàn thể quý vị tư duy thâm nhập lời Thầy giảng trong thời pháp Khai Thị hôm nay để Ta cùng chúng sanh đồng thành Phật đạo. 

Nam Mô Trí Huệ Chiến Thắng Phật.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thức Và Trí