Giận Cá Chém Thớt
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Con khỉ nọ bị người lớn đánh, không làm gì được, nên oán ghét trẻ con.
 
Phàm phu ngu nhân cũng vậy, trước kia oán hận một người, mà nay người đó đã qua đời, nên đem oán hận đó dời đến hậu nhân của người nọ, loạn sinh cừu hận, tìm mọi độc kế mưu hại, khác gì con khỉ bị người lớn đánh, giận ngược trẻ con.
 
Lòi Bình:

Tham sân si được gọi là ba độc, bởi ba thứ này hủy họai từ bi che lấp trí huệ, lại cũng do cả ba thứ này đều phát sinh từ tính vị kỉ ngã chấp, và rồi trở lại làm tăng trưởng và củng cố thêm cho ngã chấp tự tư tự lợi, do đó cả ba tính này sẵn sàng gây hại cho tha nhân và chúng sinh để được như ý, song le một khi được « như ý » tham, sân hay si thì quả khổ sẽ hiện tiền và bấy giờ mới hối hận « biết thế thà đừng như ý », dụ như vì sân hận giết người, vì tham lam gian dối nên chịu tù đầy… Nhưng khi chúng sinh bị tham, sân hay si khống chế nội tâm khi ấy chúng sinh chỉ biết theo ý của ba độc hành thì sẽ được như ý, vì vậy các hành của chúng sinh thường là hành tham, hành sân và hành si. Do thường hành tam độc nên xa lần bi trí, do xa lìa bi trí nên gọi là chúng sinh, các chúng sinh hành tam độc tập hợp nhau thành cảnh giới « kham nhẫn » bao quát ngũ thú. Trong cùng một thế giới kham nhẫn tùy theo hành ba độc sâu hay cạn mà chúng sinh thọ nhận cảnh giới quả báo khác nhau, các cảnh giới khác nhau này gọi là ngũ thú. Nếu có chúng sinh dứt trừ ba độc, chúng sinh này tự có cảnh giới không ba độc hay còn gọi là cảnh giới thanh tịnh an lạc không có tam ác đạo hay ngũ thú nữa, và chúng sinh này không còn là chúng sinh nữa mà là hiền thánh hoặc Bồ tát.
 
Chư Phật thị hiện nơi đời không ngoài mục đích chỉ bầy cho chúng sinh biết ba độc là tập nhân dẫn tới khổ quả. Khi đã rõ được tập của khổ quả, tất cần trừ diệt tập bằng 2 cách tùy theo căn tính dục của mỗi chúng sinh, như chúng sinh tiểu căn phát tâm hạ phẩm thì chú trọng đoạn ác, trì giới Thanh văn phòng phi chỉ ác. Còn chúng sinh đại căn phát tâm thượng phẩm thì chẳng những đoạn ác còn tích cực hành thiện, trì giới Bồ tát phát bồ đề tâm, thệ độ nhất thiết chúng sinh. Đoạn ác tu thiện độ chúng sinh là đạo dẫn đến diệt quả.
Tập tức hành theo sự sai sử của tham sân si, do nhân này chiêu cảm nên lãnh thọ khổ quả trong chốn luân hồi, cảnh khổ sinh tử luân hồi vốn không nhưng do tham sân si thành hữu, tựa như cảnh mộng vốn không do ngủ thành có. Đạo tức hành theo giới pháp, đoạn ác ba độc, tu thiện giới định huệ, do nhân duyên đó khổ bị trừ diệt, tựa hồ người tỉnh mộng tàn.
 
Riêng về sân hận vốn dĩ là một trong tam độc, sở dĩ gọi là độc, vì sân hận như lửa đốt tâm khiến tâm bất an, phát khởi ác kiến, muốn tạo ác cho tâm được an, tâm này một khi sinh khởi thì rất khó trừ và thích tạo ác nên thành chướng ngại cho sự nghiệp tu thiện giới độ chúng sinh. Nên kinh Hoa nghiêm khuyến cáo « nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai », có nghĩa một niệm sân tâm khởi thì trăm vạn cửa chướng ngại mở bầy. Lại như khi Thiên đế thích hỏi đức Phật « giết gì được Phật khen, giết gì được an ổn, giết gì không hối hận, vật gì gốc muôn độc ». Đức Phật đáp « giết giận được Phật khen, giết giận được an ổn, giết giận không hối hận, giận là gốc muôn độc ». Tu hành trước nhất là trục độc ra khỏi tâm, như kinh Di giáo chỉ bầy « khi rắn độc cùng ở trong phòng ta không thể ngủ được, mà phải cần vứt bỏ nó ra ngoài khi ấy mới yên nghỉ nổi ». Vì vậy chư Phật dậy « chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kì tâm, thị chư Phật giáo ». Hay như tam tụ tịnh giới gồm, nhiếp luật nghi giới (đoạn nhất thiết ác), nhiếp thiện pháp giới (tu nhất thiết thiện), nhiếp chúng sinh giới (độ nhất thiết chúng sinh), đều dậy tiên đoạn ác, thứ hành thiện, sau cùng là độ sinh.
 
Vì không ưu tiên đoạn ác, nên khi thọ giới ác tâm vẫn quấy nhiễu không cho thiện pháp sinh, do vậy người tu vẫn sinh các tâm tật đố, đấu tranh, hành ác. Thế nhân thường chấp tướng, nên khi có ấn tượng với tướng nào rồi, thì các tướng tương tự đều cho là đồng, giả như nếu họ bị một người xứ nào gây phiền não, họ sẽ rải tâm sân hận ra khắp xứ sở đó, nên biết bao người vô tội bị vạ oan, như Ngũ Tử Tư giận Sở Bình Vương giết cha và anh mình, mà nuôi tâm thù hận đem quân Ngô về diệt nước Sở giết hại và lăng nhục mọi người thân của Sở Bình Vương bất luận đó là nam phụ lão ấu. Hoặc giả dân Á thời cổ đại có truyền thống một người làm tội chém cả ba họ, chẳng khác gì con khỉ bị người lớn đánh lại sinh thù oán lây tới cả trẻ con, vì dưới mắt khỉ người lớn hay trẻ nhỏ đều là người cả. Như câu chuyện Bị gấu cắn thứ 81, thấy sắc thanh tương tợ liền cho là đồng loại. Lại như câu chuyện thứ 10 Xây lầu trong không, tam tụ tịnh giới như ba từng lầu, nếu không bỏ ác thì thiện không thành, nếu thiện không thành tất không thể độ sinh, nên nếu ác không đoạn mà tu hành khác nào xây lầu trong không. Do đó trong một đời giáo hóa của đức Thích Tôn khiến chúng sinh bỏ ác hành thiện, tu tập chuyển từ ưa thích ác pháp sang hành thiện pháp, ban đầu từ tiểu thiện tức đoạn ác, đó là Thanh văn giới, sau từ tiểu thiện đoạn ác tiến lên đại thiện chuyên hành thiện giới, đó là Bồ tát giới. Muốn đoạn ác tất phải diệt tâm sân hận, vì tâm này thường khởi ác và hành ác. Tâm sân hận lại từ ngã chấp phát sinh, như thế hễ vô ngã tất không sân hận, song chỉ có một phương thức diệt ngã vi diệu nhất đó là phát bồ đề tâm « đương nguyện chúng sinh » khiến ngã này trở thành công cụ phụng sự nhất thiết chúng sinh, nhờ vậy tính sân hận của bản ngã giờ trở thành đức từ bi.
 
Khỉ bị người lớn đánh sinh tâm sân hận, song không trả được hận nơi người lớn, do vậy di mối hận đến trẻ con là những kẻ vô can, điều này cho thất sân hận sinh ngu muội, tức thù hận người vô can. Nếu người tu học ôm ấp sân hận đó thì chẳng khác gì con khỉ giận cá chém thớt.
 
Vì vậy đừng nói là giận cá chém thớt mà ngay đến ôm lòng giận cũng còn không nên, như Mạnh tử nói « quân tử không giận ai qua đêm ». Và khi Lỗ Ai công hỏi Khổng tử « trong đám môn sinh của ngài ai là người hiếu học ? ». Khổng tử đáp « Nhan Uyên là người hiếu học, vì Uyên không dời sân hận qua người khác, không bao giờ một lỗi phạm hai lần, đáng tiếc người ấy chết sớm, giờ thì chẳng thấy ai là người hiếu học nữa ». Như thế ngay đến Nho gia cũng chủ trương bỏ giận, và « bỏ giận » là cái học của Thánh hiền, như lời khen của Phu tử đối với Nhan Uyên.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Vớt Vàng Dưới Ao
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Năm Trăm Bánh Hoan Hỷ
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Chỉ Học Bằng Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Mình Hại Người
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ