Home > Khai Thị Phật Học
Gánh Ghế Cho Vua
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Một hôm nhà vua muốn vào vườn vô ưu rong chơi, nên sai một viên quan, khanh hãy xách một cái ghế dựa vào vườn cho trẩm ngồi chơi, viên quan này sợ mất mặt khi phải xách ghế, nên nói, thần không xách được, chỉ vác trên lưng được thôi, vua bèn sai vác 36 cái ghế, chất trên lưng người này gánh đến hoa viên.

Phàm phu cũng vậy, vừa thấy tóc nữ nhân dưới đất, mượn cớ trì giới không nhặt được, sau bị phiền não hoặc loạn, 36 thứ như tóc, lông, răng, móng, phẩn uế đều ôm giữ, không cho là gớm, chẳng chút tàm quý, đến chết không xả, giống người ngu khiêng ghế.

Lời Bình:

Ghế là chỗ ngồi, dụ cho căn bản thiện pháp, người trì giữ gánh vác pháp này, tất không bị ngã pháp chi phối sai sử, ngã pháp tức 36 món bất tịnh, nên có thể theo Phật đến được Phật độ, tức vãng sinh, do không còn bị tham dục của ngã trói buộc, như viên quan nếu y lời vua thì sẽ nhẹ tay xách ghế cùng vua đến vườn vô ưu. Phàm phu như vị quan này, không muốn theo lệnh vua, mà chỉ muốn theo ý mình, nên thay vì trì giữ pháp Phật tức y giáo phụng hành, đã như viên quan không muốn xách ghế theo vua đến vườn vô ưu hân thưởng cảnh giới an lạc thanh tịnh, mà đòi như ý là gánh, vì vậy nên thay vì sách một ghế phải gánh 36 ghế. Người từ chối cầm giữ Phật pháp tất phải chịu khiêng cái ngã gồm 36 pháp bất tịnh này của ta, và của vợ con, người này bận buộc đến chẳng còn thời gian niệm Phật, hà huống hành pháp độ sinh, thực là bàn tay cầm cán cuốc, nên không còn tay để làm gì khác nữa. Trái lại nếu y lời Phật dậy, cầm giữ thiện pháp, tất xả bỏ được gánh nặng 36 thứ bất tịnh của ngã, và ngã sở, giữ nhẹ xả nặng, người này thong thả cầm nắm thiện pháp vô ngã, nên tuy cầm cuốc nhưng vẫn tay không.

36 món bất tịnh này, bao gồm nội và ngoại ngã, nội ngã như đã trình bầy ở trên, đó là ngã chấp ở trong ta. Ngoại ngã là những ngã bên ngoài ta tức tha nhân, mà ta chấp là một ngã, để làm đối tượng thương ghét. Người mới tu học tâm còn phan duyên nơi pháp, nên hăng hái trì giữ thiện giới, chỉ một sợi tóc người nữ cũng không dám đụng. Thời gian sau đó sơ tâm nhàm chán, lơ là với ngoại duyên, bấy giờ những duyên quá khứ chiêu cảm hiện đến, nhất niệm vô minh, phan với thế duyên này, lập tức vứt bỏ chiếc ghế trong tay để gánh 36 ghế bất tịnh, như sinh ái thủ khi thấy nữ sắc, gánh 36 thứ bất tịnh của nữ nhân mà không biết nhờm gớm, ôm giữ cho đến chết và còn qua đời sau, như từ đời trước tìm đến với đời nay. Tình ái khó xả, nên phàm phu thường tìm kiếm chạy theo và giữ chặt tình ái, vì vậy đến lai kiếp vẫn đi tìm nhau, như đã tìm trong hiện tại.

Phàm nhân thích làm theo ngã hơn là y giáo phụng hành. Dụ như một số người tu tịnh độ cầu vãng sinh, vì nghe cõi tây phương an lạc vô ưu, nên muốn được quả này, và nghe chỉ cần niệm Phật sẽ được như ý vãng sinh, mà giả đò điếc trước những lời căn dặn của chư tổ sư, như phải chính niệm, vì bồ đề đạo cầu sinh tịnh độ. Do vì bồ đề đạo nên ý chỉ vãng sinh là để thành Phật độ sinh, chính vì vậy chư tổ sư nhắc nhở hàng hậu học bằng những lời hỏi đáp như sau:

  • Vì sao niệm Phật?
  • Vì cầu vãng sinh.
  • Vãng sinh để làm gì?
  • Để cầu bồ đề đạo.
  • Cầu bồ đề đạo để làm gi?
  • Để vào địa ngục.
  • Vào địa ngục để làm gì?
  • Để cứu độ chúng sinh.

Đây là lý do chính đáng tu tịnh độ, vì thành Phật độ sinh là bồ đề tâm, tâm này năng sinh nhất thiết cảnh giới thanh tịnh an lạc, nhờ trí huệ thượng cầu nên thanh tịnh, nhờ từ bi hạ hóa nên an lạc. Ngoài ra khi phát bồ đề tâm tu tập thân tâm thanh tịnh, cần hành nhiều trợ duyên như niệm Phật, trai giới bố thí, phóng sinh, tất cả mọi thiện pháp, ngăn chặn mọi ác pháp. Nhưng phàm phu ngại khó khăn và tốn kém, nếu hành bố thí và phóng sinh, hơn nữa lại sợ mất được ăn ngon và lạc thú, nên không dám trì trai giữ giới, vì thế cố ý hoặc giả đò như không biết và không nghe những lời dậy của tổ sư, để không phải hành thiện pháp, tựa như kẻ yêm nhĩ đạo linh, tự bịt tai để ăn cắp chuông, bỏ tất cả các thiện pháp của bồ đề nơi tâm, hầu để tâm trần tục hưởng thụ tự do, song song với sự tự chọn một điều là niệm Phật, vì họ quan niệm niệm Phật không những khỏi sợ tốn kém, và chẳng hề cản trở thú vui của ngã, lại “vẫn được vãng sinh”, chung cục phải chịu quả tái sinh vì dục tâm hãy còn và luôn tăng trưởng che lấp tính thanh tịnh của chân tâm, do đó cứ theo nhân mà gặt quả, lưu chuyển trong cõi Dục của tam giới. Bỏ công sức của thiểu thiện căn mà muốn cầu vô thượng bồ đề, khác nào thợ cầy muốn cưới công chúa, thiểu thiện căn là thợ cầy, vô thượng bồ đề như công chúa.

Đã biết cứu cánh của vãng sinh là thượng cầu hạ hóa, tất nhiên phương tiện tu hành phải tương ưng với cứu cánh. Song phàm phu nhất quyết không chịu hành đúng pháp vẫn hành theo vọng pháp tư duy của ta, mà bỏ qua mọi hành pháp độ sinh, để trợ duyên cho vấn đề tu tịnh cầu vãng sinh, nên kết quả hành như thế nào thì quả như thế đó, phải chịu tái sinh luân hồi trong lục đạo.

Phần đông người tu học Phật pháp đều muốn theo ý ta hơn là y giáo phụng hành lời Phật dậy. Đức Phật dậy phát bồ đề tâm để bỏ ngã, phàm nhân bám ngã vứt bỏ bồ đề tâm. Một khi lấy ngã quy y bồ đề tức quy y giác (Phật), tất nhiên bồ đề dẫn đầu, ngã là đuôi theo sau. Bồ đề lấy chúng sinh làm căn bản hành mọi thiện pháp, ngã theo bồ đề ắt hẳn cũng lấy chúng sinh làm nền tảng tu trì chính pháp. Chỉ theo ngã không theo bồ đề hẳn nhiên phải khiêng vác 36 thứ bất tịnh. Nay Như Lai chỉ dậy phát bồ đề tâm, buông bỏ được 36 thứ bất tịnh, cùng bồ đề tâm đồng hành theo Như Lai dạo chơi nơi chốn vô ưu.

Đệ tử Phật nên đem thân tâm quy y Phật. Tâm quy y Phật tức tu thượng cầu. Thân quy y Phật, tức hành hạ hóa. Lại nữa tâm quy y Phật tức quy y bồ đề, gọi đó là nguyện bồ đề tâm. Thân quy y giác tức hành bồ đề tâm, hợp chung lại gọi là phát bồ đề tâm.

Phàm phu xưng tán chư Phật nhưng kì thật coi Phật không bằng 36 thứ bất tịnh, nên hễ rơi vào trường hợp phải chọn lựa giữa Phật và 36 thứ, tuyệt đại đa số đều chọn 36 thứ, chỉ thiểu số chọn Như lai, đó là chư vị hiền thánh tăng. Phàm phu miệng thì xưng tán Như lai, hành thì xem thường, thực chẳng khác gã nhận Phật làm anh. Do đó nên thường chọn ngã bỏ bồ đề tâm.

Tựu chung chúng sinh có hai đường để chọn lựa, thứ nhất y lời Phật dậy, cầm giữ thiện pháp căn bản tức bồ đề tâm theo Phật đến tịnh độ, như viên quan cầm ghế theo vua đến vườn vô ưu. Thứ hai từ chối cầm giữ thiện pháp, tất phải vác 36 thứ bất tịnh của ngã và ngã sở, như viên quan từ chối cầm ghế nên phải xách 36 cái ghế nặng nhọc. Hễ y lời dậy cầm một ghế thì được nhẹ tênh đến chỗ vô ưu. Hễ trái lời dậy, tự theo ý ta, tất gánh nặng 36 ghế tự xuất hiện. Cũng vậy người nắm giữ thiện pháp tất khinh an, nên có thể thống lý đại chúng nhất thiết vô ngại, và hễ bỏ mất thiện pháp này thì các pháp bất tịnh và hậu quả nặng nề lao nhọc của chúng đồng thời xuất hiện.