(TRÂN QUÝ, QUÝ TRỌNG, NHÂN DUYÊN)
1. Trong vô lượng kiếp, chúng ta đã từng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Có được thiện căn thâm hậu, ngày nay lại nhờ Tam bảo âm thầm gia trì, mới có duyên may gặp được pháp môn niệm Phật. Cho nên, chúng ta phải biết trân quý cơ duyên này.
Quyền kinh này lưu hành chưa tới năm mươi năm, chúng ta mỗi người tay cầm một quyển, y theo bổn kinh mà tu hành, đây là nhờ thiện căn, phước đức, nhân duyên rất lớn từ vô lượng kiếp mới có được. Vì pháp môn này là “ Trực triệt liễu đán, phương tiện cứu cánh”, so với “ Hoa nghiêm”, “Pháp Hoa”còn nhanh hơn. Trong kinh “ Hoa Nghiêm”, sau cùng Phổ Hiền Bồ Tát thập đại nguyện vương khuyên về Cực Lạc, là đi đường vòng. Còn chúng ta không cần đi con đường này cũng đến được. Phương pháp đích thực rất “ phương tiện”. Một câu “ A Di Đà Phật” nơi nào, giờ nào cũng có thể niệm, không bị hạn chế gì, cũng không chướng ngại gì. Người người được tu, người người được học, người người được thành tựu. Đây là “ Cứu cánh”.
2. Chúng ta có duyên gặp được Phật pháp, có duyên gặp được “ Vô Lượng Thọ Kinh”, gặp được A Di Đà Phật, đây là đại thiện căn hiện tiền, chứng minh chúng ta trong đời quá khứ, không phải không có thiện căn. Chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì phải nỗ lực tu cái duyên của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị có cái nhân thiện, thêm vào cái duyên niệm Phật, có lý nào không được quả báo. Quả báo đó là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng ta chẳng những không làm việc ác, cho đến lời nói ác cũng không nói, ý niệm ác cũng không sanh khởi, niệm niệm chỉ có A Di Đà Phật, tâm tâm chỉ nghĩ cảnh giới Tây Phương, như vậy mới đúng.
Trong kinh chúng ta thấy được “ Hương quang trang nghiêm”, đây là chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới quang minh chiếu khắp, hương thơm xông khắp. Thế giới như vậy, người người có phần, vấn đề là mình có muốn đi hay không. Nếu muốn đi thì không người nào mà không đi được. Cổ đức nói “Vạn người tu, vạn người đi”. Vấn đề là quý vị có tu hay không mà thôi.
3. “Hạnh siêu Phổ Hiền đăng bỉ ngạn” (“ đăng bỉ ngạn” nghĩa là đến bờ bên kia, tức Tây Phương Cực Lạc thế giới), nếu như thật tu, y theo kinh văn ngày ngày tiến bộ, ngày ngày nâng cao, thật sự có thể siêu hơn Phổ Hiền Bồ Tát. Phật không nói một lời giả dối, không nói một câu vọng ngữ, Phật nói với chúng ta câu câu đều là chân thật. Phổ Hiền Bồ Tát tu vô lượng kiếp mới có thành quả này, thế mà quý vị chỉ một đời là thành công. Nguyên do gì Phổ Hiền Bồ Tát tự than rằng không bằng quý vị? Phổ Hiền Bồ Tát trong lũy kiếp không gặp được pháp môn này, cho nên chịu nhiều khổ nhọc, thời gian tu hành kéo quá dài. Đây là do Ngài không may mắn bằng quý vị. Quý vị có vận may hơn, một đời gặp được pháp môn này. Chúng ta cần phải trân quý duyên may này.
Chúng ta suy nghĩ: Hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền tu vô lượng kiếp mới thâm nhập vào Hoa Tạng thế giới, mới biết được pháp môn niệm Phật. Chúng ta hôm nay mới bắt đầu học Phật thì gặp được pháp môn này. Hoa tạng hải hội 41 vị pháp thân đại sĩ gặp được quý vị, không có quý vị nào mà không thán phục quý vị. Các Ngài đã tu vô lượng kiếp mới tìm được con đường này, còn quý vị không phí một tí sức lực nào cũng đi con đường này. Các Ngài là đầy đủ tín, nguyện, hạnh cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy Phật thành Phật. Chúng ta ngày nay cũng dùng lý luận, phương pháp như vậy, vãng sanh Tây Phương thấy Phật thành Phật, với các Ngài không hai không khác. Các Ngài đã oan uổng đi con đường dài A. tăng. kỳ. kiếp, các Ngài gặp được chúng ta làm sao mà không thán phục? Làm sao mà không bảo vệ? Không cần đợi A Di Đà Phật phải sai bảo, Bồ Tát cũng tự động đến bảo vệ chúng ta.
4. Cổ đức đã nói: Pháp môn niệm Phật là đại thừa trong đại thừa, nhất thừa trong nhất thừa, là pháp môn tối cao vô thượng. Pháp môn mọi thứ đều đệ nhất: Kinh là đệ nhất, pháp là đệ nhất, đệ tử y theo pháp môn này cũng là đệ nhất. Đây thật là pháp môn đáng cho chúng ta đặc biệt trân quý.
Học Phật nhất định phải rõ thế gian này đích thực là khổ, nhất định phải giác ngộ sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng. Không gặp được pháp môn niệm Phật, thật uổng phí cả đời. Gặp được pháp môn này, nhất định cầu nguyện vãng sanh. Sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó mới thật sự là cứu cánh viên mãn, được cái vui chân thật.
Chúng ta trong một đời này, không gặp được pháp môn niệm Phật, thật không có cách gì. Nếu gặp được pháp môn này mà để luống qua, đây là tổn thất lớn nhất, không có gì bù đắp được.
Chúng ta ngày nay có duyên gặp được pháp môn niệm Phật. Lý luận, phương pháp, cảnh giới cũng hiểu rõ. Quan trọng là chúng ta tự mình có chịu thật làm hay không. Nếu thật sự tinh tấn không giải đãi, thành tựu của chúng ta nhất định là như trong kinh nói “Quyết chứng Cực quả” – quyết sẽ chứng được thành quả của Cực Lạc, thành tựu một đời.
Ngày nay chúng ta có duyên may gặp được gặp được pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật La “Đới nghiệp vãng sanh”. Tám mươi tám (88) phẩm Kiến Hoặc, một phẩm chưa đoạn được cũng được vãng sanh, được thành tựu. Việc hy hữu như vậy đi đâu cũng không tìm được. Cho nên, chúng ta phải trân trọng.
Đời đời kiếp kiếp tu hành, sai là sai nơi xem thường Tịnh độ. Không chịu phát nguyện vãng sanh, đây là sai lầm lớn. Một đời này có duyên may gặp được pháp môn Tịnh độ, không nên lại phạm sai lầm, mới có thể một đời thành tựu.
5. Chúng ta nên xem kinh pháp như là bảo vật trân quý nhất của thế gian. Duy chỉ có kinh pháp của Phật Đà mới có thể cứu độ chúng ta, giúp chúng ta vĩnh viễn thoát luân hồi, thoát ly tam giới, giúp đỡ chúng ta một đời này vãng sanh bất thoái thành Phật, cho dù trân bảo gì của thế gian cũng không thể sánh cùng. Hiểu rõ sự việc này, mới biết sự quý báu của kinh pháp.
Bộ kinh này là đệ nhất kinh của mười phương tam thế nhất thiết chư Phật Như Lai, đọ chúng sanh thành Phật. Không những là đệ nhất kinh của Tịnh tông, mà là đệ nhất kinh của tất cả chư Phật đã nói. Phước báo của chúng ta thật không ít. Đệ nhất kinh của chư Phật Như Lai, trong đời này có thể gặp được, phước báo này thật quá to lớn. Gặp rồi mà có thể tin, có thể lý giải, có thể y theo lý luận, phương pháp trong kinh mà tu hành, quả báo bất khả tư nghì (không thể tưởng tưởng được).
Ngày nay chúng ta có duyên may gặp được bộ kinh này, thật là rất khó gặp được. Gặp được rồi, chỉ cần có thể tin sâu, có thể y giáo phụng hành, quý vịquyết định được thành Phật, như Di Đà không khác. Như trong kinh nói “Quyết định sẽ thành Vô Thượng Chánh Giác”.
Chúng ta đã được thân người, có cơ hội nghe được đệ nhất kinh của chư Phật Như Lai thuyết giảng, chúng ta phải nên lấy làm vui mừng, phải nên tôn trọng, phải nên y giáo phụng hành. Hy vọng trong một đời này, những oan gia, nợ nần có thể được liễu kết, như vậy mới có thể vãng sanh bất thoái thành Phật.
Chỉ có bộ kinh này dạy chúng ta phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Đây là lợi ích thật sự. Những bộ kinh khác không phải là không tốt, mà vì chúng ta một đời làm không được, một đời tu hành không thể thành tựu. Nói cách khác, cho dù rất cố gắng, chăm chỉ tinh tấn tu học, chỉ qua là nhân thiên hai đường mà thôi, không có phương pháp siêu vượt luân hồi. Cần phải siêu vượt luân hồi mới là lợi ích thật sự, công đức thật sự.
Những bộ kinh khác, chúng ta không dễ dàng làm được, không dễ dàng ứng dụng vào sinh hoạt hàng ngày, bộ kinh này rất dễ ứng dụng vào cuộc sống của chúng ta. Từ điểm này có thể nhận biết rằng cho dù những kinh luận khác có tốt hơn, nhưng làm không được thì cũng vậy thôi. “Lý” hiểu được có ích gì khi mà “Sự” không làm được. Bộ kinh này, hiểu rõ lý luận có thể làm được, không hiểu rõ cũng làm được. Vậy mới diệu! Cho nên, nhất định phải sanh “ Tâm hy hữu”.
6. Nắm bắt cơ duyên tốt nhất trong đời này, quyết định thành tựu viên mãn Bồ đề. Phương pháp để quyết định thành tựu rất đơn giản, đó là “Phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Phát Bồ đề tâm là thật sự phát nguyện, cầu sanh Tịnh độ. Trong đời này, thứ gì tôi cũng không cần, chỉ cần Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thứ gì cũng không cầu, chỉ cầu gặp được A Di Đà Phật. Tâm này chính là Vô Thượng Bồ đề tâm.
Cư sĩ Bành Tế Thanh có nói: “Từ vô lượng kiếp, một ngày hy hữu khó gặp”, chúng ta nhất định phải nắm chắc cơ duyên này, tuyệt đối không để luống qua, nếu luống qua thì thật là đáng tiếc. Nên biết rằng, thế pháp thế gian tất cả pháp đều không chân thật, duy chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là chân thật.
7. “Duyên” rất khó gặp, rất trân quý, hy vọng các vị đồng tu hãy quý trọng. Vì đời người rất ngắn ngủi, trong một đời, người với người sống cùng nhau có thể gặp được bao nhiêu lần? Cần gì phải làm oan gia, đối đầu nhau. Có việc gì lớn lao đâu mà phải để trong lòng? Cho nên, không nên kết oan trái với bất cứ ai. Như vậy trên đường Bồ đề mới được thuận buồm xuôi gió, không có chướng ngại.