Có một số người xuất gia, trong cuộc sống thường ngày, khi đối diện với công việc họ không biết phải giải quyết như thế nào? Trường hợp này cũng giống như những người ngày thường đọc thuộc binh thư nhưng khi ra chiến trường thì chẳng biết đánh giặc thế nào. Vấn đề này do đâu mà ra? Do "ăn mà không tiêu". Bình thường tụng đọc kinh luận rất nhiều, cũng có niệm Phật, cũng có tham thiền, nhưng không biết vận dụng trong cuộc sống, không biết phải làm những gì, không biết phải đối nhân, xử thế, tiếp vật ra sao. Nói cách khác, họ hoàn toàn không ứng dụng được những điều đã học vào trong đời sống tu tập. Đối với những đạo lý, những nguyên lý, nguyên tắc trong kinh luận họ không hiểu hết ý nghĩa của nó và không tiêu hoá được.
Chúng ta nói tiêu hoá, trong Phật pháp gọi là tiêu quy tự tánh, tức là phải biến những gì đã học trở về tự tánh của mình. Có khả năng tiêu quy tự tánh thì có tác dụng, có thể vận dụng vào trong cuộc sống; ngược lại, không thể tiêu quy tự tánh thì chẳng có tác dụng gì. Trường hợp này người ta gọi là đọc sách chết, còn gọi là làm con mọt sách. Đọc kinh sách Phật như thế thì biến thành con mọt trong sách Phật. Tu học như vậy, không phải do kinh luận có vấn đề, mà do thái độ và phương pháp tu học của bản thân mình có vấn đề. Do đó, cần phải biết điều chỉnh lại thái độ tu học. Phương pháp điều chỉnh như sau:
Một là, về lý luận kinh điển, nguyên tắc tu học, cùng với hết thảy cảnh duyên, đều phải hiểu rõ ràng, chính xác. Cảnh có nghĩa là hoàn cảnh vật chất; duyên có nghĩa là hoàn cảnh con người.
Hai là, phải ứng dụng những điều đã học vào trong cuộc sống hằng ngày.
Trong kinh Kim Cương, đoạn mở đầu, đức Phật đã thị hiện cho cho chúng thấy, ý nghĩa của nó cực kỳ sâu rộng, chúng ta không dễ gì hiểu hết được. Đức Thế Tôn từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian đó có vô lượng kiếp tu nhân giải thoát, đều ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, như mặc áo, ăn cơm… Cho nên, mở đầu bản kinh chúng ta thấy hình ảnh đức Thế Tôn thức dậy, rửa mặt, rửa chân tay, đắp y, mang bát vào thành khất thực, cho đến khi trở về rửa tay chân, sớt bát, ngọ trai, rồi thuyết pháp, kinh hành v.v… Tất cả những sinh hoạt ấy đều mang ý nghĩa một bài pháp thoại sống động bằng thân hành mà không một bài pháp thoại bằng lời nào có thể so sánh được. Đó cũng chính là điều mà kinh Hoa Nghiêm gọi là một tức tất cả, tất cả tức một. Một tức là chỉ một việc duy. Chẳng hạn như đắp y, đức Thế Tôn đã thể hiện việc này từ khi mới phát tâm cho đến khi thành chánh giác không hề thay đổi. Đây là việc không thể nghĩ bàn.
Nói rõ hơn như trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thiện Tài đồng tử tham vấn năm mươi ba vị Bồ Tát. Sự thể hiện của năm mươi ba vị thiện tri thức này cùng với đức Phật Thích Ca Mâu Ni không có gì khác nhau, tất cả đều đem những gì mình học, mình tu ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày. Cho nên, học và vận dụng những điều đã học vào trong cuộc sống là biểu hiện trí tuệ cao nhất, mới phát huy được năng lực tự tại. Chúng ta học Phật là phải học như vậy.
Sau khi hội Phật học Tịnh độ tông thành lập, chúng ta đã ký kết năm nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ thực hành trong sinh hoạt hằng ngày. Năm nguyên tắc này là những điều đã được ghi trong kinh Quán vô lượng thọ, đó là tu học và thực hành: tam phước, lục hoà, tam học, lục độ và 10 hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Chúng ta phải đem năm điều này ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, y theo năm điều này, chúng ta lấy những đạo lý, những lời giáo huấn trong kinh luận bổ sung thêm để xây dựng một cuộc sống toàn thiện, toàn mỹ và trí tuệ. Đó là nghệ thuật sống đạt đến cảnh giới cao nhất.