Home > Khai Thị Niệm Phật
Tích Duyên
Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch


1. Chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc quan trọng là: phát nguyện phải chân thật, tiếp tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, phải ghi nhớ là tùy duyên chứ không phan duyên. Khi duyên chưa hiện tiền thì không miễn cưỡng, không cầu. Không đi tạo cơ hội, nếu tạo điều kiện, vậy là sai rồi. Có ý niệm tạo cơ hội, tạo điều kiện, thì tâm không thanh tịnh, sẽ không như pháp. Cho nên, phải chờ đợi đến khi nhân duyên chín muồi; nhân duyên chưa chín muồi thì phải chăm chỉ tu hành, tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, hạ công phu ở phương diện này. Chờ đợi cơ duyên chín muồi, quyết định không được phan duyên.

Hoằng pháp lợi sanh làm hay không? Phải làm, phải tùy duyên mà làm, không được phan duyên mà làm. Có cơ hội thì làm, không có cơ hội thì không đi tìm để mà làm, vậy là đúng rồi. Làm cũng như không làm. Nếu kể công, tôi đã làm được bao nhiêu việc tốt, đây là chấp trước tướng mà tu phước, sẽ không có công đức gì cả. Phải “Tam luân thể không”, trong tâm một lòng một dạ niệm Phật.

Có cơ hội thì tùy duyên giúp đỡ chúng sanh, tùy duyên cũng phải tận tâm tận lực, công việc mới làm được viên mãn. Nếu không có cơ hội thì tự mình lão thật niêm Phật. Thật sự chân thành niệm Phật, thì sẽ được đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước ngày giờ, lâm chung không có đau khổ.

2. Trên thế gian này làm mọi việc tốt, mọi thứ công đức, đều không bằng câu “A Di Đà Phật”. Tất cả hành vi thiện, việc thiện, chúng ta tùy duyên làm, quyết không phan duyên. Phan duyên là có ý muốn làm, vậy là tâm đã xen tạp. Tùy duyên là nguyện lực làm, là gặp thì làm; khi chưa gặp thì ý niệm cũng không có. Khi gặp rồi, làm xong cũng không nghĩ tới nữa, đây là tùy duyên. Tuy làm mọi việc thiện, tâm địa thanh tịnh, trong tâm vẫn là một câu “A Di Đà Phật” quyết định không có thay đổi, quyết định không có xen tạp.

Phải tu phước, tu huệ, không cần tu thứ khác, lão thật niệm câu “A Di Đà Phật” là được rồi. Niệm đến thân tâm thanh tịnh, phước huệ sẽ hiện tiền, đạo lý này phải tin sâu không hoài nghi. Nếu không thể tin sâu như vậy, thì trong xã hội ngày nay đề xướng những việc làm từ thiện, chúng ta nên làm nhiều việc tốt, tùy duyên tu phước là đúng, chấp có ý tu phước là sai rồi.

Niệm Phật niệm đến tâm thanh tịnh, cái được đó là phước vô lậu. Phước vô lậu thì tương lai được vãng sanh Tịnh độ, y (báo) chánh (báo) trang nghiêm với Phật không hai không khác, phước hữu lậu làm sao sánh bằng? Không phải nói người học Phật không đi làm việc thiện, việc thiện phải tùy duyên mà làm, không phan duyên thì tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh.

3. Người học Phật tâm địa phải thanh tịnh, hàng ngày đối nhân, xử thế, tiếp vật đều phải tùy duyên. “Tùy duyên” là không tự mình chủ trương (theo ý riêng). Trong tùy duyên mà đoạn ác tu thiện…

Phàm là đối với mình có lợi đều là ác. Phàm là đối với cả Phật pháp có lợi ích, đối với chúng sanh có lợi ích, đều là thiện. Phật pháp từ đầu đến cuối là phá ngã chấp, phá pháp chấp. Có ý kiến là có chấp trước, có chấp trước đó là ác, thì có ngã chấp, có pháp chấp… Tùy duyên là cái gì cũng tốt, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, ta đều hoan hỉ mà cùng cư xử với họ, vì họ có chấp trước, ta thì không có; họ có phân biệt, ta không có phân biệt, họ có vọng tưởng, ta không có vọng tưởng; không có, thì cái gì cũng tùy thuận; có rồi, thì đối lập, thì có đụng chạm. Đâu có hoàn cảnh nào mà không thể cùng sống chung? Đâu có nhân sự nào mà không thể cùng cư xử?

4. Có nguyện mà không cầu thì được tự tại. Có nguyện, sau cái nguyện còn có một cái tâm hy cầu (hy vọng và cầu xin), đây là gánh nặng rất lớn, cũng rất khổ não. Cái gì khổ? Cầu không được thì khổ. Khi cầu được thì lại lo lắng được mất, sợ mất đi, thì khổ lại đến nữa. Cho nên, Phật dạy chúng ta “Tùy duyên mà không phan duyên”, đây thì được đại tự tại rồi. Cho dù hoằng pháp lợi sanh, cũng không ngoại lệ. Có duyên thì chúng ta làm cho tốt, không có duyên thì chúng ta niệm Phật cho tốt, càng tự tại. Có duyên, quý vị phải tận tâm tận lực mà làm thì mới viên mãn; không có duyên, tâm của ta vừa phát là viên mãn rồi, không cần đi làm, đây là tùy duyên.