Bài Văn “Răn Sát Sinh Và Khuyên Phóng Sinh”
Cư Sĩ Phương Luân | Dịch Giả :Cư Sĩ Hạnh Cơ

Từng nghe: Điều quan trọng nhất ở thế gian là mạng sống, điều thê thảm nhất trong thiên hạ là giết hại. Bởi vậy, chí rận còn biết sợ chết, đụng đến liền chạy trốn; dế kiến cũng biết ham sống, sắp mưa lo dời đi. Vậy tại sao lại gài bẫy trên non, giăng lưới dưới vực, tìm mọi cách bủa vây? Nơi bằng phẳng thì dùng tên bắn, chỗ khúc khuỷu thì dùng lưỡi câu, nghĩ trăm phương lùng bắt? Khiến cho muôn loài mật vỡ hồn bay, mẹ con li tán; hoặc bị nhốt trong lồng, cũi, có khác gì ở tù; hoặc bị chết bởi thớt, dao, cũng đồng như lóc thịt. Nai thương con, liếm vết thương mà ruột đứt từng đoạn; vượn sợ chết, nhìn bóng cung mà lệ nhỏ đôi hàng. Ỷ mình mạnh mà lăng nhục kẻ yếu, về lí lẽ e không thích đáng; ăn thịt loài khác để bồi bổ thân ta, lòng yên được sao?

Do vậy, trời cao rủ lòng thương xuống, bậc thánh đời xưa thể hiện đức nhân, Thành Thang(2) mở lưới, Tử Sản(3) nuôi cá. Lưu Thủy(4) thật là bậc thánh, dùng túi đựng nước suối đổ chỗ đất khô; Thích Ca đúng đấng từ bi, cắt thịt mình thay cho loài sắp bị hại. Trí Giả(5) ở Thiên thai, đào ao phóng sinh; tiên nhân nơi đại thọ, ngồi yên cho chim đậu. Thọ thiền sư(6) mua cá tôm phóng sinh mà được độ, gương nhân ái để lại vẫn còn; Tôn chân nhân(7) cứu rồng con mà được truyền nghề y, phong cách từ bi chưa tiêu mất.

Một lần cứu sống bầy kiến, vị sa di đã chuyển số kiếp ngắn ngủi của mình thành mạng sống dài lâu; kẻ thư sinh đã đổi danh phận thấp hèn của mình thành địa vị trên trước. Một lần thả rùa, Mao Bảo đang lúc lâm nguy mà được thoát nạn; Khổng Du ở chức quan nhỏ mà được phong hầu. Khúc sư thả cá chép ở thôn Nguyên, mạng sống được tăng thêm một kỉ; Tùy hầu cứu rắn ở đất Tề, ngọc báo đáp giá đáng ngàn vàng. Người nấu rượu, do cứu vớt những con ruồi chìm, mà sau được khỏi án tử hình; bà làm bếp, nhờ thả con ba ba sắp bị nấu, mà sau thoát được cơn bịnh ngặt. Ông Trương đề hình mua súc vật ở lò sát sinh đem thả, sau khi chết được sinh lên trời; ông Lí Cảnh Văn mua cá ở thuyền đánh cá thả xuống nước, sau giải được chất độc của thuốc đan sa. Tôn Lương Tự giải được cái nguy cung tên, lúc chết được bầy chim chôn cất; Phan huyện lệnh ra lệnh cấm nơi sông hồ, lúc nghỉ việc, loài thủy tộc kêu khóc bi thương. Tín đại sư trừ được lệ cúng tế sinh vật của người dân, trời đổ mưa lành; Lục Tổ(8) giữ lưới cho bọn thợ săn, đạo được lan truyền khắp nước. Chim sẻ hiến vòng ngọc đền ơn; con chồn xuống giếng trao pháp thuật. Cho đến sắp chết được cứu mạng, bám vào vách mà nghe kinh; nơi khốn khó, vì cầu được sống, bèn hiện làm người áo vàng báo mộng.

Bố thí đều có quả báo, việc đó không phải là không bằng chứng, đều có chép trong sử sách, ai cũng có thể biết rõ. Khắp nguyện, tùy loài vật thấy được, nên phát tâm từ bi, vất bỏ của cải không chắc chắn, làm các việc phương tiện(9), hoặc thi ân cho nhiều mạng sống, âm đức càng tích tụ nhiều; dù giúp đỡ chỉ một con vật, cũng vẫn là việc thiện. Nếu ngày ngày tăng thêm thì tháng tháng tích lũy, do thi hành rộng rãi mà phước đức chất cao; lòng từ đầy khắp loài người, tên tuổi rạng nơi thiên phủ. Oán chướng sạch không, phúc tụ nhiều ở đời này; thiện căn vun bồi, phước báo trải sang kiếp khác. Nếu lại tụng kinh niệm Phật để giúp sức thêm, rồi hồi hướng cho tất cả được vãng sinh về Tây phương, khiến cho muôn loài thoát khỏi các con đường ác, thì tâm chứa càng lớn, đức trồng càng sâu; đạo nghiệp nhờ đó mà chóng thành, chắc chắn sẽ sinh lên tòa sen thượng phẩm.
CHÚ THÍCH

01. Đại sư Liên Trì, người đời Minh, họ Thẩm, húy Châu Hoằng, hiệu Liên Trì. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia và thọ giới cụ túc với hòa thượng Tánh Thiên. Sau đó, ngài đi khắp nơi tham học; nhân lên núi Ngũ đài chiêm bái, ngài cảm nhận được ánh sáng của đức Bồ tát Văn Thù. Ngài trú tại chùa Vân thê ở Hàng châu. Cư dân trên núi từng khốn khổ vì nạn cọp beo, ngài dốc lòng tụng kinh, thí thực, do đó mà nạn được tiêu trừ. Gặp năm hạn hán, ngài đã men theo bờ ruộng mà niệm Phật; đi đến đâu thì mưa theo đến đó. Do đó mà công việc giáo hóa của ngài được hiệu quả lớn, kiến tạo tùng lâm, khuyên người niệm Phật. Ngài trước thuật nhiều, viên tịch năm 81 tuổi. Bản văn viết theo thể biền ngẫu bốn sáu, âm điệu vang vang; đối với sự “răn sát sinh và khuyên phóng sinh” thì tận tình chí lí, khiến người đọc phải động lòng trắc ẩn, khởi niệm từ bi, đáng để học thuộc lòng.

02. Chí rận là loại ấu trùng.

03. Loài dế, loài kiến, ý nói là vật nhỏ mọn.

04. Một loại lưới.

05. Chốn lao tù.

06. Dao và thớt, chỉ cho những dụng cụ giết hại.

07. Hình phạt lăng trì thuở xưa (lóc da, xẻ thịt tội nhân).

08. Hứa chân quân tên là Tốn, người ở đất Nhữ nam, đời Tấn. Thiếu thời thích săn bắn. Một hôm ông bắn trúng một con nai con, nai mẹ liền liếm vết thương, nhưng rốt cuộc nai con không sống được, và nai mẹ cũng chết theo. Ông lấy làm kì quái, nai mẹ không bị thương, cớ sao lại chết? Ông mổ bụng nai mẹ để xem, thấy ruột nó bị đứt ra từng đoạn, mới biết rằng, vì thương con mà nai mẹ đứt ruột chết theo. Ông quá cảm động và hối hận, bèn bẻ gẫy cung tên, vào núi tu đạo. Về sau cả nhà đều được lên tiên. Hai câu này dùng để chứng thật ý “mẹ con li tán” ở trên.

09. Vua nước Sở đi săn, thấy một con vượn trắng lớn, có thể bắt được mũi tên đang bay. Vua bèn bảo Dưỡng Do Cơ bắn. Cơ đến, con vượn liền rơi lệ; bởi vì, Cơ vốn có tài bắn cung như thần, mũi tên bay đến, tay không thể nào bắt kịp. Vượn tự biết chắc chắn phải chết, chỉ còn biết chảy nước mắt. Hai câu này dùng để chứng thật ý “mật vỡ hồn bay” ở trên.

10. Nguyên khí của trời vô cùng rộng lớn, cho nên gọi là “hạo thiên”.

11. Vua nhà Thương là Thành Thang đi ra ngoài thành, thấy người thợ săn bủa lưới bốn mặt, và khấn rằng: Những con vật từ trên trời bay xuống, từ dưới đất chui lên, từ bốn phương kéo đến, tất cả hãy vào lưới của ta. Nhà vua bèn mở bỏ ba mặt, chỉ để lại một mặt, lại khấn rằng: Con vật nào muốn chạy ra bên trái thì cứ chạy ra bên trái, muốn chạy ra bên phải thì cứ chạy ra bên phải, muốn bay lên trời thì cứ bay lên trời, muốn chui xuống đất thì cứ chui xuống đất, còn không muốn sống nữa thì hãy vào lưới của ta. Chư hầu nghe thế thì tán thán rằng: Lòng nhân đức của vua Thang trải rộng đến loài cầm thú, như thế là cùng tột rồi!

12. Tử Sản là biệt hiệu của đại phu Công tôn Kiều, nước Trịnh, thời Xuân Thu. Có người biếu cho ông một con cá sống. Ông sai người thả vào ao để nuôi. Điều đó chứng tỏ Nho giáo cũng dạy phóng sinh, nhưng không triệt để.

13. Kinh Kim Quang Minh chép: Trưởng giả Lưu Thủy, đi đường thấy một đàn cá rất đông, ở chỗ nước gần cạn hết, sắp chết. Ông bèn dùng túi đựng nước đổ xuống, nhờ đó mà cá thoát chết. Ông lại nói pháp cho chúng nghe. Sau khi mạng sống đã hết, cả đàn cá ấy đều được sinh lên cõi trời.

14. Đức Thích Tôn, ở một kiếp xa xưa khi còn tu hạnh Bồ tát, một hôm có con chim ưng đuổi bắt chim bồ câu, bồ câu liền chui vào mình Ngài trốn nạn. Chim ưng nói: Ngài cứu mạng nó nhưng lại để cho tôi bị chết đói sao? Ngài bèn cắt thịt ở tay mình đền cho chim ưng ăn. Nó lại nói: Thịt bồ câu non mềm, thịt ngài già rồi, tôi không muốn ăn. Ngài lại cắt thịt chỗ khác cho chim ưng; cắt mãi cho đến lúc thịt mình sắp hết, mà vẫn không có miếng nào bằng thịt con bồ câu. Bấy giờ chim ưng hỏi: Ngài có thấy hối hận không? Ngài trả lời: Ta không có một mảy may nào hối hận. Nếu lời nói này của ta là chân thật, hãy khiến cho toàn thân ta có thịt trở lại. Ngài nói lời ấy xong, toàn thân đầy thịt lại như cũ. Chim ưng bèn hóa thành trời Đế Thích, đảnh lễ và tán thán Ngài.

15. Đại sư Trí Khải ở núi Thiên thai, được vua Tùy Dạng đế ban tặng hiệu là Trí Giả. Ngài từng đào ao phóng sinh, khuyên mọi người lập hạnh phóng sinh. Trong niên hiệu Càn nguyên nhà Đường, vua xuống chiếu cho quốc dân đào 81 ao phóng sinh, Nhan Chân Khanh lập bia. Trong niên hiệu Thiên hi, Vương Khâm Nhược tâu vua lấy hồ Tây ở Hàng châu làm ao phóng sinh, vua thuận. Như vậy, việc phóng sinh đã thịnh hành từ các đời Đường, Tống.

16. Xưa có vị tiên ngồi nhập định dưới một cây đại thọ. Khi xuất định thì thấy có con chim đang đậu trong lòng mình. Vì sợ làm kinh động con chim, ông bèn ngồi im, không dám nhúc nhích. Đợi cho chim bay đi rồi, ông mới đứng dậy. Lòng từ đối với loài vật, đến như thế là cùng!

17. Người chết rồi mà lòng nhân ái còn để lại cho đời sau, gọi là “di ái”. Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, khi chưa xuất gia, làm người giữ kho cho huyện Dư hàng. Ông ăn cắp tiền của huyện nhiều lần, mua cá tôm đem phóng sinh. Sau bị phát giác, theo luật pháp, ông bị án tử hình. Ngô Việt vương nghe biết việc ông phóng sinh, bèn bí mật cho người lén quan sát thái độ của ông lúc sắp thọ hình. Thấy ông không tỏ vẻ gì lo buồn hay sợ hãi, người đó hỏi vì sao vậy, ông trả lời: “Tiền của kho, tôi đã không tiêu một xu nào cho riêng mình, mà tất cả đều để mua và phóng sinh cho vô số mạng sống. Nay tôi chết, nhất định sẽ sinh về thế giới Cực lạc, cho nên lòng rất vui.” Vua nghe được lời ấy, bèn tha tội. Sau đó ông xuất gia, trở thành vị tổ thứ hai của tông Pháp Nhãn.

18. Tôn Tư Mạc là một vị ẩn sĩ đời nhà Đường. Ông người Hoa nguyên, thông suốt các học thuyết đương thời, nhưng tinh tường nhất về Lão Trang, cùng các khoa âm dương, y duợc và thiên văn. Một ngày nọ đi đường, thấy một em bé xách một con rắn sắp chết, ông liền mua con rắn ấy thả xuống nước. Sau đó ông được long vương mời xuống long cung, nói rằng: “Hôm qua con trẻ đi chơi gặp nạn, nếu không được tiên sinh cứu giúp thì chắc là chết rồi!” Liền đem châu báu tạ ơn. Ông từ chối không nhận, nói rằng: “Tôi nghe ở long cung có nhiều phương thuốc thần diệu, vậy cho tôi xin để cứu giúp người đời.” Long vương bèn lấy ra tặng 36 phương cỏ ngọc. Từ đó ông trở thành một vị danh y. Về sau ông chứng đạo tiên, mất lúc trên trăm tuổi. Ông có viết bộ sách Thiên Kim Phương, gồm 93 quyển, truyền lại ở đời.

19. Xưa có một chú sa di nhỏ tuổi. Thầy của chú là một vị sư đắc đạo. Hôm đó, vị sư biết trước chú chỉ còn sống có bảy ngày, bèn cho phép chú về nhà thăm mẹ, bảo rằng: Quá bảy ngày hãy trở lại chùa – vì ý sư muốn chú được chết ở nhà. Quá bảy ngày, chú trở về chùa. Thấy chú, vị sư lấy làm ngạc nhiên lắm: Vì sao chú này chưa chết? Sư bèn nhập định để xét xem chú sa di đã có những hành động gì. Sư thấy rõ, trên đường về nhà, chú thấy một bầy kiến bị nước cuốn trôi, đã lấy cây sào tre vớt chúng lên bờ cứu sống. Nhân công đức đó mà thọ mạng được kéo dài thêm.

20. Hai anh em Tống Giao và Tống Kì cùng lên đường đi thi, thấy một bầy kiến bị chìm dưới nước, bèn lấy tre bắc cầu cho chúng bò vào bờ. Sau đó gặp một vị tăng người Hồ. Thấy họ, vị tăng giật mình hỏi: “Hình như quí vị từng cứu sống vài trăm vạn mạng thì phải?” Tống Giao đáp: “Bần nho làm gì có khả năng đó!” Vị tăng nói: “Ý tôi muốn nói, hễ có đời sống thì đều gọi là mạng”. Giao bèn thuật lại việc cứu bầy kiến. Vị tăng nói: “Thế thì đúng rồi. Khoa này lịnh đệ sẽ đỗ trạng nguyên, nhưng công danh của ngài cũng không đứng dưới lịnh đệ đâu.” Quả nhiên, khoa đó Kì đỗ đầu, mà Giao cũng trúng tuyển. Nhưng triều đình xét rằng, em không thể đứng trên anh, cho nên đổi cho Giao đứng đầu, còn Kì thì hạng thứ mười. Lời nói của vị tăng quả có hiệu nghiệm.

21. Mao Bảo thuở còn hàn vi, từng mua một con rùa rồi thả cho đi. Sau làm tướng, bại trận, nhảy xuống nước thoát thân, bèn cảm thấy có vật gì đỡ dưới chân, đưa thẳng sang bờ bên kia. Ông nhìn lại thì hóa ra là con rùa mà mình đã phóng sinh ngày trước.

22. Khổng Du vốn là một quan chức nhỏ, cũng đã từng phóng sinh một con rùa. Rùa nổi lên mặt nước, ngoảnh đầu lại nhìn Du mấy lần rồi mới lặn xuống nước. Sau, vì có công mà ông được phong hầu. Khi đúc ấn, cái quai ấn khắc hình con rùa, và tự nhiên, đầu con rùa quay lại ngó ra sau. Người thợ bỏ đi, đúc lại mấy lần, đầu rùa nơi cái khuôn vẫn hướng thẳng phía trước, nhưng đầu rùa trên chiếc ấn cứ quay ngó ra sau. Viên quan trông coi việc đúc ấn kinh dị vô cùng, liền đi báo cho ông biết. Ông bỗng nhớ lại lúc thả con rùa, nó ngoái đầu ngó lại ông mấy lần. Thì ra, việc ông được phong hầu chính là quả báo của hành động phóng sinh.

23. Khuất sư ở thôn Nguyên, mua một con cá chép màu đỏ phóng sinh, sau nằm mộng thấy được long vương mời vào cung, nói rằng: “Tuổi thọ của ngài đã hết, nhưng vì đã cứu sống con rồng, nên được sống thêm một kỉ.” – Tức 12 năm.

24. Tùy là tên một tiểu quốc thời Xuân Thu. Vua của nước đó có tước hầu, cho nên gọi là “Tùy hầu”. Tùy hầu đi sang nước Tề, trên đường, thấy một con rắn bị khốn giữa bãi cát nóng, đầu chảy máu, bèn lấy gậy khều lên, bỏ xuống nước, rồi tiếp tục đi. Sau khi về nước, con rắn kia ngậm một hột châu rất lớn, đem đến chỗ ông, tặng để đền ơn.

25. Một người thợ nấu rượu, tính nhân từ, mỗi khi có ruồi nhặng rơi vào rượu, liền vớt ra để vào chỗ khô ráo, lấy tro ủ trên mình để thấm cho khô nước. Làm vậy, ông đã cứu sống lũ ruồi nhặng rất nhiều. Sau ông bị người vu cáo cho tội ăn trộm, phải bị hình phạt. Khi vị chủ hình sự cầm bút viết bản án ấy, một con nhặng bay đến đậu vào đầu ngòi bút. Đuổi nó bay đi, nó liền quay lại đậu vào đầu ngòi bút như cũ, khiến cho không tài nào viết được chữ gì. Cuối cùng, ông chủ hình sự sinh nghi có điều gì oan khuất, bèn cho gọi ông lên tra xét lại. Quả nhiên, ông đã bị người ta vu cáo tội ăn trộm, liền được phóng thích.

26. Có hai vợ chồng người họ Trình, rất thích ăn thịt ba ba. Một hôm được con ba ba rất lớn, bảo chị ở làm thịt nấu ăn. Nhưng chị ở trông thấy bất nhẫn, bèn tự ý đem ba ba thả xuống ao. Khi hai vợ chồng kia hỏi món ăn ba ba, chị ở trả lời là đã vô ý làm sổng, nó chạy mất rồi; liền bị đánh đập đau đớn. Sau, chị ở bị nhiễm bệnh dịch, sắp chết, người nhà khiêng để nơi nhà thủy tạ. Đêm ấy có con vật từ dưới nước trồi lên, lưng chở bùn ướt, bôi lên mình chị, nhờ đó mà hơi nóng hạ xuống, chất độc được giải, bệnh giảm. Chủ nhân hỏi, bấy giờ chị mới nói ra sự thật. Chủ không tin, đêm đến núp sau nhà thủy tạ rình xem, mới biết con ba ba được thả ngày trước, bây giờ đến báo ân. Cả nhà cảm động, từ đó tự răn nhau không bao giờ ăn thịt ba ba nữa.

27. Đề hình là chức quan đời Tống, chuyên tra xét những vụ tố tụng, làm sáng tỏ những điều khúc mắc. Có quan đề hình họ Trương, thường đến các lò sát sinh, mua những súc vật còn sống thả đi, khỏi bị giết. Về sau, lúc lâm chung, ông nói với người nhà: “Ta nhờ phóng sinh mà có nhiều phước đức. Nay thiên chúng đến đón ta lên trời.” Nói xong, an nhiên nhắm mắt.

28. Lí Cảnh Văn tin thuyết thần tiên, thường chưng nấu đơn sa để ăn. Ông tính nhân từ, thường đến các thuyền đánh cá để mua cá sống, rồi thả xuống nước. Vì ăn đơn sa lâu ngày, nhiệt tích tụ thành bệnh, nhọt độc mọc trên lưng, đau nhức vô cùng, đến nỗi hôn mê. Trong cơn mê, ông thấy như có một đàn cá nhổ nước miếng trên mụt nhọt. Tỉnh dậy, ông cảm thấy chỗ mụt nhọt trở nên mát mẻ, rồi khỏi bệnh.

29. Tôn Lương Tự, mỗi khi gặp ai bắt chim thú, đều mua mà phóng sinh. Đến lúc chết, tiền của sạch không, không ai mai táng. Lúc ấy có vài trăm con chim, ngậm bùn bỏ lên, lấp xác ông lại. Người đứng xem cảm thán, cho rằng, vì ông có lòng nhân đức mà chiêu cảm cầm thú như vậy.

30. Phan huyện lệnh ra luật cấm nhân dân không được bắt cá ở sông hồ. Ai phạm sẽ bị tội. Về sau, khi ông nghỉ việc, dưới nước vang lên tiếng kêu khóc rất lớn. Người nghe đều lấy làm lạ.

31. Tín đại sư, gặp lúc trời hạn hán, thấy nhân dân giết súc vật để cúng tế cầu mưa. Sư thương dân không sáng suốt, bảo họ rằng: “Quí vị đừng dùng đến sinh vật. Tôi sẽ cầu mưa cho quí vị.” Mọi người vâng lời. Sư bèn thành tâm cầu đảo, liền có mưa lớn, xa gần đều được cảm hóa.

32. Tào khê là tên đất, nằm cách phủ Thiệu châu (tỉnh Quảng đông) ba mươi dặm, về hướng Đông Nam, là đạo tràng của đại sư Huệ Năng, tổ thứ sáu của Thiền tông, đời Đường; người đời sau thường dùng hai chữ “Tào Khê” để chỉ cho Lục Tổ. Lục Tổ đã đắc pháp từ Ngũ Tổ, nhưng thời cơ hoằng pháp chưa tới, nên tạm ẩn mình trong một toán thợ săn. Tổ được toán thợ săn giao cho việc trông chừng lưới, bèn thừa lúc họ đi vắng, thả những chim thú bị mắc lưới đi. Trải qua 16 năm như vậy, khi cơ duyên đã tới, Tổ mở đạo tràng ở Tào khê, hoằng dương tông chỉ Thiền tông. Đệ tử đắc pháp của Tổ rất đông, phân làm năm chi phái, đạo phong tỏa rộng toàn quốc.

33. Dương Bảo, thời thơ ấu từng thấy một con chim sẻ bị chim cú bắt nhưng làm rơi xuống đất. Bảo liền lượm chim sẻ đem về nuôi trong lồng, cho ăn hoa cúc trăm ngày, chờ chim mạnh khỏe, thả cho bay đi. Đêm đó, có một em bé mặc áo vàng, đem bốn vòng ngọc trắng đến tặng Bảo, lạy mà nói rằng: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nhờ bạn cứu sống, nay xin đền ơn. Chúc cho con cháu sau này, địa vị liệt hàng tam công, tính tình thanh khiết như bốn vòng ngọc này.” Quả vậy, về sau con cháu của Bảo đều được quí hiển đến bốn đời.

34. Một vị tăng vốn tính giảo hoạt, nghe nói ăn hoàng tinh có thể sống lâu, ý muốn thí nghiệm, nhưng không dám tự mình ăn thử, sợ nguy hiểm. Ông đem một củ hoàng tinh để dưới giếng khô, dụ một người xuống giếng, rồi lấy phần trên của cái cối xay đá đậy miệng giếng lại; bảo rằng, nếu đói thì cứ ăn hoàng tinh. Người kia ở dưới giếng, quá hốt hoảng, nhưng không có cách nào để thoát. Bỗng, một con chồn tới miệng giếng, nói rằng: “Tôi là một con chồn, ở dưới hang trong một ngôi mộ. Trên mộ có một lỗ hổng. Mỗi ngày tôi nằm trong mộ, hai mắt cứ nhìn chăm chú lên cái lỗ hổng đó. Một thời gian sau, tôi tự nhiên thấy mình được ra khỏi mộ. Từ đó tôi có thể bay xa và biến hóa, trở thành một con chồn có thần thông. Ngày xưa tôi đã từng bị chó săn bắt, và đã nhờ ông cứu mạng; bây giờ xin đem phép này chỉ cho ông để đền ơn.” Người kia làm theo lời ấy, thân ngồi trong giếng, hai mắt ngó chăm chú lên cái lỗ trống của chiếc cối xay. Hơn mười ngày sau, tự nhiên ra khỏi giếng; liền chạy trốn. Qua vài ngày sau nữa, vị tăng lấy cái cối xay ra, và nhìn xuống giếng, thấy người kia đã đi mất rồi, bèn cho đó là sự hiệu nghiệm của hoàng tinh. Ông về từ biệt đại chúng, tự mình mang hoàng tinh xuống giếng, hẹn một tháng sau, đại chúng hãy mở nắp giếng mà xem. Đến kì hạn, đại chúng mở nắp giếng nhìn xuống, thì ông đã chết từ bao giờ!

35. Đoạn này đại sư Liên Trì nhắc lại việc làm của chính mình. Sư ở trong am, thấy một người mang mấy con rết, đầu và đuôi bị căng ra bởi que trúc cong. Sư liền mua rồi đem thả. Nhưng mấy con kia đều chết cả rồi, chỉ có một con sống sót, bỏ chạy. Một buổi tối nọ, sư cùng ngồi đàm đạo với một người bạn, bỗng thấy trên vách có một con rết nằm yên, đuổi không đi. Sư nói: “Con có phải là con rết mà ta đã thả trước đây không? Nay ta nói pháp cho con nghe: Tất cả các loài hữu tình đều do tâm tạo ra. Tâm hung tợn thì hóa ra cọp sói; tâm độc hại thì hóa ra rắn rết. Nếu con trừ đi cái tâm độc hại, thì thoát được cái hình thù này.” Sư nói xong, bảo nó bò đi. Nó từ từ bò ra ngoài cửa sổ.

36. Ở Hàng châu có người họ Can, được con gái biếu cho mười con lươn. Ông nuôi chúng trong lu, lâu ngày quên mất. Một đêm ông mộng thấy có mười người mặc áo vàng, đội mũ nhọn, quì trước ông mà xin tha mạng. Tỉnh dậy, ông mời thầy bói đoán giùm. Thầy bói nói: Trong nhà chắc chắn có loài sinh vật nào đó mong được thả ra. Ông tìm khắp nhà, thì ra, có một cái lu chứa mấy con lươn rất lớn; đếm thì đúng là mười con. Ông thất kinh, lập tức đem đi thả.

37. Chữ “phỉ” nghĩa là không phải; chữ “trưng” nghĩa là chứng minh.

38. Chữ “giản” nghĩa là thanh tre; “biên” là đem các thanh tre sắp liền nhau, dùng dây da bện lại, gọi là “vi biên”.

39. Tiền của là những vật không chắc chắn, vì chúng có thể bị nước cuốn trôi, lửa đốt cháy, quan nha cưỡng đoạt, trộm cướp lấy mất, hay con cháu phá tán.

40. Khi một người tạo công đức thì người khác không thể thấy, không thể biết, cho nên gọi là “âm đức”, hay “âm công”.

41. Trời Tứ Thiên vương dùng ngày trai thứ sáu để thị sát nhân gian, xem biết người làm thiện, kẻ làm ác. Vả lại ở thế gian, nếu người làm thiện đông thì Trời thắng; nếu người làm ác đông thì A tu la thắng. Cho nên, vua trời Đế Thích luôn luôn muốn người đời làm thiện. Nếu có một người làm thiện, thiên thần liền báo cáo cho Thiên đế biết; vì vậy mà nói: “tên tuổi rạng nơi thiên phủ”.

42. Giết mạng sống của sinh vật tức là kết oán với chúng sinh; làm một việc ác tức là tạo một chướng ngại đối với pháp lành. Nay biết giữ giới, không giết hại mà lại còn phóng sinh, tất oán kết và chướng ngại đều không có, và nhiều phước đức tụ lại ngay ở đời này.

43. Thiện căn: Nghiệp lành của thân miệng ý, chắc chắn như rễ cây, không thể nhổ bật lên. Lại có thể lấy tính thiện làm gốc, chứa giữ tất cả hạt giống thiện, phát sinh tất cả mọi hành động thiện, nở hoa kết quả, như rễ cây vậy. Người có khả năng giữ giới không giết hại và bảo vệ sự sống, đương nhiên là đã có thiện căn từ đời trước, nhưng đời này nếu lại tiếp tục làm việc thiện để bồi đắp thâm sâu, khiến cho thiện căn càng thêm to lớn, thì phúc đức trải cả đời sau, đâu phải chỉ có sống lâu không bệnh khổ mà thôi ư!

44. Chữ “thảng” nghĩa là nếu, nếu như.

45. Chữ “phúng” nghĩa là đọc thuộc lòng sách, ở đây có nghĩa là tụng kinh.

46. “Ác đạo” cũng gọi là “tam ác đạo”, hay “tam đồ”, tức là ba cảnh giới Súc sinh, Ngạ quỉ và Địangục. Bài văn trên nói về răn sự sát sinh và khuyên việc phóng sinh. Tuy đó là việc thiện, nhưng chỉ cứu cái sắc thân của chúng sinh, mà không thể cứu cái huệ mạng của chúng sinh. Cho nên không thể giúp chúng sinh chấm dứt sinh tử, thoát ra khỏi ba cõi. Nếu trong lúc phóng sinh, lại còn vì chúng mà niệm Phật, tụng kinh; đem công đức ấy hồi hướng và cầu nguyện cho chúng được vĩnh viễn thoát khỏi ba đường ác, và vãng sinh về thế giới Cực lạc; như vậy mới là hành động triệt để.

47. Sự hóa sinh trong hoa sen ở cõi Tây phương được phân làm chín bậc. Trên hoa có đài, là chỗ ngồi của hành giả. Nay, đã có thể giữ giới không giết hại và thực hành việc phóng sinh, lại vì chúng sinh mà tụng kinh niệm Phật, hồi hướng và cầu nguyện cho chúng được sinh về cõi Tây phương; cứ để tâm trồng đức như thế, tự mình chắc chắn sẽ tăng tiến đạo nghiệp. Trong tương lai, đến lúc mạng chung, tự nhiên sẽ được sinh vào đài sen thượng phẩm.
PHỤ CHÚ

(01) Nhà Minh do Chu Nguyên Chương (1368 1398) diệt nhà Nguyên (1260 1368) mà sáng lập nên, truyền nối được 21 đời vua, trị vì 294 năm (1368 1661).

(02) Thành Thang họ Tử, tên Lí, hiệu Thiên Ất, diệt vua Kiệt của nhà Hạ, lên ngôi vua, lập ra triều đại nhà Thương, truyền nối được 31 đời vua, trị vì gần 500 năm (1562? 1066? tr. TL).

(03) Tử Sản (? 522 tr. TL) tên là Công tôn Kiều, người nước Trịnh, đời Xuân Thu (770 476 tr. TL). Ông học rộng, có tài chính trị, làm quan đại phu nước Trịnh. Lúc bấy giờ, hai nước Tấn và Sở tranh bá; nước Trịnh nhỏ yếu nằm ở giữa, nhờ có Tử Sản lèo lái, khi cương khi nhu đúng lúc, giữ cho nước Trịnh được vô sự. Sau khi Tử Sản chết, Khổng Tử khen là người nhân từ, để lại lòng yêu mến cho người sau.

(04) Trưởng giả Lưu Thủy là một tiền thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi còn tu hạnh Bồ tát. Kinh Kim Quang Minh chép: Một hôm trưởng giả Lưu Thủy dẫn hai người con là Thủy Không và Thủy Tạng, du hành các nơi thành ấp xóm làng. Đi đến một cái đầm rộng, giữa có một cái ao, nước khô cạn gần hết, những loài cá ở trong đó bị phơi mình dưới nắng gắt, các loài chim thú đang chực bắt ăn. Ông động lòng từ bi, trước hết đi bẻ nhánh lá cây phủ lên bầy cá cho đỡ nắng; sau đó đi mượn hai mươi con voi lớn chở nước sông đem đổ vào ao. Nhờ vậy mà cá trong ao đều được cứu sống. Ông lại bỏ thức ăn xuống cho cá ăn, rồi niệm Phật và nói pháp cho cá nghe. Về sau, một hôm ông thết tiệc tại nhà để đãi bạn bè; bỗng nhiên đại địa rung chuyển, cả một vạn con cá cùng chết trong ngày đó, và cùng chuyển kiếp sinh lên cõi trời Đao lợi. Bấy giờ trưởng giả đã ngà ngà say, bèn lên lầu nằm nghỉ. Bỗng dưng ông thấy cả vạn vị trời đem vô số châu báu đến tặng ông, đứng chung quanh và rải hoa khắp người ông để đền ơn trước. Trưởng giả Lưu Thủy là tiền thân của Phật Thích Ca; Thủy Không là tiền thân của tôn giả La Hầu La; Thủy Tạng là tiền thân của tôn giả A Nan; một vạn con cá nay đều là thiên tử.

(05) Trí Giả tức đại sư Trí Khải. (Xin xem lại chú thích số 6, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

(06) Thọ thiền sư tức thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ. (Xin xem lại chú thích số 24, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 34, 35 và 36”, sách GKPH I.)

(07) Tôn chân nhân tức Tôn Tư Mạc (581 682), một vị ẩn sĩ đời nhà Đường (618 907). Ông giỏi cả “bách gia chư tử”, thông cả Phật điển, tinh chuyên y dược. Các vua nhà Tùy (581 618) và nhà Đường đều triệu ông ra làm quan, nhưng ông đều khước từ, chỉ để hết tâm lực và thì giờ cho việc nghiên cứu y dược. Ông quan niệm, mạng sống con người quí đáng ngàn vàng; cứu trị cho một người bằng bố thí ngàn vàng; cho nên các sách của ông viết về y dược đều có tên là “Thiên Kim”, như các bộ Thiên Kim Phương (30 quyển), Thiên Kim Dực Phương (30 quyển), Thiên Kim Tủy Phương (20 quyển – thất truyền).

(08) Lục Tổ tức thiền sư Huệ Năng. (Xin xem chú thích số 7, bài “Tổng Hợp Yếu Chỉ các bài 10, 11 và 12”, sách GKPH I.)

(09) “Phương tiện” là một thuật ngữ Phật học, chỉ cho những hành động, cử chỉ và ngôn ngữ khéo léo mà người tu tập hạnh Bồ tát sử dụng trong công việc giáo hóa chúng sinh. Chân lí là pháp chân thật, chỉ có thể chứng nghiệm, thể nhập, chứ không thể suy nghĩ hay nói năng. Bởi vậy, muốn cho chúng sinh thể nhập pháp chân thật, chư Phật và Bồ tát phải quán sát căn cơ của chúng sinh, tùy mỗi hạng mà bày ra những phương pháp (pháp môn) khác nhau để chỉ bày, hướng dẫn, hóa độ. Tất cả mọi pháp môn đó (thường nói là tám vạn bốn ngàn pháp môn) đều được gọi là “phương tiện”. Cũng vậy, tuệ giác của chư Phật là trí tuệ bát nhã, chân thật, bình đẳng, không phân biệt; nhưng trong công việc hóa độ chúng sinh, chư Phật và Bồ tát phải dùng thứ trí tuệ quyền tạm để quán chiếu những hiện tượng sai khác của đời sống chúng sinh, để tùy cơ giáo hóa. Thứ trí tuệ quyền tạm ấy được gọi là “trí phương tiện”. Tóm lại, tất cả mọi pháp môn tu hành để đạt tới tuệ giác siêu việt, đều là “phương tiện”. – Ngay như việc phân chia có hai thứ trí tuệ chân thật và quyền tạm, cũng vẫn là “phương tiện”.

BÀI TẬP

1) Cho biết xuất xứ của hai chữ “đoạn trường”.

2) Hãy thuật lại nhân duyên xuất gia của thiền sư Diên Thọ.

3) Vị Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung quốc, sau khi đã được truyền y bát, đã làm gì trong suốt mười sáu năm kế tiếp? Về sau ngài mở đạo tràng ở đâu? Môn đồ phân làm bao nhiêu chi phái?

4) Hãy nói về các chuyện: hột châu của Tùy hầu; mở lưới ba mặt; và ngậm vòng ngọc.

5) Trong khi phóng sinh, cần thêm tụng kinh niệm Phật, và hồi hướng công đức cho loài vật đó được sinh về thế giới Cực lạc; làm như vậy có ý nghĩa gì?

Trích từ: Giáo Khoa Phật Học - Cấp Hai
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Cư Sĩ Như Hòa Tải Về
2 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
3 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Đọc Tiếp Tải Về
4 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
5 Học Phật Quần Nghi, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Tải Về
6 Giáo Trình Phật Học, Lê Kim Kha Tải Về