Home > Khai Thị Phật Học
Năm Việc Của Đại Thiên Cùng Sự Phân Rẽ Của Hai Bộ Phái Thượng Tọa Và Đại Chúng
Cư Sĩ Phương Luân | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch


Về những lời dạy của đức Thích Tôn để lại, trong kì kết tập lần thứ nhất, tuy đã có danh xưng hai bộ Thương Tọa và Đại Chúng, nhưng về giáo nghĩa thì vẫn thống nhất tin tưởng, chưa có tranh luận. Cho đến khi Phật diệt độ được hơn 100 năm, tại thành Câu tô ma(1) nước Ma kiệt đà, vua Vô Ưu sùng tín Phật pháp, rất đông tăng chúng cư trú tại chùa Kê viên(2) ở bên cạnh thành.

Lúc bấy giờ có tì kheo Đại Thiên(3), xuất gia chưa bao lâu đã đọc tụng và giảng dạy thông suốt Ba Tạng, tự xưng là A la hán. Một đêm kia, trong mộng bị di tinh, thầy sai đệ tử giặt y phục dơ, đệ tử Hỏi: “A la hán đã phá trừ hết kiến tư hoặc, tại sao lại còn có việc này?” Thầy trả lời: “Đó là do thiên ma quấy nhiễu; dù A la hán cũng không khỏi bị sơ sót.” Đó là một việc. Thầy lại muốn làm cho đệ tử vui, bèn dối ấn chứng cho các đệ tử, người thì chứng được quả Dự lưu, thậm chí có người chứng quả A la hán. Đệ tử Hỏi: “A la hán có chứng ngộ chánh trí, vì sao chúng tôi đều không biết gì?” Thầy Đáp: “A la hán tuy đã dứt trừ loại ‘vô tri nhiễm ô’2, nhưng vẫn còn loại ‘vô tri không nhiễm ô’3, cho nên quí thầy không thể tự biết.” Đó lại là một việc. Một lúc khác đệ tử Hỏi: “Chúng tôi nghe nói, phàm bậc thánh thì dứt hết nghi hoặc, vì sao chúng tôi đối với bốn đế lí vẫn còn có chỗ nghi hoặc?” Thầy Đáp: “A la hán tuy đã đoạn trừ nghi hoặc thuộc phiền não chướng, nhưng vẫn còn nghi hoặc đối với thế gian.” Đó lại là một việc. Đệ tử lại Hỏi: “A la hán có tuệ nhãn của bậc thánh, tự biết mình đã giải thoát, vì sao chúng tôi không tự chứng biết, mà phải do thầy bảo cho biết?” Thầy Đáp: “Như quí vị Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, nếu không do Phật nói, quí vị ấy vẫn không thể tự biết; còn quí thầy thuộc hàng độn căn, thì làm sao có thể tự biết!” Đó lại là một việc. Ban đêm vào giờ ngủ, Đại Thiên thường kêu: “Khổ thay!” Đệ tử lấy làm lạ, hỏi thì thầy Đáp: “Phải kêu tiếng ‘khổ’ như vậy thì thánh đạo mới hiện khởi.” Đó lại là một việc. Do từ năm việc đó mà thầy tự làm bài kệ rằng:

Bị ma dụ, vô tri,

Do dự, thầy bảo chứng, Đạo do tiếng hiện khởi, Đó là chân Phật giáo.

Sau khi Đại Thiên đề xướng năm việc trên, số người phụ họa theo và số người phản đối, chia làm hai nhóm, tranh luận không ngớt. Số người phụ họa theo năm việc kia là Đại Chúng bộ phàm phu, nhân số rất đông; số người phản đối năm việc kia là Thượng Tọa bộ thánh giả, nhân số không nhiều. Như vậy là từ đó, Phật giáo tiểu thừa đã phân rẽ thành hai bộ phái: Thượng Tọa và Đại Chúng. Vua Vô Ưu ủng hộ Đại Chúng bộ, do đó, chư vị tì kheo thượng tọa đã rời chùa Kê viên, đi sang nước Ca thấp di la(4). Vua Vô Ưu tuy cố thỉnh cầu trở lại chùa Kê viên, nhưng quí ngài nhất định từ chối. Nhà vua bèn cho xây tại nước Ca thấp di la mấy trăm ngôi già lam, trong đó có chùa Cáp viên(5), cúng dường chư vị tì kheo thượng tọa, để công việc giáo hóa được hưng thịnh. Riêng tại Ma kiệt đà, nhà vua vẫn tín phụng và cúng dường chư tăng thuộc Đại Chúng bộ ở chùa Kê viên. Từ đó hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng đều tự hành hóa theo lập trường của mình, không kết hợp lại với nhau nữa.(6)

Đại sư Khuy Cơ(7) đời Đường, trong tác phẩm Thành Duy Thức Luận Thuật Kí, có dẫn lời trong bộ Đại Tì Bà Sa, nói rằng, khi Đại Thiên còn tại gia, đã từng thông dâm với mẹ, giết cha, giết A la hán, rồi lại giết mẹ; sau khi xuất gia thì lừa dối đồ chúng, đặt điều nói oan cho Phật, là một người phạm đủ cả các tội “ngũ nghịch”15 và “thập ác”16. Nhưng luận Dị Bộ Tông Luân thì ghi rằng: Sau khi Phật diệt độ 200 năm, lại có một vị tên là Đại Thiên, học rộng, tinh cần, đề xướng lại “năm việc”. Đại Thiên này có lẽ là Đại Thiên trên kia, nhân vì truyền đi thuật lại lâu ngày mà nhầm lẫn có hai người vậy.


CHÚ THÍCH

01. Vua Vô Ưu tức là vua A Dục. (Xin xem chú thích số 11, bài 16 ở trước.)

02. Vô tri nhiễm ô: tức là tất cả các loại phiền não. Các pháp do vô minh làm thể, chấp trước ở sự lí, tính chất vốn bất tịnh, cho nên nói là “nhiễm ô”; thể tính đó hôn ám, không biết rõ chân lí về bốn sự thật, cho nên nói là “vô tri”. Tông Thiên Thai gọi loại vô tri nhiễm ô này là kiến tư hoặc, các hàng A la hán và Bích chi Phật đều đoạn trừ hết.

03. Vô tri không nhiễm ô: là loại vô tri lấy trí tuệ kém cỏi làm thể, vì trí tuệ kém cỏi cho nên không hiểu rõ nghĩa lí của sự vật. Loại vô tri này không phải do nhiễm ô mà phát khởi, cho nên gọi là “không nhiễm ô”; lại vì không biết vô số pháp môn khác nhau, cho nên gọi là “vô tri”. Tông Thiên Thai gọi đó là trần sa hoặc. Loại hoặc này không làm chướng ngại cho việc thoát li ba cõi, nhưng chướng ngại cho sự chứng đạt quả Phật; cho nên Bồ tát cần phải đoạn trừ. (Xin xem lại chú thích số 2, bài 35, sách Sơ Cấp Giáo Bản.)

04. Các thứ hoặc tham, sân, si v.v... làm cho các loài hữu tình lưu chuyển trong sinh tử ba cõi, do đó mà làm chướng ngại cho quả vị niết bàn tịch tịnh; cho nên gọi là phiền não chướng.

05. “Giải” là cởi bỏ những trói buộc của hoặc nghiệp; “thoát” là thoát khỏi những quả khổ trong ba cõi. Nhân xa lìa sự ràng buộc mà được tự tại, cho nên gọi là giải thoát.

06. A la hán còn bị ma dụ hoặc, nhân đó mà đêm ngủ vẫn bị tiết ra vật bất tịnh.

07. A la hán tuy đã dứt hết loại vô tri nhiễm ô, nhưng vẫn còn loại vô tri không nhiễm ô.

08. Ý không quyết định, gọi là do dự. A la hán vẫn còn có những nghi hoặc, không xác quyết đối với những việc ở thế gian.

09. A la hán chỉ do sư trưởng bảo cho biết đã chứng quả, tự mình không biết được.

10. Thánh đạo cần phải kêu lên tiếng “khổ” mới hiện khởi.

11. Khuy Cơ là vị cao tăng đời Đường, đệ tử của pháp sư Huyền Trang, biết ngôn ngữ của cả năm xứ Thiên trúc, truyền bá các môn học Duy Thức và Nhân Minh, là vị khai tổ của tông Pháp Tướng.

12. Thành Duy Thức Luận Thuật Kí gồm 60 quyển, do đại sư Khuy Cơ ở chùa Từ ân, đời Đường soạn. Các học giả về tông Pháp Tướng đều lấy đó làm tiêu chuẩn.

13. Kẻ dưới mà hành dâm người bề trên, gọi là “chưng”.

14. Kẻ dưới giết người bề trên, gọi là “thí”.

15. Tội ác cực kì trái với đạo lí, gọi là “nghịch”. Năm tội ác đó đều chiêu cảm quả báo ác ở địa ngục Vôgián, cho nên cũng được gọi là “năm Vô gián”; gồm có: giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật chảy máu, và phá sự hòa hợp của tăng đoàn. Chỉ cần phạm một trong năm tội ác đó, sau khi chết liền đọa vào địa ngục Vô gián.

16. Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói lời dối trá, nói lời thêu dệt, nói lời đâm thọc, nói lời hung dữ, tham dục, sân hận, và tà kiến, là mười điều ác.

17. Dị Bộ Tông Luân Luận, 1 quyển, Bồ tát Thế Hữu soạn, pháp sư Huyền Trang đời Đường dịch, nói về tông chỉ của 20 bộ phái tiểu thừa.

PHỤ CHÚ

(01) Câu tô ma (Kusuma): nghĩa là hoa, nói chung, cũng chỉ riêng cho hoa câu tô ma, một loại hoa ở Ấn độ, màu trắng, thơm, lớn bằng đồng tiền, trông giống như hoa cúc trắng ở nước ta. Vì hoa đẹp và thơm, hình dáng đoan chính, ai trông thấy cũng vui, cho nên chữ “câu tô ma” cũng có nghĩa là “duyệt ý hoa”. Theo như tác giả viết trong bài học này, thì “Câu tô ma” là tên thành phố. Theo Phật Quang Đại Từ Điển, tên tiếng Phạn của thành này là Câu tô ma bổ la (Kusumapura), dịch ý là thành Hoa cung, hay thành Hương hoa cung; ở tại hai địa điểm:

1) Theo Đại Đường Tây Vực Kí, Câu tô ma bổ la là kinh thành của nước Yết nhã cúc xà (Kanyakubja) ở miền Trung Ấn thời cổ đại – nay là Kanauji, ở bờ Đông sông Kali (một chi nhánh phía Tây Bắc của sông Hằng).

2) Cũng theo Đại Đường Tây Vực Kí, Câu tô ma bổ la đồng thời là tên cũ của kinh thành Ba tra litử (Patali putra, tức Ba tra lị phất, hay Ba liên phất – xem phụ chú số 17, bài 16 ở trước) của nước Makiệt đà.

Nhưng theo Dị Bộ Tông Luân Luận Thuật Kí thì Câu tô ma bổ la là thành láng giềng ở phía Tây của thành Ba liên phất. Nguyên trước kia, thành Câu tô ma bổ la tọa lạc tại địa điểm của thành Ba liênphất. Về sau, khi thành Câu tô ma được dời về phía Tây (cách khoảng 3 dặm), thì nơi đây đã phát triển và dựng nên thành Ba liên phất. Như vậy, đến đời vua A Dục thì kinh đô nước Ma kiệt đà chính là thành Ba liên phất (tức thành Ba tra li tử, Hán ngữ gọi là Hoa thị thành), chứ không phải là thành Câu tô ma; vì thành này đã được dời đi cách 3 dặm về phía Tây từ lâu rồi. Theo Phật Giáo Sử (Buddhasasanapavatti – Giác Nguyên dịch từ nguyên tác Thái ngữ) của Thitananathera, con của vua A Xà Thế là Udayabhadda, sau khi lên ngôi, đã dời kinh đô của nước Ma kiệt đà từ thành Ba liên phất đến thành Câu tô ma; mãi đến vương triều Nan đà, kinh đô của Ma kiệt đà mới lại được dời về thành Ba liên phất như cũ. Dưới vương triều Khổng tước sau đó, kinh đô của Ma kiệt đà cũng vẫn được đặt tại thành này. Dị Bộ Tông Luân Luận nói: “Năm việc của Đại Thiên” đã xảy ra tại thành Câu tô ma dưới thời vua A Dục, 100 năm sau ngày Phật nhập diệt. Trong bài này, tác giả cũng đã y cứ vào đây mà nói giống như vậy. Nhưng nói như thế là có sự nhầm lẫn, đúng ra phải là thành Ba liên phất.

(02) Chùa Kê viên (Kukkutarama): cũng gọi là Kê tước tinh xá, ở kinh thành Ba liên phất (Hoa thị), do vua A Dục xây cất. Nhà vua thường cung thỉnh hằng ngàn tăng chúng, cả thánh lẫn phàm, tụ hội về chùa này để cúng dường bốn việc (tứ sự cúng dường: ăn uống, y phục, thuốc men, và mền chiếu). Nhà vua cũng đã tổ chức đại hội kết tập thánh điển kì ba tại chùa này, do tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputtatissa) chủ trì. Về sau, hậu duệ đời thứ năm của vua A Dục là Phất Sa Mật Đa La (Pusyamitra), cũng là vua cuối cùng của vương triều Khổng tước, muốn nổi danh như vua A Dục bằng cách làm ngược lại tất cả những gì vua A Dục đã làm, bèn tiêu diệt Phật pháp, bách hại tăng chúng, phá hủy tất cả chùa tháp do vua A Dục xây cất; chùa Kê viên này cũng cùng chịu chung số phận. Theo luận Đại Tì Bà Sa, Đại Thiên (xem phụ chú số 3 kế tiếp) đã từng xuất gia tại chùa này. Một hôm nhân ngày bố tát, Đại Thiên đã đề xướng năm việc sai trái, đưa đến sự tranh cãi suốt đêm giữa hai chúng phàm và thánh, vua A Dục phải đến giảng hòa mới thôi; nhưng từ đó, giáo đoàn bị phân rẽ thành hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng.

(03) Đại Thiên (Mahadeva – dịch âm là Ma Ha Đề Bà): Theo Phật Quang Đại Từ Điển ghi chép, có hai vị cùng tên Đại Thiên:

1) Đại Thiên là vị thỉ tổ của Đại Chúng bộ. Sau ngày Phật diệt độ hơn 100 năm, có vị tì kheo tên Đại Thiên, vốn là con một người lái buôn ở nước Ma thâu la (Mathura), miền Trung Ấn độ. Tương truyền, trước khi xuất gia, sư đã từng tạo ba tội nghịch, sau biết ăn năn sám hối, xuất gia tại chùa Kêviên ở thành Hoa thị, nước Ma kiệt đà, chứng quả A la hán, đầy đủ thần lực và ba trí (túc mạng, thiên nhãn và lậu tận), hành hóa tại kinh thành Hoa thị, được vua A Dục ngưỡng mộ, qui y. Sau sư được vua A Dục phái sang nước Ma hi sa mạn đà la (Mahimsakamandala) truyền bá đạo pháp, từng giảng kinh Thiên Sứ (Devadutasutta), độ cho bốn vạn người đắc đạo. Sư từng đề xướng năm giáo nghĩa mới (gọi là “Đại Thiên ngũ sự”), nhân đó, giáo đoàn đã chia ra thành hai phái: Đại Chúng bộ thì tán thành, và Thượng Tọa bộ thì phản đối tân thuyết ấy. Vua A Dục đã đứng về phía Đại Chúng bộ, cho nên Thượng Tọa bộ đã dời qua nước Ca thấp di la lập căn cứ. Sau đó không lâu, sư viên tịch. Vua A Dục đã cử hành tang lễ thật long trọng, dùng hỏa cụ thù thắng để trà tì; nhưng lửa không bốc cháy. Theo lời một vị bốc sư, phải lấy phân chó rảy lên giàn hỏa, lửa mới bốc cháy. Chỉ trong phút chốc thì nhục thân hoàn toàn thành tro; lại một ngọn gió mạnh thổi qua, tro tàn bay hết, không còn để lại vết tích gì.

2) Đại Thiên là vị khai tổ của Chế Đa Sơn bộ. Khoảng 200 năm sau ngày Phật nhập diệt, có vị phạm chí tên Đại Thiên, là lãnh tụ của nhóm ngoại đạo “tặc trú” (chuyên giả dạng làm tì kheo để trà trộn vào tăng đoàn Phật giáo, vừa hưởng lợi dưỡng, vừa lập mưu phá hoại Phật pháp), nhưng sau từ bỏ ngoại đạo, quay về với chánh pháp, xuất gia theo Đại Chúng bộ. Sư học rộng hiểu nhiều, hành trạng cao khiết, giáo hóa đồ chúng tại núi Chế đa (Caitya vadin). Nhân vì sư đem “năm việc” cùng vấn đề “đắc giới” của Đại Chúng bộ tranh nghị trở lại, từ đó mà Đại Chúng bộ lại phân rẽ làm ba bộ phái: Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trú bộ và Bắc Sơn Trú bộ; Đại Thiên vẫn ở núi Chế đa và chủ trì Chế Đa Sơn bộ.

Phần lớn những chi tiết trên đây về nhân vật Đại Thiên, có lẽ Ban Biên Tập Phật Quang Đại Từ Điển đã y cứ vào hai bộ luận Đại Tì Bà Sa và Dị Bộ Tông Luân mà thuật lại. Luận Đại Tì Bà Sa đã viết về Đại Thiên như sau:

“Xưa, ở nước Mạt thổ la có một người lái buôn, cưới vợ từ hồi còn trẻ, sinh một người con trai, dung mạo đoan chính, đặt tên là Đại Thiên. Sau đó không lâu, ông mang nhiều vật quí báu đem sang các nước khác buôn bán. Trải qua thời gian lâu mà ông không về nhà. Ở nhà, Đại Thiên lớn lên, bèn ăn nằm với mẹ. Đến khi nghe cha sắp về, Đại Thiên lo sợ, bèn cùng mẹ lập kế giết cha. Thế là Đại Thiên đã tạo một tội Vô gián. Sự việc ấy rồi dần dần cũng bị lộ, Đại Thiên bèn đem mẹ trốn sang thành Ba tra lê ẩn náu. Tại đây, Đại Thiên lại gặp vị tì kheo A la hán cùng quê mà trước đây ông đã từng cúng dường khi còn ở Mạt thổ la. Sợ tội ác bị bại lộ, Đại Thiên lại lập kế giết luôn vị tì kheo đó; thế là đã tạo hai tội Vô gián. Lòng đang lo buồn thì Đại Thiên lại phát giác mẹ mình đang tư thông với người khác, bèn nổi giận, giết luôn bà mẹ; thế là đã tạo ba tội Vô gián. Nhưng vì thiện căn chưa bị tuyệt diệt, nên Đại Thiên tự biết ăn năn hối lỗi, ăn ngủ không yên; cứ tự suy nghĩ, tội nghiệp mình quá nặng, biết làm thế nào để dứt tội? Sau đó ông nghe có người nói, các vị sa môn Thích tử có phương pháp diệt tội. Ông bèn tìm đến chùa Kêviên, gặp lúc một vị tì kheo đang đi kinh hành ở ngoài cổng chùa. Vị tì kheo vừa đi chậm rãi, vừa tụng bài kệ: Nếu người tạo tội nặng, tu thiện liền diệt trừ, như trăng ra khỏi mây, thế gian đều soi tỏ.

“Ông nghe được bài kệ ấy thì mừng rỡ vô cùng. Biết rằng, qui y Phật pháp thì nhất định dứt trừ được tội lỗi, ông liền tìm đến một vị tì kheo, ân cần cầu xin xuất gia. Thấy ông thành tâm thỉnh cầu, vị tì kheo kia không cần tra vấn tìm hiểu, liền độ cho xuất gia, và hết lòng dạy dỗ. Đại Thiên vốn rất thông tuệ, xuất gia không bao lâu đã tụng trì văn nghĩa Ba Tạng, nói năng lưu loát, đầy đủ khả năng giáo hóa. Khắp thành Ba tra lê đều qui ngưỡng. Vua nghe tiếng, bèn thỉnh sư vào cung thuyết pháp, cung kính cúng dường. Sau đó, ngay trong chùa, sư tư duy bất chính, bị mộng tinh; nhưng trước đó sư từng xưng mình đã chứng quả A la hán, nên khi sư sai đệ tử giặt y dơ, đệ tử Hỏi: [......] (Xin xem “năm việc” trong bài học.)

“Về sau, chư vị tì kheo thượng tọa ở chùa Kê viên dần dần viên tịch. Nhân đêm Rằm bố tát, Đại Thiên lên tòa thuyết giới, bèn tụng bài kệ do sư làm (xin xem trong bài học). [......] Việc này đã gây ra hai phe tranh cãi, suốt đêm không ai giải quyết được. Nhà vua nghe vậy, bèn đích thân tới chùa phân xử. Vua hỏi ý kiến, tì kheo Đại Thiên Đáp: “Muốn chấm dứt tranh cãi, thì cứ y theo ý kiến của số đông.” Vua liền ban lệnh, ai đồng ý với Đại Thiên, đứng về một bên; ai không đồng ý thì đứng một bên khác. Kết quả, bên các vị hiền thánh, số kì lão tuy nhiều, nhưng tổng số tăng chúng thì ít hơn; bên phía Đại Thiên, số kì lão tuy ít, nhưng tổng số tăng chúng thì đông đảo hơn. Bởi vậy, nhà vua đã nghe theo phe đa số là Đại Thiên, và quở trách phe thiểu số. Rồi nhà vua trở về cung. Bấy giờ, tăng chúng trong chùa Kê viên bèn phân làm hai bộ phái là Thượng Tọa bộ (phe quí vị hiền thánh) và Đại Chúng bộ (phe tì kheo Đại Thiên). Do kiến giải khác nhau không hòa hợp được, quí vị hiền thánh (Thượng Tọa bộ) đã quyết định bỏ chùa Kê viên để đến xứ khác hành đạo. [......]”

Luận Đại Tì Bà Sa (do ngài Thế Hữu và 500 vị A la hán soạn) đã thuật rõ những chi tiết như trên về tì kheo Đại Thiên, nhưng lại không cho biết niên đại của nhân vật này. Hơn nữa, về triều đại, bộ luận này cũng chỉ nói là “nhà vua” (vương), chứ không cho biết là vua nào. – Dù ở một đoạn sau có nói tới “vua Ba tra lê”, nhưng đây chỉ có nghĩa là đức vua ở thành Ba tra lê (tức Ba liên phất), chứ không phải tên của nhà vua là Ba tra lê. Tuy nhiên, trong đoạn văn trên đây, tên chùa “Kê viên” được nhắc đến hai lần. Chi tiết này giúp cho ta biết được rằng, chữ “vương” trong câu chuyện ở trên là chỉ cho vua A Dục, vì chùa Kê viên ở kinh thành Ba liên phất (tức Ba tra lê) là do chính vua A Dục xây cất; mặc dù vậy, chi tiết này vẫn không cho biết gì về niên đại của vua A Dục. Trong khi đó, luận Dị Bộ Tông Luân (cũng do Thế Hữu soạn) thì ghi rằng, sự tranh luận về “năm việc của Đại Thiên” khiến giáo đoàn phân rẽ thành hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng, đã xảy ra vào thời đại vua Vô Ưu (tức vua A Dục), hơn 100 năm sau ngày Phật nhập diệt. Luận Bộ Chấp Dị (cũng do Thế Hữu soạn) và luận Thập Bát Bộ (tức phẩm 15, “Phân Biệt Bộ”, trong kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn, quyển hạ) lại nói, sự việc trên đã xảy ra dưới triều vua A Dục, vào năm 116 sau ngày Phật nhập diệt.

Theo Phật Giáo Sử của Thitananathera thì tình hình phân phái gây ra do “năm việc của Đại Thiên” đã xảy ra dưới thời vua Ca La A Dục (Kalasoka – thuộc vương triều Nan đà, lên ngôi năm 90 sau ngày Phật nhập diệt). Còn Kimura Taiken, trong tác phẩm Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (Thích Quảng Độ dịch lại từ bản Hán dịch), đã nói rằng: “Đại Tì Bà Sa Luận [......] cho năm điều trên đây do Đại Thiên đề ra là một sự lầm lẫn.” – Có nghĩa, theo ông thì “năm việc” đã gây ra sự phân phái ở khoảng 100 năm sau ngày Phật nhập diệt là có thực, nhưng “năm việc” đó đã không phải do Đại Thiên đề xướng ra. Ông Đinh Phúc Bảo, trong bộ Phật Học Đại Từ Điển (trong mục “Đại Thiên Tam Chủng Vô Gián”) thì cho rằng, những tội nghịch của Đại Thiên được ghi lại trong luận Đại Tì Bà Sa chỉ là chuyện do người sau ngụy tạo.

Từ những ghi nhận trên, chúng ta có thể suy định, đã không có một nhân vật tên Đại Thiên ở niên đại 100 năm (hoặc hơn 100 năm) sau ngày Phật nhập diệt; và như vậy, nếu có “năm việc” xuất hiện vào thời điểm đó, thì cũng không phải do một người tên là Đại Thiên đề xướng ra. Sự thực, tôn giả Đại Thiên ra đời khoảng 200 năm sau ngày Phật nhập diệt (thuộc thời đại vua A Dục), trước tu theo ngoại đạo, sau qui y Tam Bảo, xuất gia làm tì kheo, được vua A Dục tôn làm thầy. Theo luật Thiện Kiến, trong đàn giới độ cho hoàng tử Ma Thẩn Đà (con vua A Dục) xuất gia, tôn giả Đại Thiên đã được cung thỉnh vào hàng “Tam Sư” của đàn giới (với tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm Hòa thượng; tôn giả Đại Thiên làm A xà lê truyền 10 giới; và tôn giả Mạt Xiển Đề làm A xà lê truyền cụ túc giới). Lại nữa, cũng theo luật Thiện Kiến, vào năm thứ 18 sau ngày tức vị, vua A Dục đã ủy nhiệm cho tôn giả Mục Kiền Liên Tử Đế Tu tuyển chọn 9 vị tôn giả thạc học cao đức để cầm đầu 9 phái đoàn đi đến các địa phương xa xôi truyền bá Phật pháp; Đại Thiên đã là một trong 9 vị tôn giả được chọn này, được sai phái đến nước Ma hi samạn đà la (Mahimsaka mandala, ở miền Nam Ấn độ) truyền giáo. Tại đây tôn giả đã nói kinh Thiên Sứ, độ cho bốn vạn người đắc đạo, và đều xin xuất gia.

Như thế thì Đại Thiên nhất định phải là một vị cao tăng thông tuệ xuất chúng, có uy tín lớn đối với triều đình và giáo đoàn, được mọi người trọng vọng; chứ không phải là một người “lừa dối đệ tử, hủy báng Phật pháp, phạm đủ các tội ngũ nghịch và thập ác” như một số tài liệu của Thượng Tọa bộ đã gán ghép. Đại Thiên đã không đề xướng “năm việc” tại chùa Kê viên, làm phân rẽ giáo hội thành ra hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng, buộc quí vị trưởng lão phải rời thành Ba liên phất để sang nước Cathấp di la, như luận Đại Tì Bà Sa đã nói. Rất có thể, trong thời gian hành đạo tại Ma hi sa mạn đà la (giữa thế kỉ thứ 3 Phật lịch), Đại Thiên đã đem “năm việc” (đã có từ hàng trăm năm trước) ra nghị luận trở lại, làm cho Đại Chúng bộ lại phân rẽ lần cuối cùng thành Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trú bộ và Bắc Sơn Trú bộ (như luận Dị Bộ Tông Luân đã nói).

Tác phẩm Dị Bộ Tông Luân Luận đã ghi có hai vị tì kheo cùng tên Đại Thiên: Vị thứ nhất xuất hiện ở niên đại 100 năm sau ngày Phật nhập diệt (như vừa nói ở đoạn trên); và vị thứ hai được nói đến như sau: Sau ngày Phật nhập diệt 200 năm, một người ngoại đạo, cũng tên Đại Thiên, đã xuất gia thọ cụ túc giới với chư tăng thuộc Đại Chúng bộ ở núi Chế đa. Ông là người học rộng và rất tinh tấn. Nhân ông đem “năm việc” trước kia ra bàn luận lại mà gây ra tranh cãi. Rồi do ý kiến bất đồng mà tăng chúng thuộc Đại Chúng bộ trú tại núi Chế đa lại tách chia làm ba bộ phái nhỏ: Chế Đa Sơn bộ, Tây Sơn Trú bộ và Bắc Sơn Trú bộ.

Trong hai vị tì kheo Đại Thiên mà Dị Bộ Tông Luân Luận đề cập đến ở đây, vị trước thì hoàn toàn không có; chỉ có vị sau là thật.

(04) Ca thấp di la (Kasmira): là một nước cổ ở lục địa Ấn độ (nhà Hán của Trung quốc từng gọi là nước Kế tân, nhưng có thuyết cho rằng gọi như thế là nhầm), tức nay là tỉnh Kashmir ở cực Bắc của nước Ấnđộ, trong vùng núi Hi mã lạp. Nước này được thành lập khoảng 2.400 năm tr. TL, có mối quan hệ với Phật giáo rất sớm. Đức Phật đã từng sai Tu Mạn La hán đem tóc và móng tay của Ngài đến miền Nam nước này, lập chùa trong núi để thờ. Vua A Dục cũng từng phái tôn giả Mạt Xiển Đề (Majihantika) đến nước này bố giáo, và đã cho xây rất nhiều chùa tháp. Đây cũng là địa điểm kết tập kinh điển lần thứ tư (400 năm sau ngày Phật nhập diệt) do vua Ca Nị Sắc Ca bảo trợ, dưới sự chủ tọa của tôn giả Thế Hữu (Vasumitra). Sau đó, có một lúc Phật giáo bị bách hại, nhưng chẳng bao lâu lại phục hưng, và trở thành một căn cứ địa quan trọng của Phật giáo đại thừa. Các danh tăng từ nước này vào Trung quốc dịch kinh có Tăng Già Đề Bà (Samghadeva – nửa sau thế kỉ thứ 4), Tăng Già Bạt Trừng (Samghabhuti – cuối thế kỉ thứ 4), Phật Đà Da Xá (Buddhayasas – đầu thế kỉ thứ 5), Cầu Na Bạt Ma (Gunavarman – nửa đầu thế kỉ thứ 5), Phật Đà Đa La (đời Đường) v.v... Đại sư Huyền Trang, trên đường sang Ấn độ du học, cũng đã ghé lại nước này vào năm 630, được vị quốc vương đương thời là Durlabhavardhana tiếp đãi trọng hậu. Trong thời gian lưu trú tại đây, đại sư đã được học các bộ luận Câu Xá, Thuận Chánh Lí, Nhân Minh và Thanh Minh, với các vị danh tăng cao đức của nước này. Vào thế kỉ 13, Ca thấp di la bị Hồi giáo thôn tính, đặt dưới sự thống trị của nước A phú hãn. Đến năm 1846, cùng với toàn lãnh thổ Ấn độ, đất này trở thành thuộc địa của nước Anh. Nước Ấn độ được độc lập năm 1947, và Ca thấp di la, tức Kashmir, là một tỉnh bang của nước Ấn độ.

(05) Cáp viên (Kapotika samgharama): tên tinh xá, có hai nơi:

1) Tinh xá Cáp viên ở phía Đông của nước Ma kiệt đà. Tương truyền, trong một kiếp đời quá khứ, đức Phật đã từng là chim bồ câu (cáp), vì muốn hướng dẫn thợ săn theo về chánh đạo mà bay vào lửa chết nơi đó.

2) Tinh xá Cáp viên ở nước Ca thấp di la. Vua A Dục đã xây tinh xá Kê viên ở thành Ba liên phất để chư tăng cư trú. Theo luận Đại Tì Bà Sa, sau khi xảy ra sự phân rẽ giáo đoàn thành hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng, những vị thuộc Thượng Tọa bộ đồng loạt bỏ chùa Kê viên để sang nước Ca thấp dila lập cơ sở hành đạo. Vua A Dục, dù đứng về lập trường của Đại Chúng bộ, vẫn thành tâm hộ trì Thượng Tọa bộ; bèn cho xây tinh xá Cáp viên ở ngay nước Ca thấp di la để cúng dường, làm nơi cư trú cho chư tăng Thượng Tọa bộ.

(06) Tình hình phân phái ở buổi sơ kì: Trong phụ chú số 13, bài 16 ở trước, chúng ta đã biết rõ các chi tiết về cuộc kết tập thánh điển kì thứ hai tại thành Tì xá li của 700 vị tì kheo A la hán. Mục đích của kì kết tập này nhằm xác quyết “mười việc” liên quan đến giới luật mà nhóm tì kheo tộc Bạt kì (ở thành Tìxá li) đang hành trì, là không đúng với giáo pháp (thập sự phi pháp). Liền sau đó, đại hội đã đọc tụng lại toàn bộ pháp tạng, trong 8 tháng mới hoàn tất. Đó là tình hình lần kết tập kinh điển kì hai. Theo sách sử Nam truyền như Đảo Sử (Dipavansa) chẳng hạn, có ghi rằng: Trong khi 700 vị tì kheo đang kết tập kinh điển như đã nói trên, thì một vạn vị tì kheo khác, vì bất mãn với quyết nghị “mười việc phi pháp” của đại hội trưởng lão, đã nhóm họp ở một nơi khác, cũng để kết tập kinh điển; gọi là “Đại Chúng kết tập”. Do nguyên nhân này, Giáo Hội đã phân rẽ thành hai bộ phái lớn là Thượng Tọa bộ (bảo thủ) và Đại Chúng bộ (cấp tiến). Các sách sử thường gọi đó là cuộc “phân liệt căn bản” của Giáo Hội. Như vậy, theo sách sử Nam truyền, cuộc “phân liệt căn bản” của Giáo Hội đã xảy ra tại thành Tì xá li, do sự bất đồng ý kiến về giới luật giữa phái bảo thủ và phái cấp tiến. Nhưng theo tác phẩm Dị Bộ Tông Luân Luận và sách sử Bắc truyền, thì cuộc “phân liệt căn bản” của Giáo Hội đã không xảy ra ở thành Tì xá li của nước Bạt kì, mà ở thành Ba liên phất của nước Ma kiệt đà; và nguyên nhân của sự phân liệt ấy cũng không phải do bất đồng ý kiến về giới luật, mà về giáo nghĩa – mà vấn đề trung tâm là bản chất của A la hán, được tóm gọn trong năm thuyết mới, gọi là “Năm Việc của Đại Thiên” (Đại Thiên ngũ sự).

Về niên đại, cả Nam truyền và Bắc truyền đều đồng ý là cuộc phân liệt căn bản do nguyên nhân bất đồng ý kiến về giới luật đã xảy ra 100 năm sau ngày Phật nhập diệt; nhưng thời điểm xảy ra cuộc phân liệt do bất đồng ý kiến về giáo nghĩa thì bất nhất, không rõ ràng. Đại Tì Bà Sa Luận (là bộ luận được coi là có thẩm quyền nhất nói về niên đại phân phái do bất đồng ý kiến về giáo nghĩa) nói về sự kiện “Đại Thiên” rất kĩ, nhưng đã không cho biết gì về thời điểm đã xảy ra sự kiện đó. Dị Bộ Tông Luân Luận (sử liệu quan trọng nhất về niên đại phân phái) thì nói rằng, sự kiện phân phái do giáo nghĩa đã xảy ra hơn 100 năm sau ngày Phật nhập diệt. Bộ Chấp Dị Luận và Thập Bát Bộ Luận thì nói sự việc trên đã xảy ra vào năm 116 sau ngày Phật nhập diệt. Trong Phật Giáo Sử (Buddhasasanapavatti Giác Nguyên dịch), thượng tọa Thitananathera đã y cứ vào các sách sử Phật giáo Nam truyền, ghi rằng, tình hình phân phái trên đã xảy ra dưới thời vua Ca La A Dục (Kalasoka), 100 năm sau ngày Phật nhập diệt.

Hầu hết các tài liệu có liên quan đến vấn đề “phân phái” đều nói rằng, việc tì kheo Đại Thiên đã đề xướng ra “năm việc” (ngũ sự), đã là nguyên nhân đưa đến cuộc “phân liệt căn bản” về giáo nhĩa. Sự kiện này, cùng với cá nhân Đại Thiên, luận Đại Tì Bà Sa đã nói đến rất kĩ. Trong bài học này, tác giả đã y cứ vào những dữ kiện do Đại Tì Bà Sa Luận và Dị Bộ Tông Luân Luận mà nói y như vậy. Nhưng cả hai bộ luận trên vừa nhầm lẫn về niên đại, vừa gán ghép cho Đại Thiên những hành động mà ông ta không làm. Như chúng ta đã biết, vua A Dục lên ngôi vào năm 218 sau ngày Phật nhập diệt (xin xem phụ chú số 14, bài 16 ở trước). Đại Thiên đã sống cùng thời đại với vua A Dục, cho nên không phải là người đã đề xướng thuyết mới “năm việc”. Điều đó chứng tỏ, 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, đã không có Đại Thiên; do vậy, sự phân rẽ giáo đoàn thành hai bộ phái vì lí do “giáo nghĩa”, cũng không phải đã do Đại Thiên gây ra.

Một cách hợp lí, chúng ta có thể nói về diễn tiến của quá trình phân rẽ ấy như sau: sự phân rẽ của hai phái bảo thủ và cấp tiến trong giáo đoàn đã manh nha từ kì kết tập kinh điển đầu tiên, 3 tháng sau khi Phật nhập diệt; nhưng cả hai bên đều chưa có chủ trương riêng, cũng như chưa có tranh luận về giới luật hay về giáo lí. Khoảng hơn 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, do nhóm tì kheo tộc Bạt kì đề xướng “mười việc” liên quan tới sự hành trì giới luật, đã gây ra sự phân rẽ chính thức thành hai bộ phái trong giáo đoàn: phái có tinh thần cấp tiến là Đại Chúng bộ; phái bảo thủ là Thượng Tọa bộ. Hai bên đã tranh luận về “mười việc” kia, và đã phân rẽ vì có chủ trương riêng về vấn đề “trì luật”; nhưng vẫn thống nhất tin tưởng vào giáo pháp. Đó là cuộc “phân liệt căn bản” trong Giáo Hội Phật Giáo. Rồi dần dần, từ sự bất đồng về giới luật, lại nẩy nở thêm những xung đột kiến giải về giáo nghĩa, mà vấn đề trung tâm là bản chất của quả vị A la hán, được tóm gọn trong năm thuyết mới, gọi là “năm việc” (ngũ sự). Những người theo Thượng Tọa bộ thì tin tưởng tuyệt đối rằng, A la hán là quả vị lí tưởng, hoàn toàn, siêu việt; nhưng phe Đại Chúng bộ thì cho rằng A la hán vốn bất toàn, vẫn còn nhân gian tính, chỉ đoạn trừ kiến tư hoặc mà vẫn còn trần sa hoặc và vô minh hoặc, không phải là quả vị lí tưởng. Tình trạng xung đột ý kiến cả về giới luật lẫn giáo nghĩa này giữa hai bộ phái Thượng Tọa và Đại Chúng, đã kéo dài hàng thế kỉ, ngày càng trở nên gay gắt, không ai giải quyết ổn thỏa được. Cho đến thế kỉ thứ 3 Phật lịch (thời đại vua A Dục) thì hai bộ phái hoàn toàn tách biệt, li khai nhau, lập căn cứ hành đạo riêng, không có cách gì hàn gắn được nữa.

(7) Khuy cơ (632 682): là vị cao tăng đời Đường, sáng tổ của tông Pháp Tướng, Trung quốc. Ngài quê ở Trường an (nay là huyện Tây an, tỉnh Thiểm tây), họ Úy trì, tự Hồng Đạo, tục thường gọi là Từ Ân đại sư; nhân đó, tông Pháp Tướng cũng được gọi là tông Từ Ân. Ngài bẩm tính thông tuệ, tướng mạo khôi ngô, 17 tuổi xuất gia, làm đệ tử của pháp sư Huyền Trang (602? 664); ban đầu ở chùa Quảng phúc, sau chuyển sang chùa Đại từ ân, học Phạn văn cùng Phật điển với ngài Huyền Trang. Năm 25 tuổi (năm 657) ngài bắt đầu tham gia công cuộc dịch kinh. Năm 659, khi pháp sư Huyền Trang dịch Thành Duy Thức Luận, ngài đã cùng với ba vị sư khác là Thần Phưởng, Gia Thượng và Phổ Quang, đồng biên tập, kiểm văn, nhưng vì nghị luận không thích đáng, nên pháp sư Huyền Trang đã cho ba vị kia ra khỏi ban biên tập, chỉ giữ một mình ngài mà thôi.

Ngài bèn được tham gia vào công việc phiên dịch của pháp sư Huyền Trang, tập thành các lời giải thích về luận Duy Thức Tam Thập Tụng (do Bồ tát Thế Thân trước tác) của mười vị đại luận sư Ấn độ, làm thành tác phẩm Thành Duy Thức Luận. Ngài cũng đã được pháp sư Huyền Trang giảng dạy cho Nhân Minh Chánh Lí Môn Luận, Du Già Sư Địa Luận, v.v..., cho nên ngài thông đạt cả về Nhân Minh lẫn Duy Thức. Từ năm 661, những dịch phẩm chủ yếu của pháp sư Huyền Trang như Biện Trung Biên Luận, Biện Trung Biên Luận Tụng, Nhị Thập Duy Thức Luận, Dị Bộ Tông Luân Luận, đều do ngài “bút thọ”, và soạn “thuật kí” (tức chú giải). Sau đó ngài vân du các nơi Thái hành, Ngũ đài sơn, v.v... để tuyên giảng giáo pháp; rồi trở về chùa Từ ân truyền thọ chánh nghĩa của pháp sư Huyền Trang. Ngài trước thuật rất nhiều, được người đương thời gọi là Bách Bản sớ chủ, hoặc Bách Bản luận sư. Ngài lấy Duy Thức làm tông, nên người đời cũng gọi là Duy Thức pháp sư. Năm 682, ngài viên tịch tại viện Phiên kinh của chùa Từ ân, thọ thế 51 tuổi. Ngoài những tác phẩm “thuật kí” đã ghi trên, trước tác của ngài còn có: Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, Thành Duy Thức Luận Chưởng Trung Khu Yếu, Du Già Luận Lược Toản, Bách Pháp Minh Môn Giải, Nhân Minh Nhập Chánh Lí Luận Sớ, v.v...


BÀI TẬP

1) Hãy giải thích thế nào là “vô tri nhiễm ô” và “vô tri không nhiễm ô”.

2) Hãy viết ra bài kệ về “năm việc” do Đại Thiên tự tạo.

3) Sau khi Đại Thiên đề xướng “năm việc”, Phật giáo tiểu thừa đã phân rẽ thành Thượng Tọa bộ và Đại Chúng bộ ra sao?

4) Hãy giải thích hai từ “phiền não chướng” và “giải thoát”. 5) Năm tội Vô gián là gì? Mười việc ác là gì?



Từ Ngữ Phật Học Trong: Năm Việc Của Đại Thiên Cùng Sự Phân Rẽ Của Hai Bộ Phái Thượng Tọa Và Đại Chúng