Các vị Thiện Tri Thức! Hôm nay chúng ta họp mặt tại giảng đường này để cùng nhau thảo luận về vấn đề giáo dục. Giáo dục là căn bản của con người. Nếu chẳng quan tâm đến căn bản này thì tức là bỏ gốc theo ngọn, bỏ cái gần mà tìm cái xa.
Khi sự sống bắt đầu nơi bụng mẹ thì giáo dục bắt đầu; rồi những ảnh hưởng do tai nghe mắt thấy sẽ hun đúc thành hành vi của cả đời mình mai sau. Có câu rằng: "Gần đỏ thì đỏ, gần mực thì đen, nhuộm xanh ra xanh, nhuộm vàng ra vàng". Chúng ta có thể nói chẳng cần chờ sau khi lọt lòng mẹ, thành người rồi thì việc giáo dục mới bắt đầu, thật ra ngay còn trong bụng mẹ, chưa chào đời thì thai nhi đã hấp thụ sự dạy dỗ rồi. Nếu người mẹ có học thức thì thai nhi hẳn sẽ chịu ảnh hưởng khiến trở thành rất thông minh, rất có học vấn. Nếu lúc đang mang thai người mẹ thường hay nóng giận, thì sau này đứa trẻ cũng có tính giận dữ như thế. Nếu người mẹ tánh tình bướng bỉnh, không nghe lời ai phê bình khuyên răn, thì con em sau này cũng thế: nghĩa là rất cứng đầu bướng bỉnh, không chịu nghe ai khuyên bảo, tự mình độc đoán, không biết lắng nghe kẻ khác. Do đó giáo dục lúc mang thai quan trọng lắm.
Người đàn bà là mẹ của dân, là gốc rễ của đất nước. Mọi người nữ nên biết cách dạy con trẻ; lúc đang mang thai nên hiểu phương cách dạy dỗ bào thai. Bà mẹ không nên tranh, không tham, không truy cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Nếu người mẹ cứ làm những chuyện tranh dành, tham lam, truy cầu, ích kỷ, nói dối, hay tự lợi thì bà sẽ ảnh hưởng đến bào thai khiến thai nhi cũng sẽ có cái tâm lý tương tợ. Và rồi sau này khi em nhỏ lớn lên, em không thể trở thành công dân tốt của xã hội. Vì vậy trong thời kỳ mang thai bậc cha mẹ phải hết sức chú trọng đến vấn đề giáo dục này.
Sau khi em trẻ ra đời, cha mẹ phải làm gương cho con noi theo; không nên tranh dành, cãi vả, ích kỷ, tự lợi, tham lam, cầu cạnh, dối trá. Nếu cha mẹ làm những việc ấy thì con cái thấy sao sẽ bắt chước làm vậy. Thí dụ như việc nói năng: người lớn ai cũng biết, trẻ em nghe rồi thì nhái theo, cuối cùng cũng nói được. Trẻ em chịu ảnh hưởng (của cha mẹ) rất lớn. Do đó bậc làm cha mẹ không thể nói rằng mình chỉ biết nuôi con, chớ không biết dạy con. Các bạn biết nuôi con tức là giúp quốc gia sanh ra một công dân tốt. Ngược lại nếu không dưỡng dục, không dạy dỗ con cái thì bạn chưa làm tròn trách nhiệm đối với xã hội và quốc gia. Con cái đẻ ra mà mình dạy không tốt, khiến nó trở thành thiếu niên phạm pháp, thậm chí thành kẻ nguy hại của xã hội, đất nước thì cha mẹ phải gánh lấy trách nhiệm.
Do đó phàm làm cha mẹ, bạn nên xem việc dạy dỗ con cái là một việc vô cùng cấp bách ngay bây giờ. Không nên xem chuyện kiếm tiền, đeo đuổi danh, lợi là số một. Hãy xem sự dạy dỗ con cái là việc khẩn trương nhất. Các bạn kiếm ra bao nhiêu tiền cũng không bằng dạy dỗ con em mình cho thật tốt. Bởi vì nhờ đó mà các em sẽ biết thế nào là đạo làm người, thế nào là giữ gìn thân thể này. Do vậy, giai đoạn mà các em còn ở trong nhà, chưa nhập học, thì việc giáo dục cũng là trách nhiệm của cha mẹ.
Tới khi các em cắp sách đền trường thì các trường học là khuôn mẫu. Các thầy các cô phải tự mình làm gương cho các em, để gây ảnh hưởng khiến các em biết thế nào làm người có phẩm hạnh đức độ, biết làm sao hiếu thảo với cha mẹ, biết làm sao kính trọng bậc trưởng thượng. Ngay từ đầu mình phải dạy các em đạo hiếu. Vạn Phật Thánh Thành, trường tiểu học các thầy cô hết lòng dạy các em hiếu thảo với cha mẹ: rằng các em phải thay cha mẹ làm việc nhà, chìu theo ý tứ, vâng lời cha mẹ. Do đó khi các em bãi học về nhà, cha mẹ các em vô cùng sung sướng.
Các thầy cô nên lấy tinh thần "Ðược bậc anh tài trong thiên hạ để mình dạy dỗ" làm nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Hãy nhận lấy trách nhiệm giáo dục em trẻ, dạy dỗ sao cho các em không hút thuốc, không uống rượu, không nghiện ma túy, không làm việc nam nữ loạn luân. Mình phải từ nơi đây mà tiến hành.