Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hieu-Ro-Ve-Su-Giao-Duc-Cua-Duc-Phat

Hiểu Rõ Về Sự Giáo Dục Của Đức Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Thuận Nghi

"Tu phước và tu huệ": Phước và huệ là hai vấn đề rất quan trọng đối với người tìm cầu tu học Phật pháp. Khi chúng ta quỳ trước Phật tiếp nhận tam quy y và đọc lời phát nguyện rằng "quy y Phật, lưỡng túc tôn "lưỡng" là hai, đó là phước và huệ, “túc” là đầy đủ, viên mãn. Do đây chúng ta biết, thành Phật chính là tu học viên mãn phước và huệ, như vậy mới làm vị đạo sư đáng kính của thế gian và xuất thế gian.

Kinh điển Phật nói ra là dung thông, viên dung, thông đạt vô ngại, chỉ cần bạn thông một bộ kinh thì thông tất cả kinh. Chẳng những kinh giáo dung thông mà pháp thế gian và xuất thế cũng dung thông, vì tất cả các pháp đều lưu xuất từ nơi chân tâm bản tánh mà ra, cho nên trong chúng sanh đều có tánh đức thanh tịnh, nhưng họ không thông hiểu đạo lý này, vì không thông hiểu nên bị chướng ngại, chướng ngại là do mê hoặc điên đảo, phân biệt chấp trước, chỉ cần trừ bỏ những chướng ngại này thì pháp thế gian và xuất thế gian bạn đều dung thông và thông đạt tự tại vô ngại.

Mục đích của Đức Phật là hướng cho chúng ta con đường đi đến chỗ rốt ráo viên mãn, đó là vượt thoát luân hồi, ra khỏi tam giới. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này, hiểu rõ tức là thông suốt về sự thật chân tướng của vạn pháp. Nguyên nhân đưa chúng sanh đi trong vòng luân hồi lục đạo là do vọng tưởng ngã chấp. Muốn vượt thoát luân hồi ra khỏi tam giới, chỉ cần phá trừ ngã chấp, ngã sở. "Ngã sở" chính là sở hữu, khi chúng ta khởi tâm động niệm sở hữu bất cứ vật gì thì tâm đã dính mắc, do vì dính mắc nên đưa chúng ta đi vào luân hồi lục đạo không thoát ra được. Phật giáo Đại thừa hay Tiểu thừa cũng điều dạy chúng ta phá "ngã", người tu học Tiểu thừa khi ngã chấp đoạn trừ thì chứng được quả vị A la hán, họ mới vượt thoát luân hồi ra khỏi tam giới.

Bồ tát đạo theo tinh thần của Phật giáo Đại thừa là cúng dường và độ chúng sanh. Kinh "Kim Cang" nói "tất cả chúng sanh, ta đều khiến họ vào vô dư niết bàn mà diệt độ". Câu kinh này, nói theo bây giờ tức là tận tâm tận lực giúp đỡ cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, phá mê khai ngộ sẽ đưa đến kết quả là hết khổ được vui. "Chúng sanh mê, ta giúp họ phá sạch mê, chúng sanh ngộ, ta giúp họ đi đến chỗ viên mãn" đây chính là thành Phật, chính là "nhập vào vô dư niết bàn mà diệt độ".

Phật giáo giúp chúng ta những gì? Giúp chúng ta cải đổi tâm phàm phu. Thế nào là tâm phàm phu? Thế nào là tâm Phật tâm Bồ tát? Điều này cần phải hiểu rõ ràng chính xác. Làm sao cải đổi tâm phàm phu thành tâm Phật? Hành trì thế nào để cải đổi tâm phàm phu? Hành trì thế nào để thành Phật và Bồ tát? Tự thân mỗi chúng ta không thông đạo lý này thì sao thực hành được. Nếu không thông thì chỉ mượn danh Phật pháp, dối gạt chúng sanh, tội này sẽ vào địa ngục A Tỳ. Lúc đó, Phật, Bồ tát có giúp cũng chẳng được.

Phật pháp và pháp thế gian là một chẳng phải hai. Cho nên, khi đem tâm Phật và Bồ tát vào đời thì tất cả pháp thế gian đều là Phật pháp, khi đem tâm phàm phu đi vào Phật pháp thì tất cả Phật pháp biến thành thế gian pháp. Cho nên, khi nói về pháp thế gian là nói về mặt hiện tượng – là sự tướng, còn đối với Phật pháp chẳng phải nói về sự tướng mà phải ở nơi tâm con người mà nói. Chính vì vậy nói "tâm tịnh thì quốc độ tịnh".

Phật pháp luôn làm thăng hoa pháp thế gian, cho nên khi Thế Tôn còn tại thế, Ngài giáo hóa rất nhiều tín đồ tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ, nhưng Phật không có bảo phải thay đổi cách thức sinh hoạt của họ mà chính là chuyển đổi tâm thức của họ, phương pháp này các bậc cao Tăng tiền bối chúng ta thường nói "bậc đại trí huệ luôn sống đạo trung dung". Đây đúng thật là bậc đại trí huệ.

Giác ngộ ngay trong đời sống sinh hoạt chính là thực hành hạnh Bồ tát, nói một cách rõ hơn, từ đời sống sinh hoạt của phàm phu thay đổi để trở thành đời sống sinh hoạt của Bồ tát. Thay đổi phẩm chất đời sống nhưng không cải biến trên hình thức, nghĩa là quá khứ làm nghiêp gì thì hiện tại cũng vậy, nhưng bản chất chẳng giống nhau, vì quá khứ do si mê mà làm, hiện tại do giác ngộ mà làm. Si mê thì khổ, giác ngộ thì được an vui, niềm an vui này được gọi là "pháp hỷ sung mãn". Quá khứ và hiện tại chẳng giống nhau, vì đời sống hiện tại họ đã thay đổi rồi, họ đã chuyển đổi ý nghiệp và hành nghiệp.

Trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói năm mươi ba vị Bồ tát tham học, chúng ta thấy trong những vị Bồ tát đó gồm nam, nữ, già , trẻ mỗi vị mỗi biệt nghiệp khác nhau, chính mỗi vị có biệt nghiệp khác nhau nên họ đã giác ngộ ngay trong đời sống sinh hoạt, lìa khổ được an vui, đây chính là Phật pháp.

Phật giáo đối với xã hội hiện đại cũng bị thay đổi, nếu chẳng giữ đúng tinh thần của Phật giáo thì hiện tại sẽ bị biến chất. Khi Phật giáo bị biến chất thì coi như đã bị diệt rồi. Cho nên cần phải giữ vững bản chất tinh thần của Phật giáo, bản chất đó theo trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là "thanh tịnh, bình đẳng, giác” đây là căn bản, chẳng những căn bản này ở Tịnh Tông mà tất cả Phật giáo Đại thừa, đều được kiến lập trên nền tảng căn bản này. Cho nên tất cả pháp môn đều đi đến mục tiêu này, lìa mục tiêu này ra thì chẳng phải Phật pháp.

Trong Đại tạng kinh của Phật có vô lượng Kinh pháp, bạn muốn tham cứu nghĩa lý trong kinh thì bất kỳ bộ kinh nào nghĩa lý cũng vô tận, nhưng trong tất cả kinh luận, bộ kinh nào nghĩa lý cũng hỗ tương và dung thông cả, chính vì vậy, chỉ cần bạn thông đạt một bộ kinh thì tất cả các kinh đều thông đạt. Vì sao các kinh lại dung thông với nhau? Vì mục tiêu của mỗi bộ kinh đều đi đến thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Bạn chỉ cần đạt được thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác nơi chính bạn thì tất cả các kinh đều dung thông không có chướng ngại. Một bộ kinh không thông,  nguyên do là tâm bạn không thanh tịnh, không bình đẳng, không chánh giác, bị mê hoặc điên đảo làm cho bạn không thông. Rõ được sự thật chân tướng này rồi là thể hội được trọng yếu của Phật pháp mới là đúng thật tu hành, lúc đó bạn mới có khả năng thông đạt. Không chân thật tu hành mà chỉ nơi chữ nghĩa mà công phu thì tuyệt đối chẳng thể lãnh hội được.

Xã hội bây giờ, có nhiều nơi chưa hiểu về tinh thần Phật pháp, nên chúng ta cần phải lưu thông ấn tống hai cuốn sách quan trọng là "Nhận thức Phật giáo và truyền thọ tam quy".

Giáo lý trong "Kinh Kim Cang" thâm sâu vô cùng, dạy chúng ta hiểu rõ hơn về Phật pháp Đại thừa. Hiểu được tinh thần Kinh Kim Cang sẽ giúp chúng ta áp dụng công phu tu học ngay trong đời sống sinh hoạt của chính mình, được rất nhiều ích lợi. Nói rõ hơn là chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào giống như Phật và Bồ tát. Đời sống sinh hoạt của Phật và Bồ tát là đại giác ngộ, đại trí huệ, đời sống như thế mới đưa đến niềm hạnh phúc mỹ mãn.
Trích từ: Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phổ Môn Giảng Lục, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Đọc Tiếp
2 Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
3 Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Tu Phước Và Tu Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Luận Về Giáo Dục Gia Đình
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh

Bàn về nhân quả báo ứng và sự giáo dục trong gia đình
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Ly Tướng Tu Phước
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mục Đích Của Giáo Dục Phật Đà
Hòa Thượng Thích Tịnh Không