Thành Phật, nhập Niết Bàn yên vui, là kết quả cao nhất mà người tu theo Đạo Phật có thể đạt được.
Nhưng chúng sanh trong thế gian nhiều vô lượng và tạo nghiệp ác, lành cũng không giống nhau, trí hiểu biết không đồng nhau, nên Đức Phật đã lập ra rất nhiều phương pháp (tám vạn bốn nghìn pháp môn) để tùy từng căn cơ mỗi người, tùy từng trường hợp mà áp dụng.
Trong Phật học, để giảng dạy cho dễ dàng, người ta chia các pháp môn ấy ra làm năm loại, gọi là năm Thừa (Thừa = cõi) hay năm Thặng (thặng = cỗ xe). Mỗi thừa có thể coi như một đoạn đường, đưa đến một kết quả. Người tu tập đủ sức, đủ trí, có thể đi một mạch đến thích cuối cùng. Người ít sức thì đi dần dần; hết một đoạn tức là thêm được sức để tiến lên một đoạn nữa.
Năm thừa là:
1. Nhân thừa: Kết quả của đoạn này là người tu tập, khi chết đi, sẽ sanh trở lại cõi người, để hưởng hạnh phúc tương đối, do những nghiệp lành đã tạo ra trong kiếp vừa rồi và những kiếp trước.
2. Thiên thừa:
Kết quả của đoạn này là người tu tập sẽ được sinh lên cõi trời, sung sướng hơn cõi Người.
Hai Thừa vừa nói gọi là Thế gian thừa, vì kết quả chưa đưa con người ra khỏi luân hồi của thế gian. Trên cõi Trời sinh tử vẫn hãy còn; nếu không tu tập thêm nhân lành thì rồi sẽ thoái sinh xuống cõi Người, theo định luật Nhân – quả và Vô Thường.
Hạnh phúc trong hai cõi Người và Trời không vững bền vĩnh viễn, còn chứa đựng và còn sinh ra phiền não cho nên trong Phật học gọi là Hạnh phúc hữu lậu (lậu = phiền não rỏ giọt, mất dần dần), trái với Hạnh phúc chân thật, không bao giờ mất của cảnh Niết Bàn, gọi là Hạn phúc vô lậu.
3. Thanh văn thừa: Kết quả cùng tột của đoạn này là thành bậc A La Hán không còn sinh tử, thoát dứt luân hồi, vì đã hiểu thấu được Lý Vô Ngã.
4. Duyên giác thừa (hay Độc giác thừa): Kết quả là thành bậc Duyên Giác (hay Bích chi Phật), cũng không luân hồi nữa, vì đã hiểu suốt lẽ Nhân Duyên tạo sinh tử cho nên không còn chấp cái ta giả (chấp Ngã).
5. Bồ tát thừa:
Kết quả là thành bậc Đại Bồ tát, rồi thành Phật.
Ba thừa sau (Tam Thừa) thường gọi là Xuất thế gian thừa vì kết quả đạt được là người tu hành không còn sống đời sống phàm phu tầm thường nữa, mà sống một đời sống cao siêu hơn thế gian, ở ngoài vòng luân hồi của thế gian.
Tuy nhiên, ba Thừa này cũng chỉ là những phương tiện tạm thời, những giai đoạn của một Thừa duy nhất là Phật Thừa, mà kết quả là dắt dẫn con người tu học lên đến địa vị Phật.
Trong Thanh văn Thừa và Duyên giác Thừa (thường gọi gồm Nhị Thừa), kết quả đạt được tuy cao siêu nhưng vẫn còn tương đối hẹp hòi. Người tu hành chưa thấu suốt được Lý Chân Không, nên chưa hoàn toàn nhập một với Bản thể bao la của vũ trụ, không nhận thấy rằng mình, người và vạn vật chỉ là một.
Vì vậy, các bậc A La Hán và Duyên Giác sau khi giải thoát còn say đắm trong cảnh yên lặng của cõi Niết Bàn, mà không ra quảng độ chúng sanh. Nói một cách khác, các vị ấy tuy đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng chưa hành đạo rộng rãi để giác ngộ và giải thoát cho nhiều người, nhiều vật khác.
Bởi lẽ ấy, Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa gọi là Tiểu Thừa (Tiểu = nhỏ). Hai cỗ xe này bé nhỏ, chỉ chở được ít người đến chỗ giải thoát mà thôi và cũng không đi xa được đến chỗ cùng cực của Đạo lý.
Còn Bồ Tát thừa gọi là Đại thừa (đại = lớn). Cỗ xe lớn, chở được vô số lượng chúng sanh đến chỗ giải thoát cùng cực, vì Bồ Tát và Phật không những cứu độ cho mình mà còn cứu độ cho hết thảy mọi loài, mọi vật trong vũ trụ ra khỏi mê lầm, đau khổ.
Khi Đức Phật Thích Ca tại thế, trong những năm đầu tiên thuyết pháp, Ngài giảng về những pháp môn Tiểu thừa để hợp với trình độ hãy còn thấp kém của các đệ tử. Bởi vây, Giáo lý Tiểu thừa được coi và được gọi là Phật Giáo nguyên thủy (thỉ), nghĩa là Phật pháp đem giảng dạy lúc ban đầu.
Về sau, đức Phật dần dần nâng cao trình độ giảng dạy, đưa các Phật tử đến chỗ cao siêu tột bậc của Phật pháp tức là Đại Thừa Giáo.
Như trên đã nói, Tiểu Thừa và Đại Thừa chỉ là hai giai đoạn của một Phật Thừa mà thôi; nhưng chữ “tiểu” làm cho nhiều người hiểu lầm, đem gán cho nó một ý nghĩa chê bai không đúng (tiểu đối với đại). Để tránh sự ngộ nhận ấy, trong kỳ Hội Nghị Phật giáo thế giới họp tại Kathmandu (Nepal) vào tháng 11 năm 1956, các vị lãnh đạo Phật Giáo thế giới đã quyết định bỏ danh từ “Tiểu Thừa” và từ nay trở đi chỉ dùng danh từ “Phật giáo nguyên thủy” để cho đúng với ý nghĩa và lịch sử của Giáo Pháp.
I. Nhân thừa
Bước đầu tiên trên đường tu tập, muốn kiếp sau sanh trở lại làm người, hưởng những phúc báo, kết quả của các việc lành đã làm trong đời này, người tu học cần phải làm hai việc:
Một là Quy y (Tam quy); hai là Trì giới (ngũ giới). (Quy = trở về; Y = nương tựa; Trì = giữ gìn; Giới = răn, cấm)
Tam quy y (nói tắt là Tam quy) là ba sự trở về để nương tựa. Ba sự trở về là: 1. Trở về nương tựa và Phật. 2. Trở về nương tựa và Pháp. 3. Trở về nương tựa và Tăng.
Con người, trước khi được nghe Phật pháp, sống trong cảnh mê lầm, như người lạc đường trong đêm tối. Muốn ra ngoài ánh sáng và đi cho đúng đường, cần phải đổi hướng quay đầu theo sự chỉ dẫn của đức Phật.
Ấy là quy y Phật (nam mô Phật).
Đã quay về với ánh sáng của Phật thì phải tuân theo lời giảng dạy của Phật, nghe Giáo lý Phật.
Ấy là quy y Pháp (nam mô Pháp).
Khi Đức Phật còn tại thế thì nghe lời giảng của Đức Phật; khi đức Phật đã tịch diệt thì nghe lời giảng của chư Tăng (Sư). Tăng là những người đã xuất gia tu tập, hy sinh đời riêng để làm sứ mạng giữ gìn Giáo pháp và tuyên dương, giảng dạy Giáo lý cho người khác.
Ấy là quy y Tăng (nam mô Tăng).
Phật, Pháp, Tăng là ba thứ tôn quý nhất của người Phật tử, cho nên gọi là Tam bảo (bảo = quý).
Vậy công việc đầu tiên của người bước vào đạo Phật là quy y Tam bảo, nghĩa là đến chùa, xin làm lễ được nhận vào hàng đệ tử của Phật và xin chư Tăng truyền giới cho.
Việc thứ nhì, sau khi làm lễ quy y, là giữ giới, nghĩa là tuân theo những lời răn cấm của đức Phật dạy, mà chư tăng đã truyền giảng khi làm lễ quy y.
Năm điều răn cấm là:
Giới sát (sát = giết): Không được giết hại người và sinh vật, nghĩa là phải có lòng từ bi, thương hết mọi loài.
Giới đạo (đạo = trộm, cắp): Không được lấy trộm, cắp tiền tài, đồ vật của người khác, tức là đừng tham lam.
Giới dâm (dâm = vui thú xác thịt): Không được say đắm trụy lạc trong thú vui xác thịt, tức là sống điều hòa và thanh cao, không ham mê về vật chất. Người tại gia không được tà dâm, lang chạ.
Giới ngữ (ngữ = lời nói): Không được nói dối, hoặc nói những điều độc ác, tức là chỉ nói những lời ngay thật và dịu dàng.
Giới tửu (tửu = rượu): Không uống rượu là chất nóng làm cho người mất bình tĩnh, mất sáng suốt và không thể giữ được bốn giới nói trên.
Năm điều răn cấm này chỉ là những việc ăn ở đúng lẽ phải, mà ai ai cũng phải cố gắng thực hiện mới thành được con người có nhân cách.
II. Thiên thừa
Tiến lên một bước nữa, muốn kiếp sau được sinh lên cõi trời, yên vui, sung sướng hơn ở cõi Người thì phải tu tập pháp “Mười điều lành” (Thập thiện nghiệp).
Điều lành (thiện nghiệp), theo Phật giáo, là tất cả những việc làm đúng với lẽ phải, hợp với Chân lý, tức là những việc vừa lợi ích cho mình, vừa lợi ích cho người và vật khác.
Con người làm những việc lành hay ác, hành động xấu hay tốt, đều do thân, miệng và ý mà ra.
Pháp “Mười điều lành” dạy con người tu tập để cả ba thứ thân, miệng và ý đều không làm việc ác, chỉ làm những điều lành.
Mười điều lành là:
Không giết hại chúng sinh: Tức là giải phóng cho mọi người, mọi vật; không ăn thịt và làm tổn hại đến đời sống của vật khác, vì nó cũng biết đau khổ như người.
Không trộm, cắp: Tức là không lấy dấu diếm của người, mà trái lại, lấy của mình đem bố thí cho những kẻ thiếu thốn.
Không dâm đãng: Tức là không trụy lạc trong thú vui của xác thịt; hưởng những thú vui cao quý của tinh thần đạo lý.
Ba điều lành nói trên thuộc về thân.
Không nói dối: Có nói không, không nói có, tức là nói dối. Chỉ nói đúng với điều đã làm, đúng với sự thật đã trông thấy, nghe thấy mà thôi.
Không nói thêu dệt: Tức là không nói ngoa, không nói sai lạc sự thật để người khác phải mê lầm. Chỉ nói những lời chân thật, đúng chắc, không thêm, không bớt.
Không nói độc ác: Tức là không chửi rủa, không nói lời thô bỉ, xấu xa, mà chỉ nói những lời dịu dàng, êm ái.
Không nói hai lưỡi: Tức là không nói lời phản gián, gập bên này nói xấu bên kia, gặp bên kia nói xấu bên này, để gây sự ác cảm, bất hòa giữa hai người.
Bốn việc thiện trên đây thuộc về miệng.
Không tham lam: Tức là tự xét rằng mình đã có đủ với những thứ mình có (tri túc); không thèm thuồng, cầu mong những thứ quá sức với mình.
Không giận hờn (sân): Nghĩa là không nóng nảy, tức giận khi gặp người hoặc cảnh vật trái với ý mình, lúc nào thân tâm cũng bình tĩnh vui vẻ.
Không si mê: Tức là không mê lầm, ngu tối, biết suy xét, hành động theo lẽ phải. Không mê tín dị đoan (như xin săm, bói quẻ, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã…). Không ương ngạnh, cố giữ những ý kiến sai lầm khi đã được người khác giảng cho Lẽ thật.
Ba điều thiện vừa nói trên thuộc về ý.
Pháp “Mười điều thiện” có hiệu lực làm cho thân tâm con người trở nên tốt lành, trí tuệ trở nên sáng suốt, và mọi cảnh vật chung quanh đều sống yên vui, hòa thuận.
Bởi thế, từ ngàn xưa, tất cả các vị Hiền, Thánh, Bồ tát và chư Phật đã thoát khỏi sinh tử, luân hồi chứng được Niết bàn, đều bắt đầu lấy mười điều thiện làm căn bản tu hành.
Người Phật tử muốn tiến lên những giai đoạn tu tập cao siêu về sau, cũng phải bắt đầu thực hành pháp “Mười điều thiện” này cho siêng năng, thuần thục.
III. Thanh văn thừa
Trong giai đoạn này, người Phật tử tu học để thành một vị siêu phàm, vĩnh viễn yên vui ở ngoài vòng sinh tử của thế gian.
Muốn đạt được kết quả ấy, trước hết người Phật tử phải thấu hiểu tình trạng đời người, biết rõ căn bệnh của thế gian ra sao, để rồi tìm thuốc trị bệnh.
Vì thế đức Phật giảng “Tứ diệu Đế”, để giải thích rõ tình trạng đời người và dạy phương pháp thay đổi tính trạng (Đế = sự thật chắc chắc; Diệu = huyền diệu, mầu nhiệm).
Bốn Đế, bốn sự thật là: 1. Khổ Đế, 2. Tập Đế, 3. Diệt Đế, 4. Đạo Đế.
1. Khổ đế: Sự thật đầu tiên về tình trạng đời sống của chúng sanh trong thế gian là đau khổ.
Thoạt mới lọt lòng mẹ ra, tiếp xúc với hoàn cảnh nóng lạnh bên ngoài, đã cảm thấy đau nên cong người phải khóc. Rồi từ lúc bé đến khi chết, nào bệnh tật, nào tai nạn, già yếu…
Tất cả những thứ ấy đều là khổ, nhưng mới là khổ về xác thân. Còn bao nhiêu những khổ khác về tinh thần nữa: yêu mến mà phải chia ly, oán ghét mà phải xum họp, cầu mong mà chẳng được thỏa mãn, ngay thẳng, hiền lành mà phải sỉ nhục, áp bức…
Phật giáo không phủ nhận rằng trong đời con người cũng có lúc vui vẻ, sung sướng, vì thân tâm được thỏa mãn trong những điều mong muốn. Những hạnh phúc ấy là quả tốt của những nghiệp lành đã tạo ra trong kiếp trước hoặc kiếp này. Đức Phật không dạy rằng con người phải tránh những hạnh phúc ấy để chỉ nhận thấy và chịu đựng những đau khổ mà thôi.
Đức Phật không dạy như thế. Đức Phật dạy ta đừng say đắm, mê mờ trong những hạnh phúc trên và giảng cho ta trông thấy cuộc đời sâu hơn, xa hơn, đúng với sự thật hơn.
Trông sâu hơn và xa hơn vì chúng ta nhận thấy những sung sướng trong thế gian không bền vững, không vĩnh viễn. Khi nó mất thì chúng ta buồn và đau khổ. Mà ngay khi nó còn, nó cũng gây cho chúng ta biết bao bận rộn, lo nghĩ, ghét ghen, thù oán…
Trông đúng với sự thật hơn, vì trong khi ta đang say đắm trong hạnh phúc nếu ta không biết tu tập để giữ gìn và làm tăng trưởng nhân duyên lành đã sinh ra hạnh phúc thì hạnh phúc đã bắt đầu suy giảm theo luật Vô thường rồi. Đau khổ đã dần dần đến thay thế cho sung sướng rồi.
Bởi vậy tình trạng chung và đúng thật của thế gian là đau khổ. Ấy là một lẽ thật chắc chắn, hiển nhiên.
2. Tập đế: (Tập = chồng chất, hội hợp với nhau, thói quen).
Những đau khổ không phải tự nhiên mà có. Nó đều là quả của nhiều nhân chồng chất từ nhiều đời tạo ra. Ấy là Sự Thật thứ hai mà đức Phật giảng dạy cho chúng sinh, để hiểu rõ nguyên do tình trạng đau khổ của đời người.
Phật học gọi những nguyên nhân tạo ra đau khổ là phiền não. Những phiền não rất nhiều (có tám vạn bốn nghìn phiền não); nhưng để cho dễ giảng dạy, Phật học tóm tâu tất cả vào mười loại chính sau đây.
Tham: tham lam; muốn có nhiều những thứ mình ưu thích.
Sân: giận hờn, hung hăng, khi không vừa lòng không được thỏa thích như ý muốn.
Si: ngu tối, không sáng suốt; không suy xét, hiểu biết đúng Lẽ phải, đúng sự thật.
Mạn: Kiêu ngạo, tự coi mình hơn người và kinh rẻ kẻ khác.
Nghi: Nghi ngờ lẽ phải, không tin chân lý.
Thân kiến (kiến = trông thấy, nhìn, nhận thấy): nhìn nhận rằng thân có thật và lâu bền, nên cố làm cho xác thân sung sướng.
Biên kiến (Biên = góc, cạnh): Chỉ nhìn thấy một phía cạnh, không trông thấy toàn diện mà lại cho rằng sự nhận xét nhỏ hẹp, sai lầm ấy là đầy đủ.
Tà kiến (Tà = sai lầm): Mê tín, dị đoan, tin những điều không đúng chân lý, không hợp với lẽ phải.
Kiến Thủ (Thủ = giữ lấy): Giữ những nhận xét sai lầm, không chịu thay đổi theo đúng Sự thật, lẽ phải.
Giới cấm thủ: Tin và làm theo những điều răng cấm không đúng với chân lý (thí dụ: tu lối ép xác như ăn ớt, không ăn cơm, ngồi phơi ngoài mưa nắng…)
Năm thứ phiền não sau cùng thường được gộp chung vào một loại gọi là “ác kiến”, nghĩa là những nhận biết sai lầm (ác), không đúng với chân lý. Tất cả mười món phiền não nói trên là nguyên nhân chính của đau khổ, luân hồi.
3. Diệt đế: Muốn hết đau khổ, luân hồi, phải diệt trừ nhân sinh ra đau khổ, tức là phải phá những món phiền não chồng chất từ bao nhiêu đời, nó trói buộc con người và sai khiến con người như một nô lệ.
Khi phá trừ hết những phiền não rồi thì con người được tự do hoàn toàn yên vui, sáng suốt và không còn những nhân để tạo ra luân hồi nữa. Con người đã giải thoát khỏi sinh tử và đạt tới Niết Bàn (còn gọi là cảnh Diệt).
4. Đạo đế: Đức Phật dạy cho chúng sanh một con đường chắc chắn để đi đến Niết Bàn. Con đường ấy gọi là “Con đường tám điều chánh” (Bát chánh đạo), nghĩa là con đường có tám điều chân chánh mà người Phật tử phải làm.
Tám điều chân chánh là:
Nhận xét chân chánh (chánh tri kiến): nhận xét và hiểu biết sự vật đúng với Sự thật, hợp với lẽ phải.
Suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy): Suy nghĩ và xét đoán sáng suốt, đúng với chân lý, không mê lầm.
Nói chân chánh (chánh ngữ): Nói đúng đắn, ôn hòa, nói những lời hợp với Chân, Thiện, Mỹ.
Hành động chân chánh (chánh nghiệp): Làm những việc chân chánh, nghĩa là những việc vừa lợi ích cho mình và vừa lợi ích cho người và vật khác.
Sống chân chánh (chánh mạng): Sống trong sạch, hợp với chân lý, không làm những nghề, những hoạt động dễ gây ra ác nghiệp.
Tinh tấn trong chân chánh (chánh tinh tấn): Siêng năng, chăm chỉ tu tập những điều chân chánh để tiến trên con đường đạo.
Tưởng nhớ chân chánh (chánh niệm): Nhớ những việc chân chánh đã làm, quán tưởng những việc chân chánh hiện tại và sẽ làm, để suy nghĩ và hành động cho hợp với lẽ phải, để diệt trừ những ý tưởng sai quấy và phòng ngừa những việc sai lầm.
Định tâm chân chánh (chánh định).
Định (hoặc thiền định) là tập trung tinh thần để làm cho tâm được yên lặng.
Chánh định là tu tập cho tâm trí vắng lặng và trong sạch không bị chao động bởi những cảnh bên ngoài và bên trong. Nhờ thế mà trí tuệ sáng suốt sẽ phát sanh.
Trí tuệ sáng suốt ấy sẽ giúp người tu hành hiểu thấu chân lý, biết rõ nguyên nhân của đau khổ; nó sẽ giúp người tu học phá tan xiềng xích của phiền não và tối tăm của si mê.
Đạo đế dắt dẫn con người ra khỏi sanh tử, luôn hồi, tiến tới cảnh yên vui vĩnh viễn của Niết Bàn. Người tu tập dần dần chứng được bốn quả vị cao siêu của Thanh văn thừa là: 1. Tu đà hoàn, 2. Tư đà hàm, 3. A Na Hàm, 4. A La Hán (cao nhất)
IV. Duyên giác thừa
Tiến lên trong việc tu học, tìm hiểu Chân lý, các bậc Duyên giác tu pháp quán “Mười hai nhân duyên” (Thập nhị nhân duyên).
Chúng ta nhớ lại rằng mỗi sự, mỗi vật trong vũ trụ đều đồng thời là nhân và duyên để giúp những nhân khác tạo ra những quả khác.
Thấu suốt Lý Mười hai nhân duyên sẽ hiểu rõ người và vạn vật do đâu mà sanh và vì sao phải luân hồi muôn đời nghìn kiếp.
Mười hai nhân duyên ấy là:
1. Vô minh: Ngu dốt, mê lầm, tối tăm, không hiểu Chân Lý của Vũ Trụ, không nhận thấy Bản thể, Thật tánh của người và vạn vật.
2. Hành: Hành động. Vì ngu dốt nên hành động sai lầm, làm những việc không đúng với Chân lý, không hợp với Thật Tánh, nghĩa là làm những ác nghiệp.
3. Thức: Hiểu biết, nhưng hiểu biết không sáng suốt, tưởng rằng thân này là ta thật và cảnh chung quanh là cảnh thật nên ham muốn sống mãi trong cảnh ấy. Lòng ham muốn tạo thành một sức mạnh, một động lực sinh tử (Thần thức để đầu thai).
4. Danh sắc: Danh nghĩa là tên gọi, chỉ cho tâm linh hay tinh thần, vì tinh thần có tên gọi mà không có hình tướng để trông thấy. Sắc tức là thân xác, chỉ cho vật chất.
Hành động và hiểu biết sai lầm nên mới tạo ra nghiệp đầu thai để tái sinh. Bào thai là vật do sự phối hợp của hai thứ tinh thần và vật chất (thần thức và xác thân).
5. Lục nhập: Lục là sáu, nhập là vào, tức là sáu căn hay sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn này đem những cảm giác (đối với hoàn cảnh bên ngoài) vào bên trong cho thai.
6. Xúc là động chạm. Ở trong bụng mẹ hay lọt lòng ra ngoài, thai đã tiếp xúc, động chạm với hoàn cảnh chung quanh.
7. Thọ là lãnh lấy, nhận lấy. Động chạm với hoàn cảnh tất sinh ra cảm giác. Sáu căn tiếp nhận những cảm giác ấy.
8. Ái là ưa thích. Khi nhận những cảm giác mà cho là phù hợp với mình thì ưa thích; cho là không hợp với mình thì chán ghét.
9. Thủ là dành giữ lấy. Ưa thích sự, vật gì thì cố dành lấy, tạo ra ác nghiệp.
10. Hữu (hậu hữu thân) là có thân sau này. Những nghiệp đã làm là nhân để sinh ra thân đời sau vì trong nhân đã có quả nằm sẵn.
11. Sinh là sinh ra. Khi gặp đủ duyên thì thân sau sẽ sinh ra, nối tiếp cho thân hiện tại.
12. Lão, tử là già và chết.
Thân hiện tại già và chết. Thân sau sinh ra cũng sẽ lại già và chết, để một thân sau nối tiếp như thế không bao giờ ngừng.
Vòng sinh tử, tử sinh cứ quay tròn mãi.
Người Phật tử quán sát Lý Mười hai nhân duyên sẽ hiểu rằng con người sinh tử luân hồi là do kết quả của những ác nghiệp. Và sở dĩ tạo ra ác nghiệp là vì ngu dốt, mê lầm (vô minh), không nhận được Bản thể sáng suốt, Chân Tâm trong sạch của mình.
Người tu học sẽ dùng trí huệ sắc bén để phá trừ tối tăm, cắt đứt vòng tù hãm của mười hai nhân duyên và thoát ra ngoài sinh tử. Kết quả là sẽ đạt được Niết Bàn, thành bậc Duyên giác (Bích Chi Phật).
V. Bồ tát thừa
Người Phật tử tu hành Bồ Tát, ngoài mười hai điều thiện, phải tu tập pháp Lục độ (Lục Ba la mật).
Lục là sáu, Độ là vượt qua, Ba la mật là đến bờ bên kia.
Lục độ hay Lục Ba la mật là sáu món tu tập để người Phật tử từ bờ bên này, bờ Vô minh của thế gian (ngu tối, đau khổ, luân hồi) vượt sang bờ bên kia, bờ Giác của chư Phật (sáng suốt, an vui, không sanh diệt).
Pháp Lục độ Ba la mật chung cho cả hai hạng Phật tử xuất gia và tại gia; người nào muốn tu hạnh Bồ tát cũng được.
Con người sở dĩ phải đau khổ là vì đã tập từ nhiều đời, nhiều kiếp sáu món tệ : 1. Tham lam, bỏn sẻn; 2. Sân hận, giận dữ; 3. Si mê, ngu tối; 4. Lười biếng, trễ nải; 5. Không tuân theo những điều răn cấm (phá giới); 6. Tâm thần tán loạn.
Sáu món tệ này làm cho những đức tánh tốt đẹp vẫn có trong mỗi người (Phật tánh) bị che lấp, giam hãm, không biểu hiện và hoạt động được.
Để chữa sáu tệ ấy đức Phật dạy sáu phương pháp tức là sáu độ :
Bố thí, độ khỏi tham lam bỏn sẻn.
Trì giới, độ khỏi hành động ác độc, sai quấy.
Nhẫn nhục, độ khỏi sân hận giận dữ.
Tinh tấn, độ khỏi lười biếng trễ nải.
Thiền định, độ khỏi tán loạn tâm thần.
Trí tuệ, độ khỏi si mê, ngu tối.
Chúng ta học sơ quan sáu độ ấy.
Bố thí ba la mật
Bố nghĩa là rộng rãi. Thí là cho. Bố thí nghĩa là cho rộng khắp, đem những gì mình có phân phát rộng khắp cho mọi người, mọi vật. Có ba loại bố thí :
- Tài thí: Lấy tiền của, đồ dùng, giúp đỡ người thiếu thốn.
- Vô úy thí: Lấy lời nói, việc làm, giúp đỡ cho người đang sợ hãi hết sợ, người đang bị khủng bố lo âu được yên tâm, vững chí.
- Pháp thí: Đen chân lý, giáo pháp của Phật giảng dạy cho người không biết.
Tài thí và Vô úy thí chỉ là phương tiện nhất thời. Pháp thí có hiệu quả lâu bền vì giúp cho người hiểu được Lẽ thật, phá được Vô minh và đạt đến hạnh phúc chân thất. Bởi vây, thí Pháp là một hành động cao quý và có công năng cứu độ, giải thoát hơn cả.
Trong thế gian, thường ai cũng có dịp bố thí nhưng đa số làm với ý cầu mong một kết quả tương lai cho mình hoặc còn để ý cân nhắn xem vật đem cho đáng giá nhiều hay ít, tốt hay xấu, phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ ưa người ghét. Như thế gọi là bố thí trước tướng (bám níu lấy hình tướng).
Người tu hạnh Bồ tát làm bố thì vô tướng nghĩa là khi trông thấy đau khổ, thiếu thốn, sợ hãi thì cứu giúp cho hết đau khổ, hết thiếu thốn, hết sợ hãi mà không để ý đến vật đem cho, dù vật ấy rất quý như thân mạng, không phân biệt người mình cứu giúp là ai, thân hay sơ, thù hay bạn và cũng không tưởng nghĩ rằng việc mình làm là một việc bố thí.
Sự làm bố thí của Bồ tát là một đức tánh phát ra tự nhiên ở Chân tâm như khí nóng phát ra tự nhiên ở lửa vậy.
Trì giới Ba la mật
Giới là những điều răn cấm, những phương pháp mà đức Phật dạy cho người tu tập tuân theo để giữ cho thân, miệng và ý được sáng suốt, trong sạch, nghĩa là thân không làm, miệng không nói và ý không nghĩ đến những điều sai lầm, độc ác nữa. Như thế sẽ trừ diệt được hết những nghiệp ác sinh ra đau khổ, luân hồi.
Người tu hạnh Bồ tát giới cho đến mực thân, khẩu và ý hoàn toàn không ô nhiễm một chút mảy may gì sai quấy. Khi ấy chẳng phải trì giới mà vẫn chẳng phạm giới nữa, y như kẻ uống thuốc chữa bệnh, lúc bệnh hết thì không cần uống thuốc. Như thế gọi là trì giới Ba la mật.
Những giới đức Phật dạy rất nhiều, tùy theo các bạn Nam hay Nữ, xuất gia hay tại gia nhưng đại cương gồm ba loại :
- Nhiếp luận nghi giới: Giữ gìn thân, miệng, ý không làm, không nói, không nghĩ một việc gì ác.
- Nhiếp thiện pháp giới: làm, nói, nghĩ tất cả mọi việc lành, lợi ích cho mình và lợi ích cho người và vật khác.
- Nhiếp ích hữu tình giới: Cứu khổ toàn thể chúng sinh hóa độ khắp hết mọi loài, không sợ khó nhọc và tốn thời gian không phân biệt chủng loại.
Nhẫn nhục Ba la mật
Nhẫn là nhịn, nghĩa là dẫu ngoài thân hay trong thân không được yên vui, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng như không có gì. Nhục là điều làm cho xấu hổ, đau đơn trong lòng. Thường người ta ai cũng có chút ít đức tính nhẫn nhục. Nhưng nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ rốt ráo, cùng cực, hoàn toàn, không còn nhận thấy cảnh nhục và thân tâm mình bị nhục.
Nhẫn như thế không phải là vì sợ sệt, hèn nhát, nhưng là người tu tập đã nhận được Thật Tánh của con người là luôn yên lặng, bình đẳng đối với tất cả mọi sự, mọi vật, mọi việc không hề bị lay động bởi một cảnh vật gì, dù là thuận hay nghịch hợp với mình hay trái với mình.
Nhẫn nhục Ba la mật gồm có ba thứ : nhẫn nhục về thân, nhẫn nhục về miệng và nhẫn nhục về ý.
Về thân thì dẫu gặp hoàn cảnh nào cũng không có thái độ hung hăng, đe dọa hoặc đánh đập lại người; bao giờ cũng giữ những cử chỉ ôn hòa, giáng điệu dịu dàng, bình tĩnh.
Về miệng thì tuy gặp sự trái ý cũng không thốt ra những lời thô bỉ, độc ác. Lời nói lúc nào cũng thanh nhã, êm ái.
Về ý thì dẫu gặp cảnh nghịch, tâm trí vẫn bình thảnh nhẹ nhàng, không hề phát ra một tư tưởng giận hờn, thù oán.
Người xưa đã nói:
“Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.” nghĩa là: thân nhẫn, miệng nhẫn và ý nhẫn thì những đau khổ oán thù để dứt hết.
Nhẫn Ba la mật làm cho thân tâm được hoàn toàn yên ổn và không còn tạo ác nghiệp nữa.
Tinh tấn Ba la mật
Tinh là thuần một thứ, chuyên một thứ, không xen lẫn một ý gì, một việc gì khác vào.
Tấn là tiến lên mãi không dừng nghỉ.
Tinh tấn nghĩa là chuyên cần, siêng năng tu tập để tiến trên con đường Đạo.
Chúng ta nhớ trong pháp Bát chánh Đạo cũng có hạnh tinh tấn. Muốn tu tập và đạt tới một kết quả gì, điều cần nhất là phải chuyên cần, siêng năng, không để một việc nào khác xen lấn, không cho một ý nghĩ gì khác làm lãng trí, nản lòng.
Nhờ tinh tấn mà những đức tánh bố thí, trì giới, nhẫn nhục có thể lên cao đến tột bực.
Tinh tấn Ba la mật là tinh tấn đến mực hoàn toàn, tinh tấn đến thành một đức tánh tự nhiên. Người tu tập không còn cảm thấy có cố gắng, ép buộc nữa.
Khi tu đến mực cùng cực thì tinh tấn Ba la mật không còn, vì lúc ấy bệnh lười biếng đã hoàn toàn hết.
Bốn điều mà người tu tập phải tinh tấn là :
- Các điều ác chưa sanh, phải siêng năng làm cho nó đừng sanh.
- Các điều ác đã sanh, phải siêng năng làm cho mau diệt.
- Các việc lành chưa sanh, làm cho phát sanh.
- Các việc lành đã sanh, làm cho tăng trưởng.
Thiền định Ba la mật
Hai chữ thiền định là do ghép chữ phạn: Thiền na với chữ nho Định lự (Tịnh lực).
Thiền na hay Định lự hoặc Thiền định là tập trung tu tưởng làm cho tâm trí yên lặng, không dính líu vào một việc gì, một ý nghĩ gì của thế gian. Rồi dùng tâm trí vắng lặng ấy mà suy xét, quan sát một vấn đề cho đến cùng cực, rốt ráo.
Chúng ta nhớ trong pháp Bát chánh đạo cũng có Định và đã biết rằng trong sự suy tầm, nghiên cứu của các kho học cũng cần đến Định. Tâm có định thì trí mới sáng suốt để suy nghĩ và tìm tòi được sâu xa.
Nhưng Thiền định Ba la mật lên cao đến mức xuất thế gian. Tâm và ý lúc ấy tuyệt đối thanh tịnh, đến nỗi không còn biết là thanh tịnh, không còn thấy tướng thanh tịnh nữa. Khi ấy trí tuệ sáng suốt cùng cực mới phát sanh.
Trí tuệ Ba la mật
Trí tuệ (trí huệ) của Bồ tát khác xa với trí tuệ của thế gian, tuy cùng một danh từ.
Con người hiểu biết được mọi sự, mọi vật trong vũ trụ là nhờ trí tuệ.
Để hiểu biết, trí tuệ dùng hai phương pháp mà trong Phật học gọi là: Hiện lượng và Tỷ lượng.
Hiện lượng (hiện là hiển hiện, lượng là đong, đo lường) nghĩa là dùng sự nhận xét trực tiếp ngay với cảnh vật mà hiểu biết được, không phải qua một trung gian hay một suy luận nào khác.
Tỷ lượng (tỷ là so sánh) nghĩa là dùng một nhận xét đã có sẵn, rồi suy luận thêm để hiểu biết cảnh vật khác, trạng thái khác.
Hiện lượng và tỷ lượng của người thường rất dễ sai lầm vì giác quan cùng trí óc hẹp hòi và mê tối, những khí cụ khoa học còn quá thô sơ đối với những bí hiểm của vũ trụ.
Vì thế hiện lượng và tỷ lượng của thế gian chỉ là tợ hiện lượng và tợ tỷ tượng mà thôi (tợ là tương tợ, chưa đúng), chứ không phải là chân hiện tượng và chân tỷ lượng của chư Phật.
Nhờ tinh tấn tu tập, các vị Bồ tát thiền định Ba la mật; rồi do nơi Thiền định này mà phát ra trí tuệ Ba la mật (hay trí tuệ bát nhã).
Trí tuệ Ba la mật sáng suốt cùng cực, nhận thấy rõ ràng, chân lý của vạn vật, vũ trụ. Với trí tuệ sắc bén ấy, các vị Bồ tát diệt trừ được vô minh và đạt đến đích cuối cùng là giải thoát sinh tử.
Người tu pháp Lục độ, khi tới đích có đủ những phép mầu nhiệm của các vị A la hán, Duyên giác và chư Phật mà vẫn thường gọi là sáu món thần thông.
Thiên nhãn thông: Mắt trông thấy khắp vũ trụ, không một vật gì có thể ngăn ngại được.
Thiên nhĩ thông: Tai nghe và hiểu hết các âm thanh tiếng nói của mọi loài, mọi vật trong vũ trụ.
Tha tâm thông: Xét thấy ý nghĩ thâm sâu, hiểu nỗi lòng thầm kín của mọi người mọi vật.
Túc mạng thông: Biết rõ đời trước của mình và của chúng sinh khác.
Thần túc thông: Biến hóa khắp hết mọi nơi, chỗ nào cũng đến được.
Lậu tận thông: Có sức diệt trừ hết ngu si, mê lầm phiền não.
Tu hành Bồ tát vừa cần phải có ý chí mãnh liệt, vừa cần có tâm rộng lớn, vì các vị Bồ tát tu tập không những vì mình mà còn vì người khác nữa.
Bởi vậy người tu hạnh Bồ tát trước hết phải tỏ lòng vị tha vô biên của mình và làm bốn nguyên rộng lớn sau đây :
- Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp.
- Phiền não vô số kể, thề nguyện đều dứt sạch.
- Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học.
- Phật Đạo không gì cao hơn, thệ nguyện viên thành.
Tâm Bồ đề nghĩa là tâm sáng suốt của Phật tử, rộng lớn và cao thượng biết chừng nào.
Ngoài năm loại pháp môn kể trên đây (Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa), Đức Phật còn dạy cho ta môt pháp môn nữa rất dễ tu tập là pháp môn Tịnh độ.
Người chuyên cần tu pháp môn Tịnh độ này, sau khi chết sẽ được vãng sinh sang một thế giới rất sung sướng, gọi là Thế giới Cực lạc, trong ấy đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp.
Pháp môn Tịnh độ sẽ được đề cập đến trong chương thữ ba, khi dẫn giải sự tích đức Phật A Di Đà.