Pháp môn Tịnh Độ được mang theo túc nghiệp mà vãng sanh. Chúng ta sống trong thế gian có vô lượng nghiệp chướng, chủng tử tập nghiệp, muốn vượt qua sáu đường, vượt qua mười pháp giới cũng không nên gấp gáp mà có thể mang theo cả nghiệp, có thể không cần dứt phiền não, chỉ cần chuyên tâm niệm Phật A Di Đà.
Được sự gia trì theo bổn nguyện của Ngài, chúng ta có thể vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc. Thế Giới Cực Lạc là nơi Phàm Thánh đồng cư, hạ hạ phẩm vãng sanh, không những nhờ sự gia trì của Phật lực mà còn nhờ mười hai kiếp hoa khai kiến Phật của chúng ta.
Quán Kinh nói mười hai kiếp hoa khai kiến Phật, hoa khai kiến Phật là quả vị Viên Sơ trụ, tức quả vị của phát tâm bồ đề. Chỉ cần mười hai kiếp là tâm bồ đề của chúng ta đã phát.
Nếu không đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc mà ở Thế giới này, thì vô lượng kiếp tâm bồ đề cũng không thể phát được. Đến chỗ Ngài mười hai kiếp là có thể phát tâm bồ đề. Sự chênh lệch quá lớn nếu đưa ra so sánh, đó là chưa kể sự gia trì của Phật lực.
Tu hành trong môi trường Tây Phương Cực Lạc hiệu quả thù thắng như vậy, từ vô lượng kiếp rút ngắn còn mười hai kiếp. Nhưng trên thực tế không có người nào vãng sanh mà không được uy thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì.
Khi có Phật lực gia trì, không cần tới mười hai kiếp. Đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta liền làm Phật, tướng mạo dung nhan giống như Phật.
Nguyện thứ ba, bốn, năm nói rất rõ: Thân tướng thuần sắc vàng ròng, đủ ba mươi hai tướng tốt, đủ tướng đại trượng phu. Đoan nghiêm, chánh trực, thanh tịnh, tinh khiết, tất cả đồng một dung nhan, tướng mạo, thể chất đều giống như Phật A Di Đà.
Không thành Phật, tướng mạo chúng ta làm sao có thể giống như Ngài được?
Đức Phật A Di Đà đã phát bốn mươi tám đại nguyện, nếu có một nguyện chưa thành tựu thì Ngài không thể thành Phật. Thế Tôn dạy chúng ta, Phật A Di Đà thành Phật ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc đến nay đã mười kiếp.
Hay nói cách khác là bốn mươi tám đại nguyện mà Ngài đã phát, mỗi nguyện đều đã thành tựu. Chúng ta niệm Phật tu học Tịnh Độ phải lấy bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà làm căn bản. Nếu tương ứng với bản nguyện, chúng ta nhất định phải tin. Còn không tương ứng với bản nguyện, chúng ta có thể không tin.
Nếu đọc thật kỹ Kinh Vô Lượng Thọ từ đầu đến cuối, sẽ suy thấy mỗi câu mỗi chữ đều không rời bốn mươi tám nguyện. Hay nói cách khác, Kinh Vô Lượng Thọ là thuyết minh bốn mươi tám nguyện. Chúng ta có thể tin được vì đây là pháp môn hy hữu khó gặp nên phải thực tập tu hành đến không nghi ngờ, không xen tạp.
Thế gian tu hành sợ nhất là xen tạp, quyển Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói, Ngài dạy người tu hành kiêng kỵ nhất là xen tạp.
Tụng Kinh xen tạp, niệm Chú xen tạp. Nếu tu Tịnh Độ, khóa tụng mỗi ngày đọc Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, rồi đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ,… như vậy là xen tạp, thực tế chỉ cần một loại là đủ. Kinh Điển của Tịnh Độ còn không nên xen tạp, huống hồ những Kinh Điển khác càng thêm hư việc.
Tụng Kinh Kim Cang còn muốn tụng thêm Kinh Địa Tạng, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, đọc Chú Lăng Nghiêm, niệm Đại Bi Thập Tiểu Chú, v.v… xen tạp nhiều như vậy, phỏng đến khi nào mới được thành tựu?
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là khóa tụng gốc của Tổ Sư đặt ra. Không sai.
Khoá tụng gốc của Tổ Sư đặt, nhưng có phải Tổ Sư đặt cho chúng ta không?
Tổ Sư không đặt cho chúng ta, mà đặt cho người khác.
Cũng giống như thầy thuốc kê toa thuốc của người khác, khi chúng ta bị bệnh liệu vậy có dám dùng toa của bệnh nhân khác mà lấy thuốc uống không?
Tổ Sư là người của thời đại nào?
Trong bối cảnh nào khi các Ngài đặt ra khóa tụng này?
Chúng ta phải hiểu được, pháp là thuốc trị bệnh cho tất cả chúng sinh.
Chúng ta phải xem kỹ càng phương pháp nào hợp với khế cơ không, tức có thể trị được bệnh của mình không và bệnh của mình là bệnh gì?
Bệnh chúng ta là vọng tưởng, tạp niệm, phiền não, nếu phương pháp này có thật hiệu quả, phiền não dứt sạch, trí tuệ khai mở thì cứ giữ khóa tụng gốc. Còn tụng niệm nhiều năm mà phiền não mỗi ngày vẫn tăng trưởng, trí tuệ không mở, không được giác ngộ.
Giống như bị bệnh lâu năm uống thuốc mà không hiệu quả, thì phải xem xét lại phương pháp tu học của mình. Hãy thử quan sát thật tỷ mỉ, một bà cụ chỉ niệm thật thà chân thành một câu A Di Đà Phật, liên tục trong khoảng năm năm, bà cụ đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết được giờ chết, lại không bị bệnh, đó là hiệu quả thật. Chúng ta niệm nhiều năm nhưng còn vẫn kém xa họ.
Người ta sanh tử tự tại, còn chúng ta có cầm chắc đối với chuyện sanh tử không?
Hiện tại vẫn chưa chắc chắn. Điều này cho thấy phương pháp mà nhiều người trong chúng ta đã tu học chẳng có chút hiệu quả, tức vẫn không giác ngộ. Cho nên khoá tụng càng đơn giản càng tốt, càng đơn giản mới là pháp môn chân thật, pháp môn vi diệu.
Kinh Điển chỉ một bộ là đủ, chỉ một bộ vẫn có thể thành Phật. Càng nhiều bộ chỉ e gây chướng ngại cho việc vãng sanh, điều này không thể không biết.
Thỉnh thoảng chúng ta xem một chút thì được, có thể giúp đỡ bản thân đoạn trừ nghi hoặc. Còn việc tu chính của mình dứt khoát chỉ là một bộ Kinh, một pháp môn, quyết không xen tạp, không gián đoạn, thì công phu mới được đắc lực, mới có hiệu quả. Hơn nữa hiệu quả vô cùng rõ rệt, tự mình biết, không cần phải hỏi người khác.
Khi vọng niệm ít, tâm phân biệt giảm, chấp trước cũng nhạt nhòa đi, đây mới đúng là tu hành tiến bộ. Khi ấy tâm địa của chúng ta trở nên tương đối bình tĩnh, tương đối ung dung, cũng tương đối có trí tuệ.
Trước đây với người, với việc, với vật, cứ lộn xộn rối tung, bây giờ dần dần rõ ràng, không mơ hồ như trước, đó là dấu hiệu của tiến bộ. Trước đây đọc Kinh không hiểu ý nghĩa, thấy người ta chú giải, thì luôn cho ý người ta giải sai, hiểu sai, bây giờ đọc Kinh hiểu ý nghĩa, đọc chú giải của đại đức xưa cũng hiểu được ý của họ, đó là hiện tượng của sự tiến bộ.
Trước đây nhìn người không biết phân biệt người tốt người xấu, bây giờ dần dần phân biệt được. Trước đây tiếp xúc những sự việc tốt, hoặc giả không tốt, không thấy được, qua mấy năm, nhân quả của những sự việc này liền được tỏ bày, có thể nhìn ra, đây đều là hiệu quả hiện tiền tu học của chúng ta. Cho nên tu học Phật Pháp phải như vậy mới là có hiệu quả.