Home > Khai Thị Phật Học
Sám Hối Nghiệp Chướng
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


“Nghiệp” là tạo tác, không những làm ác có chướng ngại mà làm thiện cũng có chướng ngại. Đó là đạo lý gì vậy? Làm ác thì quả báo ở ba đường ác: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Làm thiện thì quả báo ở ba đường thiện: Trời, Người, A tu la. Tóm lại, dù có làm thiện hay ác thì cũng không thể ra khỏi Tam giới. Vậy, chúng ta phải làm thế nào? Phật dạy chúng ta phải tu “Tịnh nghiệp”. Cái gì gọi là “Tịnh nghiệp”? Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện mà không chấp trước chính là “Tịnh nghiệp”; nếu còn chấp trước thì cái nghiệp này không “tịnh”, liền sẽ sanh ra chướng ngại. Nghiệp chướng có hai loại là Phiền não chướng và Sở tri chướng, hai thứ này chướng ngại Tự Tánh (Phật Tánh) của chúng ta hiển lộ. Chữ “Sám hối” là Phạn Trung cùng dịch; ý nghĩa của chữ “Sám” là chính mình có lỗi lầm, có thể có dũng khí nói với mọi người: “Tôi đã làm ra những việc xấu ác gì đó”; ý nghĩa của chữ “Hối” là nếu trước đây đã tạo ra lỗi lầm gì thì về sau tuyệt đối sẽ không tái phạm lỗi lầm giống như vậy nữa.

Sám hối chia làm 3 cấp bậc:

Một là “Phục nghiệp sám”: Chúng ta có thể đè tội nghiệp của mình xuống. Việc này tương đối dễ làm, đây là dùng Định để hàng phục nghiệp chướng. Ngày nay, chúng ta niệm câu Phật hiệu “A Mi Đà Phật” nếu hàng phục được nghiệp chướng thì “đới nghiệp” (mang nghiệp) vãng sanh. Nếu như không thể hàng phục được nghiệp chướng thì niệm câu Phật hiệu này không thể vãng sanh, gọi là: “Một ngày niệm 100.000 câu Phật hiệu, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”, không thể vãng sanh Cực Lạc. Vì sao vậy? Vì không thể hàng phục được phiền não! Mang nghiệp chỉ có thể mang được nghiệp cũ, không thể mang được nghiệp mới. Không thể nói rằng “mang nghiệp” nên không cần lo, ngày ngày cứ tạo nghiệp rồi hết thảy đều có thể mang đi! Làm gì có loại đạo lý này? Nghiệp quá khứ tạo có thể mang đi, nghiệp hiện tại tạo không thể mang đi, phải hiểu được đạo lý này.

Công phu niệm Phật nếu có thể hàng phục được phiền não là “Công Phu Thành Phiến”. Công Phu Thành Phiến chính là đem câu Phật hiệu “A Mi Đà Phật” hàng phục được phiền não. Phiền não có thể chưa đoạn nhưng làm cho nó không khởi tác dụng, không khởi hiện hành, đó là thật dụng công, thật niệm Phật. Chúng ta nên biết, khi phiền não vừa khởi lên trong tâm: Gặp việc vừa lòng liền khởi lên tham ái ngu si, tâm tham si khởi lên liền “A Mi Đà Phật” làm cho tâm tham ái si mê bị đè xuống, dùng danh hiệu “A Mi Đà Phật” đè tâm tham ái si mê xuống khiến nó không khởi được tác dụng, đó gọi là công phu. Gặp việc không vừa lòng liền khởi lên tâm sân hận, tâm sân hận khởi lên liền “A Mi Đà Phật”, lại đè tâm sân hận xuống khiến nó không khởi được tác dụng. “A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật! A Mi Đà Phật!...” đè tham sân si xuống, luôn luôn đè nó xuống, quyết không để nó khởi tác dụng, đây gọi là niệm Phật.

Trong nhà Phật thường nói “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. “Niệm” ở đây chính là phiền não khởi hiện hành, phiền não khởi hiện hành không nên sợ. Vì sao không sợ? Vì phiền não của bạn nhất định sẽ khởi hiện hành! Nếu phiền não của bạn không khởi hiện hành thì bạn chính là Phật Bồ Tát tái sanh, bạn không phải là phàm phu, là phàm phu thì phiền não nhất định sẽ khởi hiện hành. Vấn đề là bạn phải giác được nhanh. Giác chính là câu Phật hiệu “A Mi Đà Phật” có thể đề khởi ở ngay nơi cửa ải quan trọng này, Phật hiệu đề khởi lên làm cho phiền não bị chế phục. Rất quan trọng, phải biết niệm như vậy. Công phu Nhất Tâm Bất Loạn và Công Phu Thành Phiến của mỗi một người đều sâu cạn không ngang bằng nhau, có người cao, có người thấp.

Hai là “Chuyển nghiệp sám”: Nghĩa là đem tư tưởng ý niệm chuyển đổi lại; từ nay về sau ta không còn vì chính mình nữa, mỗi niệm vì chúng sanh, mỗi niệm vì Phật pháp, tâm nghĩ như vậy, việc làm cũng như vậy, lời nói cũng như vậy; là “Chuyển phàm thành Thánh”, hiệu quả này vô cùng to lớn.

Ba là “Diệt nghiệp sám”: Sám hối cứu cánh là phải tiêu trừ hết tội nghiệp, diệt nghiệp đó mới gọi là cứu cánh. Có thể diệt hết hay không? Có thể! Vì sao vậy? Ở trên kinh Phật có một thí dụ, tội nghiệp đã tạo từ vô lượng kiếp, giống như một căn phòng tối ngàn năm, nhưng chúng ta đốt lên một ngọn đèn thì liền chiếu sáng nó, bóng tối liền không còn. Dùng “bóng tối” thí dụ cho “tội nghiệp”, dùng “đèn” thí dụ cho “trí huệ”. Do đây có thể biết, “Huệ” có thể phá tội nghiệp. Như vậy “Định” có thể hàng phục tội nghiệp, “Huệ” có thể phá tội nghiệp.

Từ trì Giới sẽ đắc Định, từ đắc Định sẽ khai Huệ. Vì sao có một loại người trì Giới tinh nghiêm nhưng họ không thể thành tựu được Định Huệ? Vì họ vẫn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước! Họ trì Giới được rất nghiêm, rất thanh tịnh, hiếm thấy, mọi người đều tán thán họ, thế nhưng họ vẫn có phiền não. Vì sao phiền não? Họ xem thấy người kia phá Giới, người nọ không giữ Giới, họ còn có những phân biệt này. Những phân biệt này làm cho công đức trì Giới của họ bị mất hết, không thể được Định. Cho nên, đức Lục tổ Huệ Năng dạy trong Đàn Kinh: “Nếu người chân chính tu hành, thì không thấy lỗi thế gian”. Người chân thật trì Giới sẽ không thấy lỗi thế gian. Người thế gian đã phạm rất nhiều lỗi lầm, nếu người trì Giới thật sự không thấy thì họ chẳng phải biến thành người mất trí rồi sao. Vậy vì sao gọi là không thấy? “Thấy” như “không thấy”, quyết không để ở trong lòng, chính là ý này. Người tu hành luôn là thông minh hơn người không tu hành thì làm sao có thể tu thành mất trí? Làm gì có loại đạo lý này! Thấy như không thấy, không để ở trong lòng, đó gọi là không thấy lỗi thế gian.

Khởi tâm động niệm tạo tác tội nghiệp có hai loại: Giá tội và Tánh tội.

“Giá” là phòng ngừa tạo tội nghiệp. “Tánh tội” là nếu đã tạo tác thì nhất định phạm tội, tương lai chắc chắn sẽ nhận ác báo; dù Phật có chế định Giới Luật hay không chế định. Ví dụ: “Sát sanh” là “Tánh tội”, dù chưa thọ năm giới nhà Phật mà sát sanh thì vẫn là có tội, tương lai phải nhận ác báo. Không thể nói không thọ giới thì sát sanh không có tội. Quốc gia chế định giết chết người thì nhất định phải xử tử hình; không thể nói vì tôi không hiểu pháp luật nên tôi cầm súng đi giết rất nhiều người, quốc gia không được phép tử hình tôi. Không hề có đạo lý như vậy!
Sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối là Tánh tội; uống rượu là Giá tội. Phật chế định giới cấm uống rượu là để đề phòng uống rượu say sẽ loạn Tánh rồi phạm Tánh tội. Sa Di Luật Nghi nói trên mình mang tiền là phạm đại giới. Vì sao Phật bảo người xuất gia trên người không nên mang theo tiền? Mang tiền cũng là giá Giới, vì phòng ngừa tâm tham: tiền càng nhiều thì tâm tham càng nặng, càng nhiều thì càng khó xả được; cho nên Phật cấm người xuất gia cầm tiền trong tay. Trên người không được mang theo tiền, trên tay không được cầm vàng bạc, tiền của, vật báu, đều là thuộc về giá giới.

Phạm phải Giá tội thì y theo phương pháp sám hối Phật dạy: Bạch chúng, tuyên bố với mọi người ta đã làm ra những việc sai lầm gì, những gì răn dạy của Phật ta chưa thể tuân thủ; sau này ta không phạm lại nữa.

Phạm phải Tánh tội thì sám hối phải có Sự sám và Lý sám:

Sự sám: là tu tâm thanh tịnh, là đắc được Định. Định hàng phục được tội nghiệp nên làm cho tội nghiệp không khởi hiện hành.
Lý sám: là khai Huệ, nghĩa là tu tâm thanh tịnh khai được trí huệ. Huệ thấu suốt được chân tướng của tội nghiệp nên nhổ được tận gốc tội nghiệp. Phật nói “vạn pháp đều không”. Vạn pháp do duyên sanh, nếu là pháp duyên sanh thì ngay nơi thể của nó đều là không, không thể có được. Vậy chúng ta tạo tác chủng chủng tội nghiệp là duyên sanh, đã là pháp duyên sanh thì đương nhiên cũng là ngay nơi thể của nó đều là không, không thể có được, đó là đạo lý nhất định. Nếu rõ được đạo lý này, khế nhập được Tánh Không, khế nhập là chứng đắc cảnh giới này, thì tội liền tiêu diệt. Nếu chưa chứng đắc cảnh giới Tánh Không, chưa vào được cảnh giới này thì tội nghiệp vẫn là có! Khai Huệ là chuyển phiền não thành Bồ đề, nhập vào Nhất Chân Pháp Giới, siêu vượt cả Lục đạo luân hồi và Mười pháp giới.

Sám trừ 10 loại tâm thuận theo sanh tử:

- Một là “Chấp trước cái bản ngã hư vọng từ Thân Kiến khởi lên”: chính là tự tư tự lợi, xem cái thân này chính là ta nhưng thật ra thân chỉ là thứ ta sở hữu, là công cụ của ta. Muốn phá Thân Kiến thì Đại thừa có pháp xảo diệu là đem ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi thành ý niệm vì chúng sanh, vì Phật pháp để phục vụ, gọi là “hy sinh phụng hiến”. Phật pháp nói: “Vì chính mình chính là ác, vì người khác chính là thiện”, đây là tiêu chuẩn thiện ác của nhà Phật.

 - Hai là “Bên trong có phiền não”

- Ba là “Bên ngoài có ác duyên”

- Bốn là “Thường tạo mười ác nghiệp”

- Năm là “Tâm ác biến khắp”: Phật nói tuy rằng bạn tạo ra việc ác nhỏ, thế nhưng tâm của bạn là đại ác, tâm ác bao trùm khắp nơi. Bạn không thể làm việc đại ác là do duyên chưa chín muồi, nếu như duyên chín muồi thì việc đại ác của bạn sẽ từ nơi tâm đại ác mà thành tựu. Tạo ác cũng phải có phước báo, không có phước báo thì chỉ có thể làm ác nhỏ, không thể làm được việc ác lớn.

- Sáu là “Ý niệm làm ác tiếp nối không ngừng”

- Bảy là “Che giấu, tránh né lỗi lầm của chính mình”

- Tám là “Ngoan cố, cố chấp, ngang ngược, tàn ác”

- Chín là “Vô Tàm, Vô Quý, không đầy đủ Phạm hạnh của bậc Thánh”: “Tàm” là tâm hổ thẹn, lương tâm bị dày vò. “Quý” là sự phê bình đến từ bên ngoài như dư luận xã hội, sự phê bình của Thánh nhân. “Phạm hạnh” là hạnh thanh tịnh, lìa khỏi ô nhiễm của ngũ dục lục trần.

- Mười là “Không tin nhân quả báo ứng”

Tu mười loại tâm nghịch sanh tử luân hồi:

Một là “Minh tín nhân quả”: “Minh” là trí huệ, “minh tín” nghĩa là không mê tín, đối với chân tướng sự thật đã làm rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, chân thật tin tưởng đối với nhân quả. Phật nói tất cả kinh điển đều không rời nhân quả, thế gian pháp không thể thoát khỏi nhân quả, Phật pháp cũng không thể thoát khỏi nhân quả. “Phật pháp giai không! Nhân quả bất không!”; quá khứ bạn giết hại một chúng sanh thì tương lai dù bạn có chứng địa vị Bồ tát A duy việt trí, nếu có duyên gặp lại chúng sanh này thì bạn vẫn phải trả nợ mạng cho họ; không phải là thành Bồ tát rồi thì món nợ mạng này không phải trả nữa, không có đạo lý này! Nhân quả dung thông 3 đời là đời quá khứ đời hiện tại đời vị lai; đã tạo nhân mà chưa nhận quả báo là do duyên chưa đầy đủ, nếu hội đủ nhân duyên thì quả báo chắc chắn hiện tiền.

Hai là “Tự hổ, khắc trách”: là tự sanh tâm khổ thẹn mà trách cứ chính bản thân mình. Bồ tát thấy tất cả chúng sanh với mình là Nhất Thể nên luôn nghĩ: “Vì ta tu chưa tốt nên chúng sanh mới phải chịu tội chịu khổ! Vì ta tu chưa được tốt nên thế gian này có tai nạn nhiều đến như vậy, khiến cho chúng sanh khổ!”.

Ba là “Bố úy ác đạo”: là có tâm khiếp sợ ba đường ác. Địa ngục là hỏa đồ, địa ngục giống một biển lửa. Ngạ quỷ là đao đồ, ngạ quỷ luôn hoảng sợ như có người cầm đao muốn giết họ. Súc sanh là huyết đồ, súc sanh chết đi đa phần đều do bị giết, bị ăn thịt,…

Bốn là “Bất phú hà tì”: là chính mình tạo tác lỗi lầm không nên che giấu, phải phát lồ sám hối.

Năm là “Đoạn tương tục tâm”: là phải “đoạn” cái tâm liên tục tạo tác tội nghiệp. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài: nếu thuận với ý của chính mình thì lòng tham và si mê liền khởi lên, nếu không thuận với ý của mình thì tâm sân hận liền khởi lên. Nếu muốn đoạn tâm tham sân si đang tiếp nối khởi lên liên tục thì phải lập tức đề khởi danh hiệu “A Mi Đà Phật” để đè ác tâm này xuống, không cho những ác tâm này tiếp tục khởi lên.

Sáu là “Phát tâm Bồ Đề”: Thể của tâm Bồ Đề là tâm chân thành, từ Thể khởi lên Dụng. Cho nên, nhà Phật dạy: “Tu hành phải bắt đầu hạ thủ công phu từ không vọng ngữ”; phải bắt đầu từ không lừa người, không gạt chính mình. Tâm chân thành bị những thứ gì chướng ngại? Phiền não chướng và Sở tri chướng! Cách đoạn phiền não chướng thế nào? Phải bắt đầu khắc chế và đoạn trừ năm dục (Tiền tài, sắc dục nam nữ, danh vọng lợi dưỡng, ăn uống, ngủ nghỉ) và lục trần (Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Pháp trần là tất cả những hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm nhận của thân thể có tính trừu tượng của sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần và xúc trần được lưu lại trong tâm thức); Phật dạy cho đệ tử đời sau phải “lấy Giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Phật tuy không tán thành tu khổ hạnh, thế nhưng Phật lại tán thán tu khổ hạnh. Vì sao vậy? Vì con người nếu có thể trải qua đời sống thanh đạm, ý niệm của “vật dục” sẽ rất tan nhạt; hay nói cách khác, rất dễ đoạn phiền não. Nếu đời sống ham thích hưởng thụ “vật dục” thì không có năng lực hàng phục năm dục sáu trần, phiền não sẽ rất khó đoạn. Phiền não chưa dứt thì tâm Bồ Đề không thể sanh khởi. Điểm này phải đặc biệt chú ý. Vì sao vậy? Bởi vì muốn vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì điều kiện trên Kinh Vô Lượng Thọ chính là: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Mi Đà Phật”; đầu tiên là phải phát được tâm Bồ Đề, vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống, chúng ta nhất định phải tiết kiệm, không nên lãng phí, phải tiếc phước; tuy chính mình có phước báo cũng phải tiếc phước, không nên lãng phí. Phước báo dư ra thì phân cho chúng sanh cùng hưởng, không nên chính mình có phước chỉ một mình hưởng hết, hưởng phước sẽ mê hoặc điên đảo. Chính mình có phước, cho dù có rất nhiều phước báo, chúng ta chỉ hưởng thụ một chút thôi, tất cả phước còn lại đều chia cho chúng sanh hưởng. Phá sở tri chướng phải dùng trí huệ và học vấn chân thật để phá. Học vấn và trí huệ chân thật đều ở trên kinh Đại thừa, dùng Kinh Vô Lượng Thọ để khai mở trí huệ là tốt nhất.

Bảy là “Tu công bổ quá”: “Quá” là sai lầm, tội lỗi. Trong đời quá khứ hoặc đời này, chúng ta đã làm sai rất nhiều việc, đều là có lỗi lầm; Phật khuyên bảo chúng ta phải nỗ lực tu thiện để bù đắp lỗi lầm của chúng ta. Tất cả tội lỗi ác đã làm, khi hội đủ nhân duyên đều phải nhận lấy ác báo. Thế nhưng, ngay đời này, nếu bạn nỗ lực tu thiện, bạn tu thiện đặc biệt mạnh, sức mạnh cái thiện của bạn lớn thì thiện báo sẽ báo trước, ác báo sẽ chậm lại và lùi lại phía sau; ác báo sau, thiện báo trước. Nếu như cái lực lượng ác mạnh, thì cái ác sẽ báo trước, cái thiện mà bạn làm sẽ báo sau, không hề có chuyện không báo. Định luật nhân quả là chân lý!

Tám là “Thủ hộ Chánh Pháp”: Hộ trì Chánh Pháp là công đức lớn nhất trong tất cả pháp thế gian và xuất thế gian! Làm thế nào để hộ trì Chánh Pháp? Phải có phước đức và trí huệ! Không có phước huệ thì chỉ có làm hại Chánh Pháp chứ không thể thủ hộ Chánh Pháp. Làm thế nào để có phước đức và trí huệ? Niệm danh hiệu “A Mi Đà Phật” là người có phước báo đệ nhất! Niệm danh hiệu “A Mi Đà Phật” là người có trí huệ đệ nhất!

Chín là “Một lòng chuyên niệm A MI ĐÀ PHẬT”: Mười phương ba đời tất cả chư Phật chính là đức Phật A Mi Đà! “Niệm mười phương Phật” như thế nào? Chính là niệm “A Mi Đà Phật”!
Mười là “Quán tội Tánh Không”: Quán tội Tánh Không là Diệt nghiệp sám, là khai mở trí huệ chân thật; nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không”, tội báo cũng là một trong vạn pháp, nên nó cũng là Không. Bạn niệm Phật đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn, bạn lại quán tội Tánh Không, vậy thì tất cả tội đều tiêu diệt; hay nói cách khác, bạn phải đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần sa phiền não và phá một phẩm Vô minh; còn như niệm mới đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì không thể diệt được tội.

Thực tế mà nói, hiện tại chúng ta dùng phương pháp “Chuyển nghiệp sám” là thù thắng nhất, là cao minh nhất!

Tôi lại nói với các bạn một phương pháp rất đơn giản, 20 loại tâm này thảy đều bao gồm trong việc trì niệm danh hiệu A Mi Đà Phật: Miệng niệm A Mi Đà Phật Tâm nhớ nghĩ A Mi Đà Phật Thân lạy A Mi Đà Phật; thân khẩu ý đều cung kính A Mi Đà Phật. Cho nên, trong nhà nên cúng một tôn tượng A Mi Đà Phật tiếp dẫn, mỗi ngày thường lạy Phật thường niệm Phật thường hay tưởng nhớ một vị Phật A Mi Đà này thì trong lòng của bạn liền thật có Phật. Cúng tượng Phật thì chỉ cúng một tôn tượng A Mi Đà Phật tiếp dẫn, không nên thường thay đổi. Nếu thường thay đổi thì khi bạn tưởng Phật sẽ có chướng ngại phiền phức, bạn sẽ tưởng vị này, rồi lại tưởng vị kia, vấn đề liền xảy ra: Khi lâm chung, rốt cuộc A Mi Đà Phật hiện ra cái tướng gì để tiếp dẫn mình? Cho nên tốt nhất cả đời chỉ cúng một tôn tượng A Mi Đà Phật tiếp dẫn.

Đầu thời nhà Thanh, Pháp sư Từ Vân Quán Đảnh viết bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, chính là Chú Giải của Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong Đại Tạng Kinh có bộ Sớ này, trong Vạn Tục Tạng của Nhật Bản cũng lưu giữ rất nhiều tác phẩm của Ngài, Ngài nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh tạo tội nghiệp ngũ nghịch cực trọng, bất cứ kinh luận sám pháp nào đều không thể sám trừ tội nghiệp này. Sau cùng, còn có một phương pháp, là niệm A Mi Đà Phật có thể sám trừ tất cả tội nghiệp!”.
 
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc Của Hòa Thượng Tịnh Không