Home > Khai Thị Phật Học
Trí Tuệ Là Sự Nghiệp
Đại Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ


Bản ý của chư Phật vào đời chỉ vì một nhân duyên lớn là khai hóa cho chúng sinh tri kiến của chư Phật và cáo thị cho chúng sinh giác ngộ, chứng nhập tri kiến, tức trí tuệ của chư Phật.

Nối tiếp chư Phật, các bậc hiền thánh Tổ sư khi tu hành cũng thường phát nguyện mong mau chóng diệt hết vô minh phiên não, sớm liễu ngộ được diệu tâm viên giác (Tâm không phiền não, đốn phá vô minh, viên giác diệu tâm, khuếch nhiên khai ngộ).

Thiền sư Di Sơn Nhiên cũng nguyện: “Tâm Bồ đề không thoái chuyển, trí Bát nhã hiện tiền”.

Tâm Bồ đề, kinh Lăng Nghiêm dạy là “Bản diệu tâm”. Diệu là không nhiễm ô, không tăng giảm v.v; luận Duy Thức gọi là chân tính Duy thức; Tâm kinh Bát nhã dạy: nhờ trí Bát nhã mà được vô thượng Chính đẳng Chính giác (Y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc a nốc đa la tam diểu tam Bồ đề).

Nhưng trí tuệ thường phân biệt thành 2 giải thuyết như sau:

1. Trí tuệ thế gian.
2. Trí tuệ xuất thế gian.

 Trí tuệ thế gian lại chia thành 2 thuyết:

1. Học rộng, hiểu nhiều, tài cao, nghề nghiệp giỏi, giúp ích cho đời đạt tới Chân, Thiện, Mỹ, cũng là đáng quý.
2. Tỏ rõ thiện ác, phân biệt chính tà, làm những việc nên làm, thôi những việc nên thôi, thế là trí tuệ chân chính, sẽ được quả báo tốt lành.

 Trí tuệ xuất thế gian cũng có 2 lối đốn tiệm khác nhau:

1. Phân biệt được chính pháp của Phật như Tứ đế, Lục độ v.v, dựa vào đó mà tu hành là trí tuệ xuất thế gian, dần dần vào được nhà Như Lai gọi là “tiệm nhập”.
2. Phá được vô minh, thấy được tính Phật nơi mình, được đại Giác ngộ một cách cứu kính nhanh chóng triệt để gọi là “đốn siêu” (mau lẹ). Tại sao? Cầu được gốc là “Đức”, không lo ngọn là “Tài”, được ngọn chưa hẳn được gốc.

Trong Ngữ Lục Trúc Song, Tổ Châu Hoành dạy: Nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, là nói lần lượt phát sinh như vậy cũng như 3 môn vô lậu học: Giới, Định, Tuệ.

Trong lục độ: Bố thí, Trí giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ thì chỉ có trí tuệ là quan trọng hơn cả, không thể coi nhẹ được; chỉ có trí tuệ là cần thiết trước hết, chỉ có trí tuệ mới có thể thông suốt hết thảy pháp môn, không có gì bằng được.

Cho nên, kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: thành tựu được giới luật, thành tựu được phép tam muội (Chính, Định, Thụ), thành tựu được phép thần túc bay đi, ba phép này tuy thành tựu được cũng khó, nếu được thì cũng thành số thường ở đời. Chỉ có thành tựu được trí tuệ Bát nhã là nghĩa đệ nhất, vì y vào trí Bát nhã mà được thành Phật.

Trí Bát nhã có công dụng quán chiếu, thuộc trí tuệ vô lậu xuất thế. Vì sợ lẫn với tà trí, lậu vong, thường bị ngụy biện điên đảo, nên không dịch thành “trí tuệ” mà cứ để nguyên âm là Bát nhã, còn hàm hiểu nghĩa chân chính tuyệt đối.

Trí tuệ Bát nhã thường được ví như ánh sáng mặt trời. Còn những trò gian tà, tham nhũng thường hay gây tội ác ở những nơi khuất ánh sáng ấy, bởi nội tâm bọn đó phần nhiều ám muội.

Khi tính sáng chân trí bị vùi lấp đi, thì vô minh phiền não trỗi dậy, nên các bậc Cổ đức dạy: Tạm thời trí Bát nhã không hiện tiền, thì cũng như xác chết.

Trí Bát nhã còn thường được ví như lửa. Có những vật ở đất thường mục ra, ngâm nước ẩm ướt thì mủn nhưng còn lại cặn bã, nếu chôn lấp hay dìm lâu trong nước thì dần dần mới tiêu diệt hẳn. Nhưng nếu bị lửa đốt thì ra tro ngay. Trí Bát nhã thường ví như đống lửa lớn. Thứ nước tham nhũng ái dục, bị lửa Bát nhã đốt ngặt cũng phải cạn, các loại củi phiền não gặp phải lửa Bát nhã là cháy. Loại đá ngu si ngoan cố bị lửa Bát nhã đốt cũng phải nhừ. Rừng rậm cỏ khô, tà kiến chướng ngại, và bao nhiêu tạp vật vọng tưởng khác nếu lửa Bát nhã bén vào cũng đều tiêu ra tro.

Những loại côn trùng bọ mạt chỗ nào cũng bám được, nhưng lửa thì chúng không dám bám. Ví với tâm chúng sinh chỗ nào, vật gì cũng phan duyên tưởng tới nhưng không duyên tưởng tới trí Bát nhã.

Về mùa nóng, nước lã để cách đêm, thì sinh trùng rất nhỏ, mắt phàm không thể nhìn thấy được. Cho nên, Phật dạy phải lọc nước mới dùng. Nếu nước ở trên lửa thì trùng không sinh.

Nhân đó ta biết rằng Bát nhã như lửa đun nước, sức quán chiếu luôn luôn chói sáng, giữ được độ nóng không ngớt thì tư tưởng hèn xấu, mê hoặc, phức tạp, không thể nảy mầm ra được.

Vậy nên trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy: “Người tu hành cầu đạo Bồ đề phải lấy Trí tuệ [Bát nhã] làm sự nghiệp”.

Sa – môn Thích Phổ Tuệ