Trong dịp Thầy về thăm quý vị tại Tùng Lâm hôm nay, Thầy muốn nói mấy lời nhắc nhở quý vị về hành trình tu hành của quý vị. Hành trình đó gọi là Tiến Tu Đạo Nghiệp.
Thế nào gọi là tiến tu? Tiến nghĩa là đi tới trước, đi xa hơn, hướng lên mức độ cao siêu hơn. Ngày hôm nay, phải thấy công năng tu hành của mình đạt được trình độ hơn ngày hôm qua. Trình độ hôm nay phải được dùng như một nấc thang để ngày mai mình có thể leo lên một nấc cao hơn nữa. Những việc lành đã làm cho đến hôm nay phải được quên đi để ngày mai, ngày mốt còn thấy có những việc lành khác cần phải làm. Những sự thanh lọc thân tâm mà quý vị đạt được hôm nay, phải được coi là những lớp bùn nhơ để giờ sau, ngày sau tìm cách lau bùn, chùi bụi cho cái tâm của mình sáng hơn, thanh tịnh hơn nữa.
Các vị Thánh Tăng, Tổ Sư suốt một đời giữ gìn giới hạnh, hoằng truyền chánh pháp của Đức Như Lai, đến khi gần dứt duyên đời, đều ân hận là chưa làm được mảy may việc lành, chưa báo đền được mảy may công đức của Phật. Quý vị phải có cái tâm không bao giờ thấy đủ, thấy nhàm chán trong việc gìn giữ giới hạnh, thanh tịnh thân tâm, hoằng truyền Phật pháp mà học hỏi thêm nữa, học mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Như thế mới gọi là có tinh thần tiến tu.
Thế nào gọi là đạo nghiệp? Trước hết, Thầy nói về chữ đạo cho quý vị hiểu rõ hơn.
Đạo có nhiều nghĩa: Thứ nhất, đạo là con đường, là phương hướng dẫn tới giác ngộ chân lý mà Đức Phật Thích Ca và chư Phật trong quá khứ, hiện tại đã biết, đã tu (đi qua) và đã chứng. Chư Phật trong đời vị lai cũng sẽ phải đi qua con đường ấy để đạt được giác ngộ.
Nghĩa thứ hai của đạo là sự thực hành, thực sự đặt những bước chân lên con đường mà chư Phật đã đi, nhắm thẳng vào một phương hướng dẫn tới giác ngộ mà chư Phật đã chỉ. Biết được ‘con đường’, biết được ‘phương hướng’ mà không thực sự đặt bước lên con đường đó thì chưa phải là biết đạo.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật Thích Ca đã dạy: "Này các Thầy Tỳ Kheo, các Thầy phải là bó đuốc soi đường mình đi. Các Đấng Như Lai chỉ là người chỉ đường". Quý vị đang mặc áo Như Lai, nhưng thực sự quý vị đã bước được bước nào trên ‘con đường’ ấy chưa thì chỉ có quý vị tự thấy, tự biết, tự hiểu mà thôi.
Nghĩa thứ ba của đạo là sự chứng đắc. Giáo pháp của Đức Phật ví như những trận mưa lớn, tưới tẩm xuống tất cả cỏ cây trên mặt đất. Các loài cỏ cây cũng tùy theo khả năng của chúng mà nhận những giọt cam lồ quý báu ấy. Có loại nhận được nhiều, có loại nhận được ít nhưng tất cả đều có nhận và có được kết quả nên cây cỏ nào cũng xanh tươi hơn và đâm chồi, nẩy lộc. Quý vị cũng ví như cỏ cây trên mặt đất, đã được ‘Pháp vũ’ của Đức Phật tưới tẩm, hàng ngày được nghe Phật pháp, được thọ trì đọc tụng Kinh điển mà không có thành quả gì, há chẳng đáng thẹn cùng loài cây cỏ hay sao?
Đó là ba ý nghĩa của chữ đạo. Quý vị hãy để tâm lóng nghe cho kỹ lưỡng, suy nghĩ cho cùng để làm tăng trưởng tín tâm vào chánh pháp. Sau khi đã kiên cố tin vào chánh pháp, vào ‘con đường’, vào ‘phương hướng’ mà chư Phật đã chỉ, thì hãy thực sự dấn thân, dõng mãnh tiến bước, không suy nghĩ thêm gì nữa, trên con đường ấy cho đến khi đạt thành đạo quả, nghĩa là thành Phật. Đó là quý vị đã thực hành đúng phương pháp tu tập văn, tư và tu, và như thế mới gọi là hiểu đạo.
Nghiệp là gì? Nghiệp là những hành động được việc làm được lập đi, lập lại nhiều lần và trở thành thói quen; đó là luyện tập thân nghiệp. Những lời nói ra lúc nào cũng là pháp lành, hướng về chân lý, không chen lẫn những lời nói xàm, nói bậy, tạp ngôn, chỉ nói những lời có ích lợi cho mình và cho người, không nói những lời chê bai, chỉ trích; đó là luyện tập khẩu nghiệp. Trong tư tưởng, không lúc nào gián đoạn suy nghĩ về lý tưởng giải thoát, giác ngộ, không bận tâm tới những ý tưởng tranh đua, yêu ghét, không màng tới việc thị phi, phải trái; đó là luyện tập ý nghiệp.
Cả thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp đều hướng về chân, thiện, mỹ, hướng về một nếp sống đạo đức, cao thượng, thánh thiện thì gọi đó là đạo nghiệp, hay là bản hoài của Chư Phật, cũng là mục đích tu hành, hay gọi đó là chứng ngộ nhân giải thoát. Con đường tiến tu đạo nghiệp không phải là con đường bằng phẳng, dễ dàng, mà ngược lại, có rất nhiều chướng ngại. Càng tu càng gặp nhiều chướng ngại. Người thực sự quyết tu thì không thấy những chướng ngại đó là hầm hố ngăn chặn bước đường tiến tu của mình, mà phải thấy đó là những thử thách đối với quyết tâm đạt thành đạo quả. Vì những chướng ngại chông gai đó nên trong đời, hàng ngàn, hàng vạn người mới có một người thực sự muốn tu. Trong số hàng ngàn, hàng vạn người thực sự muốn tu, mới có một người chứng đắc. Quý vị phải hằng ôm ấp cái tâm muốn trở thành cái ‘một người’ ấy, mới có thể gọi là tiến tu vì muốn hoàn thành đạo nghiệp.
Vì vậy, muốn thực sự tu hành, muốn thực sự chứng đắc, quý vị phải tinh cần chuyên luyện cái khả năng vượt qua những ma chướng trên hành trình quý vị đang đi.
Trong đạo Phật, ma chướng là để chỉ cho những chướng duyên, nghịch cảnh làm cho người tu hành thối chí, bỏ đạo và sa đọa. Có nhiều ma chướng, nhưng chúng ta hãy tạm thời xếp chúng vào bốn loại chính:
1) Tử Ma.
2) Thiên Ma.
3) Phiền Não Ma
4) Ngũ Ấm Ma.
Những loại ma này luôn luôn xuất hiện dưới hình trạng khác nhau, cản trở bước đường tiến tu của chúng ta. Xưa kia, khi Thái Tử Tất Đạt Đa tu tập dưới gốc bồ đề, các loại ma này cũng đều xuất hiện để ngăn chận, dụ dỗ Thái Tử lìa bỏ con đường tu hành để đi theo chúng hưởng lợi dưỡng thế gian. Ngài đã dõng mãnh chiến đấu với chúng và cuối cùng đã thắng được chúng chỉ bằng một cái tâm thanh tịnh và một ý chí tinh tấn. Cho đến nay, chưa có một phương pháp nào khác hữu hiệu hơn, dù cho là phương pháp của những bậc được gọi là thần linh, là Thượng Đế, là tạo hóa, có thể làm khí giới bén nhọn chống lại được những ma chướng đó. Muốn chống lại và diệt trừ chúng, ta phải tìm hiểu nguồn gốc và thực thể của các loại ma chướng, như Thầy vừa nói ở trên.
1. Tử ma: Tử ma là thần thức của những người đã chết, chưa được đi tái sanh hoặc chưa siêu thoát. Chúng ta thường gọi là vong hồn hay cô hồn. Loại ma này thường ít gây ảnh hưởng cho người tu hành có tín tâm kiên cố vào Phật pháp. Nhưng đối với những người sơ cơ, mới phát tâm tu hành, đầu óc còn bị ô nhiễm bởi những lời nói huyền hoặc hay những giới cấm phi lý của ngoại đạo, mà tinh thần trở nên yếu ớt, sợ sệt và thường tự chiêu cảm thấy những hình thù quái dị. Thầy không muốn nói với quý vị có nên tin hay không tin. Nhưng dù có tin hay không tin thì đối với quý vị đã quy y Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng, loại ma này dù có thật cũng chẳng làm gì được quý vị và chúng ta cũng không có lý do gì phải sợ sệt vì những suy luận như sau:
a. Thiện ma: Người ta sống trên đời, cũng có người lành, kẻ ác. Người lành là những người thường biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng người khác. Khi chết, vì nghiệp lành hay tánh lành, cũng sẽ là những vong hồn lành hay ma lành. Dĩ nhiên, loại ma lành này không bao giờ muốn quấy phá ai và cũng không bao giờ muốn làm người khác phải sợ hãi vì dù là ma, họ vẫn tiếp tục muốn tu nhân tích đức để được tái sanh vào một kiếp sống tốt hơn kiếp sống vừa mãn.
b. Ác ma: Kẻ ác, khi còn sống thường hay xâm phạm người khác. Khi chết cũng do ác nghiệp chiêu cảm mà trở thành ác ma và tiếp tục quấy phá người khác. Nhưng đối với người tu hành có tín tâm kiên cố vào chánh pháp; đã tin có thần quỷ ma hay sách nhiễu người thì cũng phải tin có Long Thần Hộ Pháp hằng bảo vệ người nương theo Phật pháp. Đất già lam đều là Thánh địa có tàng trữ Kinh điển, có thuyết giảng chánh pháp của chư Phật, có trì tụng kim ngôn của Đức Phật, nên đều được sự bảo hộ của Long Thần Hộ Pháp. Quý vị tu hành trong chùa, nương tựa vào oai thần của chư Phật, làm sao ác ma dám héo lánh tới Thánh địa để tác oai, tác quái với quý vị được!
c. Tâm thanh tịnh: Nếu quý vị còn có ý sợ sệt thì điều đó chứng tỏ rằng quý vị chưa hiểu đạo, chưa vững tâm tin tưởng vào Tam Bảo và tâm của quý vị đã bị ô nhiễm bởi ma vọng tưởng. Muốn diệt trừ các loại ác ma này, quý vị cũng không cần cầu xin nơi sự bảo hộ của Long Thần Hộ Pháp, mà phải tinh tấn tu tập làm tâm được thanh tịnh, vững lòng tin vào kim ngôn của Đức Phật:
"Chỉ có Ta làm cho Ta bị ô nhiễm, chỉ có Ta làm cho Ta thanh tịnh. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên ô nhiễm hay trong sạch". Đó là lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú.
Đức Phật đã chứng minh lẽ thật này khi Ngài một mình chiến thắng tất cả các loại ma, chỉ bằng một cái tâm thanh tịnh, không có sự hỗ trợ nào khác từ bên ngoài.
d. Từ bi tâm: Như ta đã suy luận và đã biết, tử ma gồm có thiện ma và ác ma. Thiện ma luôn luôn ủng hộ và tán thán pháp lành. Ác ma, sau khi đã rời khỏi đời sống thế gian, chiêu cảm những hình phạt của cảnh giới địa ngục, nhận được quả báo về tội lỗi do chính mình đã gây ra, nay cũng có thể cảm thấy ăn năn hối hận, muốn quay về nương tựa nơi chánh pháp. Trong khi chờ đợi nhân duyên tái sanh, nhiều khi hóa hình quái dị đến gần nơi già lam, mong cầu được thính Pháp, nghe Kinh, quy y Tam Bảo chớ không có ý xấu. Chỉ vì hai thế giới âm dương không đồng nên hình thù cũng đổi khác. Người tu hành có tâm từ bi, vững lòng tin chánh pháp, thấy những hình thù đó, không nên sanh lòng sợ hãi mà tìm phương diệt trừ hay xua đuổi. Ngược lại, nên dùng tâm thanh tịnh mà chuyển hóa, chú nguyện cho vong linh cô hồn được quy y Tam Bảo; dùng câu niệm Phật để nhiếp tâm sợ sệt của mình đồng thời hóa độ tử ma.
Tóm lại, tử ma không phải là một ma chướng nếu ta có tín tâm kiên cố vào chánh pháp và biết trải tâm từ bi đến chúng sanh muôn loài, vô hình hay hữu hình, vô tình cũng như hữu tình. Hàng ngày, quý vị đọc tụng Kinh Mông Sơn Thí Thực, chính là hành động dùng từ bi tâm để hóa độ tử ma.
2. Thiên ma: Thiên ma là một loại chúng sanh ỏ trên cõi Trời Lục Dục (Lục Dục Thiên) của Dục giới. Loại ma này có khả năng xâm nhập vào tâm thức người tu hành dưới hình thức vọng tưởng. Người xuất gia có ý mong cầu chứng đắc thần thông vì lòng tham dục muốn chứng tỏ năng lực phi thường của mình, rất dễ bị loại Thiên ma này xâm nhập và sai sử. Vì tham luyến những năng lực phi thường hay thần thông mà quên đi cứu cánh của sự tu hành là giải thoát, dễ trở thành thân quyến và tay sai của tà ma ngoại đạo. Trường hợp điển hình cho sự xâm nhập của Thiên ma rồi trở nên sa đọa là trường hợp của Đề Bà Đạt Đa. Ngay trong thời Đức Phật còn tại thế, dù Ngài có từ bi tâm rộng lớn, nhưng cũng không cứu vớt nổi một đệ tử, tự mình, không có ý muốn thanh tịnh hóa bản tâm. Người nào đã bị loại Thiên ma này sai sử, sẽ không thể tiến xa trên con đường tu hành chân chính mà còn dễ lạc vào con đường tà của thần quỷ. Người tu hành biết chuyển hóa vọng tưởng tức là chế ngự được ảnh hưởng của Thiên ma.
Trong khi Đức Phật tu hành khổ hạnh, tất cả những loại ma này đã hiện đến để quấy phá, dụ dỗ Ngài từ bỏ ý chí tu hành khổ hạnh, quay về đời sống lợi dưỡng và làm tay sai cho Ma Vương. Bằng một ý chí đanh thép trên con đường tiến tu đạo nghiệp, Đức Phật đã trả lời:
"Này Namuci (tên của Ma Vương)! thân thể ta càng hao mòn thì tâm ta càng thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh, càng an trụ, càng sáng suốt thì định lực càng vững chắc. Này Namuci! Ta đã biết rõ đạo binh của ngươi gồm Tham Dục, Bất Mãn, Đói Khát, Ái Dục, Hôn Trầm, Sợ Hãi, Hoài Nghi, Phỉ Báng, Cố Chấp, Lợi Lộc, Tán Dương, Vinh Dự, Danh Tiếng bất chính, Kiêu Căng và Khinh Rẻ người khác. Này Namuci! Đó là quân đội của ngươi! Đó là ‘Khách’ luôn luôn trú ngụ bên trong hạng người xấu xa quỷ quái. Người ươn hèn thì không thắng nổi ngươi, nhưng ai chế ngự được đạo binh ấy của ngươi là tìm ra hạnh phúc chơn thật và vĩnh cửu. Namuci! Ta thà chết trên chiến trường còn hơn sống mà thất bại".
Với ý chí cương quyết và cái tâm thanh tịnh ấy, Đức Phật đã chiến thắng Thiên ma.
3. Phiền não ma: Đây là một loại ma chướng nguy hiểm, rất khó diệt trừ. Loại ma chướng này đã ẩn tàng rất thâm sâu trong tâm thức của chúng ta và luôn luôn xuất hiện dưới trạng thái tâm phiền não. Đó là những chướng ngại được tạo ra bởi tâm sở mà ta thường gọi là căn bản phiền não, gồm có: Tham, sân, si, mạn, nghi và 5 ác kiến (thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến). Nhà Phật còn gọi chúng là Thập Kiết Sử nghĩa là 10 món trói buộc và chi phối mọi hành động, lời nói và tư tưởng của chúng ta, dẫn dắt chúng ta luân lưu trong sáu nẻo luân hồi.
Yếu tố căn bản cấu tạo những ma chướng này là sự tiếp xúc của sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với sáu hiện tượng ngoài thân, thường gọi là sáu trần hay sáu cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
Sự tiếp xúc của căn và trần tác dụng trên nhận thức và hiểu biết của sáu thức, chi phối mọi hành động và ý nghĩ mà sinh ra phiền não. Quý vị được tu hành tại Tùng Lâm là nơi chốn thanh vắng, tịch tĩnh; sự tiếp xúc với các trần và cảnh ngoài đời cũng giới hạn hơn là tại Tự Viện gần phố xá, nên sự tiến tu cũng dễ dàng hơn. Chúng ở đây cũng ít, nên động lực phát sanh phiền não cũng giảm thiểu. Tuy nhiên, nếu quý vị không biết kiểm soát thân tâm, thu liễm lục căn, thì dù chỉ có hai, ba người, cái tâm tánh chúng sanh của quý vị cũng vẫn gây ma chướng phiền não như ở trong chỗ có chúng đông đảo. Thầy muốn nhắc nhở quý vị phải cố gắng gìn giữ tinh thần lục hòa mà Đức Phật đã thường nhắc nhở và khuyến khích trong Tăng đoàn.
Đức Phật cũng hiểu rõ, dù có đạt được những quả vị Thánh như Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm và A Na Hàm, ma chướng phiền não cũng chưa được tận diệt. Phải chờ đến khi đắc quả A La Hán, ma phiền não mới hoàn toàn chịu rút lui. Huống chi, quý vị chưa tu được đến các quả vị Thánh, phiền não ma vẫn gây nhiều trở ngại lớn lao trên đường tiến tu đạo nghiệp. Người đã phát nguyện xuất gia, theo đúng nghĩa, là phát nguyện từ bỏ mọi liên hệ với đời sống thế gian như gia đình, xã hội, quốc gia, nhà cửa, tài sản; từ bỏ những suy nghĩ cho những lợi ích riêng mình, những tình cảm cá nhân đối với chúng sinh, để tìm cầu một cuộc sống phẩm hạnh có giá trị cao thượng, phục vụ trong tinh thần bình đẳng cho chúng sanh mọi loài, cho cái đại ngã hay chân ngã.
Tâm hồn, tư tưởng chỉ hướng về mục tiêu lợi mình (là giải thoát), lợi người (là cứu khổ ban vui). Khi đã hiểu ý nghĩa của sự xuất gia rồi thì tinh thần hòa hợp Tăng phải nên phát triển, con đường tiến tu mới có thể đi tới mục tiêu sau cùng là giải thoát.
Nếu quý vị còn mang theo trong thân những sự tích tụ của cải, quần áo dư thừa, đồ đạc xa hoa, mang theo trong tâm những tư tưởng tranh đua, yêu ghét nặng nề, ô trược thì làm sao có sự khinh an để giải thoát? Muốn giải thoát thì phải cố gắng tu luyện cho cái tâm được ‘Không’, cho cái bản ngã được diệt trừ; cho nên Thầy thường nhắc nhở quý vị tu hành tại Tùng Lâm, đã có hoàn cảnh thuận duyên là sự u tịch, thanh nhã, xa đời sống thế gian, phải biết lợi dụng mà tu luyện cho tâm được thanh tịnh. Tuy nhiên, đằng sau cái thuận duyên này lại có những nghịch duyên làm chướng ngại. Cái nghịch duyên đó là những ma chướng thuộc ngũ ấm ma.
4. Ngũ ấm ma: Ngũ ấm, còn được gọi là ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ngũ ấm hay ngũ uẩn là thành phần vật chất (sắc) và tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) do nhân duyên tạm hòa hợp để hình thành con người. Một cách nói khác, sắc ấm là thân ; Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm và Thức ấm là Tâm. Vì vô minh mà con người phàm phu mê muội chấp cái thân này là thật, là thường còn, nên cứ mải mê cung cấp cho những đòi hỏi của nó. Bắt tâm phải làm nô lệ cho cái thân giả tạm. Khí giới của ngũ ấm ma là năm món dục lạc thế gian: Tài, Sắc, Danh, Thực và Thùy.
Vì cái tâm, thay vì làm chủ cái thân, lại bị ma ngũ ấm chi phối, đi làm nô lệ cho thân nên con người bị đắm chìm trong ngũ dục lạc, tạo nghiệp và không thể tiến tu trên con đường giải thoát. Quý vị mới phát tâm tu hành, người mới được 5, 7 tháng, kẻ được đôi ba năm, vẫn còn mang tâm tánh chúng sanh nên khó tránh những cám dỗ, tham luyến, cạm bẫy vi tế của ngũ dục lạc.
Quý vị đều biết ngũ dục lạc là ma, là hầm hố trên đường tiến tu đạo nghiệp, là những chướng ngại mình phải vượt qua; vậy mà hàng ngày, hầu như không ngày nào Thầy không nghe những thưa kiện, thị phi về những hành động, lời nói, phẩm hạnh của quý vị. Vì vậy, mỗi buổi sáng, Thầy thường đem đạo lý tiến tu đạo nghiệp để nhắc nhở quý vị. Thầy cũng biết, sách có câu ‘Giáo đa thành oán’, nhưng việc giáo dưỡng đệ tử là bổn phận và nhiệm vụ của Thầy.
Thời còn tại thế, Đức Phật hàng ngày vẫn phải nhắc nhở chúng đệ tử về giới hạnh của người tu hành, mặc dầu các đệ tử của Phật đã được liệt vào hàng Thánh chúng, nhưng cũng còn nhiều vị vẫn sống với tâm tánh phàm phu, thí dụ như Ngài Nan Đà, Đề Bà Đạt Đa v.v... Quý vị thì lúc nào cũng chấp cái tâm tánh phàm phu là đường lối tu hành của mình thì Thầy tránh sao cho khỏi phải giáo hóa, nhắc nhở quý vị hàng ngày! Cũng vì có sự vi phạm lầm lỗi trong đời sống phẩm hạnh mà Đức Phật phải chế ra Giới Luật và đến khi sắp nhập Niết Bàn, Ngài còn phải ân cần dặn dò: "Này các Thầy! Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, các Thầy hãy lấy Giới Luật làm thầy". Xem như thế đủ biết Đức Phật quan tâm đến giá trị cao thượng của đời sống xuất gia đến chừng nào!
Thầy muốn đem ra đây vài thí dụ điển hình mà Thầy, hàng ngày, thường phải xử, thường phải nghe về đời sống tu hành của quý vị, đã chạy theo ngũ dục lạc thế gian như thế nào. Quý vị nào không vi phạm thì đó là việc tốt, cần phải phát triển sự tinh tấn tu hành thêm nữa. Vị nào tự quán sát thấy mình có vi phạm vào lỗi lầm tương tự thì nên cố gắng tu sửa:
1. Về tiền tài:
Trong khi Đức Phật, vì lòng thương xót chúng sanh, muốn tìm ra chân lý để giáo hóa chúng sanh mà phải từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc, địa vị Quân Vương, từ bỏ sự giàu sang, trở thành một đạo sĩ không nhà cửa, không tiền bạc, cả đến cái bình bát để đi xin cơm ăn cũng không có, thì chúng ta, một số đông những người tu hành lại lo tích tụ tiền bạc để làm lợi riêng cho mình, dùng của cúng dường Tam Bảo mua sắm những tiện nghi lợi dưỡng cho thân tâm mình.
Có người thưa mách với Thầy là thầy này, cô kia đã chạy theo o bế các Phật Tử, hoặc kể lể sự thiếu thốn của mình để đòi hỏi cúng dường hoặc vay mượn của Phật tử dưới danh nghĩa làm Phật sự như mua xe hơi, xây cốc, thăm viếng Phật tích v.v... Nếu trong số quý vị quy y với Thầy, vị nào đã lợi dụng danh nghĩa Phật sự khuyên khéo Phật tử cúng dường, quyên góp tịnh tài của Phật tử để dùng vào việc lợi dưỡng cho mình thì Thầy nhắc nhở quý vị ấy hãy coi chừng về nghiệp báo, nhân quả sẽ đến với mình trong đời này hay đời sau. Trong Kinh Trường A Hàm có một câu chuyện của Ngài A Nan như sau:
"Một ngày kia, Ngài A Nan nằm mộng thấy có một cái hầm sâu, trên miệng hầm có một chiếc cầu gỗ bắc ngang và có nhiều người đang hoan hỷ đi qua đi lại trên cầu. Dưới hầm thì có nhiều tiếng kêu khóc thảm thiết. Ngài A Nan bước tới dòm xuống hầm thì toát mồ hôi vì dưới hầm, đang kêu khóc, toàn là Tỳ Kheo. Hôm sau Ngài A Nan đem giấc mộng đó trình lên Đức Phật, và xin Ngài giải thích.
Đức Phật dạy: ‘Này Thầy A Nan! Như Lai không thích nói chuyện mộng mị, nhưng Thầy đã hỏi thì Như Lai cũng vì Thầy và vì chúng sanh mà nói. Những Tỳ Kheo dưới hố sâu là những hạng Tỳ Kheo sa đọa, thường lợi dụng sự cúng dường của đàn na tín thí để sống lợi dưỡng, dù có xuất gia tu hành cũng không tránh khỏi nhân quả, nghiệp báo, bị đọa vào những cảnh giới tội lỗi, xấu xa. Những người đi qua đi lại trên cầu là những đàn na tín thí đang hưởng phước đức vì đã phát tâm hộ trì, cúng dường Tam Bảo’.
Trong Giới Luật Sa Di cũng như Giới Luật Tỳ Kheo, người xuất gia không được phép cất giữ vàng bạc châu báu. Trong thời đại hiện tại, quý vị cũng có thể tùy duyên có chút ít tiền bạc đủ để dùng vào việc di chuyển. Nếu tích tụ nhiều sẽ sanh tâm tham luyến tiền tài, rất trở ngại cho sự tiến tu đạo nghiệp và là đầu mối phiền não vì sự bất bình đẳng.
2. Về sắc:
Tham luyến sắc đẹp là điều tai hại nhất trong cuộc đời kẻ xuất gia. Vì sắc đẹp mà nhiều người đã bỏ đạo hay phạm giới dâm dục, là một trọng giới. Cũng vì sắc đẹp mà trong chúng có nảy sinh những hiện tượng yêu ghét và nảy sinh những tình cảm bất chính. Ngày xưa, Tôn Giả A Nan Đà, vì ham muốn cưới được các Thiên nữ làm vợ mà đi tu, nhưng với cái tâm lúc nào cũng tưởng nhớ đến sắc đẹp của Thiên nữ nên sự tu hành không thể nào có kết quả và luôn luôn bị các bạn đồng tu chế diễu. Mãi đến khi thấm nhuần được sự giáo huấn của Đức Phật và xin Đức Phật hủy bỏ lời hứa của Ngài là sẽ cho cưới các Thiên nữ sau khi đắc đạo, gạt bỏ được hình bóng của Thiên nữ trong tâm, A Nan Đà mới đắc được quả A La Hán. Tôn Giả A Nan cũng vì động tâm trước sắc đẹp của cô gái Ma Đăng Già mà suýt nữa táng thân, mất huệ mạng. Quý vị học Kinh điển, phải nhớ những gương tu hành của các vị tiền bối làm những bài học cho sự tiến tu của mình.
3. Về danh:
Đây là một địa hạt mà một số lớn người xuất gia dễ phạm nhất. Thầy đã nghe một số Phật tử phàn nàn và thưa mách với Thầy là thầy này, cô kia đã có thái độ khinh rẻ Phật tử, thường tự xưng Thầy, xưng Sư, xưng Cô với đàn na tín thí đến chùa và tỏ vẻ thiếu lịch sự hoặc hống hách bắt bẻ Phật tử đã không theo luật lệ riêng của chùa.
Thậm chí, có vị tự xưng Thầy, xưng Cô với cả các huynh đệ đồng tu. Đây là một điểm quan yếu vừa làm quý vị tổn đức vừa là ma chướng lớn trên bước đường tiến tu đạo nghiệp. Quý vị không nên thấy Thầy tự xưng Thầy với quý vị mà bắt chước. Thầy đối với quý vị có liên hệ Sư Phụ và Đệ Tử, trong khi quý vị đối với huynh đệ không có cái liên hệ ấy, cũng như đối với các Phật Tử, quý vị không phải là Truyền Giới Sư thì không thể xưng Thầy, xưng Cô với người ta được.
Chữ ‘Thầy’ trong đạo, khác rất xa với chữ ‘Thầy’ ngoài đời. Chữ Thầy ngoài đời là để chỉ những người làm nghề dạy học. Họ chỉ được gọi là Thầy trong phạm vi lớp học, hoặc chỉ được phép xưng Thầy với những người tự nhận là học trò của họ. Có thế thôi!
Trong đạo, danh vị Thầy, Cô mang một ý nghĩa và trách nhiệm quan trọng hơn nhiều. Người được tôn làm Thầy, không chỉ có trách nhiệm giáo dục chánh pháp, mà còn có trách nhiệm giáo dục về nhân cách, lo lắng về hành vi và sự an sinh của đệ tử sống trong chùa hay hoạt động trong Giáo Hội.
Đối với Phật tử tại gia, Thầy và Cô có trách nhiệm truyền giới, giáo hóa, hướng dẫn họ xây dựng một đời sống phẩm hạnh, có khả năng thâu nhận đệ tử xin quy y và chính mình phải có đạo đức, giới hạnh xứng đáng làm một ‘Đạo Sư’. Công ơn của đàn na tín thí và của chúng sanh (thí chủ), đối với người tu hành, là một trong Tứ Trọng Ân (bốn ơn nặng). Ăn một miếng cơm, uống một chén nước, phải nhớ tới công ơn của Phật Tử đã có hành động ‘bố thí’ để hộ trì cho Phật Pháp được trường tồn.
Người xuất gia phải luôn luôn tự quán xét xem công hạnh của mình có xứng đáng thọ nhận của ‘cúng dường’ không? Nếu thấy mình chưa đủ công hạnh, phải phát nguyện tinh tấn, trau dồi đạo hạnh cho xứng đáng làm bậc ‘ứng cúng’. Đức ‘khiêm cung’ và ‘diệt bản ngã’ là những đức tính hàng đầu người xuất gia phải trau dồi.
Trong 49 năm hoằng Đạo, Đức Phật, không một lúc nào không nhắc nhở đệ tử về đời sống phẩm hạnh của người xuất gia. Khi thâu nhận đệ tử mới, trong những năm đầu, Đức Phật đích thân giáo hóa về nhân thừa, tức là dạy cách sống thế nào cho ra một người có đạo hạnh, trong đó đức khiêm cung và sự chân thật với mình và với người được chú trọng. Hãy nghe lời Đức Phật dạy Ngài La Hầu La, khi Ngài còn là Sa Di, trong Kinh Trung A Hàm:
(Đức Phật đổ hết nước đựng trong cái chậu mà La Hầu La đem đến cho Ngài rửa chân, rồi lật úp cái chậu xuống và dạy)
"Này La Hầu La! Đời Sa Di quả thật như bỏ đi (như nước dơ, không còn dùng được nữa) nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn".
"Này La Hầu La! Đời Sa Di quả thật bị đảo lộn (như cái chậu bị úp xuống) nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn".
"...Với người nói dối không biết hổ thẹn, Như Lai nói, không có điều tội lỗi xấu xa nào mà người ấy không dám làm..."
"Này La Hầu La! Bất luận điều gì con muốn làm, con đều phải suy ngẫm: Hành động này có hại cho ta hay có hại cho kẻ khác. Vậy thì hành động này là bất thiện, đem lại phiền não và đau khổ. Hành động này, con phải tránh, không nên làm. Nếu sau khi suy ngẫm, Con nhận định rằng: Bây giờ hành động ta đã làm là bất thiện! Con phải sám hối, phải thưa lại với Thầy Giáo Thọ hay với các Thiện Trí Thức (tiền bối), hay với các bạn đồng tu trong Tăng Đoàn. Đã sám hối, Con phải chừa trong tương lai, không nên tái phạm".
Quý vị đã thấy những lời Đức Phật dạy Ngài La Hầu La, khi còn là Sa Di, không có gì khác hơn là giới hạnh của một cuộc sống đạo đức (đạo làm người hay Nhân Thừa Giáo Pháp).
Trong Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, khi Tôn Giả A Nan hỏi Đức Phật tại sao Đức Thế Tôn cao quý như thế, mà lại đi lễ lạy đống xương khô? Đức Phật đã dạy Ngài A Nan: ‘Trong đống xương khô này, từ nhiều đời nhiều kiếp, không có người nào chưa từng là cha mẹ ta, hoặc chưa từng là con cái, hoặc chưa từng là anh em, thân bằng quyến thuộc của Như Lai’.
Một vị Đạo Sư của Trời, người như Đức Phật mà có hành động, tư tưởng khiêm hạ như vậy, tưởng trong quá khứ, hiện tại và vị lai, không người nào còn có thể khiêm hạ hơn. Vì cái gương khiêm cung của Đức Phật mà các đệ tử lớn như Ngài Xá Lợi Phất, mặc dầu phụ trách vai trò thượng thủ Giáo Hội, khi nói chuyện hoặc chấn chỉnh tác phong của các Tỳ Kheo khác, Ngài vẫn một điều gọi người đó là Sư Huynh, hai điều vẫn thưa Sư Huynh. Các bậc Tôn Túc, đạo cao đức trọng, khi hoằng truyền chánh pháp, còn biết e sợ, trong thính chúng, có thể có các vị Bồ Tát hóa thân phàm phu để hóa độ chúng sinh, đến nghe pháp nên lời lẽ của các Ngài rất ư lễ độ với thính chúng, khiêm hạ với đàn na tín thí. Thử hỏi công hạnh quý vị được bao nhiêu mà dám ngang nhiên xưng Thầy, xưng Cô với Phật tử hay với huynh đệ?
Tổ Quy Sơn đã thức tỉnh chúng ta trong Quy Sơn Cảnh Sách: ‘Hà nãi tải đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỳ Kheo. Đàn việt sở tu, khiết dụng thường trú, bất giải thổn tư lai xứ, vị ngôn pháp nhĩ hiệp cúng. Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đản thuyết nhân gian tạp thoại...’ (Dịch: Sao lại mới bước lên phẩm bực của giới pháp, mà đã tự thị ta đây là vị Tỳ Kheo. Dùng của thí chủ, ăn của thường trú, không biết xét kỹ vì sao mà có của ấy, lại bảo rằng lẽ tự nhiên là phải hiến cúng. Ăn rồi xúm đầu huyên náo, chỉ nói toàn chuyện tạp của thế gian..).
Quý vị chưa học hết Nhân Thừa Giáo Pháp, nay tự vỗ ngực tự xưng ta đang tu đạo Thượng Thừa, bỏ qua những nền tảng đạo đức căn bản, thật không khác gì xây nhà lầu cao mà lại không xây từng thứ nhất. Thật không còn gì đáng gọi là mê muội hơn! Đáng thương thay! Quý vị vi phạm lỗi này, bởi vì quý vị đã không có cái tâm thành thực xuất gia cầu đạo giải thoát, mà chỉ xuất gia để cầu danh (làm Thầy) và lợi dưỡng (thọ của cúng dường) mà thôi.
Thầy thấy cần phải nhắc quý vị thêm một lời của Đức Thế Tôn than thở cùng Ngài A Nan, khi sắp nhập diệt:
"Này A Nan, Sau khi Như Lai nhập Niết Bàn thì 500 năm sau, giáo pháp của Như Lai bắt đầu bị phá hoại. Những kẻ phá hoại chánh pháp, chẳng phải là ngoại đạo mà chính là những kẻ xuất gia trong Giáo Hội Tăng Già".
Thầy nhắc nhở quý vị vì Thầy không muốn các đệ tử xuất gia của Giáo Hội Linh Sơn đóng góp một bàn tay vào sự phá hoại chánh pháp của Đấng Từ Tôn. Thầy thiết tha mong quý vị hãy tự xem xét mình và tinh tấn trau dồi phẩm hạnh, lấy phẩm hạnh làm nấc thang căn bản cho sự Tiến Tu Đạo Nghiệp.
4) Về thực:
Thực là sự ăn uống. Ăn uống là để nuôi dưỡng cái thân giả tạm này có đủ sức dinh dưỡng, có sức mà tu hành. Trong khi nuôi dưỡng thân, lại phải hằng quán niệm nó là nguồn gốc của khổ đau và vì nó mà đời sống tâm linh, tinh thần cao thượng không thể phát huy đến mức cùng tột. Do quan điểm này, các vị Sa Môn thời xưa lấy pháp tu khổ hạnh (đầu đà) làm pháp môn căn bản để diệt trừ bản ngã.
Sau khi Đức Phật tìm ra con đường trung đạo, thì lối tu khổ hạnh cũng được Đức Phật chế giảm. Tuy có sự chế giảm của Đức Phật, nhưng trong số đại đệ tử của Ngài, Tôn Giả Đại Ca Diếp lại vẫn duy trì pháp môn đầu đà để phát triển trí tuệ và trau dồi giới đức. Quả nhiên, Ngài Đại Ca Diếp, với trí tuệ và giới đức đầy đủ, đã được Đức Phật phó chúc trách nhiệm truyền thừa Chánh Pháp Nhãn Tạng. Chánh pháp mà chúng ta được thọ trì hôm nay là nhờ ở nỗ lực bảo vệ và hoằng truyền của Tôn Giả Đại Ca Diếp.
Ở nước ta, Vua Trần Nhân Tôn cũng nương theo pháp tu khổ hạnh mà đắc đạo và trở nên Thiền Tông Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam với pháp hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà. Trên phương diện Sinh Lý Học, ăn uống thái quá sẽ làm con người trở nên nặng nề, dễ buồn ngủ, tinh thần không được minh mẫn và phát triển lòng ham muốn khoái lạc tình dục.
Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: "Những người chỉ muốn sống trong khoái lạc, không chịu nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác, chẳng tinh cần. Họ thật là người dễ bị ma nhiếp phục như cành mềm trước cơn gió lốc".
"Những người nguyện ở trong cảnh không khoái lạc, khôn khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá".
Trong Giới Pháp, Phật dạy các đệ tử chỉ được đi khất thực vừa đủ để ăn một bữa trong một ngày và không được dành dụm thức ăn cũng như nước uống.
Trong thời Mạt Pháp hiện nay, người xuất gia phải coi thức ăn như loại thuốc chữa bệnh khô gầy, không được sanh tâm ham muốn ăn ngon, ăn nhiều. Buổi chiều, nếu đói, có thể ăn chút ít thức ăn nhẹ, nhưng phải có tâm hổ thẹn (vì không đủ nghị lực kiểm soát được sự đói). Muốn phát triển trí tuệ và tiến tu, quý vị phải theo gương Thầy, Tổ mà điều độ ăn uống, lấy đời sống Tam Thường Bất Túc (ba sự ăn, mặc, ngủ không được quá đầy đủ) làm phương châm tu hành, để tinh thần được phát triển sáng suốt.
5) Về ngủ, nghỉ:
Ngủ nghỉ là kẻ thù trực tiếp của tinh tấn và kẻ thù gián tiếp của trí tuệ. Khi xưa, trong khi Đức Phật giảng pháp, một vị đệ tử lớn là Tôn Giả A Na Luật (Anuruddha), vì quá mệt mỏi mà ngủ gật. Đức Phật quở rằng: "Này Thầy A Na Luật! Con ốc cuộn mình ngủ suốt ngày trong cái vỏ nên không bao giờ giải thoát được kiếp làm ốc". Tôn giả A Na Luật biết lỗi hôn trầm của mình nên xin sám hối và phát nguyện sẽ không bao giờ nhắm mắt ngủ nữa. Tôn Giả đã thực hiện lời nguyện đến nỗi bị mù cả hai mắt vì thiếu ngủ. Trước khi bị mù, mặc dầu Đức Phật có khuyên Tôn Giả nên dành chút thì giờ để ngủ nghỉ, nhưng vì cảm thấy hổ thẹn và có lỗi với Đức Phật nên Tôn Giả nhất định không nhắm mắt. Sau khi Tôn Giả bị mù, Đức Phật đã đem pháp Kim Quang Minh truyền dạy cho Tôn Giả, nhờ vậy mà Tôn Giả đắc được Thiên Nhãn Thông.
Quý vị tu hành tại Tùng Lâm, chỉ có mấy huynh đệ, thầy trụ trì lại để quý vị tự do tu hành theo ý mình, ngoài hai khoá lễ. Quý vị có rất nhiều thì giờ rảnh rỗi nên rất dễ bị cám dỗ bởi ma chướng ham muốn ăn uống ngủ nghỉ. Thầy khuyên quý vị nên tự mình làm một Thời Khoá Biểu, làm sao sử dụng phần lớn thì giờ vào công việc tu hành, học hỏi, chấp tác; giảm bớt thì giờ ăn uống ngủ nghỉ thì sự tu hành mới có thể tiến bộ.
Trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ Sư nhắc nhở chúng ta về huấn dụ của Đức Phật như sau: ‘... Đạo Sư hữu sắc, giới húc Tỳ Kheo, tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc...’ (Dịch: Đạo Sư có huấn dụ, khuyên dạy các vị Tỳ Kheo, hãy lấy tiến tu đạo nghiệp, trang nghiêm thân thể, còn ăn, mặc, ngủ nghỉ, cả ba thứ ấy không lúc nào nên hưởng dụng sung túc). Tu hành ở nơi vắng vẻ, u tịch có cái lợi là không bị những sự ồn ào, náo nhiệt hay trần cảnh của thế gian cám dỗ nhưng cũng có cái hại là rất dễ sanh vọng tưởng và giải đãi.
Gần đây Thầy nhận được mấy bài thơ của một trong quý vị. Ý tứ của mấy bài thơ, phần lớn nói lên lòng biết ơn sâu xa đối với sự giáo huấn của Thầy và một phần nói lên kết quả tu hành nhờ sự giáo huấn đó. Thầy có cho đọc mấy bài thơ trước chúng và hỏi quý vị có thấy cái lý đạo của mấy bài thơ đó chăng? Thầy thấy quý vị, người vỗ tay, kẻ khen hay, người giữ im lặng, kẻ tỏ vẻ không đồng ý v.v... nhưng không người nào nói lên, hoặc không muốn nói lên cái lý đạo trong mấy bài thơ, cũng như tâm ý của Thầy khi đem mấy bài thơ đó đọc trước chúng. Nhân dịp này, Thầy nói về lý đạo để quý vị suy ngẫm và giải tỏa những thắc mắc, nếu có, của quý vị.
Việc biết ân đức Phật, công ơn giáo dưỡng của Thầy, của Tổ là một việc tốt, nhưng đem những công ơn đó gò ép thành những lời có ý tâng bốc là một công việc hoàn toàn vô ích, không giúp gì cho ‘mục đích tu hành là Giải Thoát’ hay khai mở trí tuệ.
Ngày xưa, khi Đức Phật, còn vài ngày nữa thì nhập Niết Bàn, tất cả các đệ tử, hàng ngày, đều đến vấn an Phật. Chỉ có một vị đệ tử, chưa đắc quả Thánh, đã không đến mà suốt ngày đêm ngồi thiền tọa trong hang động, tiếp tục tu hành như thường lệ. Các đệ tử khác thấy vậy thì bắt đầu bàn tán và việc đó đến tai Phật.
Mặc dầu Phật đã biết rõ tâm ý của vị đệ tử kia, nhưng vẫn cho vời vị ấy đến để giải thích hành động của mình trước chúng. Vị đệ tử đó chắp tay thưa: ‘Bạch Thế Tôn! Thế Tôn sắp sửa rời bỏ chúng con. Từ nay chúng con sẽ không nhận được những sự giáo huấn của bậc Đạo Sư. Con muốn báo đền ân đức của Thế Tôn mà không biết nói lời gì cho xứng đáng. Con nghĩ, chỉ có tinh tấn tu hành làm sao cho được chút kết quả gì trước khi Thế Tôn thực sự rời bỏ chúng con, mới gọi là báo đáp phần nào công ơn giáo dưỡng của Thế Tôn; cho nên con tinh tấn tu hành, không còn thì giờ đến vấn an Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn tha tội’.
Đức Phật hoan hỷ mỉm cười và nói: ‘Lành thay! lành thay! Này các Thầy Tỳ Kheo! Báo đáp công ơn của Như Lai, không phải nói ra vài lời tán tụng là đủ, mà phải tinh tấn thực hành những lời Như Lai đã dạy để phát triển khả năng hoằng truyền Chánh Pháp của Như Lai mà cứu độ chúng sanh và tìm sự giải thoát sanh tử cho mình. Này các Thầy! Các Thầy hãy lấy hành động của Thầy Tỳ Kheo này làm gương, nên bắt chước mà tinh cần tu học, Như Lai sẽ rất hoan hỷ’.
Thầy chứng minh lòng biết ơn Thầy trong mấy bài thơ nhưng Thầy khuyên vị đó nên dành thời giờ gò ép những vần thơ tán tụng Thầy, vào công việc tu học, dùng thời giờ đó chia xẻ với các huynh đệ đồng tu đang chấp tác ngoài vườn, ngoài sân hay trong quá đường. Đó mới là những hành động hữu ích trong tinh thần tiến tu và tinh thần của Lục Hòa: Giới hoà đồng tu. Đó là lý Đạo.
Trong ý tứ của mấy bài thơ, vị đệ tử này cũng muốn nói đến kết quả tu hành của mình, cũng muốn nói đến ‘cái thấy’ của mình. Thầy muốn nói ngay để quý vị cùng biết: ‘Cái thấy’ mà quý vị tưởng là mình đã có, chỉ là sản phẩm của ma tưởng ấm, không phải là ‘Cái thấy chơn thật’.
‘Cái thấy chơn thật’ không thể nói ra được vì ngôn ngữ hạn cuộc của thế gian. Nếu nói ra được thì cái thấy đó chỉ là vọng tưởng. Tổ Lâm Tế đã nói cho các đệ tử học Thiền về cái Thấy như sau: ‘Phùng Phật sát Phật, phùng Ma sát Ma’. Cái thấy những hình ảnh Phật xoa đầu hay những cảnh giới xa lạ trong khi tọa thiền đều là những tưởng tượng của vọng tâm. Nếu chấp rằng những cảnh giới mình thấy trong lúc tọa thiền là thật, thì sẽ khởi tâm tham luyến và lúc tọa thiền chỉ mong được thấy lại hay mơ màng sống trong cảnh giới tưởng tượng đó. Lúc đó là lúc đã bị Thiên Ma Ba Tuần hay Ma Tưởng Ấm dẫn dắt chớ chẳng phải là đã đạt được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền hay Tứ Thiền gì hết. Cái "thấy" mà nói ra được không phải là cái "thấy của Minh Tâm Kiến Tánh". Đó là lý đạo.
Giả dụ rằng, vị đệ tử đó có được vài sự hiểu biết sáng suốt, thì cái ‘hiểu biết sáng suốt’ ấy cần được tư duy, quán xét xem có ích lợi gì mình và cho mọi người không? Có giúp gì cho việc cứu độ chúng sinh không (lợi người)? Có giúp gì cho cứu cánh giải thoát không (lợi mình)?
Xưa kia, Tôn Giả Tu Bồ Đề chỉ đi khất thực nơi các nhà giàu vì Tôn Giả cho rằng, người giàu có mới có khả năng ‘bố thí’; người nghèo khó đã không có đủ ăn thì lấy gì mà ‘bố thí’ và bắt người ta nhịn ăn để bố thí là một điều không nên làm. Trong khi đó, Tôn Giả Ca Diếp thì lại làm ngược lại, chỉ đi khất thực nơi nhà nghèo.
Một hôm, trước chúng, Tôn Giả Tu Bồ Đề đem ý kiến của mình ra trình bày và thỉnh vấn Tôn Giả Ca Diếp: ‘Thưa Sư Huynh, hiển nhiên là phương pháp khất thực của Sư Huynh và của tôi thật là trái ngược. Sự hiểu biết của tôi, tôi đã trình bày, kính mong Sư Huynh chỉ giáo cho tôi về phương pháp khất thực của Sư Huynh, may ra tôi được mở mắt thấy được những thiếu sót của tôi chăng?’ Tôn Giả Ca Diếp trình bày quan điểm khất thực nhà nghèo của mình. Ngài cho rằng, những người giàu có, đã được nhiều phước đức tích tụ từ những tiền kiếp nên kiếp này mới được giàu có. Người nghèo khó vì phước đức tiền kiếp không đủ nên kiếp này phải chịu cảnh nghèo nàn. Ngài tới với người nghèo để tạo cho họ cơ hội gieo trồng thêm phước đức cúng dường, mong kiếp sau họ sẽ được hưởng sự giàu có.
Việc này đến tai Đức Phật. Đức Thế Tôn, trước chúng, quở trách cả hai vị như sau: "Này Thầy Ca Diếp và Thầy Tu Bồ Đề! Tâm Từ (Metta) là ý nguyện đem an vui, hạnh phúc đến với tất cả mọi chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ v.v... Các Thầy không nên sanh tâm phân biệt người giàu, người nghèo. Tâm của các Thầy phải như thửa ruộng, ai cũng có thể gieo trồng phước đức trên ruộng ấy. Từ nay các Thầy nên lần lượt khất thực mà đừng nên phân biệt người giàu có, kẻ nghèo khó".
Cái hiểu biết của mình nhiều khi mình tưởng là đúng và chấp chặt lấy nó; cho ý kiến của mình là đúng, chê bai ý kiến của người khác là nuôi dưỡng ‘bản ngã’. Nếu cho rằng cái hiểu biết của mình là đúng đắn, có lợi ích cho chúng sanh, cũng nên đem cái ý kiến đó tham khảo với các bạn đồng tu, nhờ họ suy ngẫm và chỉ vẽ cho mình những điều mình chưa thấy hay không thấy. Như vậy là phát triển cái tâm học hỏi nơi thiện tri thức và là phương pháp hữu hiệu nhất để diệt trừ ‘bản ngã’ và tánh ‘kiêu mạn’. Nếu chưa thỏa mãn với sự chỉ vẽ của thiện trí thức thì xin trình bầy lại ý kiến của mình trước chúng và mong cầu được học hỏi. Đó là tinh thần "Kiến hòa đồng giải" và "Ý hòa đồng duyệt". Đó là lý Đạo.
Một sự việc khác cũng đã đến tai Thầy. Trong thời khóa lễ hàng ngày, có vị viện lý do này hay lý do khác, nhất là lý do đau yếu, bịnh hoạn mà thật sự là vì giải đãi, lười biếng, ngủ quên, bất hòa với Duy Na hay Duyệt Chúng hoặc không tin tưởng ở pháp môn Niệm Phật nên không tham dự khóa lễ. Xưa có một vị Tăng đến vấn đạo với Lục Tổ Huệ Năng và Hỏi: ‘Có nên tụng Kinh không?’ Tổ hỏi lại: ‘Tụng Kinh có lỗi gì?’ Vị Tăng đáp không được, cúi đầu lễ lạy và lui ra.
Thầy muốn nói để quý vị cùng biết sự quan trọng của các thời khóa lễ. Hai thời công phu, đối với người xuất gia, là cơ hội quý báu để thanh tịnh ba nghiệp: Thân, miệng, ý và tạo chủng tử thiện pháp, chuyển hóa chủng tử tội lỗi đã, từ vô thỉ, chất chứa trong A Lại Da thức của chúng ta. Chính những chủng tử tội lỗi này là nguyên nhân tạo nên nghiệp lực, dẫn dắt chúng ta ra vào sinh tử. Kinh có câu: "Tam Nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương".
Hai thời công phu hàng ngày có công năng thanh tịnh hóa ba nghiệp mà quý vị không biết lợi dụng thì người bị thiệt thòi sẽ là ai? Làm cho tâm được thanh tịnh, gieo trồng chủng tử pháp lành thì phước báo đó, quý vị được hưởng hay Thầy được hưởng?
Nếu hiểu một cách cạn cợt rằng, không tham dự hai thời công phu, nhưng sẽ tụng Kinh Niệm Phật lúc khác để bù lại, thì quý vị đã không hiểu gì về tội lỗi mình đã tạo ra từ muôn ngàn kiếp trước, không biết gì về nhân quả nghiệp báo. Mặc áo Như Lai mà không biết những điều ấy, khác gì hủy báng Chư Phật? Chư Phật dạy: "Đừng thấy việc lành nhỏ mà không làm". Câu nói này, Đức Phật đã dùng để giáo huấn các vị đệ tử hỏi Ngài khi Ngài luồn kim vá áo cho một vị đệ tử mắt kém.
Người xuất gia chúng ta, lúc nào cũng phải thấy mình đức mỏng nghiệp dày nên không lúc nào chẳng quan tâm đến cơ hội thực hiện các pháp lành. Khi tham dự các thời khóa công phu, thân không thể làm việc ác, khẩu đọc tụng Kinh kệ, ý tập trung hướng về chư Phật đều là những pháp lành để thanh tịnh hóa ba nghiệp. Tại sao quý vị lại bỏ lỡ cơ hội làm pháp lành? Phước đức quý vị đã tích tụ được bao nhiêu? Và bao nhiêu phước đức thì đủ để quý vị thay thế những chủng tử ác pháp đang được tàng trữ trong A Lại Da thức của quý vị mà tiến đến quả Vô Sanh?
Nhân đây, Thầy cũng giảng qua về hai chữ thanh tịnh trong đạo. Quý vị có thể nghĩ rằng, tuy tôi không làm việc lành, nhưng cũng không tạo nghiệp ác, như vậy là thanh tịnh rồi. Thanh tịnh mà được hiểu như vậy là chỉ hiểu cái ‘danh’ của thanh tịnh, chưa hiểu được ‘tự tánh’ của thanh tịnh.
Chư Phật, chư Bồ Tát làm một việc gì, việc đó phải có mục đích lợi lạc cho chúng sanh; nói một lời gì, lời đó phải có mục đích giáo hóa chúng sanh; suy nghĩ một điều gì, ý đó phải có mục đích cứu vớt chúng sanh ra khỏi khổ hải. Ở nơi các Ngài, không còn có ‘đối đãi’ tốt xấu, thiện ác; tất cả chỉ có một cái tâm: Lợi lạc cho chúng sanh muôn loài (nhiêu ích hữu tình). Tâm như vậy là tâm thanh tịnh, vượt ngoài ba cõi, ba nghiệp đều hướng về hạnh phúc của chúng sanh, như vậy là ba nghiệp Thanh Tịnh. Nhờ đó, các Ngài thị hiện vào ngũ trược ác thế mà không bị ô nhiễm vì uế trược. Xuống địa ngục mà không bị ô nhiễm bởi tội lỗi.
Nói tóm lại, những hành động của thân, lời nói từ miệng, tư tưởng của ý, nếu không vì lợi lạc cho chúng sanh thì hành động đó là hành động đã bị ô nhiễm, lời nói đó là lời nói đã bị ô nhiễm, và tư tưởng đó là tư tưởng đã bị ô nhiễm. Tâm không có hai dụng, không phát tâm bồ đề (giác ngộ) tức là phát tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh không phát thiện thì phát ác.
Thí dụ trong một phòng tối, ta bật đèn lên. Khi đèn cháy sáng, lập tức bóng tối biến mất, không thể có cảnh nửa tối nửa sáng, hoặc vừa tối vừa sáng. Cũng như thế, trong một niệm, không thể có vừa thiện vừa ác, hoặc vừa không thiện vừa không ác. Tâm Thanh Tịnh ví như ánh sáng đèn; khi đèn sáng thì ánh sáng không thể bị bóng tối làm nhiễm ô. Người xuất gia, niệm niệm gìn giữ tâm thanh tịnh thì vọng tưởng không thể chen vào. Cho nên Thầy nhắc nhở quý vị cố gắng gìn giữ tâm cho thanh tịnh, đừng để bị ô nhiễm vì tám gió (lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc).
Có một vị Tăng hỏi Tổ Sư: "Làm thế nào biết sự tu hành có tiến bộ?" Tổ Sư Đáp: "Lấy tám gió làm thước đo lường". Mỗi kh vọng tưởng hay phiền não tới, hãy dùng câu niệm Phật để thu nhiếp ý căn, nương vào thần lực của Lục Tự Chân Ngôn Nam Mô A Di Đà Phật mà thanh tịnh hóa ba nghiệp. Trong tâm thanh tịnh của chư Phật, chư Bồ Tát chỉ có chúng sinh; trong chúng sinh cũng có ta. Hóa độ chúng sinh nghĩa là hóa độ cả ta. Do đó mà không có sự phân biệt giữa ta và người, giữa tâm và cảnh. Tu hành như thế gọi là Tiến Tu Đạo Nghiệp.
Thầy chỉ cho quý vị một phương pháp giản dị để thanh tịnh hóa ba nghiệp, giải trừ ma chướng. Mỗi khi tâm quý vị khởi lên một ý tưởng phiền não hay bất như ý, muốn thưa kiện hay tranh luận; quý vị hãy khoan có hành động và lời nói và hãy quán chiếu như thế này: Phiền não này, sự bất như ý này, sự thưa kiện này, sự tranh luận này có giúp gì cho mục đích giải thoát của mình chăng? Có tăng thêm chút ít phước đức nào cho mình chăng? Nếu sau khi quán chiếu, thấy chúng có lợi cho cứu cánh giải thoát, có tăng thêm phước đức thì quý vị cứ thưa kiện, cứ tranh luận. Nếu thấy chúng không giúp gì cho mục đích giải thoát, không làm tăng thêm phước đức cho mình thì quý vị phải biết ngay là mình đang bị ma chướng của ngũ ấm ma hay phiền não ma sai sử.
Hãy lập tức quay về tâm thanh tịnh của mình, nương theo sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật mà niệm cho đến khi mình thoát khỏi ám chướng của ma. Quý vị hãy thực tập phương pháp quán chiếu này một thời gian cho đến khi thuần thục, như chư Tổ, chư Thánh đã quán chiếu thấy tất cả sự vật ‘Đương Thể Tức Không’. Như thế là Tiến Tu Đạo Nghiệp.
Kết luận cho thời pháp hôm nay, Thầy, một lần nữa, nhắc nhở quý vị hãy giữ gìn giới hạnh của người xuất gia, bởi đó là bước căn bản của đạo nghiệp. Thầy dẫn lời Đức Phật trong Kinh Pháp Cú để quý vị suy ngẫm:
"Mặc áo ca sa mà không rời bỏ những điều uế trược, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn". (Câu 9).
"Rời bỏ những điều uế trược, giữ gìn giới luật tinh nghiêm, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc ca sa".
Mong quý vị tinh tấn trên bước đường Tiến Tu Đạo Nghiệp.