Home > Khai Thị Phật Học
Chuyển Hóa Nghiệp Thức
Hòa Thượng Thích Trí Quảng


Đức Phật dạy chúng ta chuyển nghiệp là tu, vì con người khổ hay vui đều do nghiệp quyết định, không phải thần linh quyết định. Vì vậy, Phật giáo chủ trương thực tập giáo pháp để chuyển đổi được ác nghiệp thành thiện nghiệp là chúng ta tự thay đổi được cuộc đời mình trở thành tốt đẹp. Còn người không biết chuyển nghiệp thì cuộc sống tốt của họ lần trở nên xấu.

Nghiệp tốt nghĩa là đời trước mình đã biết tu, nên tạo được thiện nghiệp; nhờ vậy, đời này mình được sanh làm người. Thật vậy, rất khó có được thân người, trong các loài hữu tình, phải có phước lớn mới sanh làm người, sanh vào các loài hạ đẳng như con kiến, con bò… thì rất dễ.

Với thiện nghiệp tốt được làm người, nhưng mình lại chuyển phước thành xấu nghĩa là khởi tâm niệm không tốt, thì bị bạn rủ làm việc xấu dẫn đến kết quả cuộc sống phải xấu lần. Điều xấu này sẽ đưa vào tiềm thức của chúng ta trở thành nghiệp thức và khi bỏ xác này, chúng ta mang nghiệp thức xấu đi đầu thai.

Nhưng nếu chúng ta biết mình có phước được làm người và trong loài người, có người thông minh, người đần độn, người khỏe mạnh, người yếu đuối, người xấu xí, người xinh đẹp… Quan sát như vậy, rồi đối chiếu với cuộc đời để định vị được mình ở chỗ nào thì từng bước chuyển hóa đi lên. Còn đốt giai đoạn vì tham vọng, chắc chắn bị ma cám dỗ là phạm sai lầm lớn.

Có người than với tôi rằng ông tu cả đời mà không được gì. Tôi nói ông không tu, nhưng ông tạo nghiệp. Tại sao tôi nói như vậy. Ông nghĩ rằng mình tụng kinh, nghe pháp, bố thí, cúng dường. Ông đã nhận lầm đó là tu, thực sự là ông tạo nghiệp. Tạo nghiệp xấu thì mới kết thành quả báo như vậy chứ.

Bản thân tôi từ nông dân nghèo khó, nhờ tu mà chuyển đổi thành người chân tu và tiếp tục tiến lên nữa để chuyển đổi sang Hiền Thánh.

Trên bước đường tu, từ người thường chuyển thành Hiền, thành Thánh nhân. Nhưng nếu đã chuyển thành người tu mà tu sai sẽ bị đọa xuống là mất kiếp người.

Điều quan trọng là tu đúng để chuyển từ nghiệp xấu thành tốt. Muôn sự muôn vật trên cuộc sống này không có gì đứng yên và chính nhờ có sự biến đổi mà chúng ta biết chuyển đổi từ phàm phu sang quả vị Thánh, quả vị Phật. Không biết thì từ vị trí con người tuột xuống loài vật, ngạ quỷ, địa ngục.

Thực tế cho thấy người có điều kiện sống rất tốt, nhưng do làm việc sai lầm, bị tù tội, chết chóc. Kết quả xấu này rõ ràng do chính mình làm, nhưng người không biết thì đổ lỗi cho thượng đế, than trời trách đất. Phật nói các Bồ tát do nguyện cứu nhân độ thế, nên họ sanh làm người tu hành làm gương cho đời.

Được làm người là quý nhất, vì con người có văn minh, tiến bộ. Con heo, con gà, hay con ong, cái kiến thì muôn đời cuộc sống nó vẫn không thay đổi. Con người nhờ có trí thông minh, nên có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp. Và nếu được Phật hộ niệm, trí thông minh của chúng ta sẽ chỉ đạo chúng ta làm việc tốt đẹp, trở thành người tốt, cuối cùng thành Hiền Thánh, thành Phật. Nhưng thông minh có tham vọng thúc đẩy thì bịma đưa lối, quỷ dẫn đường.

Trí thông minh ví như con dao hai lưỡi; nếu không may mắn, không gặp thầy hiền bạn tốt dễ phạm sai lầm, trở thành người xấu.

Tôi may mắn có thầy hiền bạn tốt dắt dẫn, nên đời sống tu hành thăng hoa được. Trong khi bạn của tôi thông minh, giàu có, khỏe mạnh hơn tôi nhiều, nhưng bị thế lực xấu của ác ma nhiếp trì khiến làm việc sai trái, bị đọa.

Và từ vị trí con người biết nghe, thấy, suy nghĩ, chúng ta mới học lên được. Nhưng thực chất con người lại thích học cái xấu hơn. Tổ Quy Sơn diễn tả ý này là vọng tình dị tập, chí đạo nan văn; nghĩa là việc xấu dễ nghe, dễ làm, dễ bắt chước, nhưng nghe đạo, nghe pháp thì rất khó và nghe hiểu thấu được, thực tập được càng khó hơn nữa.

Thực tế gần nhất là lớp này lúc khai giảng có cả ngàn người, nhưng rớt lần còn vài trăm là nghe không được, nên kiếm cái khác nghe là nghe tin đồn nhảm, nghe việc xấu. Tôi thấy người đi chùa, nhưng gặp bạn kéo ra để nghe chuyện xấu, họ cảm thấy vui là vì dễ nghe. Vì vậy, chúng ta thấy người tốt, người hiền thì ít, còn người toàn hảo như Phật thì trải qua hàng ngàn năm cũng chưa có.

Chuyển nghiệp là sao. Ví dụ trong hiện đời có nghiệp xấu ác vì nghiệp xấu bên trong có từ nhiều đời. Riêng tôi quán sát nghiệp xấu nhiều đời trước của mình đã có sẵn, nên hiện tại mình cũng tham muốn, buồn phiền, bực tức, ganh tỵ… thì đụng chuyện là tánh xấu này bộc phát liền.

Hòa thượng Thiện Hòa biết tôi tánh nóng hay đánh người ta, nhưng họ lớn hơn, mình đánh không được thì chạy ra xa rồi chửi. Hòa thượng dạy tôi phải tự sửa mình là giận thì không được phép đánh người ta, phải nhớ khóa tay chân mình lại, ngồi kiết già, không cục cựa. Tự khống chế mình như vậy là không tạo nghiệp được, dù chưa chuyển được nghiệp.

Và tu được như vậy, tiến hơn, Hòa thượng dạy rằng có tay chân thì phải biết sử dụng tay chân vào việc lợi ích là chuyển nghiệp. Hòa thượng dạy rằng con sanh trong thời chiến tranh, phải chịu cảnh nghèo đói do nghiệp ác đời trước. Chuyển nghiệp ác này bằng cách làm việc thiện. Dùng đôi tay của chúng ta làm việc gì lợi ích cho cuộc đời, đầu tư cho Tam bảo; đó là xóa nghiệp ác bằng cách làm điều tốt.

Nhớ lời Hòa thượng dạy, tôi luôn tự kiểm coi mình đã làm được gì cho cuộc đời này, làm tốt cho ai chưa. Không làm như vậy để sanh công đức là nấu cát muốn thành cơm. Chỉ ăn của đàn na tín thí, trở thành con nợ, chắc chắn đời sau phải trả, nặng nhất là mang lông đội sừng trả nợ.

Thuở nhỏ, tôi đọc câu chuyện kể rằng có ông quan ở Trung Hoa, tiền kiếp của ông là con bò làm ruộng cho chùa để nuôi chúng Tăng, Nhờ phước này đã tạo được, kiếp sau ông tái sanh làm quan. Làm sao biết được như vậy. Vì Hòa thượng ở chùa tu hành đắc đạo, biết con bò chết, đem chôn và làm lý lịch ghi rõ con bò này đã công quả cho chùa. Hòa thượng đã chú nguyện cho con bò đời sau làm người, nhưng sau gáy còn chùm lông bò.

Câu chuyện thứ hai có thật do Hòa thượng Từ Nhơn kể rằng trước kia ngài tu chung với ông đạo ăn rồi ngủ. Hòa thượng mới hỏi sao huynh không học kinh. Ông đạo trả lời tôi không học được, vì kiếp trước tôi cốt con heo ăn rồi ngủ. Hòa thượng nói nhìn mặt ông này thấy cũng hơi giống con heo, coi kỹ đằng sau lỗ tai ông có chùm lông heo và Hòa thượng hửi nghe mùi heo. Đây là túc nghiệp, tức tiền nghiệp tái sanh còn để lại dư nghiệp cho biết. Biết được nghiệp đời trước, ta phải siêng năng tu để trả dứt nghiệp ác này và tạo thiện nghiệp mới. Con bò công quả cho chùa mới sanh phước, làm quan.

Đức Phật cho biết Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu Bồ tát hạnh, chỉ nghĩ đến số đông và phục vụ không mỏi mệt, mới thành tựu quả vị Phật, vì tất cả mọi người đều thương Phật, kính trọng Phật.

Phật nói vua Tần Bà Sa La cúng dường Phật thượng uyển (Trúc Lâm). Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thấy vua cúng Phật mới sanh ganh tức, vì ông tự nghĩ mình có công lớn với vua, đáng lẽ vua phải cúng vườn này cho ông mới đúng. Tuy thực tế thấy ông làm tốt, nhưng thực sự ẩn chứa tâm lợi dụng muốn vua ban thưởng cho ông.

Không phải tự nhiên vua cúng dường thượng uyển. Phật nói trong tiền kiếp, Ngài đã giúp vua làm được việc lớn, nên kiếp hiện tại, ông làm vua nhớ tiền kiếp Phật từng tốt với ông, ông mới phát tâm cúng dường Phật để trả ơn. Nghiệp cũ tạo nghiệp mới là như vậy.

 

Thực tế cho thấy có người trông thấy mình liền sanh kính trọng, dù mình chưa làm gì cho họ, vì trong tiềm thức của họ đã lưu lại điều tốt mà mình làm cho họ. Và ngược lại, có người thấy mình liền ghét, dù mình chưa có lời nói xấu, hay hành động xấu nào với họ; đó chính là oan gia nghiệp chướng gặp lại nhau và hình ảnh xấu này tất nhiên cũng in dấu sâu đậm trong tiềm thức của người, hay của ta.

Hiện đời quý vị có hai tay làm được việc tốt, sao không làm. Như đã nói, Hòa thượng Thiện Hòa dạy tôi sử dụng hai tay làm việc tốt để chuyển hóa nghiệp xấu đời trước, nên làm được việc gì tốt, tôi cũng hết lòng làm. Vào Phật học đường Nam Việt, tôi nhận dọn dẹp nhà vệ sinh mà ai cũng ngán làm. Mình dọn sạch thì ai vô đây cũng đều thọ ơn của mình, dù mình không cần người mang ơn. Vì vậy, chỉ sau ba tháng an cư, tôi làm công việc duy nhất này mà nghiệp tiêu và phước sanh thấy rõ là đại chúng thương tôi. Nhờ hai tay chuyển nghiệp và tạo chút công đức đó, Hòa thượng Thiện Hoa thấy ông đạo siêng năng, sáng sủa, nên ngài đã kêu tôi lên cho làm thị giả của ngài.

Từ chú tiểu nhà quê, tôi trở thành thị giả của Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp thì khác rồi. Bấy giờ, tôi được hầu Hòa thượng, ngài đi giảng cho tôi theo, học được tinh ba giáo pháp mà ngài thể nghiệm và thấm sâu vào tâm trí tôi từng cử chỉ, cách nói năng của ngài, đó chính là tôi đã chuyển nghiệp theo hướng thánh thiện theo mẫu sống tốt đẹp của bậc cao tăng thạc đức.

Và nhờ siêng năng công quả và học giỏi, tôi được Hòa thượng gởi sang Nhật tu học. Hòa thượng nhắc tôi rằng sang đó quan sát cách tu, cách tổ chức của Phật giáo Nhật để trở về nước phát triển Phật giáo nước nhà cho thật tốt đẹp.

Có thể khẳng định nhờ thân cận người tốt, người giỏi, nghiệp thức của chúng ta được chuyển đổi lần. Nhờ kinh điển Phật, nhờ thầy hiền bạn tốt thay đổi hiểu biết của mình thành người tốt, khi mình tốt giỏi thì ở đâu người ta cũng dùng mình.

Tu hành phải chuyển đổi thành người tốt. Chỉ mới chuyển hai tay, cuộc đời đã thay đổi và chuyển khẩu nghiệp, Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng con đừng nói sai sự thật. Nhưng nhiều người có tật thích nói dối, nói thêm bớt để cho thành chuyện gọi là thêu dệt và dùng lời hung ác, thô tục xử sự với nhau là tạo nghiệp ác. Tôi đi học, gặp những người bạn ưa chửi thề cũng là nghiệp ác. Chuyển đổi khẩu nghiệp là không nói bậy, không nói lời vô bổ, không nói lời ác độc, không nói lời gây chia rẽ. Phật tử quy y Tam bảo cũng được dạy giữ gìn khẩu nghiệp như vậy.

Để tâm được thanh tịnh, Hòa thượng dạy đừng nói, khóa miệng lại, làm thinh. Nhờ tu pháp này, tôi chuyển khẩu nghiệp trở thành ông đạo ít nói. Chỗ nói nhiều thì không có tôi. Thực tế cho thấy ông đạo nào ưa dụm lại nói chuyện đời, đi học thấy gì, về chùa đem ra kể tùm lum, một thời gian sau ông này hết tu, ra đời.

Đầu tiên, tu khóa miệng. Hòa thượng Huệ Hưng đặc biệt thường ít nói. Có lần ở trong đại chúng, ngài nói lỡ lời nên sám hối bằng cách tịnh khẩu ba năm không nói, người tu phải như vậy.

Tu hành, tịnh khẩu nghiệp suốt thời gian dài để miệng quen không nói. Và gặp thiện tri thức khai ngộ nên sử dụng miệng nói lời của Phật, của Thánh. Phật tử tu chuyển nghiệp chỉ nói lời Phật, lời Thánh, lời Tổ thì những lời nói này đem vô lưu trữ trong tiềm thức của mình.

Đọc kinh Phật đem vô tiềm thức thì về sau, chúng ta nói gì cũng gắn liền với Phật là trở thành Hiền thì không còn nói sai mà chỉ nói lời hữu ích cho người.

Tôi nhớ đọc cuộc đời hành đạo của ngài Thế Thân, vị này xuất thân từ Bà la môn hay chống phá Phật pháp. Khi gặp Phật pháp thấy hay quá, nhớ lại trước kia mình đã nói sai, nên Ngài phát nguyện cắt lưỡi để sám hối tội phỉ báng Phật pháp.

May gặp được ngài Vô Trước dạy rằng lưỡi đâu có tội, lỗi là do nghiệp thức bên trong, nên chuyển nghiệp bên trong. Vì nhận thấy nghiệp trước ác là nghiệp phỉ báng pháp Phật và nay biết Phật pháp đúng thì ông nên dùng lưỡi này để tuyên dương Phật pháp; đó là cách sám hối tốt nhất.

Kinh Bảo Tích nói rằng ác ma chuyên nói xấu Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nên bảo ác ma nói lại, nghĩa là anh đã hiểu Phật rồi thì dùng lưỡi đó ca ngợi Phật để sám hối.

Và nghiệp bên trong thay đổi là nghiệp thức chứa đầy ắp Phật pháp thì nói gì cũng là Phật pháp.

Vì vậy, lấy kinh Phật để xóa nghiệp ác tích lũy nhiều đời và xóa được nghiệp ác rồi thì đem Phật pháp vô lòng, đó là cách tu của Phật A Di Đà, của Bồ tát Quán Tự Tại…, hay tất cả chư Phật đều tu như vậy, tức đem Phật vô lòng, nghe Phật thuyết pháp trong lòng.

Tóm lại, các Phật tử chuyển nghiệp bằng cách đem Phật pháp vô tâm mình. Đầu tiên xóa nghiệp ác, sau chuyển thành nghiệp thiện. Đó cũng chính là pháp tu của tôi đã thể nghiệm, nhờ lòng tôi có Phật, có Bồ tát khiến tôi nhớ Phật, Bồ tát đã nói, đã làm những việc tốt như vậy thì mình cũng phải nói, phải làm giống như các Ngài. Đến lúc người ta quý mình, vì thấy mình ít nói, siêng năng làm, nhờ Phật bên trong chuyển hóa tâm chúng ta và thể hiện ra lời nói, hành động chúng ta giống Phật.

Người tu tâm là Thiền, thân làm giống Phật, vì lòng nghĩ đến Phật là nghĩ Phật tại thế làm gì, mình cũng làm như thế, thì đúng và đem lợi ích cho người. Người như vậy, được Phật xoa đầu và trao y bát; nhưng cũng có người tu không được Phật xoa đầu, không được Phật trao y bát.

Thầy nào tu mà được Phật xoa đầu, khen Thiện tai và trao y bát thì tà ma ngoại đạo tự tránh xa, nếu ở chỗ vắng vẻ, Phật sai chư Thiên cúng dường và Hộ pháp long thiên giữ gìn; vì tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, giảng pháp chân thật, khai thị Nhất thừa.

Người chưa được Phật xoa đầu, ra ngoài là bỏ mạng, rồi nói là tử vì đạo là sai lầm lớn.

Phật không bảo mình đi, nhưng có trí giác sẽ biết chỗ nên tránh, chỗ nên tới. Và được Phật truyền bình bát thì ông này không giữ của cải, nhưng không bao giờ đói, ở bất cứ nơi đâu, Phật sai người, hay chư Thiên đến cúng. Trái lại, người tu nhưng giữ nguyên tánh ác xấu và không làm việc lợi ích gì cho đời, cho đạo, dù tu bao nhiêu kiếp cũng chỉ là thây ma trong biển Phật pháp.

Các Phật tử cần chuyển nghiệp thức bằng cách đem Phật pháp vô lòng để chuyển bên trong và thể hiện thành lời nói, hành động đúng đắn, lợi ích cho người. Như vậy là đi đúng lộ trình Phật, chắc chắn thành Phật. Cầu nguyện tất cả mọi người tu học theo Phật đều là Phật trong tương lai.  
 
Trích từ: https://daotrangphaphoa.net/


Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Ai Tạo Nghiệp?, Thiện Phúc
2.    Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Thích Giác Nguyên, Việt Dịch
3.    Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp Hòa Thượng Hải Hiền, Đệ Tử Hòa thượng Hải Hiền kết tập | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
4.    Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
5.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
6.    Dược Sư Kinh Sám, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
7.    Kinh Bồ Tát Di Lặc Hỏi Đức Phật Về Bổn Nguyện, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc, Việt Dịch
8.    Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Đời Tùy Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Đăng | Thích Thiện Thông, Việt Dịch
9.    Kinh Dược Sư, Hòa Thượng Thích Tuệ Nhuận, Việt Dịch
10.    Kinh Dược Sư dịch giảng, Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa, Việt Dịch
11.    Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, Thích Hằng Quang, Việt Dịch
12.    Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Hòa Thượng Thích Huyền Dung, Việt Dịch
13.    Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức, Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch
14.    Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo Giảng Giải Trọn Bộ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Vọng Tây, Việt Dịch
15.    Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
16.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Pháp Sư Thích Khoan Nghiêm Ghi | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
17.    Thiện Ác Nghiệp Báo, Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch
18.    Tiểu Sử Và Công Hạnh Của Di Lặc Bồ Tát, Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ
19.    Tổng Quan Về Nghiệp, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
20.    Trực Giải Kinh Dược Sư, Tỳ Kheo Linh Diệu, Tông Thiên Thai | Thích Thọ Phước, Việt Dịch