Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Khau-Nghiep-La-Rat-De-Dang-Tao
Nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh thì phải hết sức cẩn thận khi ăn thức ăn. Nếu bạn muốn cả đời bình an, thì lời nói của bạn phải cẩn thận, quyết định không nên tổn người, quyết định không nên tạo ác nghiệp. Phải giữ lấy không vọng ngữ, không vọng ngữ thì có lợi ích lớn đối với chính mình. Không hai lưỡi, quyết không nên khiêu khích phải quấy, cho dù xem thấy có những sự việc không đúng pháp, chúng ta không chân thật hiểu rõ chân tướng sự thật thì không được tùy tiện mà nói ra. Nhất định phải đem chân tướng sự thật làm cho rõ ràng, đáng nên nói thế nào thì mới nên nói như thế đó. Chúng ta là phàm phu mắt thịt, cho nên xem thấy Phật Bồ Tát có rất nhiều hành trì dường như là không đúng pháp. Kỳ thật, không phải vậy. Họ không có lỗi lầm, chính chúng ta có lỗi lầm, còn khiêu khích phải quấy, tạo nghiệp thì rất là nặng. Trong gia đình mà khiêu khích phải quấy, làm cho người cả nhà bất hòa thì phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả. Trong một đoàn thể mà khiêu khích phải quấy, làm cho đoàn thể này bất hòa, nếu là đoàn thể Phật giáo là phạm tội “phá hòa hợp tăng”. Tội lỗi của phá hòa hợp tăng là đọa A Tỳ địa ngục.

Phật nói ở trong “Giới kinh”, năm điều nghiệp nhân đọa A Tỳ địa ngục là giết phụ thân, giết mẫu thân, giết A La Hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp tăng (phá hòa hợp tăng là ưa thích khiêu khích phải quấy). Do đó, trong tăng đoàn, tuy là có những sự việc không đúng pháp, chúng ta thấy rồi cũng không dám nói. Tại vì sao không dám nói? Sợ làm cho tăng đoàn phân chia, chúng ta là người nói ra, sẽ có trách nhiệm. Khi chúng ta xem thấy sự việc này thì chỉ có thể khuyên bảo riêng tư, qui quá khuyến thiện. Khuyên bảo không nghe, chúng ta rời khỏi thì tốt rồi, quyết không nên có một câu phê bình. Vì sao vậy? Nếu như bạn ở bên ngoài phê bình tăng đoàn này, thì bạn sẽ làm cho tín chúng mất lòng tin đối với tăng đoàn, vẫn là phá hoại tăng đoàn. Trách nhiệm nhân quả này quá to quá lớn, nhưng hiện tại rất nhiều người không biết. Bất cứ một đoàn thể nào, chúng ta đều hy vọng họ có thể hòa thuận với nhau, không nên phân hóa, không được phá hoại. Ở chỗ lớn hơn mà nói, đó là đoàn thể của chủng tộc, đoàn thể của tôn giáo, đoàn thể của quốc gia, nhất định phải nghĩ.

Ác ý, gây rối, sanh sự, như vậy quả báo càng nghiêm trọng. Thêu dệt là lời nói ngon ngọt lừa gạt chúng sanh, mê hoặc chúng sanh. Ác khẩu là lời nói thô lỗ, rất dễ dàng làm tổn thương người; bất tri bất giác tổn hại người khác mà chính mình vẫn là không biết. Đây đều là làm chướng ngại với chính mình, nhất định phải biết để ngăn ngừa. Khi muốn nói chuyện, Phu Tử nói: “Tái tư khả hỉ”, nghĩ lại xem có nên nói lời nói này hay không. Chánh ngữ phải từ ngay chỗ này mà tu.

Nếu đạo tràng của chúng ta có kẻ như thế đến nhiễu loạn, kẻ ấy muốn chửi bới, cứ để cho hắn chửi. Cứ để mặc hắn, chúng ta hãy khéo niệm Phật. Kẻ ấy chửi mệt rồi, tự nhiên sẽ bỏ đi. Đến chửi mấy lần đều chẳng có hiệu quả gì, kẻ ấy sẽ chẳng đến nữa. Chớ nên cãi lộn với kẻ ấy, càng cãi cọ, càng thêm khúc mắc! Sau khi cãi vã, cảnh sát ở bên ngoài tới, ký giả báo chí tìm tới, hình tượng đạo tràng của chúng ta bị phá hoại, người bị tổn thất thật sự là chúng ta, kẻ đó chẳng bị tổn thất! Nhưng chúng ta bỏ mặc đó, chẳng quan tâm tới, mặc kệ các ngươi muốn làm sao thì làm! Chửi cũng chẳng cãi lại, bị đánh cũng không đập trả, dường như là chúng ta bị thua thiệt đôi chút. Trên thực tế là chiếm đại tiện nghi. Truyền ra ngoài, người ta sẽ nói: “Người trong đạo tràng ấy có tu dưỡng. Người trong đạo tràng ấy là người tốt”, người bên ngoài tán thán quý vị. Mọi người từ bên ngoài sẽ đến chỗ quý vị học tập. Ở chỗ quý vị thật sự có đạo! Vì đối với những chuyện này, chúng tôi học Phật trong nửa thế kỷ qua, đã gặp rất nhiều. Khá nhiều đồng tu chẳng biết xử lý như thế nào, cảm thấy rất ưu lự, rất phiền não! Thật ra, những nỗi phiền não ấy chẳng có! Nếu chúng ta ưu lự, phiền não, chúng ta đã bị lừa, vì sao? Họ đã đạt mục đích. Nếu chẳng có chuyện ấy, hết thảy hành vi của kẻ đó chẳng khởi tác dụng. Chẳng khởi tác dụng, họ sẽ không làm. Chính họ cũng biết chuyện ấy chẳng phải là chuyện tốt đẹp, họ hy vọng sẽ có thể đạt được hiệu quả, thế mà chẳng có hiệu quả, họ còn thực hiện để làm gì? Chẳng làm!

Sống trong thế giới này chẳng lâu, ta sẽ rời đi, còn so đo với những kẻ kiếm chuyện gây phiền phức trong thế giới này nữa hay không? Chẳng cần nữa! Bất luận kẻ kiếm chuyện gây phiền phức to lớn cỡ nào, quý vị cũng đều chẳng so đo, sẽ là tâm bình khí hòa. Quý vị còn ham hố thế giới này, chứ tôi ngay lập tức sẽ ra đi. Dẫu người đó giết tôi, tôi hết sức cảm kích người đó. Vì sao? Người đó khiến cho tôi ra đi ngay lập tức, đúng là đưa tôi sang thế giới Cực Lạc. Nếu không, tôi còn phải ở lại đôi ba năm. Người ấy giết tôi chết, tôi lập tức ra đi. Chẳng có mảy may tâm oán hận, chẳng có mảy may ý niệm báo thù, quý vị mới có thể vãng sanh. Nếu quý vị oán hận, muốn báo thù, thôi rồi, quý vị vẫn đọa trong tam đồ, sau đấy, tìm cơ hội để báo thù. Sai mất rồi! Cơ hội làm Phật trăm ngàn vạn kiếp khó gặp, há nên dễ dãi vứt bỏ? Đó là nghiệp chướng sâu nặng, thật sự sai lầm!

Do vậy, học Phật thì chúng ta nhất định phải chuyển ý niệm, đó là chuyện cơ bản! Đối với chuyện dạy học, tôi đã nói với khá nhiều người theo đuổi công tác giáo dục.

Đức Phật dạy người tu hành đừng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu, chẳng nói thêu dệt, phải làm được những điều trên đây thì mới được. Đối với thiện nhân là như thế, mà đối với ác nhân cũng là như thế. Tôi học Phật đã nhiều năm ngần ấy. Hơn hai mươi năm trước, ở Mỹ, đã viết một đôi câu đối như thế này, nay đang treo trong Phật đường, đấy chính là tâm đắc học Phật của tôi. Chúng ta dùng cái tâm gì để đối với người, đối với sự, đối với vật? “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Dùng thái độ gì để xử thế? “Khán phá, phóng hạ, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”(Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật). Quý vị hỏi về sự tu học của tôi ư? Sự tu học của tôi là hai mươi chữ ấy. Học Phật năm mươi bốn năm, chẳng lìa khỏi hai mươi chữ ấy. Vì thế, gặp bất cứ cảnh giới nào, tôi đều có thể chuyển”. Chuyển”thì công phu cao hơn chịu đựng, nhường nhịn một bậc. Chịu đựng, nhường nhịn thì quý vị hãy còn chấp tướng, còn đang chế phục phiền não, còn đang đè nén. Khi chuyển, sẽ là chuyển biến, chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, chuyển cảnh giới. Hai mươi chữ ấy là điểm chuyển đổi của tôi, vĩnh hằng bất biến.

 
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
2 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
3 Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
4 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
5 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
6 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
7 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc, Hòa Thượng Thích Tịnh Không Tải Về