Home > Khai Thị Phật Học
Ngu Cái Khôn Và Khôn Cái Ngu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, giới thứ 20 dạy người thọ giớ Bồ tát phải hành phóng sinh, nội dung như sau :

20. Giới không phóng sanh :

Nếu là Phật Tử, hãy vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh. Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sanh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ ! Thường đem giới Bồ Tát giảng dạy để cứu độ chúng sanh.

Nếu ngày cha mẹ hay anh chị em chết, nên thỉnh Pháp Sư giảng Kinh Luật Bồ Tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, hoặc được vãng sanh Tịnh Độ ra mắt chư Phật, hay thác sanh trong cõi Trời, cõi Người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật Tử này phạm "Khinh cấu tội".

Ngoài những lý do trong giới nêu lên, phóng sinh còn là một trong các pháp tu tập bi tâm trọng yếu của hạnh Bồ tát.

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ quan thiết giữa Bồ tát đại bi tâm với giới pháp phóng sinh, chúng ta cần thông suốt các vấn đề sau :

Thứ nhất, Bồ tát và đại bi tâm

Bồ đề Tát đỏa gọi tắt là Bồ tát dịch nghĩa là chúng sinh phát đại đạo tâm (bồ đề tâm). Nói rõ hơn khi một chúng sinh phát đại đạo tâm thì chúng sinh ấy được gọi là Bồ tát, và Bồ tát nếu không phát tâm thì gọi là chúng sinh. Sự khác biệt giữa chúng sinh và Bồ tát đơn thuần chỉ do nơi có phát đại đạo tâm hay không.

Nếu không có đại bi tất không có Bồ tát, và nếu không phải là Bồ tát tất không có đai bi. Như có bò thì có sữa, không bò thì không sữa.

Đại bi là điểm đặc thù của Phật giáo đại thừa, đại bi là tinh thần độ nhất thiết chúng sinh chỉ có trong đại thừa. Sự cứu vớt của mọi Thượng đế trong các tôn giáo cũng cực kì giới hạn, chỉ một số người được cứu về cõi thiên đường, chốn cao nhất trong thế giới sinh diệt. Thượng đế không cứu được các loài khác và cũng không cứu được ai ra khỏi chốn sinh diệt.

Đại bi tâm của Bồ tát không chỉ là cứu tinh cho loài người mà còn cho cả mọi loài, không chỉ cứu muôn loài thoát khổ thống nhất thời mà còn chấm dứt vĩnh viễn mọi khổ đau bằng trí huệ liễu sinh thoát tử.

Song đại bi với tâm là một, như vậy nhất thiết chúng sinh đều có đại bi, và như thế bất kì chúng sinh nào cũng đều có thể trở thành vị cứu chủ cho mọi chúng sinh khác, khi họ phát tâm đại bi tức đại đạo tâm. Vì vậy những ai phát tâm đều được gọi là Bồ tát, và nếp sinh hoạt mang tính huân tập đại bi cho viên mãn được gọi là Bồ tát đạo.

Khi phát tâm tu tập đại bi cần phải phát nguyện không thối thất và thường tinh tiến, do vậy mà giới Bồ tát được thành lập và thọ trì. Giới là khuôn phép ngăn không cho ra ngoài phạm vi của sự tu tập.

Trì giới Bồ tát đồng nghĩa với hành Bồ tát đạo. Bi tâm là thể của Bồ tát nên cũng là thể của Bồ tát giới và Bồ tát đạo. Giới tử cần hiểu rõ các giới điều chỉ là đại biểu và là văn tự Bồ tát giới không phải là giới Bồ tát đầy đủ chân thật. Tam tụ tịnh giới mới đích thực là giới Bồ tát đầy đủ và là chân thật giới, do vô lượng thiện phải tu và vô số ác phải trừ, cùng với vô biên chúng sinh phải độ, nên số lượng giới điều không thể lập hết được, nên chỉ đại cương nêu lên một số giới tượng trưng.

Chỉ có đại bi tâm mới đầy đủ tam tụ tịnh giới, nên tu đại bi tức Bồ tát đạo mới chính là sự trì giới chân chính nhất. Nói cách khác không hành Bồ tát đạo tất không thành Bồ tát, do đó tất nhiên Phật không thể thành và chúng sinh không thể độ.

Những giới tử Bồ tát do không chân thành phát tâm nên vẫn bị tâm vị kỷ dẫn dắt mọi tư duy và hành động ra ngoài giới pháp, chỉ làm sao có lợi cho mình hơn là cứu khổ chúng sinh, đại để như từ không thích đến không chịu phóng sinh, không phát nguyện, không làm chúng sinh lợi lạc…

Bồ tát sở dĩ thệ độ nhất thiết chúng sinh, do vì đại bi là bản tâm của Bồ tát, vì vậy mọi thiện pháp đoạn ác, hành thiện, nhiêu ích hữu tình đều là giới của Bồ tát mà không chỉ có 10 giới trọng, 48 giới khinh trong kinh Phạm võng hay 6 giới trọng, 28 giới khinh trong kinh Ưu bà tắc giới mới là giới Bồ tát. Không đoạn ác, không hành thiện, không lợi lạc chúng sinh đều phạm giới cả. Phàm tư duy hay hành động ngược với tam tụ tịnh giới, tức trái với tâm đại bi đều là ác pháp, tạo thành mọi vọng nghiệp.

Do vậy không phóng sinh bị coi là phạm giới.

Thứ hai, Đại đạo tâm là gì? Vì sao cần phải phát tâm?

Đại đạo tâm còn gọi là Vô thượng tâm, Bồ đề tâm hay Đại bi tâm. Tâm này dẫn đến việc thành Phật độ sinh, nên gọi là tâm đại đạo hay vô thượng. Do thành tựu "thượng cầu Phật đạo" nên gọi bồ đề tâm. Do thành tựu "hạ hóa chúng sinh" nên gọi đại bi tâm. Do thành tựu "thượng cầu hạ hóa" nên gọi vô thượng tâm hay đại đạo tâm.

Bất luận gọi tên nào đi nữa thì vẫn là một tâm duy nhất, đó là bản tâm, tên có khác theo công năng nhưng vẫn chỉ là một tâm. Tâm này là nhân cho Phật quả nên gọi là bồ đề. Tâm này là chỗ nương tựa để thoát ly khổ đau của muôn loài nên gọi là đại bi. Vì vậy để được giải thoát và giải thoát cho muôn loài, đệ tử Phật phải phát tâm bồ đề đại bi gọi chung là tâm đại đạo hay vô thượng này.

Đại thừa nhận tâm này là bản (gốc) của vạn pháp. Do bản tâm là căn nguyên (nguồn cội) của trên từ chư Phật dưới đến mọi hữu tình, nhất nhất đều bình đẳng. Nhận chân bản tâm là bậc chính giác không điên đảo, gọi là Phật, ngược lại mê mất bản tâm tức điên đảo, gọi là chúng sinh.

Bản tâm vốn sẵn đại bi, đại giác, đại công đức, nên nếu mê thất tâm này tất nhiên mất sạch đại bi, đại giác, đại công đức thành kẻ phàm phu vô minh đọa lạc thường được gọi là chúng sinh. Chúng sinh muốn tu hành thành Phật chỉ cần nhận chân được bản tâm thanh tịnh xưa nay của mình, thuật ngữ trong Thiền tông gọi tâm ấy là "bản lai diện mục", muốn nhận chân tất cần phải phát tâm.

Giáo pháp thật đại thừa trong Kinh Pháp Hoa coi việc tu thành Phật quả là quy bản (về gốc), kinh dụ chúng sinh là cùng tử, chư Phật là trưởng giả. Cùng tử một khi về lại nguồn gốc trưởng giả thì không còn là cùng tử nữa.

Bản tâm là căn nguyên của vấn đề mê ngộ, để giải quyết bệnh mê, những kẻ mê phải hồi tâm chuyển tính, bỏ tâm tham si ác hại, phát tâm bồ đề để khôi phục dần bản tâm thanh tịnh đánh mất lâu nay. Vì vậy đại thừa Phật pháp luôn đề cao việc phát tâm, và trong mọi kinh điển đại thừa chúng ta thường thấy bất cứ ai đối trước đức Phật phát bồ đề tâm đều được ngài thọ kí thành Phật trong tương lai.

Thiền tông còn được gọi là Tâm tông vì đặt trọng tâm tu hành vào việc "kiến tính thành Phật". Kiến tính có nghĩa nhận ra Phật tính tức bản tâm. Tổ sư thiền thường dùng cụm từ "bản lai diện mục" có nghĩa khuôn mặt xưa nay từ trước khi ta hiện hữu, để chỉ cho bản tâm Phật tính. Sự giác ngộ chính là việc nhận ra bản lai diện mục tức bản tâm, ngoài ra không có sự giác ngộ nào khác. Do đó Đạt Ma tổ sư nhấn mạnh "hàng bạch y cư sĩ nếu nhận ra tự tính (bản tâm) cũng sẽ thành Phật, hàng xuất gia không nhận ra tự tính thì chỉ đồng với ngoại đạo".

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói "bất thức bản tâm học pháp vô ích" không rõ bản tâm thì mọi học pháp đều vô ích. Ngũ tổ nhấn mạnh "nếu nương lời dạy nhận ra tự tâm, thấy được tự tính, thì thành bậc trượng phu trong cõi trời người".

Bản tâm gồm đủ ba đức tính còn gọi là tam thân. Thứ nhất là bản lai Phật tức pháp thân. Thứ hai là công đức "thượng cầu hạ hóa" tức báo thân. Thứ ba là độ sinh tức hóa thân.

Vì vậy hết mọi công đức, trí huệ từ bi thảy đều sẵn đủ nơi bản tâm, thế nên hễ nhận chân và phát tâm thì thành tựu hết mọi công đức. Tứ tổ Đạo Tín nói "Hằng sa công đức tổng tại tâm nguyên, thần thông diệu dụng chỉ tại nễ tâm" vô lượng công đức đều sẵn trong nguồn tâm, thần thông diệu dụng cũng ở tâm ấy".

Đã biết bản tâm thanh tịnh vốn sẵn có trong mọi chúng sinh, không từ ngoài vào, vì thế người học đạo cần phải tiên quyết phát tâm, rồi mới tu học thực hành tâm này sao cho liễu tri viên mãn, sự tu học này là Bồ tát đạo. Vì vậy tự quy y Phật tức quay về với bản tâm cần phải tiên phát vô thượng tâm, mới có thể thực hành tu tập vô lượng các pháp thanh tịnh tự lợi lợi tha của bản tâm gọi là tự quy y pháp, nhờ vậy thành tựu năng lực thống lý và độ tận chúng sinh, gọi là tự quy tăng. Ngoài quá trình trên khg có sự thành Phật độ sinh nào khác. Bởi tam bảo là dụng, bản tâm là thể. Lìa bản tâm không có tam bảo, lìa tam bảo không có bản tâm.

Do vậy Bồ đề tâm hay Đại bi tâm là thể của Bồ tát giới, không có tâm đại bi tất không có giới Bồ tát, chính vì thế phàm không phát tâm khi thọ giới thì không đắc giới vì giới thể không thành, thậm chí không phát tâm thì không có ngày thành quả bồ đề. Thế tôn tuyên thuyết "A Dật Đa! Thí như không bò tất không có đề hồ, do vậy nếu không có Bồ tát phát tâm, ắt không có Phật chủng".

Tóm lại không phát tâm ắt không có Bồ tát, không Bồ tát sẽ không có đại thừa, không đại thừa tất không có việc thành Phật và độ sinh. vì vậy phát tâm là cánh cửa chính yếu nhất để vào đạo như lời dậy của Liên tông thập nhất tổ Tỉnh Am nói "nhập đạo yếu môn phát tâm vi thủ" cánh cửa quan trọng nhất để vào đạo chính là phát tâm.

Thế nên đồ chúng đại thừa không thể không phát tâm. Học đại thừa đề thành Phật độ sinh mà né tránh hoặc chối từ phát tâm thì cái tu học ấy không phải là đại thừa nữa, có khác nào kẻ nghiên cứu tìm tòi bản đồ và cách thức đến kho tàng nhưng lại không hề có ý định lên đường và thực hiện, xem ra mọi nghiên cứu ấy là ngốc nghếch mất thời gian và vô nghĩa.

Bồ đề tát đỏa mới chính là người tu học đại thừa, Bồ tát đạo mới thật sự là pháp môn tu học đại thừa, Bồ tát giới của đại thừa mới là giới thanh tịnh viên mãn nhất.

Thứ ba, Giới là gì? Vì sao phải thọ giới?

Giới là khuôn khổ phạm vi sinh hoạt của ba nghiệp, ngăn không để ba nghiệp mê muội buông lung theo tham sân vị kỷ gây hại cho bản thân và tha nhân. Đại để như pháp luật là giới của một đất nước, và mọi công dân đều phải tiếp thọ và tuân hành không được vượt khỏi phạm vi pháp luật này. Hành giả lãnh thọ giới pháp là để tham gia vào quốc độ thuần thiện không có ác hại, như thế họ phải tuân thủ pháp luật của nơi ấy, tựa như tới đâu phải tuân luật đó.

Giới luật cũng như pháp luật có giá trị gìn giữ an toàn cho ta và mọi người, thế gian thường coi nơi không có luật là chốn bất ổn, chốn ấy có luật rừng xanh ngang bằng với thế giới của súc sinh.

Thọ giới giúp chúng ta thường sinh vào chốn bình yên, nơi ai cũng tuân thủ thiện giới, người không thích giới sẽ sinh vào thế giới hoang dã không có giới luật. Vì vậy cần nên thọ giới,

Giới có hai đặc tính là tiếp thọ giới và trì giữ giới, gọi chung là thọ trì giới. Khởi đầu là tiếp thọ giới pháp, sau đó là trì giữ trong ba nghiệp không để cho mất giới. Lãnh thọ giới pháp là sự phát tâm, nguyện giữ không cho giới mất là lập nguyện. Phát tâm và lập nguyện là hai thực thể quyết định cho sự thành tựu giới pháp. Cho dù có giới pháp mà không phát tâm hay thiếu lập nguyện thì giới pháp sẽ vô tác dụng, cũng vậy hành giả thọ giới mà không phát tâm hay nguyện giữ thì giới vô hiệu nơi họ. Vì vậy có phát tâm và phát nguyện giới mới thành tựu, đặc biệt là phát bồ đề tâm, hành bồ đề nguyện khi thọ giới Bồ tát.

Trong muôn loài con người là tối linh nhờ vào trí khôn. Con người không chạy nhanh như ngựa, không khỏe bằng voi, không biết bay như chim, lặn như cá, nhưng chẳng loài nào khôn qua loài người. Dựa vào trí khôn con người thống lĩnh muôn loài, và rồi nhanh hơn ngựa, khỏe hơn voi, bay cao hơn chim, lặn sâu hơn cá. Mọi sức mạnh đều từ trí huệ sinh.

Song trí huệ có hai mặt, mặt có ích cho mọi loài gọi là thiện huệ hay chính huệ, mặt vì lợi kỉ gây tổn hại cho sinh linh gọi là ác huệ hay tà huệ.

Trí khôn không tuyệt đối đem lại lợi ích, biết bao chiến tranh, chết chóc, đau thương, thống khổ do trí khôn gây ra, khi nó đi ra khỏi quỹ đạo của thiện pháp. Phật pháp gọi trí khôn phi thiện gây thảm họa cho muôn loài này là tà trí, tà huệ, thậm chí là ngu si và tham sân.

Giới là quy củ và phép tắc của thiện pháp. Trí khôn nếu được đặt vào khuôn phép thiện này sẽ sản sinh ra mọi tác dụng an lạc, lợi người lợi ta. Phật pháp gọi trí khôn này là thiện huệ, chính trí.

Do chúng sinh bao kiếp si mê vị kỉ, tăng trưởng tà trí thứ trí phi giới, gây họa cho bản thân và muôn loài, mọi cử chỉ động niệm đều mưu tính hại người đoạt lợi, khắp thiên hạ ai ai cũng vậy khiến thế giới thành chốn nhà lửa hiểm nguy.

Muốn thế giới hòa bình chúng sinh an lạc, chỉ cần xoay tâm đổi tính từ chỗ vị kỷ chuyển thành vị tha, thì địa ngục bỗng chốc hóa thiên đường, chúng sinh đều thành thánh chúng.

Song muốn thay tâm cần phải phát tâm "xả kỷ hướng tha""đoạn tâm ác, khởi tâm thiện", và để cho sự phát tâm vững bền cần lập nguyện trì giữ sự "đoạn ác hành thiện". Vì vậy Tỉnh Am đại sư dạy "Phát tâm là cửa chính yếu để vào đạo. Lập nguyện là sự tu cấp bách nhất phải hành". Đây là lý do cần có giới và cần phải giữ giới.

Đức Phật liễu tri nhân quả đặt ra khuôn phép thiện nhân thiện quả, dạy đồ chúng phát tâm lập nguyện theo đó thọ trì không được vượt qua gọi đó là giới luật.

Thọ trì giới luật để góp phần tạo nên một thế giới yên bình, chúng sinh an lạc. Tuân thủ giới pháp để thành tựu thiện huệ lợi mình lợi người. Cao thượng hơn nữa là nhờ vào sự thọ trì viên mãn, tịnh giới sẽ đưa ta và chúng sinh đến chốn giác ngộ.

Trong muôn loài chỉ có loài người có đủ trí huệ để hiểu biết về giới, vì vậy người là tối linh trong muôn loài. Người càng có giới, càng cao thượng, quốc gia nào càng tuân thủ luật pháp quốc gia ấy càng văn minh hùng mạnh. Vì vậy giới là nền tảng để sinh làm người, cũng như luật pháp là nền tảng cho sự an ninh và thịnh vượng của một quốc gia.

Kết luận trí khôn + giới = chính trí huệ, lợi ta lợi người.
Trí khôn + không giới = ác huệ ngu si, hại mình hại người.
Nếu người chính trí đông, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Nếu kẻ tà trí, ác huệ đông thế giới bất an, muôn loài khổ thống. Vì vậy muốn an lạc thì chọn giới, muốn nguy nàn thì tránh giới.

Thứ tư, Sự khác biệt giữa đại thừa và tiểu thừa giới.

Toàn bộ giới pháp của đạo Phật được chia làm ba nhóm gọi là tam tụ tịnh giới, bao gồm nhóm thứ nhất đoạn hết mọi ác gọi là nhiếp luật nghi giới, nhóm thứ hai hành mọi việc thiện lớn nhỏ gọi là nhiếp thiện pháp giới, nhóm thứ ba làm mọi điều lợi lạc cho chúng sinh gọi là nhiêu ích hữu tình giới.

Về hình thức, giới của Phật giáo có hai loại là giới của tiểu thừa và đại thừa. Tiểu thừa và đại thừa giới có nhiều điểm khác về cả nội dung lẫn hình thức. Ở đây chỉ bàn đến một số khác biệt căn bản mà không đi vào chi tiết.

Khác biệt về nội dung giữa Thanh văn và Bồ tát giới.

Tiểu thừa giới hay Thanh văn giới là mọi giới thường gặp như Ngũ giới, Bát giới, Sa di cho đến Tỳ kheo giới. Các giới này chú trọng về mặt nhiếp luật nghi giới, chuyên đoạn mọi ác, có công năng phòng phi chỉ ác giúp hành giả chặn được mọi sự sai quấy, dừng được các việc ác, để thiện hóa thân tâm. Giới này của hàng tu Thanh văn thuộc về tự lợi hơn lợi tha. Hành giả thọ trì giới này được riêng giải thoát nên giới này còn gọi là Biệt giải thoát giới.

Đại thừa giới là Bồ tát giới. Phàm đã gọi là giới của Bồ tát, hẳn nhiên phải phát đại đạo tâm thệ thành Phật đạo và nguyện độ nhất thiết chúng sinh. Diễn Bồi pháp sư nói : "Ðại Thừa Phật giáo lấy sự phát tâm Bồ đề làm căn bản, thế nên lấy tâm Bồ đề làm giới thể của Ðại thừa Bồ tát giới. Vì vậy nếu như không phát tâm Bồ đề thì dù có nghiêm trì tịnh giới, cũng chỉ là giới của thế tục".

Ngoài việc phòng phi chỉ ác tiêu cực như nguyện đoạn nhất thiết ác thuộc nhiếp luật nghi giới của Thanh văn, đại thừa Bồ tát giới còn tích cực trang nghiêm thân tâm bằng công đức nguyện tu nhất thiết thiện của nhiếp thiện pháp giới, và nguyện độ nhất thiết chúng sinh của nhiêu ích hữu tình giới. Giới này của hàng tu đại thừa thuộc tự lợi lẫn lợi tha, và đây là con đường dẫn đến sự thành Phật và độ sinh, đưa chúng sinh qua bờ giải thoát.

Thanh văn giới chỉ giới hạn trong phạm vi "phòng phi chỉ ác" coi trọng vấn đề đoạn nhất thiết ác, ví dụ như chỉ không sát sinh, Bồ tát giới thì không chỉ đoạn mọi ác còn thúc đẩy hành giả hành mọi điều thiện, như không những không sát sinh lại còn phóng sinh, và coi trọng việc độ nhất thiết chúng sinh, như chỉ dạy chúng sinh tạo mọi phúc báo ( lợi sinh) phát tâm đoạn ác (bất sát), hành thiện (thường phóng sinh).

Như vậy Thanh văn giới chỉ bao quát một tụ trong ba tụ tịnh giới là nhiếp luật nghi giới, trong khi Bồ tát giới gồm đủ cả ba tụ tịnh giới. Vì thế thật sự mà nói khi thọ giới Bồ tát thì không cần thọ Tỳ kheo giới vì Bồ tát giới nhiếp trọn Thanh văn giới, nhưng do hoàn cảnh và căn cơ chúng sinh quá ư cùng tử không dám phát tâm, nên tiểu thừa giới và tiểu thừa pháp rất cần thiết để giáo hóa chúng sinh cõi Nam diêm phù đề, còn như các cõi tịnh độ đều toàn hàng phát đại đạo tâm, đại thừa Bồ tát nên không hề có tiểu pháp tiểu giới ở đó.

Đại sư Diễn Bồi thuyết minh "Chí hướng Ðại thừa cốt ở lợi tha, nếu không phát tâm Bồ đề thì không thể nào mang sự lợi ích phổ biến rộng rãi cho khắp chúng sanh. Cho nên, Bồ tát vì muốn lợi ích chúng sanh, nếu có thể không rời Bồ đề nguyện, thì mới gọi là tịnh giới đầy đủ vậy".

Trong số người thọ Bồ tát giới có rất ít người phát tâm, vì vậy kể từ khi thọ giới họ không thành tựu được bất kì công đức nào của tam tụ tịnh giới mà họ đã may mắn được thọ. Tất cả những gì họ làm đề trì giới là tụng giới theo định kỳ, còn sự đoạn ác hành thiện và lợi sinh cứ ý như là chuyện không liên quan gì đến Bồ tát giới.

Tụng giới chẳng qua chỉ để tự nhắc nhở đừng quên hành động, bởi mọi công đức đều thuộc về hành, chẳng hạn như gieo hạt thì có quả, không thể cứ nói cách gieo thì quả sẽ thành.

Thanh văn giới là giới tận hình thọ vì khi hành giả thọ giới thì giới thể tức công năng phòng phi chỉ ác mới phát sinh, nên thuộc giới Tân đắc. Có đắc nên có thất, khi phạm giới hay lúc mạng chung thì mất giới.

Khác với Thanh văn giới tận hình thọ, Bồ tát giới là giới cùng tận vị lai, do vì dùng tâm làm giới thể, nên từ khi phát tâm thọ giới, tâm ấy tức giới thể hiện thành trải qua biết bao kiếp sinh tử vẫn tồn tại không mất. Cho dù có phạm trọng giới, giới thể vẫn hồi phục nếu sám hối đúng pháp.

Thanh văn giới được chế lập theo nhân duyên, tức là khi nào xẩy ra sự cố đức Phật mới chế giới. Bồ tát giới không cần đến nhân duyên chế lập, vì tam tụ tịnh giới của Bồ tát giới vốn sẵn có đủ trong tâm, từ công năng “phòng phi chỉ ác”“từ bi lợi vật”, cho đến “vô biên công đức thanh tịnh độ sinh". Do giới sẵn đủ nơi tâm và từ tâm phát sinh ra nên gọi là huân phát, không giống giới tân đắc của Thanh văn. Đây là lý do giới thể tâm địa của Bồ tát giới không mất theo thời gian. Nếu giới thể được thọ trì tương tục không gián đoạn, thì hành giả sẽ thành tựu pháp thân thanh tịnh.

Do Bồ tát giới lấy bản tâm thanh tịnh là giới thể nên sau khi mạng chung giới thể hiện đời vẫn không mất. Kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc thuyết minh: “Giới phẩm của tất cả hàng Bồ Tát, bất luận phàm hay thánh, đều lấy tự tâm làm thể, vì tâm vô tận nên giới thể cũng vô tận”. Đời sau giả như có quên mất mình đã thọ giới trong đời trước, mà thọ giới lại thì đó cũng chỉ làm cho các giới đức ấy huân phát và tăng trưởng mạnh mẽ hơn, trường hợp này gọi là duyên tăng thượng của giới thể mà không hề là giới thể tân đắc như trường hợp Thanh văn giới.

Cho nên kinh nói: “Giới Bồ Tát có pháp thọ mà không có pháp xả; có phạm nhưng không mất giới, vì là giới thể cùng tột đến đời vị lai vậy”. Ðiều này Ấn Thuận Luận Sư nhấn mạnh như sau: “Bồ Tát từ khi mới phát tâm nhẫn lại, giới đức trong tự tâm mỗi ngày dần tăng trưởng. Hiện tại trở lại thọ giới, cũng chẳng qua là nương theo ngoại duyên để huân phát, làm cho sự huân trưởng ấy được thành thục mà thôi”.

Tuy Bồ tát giới có công đức vô thượng, là đại đạo cho Bồ tát tiến bước đến sự thành Phật độ sinh, nhưng do chúng sinh trải qua bao kiếp si mê, quên mất bản tâm thanh tịnh, khư khư ôm giữ vọng tâm tham sân, như cùng tử quên gốc trưởng giả lang thang đói khổ hạnh phúc. Nay gặp người cha trưởng giả nhắc nhở nhưng vẫn khiếp sợ không dám phát tâm đại đạo của dòng tộc trưởng giả, mà chỉ dám xin được tiểu quả, vi vậy đức Phật tùy thuận bầy tiểu pháp, lập tiểu giới.

Vì là tiểu pháp, tiểu giới nên không thể thành tựu đại hùng, đại lực, đại từ bi và đai công đức để thành tựu bồ đề quả độ nhất thiết chúng sinh. Hành giả tiểu thừa chỉ chứng cao nhất là A la hán, chì khi nào A la hán phát tâm bồ đề khí tiểu quy đại, mới thành Phật quả.

A la hán chỉ cần phát đại đạo tâm, Thanh văn giới lập tức trở thành Bồ tát giới, và La hán liền thành Bồ tát, con đường thành Phật độ sinh tức thì hiện bầy. Đây là điều thường thấy trong kinh điển đại thừa khi có A la hán hay phàm phu nào đối trước Thế tôn phát bồ đề tâm đều được ngài thọ ký.

Cho nên kinh Phạm Võng miêu tả giới Bồ tát: “Thị chư Phật chi bản nguyện, hành Bồ tát đạo chi căn bổn, thị đại chúng chư Phật tử chi căn bổn” Tâm địa đại giới này là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của người hành đạo Bồ Tát, là căn bản của đại chúng.

Tóm lại điểm dị biệt giữa Thanh văn và Bồ tát giới như sau : Thanh văn giới còn gọi là Biệt giải thoát giới là giới Tân đắc và Tận hình thọ (khi mạng chung giới thể sẽ mất theo), chuyên trì Nhiếp luật nghi giới (đoạn nhất thiết ác). Cứu cánh là chứng quả A la hán.
Bồ tát giới là giới Huân phát, lấy bồ đề tâm làm giới thể và là giới tận vị lai, giới thể vĩnh viễn không mất. Giới này hành trì cả ba tụ tịnh giới. Lấy sự thành Phật độ sinh làm cứu cánh.

Sự khác biệt về hình thức giữa Thanh văn và Bồ tát giới.

Thanh văn có nhiều loại như ngũ giới tại gia và các giới xuất gia như Sa di, tỳ kheo…nên thuộc về Biệt giới. Mỗi loại giới có số giới điều khác nhau, lại chia làm tại và xuất gia, xuất gia lại chia nam và nữ giới có khác nhau nên là Biệt giới.

Giới tỳ kheo có hai trăm năm mươi giới, ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Giới tỳ kheo ni gồm ba trăm bốn mươi tám giới, tám vạn oai nghi, mười hai vạn tế hạnh. Nếu nói rộng ra thì giới của tỳ kheo và tỳ kheo ni đều là vô lượng vô biên vì tỳ kheo, tỳ kheo ni lúc thọ giới đều được pháp giới vô lượng vô biên, số lượng đồng với cảnh hư không khắp pháp giới, không một pháp nào không trọn vẹn, đầy đủ, nên mệnh danh là giới Cụ túc (đầy đủ).

Điều kiện thọ giới rất nghiêm khắc, như muôn thọ Tỳ kheo giới cần phải thọ Sa di giới trước và Tỳ kheo ni cần thọ Thức xoa trước, ngoài ra phải tuổi từ 20 đến 60, không bị khuyết tật...

Kinh Phạm Võng trước khi nói giới đức Phật dạy rằng ;

"Chúng Phật Tử lóng nghe ! Nếu là người thọ giới Bồ Tát, bất luận là Quốc vương Thái tử, các Quan chức hay Tỳ Kheo,Tỳ Kheo Ni, không luận là chư Thiên cõi Sắc, cõi Dục, không luận là hàng thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ hay hàng nô tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ thần, thần Kim Cương hay loài súc sinh nhẫn đến kẻ biến hóa hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp sư thời đều được thọ giới, và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất".

Bồ tát giới thông cho cả hai chúng tại gia và xuất gia cùng mọi chúng sinh không phân biệt nam nữ, già trẻ, có khuyết tật hay không chỉ cần phát tâm bồ đề là đủ điều kiện thọ giới và lấy tâm ấy làm giới thể. Tâm bồ đề hay Đại đạo tâm đều bình đẳng nơi mọi người bất kể là tăng hay tục, nam hay nữ, thậm chí trên từ chư Phật dưới đến chúng sinh cũng bình đẳng như nhau. Vì vậy giới này ai thọ cũng như nhau chỉ cần yếu tố phát bồ đề tâm, nên thuộc về thông giới.

Thanh văn giới xuất gia bắt buộc phải thọ giới từ chư tăng. Chỉ có các giới tại gia như ngũ giới, bát giới có thể tự thọ với điều kiện địa phương đó không có chư tăng. Cần lưu ý giới xuất gia tuyệt đối không được tự thọ, và không có trường hợp ngoại lệ nào được chấp nhận.

Bồ tát giới theo các kinh giới điều có khác như :
Kinh Phạm Võng quy định có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói là sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh.
Kinh Du Già Bồ Tát Giới nói là bốn giới trọng, bốn mươi ba giới khinh.

Ở Việt nam và Trung quốc trước kia đều dùng kinh Phạm Võng truyền Bồ tát giới cho cả hai chúng xuất gia và tại gia, gọi là Bồ tát sa di, Bồ tát tỳ kheo, Bồ tát ưu bà tắc…Sau này Thái Hư đại sư diễn giảng kinh Ưu bà tắc giới kêu gọi dùng các giới điều trong kinh này truyền cho Phật tử tại gia, nên hiện nay mới chia ra Bồ tát xuất gia thọ theo kinh Phạm võng và Bồ tát tại gia thọ theo kinh Ưu bà tắc giới. Tuy nhiên đồ chúng tại gia thọ theo kinh nào cũng vẫn đúng pháp thôi.

Điều quan trọng mà người học giới thường cần hiểu rõ là giới pháp không chỉ gói trọn trong số giới điều. Nếu quả thực vậy thì giới Tỳ kheo sao gọi là cụ túc được? Tỳ kheo giới căn bản là Nhiếp luật nghi giới đoạn hết thẩy mọi ác, mà ác pháp thì vô số không kể xiết, nên chỉ nêu lên vài giới điều đại cương. Nhiếp luật nghi giới cụ túc có nghĩa đoạn nhất thiết ác, nên những ác pháp không có trong giới điều vẫn không được phạm, ví dụ cờ gian bạc lận không có trong giới cũng không được phép làm.

Nhiếp luật nghi giới đã vậy thì Nhiếp thiện pháp giới đầy đủ cũng vậy, phải bao gồm hành nhất thiết thiện, cho dù các thiện không ghi trong giới điều cũng vẫn phải hành, nếu không giới này không hoàn hảo nên đắc khinh cấu tội. Nhiêu ích hữu tình giới cũng không ngoài tinh thần cụ túc trên.

Đại sư Diễn Bồi nói "Nhiêu ích hữu tình giới biểu thị sự việc hành giả Bồ tát lấy việc hóa độ chúng sanh làm chủ đích. Vì Bồ Tát phát tâm hóa độ chúng sanh, nếu không thực hành việc độ sanh thì đâu thể gọi là Bồ Tát?". Và như thế nếu tránh né độ sinh tất phạm khinh cấu tội.

Do đó hành giả học giới tiểu thừa phải hành đoạn mọi ác bất luận có hay không trong giới điều. Hành giả học giới Bồ tát phải hành đầy đủ tam tụ tịnh giới. Giới Bồ tát mà chỉ có vài chục giới điều thì làm gì có được công đức thành Phật độ sinh.

Vì sự kiện ấy, Ấn Thuận Luận Sư nhấn mạnh: “Thông thường thọ giới là bẩm thọ mỗi một giới điều như trong kinh văn đã dạy. Nhưng kỳ thật, thọ giới là phát khởi công năng “phòng phi chỉ ác” trong nội tâm, quyết không chỉ thu hẹp trong giới hạn của điều văn. Vì thế, hàng Phật tử bất luận xuất gia hay tại gia, xin đừng ngộ nhận những gì trong Giới Luật không đề cập đến thì quý Phật tử đều hành động được”.

Về giới thứ 20 "Không phóng sinh" thuộc kinh Phạm võng sẽ bị những người thọ giới theo kinh Ưu bà tắc cho rằng họ không thọ giới này nên không sợ phạm. Nhưng như đã được giải thích, nếu thọ Bồ tát giới mà không hành các thiện pháp thuộc về Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình đều phạm khinh giới, vì phát tâm không đủ đồng với giới thể Bồ tát không đủ.

Giới tử Bồ tát do chấp vào giới điều nên đánh mất nhiều công đức khiến chúng sinh chịu tổn thất. Như có nhiều người trong đó chê bai phóng sinh, bố thí cho là phúc báo nhân thiên không cần thiết phải hành, lại có người chủ xướng thay vì bố thí phóng sinh thì nên dồn lực cúng dường Tam bảo công đức nhiều hơn… vì vậy súc sinh và người bần cùng không được cứu giúp, và người học giới mất toi công đức.

Phẩm Bồ tát giả danh và Bồ tát thực danh thứ 8 trong kinh Ưu bà tắc giới, đức Thế Tôn dạy "Đối với Tam Bảo không sinh lòng nghi, thường ưa cúng dường. Lúc có ít tài vật, trước bố thí người nghèo, sau cúng dường Tam Bảo. Làm việc gì, trước đều vì người nghèo, sau mới vì người giàu". Lời dạy này xóa bỏ luận điệu coi thường pháp bố thí cho người bần cùng, chỉ tập trung cúng dường Tam bảo để được nhiều phúc hơn. Đồ chúng tại gia thọ Bồ tát giới từ kinh này cần thuộc lời dạy của đức Phật, nên bỏ đi các lập luận phạm khinh cấu tội kể trên, vì gây tổn thất cho chúng sinh và hành giả thì vừa phạm giới vừa mất công đức.

Phần nghi thức về giới Bồ tát được quy định như thế nào? Ðiều này trong kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc dạy rõ có 3 phẩm thọ giới gồm thượng, trung, và hạ phẩm.
Thượng phẩm : Thọ từ Phật, đức Phật dạy: “Một là giới tử lúc thọ giới, ở trước chư Phật, Bồ Tát mà bẩm thọ. Ðây thực sự là Thượng Phẩm Giới”.

Trung phẩm: Thọ từ đệ tử của Phật, đức Phật dạy: “Hai là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt. Trong vòng một ngàn dặm, nếu có vị Bồ Tát nào đã thọ giới trước thì phải thỉnh làm Pháp Sư, dạy bảo, truyền trao giới pháp cho mình. Phải thành kính đảnh lễ Pháp Sư, và tác bạch : "Kính thỉnh tôn giả làm thầy truyền trao giới pháp cho con". Giới tử đắc giới ấy gọi là Trung Phẩm giới”.

Hạ phẩm: Trong trường hợp không gặp Phật xuất thế, hoặc đã nhập diệt, trong vòng ngàn dặm cũng không có đệ tử của Phật truyền giới, Phật tử có thể đối trước hình tượng Phật bẩm thọ. Trong kinh Phật dạy: “Ba là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt, trong vòng nghìn dặm, không có Pháp Sư làm thầy truyền trao giới pháp thì nên ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát, hồ quỳ chắp tay tự thệ nguyện thọ giới. Nên tác bạch như vầy: Ðệ tử... kính bạch thập phương chư Phật và đại địa Bồ Tát, con nguyện thệ học tất cả giới của tất cả Bồ Tát. Ðây là hạ phẩm giới”.

Theo kinh Phạm Võng chỉ có hai cách thọ giới:

Tự thệ thọ giới: Ðây là trường hợp trong vòng mấy ngàn dặm, không có Pháp Sư truyền trao giới pháp. Giới điều thứ 23 trong 48 giới khinh, tuyên thuyết : “Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ Tát, thì đối trước tượng Phật cùng tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật và tượng Bồ Tát, sám hối trong bảy ngày. Nếu thấy được hảo tướng là đắc giới. Nếu chưa thấy được hảo tướng thì sám hối 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm, cầu cho được thấy hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng, thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới”.

Từ thầy thọ giới: Ðây là trường hợp có thể thỉnh được vị Pháp Sư truyền trao giới pháp. Cũng theo giới điều hai mươi ba dạy tiếp rằng: “Nếu khi đối trước vị Pháp Sư đã thọ giới Bồ Tát thì không cần thấy hảo tướng. Vì sao vậy? Vì vị Pháp Sư là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp Sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới”.

Tổng kết các điểm khác nhau về hình thức giữa hai loại giới trên như sau :

Thanh văn giới là Biệt giới bao gồm xuất gia và tại gia. Giới xuất gia không được phép tự thọ, phải thọ từ chư Tăng với nghi thức quy định nghiêm chỉnh. Giới này phân loại tăng tục, giới điều ít nhiều, cao thấp khác nhau.

Bồ tát giới là Thông giới cho tất cả mọi chúng sinh phát tâm bồ đề, không phân tăng tục ai cũng cùng thọ một giới như nhau. Giới này được phép tự thọ có điều kiện đã được nêu ở phần trên.

Thanh văn giới coi trọng nghi quy truyền và thọ giới, coi đây là sự đắc giới, nên không thể bỏ qua nghi quy này mà đắc được giới, vì thế không có biệt lệ tự thọ.
Bồ tát giới coi trọng sự phát tâm, coi đây là sự thành tựu giới đức vô tận, nên trong các điều kiện đặc thù, có thể tự thọ và vẫn đắc giới với điều kiện duy nhất là phát đại đạo tâm.

Đức Phật trong bao đời tu tập trong hoàn cảnh không có Phật ra đời, nên trong thời gian ấy ngài ngài không hề là tăng, mà hoàn toàn tu tập theo Bồ tát đạo, xả thí vô số thân mạng, tài sản để lợi lạc chúng sinh. Chúng ta cũng không thấy ngài thọ bất kì giới nào, vậy vì sao ngài tán thán giới là con đường để thành Phật?

Đó là do giới thể Bồ tát nơi ngài phát sinh tương tục qua nhiều đời, kể từ khi ngài sơ phát tâm. Bồ tát giới là giới tận vị lai, giới thể bồ đề tâm không mất, nên trong nhiều đời dù không thấy ngài thọ giới, nhưng giới thể vẫn tương tục và ngài vẫn thọ trì tích cực tam tụ tịnh giới của giới pháp Bồ tát tận vị lai. Vì Tam tụ tịnh giới có vô lượng giới điều nên đức Phật phải trải qua vô lượng đời để thực hiện, nào phải chỉ có vài chục giới đã được nêu lên khi thọ giới.

Người học giới Bồ tát thường chỉ coi trọng nghi quy còn phát tâm thì rất hời hợt, hành giả thọ Bồ tát giới nên sửa sai điều này. Tai hại hơn nữa đa phần tu sĩ đại thừa thường chỉ lo gìn giữ các giới khinh của Tỳ kheo giới thuộc Hộ thế cơ hiềm giới mà bỏ qua Bồ tát giới như thể họ chưa hề thọ vậy.

Thứ năm, Phóng sinh là gì?

Phóng sinh hàm nghĩa cứu khổ cứu nạn, mang lại sự tự do giải thoát đến cho các chúng sinh đang bị giam cầm hoặc sắp bị giết mổ.

Ngoài lý do cần hành phóng sinh đã được nêu lên trong giới thứ 20, người thọ Bồ tát giới còn thường chăm hành phóng sinh bởi hai lý do. Thứ nhất do bi tâm thúc đẩy, thứ hai nếu bi tâm còn yếu kém thì cần huân tập pháp này để tăng trưởng tâm bi.

Tiểu thừa giới tiêu cực trong việc chỉ giữ giới bất sát, đại thừa giới tích cực không những bất sát mà còn phóng sinh. Tinh thần hành thiện tiêu cực hay tích cực chẳng qua chỉ do nơi có phát tâm đại đạo hay không và phát mạnh hay yếu. Thế mới biết chúng sinh không phát tâm thì như kinh Địa Tạng thuyết "mọi hành động suy nghĩ đều là nghiệp tội", phát tâm tiểu thì tiêu cực chỉ biết giữ mình, phát tâm đại thì tích cực muôn loài được nhờ.

Qua sự trì giới hành phóng sinh có thể đánh giá về năng lực phát tâm của người thọ giới. Đối với giới này người thọ trì không được phép tiêu cực mà phải tích cực cứu hộ muôn loài, nếu tránh né không hành trì và như thế thì cho dẫu có thọ theo nghi quy nào đi nữa cũng không đắc giới thể và đương nhiên giới không thể thành tựu. Cần hiểu rằng Bồ tát giới thành tựu không do sự trang nghiêm của nghi thức mà do nơi trang nghiêm của sự phát tâm.

Do vậy nếu quả thật sự phát tâm cớ sao lại lơ là, hoặc coi thường thiện pháp cứu khổ chúng sinh? Hiện tượng người thọ giới không tuân thủ thực hành Nhiêu ích hữu tình giới minh chứng cho sự không chân thành phát đại đạo tâm, hoặc giả tâm phát đã thối thất, và như thế coi như thất tâm nên phạm khinh cấu tội. Song do điều phạm này chỉ gây tổn hại công đức cho chính mình mà không đủ cấu thành tội ác hại chúng sinh nên thuộc khinh cấu tội tức tội nhẹ.

Có người hỏi rằng vì sao không phóng sinh heo bò hay chó mèo. Đối với thú hoang dã, phóng sinh là trả chúng về với thế giới hoang dã của chúng. Còn như heo bò chó mèo thuộc loại gia súc cần được con người nuôi dưỡng, hoang dã nào phải thế giới của chúng nay thả chúng về rừng khác nào đem con bỏ chợ. Vì vậy phóng sinh gia súc chính là hình thức ăn chay, không sát sinh. Chúng ta thả chim về rừng, thả cá về sông cũng chỉ để chúng không bị giết thịt, thế nên không giết mổ ăn nuốt gia súc cũng là một hình thức phóng sinh.

Không riêng Bồ tát giới khuyên dạy phóng sinh mà các giáo pháp thuộc đại thừa cũng rất coi trọng. Thiên thai tổ sư Trí Giả quốc sư đời nhà Tùy dựa theo phầm Lưu Thủy trưởng giả phóng sinh trong kinh Kim Quang Minh, cho đào ao phóng sinh trong chùa Tu Thiền của ngài trên đỉnh Thiên thai. Từ đó mọi chùa chiền ở Trung quốc đều theo gương quốc sư lập ao phóng sinh, điều này cho thấy phóng sinh là một Phật sự thiết yếu của các tự viện theo đại thừa.

Các lợi ích của phóng sinh.

1. Tăng trưởng bi tâm và công đức.

Bi tâm là thể của Bồ tát giới, Bồ tát giới là nếp sinh hoạt thanh tịnh của Bồ tát, do đoạn mọi ác, tu mọi thiện và lợi lạc hữu tình. Phóng sinh và bố thí là hai thiện pháp đối trọng với hai trọng tội sát sinh và trộm cắp, nên cả hai thiện pháp lợi lạc chúng sinh này đều là trọng phúc, có công đức thù thắng, vì vậy nếu thường hành, bi tâm và công đức sẽ tăng trưởng.

2. Báo ân và giải thoát cho thân quyến các đời quá khứ.

Do sát nghiệp bao đời ăn giết lẫn nhau, chúng sinh không tu thiện pháp dễ bị thác sinh thân súc sinh để trả món nợ ăn nuốt. Kinh nói "một phen mất thân người muôn kiếp khó trở lại", bởi một khi đọa thân súc loại thì không có bất kì cơ hội nào để tạo phúc đức hầu thoát ly cõi súc. Cha mẹ, anh em, con cái trong nhiều đời trước, hẳn có rất nhiều người đọa lạc vào súc đạo. Trong trường hợp đó chỉ duy nhất nhờ vào sự hành Bồ tát đạo dùng pháp phóng sinh mới cứu họ được. Bởi lẽ mỗi lần phóng sinh công đức thêm tăng trưởng, bi tâm thêm kiên cố, vì vậy khi hành Nhiêu ích hữu tình phóng sinh các loài, hành giả đã tri ân và hồi hướng công đức cho các loài đang được phóng sinh, khiến chúng nhờ vào công đức giúp họ tu tập Bồ tát đạo mà được phục hồi thân người sau khi mạng chung. Và đó là phương cách hành giả dùng phóng sinh để vừa cứu chúng thoát nạn hiện đời vừa được tái sinh về cõi người sau khi xả báo thân, chấm dứt chuỗi kiếp bị ăn giết trong tương lai.

3. Tiêu trừ nghiệp sát.

Chúng sinh quen thói ăn qua nuốt lại lẫn nhau, lại lười phóng sinh, chăm ăn nhậu, khiến sát nghiệp ngày thêm lớn, phúc thì bần cùng, nên dễ trả báo ăn giết bằng quả thọ sinh vào thân súc loại cho chúng ăn nuốt lại. Muốn thoát nghiệp súc sinh bị giết thịt, cần chăm tu phóng sinh và chay tịnh.
Đối với súc loại đã nợ mạng ta trong đời quá khứ nay sẽ chịu quả báo, trở thành món ăn ngon cho ta. Nhưng nhờ bi tâm, ta không những không ăn mà còn phóng sinh. Do không ăn nên chấm dứt nghiệp ăn lẫn nhau, do phóng sinh nên kết mối ân duyên cứu vớt với chúng sinh. Không những dứt được ác duyên ăn giết nhau nhờ trường chay đoạn ác (nhiếp luật nghi giới), lại kết duyên lành cứu giúp nhau nhờ hành thiện phóng sinh (nhiếp thiện pháp giới), thực là lợi mình lợi người (nhiêu ích hữu tình).

4. Xa lìa tam ác đạo.

Trong một đời ăn nuốt biết bao chúng sinh, trải qua bao đời món nợ xương máu này chồng chất cao như núi Tu di, chả thế bảo sao một khi mất thân người, thọ thân súc loại sẽ không có ngày khôi phục thân người, vì phải thọ đủ thân chim cá, heo bò, gà vịt trong vô lượng kiếp cho vô số con nợ sắp hàng đòi lại máu xương.
May nhờ hiện đời giác ngộ kịp thời phát tâm phóng sinh và không ăn giết, chuyển dần món nợ hôi tanh ấy thành an lạc giữa ta và vô lượng sinh linh. Do nhờ đời này đoạn ác hành thiện, lợi lạc chúng sinh, nên đời tương lai giữ vững được kiếp người, lại vẫn tiếp tục phát tâm phóng sinh, cứ thế kiếp này qua kiếp nọ, giới thể tam tụ tịnh giới càng phát triển lớn mạnh, công đức thêm thù thắng, trở thành chỗ nương tựa an lành cho mọi chúng sinh, xa lìa ba ác đạo, hóa giải mọi oán kết bao đời thành sự nghiệp độ sinh. Đó là công năng của sự phát đại đạo tâm, hành Bồ tát đạo của Bồ tát giới. Điều này minh chứng giới thể bồ đề tâm là huân phát và bất diệt trong dòng trôi sinh tử. Vì vậy Bồ tát giới coi trọng phát tâm hơn mọi nghi quy truyền giới đặc định.

5. Hành phóng sinh là bố thí vô úy cho súc loại.

Bố thí là pháp tu đứng đầu trong sáu ba la mật của Bồ tát. Bồ thí chia làm ba loại, gồm Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Bố thí vật chất là Tài thí, thuyết pháp khai thị là Pháp thí, phóng sinh, cứu khổ cứu nạn là Vô úy thí.

Chúng sinh vị kỉ không hề bố thí nên thọ báo bần cùng vì vậy Bồ tát bố thí tài vật. Lại do tham lam gây hại cho người nên chịu quả khổ nạn, do vậy Bồ tát thí vô úy. Chúng sinh si mê nên nghèo nàn trí huệ, vì vậy Bồ tát bố thí pháp.

Bồ tát thường tinh tiến (tiến độ), nhẫn qua bao đời (nhẫn độ), gìn giữ pháp bố thí (giới độ), không lay chuyển (thiền độ) và hiểu rõ công đức tự lợi lợi tha của pháp bố thí (trí độ), các yếu tố này hợp thành bố thí ba la mật đa. Nếu thiếu một trong các điều trên thì sẽ chỉ là pháp bố thí thế gian thuộc nhân thiên phúc báo mà không thể ba la mật đa (giải thoát) được.

Loài vật quen sống tự do trong thiên nhiên, nay bị bắt nhốt tù túng mất tự tại chúng vô cùng bất an, chỉ mong thoát cảnh cá chậu chim lồng, đó là chưa kể chúng không hề biết sắp bị giết mổ, người phóng sinh giúp chúng giải tỏa nỗi bất an đó cũng như thoát khỏi sự "mất mạng dưới mũi dao nhọn, hồn phách cuộn theo làn khói nướng". Thế giới thiên nhiên, nỗi an bình và tự do được trả lại hết cho chúng.

Vì vậy thường hành phóng sinh là thí vô úy cho chúng sinh. Phóng sinh có đủ ba yếu tố đoạn ác, hành thiện và lợi lạc chúng sinh.

6. Phóng sinh là pháp duy nhất cứu súc loại ra khỏi súc đạo.

Khi một chúng sinh đọa vào súc đạo sẽ khó có cơ hội ra khỏi, hết kiếp này qua kiếp khác bị ăn bị giết, sinh sinh tử tử trong vòng xoáy trả nợ nghiệp ăn giết. Nghiệp này chỉ chấm dứt nếu may mắn được người hành Bồ tát đạo phóng sinh, do nương vào công đức có được phát sinh từ sự trợ duyên cho Bồ tát tu tập bi tâm như đã nói ở phần trên, súc sinh này vừa được cứu khổ nạn hiện đời vừa xả bỏ kiếp súc loại tái sinh về cõi người nơi đời tương lai.

Nếu chỉ gặp người cầu an, cầu siêu phóng sinh thì súc sinh này không có được công đức để khôi phục thân người. Thế mới biết chỉ có Bồ tát đạo của Bồ tát giới mới thực sự cứu thoát được chúng sinh, và pháp phóng sinh của Bồ tát phát tâm chính là pháp cứu độ mà không như nhiều người nghĩ phóng sinh chỉ đơn thuần là chuyện cầu xin của thế tục, không phải pháp giải thoát nên không cần làm. Có điều ngay những người ấy cả ngày cầu nguyện cho cái tôi thuộc nhân thiên này bằng đủ cách, dâng mọi lễ vật cầu phúc báo, nhưng lại không biết sự cầu nguyện có công đức lớn như phóng sinh nên bỏ qua và coi thường pháp công đức này.

Đức Thế Tôn trong các đời quá khứ đều hành Bồ tát đạo bằng pháp bố thí phóng sinh, trong quá trình tu tập thành Phật ngài không đặt nặng hình thức xuất gia hay tại gia mà luôn trụ trong "đại đạo tâm gia", có nghĩa xuất gia hay tại gia chỉ là phương tiện nhất thời đề thực hành đại đạo tâm. Và cứu cánh để thành Phật độ sinh chính là phát tâm đại đạo thực hành Tam tụ tịnh giới không thối chuyển.

Những điều ngộ nhận về phóng sinh.

Phóng sinh pháp có hai loại, một loại thuộc về thế gian pháp mà đa số người phóng sinh sử dụng, đó là phóng sinh để cầu xin điều mong ước cho mình, hoặc để cầu an hay cầu siêu cho thân nhân. Họ dùng chim cá làm lễ vật và phóng sinh chúng hầu làm Phật trời hài lòng mà giúp họ toại nguyện. Thứ phóng sinh này chỉ khi nào có nhu cầu xin xỏ Phật trời mới thực hiện, và nó được thực hiện cho tham cầu của họ mà không vì tinh thần cứu khổ cứu nạn của pháp phóng sinh thuộc Bồ tát đạo. Vì vậy loại phóng sinh này vốn sẵn có trong tín ngưỡng dân gian mà không hề là riêng của Phật giáo.

Loại thứ hai là pháp phóng sinh của đại thừa Phật giáo thuộc Bồ tát giới, mà người tu Bồ tát đạo phải hành trì. Bồ tát phóng sinh chỉ vì bi tâm không nỡ để chúng sinh chịu khổ nạn, nên thí vô úy đem an lành đến cho mọi loài. Nơi nào có chúng sinh khổ nạn, Bồ tát phóng sinh nơi ấy. Khổ ở mọi lúc, nạn ở mọi nơi, nên Bồ tát cứu khổ nạn ở khắp mọi nơi vào mọi lúc, và thực hành vì nhiêu ích hữu tình mà không vì lợi ích riêng tư, theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm "bất vị tự thân cầu khoái lạc, đản vị cứu hộ chư chúng sinh", không vì sự sung sướng của bản thân mà chỉ vì cứu giúp bảo hộ cho chúng sinh.

Một số tăng tục không am hiểu Bồ tát đạo của Bồ tát giới, chỉ biết pháp phóng sinh thế tục, nên kẻ thì chê phóng sinh là chuyện nhân thiên không phải pháp giải thoát, không nên hành, kẻ lại dạy bảo đồ chúng dùng pháp này để cầu xin mọi thứ cho bản thân. Từ kẻ bác đến người bày đều không hiểu pháp phóng sinh của Bồ tát. Nếu pháp phóng sinh chỉ theo lối thế tục thì không thể là giới thứ 20 của Bồ tát giới.

Ngoài ra một số khác lại dạy đồ chúng phóng sinh không bằng bố thí cho người nghèo, thay vì phóng sinh hãy cho người nghèo khổ, thế là súc loại mất đi cơ hội sống. Lại có người cao siêu hơn nữa cho rằng cho kẻ nghèo sao bằng cúng chùa, công đức nhiều hơn, và như thế đến phiên người nghèo mất đi bát cơm manh áo. Liên quan đến vấn đề này Phẩm thứ 8 Bồ tát giả danh kinh Ưu bà tắc giới, đức Phật dạy "Lúc có ít tài vật, trước bố thí người nghèo, sau cúng dường Tam Bảo. Làm việc gì, trước đều vì người nghèo, sau mới vì người giàu. Ưa khen ngợi sự hay của người, vì họ mà giảng Phật pháp, hầu mở đường cho họ đến Niết Bàn…"

Tất cả những tăng nhân này đều đã thọ Bồ tát giới nhưng quên mất rằng họ cần phải hành đủ tam tụ tịnh giới. Phóng sinh, bố thí và cúng dường đều phải hành bình đẳng không được bỏ thứ nào theo tinh thần nguyện tu nhất thiết thiện của Nhiếp thiện pháp giới. Không nên gieo vào đầu óc tín đồ sự tính toán lợi ích riêng tư khi hành thiện pháp, bởi nếu chỉ chọn thứ nào có lợi cho mình, họ sẽ đánh mất biết bao công đức và chúng sinh cũng mất hết lợi ích, và như thế là thực hành giới của phàm phu tham lam ích kỉ, điều này ắt sẽ phạm khinh cấu tội của Bồ tát giới..
Cũng phẩm thứ 8 kinh Ưu bà tắc giới, đức Phật dạy :
"Không nghĩ đến lợi mình, mà thường nghĩ đến việc lợi người. Tất cả nghiệp lành thân khẩu ý, đều không vì chính mình, mà vì chúng sinh. Đây gọi là Bồ tát thực nghĩa".

Nếu đã thọ giới Bồ tát hay đã phát tâm bồ đề cần tránh những luận điệu phá hỏng Bồ tát giới này, và luôn phụng hành theo tam tụ tịnh giới.

Bỏ qua pháp bố thí và phóng sinh không hành coi như bỏ qua sự nghiệp hành đạo của đức Thế Tôn và cũng là bỏ qua giới pháp thanh tịnh cùng con đường thành Phật độ sinh. Nói cách khác là bỏ qua Tam bảo và tự đẩy mình vào cõi trầm luân tham sân vọng tưởng.

Người tu học Phật đặc biệt là người tu trì Bồ tát giới không nên coi trọng hình thức phương tiện hơn là tâm pháp cứu cánh, mà lơ là phát đại đạo tâm khi thọ và trì giới.

Tóm lại phóng sinh đem lại biết bao công đức cho người lẫn vật, là pháp tu tăng trưởng bi tâm của Bồ tát đạo, nên người thọ Bồ tát giới phải nỗ lực thọ trì, Liên tông thập nhất tổ Hành Sách đại sư tuyên thuyết "trong muôn hạnh lành, phóng sinh là hạnh hơn cả".

Thứ sáu, Bồ tát đạo là gì?

Bồ tát đạo nói nôm na là con đường của Bồ tát đi. Con đường Bồ tát dùng để đi đến Phật quả mang tên Bồ tát đạo. Con đường này không có dấu chân chỉ có dấu ấn độ sinh, vì nó không hề là một con đường của mọi bàn chân mà là con đường hình thành bằng mọi sự độ sinh, cứu khổ nạn. Cung đường này không thể thấy bằng mắt phàm mà thấy bằng tâm, nên chỉ những ai phát tâm mới thấy được.

Vì vậy người tu Bồ tát đạo không cần phải tìm hay cầu đạo nơi đâu, mà chỉ cần phát tâm đại đạo tức bồ đề tâm và hành bi nguyện cứu khổ cứu nạn muôn loài không bỏ bất kì loài nào hay một hữu tình nào, thì con đường thêng thang dẫn đến quả Phật, mà đức bổn sư đã hành trong bao đời quá khứ, kể từ sơ phát tâm cho đến ngày thành chính giác sẽ hiện bầy tỏa sáng ngay trong tâm trí, mỗi bước đi trên con đường đại đạo này là mỗi bước thâm nhập vào chính pháp kinh tạng và gánh vác nhất thiết chúng sinh. Do lẽ này hễ chúng sinh phát tâm thì gọi là Bồ tát, nhờ vào phát tâm mới tiến sâu vào biển trí huệ (chân lý) đầy đủ năng lực độ nhất thiết chúng sinh (Phật sự).

Vì vậy người cầu tìm giác ngộ cần lần lượt trước nhất quy y Phật, sau đó tới pháp rồi tăng. Và có phát tâm mới có thành Phật và độ sinh, nên phát tâm là công đức thù thắng trên mọi công đức cúng dường hay hành thiện. Đây là điều lý giải vì sao các Thánh quả của Thanh văn không thể thành Phật và chỉ Bồ tát mới chứng quả bồ đề.

Thành Phật do tâm thành mà không do thân thành. Thân thành Phật là các diễn viên trong phim ảnh. Tâm thành Phật là chư Phật trong mười phương. Đức Phật dạy trong kinh Dhammapada "tâm chủ, tâm tạo tác, tâm dẫn đầu mọi pháp". Nếu tâm không hướng thiện, thân sẽ không làm mọi việc thiện, nếu tâm hướng ác, thân sẽ làm mọi việc ác, như vậy nếu tâm không hướng đến việc độ sinh tất nhiên thân không màng độ ai, và đây là thứ thân tâm chỉ hiện hữu để gieo rắc muộn phiền cho tha nhân, và cũng chỉ để chịu đựng muôn vàn đau khổ và chấm dứt bằng sự chết trong sợ hãi. Nếu phát tâm lợi lạc hữu tình, thân sẽ thực hành mọi thiện pháp cứu giúp chúng sinh. Vì vậy vấn đề tiên quyết để tu học đại thừa Phật pháp chính là phát tâm, thế nên chỉ duy nhất có cảnh giới đại thừa mới có Bồ tát xuất hiện. Phẩm thứ chín kinh Ưu Bà Tắc Giới đức Phật dạy "Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh thường cầu tự lợi, Bồ tát làm việc thường mong lợi người. Đây là hạnh không thể nghĩ bàn của Bồ tát".

Đó là lý do Bồ tát giới lấy tâm bồ đề làm thể, coi sự phát tâm là nền tảng của tam tụ tịnh giới, một khi tâm phát thì thân sẽ cùng tâm đoạn ác, hành thiện và lợi ích hữu tình. Tâm tư thân hành ấy chính là Bồ tát đạo con đường đưa thân tâm đến quả thanh tịnh công đức của mười phương ba đời chư Phật.

Nếu hỏi đức Bổn sư cũng như chư Phật trong mọi đời nhờ tu pháp môn nào trong quá khứ để thành Phật đạo : thiền, tịnh hay mật? câu trả lời từ kim khẩu của đức Thế Tôn trong các kinh điển đã chỉ ra rằng nhất thiết chư Phật đều tu Bồ tát đạo, kể từ sơ phát tâm cho đến khi thành đạo. Trong khoảng thời gian hành Bồ tát đạo ấy dù mang thân xuất gia hay tại gia, vương giả hay bần cùng, quý ngài đều hành bố thí vì cứu độ chúng sinh mà xả bỏ thân mạng và mọi thứ của cải. Do vô lượng đời tu bố thí mà đắc ba la mật.

Chúng sinh cần được cứu giúp, và mọi sự cứu giúp đều thuộc về bố thí. Đối với người bần cùng thì bố thí tài vật, với kẻ vô minh thì bố thí pháp, với người bất an thì bố thí vô úy… vì lẽ này bố thí là pháp độ sinh đứng đầu trong sáu pháp tu của Bồ tát.

Tu sĩ đại thừa đều thọ Bồ tát giới, nếu không hành bố thí bao quát phóng sinh, cứ nghiêm khắc mà nói tất đều phạm giới, vì thọ nhưng không trì. Điều đáng tiếc là giới tu sĩ đa phần coi trọng và lo giữ mình về phương diện tránh để tha nhân phê bình của tỳ kheo giới mà bỏ quên tinh thần đại thừa lợi sinh của Bồ tát giới, do vậy dù có phẩm cách cao thượng nhưng mất đi công đức lợi sinh. Việc này khiến tinh thần thù thắng của đại thừa Phật pháp ngày một suy vi dù hình thức vẫn phát triển tốt đẹp.

Sự liên hệ bất khả phân ly giữa Bồ tát giới và Bồ tát đạo.

Bồ tát giới là giới của Bồ tát. Giới này chủ đích là quay về bản tâm nên còn gọi là Phật tính thường trụ giới, là nền tảng thanh tịnh phát sinh nên mọi lý và sự thanh tịnh độ sinh, là công đức giải thoát, là vô thượng pháp bảo, nhất thiết chư Phật do đây mà thành, nhất thiết chúng sinh nhờ đây được độ.

Thế nên nhất thiết Bồ tát đều thọ trì và nương vào giới này mà tư duy và thực hành việc độ sinh thành Phật, gọi đó là Bồ tát đạo. Bồ tát giới là đường đi của Bồ tát, nên Bồ tát đạo chẳng qua là pháp hành Bồ tát giới.

Bồ tát giới tại gia và xuất gia.

Bồ tát giới được đức Phật thuyết trong kinh Phạm Võng gồm 10 giới trọng (nặng) và 48 giới khinh (nhẹ), được dùng cho giới xuất gia, gọi là Bồ tát giới xuất gia.

Bồ tát giới được đức Bổn sư thuyết trong kinh Ưu Bà Tắc giới gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh, được dùng cho giới tại gia, gọi là Bồ tát giới tại gia, trong kinh gọi là Ưu bà tắc giới.

Tuy nhiên Bồ tát xuất gia hay tại gia là nói theo phương diện thế gian, vì có người xuất gia thọ Bồ tát và người tại gia thọ Bồ tát, còn như Bồ tát chân thật thì vượt cả xuất lẫn tại gia, và bao gồm cả hai hình tướng cư sĩ cũng như tu sĩ, bởi vì sự giải thoát chân thật không do nơi hình tướng mà do nơi tâm. Tâm giải thoát là tâm đại đạo và tâm thì không hề có hình tướng, vì vậy hình tượng Bồ tát đa phần mang vóc dáng tại gia mà không bó buộc phải tạo tướng xuất gia. Nếu cần dùng hình tướng nào để độ sinh, đại đạo tâm của Bồ tát sẽ dùng thân ấy, do lẽ này từ tâm đại đạo của Bồ tát ứng hiện đủ mọi thân như phẩm Phổ môn miêu tả.

Vì lý do giải thoát ở nơi tâm không phải nơi thân, nên giới Bồ tát lấy tâm giải thoát còn gọi là đại đạo tâm ấy làm giới thể, do vậy được gọi là giới huân phát. Giác tâm này nơi chúng sinh bình đẳng, ngay đến Phật và chúng sinh cũng chẳng sai biệt, nói gì đến tu sĩ hay cư sĩ, vì thế mà Bồ tát giới là thông giới được tu sĩ và cư sĩ cùng thọ chung.

Cũng cần hiểu rằng Bồ tát giới vốn là Thông giới vì vậy nếu chia ra xuất gia và tại gia Bồ tát giới thì sẽ biến giới này thành Biệt giới sái với bản chất của Thông giới. Vì vậy cần biết chân thật Bồ tát giới là tam tụ tịnh giới, các giới điều chỉ tượng trưng mà không đủ hoàn toàn là các điều phải trì giữ, do đó người thọ Phạm Võng hay Ưu bà tắc giới đều vẫn giữ tịnh giới y nhau không khác.

Thọ Bồ tát giới có nghĩa tiếp thọ sự phát đại đạo tâm coi đó là giới. Giữ Bồ tát giới tức giữ gìn đại đạo tâm vì đó là giới chân thật và đầy đủ. Như vậy Bồ tát giới là sự thọ nhận và trì giữ đại đạo tâm, hay đại bi tâm không cho mất.

Tóm lại thọ trì giới Bồ tát không chỉ ở giới điều tượng trưng ít ỏi, mà phải hành trì giới đầy đủ tức tam tụ tịnh giới. Nhất thiết chư Phật đều đầy đủ tịnh giới vô biên này, mà nào phải chỉ vỏn vẹn dăm ba giới điều như chúng ta lãnh thọ, quá ít để có thể gọi là Bồ tát.

Điều quan trọng cần hiểu rõ rằng tam tụ tịnh giới vốn sẵn đủ trong bản tâm tức giác tâm hay Phật tính của nhất thiết chư Phật và chúng sinh, nếu không phát khởi tâm này thì không thể hoàn thành tam tụ tịnh giới, và như thế công đức và thanh tịnh không đủ để thành Phật và độ sinh.

Tóm lại không phát tâm không đắc giới Bồ tát, không đắc giới tất không Bồ tát đạo, không Bồ tát đạo tất không có Phật quả. Thế nên đức Phật bảo A Dật Đa "phải biết phát tâm rất khó, do phát tâm khó mà Phật quả khó thành".

Do tâm chúng sinh ty liệt lợi kỷ nên rất khó phát tâm đã vậy lại hù dọa hậu bối không nên phát tâm vì phát tâm mà không làm được sẽ đọa lạc, vì những lời đe này của tiền bối mà phát tâm vốn dĩ đã khó lại càng khó hơn đối với chúng sinh trong đời mạt pháp. Quả là thời pháp nhược ma cường. Họ không hiểu rằng phát làm không được còn đọa hà huống không phát thì đọa đến tận vị lai, nói đúng hơn là thành nhất xiển đề. Kinh Hoa nghiêm đức Phật dạy "ly bồ đề tâm, nhất thiết sở tác giai thành ma nghiệp", lìa tâm bồ đề, làm bất cứ gì cũng thành nghiệp của ma.

Kết luận người thọ Bồ tát giới nghiêm trì nhiếp thiện pháp giới không chê bất kì điều thiện nào bỏ qua không làm. Hà huống là pháp phóng sinh cứu độ hữu tình, không thực hiện tất nhiên là phạm giới.

Đồ chúng đại thừa đặc biệt là giới xuất gia chỉ loay hoay lo giữ các giới Thanh văn thuộc Hộ thế cơ hiềm giới tức các giới gìn giữ tư cách không để thế gian chỉ trích mà bỏ qua toàn bộ sự lợi sinh và giác ngộ của Bồ tát giới thật đáng tiếc cho họ và cho chúng sinh, tất cả đều thất lợi.

Mong rằng những vấn đề trên sẽ làm sáng tỏ cho người thọ Bồ tát giới về lý và sự của giới này, mọi sự mọi lý của giới Phật tính thường trụ này đều giúp hành giả và chúng sinh được an lạc trong hiện tại và hướng về bản tâm thanh tịnh giác ngộ sẵn có trong tương lai. Bố thí phóng sinh lợi lạc chúng sinh cũng chính là sự cúng dường Tam bảo tối ưu việt.

Phổ Hiền bồ tát trong Hành nguyện phẩm dạy "Bồ tát nhược năng tùy thuận chúng sinh, tắc vi tùy thuận cúng dường chư Phật, nhược ư chúng sinh tôn trọng thừa sự, tắc vi tôn trọng thừa sự Như lai, nhược linh chúng sinh hoan hỷ giả, tắc linh nhất thiết Như lai hoan hỷ". Bồ tát nếu có thể tùy thuận chúng sinh thì đó là tùy thuận cúng dường chư Phật, nếu tôn trọng và phụng sự chúng sinh, thì đó là tôn trọng phụng sự chư Phật, nếu khiến chúng sinh được vui cũng chính là khiến hết thẩy chư Phật được vui.



Từ Ngữ Phật Học Trong: Ngu Cái Khôn Và Khôn Cái Ngu