Home > Khai Thị Phật Học > Bon-Muoi-Hai-Phap-Tri-Danh-Niem-Phat
Bốn Mươi Hai Pháp Trì Danh Niệm Phật
Đại Sư Diệu Hiệp | Thượng Tọa Thích Trường Lạc, Việt Dịch


Những người chuyên tu tịnh nghiệp cần biết rõ bốn mươi hai pháp Trì danh niệm Phật để hành trì cho hợp thời cơ mới hy vọng được kết quả “nhất tâm bất loạn”.

1.- “Hộ ý căn trì danh”: Trì danh niệm Phật hộ được ý căn.

Một khi mình đã dụng tâm niệm Phật, thì những điều dữ, điều lành không cần tưởng đến, dầu việc cần thiết đi nữa cũng dẹp lại một bên, đừng để nó chướng ngại tâm niệm Phật của mình.

Phải nghĩ như vầy: Tâm niệm bị ngoại duyên ràng buộc là cơ quan dụng sự toàn nơi ý địa; nếu mình chăm chú niệm Phật đến chỗ tâm địa quang minh, thì ý địa sẽ hóa thành “Diệu quan sát trí”, tức là pháp “Trì danh niệm Phật hộ ý căn” có năng lực chuyển phàm thành thánh.

2.- “Giới khẩu nghiệp trì danh”: Trì danh niệm Phật giữ được nghiệp miệng.

Khi mình niệm Phật thì bao nhiêu những lời hung ác, miệng mình không nói đến; nếu rủi ro lỡ lời bất nhã, thì mình phải hối hận liền, tự trách mình là người biết niệm Phật sao còn thô tục, rồi cất tiếng niệm Phật lớn để đánh thức tâm mình bài trừ miếng dữ.

3.- “Đoan thân trì danh”: Trì danh niệm Phật thân phải đoan chính.

Mình đã đích thân niệm Phật thì những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tới, lui, qua, lại phải cho đoan chính. Hễ thân đoan chính thì tâm mới được thanh tịnh.

4.- “Quá châu trì danh”: Trì danh niệm Phật bằng cách lần chuỗi.

Miệng vừa niệm Phật một câu “Nam mô A Di Đà Phật” thì tay lần qua một hột chuỗi. Đó là dụng ý mượn xâu chuỗi để kềm chế tâm mình không cho tán loạn.

5.- “Cao thanh trì danh”: Trì danh niệm Phật cất tiếng cho cao.

Lúc nào vọng tưởng loạn khởi, thần chí hôn trầm, thì phải cất tiếng lớn lên niệm Phật, tức thì cảnh giới đổi mới. Bởi vì tâm của mình nhận được tiếng mình niệm Phật tỏ rõ, thì bao nhiêu những tiếng vu vơ tự nhiên tiêu tan.

6.- “Đê thanh trì danh”: Trì danh niệm Phật nhỏ tiếng.

Khi nào thân thể mỏi mệt mình hạ hơi, xuống giọng niệm Phật nhỏ tiếng, đến lúc sức khỏe phục hồi mình sẽ niệm lớn tiếng.

7.- Kim cang trì trì danh”: Trì danh niệm Phật bằng cách “Kim cang trì”.

Lúc nào thân tâm mình không thích hợp với hoàn cảnh, nhân vật ở chung quanh nó làm chướng ngại sự niệm Phật của mình, thì mình chỉ nhích môi lưỡi niệm Phật không ra tiếng và cứ niệm như vậy mãi, bền chí không quên.

8.- “Mặc nhiên trì danh”: Trì danh niệm Phật một cách im lặng.

Nếu mình không chịu niệm Phật lớn tiếng, nhỏ tiếng, niệm Phật lần chuỗi cho đến niệm Phật nhích môi lưỡi mình cũng gọi là trước tướng, thì có cách niệm không nhích môi lưỡi và không phát ra tiếng, chỉ buộc tâm vào một chỗ, niệm trong tâm, rồi đem cái nghe trở vào mà nghe tâm niệm. Niệm như vậy cho lâu thì sẽ được “Niệm Phật tam muội”.

9.- “Điều tức trì danh”: Trì danh niệm Phật với sự điều hòa hơi thở.

Lúc niệm Phật mình ngồi im lặng, quán cái chót mũi, điều hòa hơi thở ra vào, cứ một hơi thở là một câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật” không quá gấp cũng không quá hưỡn, để cho tâm với hơi thở nương nhau mà ra vào. Trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm mãi. Sau khi nhiếp tâm được lâu rồi, thì hơi thở với sự niệm hai cái đều quên, tức là thân tâm mình với hư không chẳng khác. Trì niệm như vậy đến khi công phu thuần thục, tức nhiên tâm nhãn khai thông, thì một ngày kia tam muội hiện tiền, ấy là “Duy tâm Tịnh độ”.

10.- “Tùy phận trì danh”: Trì danh niệm Phật với cách tùy phận.

Khi niệm Phật mà mình thấy hôn trầm, thì mình đi kinh hành mà niệm, khi loạn động thì mình ngồi ngay thẳng mà niệm, hoặc giả đi, ngồi đều không hạp, thì mình quỳ, đứng hay nằm nghiêng bên phía tay phải niệm cũng được. Nhưng câu niệm Phật sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” đừng cho một niệm nào quên, thì tự nhiên hàng phục được tâm ma.

11.- “Đáo xứ trì danh”: Trì danh niệm Phật khi đi đến chỗ nào.

Niệm Phật không nệ là chỗ nào, chỗ sạch sẽ, chỗ nhơ bẩn, chỗ vắng vẻ, chỗ rộn ràng, chỗ vui, chỗ buồn mình cũng cứ hồi quang phản chiếu mà tự nghĩ rằng “bao nhiêu cảnh giới ấy từ vô thỉ đến nay, mình đã trải qua đến tram, ngàn, muôn ức lần rồi, nó vẫn không lạ, duy có một điều “Niệm Phật vãng sinh” là điều mình chưa làm được nên bị luân hồi mãi. Vậy ngày nay mình chẳng quản niệm được hay niệm không được, mình chí quyết làm sao cho cái tâm niệm Phật của mình đến chết cũng không quên. Bởi vì quên cái tâm niệm Phật, thì bao nhiêu tạp niệm thiện ác kia sẽ kéo nhau đến làm cho mình thọ khổ lụy với nó, nên chỉ trong lúc đại, tiểu tiện lợi hay lúc sinh đẻ mình cũng vẫn niệm không kể sạch dơ; hễ càng khổ càng niệm, càng đau càng niệm, càng buồn càng niệm, như đứa trẻ kêu mẹ không sợ mẹ giận. Nếu sợ mẹ giận mà chẳng dám kêu, thì đứa con ắt lạc mẹ, chớ làm sao gặp mẹ được.

12.- “Hữu định vô định trì danh”: Trì danh niệm Phật có định giờ và không định giờ.

Mỗi ngày hai buổi, sớm tối niệm Phật có chừng đến chết cũng không thêm bớt; ấy là niệm Phật có định giờ. Còn mấy buổi khác, nếu thong thả thì niệm nhiều, bận việc thì niệm ít; ấy là niệm Phật không định giờ.

13.- “Đối tượng, ly tượng trì danh”: Trì danh niệm Phật đối trước tượng và không đối trước tượng.

Trong lúc đứng trước tượng Phật mình cứ một lòng tin tưởng tượng Phật là vị chân Phật, chớ không nghĩ là Phật đồng, Phật gỗ, Phật đất, Phật giấy mà sinh lòng phân biệt. Còn như trong lúc không có tượng Phật, thì mình phải ngồi cho đoan chính, xoay mặt về hướng Tây, khởi niệm tưởng cái ánh quang minh của Đức Phật A Di Đà trụ trên đầu mình, chữ nào câu nấy đều chẳng lạc không, thì ác nghiệp tự nhiên tiêu.

14.- “Man trung trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc bận rộn.

Trong lúc rộn việc, mình liệu bề niệm Phật được một câu thì niệm một câu, niệm được mười câu thì niệm mười câu.

Ông Bạch Lạc Thiên dạy: “Đi cũng niệm A Di Đà, ngồi cũng niệm A Di Đà, dầu rộn như tên bắn, đạn ria cũng không rời niệm A Di Đà”.

15.- “Nhàn trung trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc thong thả.

Rảnh việc được giờ nào, phút nào, thì nên niệm Phật thêm giờ phút nấy. Bởi vì ở đời có nhiều người cực khổ, làm ăn không hở tay, muốn cầu một chút thong thả cũng chẳng được thay, có đâu rảnh mà tu hành. Ngày nay mình được thong thả lại được nghe thêm pháp niệm Phật là may mắn lắm! Vậy mình nên phấn khởi tinh thần chuyên tâm niệm Phật.

16.- “Tôn quý trì danh”: Trì danh niệm Phật phaùi tôn quý.

Phước đời nay là do công hạnh tu hành đời trước nên chi những bậc tôn quý vinh hiển phần nhiều là những vị cao tăng đại đức đời trước chuyển thế lại. Song phải biết cái vinh hoa ấy tuy có mà chẳng bền, nếu mình cứ mê đắm theo sự sung sướng về nhục dục mà tạo ác nghiệp, thì ắt phải trầm luân. Chi bằng mình phát tâm làm việc Phật pháp, tạo chỗ thờ Phật để hằng ngày tụng niệm, in kinh ấn tống, đúc tượng Phật cho người chiêm ngưỡng, gặp ai cũng khuyên bảo niệm Phật; vì mình theo bậc tôn quý nói ra nhiều người kính nể nghe theo, và mình phải cương quyết vãng sinh cho được để làm khuôn mẫu cho người khác bắt chước.

17.- “Ti tiện trì danh”: Trì danh niệm Phật phái ti tiện.

Những người ti tiện đem thân làm nô lệ cho người là cực khổ, nếu không sớm tìm phương pháp giải thoát, thì về sau lại càng khổ hơn nữa. Thế thì phải ráng niệm Phật cho nhiều để ươm giống Bồ đề kết duyên lành với Phật.

18.- “Tịnh tế trì danh”: Trì danh niệm Phật im lặng kỹ lưỡng.

Những người trí xảo phần đông hay điên đảo, vậy phải để lòng im lặng niệm Phật kỹ lưỡng. Nếu người trí huệ niệm Phật thì thiên hạ bắt chước niệm theo nhiều cho đến kẻ tu ngoại đạo cũng quay đầu trở lại, vì cái thanh danh của trí huệ đủ khai phát lòng người.

19.- “Lão thiệt trì danh”: Trì danh niệm Phật chắc thiệt.

Những người không cầu danh lợi, chẳng khoe tài năng, một lòng chân thiệt niệm Phật tu hành rất là ít có, nên chi sự chắc thiệt là một con đường đi thẳng đến Tây phương Cực lạc; vì đã chắc thiệt thì ngoài sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật ra, không còn một mảy chi vọng tưởng nữa.

20.- “Hỷ khánh trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc vui mừng.

Những người đương ở trong cảnh vui mừng mà biết xét rằng cái vui mừng ấy không bền, nên nhân lúc vui mừng lại phát tâm niệm Phật để nhờ ánh sáng của Phật gia bị cho mình nhân cảnh thuận trừ bỏ ác niệm được nhiều, thì những phước duyên thường đưa đến cho mình vừa ý tu thêm mãi, đến khi chết được vãng sinh về cõi Tịnh độ, thật vui sướng vô cùng!

21.- “Hứa nguyện trì danh”: Trì danh niệm Phật với cách hứa nguyện.

Gốc của sự vãng sinh là “Trì danh niệm Phật”. Nhưng cái oai quang của Phật không thể nghĩ bàn cho nên niệm danh hiệu của Phật để cầu điều lành thì được như ý muốn. Vậy thì, thay vì cầu thần vái quỷ, thì nên hứa nguyện niệm Phật là tốt hơn. Kinh nói niệm Phật có mười điều lợi ích:

1.- Ngày đêm thường được các vị Đại lực thần tướng các cõi trời ẩn hình ủng hộ.
2.- Thường được đức Quán Thế Âm Bồ tát và các vị Bồ tát khác ủng hộ.
3.- Đức Phật A Di Đà thường phóng ánh quang minh mà nhiếp thọ người niệm Phật.
4.- Các loài ác quỷ, rắn và thuốc độc không thể hại được.
5.- Những nạn nước, lửa, đao binh và những hoạnh tử, uổng tử với lao ngục đều khỏi bị cả.
6.- Những tội đã phạm ngày trước thảy đều tiêu và cũng khỏi oan báo.
7.- Ngủ chiêm bao thì thấy điềm tốt và có khi thấy được thân Phật.
8.- Tâm mình thường vui và làm việc gì cũng được kết quả tốt.
9.- Thường được mọi người kính trọng.
10.- Đến lúc gần chết, tâm bình tĩnh niệm Phật, tự mình thấy Phật và Bồ tát phóng quang tiếp dẫn mình.

22.- “Giải thích trì danh”: Trì danh niệm Phật giải ác niệm.

Bao nhiêu điều nghịch cảnh hiện tiền của mình đều do túc duyên đưa đến, mình không nên nhân nghịch cảnh ấy mà khởi ác niệm thêm nữa. Mình phải an lòng, chí tâm niệm Phật mãi, thì lâu ngày chầy tháng cảnh duyên ấy cũng xoay đổi trở lại; vì Phật có vô lượng trí huệ, phước đức gia bị cho mình.

23.- “Quý phận trì danh”: Trì danh niệm Phật biết hổ thẹn.

Ở trong cảnh ngộ đau khổ mà cứ buồn rầu tên xiết mãi là người không rõ Phật tánh, nên chi đã buồn thì phải nghĩ thế nào cho mình và người đều được khỏi khổ. Biết rằng Phật hay thương xót chúng sinh, mình dụng “Bi tâm” niệm Phật để cầu đến lượng từ bi của Ngài tế độ, thì sự niệm Phật ấy đáng khẩn thiết lắm. Mình phải sinh lòng hổ thẹn về sự tu hành của mình chậm trễ, rồi mỗi khi tưởng đến Phật mình hết sức buồn tủi, như vậy sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” của mình niệm chữ nào cũng tha thiết dễ cảm đến Phật và Bồ tát.

25.- “Cúng dường trì danh”: Trì danh niệm Phật với pháp cúng dường.

Trong những ngày lễ vía Phật, nếu mình chỉ dùng đèn, nhang, bông, trái, tùy phận cúng dường thì chỉ có “Tài cúng” mà thôi. Vậy mình phải dùng thêm “Pháp cúng” của tâm mình thì công đức được thù thắng hơn.

26.- “Báo đáp trì danh”: Trì danh niệm Phật báo ân.

Người đời dùng tâm thành kính đối với trời đất, dùng tâm trung hiếu đối với quê hương, cha mẹ, theo pháp thế gian cũng là phải, vì hợp phong tục; nhưng xét lại chưa phải là sự báo ân đúng chánh pháp. Vậy chúng ta phải dùng cái tâm niệm Phật để đền bốn ân trọng kia mới xứng đáng. Mỗi khi niệm Phật, chúng ta nguyện đem công đức niệm Phật vì cả bốn ân mà hồi hướng về Tây phương Tịnh độ. Làm như vậy tức là chúng ta đã gieo hột giống Kim Cang cho những người ăn của chúng ta rồi, thì đời sau các người ấy chắc có lúc được gội nhuần giáo pháp của Phật mà siêu thăng.

27.- “Bố thí trì danh”: Trì danh niệm Phật với cách bố thí.

Khi thấy ai ở trong hoàn cảnh khốn khổ như đau ốm, đói khát, rách rưới, thì trước hết mình giúp đỡ thuốc men cho người uống, cơm cháo cho người ăn, áo quần cho người mặc, rồi sau mình dùng lời lành, lẽ chánh khuyên người niệm Phật. Đó là mình dùng tài thí của cái khổ nhất thời và dùng pháp thí cứu cái khổ lịch kiếp. Hai phương pháp bố thí mình làm được hoàn toàn.

Còn như thấy người và vật ngộ nạn mà sức mình không phương cứu nổi, thì mình thành tâm niệm Phật để an phần thần thức cho người bị nạn. Hoặc gặp phải năm đại bệnh, đại thích, suốt đêm mình trì niệm danh hiệu của Phật, thì có thể tiêu được oan lệ. Bởi vì một câu neo với sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” của mình chí thành thấu đến tất cả mười phương pháp giới, chúng sinh đều được phần lợi ích, thì cai công đức bố thí ấy không thể nghĩ bàn.

28.- “Tâm niệm tâm thính trì danh”: Trì danh niệm Phật bằng cách tâm niệm tâm nghe.

Tâm mình nhớ đến danh hiệu Phật rồi mới khua động lưỡi; lưỡi khua động rồi đem về tâm; lưỡi động thành tiếng, tai lại tự nghe. Nếu trì danh niệm Phật được tâm niệm tâm nghe, thì con mắt không ngó bậy, lỗ mũi không ngửi bậy, thân cũng không hành động bậy, tức là Phật tánh của mình nhờ sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” mà trở lại làm chủ nhà mình.

29.- “Thanh trung trì danh”: Trì danh niệm Phật trong tiếng niệm.

Nếu tiếng niệm Phật đã thuần thục, thì trong sáu trần chỉ còn một trần là thanh trần mà thôi. Khi ấy sự tác động của sáu căn đều ký thác cho lỗ tai, thân không phân biệt, mũi chẳng rõ mùi, con mắt không biết mở nhắm, hai món viên thông của đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cũng tức là một, không chi chẳng viên, không chi chẳng thông; căn tức là trần, trần tức là căn, căn trầntức là thức; mười tám giới đều dung hòa làm một giới.

Muốn áp dụng pháp niệm Phật này, phải có một khoảnh đất trống sạch sẽ, đi quanh theo phía tay phải một vòng rồi chậm rãi cất tiếng niệm Phật lớn, lần lần niệm như vậy trong ba vòng, tiếng niệm của tâm mình thấu lộ ra ngoài bao trùm cả mười phương. Đó là an trụ thân tâm thế giới ở trong tiếng niệm Phật mà cũng là đem thân tâm của mình an trụ ở trong tiếng niệm Phật mà niệm Phật. Cái thắng cảnh này có thể diệt trừ được các thứ nhơ bẩn của tâm.

30.- “Quang trung trì danh”: Trì danh niệm Phật trong ánh sáng.

Tiếng nói là tiếng của tâm, ánh sáng cũng là ánh sáng của tâm. Hễ tiếng của tâm quanh lộn ở đâu thì ánh sáng của tâm phóng ra ở đó. Nếu mình an trụ ở trong tiếng của tâm mà niệm Phật, tức là mình an trụ ở trong ánh sáng mà niệm Phật.

31.- “Cảnh trung trì danh”: Trì danh niệm Phật trong gương.

Chân tâm ví như cái gương tròn lớn, sáng suốt không gì ngăn che, hết thảy chúng sinh và Phật ba đời mười phương đều là bóng ở trong gương cả, nên chỉ “Trì danh niệm Phật” ở trong tiếng tức là ở trong ánh sáng, mà ở trong ánh sáng tức là ở trong gương.

32.- “Bất đoạn trì danh”: Trì danh niệm Phật không dứt.

Mỗi ngày hai buổi, buổi mai và buổi chiều, lúc bận việc cũng như lúc rảnh rang, ở chỗ sạch sẽ hay chỗ nhơ bẩn đều một lòng chăm chú niệm Phật. Giả sử trong khi tiếp chuyện với khách, cái tướng niệm bề ngoài có gián đoạn đi nữa cũng chẳng qua gián đoạn thanh niệm, chớ không thể gián đoạn tâm niệm. Niệm Phật đến cảnh giới như thế thì dễ thành tam muội lắm vậy.

33.- “Bất tạp trì danh”: Trì danh niệm Phật không xen vọng tưởng.

Niệm Phật trừ được vọng tưởng là dứt hết tạp niệm tức nhiên chánh niệm phát hiện.

34.- “Cô thân trì danh”: Trì danh niệm Phật của người cô thân.

Những người không còn cha mẹ, chẳng có vợ con, thì không việc gì ràng buộc, nhân hoàn cảnh ấy mà niệm Phật thì dễ bề giải thoát hơn mọi người khác.

35.- “Kiết kỳ trì danh”: Trì danh niệm Phật kỳ hạn.

Niệm Phật có kỳ hạn từ bảy ngày. Pháp niệm Phật này có hai cách:

1/ Niệm Phật có kỳ hạn một mình thì phải sắm đủ cơm khô, nước trong, dầu, đèn, giường, mùng. Người xuất gia thì ở riêng trong liêu hay cất một cái thất trong vườn chùa mà ở. Còn người tại gia thì ở riêng một căn nhà dọn sạch sẽ hay làm một cái thất gần nhà tùy ý.

Trong chỗ ở niệm Phật chỉ vừa dọn một bàn thờ Phật và để giường ghế nằm ngồi. Trọn bảy ngày phải ăn ngọ, chăm chú niệm Phật, tụng kinh, xem luận, không được nghĩ đến việc khác, nhất là không giao tiếp với một người nào.

2/ Niệm Phật có kỳ hạn đông người, thì phải rước một vị Hộ thất sư, lập ra quy điều nghiêm ngặt. Đến ngày khởi thất, những món ăn, thức uống, nhang, đèn, bông, trái do ông Hộ thất sư chiếu biện đủ cả. Bắt đầu từ đó các vị đồng thất kia phải y theo quy đều đã định: Giờ nào lễ sám, niệm Phật, giờ nào ăn, giờ nào nghỉ, giờ nào thọ trì trong bảy ngày đúng theo quy điều đã lập.

36.- “Tụ hội trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc tụ hội.

Trong khi nhiều người tụ hội lại làm ban niệm Phật, phải sắp đặt có trật tự. Như lúc niệm Phật thì một người dẫn câu xướng lên trước, mấy người kia niệm theo sau; cứ niệm một tiếng thì gõ mõ một tiếng, tiếng nào mõ nấy cho đều, không lộn xộn mà loạn động tâm đi.

37.- “Thành tựu tha nhân trì danh”: Trì danh niệm Phật thành tựu cho người.

Hoặc ở một chỗ niệm Phật cầu nguyện cho người, hoặc đồng với người ở một chỗ niệm Phật có kỳ hạn, hoặc đem pháp môn niệm Phật giảng cho người biết, hoặc phá cái nghi niệm Phật giùm cho người, hoặc khuyên người bền chí niệm Phật, v.v...

Nhất là người sắp lâm chung, mình đi đến hộ niệm, khiến cho người sắp chết nhớ sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” vừa nhớ vừa niệm, làm cho người giữ được chánh niệm và vãng sinh.

Đó là thành tựu pháp huệ mạng cho người vậy.

38.- “Nạn trung trì danh”: Trì danh niệm Phật khi có nạn.

Trong lúc có tai nạn như giặc nổi dậy khắp xứ, bệnh truyền nhiễm lan rộng cùng nơi có người phát tâm niệm Phật cầu tiêu tai. Một người niệm thì một người được an, nhiều người niệm thì nhiều người được an. Bởi vì trong khi phát tiếng niệm Phật thì đã có ánh sáng quang minh của Đức A Di Đà trụ ở trên đảnh người, thì tự nhiên có các vị thiện thần ủng hộ cho khỏi tai nạn.

39.- “Mộng trung trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc chiêm bao.

Những người niệm Phật nguyện lực kiên cố và công phu thuần thục cái niệm ban ngày đã khắn khít, thì ban đêm lúc chiêm bao cũng nhớ niệm Phật luôn. Đó là một triệu chứng về sự vãng sinh chắc chắn cần phải tiếp tục niệm mãi, không nên thối chuyển.

40.- “Bệnh trung trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc bệnh hoạn.

Khi có bệnh, người ốm nên nghĩ rằng: “Bệnh là cái máy của sự chết, mà cái chết là cái ải của Thánh, phàm, tịnh, uế, do đó mà sai biệt, nên cho tịch khi đau ốm phải để tâm nhớ Phật bội phần, niệm danh hiệu Phật và tưởng cảnh Tây phương Cực lạc mãi, cũng như kẻ ở đất khách nhớ cha mẹ, nhớ làng nước, nhớ quê hương, một mực khoan khoái muốn về, không có chút gì bận lòng”.

Nếu nghĩ được như thế, thì đến lúc mạng chung, chắc có ánh sáng của Phật đến rước làm cái chí nguyện vãng sinh của mình được thỏa mãn.

41.- “Lâm chung trì danh”: Trì danh niệm Phật lúc sắp chết.

Những người niệm Phật lúc sắp chết phải dự tính rằng: “Chết là sự trọng yếu cuối cùng của đời người, nếu không nhớ niệm Phật thì cái đời tu hành của mình đã luống công mà cái khổ luân hồi cũng không thể nào tránh khỏi”.

“Lại cái thân tứ đại giả hợp của con người là vô thường. Thêm cõi Ta bà của con người ở là nhơ uế. Cái thân đã không bền, cái cõi lại không sạch, không đủ làm cho mình quyến luyến. Thế mà ngày nay mình chết, bỏ cái thân huyễn hóa để bắt cái thân liên hoa hóa sinh, từ cái cõi khổ ngũ trược ác thế mà về được cõi Cực lạc Tây phương chẳng khác nào mình đổi áo cũ rách mà lấy áo mới lành, thì có chi sung sướng bằng!”.

Nếu dự tính được như vậy, thì lúc sắp chết, tâm chẳng còn thương tiếc xác thịt và chẳng còn quyến luyến cõi đời, mà giữ được chánh niệm, thì được trực vãng Tây phương Cực lạc thế giới dễ dàng.

42.- “Phát nguyện sám hối trì danh”: Trì danh niệm Phật cần phải phát nguyện sám hối.

Những người niệm Phật phải có đủ ba điều cần thiết: “Tín, Hạnh, Nguyện”.

TÍN.- Trước hết phải tin lời Đức Thích Ca nói: “Từ cõi Ta bà này đi thẳng qua hướng Tây cách xa mười vạn cõi Phật, có một thế giới kêu là Cực lạc. Cõi ấy do hạnh nguyện vô lượng vô biên thanh tịnh với Đức Phật A Di Đà tạo thành, cũng như cõi Ta bà này do nơi vọng nghiệp nhơ bẩn của chúng sinh gây tạo ra vậy.

Kế đó ta tin Đức Phật A Di Đà là ông Giáo chủ ở cõi Cực lạc, xưa có lời thệ nguyện tiếp dẫn những chúng sinh niệm Phật trong mười phương về nước Ngài để hưởng cái vui lâu dài, cũng như Đức Thích Ca là ông Giáo chủ ở cõi ngũ trược ác thế này, xưa kia cũng thệ nguyện hiện thân thuyết pháp để hóa độ những chúng sinh có thiện căn ra khỏi cõi khổ sinh tử luân hồi.

Sau ta tự tin ta cũng có đủ trí huệ như Phật, song vì ta mê, Phật giác mà thành ra ta với Phật khác xa, nếu một ngày kia ta đoạn trừ hết vọng tưởng mê chấp rồi, thì ta với Phật không hai. Khi ấy, Phật tức ta, ta tức Phật.

HẠNH.- Khi ta đã tin chắc chắn rồi, thì ta phải thực hành theo sự tin ấy. Như ta đã tin Đức Phật A Di Đà có đủ thệ nguyện tiếp dẫn chúng sinh, thì hằng ngày ta phải chí tâm niệm danh hiệu Ngài mong cầu Ngài cứu độ. Ta đã tin nơi ta có thể làm Phật, thì thường bữa ta phải nhất tâm niệm Phật để diệt trừ vọng tưởng điên đảo.

NGUYỆN.- Trong khi ta thực hành theo cái của ta đã tin, thì ta cần phải phát nguyện lớn, lúc hiện tiền này sau bỏ báo thân được nhờ công đức của Phật mà được vãng sinh về Cực lạc thế giới, nghe pháp Vô sanh của Phật dạy, chứng quả Bất thối và được bổ xứ làm Phật để hóa độ chúng sinh.

Nhờ có nguyện lớn làm hướng đạo cho TÍN và HẠNH sự tu hành của ta mới đạt mục đích. Nếu có TIN và HẠNH mà không có NGUYỆN thì cũng như người tin chắc bên bờ kia có cảnh vui sướng, lo sắm ghe thuyền sẵn sàng mà lòng lại dần dà không chịu xuống ghe thuyền đi, thì làm sao qua đến bờ kia được, nên chi những người đã tin tu pháp môn niệm Phật cần phải phát nguyện mới được.

Song khi phát nguyện rồi, ta cần phải chí tâm sám hối những tội lỗi của ta đã làm; vì tội nghiệp do thân, khẩu, ý của ta tạo ra từ vô thỉ đến nay rất nhiều không kể hết. Vậy mỗi ngày, đối trước Tam Bảo, ta nên niệm Phật phát cầu xin sám hối. Như thế, tội nghiệp của ta càng ngày càng tiêu mà phước lại càng ngày càng lớn nhờ đó cái nguyện niệm Phật cầu sinh của ta không bị trở ngại, trong chín phẩm sen vàng ở ao bảy báu trên Tây phương Cực lạc thế giới thế nào ta cũng có được một.

Ngài Cổ Am Thiền sư nói: “Người ở bậc nào tu pháp môn Trì danh niệm Phật cũng đều có ứng nghiệm: Đương lúc sống thì phước duyên thêm nhiều, khi chết tội hết, nghiệp tiêu và được vãng sinh về Tây phương Cực lạc thế giới”

Chư Tổ cũng thường nói: “Người tu pháp môn niệm Phật” cầu đới nghiệp vãng sinh về cõi Tịnh độ cũng như cỡi thuyền buồm xuôi gió và thuận nước, chẳng nhọc sức mình chèo chống mà tự nhiên mau đến vậy”.

Nam mô A Di Đà Phật.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Bốn Mươi Hai Pháp Trì Danh Niệm Phật