Home > Khai Thị Niệm Phật > Neu-Tam-Chung-Sanh-Nho-Phat-Niem-Phat-Hien-Tai-Hay-Trong-Tuong-Lai-Nhat-Dinh-Thay-Phat
Nếu Tâm Chúng Sanh Nhớ Phật Niệm Phật Hiện Tại Hay Trong Tương Lai Nhất Định Thấy Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Chánh kinh:

Nhược chúng sanh tâm, ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật.

(Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, [sẽ trong] hiện tại hay trong tương lai, nhất định thấy Phật)

 
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Một câu chuyên niệm”. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Nhất tâm hệ niệm”. Kinh A Di Đà (bản dịch của ngài La Thập) chép: “Nhất tâm bất loạn”. Văn tự ba kinh tuy đây kia sai khác, nhưng ý nghĩa tương đồng. Kinh điển dạy chúng ta phải chú trọng cương lãnh tu hành, nếu muốn đạt được lợi ích công đức thù thắng, nhất định phải hiểu phương pháp tu học thì mới hòng mãn nguyện.

Chú tâm xem kỹ kinh điển, ta thấy trọng điểm chính là nhất tâm, chẳng những nhất tâm khi niệm Phật, ngay cả trong sanh hoạt thường ngày cũng phải nhất tâm. Niệm Phật chẳng qua chỉ là phương cách để huấn luyện nhất tâm đó thôi, chỉ có mỗi một niệm này, không còn niệm nào khác. Niệm niệm nối tiếp nhau, thành tựu tam-muội, trong hết thảy thời, hết thảy nơi, trong cảnh thuận hay cảnh nghịch đều giữ được nhất tâm. Công phu niệm Phật thành phiến, liền có sức để hàng phục phiền não, đó gọi là Sự Nhất Tâm. Cổ đại đức tán thán pháp môn này đều tán thán nơi một điểm sau: nhờ vào chút công phu bèn có thể siêu xuất tam giới.

“Sẽ trong hiện tiền hay trong tương lai, nhất định thấy Phật”. Thấy Phật là trong mộng thấy hoặc là trong định thấy. Định là tâm chẳng tán loạn. Kinh Hoa Nghiêm có đoạn chép khi Thiện Tài tham phỏng trưởng giả Uất Hương, vị đại đức ấy thích ra chợ để tu định tại đó. Lại như trong các bức bích họa ở Đôn Hoàng, Phật giảng kinh, thuyết pháp, trên trời có thiên nữ vừa ca vừa múa. Tu học ở mức độ cao chẳng giống với kẻ sơ học. Kẻ sơ học nhất định phải tìm cách xa lìa xã hội nhiễu nhương, đấy là điểm khác biệt giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa. Trong hiện tại, tu học nếu thành tựu thì so ra sẽ cao hơn cổ nhân nhiều lắm. Nếu tu chẳng thành tựu, lui sụt cũng lẹ.

Kế đó, trong mộng thấy Phật cũng là tướng lành tốt phi thường, nhưng ngẫu nhiên gặp thì được, nếu thường thấy chỉ sợ là cảnh ma. Học pháp môn Tịnh Độ có Phật, Bồ Tát gia bị, ma chẳng dám đến dụ hoặc. Kinh Lăng Nghiêm dạy rất tường tận. Người niệm Phật lúc lâm chung, ắt được Phật A Di Đà đến đón; nếu thấy bất cứ vị Phật hay Bồ Tát nào khác đến đón đều chẳng muốn theo, chỉ đợi A Di Đà Phật, các cảnh giới tốt đẹp khác bất tất phải quan tâm đến. Huệ Viễn đại sư, sơ tổ Tịnh Tông, lúc lâm chung nói: Một đời Ngài thấy Phật A Di Đà ba lần, còn thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới nữa, hoàn toàn giống như kinh nói.

Nhất tâm nhất ý chuyên niệm Tịnh Độ ngũ kinh, niệm đủ cả năm bộ cũng được, chọn lấy bất cứ bộ nào để niệm cũng được. Người niệm Phật thì nhiều nhưng vãng sanh thì ít, nguyên nhân là do miệng niệm nhưng tâm không niệm. Trong tâm thanh tịnh, bình đẳng, đại từ, đại bi, mới xứng là tâm niệm Phật, bởi lẽ tâm giống như tâm Phật. Tâm và nguyện đều giống với Phật thì Chân Như bổn tánh hiện tiền, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Giống như Thiền Tông “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”; chúng ta dùng một câu A Di Đà Phật cũng có thể đạt được. Vị Phật ấy là “phần chứng Phật”, chẳng phải là viên mãn Báo Thân Phật, chỉ là sơ trụ phần chứng Phật, vẫn còn có bốn mươi hai giai đoạn mới viên mãn.

Có những kẻ cả đời niệm Phật nhưng chẳng thể vãng sanh, nguyên nhân nói đại lược gồm 4 điều:

1. Một là vì niệm Phật chẳng tinh thành, niệm thứ nhất vừa mới tinh thuần, niệm thứ hai bèn xen tạp.

Lịch đại tổ sư đại đức đều là bậc thông Tông, thông Giáo, sau khi hiểu rõ Tịnh Độ bèn buông bỏ hết những thứ khác, chuyên tu Tịnh Độ. Trong những trước tác của đại sư Liên Trì, tinh hoa là bộ Di Đà Sớ Sao; trước tác tối trọng yếu của đại sư Ngẫu Ích là Di Đà Yếu Giải, Ấn Quang đại sư vào tuổi già chỉ dùng một bộ kinh A Di Đà, một câu Phật hiệu, ngoài ra chẳng còn có gì khác nữa.

2. Hai là vì sanh nghi, chẳng dốc lòng tin.

Tuy tu Tịnh Độ, cũng chịu niệm Phật, nhưng chẳng thể hoàn toàn tin mình có thể vãng sanh. Chỉ cần có một điểm nghi tình, lúc lâm chung dù có phước báo, thân không bệnh khổ, trí não sáng suốt, nhưng chỉ có thể sanh về biên địa. Kẻ phước báo kém hơn, thần trí chẳng sáng suốt, nghi chướng nổi lên, liền chẳng được vãng sanh. Nếu muốn phá trừ những nghi chướng ấy, hãy nên thâm nhập, nghiên cứu kinh giáo và tìm đọc những chuyện vãng sanh thật sự.

3. Thứ ba là do chẳng có nguyện vãng sanh.

Chẳng nguyện vãng sanh là mâu thuẫn với niệm Phật, dùng việc niệm Phật để tu phước, tương lai làm một con quỷ giàu có, có kẻ còn mong sanh lên trời, hy vọng tương lai hưởng phước trời, cầu phước báo trong cõi trời, cõi người.

4. Điều thứ tư là vì chẳng thể đoạn tham ái.

Tham cầu các thứ hưởng thọ trong tam giới lục đạo, phàm phu tham ngũ dục lục trần thế gian, người cõi trời tham phước báo thanh tịnh cõi trời, người Sắc Giới, Vô Sắc Giới tham hưởng thọ Thiền Định. Có tham ắt thành chướng ngại, chẳng thể vãng sanh.

Người tu Tịnh Độ chân chánh, ma chẳng dám đến nhiễu loạn. Thứ nhất là do niệm lực, tức là như kinh này nói: “Nhớ Phật, niệm Phật”. Thứ hai là bổn nguyện có Phật tánh lực, điều được niệm là tự tánh Phật, thanh tịnh bình đẳng đại từ bi là Phật. Thứ ba là được bổn nguyện của chư Phật gia trì. Với sức bổn nguyện oai thần gia trì của mười phương ba đời hết thảy Như Lai, ma dù có sức cũng chẳng thể đến nhiễu loạn.

Tập khí mang theo từ nhiều đời nhiều kiếp; nếu thường khởi ác niệm, thường gặp ác mộng, đấy đều là do ác nghiệp quá khứ, phải nỗ lực tu pháp môn sám hối. Chắc thật niệm Phật là chân sám hối. Niệm tướng hảo của Phật để đối trị hôn trầm, niệm công đức của Phật để đối trị vọng tưởng. Cảnh thuận nghịch trong một đời chẳng nhất định, hãy nhớ kinh Kim Cang dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Vinh hoa phú quý thế gian là vướng bận, có ai thỉnh mình làm Đại Phạm Thiên Vương mình cũng chẳng làm. Bệnh khổ cũng là một duyên gây thoái thất, đừng nghĩ tới nó, hãy nghĩ tới tướng hảo trang nghiêm của đức Phật.

Trong Quán Kinh Trực Chỉ, ngài Từ Vân đại sư đời Thanh nói: “Người thế gian nghiệp chướng sâu nặng, lúc hết thảy kinh chú sám pháp đều chẳng thể tiêu trừ được thì rốt cuộc một câu Phật hiệu có thể tiêu sạch, phương pháp hữu hiệu nhất là niệm Phật”.
 
Trích từ: Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    48 Pháp Niệm Phật, Cư Sĩ Giang Đô Trịnh Vĩ Am | Sa Môn Thích Tịnh Lạc, Việt Dịch
2.    Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
3.    Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Hương Nghiêm Hành Giả Sa Môn Quán Đảnh Tục Pháp | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
4.    Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Luân Quán Hội Nghĩa, Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
5.    Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Pháp Sư Viên Anh | Thích Nguyên Anh, Việt Dịch
6.    Kinh Tứ Thập Nhị Chương Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
7.    Niệm Phật Cảnh, Sa Môn Đạo Cảnh và Thiện Đạo Đại Sư | Hòa Thượng Thích Minh Thành, Việt Dịch
8.    Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ
9.    Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Pháp Sư Huệ Tịnh | Hòa Thượng Thích Giác Qủa, Việt Dịch
10.    Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch
11.    Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Đại Sư Phi Tích | Tịnh Sĩ, Việt Dịch
12.    Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn
13.    Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch
14.    Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Tiểu Bình Thật | Cư Sĩ Hạnh Cơ, Việt Dịch
15.    Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
16.    Tứ Thập Nhị Chương Kinh Lược Giảng, Trúc Pháp Lan đời hậu hán | Thượng Tọa Thích Vĩnh Hóa, Việt Dịch
17.    Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch