Home > Khai Thị Phật Học > Nam-Tram-Nam-Sau
Năm Trăm Năm Sau
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Người chân chánh cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới phải có tâm thanh tịnh. Nhưng chúng ta ai cũng là phàm phu chứ chẳng phải thánh nhân, phàm phu vẫn còn phiền não, tập khí tích lũy từ vô lượng kiếp đến nay. Chúng ta sanh trong thời đại này, thời đại ngày nay là thời đại gì? Là thời đại ‘đấu tranh kiên cố’. Trong kinh Kim Cang, Phật có nói đến ‘năm trăm năm sau’, [danh từ này] có nhiều cách giải thích, một trong những cách giải thích là năm lần năm trăm năm sau -- thời Chánh pháp dài một ngàn năm, Tượng pháp dài một ngàn năm, Mạt Pháp mười ngàn năm; năm trăm đầu tiên của thời Mạt Pháp tức là năm trăm năm này. Ðức Phật nói đây là thời đại đấu tranh kiên cố.

Năm trăm năm thứ nhất – năm trăm năm đầu tiên sau khi Phật diệt độ -- là thời kỳ ‘giải thoát kiên cố’, lúc đó người tu hành chứng quả rất nhiều, kinh điển Phật pháp được kết tập trong thời đại này, cho nên những vị tham dự kết tập kinh điển tối thiểu cũng chứng được Tam Quả trở lên, phần đông đều là Tứ Quả A La Hán.

Năm trăm năm thứ nhì là thời kỳ ‘thiền định kiên cố’.

Năm trăm năm thứ ba là thời kỳ ‘đa văn kiên cố’. Ða văn nghĩa là chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu, thảo luận kinh giáo, giảng kinh thuyết pháp mà chẳng chú trọng vào việc tu hành.

Năm trăm năm thứ tư là thời kỳ ‘tháp tự kiên cố’. Lúc đó chẳng còn tinh thần để thảo luận về Phật học, mọi người đều bận rộn công việc xây dựng chùa miếu.

Năm trăm năm thứ năm là thời kỳ ‘đấu tranh kiên cố’. Dựa vào sự ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ đến nay (1995) là ba ngàn lẻ hai mươi mốt năm (3021 năm), cũng tức là mở đầu của năm trăm năm thứ bảy. Ðây là thời kỳ đấu tranh, đấu tranh không ngừng. Chúng ta suy nghĩ kỹ xem có chỗ nào chẳng đấu tranh? Thật ra lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế có hết thảy chín mươi sáu nhóm ngoại đạo đối lập với Phật pháp; còn trong Phật môn có Ðề Bà Ðạt Ða, nhóm sáu tỳ kheo kết bè kết đảng nhiễu loạn Tăng đoàn, phá hòa hợp tăng, thậm chí còn muốn ám hại đức Phật Thích Ca. Ngoài ra nhìn lại lịch sử Trung Quốc có đạo tràng nào chẳng có đấu tranh? Trong đạo tràng có rồng rắn lẫn lộn, có người tu hành tốt và cũng có người cốt ý muốn phá hoại, đây là chuyện bất cứ đoàn thể nào cũng chẳng tránh khỏi. Ðây là một sự bất hạnh của nhà Phật và cũng là hiện tượng chúng sanh phải gặp nạn và chịu khổ.