Đại sư Châu Hoằng (1532 1612), hiệu Liên Trì, người đời Minh. Tuổi trẻ thông minh học rộng, có căn duyên với pháp môn Niệm Phật. Năm 32 tuổi, Đại sư xuất gia, học đạo với Tiếu Nham thiền sư, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?” đạt ngộ. Niên hiệu Long Khánh thứ năm, Đại sư trú tại núi Vân Thê, trước tác bộ Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao, tận lực xiển dương pháp môn Tịnh độ. Đại sư nói:
Người học Phật, không cần phải hình thức trang nghiêm, mà chỉ quý ở chỗ tu hành chơn chất.
Người cư sĩ tại gia niệm Phật, không nhất định phải mặc y phục như tu sĩ, mà chỉ cần búi tóc gọn gàn, mặc thường phục là được.
Người niệm Phật không nhất định phải gõ mỏ hay đánh trống, nếu ưa thích sự tĩnh lặng thì có thể tự niệm Phật trong sự yên tịnh.
Người niệm Phật không nhất định phải tạo thành hội đoàn đông đảo, nếu e ngại việc ấy thì có thể tự đóng cửa niệm Phật.
Người niệm Phật không nhất thiết phải vào chùa nghe kinh, nếu biết chữ thì có thể tự y theo giáo pháp mà niệm Phật.
Người ngàn năm đốt hương cúng Phật, không bằng người ngồi an tịnh trong nhà niệm Phật.
Người cung phụng tà sư không bằng người hiếu dưỡng cha mẹ mà niệm Phật.
Người kết giao bè bạn ác không bằng người ở một mình nơi thanh tịnh niệm Phật.
Người gởi tiền ngân hàng để lo cho cuộc sống tương lai, không bằng người hiện tại làm phước, niệm Phật.
Người ôm giữ trong lòng những tâm nguyện nhơ bẩn, không bằng người sám hối, niệm Phật.
Người học tập thơ văn ngoại đạo, chẳng bằng người không biết một chữ mà niệm Phật.
Kẻ vô tri vọng luận thiền lý, chẳng bằng người hết lòng trì giới, niệm Phật.
Kẻ mong cầu thần thông yêu quỉ, chẳng bằng người chánh tín nhân quả mà niệm Phật.
Nói tóm lại, người niệm Phật với tâm ngay thẳng, không làm các điều ác, đó gọi là người thiện. Nhiếp tâm trừ tán loạn, người niệm Phật như vậy gọi là người hiền. Giác ngộ bổn tâm, đoạn trừ mê hoặc, người niệm Phật như vậy gọi là bậc Thánh.
Nay chỉ đối với người niệm Phật ở nơi Sự, phân làm ba hạng:
Hạng thứ nhất: Lòng tin chân thật thiết tha, chân chân thật thật, nhất tâm niệm Phật.Tuy cùng mặc áo, ăn cơm, làm việc, buôn bán bình thường nhưng chỉ tin một việc này, đi cũng A Di Đà, ngồi cũng A Di Đà, dù bận rộn như tên bắn cũng không rời A Di Đà, tinh tấn chẳng lùi. Hôm nay cũng như thế, ngày mai cũng như thế, năm nay cũng như thế, năm sau cũng như thế.
Hạng người này, Đức Phật nhất định hộ niệm, lúc mạng chung người ấy nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Hạng thứ hai: Hoặc tâm không chuyên nhất, họ cũng biết sự lợi ích của niệm Phật nhưng tục niệm nặng nề, chánh niệm, cạn mỏng, vừa mới niệm Phật thì trong tâm lại nghĩ việc khác, một nóng mười lạnh, niệm một ngày lại bỏ mười ngày.
Niệm Phật giống như hạng người này, dù niệm đến già cũng không được gì, chẳng qua chỉ là gieo trồng căn lành mà thôi. Đời sau có duyên chạm đến điểm căn lành này thì bắt đầu mới chân thật tu hành một phen mới mong có được thành tựu.
Hạng thứ ba: Miệng niệm, tâm không niệm. Người này vốn chẳng biết sự lợi ích của niệm Phật mà chỉ hâm mộ danh tu hành. Hôm nay ở trong hội Phật này đi theo một người niệm một ngày, ngày mai ở trong hội Phật kia đi theo người niệm một ngày, tuy là có danh niệm Phật một ngày nhưng kỳ thật chỉ là qua suông. Thời gian nói chuyện phiếm thì nhiều, thời giờ niệm Phật thì ít. Ở trong Phật đường vốn đã có tham sân si ái, ra khỏi Phật đường tất tránh không khỏi việc tham sân si ái.
Người này so với hạng thứ hai kém hơn nhiều. Ba hạng người nói trên, hạng thứ nhất rất ít, hạng thứ ba cũng không nhiều lắm, chỉ có hạng thứ hai mọi người dễ phạm vào. Do chúng sanh cõi Ta Bà bị vật dục che lấp, vọng niệm khó trừ cho nên mới như thế.
Có người vì muốn tụng Kinh, lễ Phật nên thường đến chùa.
Có người vì muốn cầu nguyện cho gia đạo bình an nên đến chùa.
Có người vì muốn cầu công danh, cầu phú quý, cầu công chuyện làm ăn được suông sẻ, nên đến chùa.
Có người vì muốn cầu tình duyên, hy vọng gặp được người vừa lòng hợp ý để gắng kết trăm năm, nên đi chùa.
Có người vì muốn tìm kiếm cho mình chút an tịnh, chút bình an trong tâm hồn, nên đi chùa.
Có người vì muốn tu chút phước qua việc làm công quả, nên đi chùa.
Cũng có người vì muốn xin xăm, bóc quẻ để coi xem mình có tốt không, nên đi chùa.
Cũng có người chỉ đơn thuần là để được ăn chè xôi, hoặc đồ chay, nên đi chùa.
Cũng có người vì được bạn bè rủ rê nên vì ham vui mà đi chùa.
Tuy mục đích mỗi người khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là vì công danh phú quý, vì tự tư tự lợi mà đến chùa. Những mục đích này đều chẳng xấu, chẳng sai, nhưng đây chưa phải là mục đích chánh yếu và đích thực cần có của một người khi đến chùa. Đây là lý do mà mặc dù có người đi chùa rất nhiều năm, thậm chí cả đời, nhưng trong lòng vẫn đầy dẫy những phiền não, lo âu và khổ đau, họ không biết cách nào để có thể thoát ra khỏi những cái vòng lẫn quẫn này. Nhiều khi càng đi chùa chừng nào thì trong lòng càng bực bội, phiền muộn nhiều chừng đó. Hoặc cũng có người làm công quả lâu năm trong chùa, phước kiếm được đó có được bao nhiêu nhiều hay ít vẫn chưa biết, nhưng tính tình thì ngày càng khó khăn hơn, hà khắc hơn.
Vậy mục đích chánh yếu của việc đi chùa là gì? Chỉ gói gọn trong bốn chữ "Đi chùa cầu Đạo". Khi đến chùa, trước là để lễ kính chư Phật, Bồ Tát, sau là tìm thầy hỏi Đạo để tìm ra con đường tu hành đúng đắn phù hợp với đạo lý, để khi về ứng dụng vào đời sống tu hành, nhằm tăng trưởng trí tuệ và hạt giống từ bi, tránh được những mê tính không đáng có trong đạo Phật. Công đức của việc đi chùa là từ đây mà có được.
Tuy rằng việc đi chùa để cầu danh lợi, cầu công danh phú quý, cầu bình an trường thọ là không xấu, nhưng phải cẩn thận với những mục đích này. Vì sao? Vì rất dễ tạo tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Đó là tội phỉ báng Phật, Bồ Tát. Hằng ngày anh đem vài vật phẩm đến chùa cúng dường đó, nhưng lại mong muốn Phật, Bồ Tát sau khi dùng xong thì phải phù hộ cho những ước nguyện của anh được như ý. Đây chẳng khác nào anh đem Phật, Bồ Tát biến thành tham quan mất rồi, chuyên đi nhận đồ hối lộ của tín chúng. Cũng có người đem vật phẩm đến cúng dường được vài ba lần, nhưng lại chẳng thấy những ước nguyện của mình được như ý, thì liền trở mặt, cho là Phật, Bồ Tát không linh, đã nhận đồ cúng dường của họ rồi mà chẳng chịu phù hộ cho họ, rồi thì không tiếp tục đến chùa nữa. Tội lỗi là do đây mà ra.
Chúng ta là những người Phật tử, là những đứa con trong gia đình Như Lai, thì cần phải có cái nhìn chân chánh đối với mục đích của việc đi chùa, để không tạo ra những thông lệ, những mê tín không lành mạnh, để tránh những hiểu lầm của những người xung quanh đối với việc đi chùa. Để việc đi chùa trở nên có ý nghĩa hơn, và cao đẹp hơn.
A Di Đà Phật! Người không biết đủ thì dù cho vàng bạc đầy nhà thì vẫn là người nghèo, vì họ không biết trân quý những gì đang có trong tay họ, tâm họ luôn mong cầu, vọng ra bên ngoài những vàng bạc của thế gian, nên tuy họ giàu nhưng vẫn nghèo. Còn người luôn biết đủ, thì dù họ nghèo nhưng vẫn giàu, vì họ biết trân trọng những gì có trong tay, họ không mơ mộng hão huyền về những cái không thuộc của họ, tâm họ không vọng cầu ra bên ngoài về những tiền tài của thế gian.
Trích từ: Báo Cáo Tâm Đắc Và Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc Của Hòa Thượng Tịnh Không